Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

GÃY HAI NHỊP CẦU

GÃY HAI NHỊP CẦU
Thủy Lâm Synh




Thìn đặt hai thúng lúa xuống trước sân nhà máy xay, giở nón phe phẩy cho đỡ nóng. Trời đã trưa, những tàu lá chuối trong vườn đứng thiêm thiếp không một chút lay động. Mấy ngày liền, trời cứ hâm hấp thế nầy rồi xòa xuống một cơn mưa thật nặng khiến lúa bắp phơi ngoài sân cứ nơm nớp sợ ướt bất tử. Một đứa bé gái trạc 12-13 tuổi hớt hải chạy lao vào sân nhà máy xay cố gắng gọi lớn:
“Mẹ ơi... mẹ ơi... cầu sập”
Thìn liệng nón xuống đất, rượt theo chụp lấy vai con bé lôi ngược:
“Cầu nào sập, mầy nghe ai nói cầu sập?”
Con bé giật thót người ấp úng:
“T..tu...tui chơi ở xóm trên, nghe người ta khóc quá trời, nói cầu Cần Thơ đang xây bị gãy hai nhịp.”
Tim Thìn đập thình thịch, nàng nghĩ tới Luân, người chồng mới cưới chưa đầy một tuần. Luân được người bạn cùng chạy xe ôm bên Đồng Thạnh dắt đi làm cho một hãng thầu con hơn tháng nay. Thìn vội vã quay ra sân, móc chiếc đòn gánh vào hai thúng lúa, gánh vào gởi trong nhà máy, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Vừa tới ngõ, mấy người lối xóm đang lẩn quẩn trước sân, Thìn có linh cảm một việc chẳng lành vừa xảy đến. Quả đúng như thế, họ đến để hỏi thăm Thìn vì có người trên xã báo tin về là Luân bị thương nặng, hiện đang chở đi bệnh viện Cần Thơ.
Tay chân bủn rủn, mặt Thìn tái mét như người mắc bệnh hậu sản, nước mắt bắt đầu chảy xuống má. Dưới bóng mát cây xoài, một người đàn bà còn trẻ, nãy giờ ngồi trên yên xe gắn máy rộng lượng buột miệng:
“Chị vào trong lấy cho anh ấy bộ đồ, chị cũng đem theo một vài bộ, tôi chở chị đi bệnh viện thăm anh ấy, nhanh lên!”
Thìn chưa kịp cám ơn lòng tốt của bà con lối xóm đến hỏi thăm, nàng lao vào buồng ngủ, quơ đại vài bộ đồ, vo tròn nhét vào cái túi lác bước ra sân, phóng lên xe. Chiếc Honda cũ rích, lỏng bạc xịt khói như phản lực chạy vụt ra khỏi sân.
Chiếc gắn máy gắng hết lực nổ giòn tiến về hướng ‘bac’ Cần Thơ, bỏ lại sau lưng hai bên làng mạc, ruộng vườn. Hai người vừa đến bến thì ‘bac’ cũng vừa mở cổng, phải mất hơn tiếng, kể cả thời gian hỏi thăm đường, hai người mới đến nơi. Sân bệnh viện Cần Thơ lúc bấy giờ người ta lao xao như cái chợ. Ngoài xe cứu thương, còn có xe nhà binh, xe vận tải và cả xe gắn máy; người ta chở thương về bằng đủ thứ phương tiện – tùy trường hợp nặng nhẹ –. Ánh đèn xe cứu thương nhấp nháy một góc ngay trước cửa phòng cấp cứu. Tiếng gọi, giục, chỉ thị, than thở, loại nào cũng vội vã, hấp tấp... Nhiều nhóm tụ năm, tụ ba, bàn tán, pha lẫn tiếng khóc đây đó.
Xuống xe, lao thẳng vào phòng cấp cứu, Thìn chạy theo một cô gái mặc áo trắng ngắn tay:
“Cô ơi nạn nhân tên Trương Văn Luân ở đâu hở cô?
Cô gái lúng túng một giây:
“Em là sinh viên vào đây hiến máu, để em dẫn chị đi tới chỗ nầy”
Đoạn cô gái lôi tay Thìn tới phòng y tá, nàng hỏi thay Thìn:
“Chị ơi, chị xem hộ cho người... nhà chị nầy đang ở phòng nào?”
Vừa nói, cô sinh viên quay qua Thìn:
“Anh ấy tên gì?
“Dạ, tên Luân họ Trương ạ,”
Cô y tá từ tốn lật quyển sổ, lấy ngón tay trỏ kéo từ trên xuống rồi ngừng một thoáng đưa mắt nhìn Thìn:
“Có phải anh Luân sinh năm 1979 tại Qui Nhơn, hiện ở Mỹ Hòa, Bình Minh không chị?”
“Dạ đúng rồi”
Mặt tiu nghỉu, cô y tá rời ghế đến ôm vai Thìn:
“Chị ơi, anh bị thương nặng quá, chúng tôi bất tài đã không cứu nổi anh.”
Nghe chưa hết câu, toàn thân Thìn ngã như cây chuối. May mà cô y tá và cô gái kia còn đứng đó chụp lấy Thìn, nếu không đầu cô sẽ va vào cánh cửa. Mấy người gần ấy xúm lại khiêng Thìn ra ngoài đánh gió, một lát sau, Thìn mới tỉnh lại.
Đầu óc Thìn rối bời, nàng ôm mặt khóc. Nàng chưa tin là Luân có thể chết, nàng hi vọng những tin tức vừa rồi sai sự thật. Sáng nay, khi vội vã đẩy xe ra khỏi nhà để đi làm, Luân còn hứa chiều về sẽ mua cho Thìn chục mận. Anh giã vờ gọi Thìn đến dặn nhỏ nhưng là để gởi lại nàng chiếc hôn trên má.
Tha hương ngộ cố tri, Gặp người cùng xứ sở, cảm mến nhau qua giọng nói, Thìn và Luân thân quen nhau, yêu nhau và lấy nhau. Ái ân chưa trọn, Luân lại bỏ ra đi. Nhưng tiếng khóc ai oán, nức nở của Thìn lúc nầy không làm ai xúc động. Mỗi người có một hoàn cảnh đáng thương. Ngồi ở đây, những tiếng khóc ấy cứ dội vào tai Thìn mỗi lúc một nhiều hơn khiến đầu óc Thìn thêm rối. Thìn không biết là có nên đưa xác chồng về lại Qui Nhơn để cùng gia đình anh ấy lo việc mai táng hay không! Có lẽ không, Thìn không thể đưa Luân về Qui nhơn vì quê hương đó đã hơn một lần ghi dấu gãy đổ. Dĩ vãng như một vết thương còn mưng mủ, trong tình huống buồn, vui lẫn lộn lúc nào có dịp là nó cứ tuôn về. Bốn năm trước, một biến cố xảy đến đã tạo cho đời Thìn một khúc quanh quan trọng. Dòng họ nhà Thìn cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Chồng trước của Thìn là Hổ, cái tên nghe như một lãnh chúa sơn lâm, thật ra anh ta ốm yếu như một con mèo. Đám cưới vừa đúng một tuần, Hổ lăn đùng ra chết, cái chết của Hổ đã làm cho dư luận khu Gềnh Ráng ai cũng biết. Một đồn mười, mười đồn trăm. Bao nhiêu tiếng xấu miễn phí được phía nhà Hổ trút lên đầu Thìn. Đặc biệt là đứa em gái tên Hà và bà cô chồng đã bịa thêm chuyện để bêu riếu một cách không tiếc lời.
Chao ơi! Chính bà cô chồng đồng bóng nầy là người coi tuổi cho Thìn và Hổ. Trong buổi tiệc cưới, bà hùng hổ phun ra một câu nghe hết sức thần thánh: “Hai đứa nầy hạp tuổi lắm, chúng mà không giàu có và sinh một đàn con thì đem đầu tôi ra chém”.
Thế mà bây giờ đây lại cũng chính bà mạt sát Thìn thậm tệ. Thìn mang tiếng giết chồng đã đành, phía cha mẹ Thìn có liên hệ gì đâu, cũng bị chửi rủa là đã sinh ra đứa con có tướng sát phu, nào là sinh ra một con quỷ cái để hại cho dòng họ nhà Phạm tuyệt tự.
Hai mươi bốn tháng nặng nề như cổ xe tang vừa qua. Nghĩa là theo tục lệ ông bà để lại, mãn tang chồng, Thìn can đảm đứng trên đôi chân của mình xin phép từ giả cảnh cay đắng làm dâu nhà Hổ. Lẽ dĩ nhiên, chuyện qua đời của Hổ cũng dần dà nguôi ngoai nên ba má Hổ đã giảm thiểu rất nhiều cảnh giằng mâm xán bát. Cha mẹ nào không thương con. Ba Hổ thì quan niệm tử sinh đều có số, Hổ chết yểu thì âu đó cũng là số mệnh của anh ta. Duy có bà cô và cô em chồng tên Hà thì gặp Thìn ở đâu, bất cứ lúc nào cũng nguýt háy và có đề tài nói cạnh nói khóe...nói những câu tục tằng là khác.
Cha Hổ đằng hắng nói:
“Chuyện đã qua, cha mẹ không còn trách hờn gì con nữa, ở lại hay ra đi bây giờ là quyền ở con”.
Mẹ Hổ xen vào:
“Ảnh chỉ bên đó có phúc nên có nhiều con cái hay là con cứ việc ở đây với cha mẹ, nếu con không định bước thêm bước nữa”.
Ba Hổ nhíu mày:
“Bà nói vậy mà nghe được, con nó còn trẻ, tại sao nó lại phải ở nhà nầy. Ở làm đầy tớ cho bà à?”
Hà từ phía nhà chồng cô ấy về lúc nào không rõ, vén màn cửa nhà bếp bước lên vọt miệng:
“Đi chớ ở đây động cỡn ai chịu cho nổi”
Cha mẹ Hổ khó chịu.
Thìn vẫn đứng yên cúi mặt, lâu nay cô bé nầy quá quắt, Thìn đã nhịn nhiều rồi, nàng muốn nhào tới vả vào cái miệng nhọn, mỏng môi, hỗn hào kia một cái cho rụng răng rồi việc gì thì việc nhưng Thìn đã dằn lại được; ‘chín bỏ làm mười’ trước lúc chia tay cũng có thể lưu lại chút cảm tình hơn là ẩu đả như ngoài chợ.
Thìn lên tiếng:
“Thưa cha mẹ. Con không muốn khơi lại chuyện xưa nhưng anh Hổ qua đời là do số mạng anh ấy vắn chớ con không có lỗi gì cả. Ai lại muốn chồng mình chết, ai lại không muốn tròn đầy hạnh phúc, nối tóc tới già. Anh Hổ chết, con cũng đau khổ chớ có riêng gì cha mẹ đâu!”
Lại cô em chồng đanh đá:
“Tui biết quá mà, sau khi anh tôi chết, mồ chưa xanh cỏ là chị đã có ý đú đởn với người ta rồi, chị ngứa quá, có chịu để cho cái ...yên đâu”
“Bộp”
Chưa hết câu, cha Hổ chờm tới tát cho Hà một cái nên thân. Hà ù té chạy ra ngõ. Như trả được mối thù, Thìn trong lòng phấn khởi nhưng ngoài mặt vẫn giữ nét buồn kinh niên cho đúng thủ tục.
Thế là từ đó, Thìn rời xa thành phố Qui Nhơn thân yêu. Cuộc sống tha phương cầu thực đã không làm cho Thìn bỏ qua việc tìm hiểu thêm về hội chứng “thượng mã phong” mà nàng hiểu là Hổ qua đời vì nó. Cái chết của chồng cũ đã làm cho Thìn có chút buồn pha chút lãng mạn. Thìn tìm đọc nhiều sách báo, đến những quán internet để may ra có rút tỉa những kinh nghiệm nào đó. Nơi đây, Thìn được biết những cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ thì hầu như những người chết vì thượng mã phong đều thuộc vào hàng có tên tuổi, vì báo chí có khuynh hướng thổi phồng những tin giựt gân. Nguyên nhân chết không do giao hợp mà do người ấy đã bị bệnh trước rồi. Dĩ nhiên cái gì quá độ cũng đều dẫn đến những hệ lụy như trường hợp Hổ, dù không đêm bảy ngày ba nhưng anh ấy rất ham... nên kiệt sức. Và một điều lạ là báo chí không thấy đề cập đến phụ nữ, làm như các bà không hề chết vào lúc đó, cũng có thể về mặt ngôn ngữ, không lẽ người ta dùng chữ ‘hạ mã phong’ (¿) mặc dù việc gối chăn từ cổ chí kim các bà thỉnh thoảng cũng ở vị thế thượng chớ đâu phải lúc nào cũng hạ.
Điều đáng nói hơn nữa là xưa nay con người có quá nhiều chuyện đột tử: chết vì cười ngất, chết vì khóc ngất, vì đi xe đạp, xe hơi, máy bay, khi ăn uống, ngủ nghỉ... thì lẽ đương nhiên khi sướng cũng có thể chết được đó là chuyện ngẫu nhiên. Người bị đột tử có thể đã mắc bệnh từ trước. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới thì bệnh cao áp huyết có thể giết chết con người bất cứ lúc nào vì chúng ít có triệu chứng để phòng ngừa. Một nghiên cứu mới nhất của giáo sư Gordon Smith của trường đại học Madison, bang Wisconsin Hoa kỳ thì trên 4.320 trường hợp đột tử cho thấy có 29 trường hợp xảy ra ngay lúc đang sinh hoạt tình dục, trong đó phần lớn là những người đã mắc bệnh tim mạch từ trước. 18 tình huống xảy ra trong khách sạn, 80% là ngoại hôn, có 2 phụ nữ. Đó là phần khoa học, còn ‘truyền khẩu dân gian” thì không thể nào kể hết vì tình dục vẫn là lãnh vực nhiều chuyện nhất trong các loại sinh hoạt của con người.
Nhưng theo sách vở thì đa số các trường hợp thượng mã phong được rỉ tai nhau đều là nói dóc hoặc tưởng tượng với các chi tiết ly kỳ như dương vật không bao giờ ‘xìu’, muốn chữa trị người vợ phải dùng vật nhọn đâm vào cuối xương cụt của chồng để kích thích thần kinh. Nghe truyền miệng rằng phụ nữ ngày xưa có tục mang trâm để đề phòng chuyện ấy. Thú thật, khi ông xã đang lâm trận, anh ta như con hổ vồ mồi, đùng một cái nằm bất động, gọi anh ơi, anh hỡi mãi không thấy trả lời là người vợ cũng hồn bất phụ thể chứ ở đó mà đi tìm ‘chiếc trâm em cài’ hoặc ai còn tỉnh táo mà nhổ nắm lông quanh hậu môn hoặc chỗ nào nhạy cảm nhất của ông xã để giành lại sự sống với tử thần. Chính Thìn đã nghiêng mình cho Hổ lăn ra giường, quờ quạng trong bóng đêm mặc quần áo rồi tìm cái quần đùi mặc vào cho Hổ trước khi chạy ra ngoài kêu cha mẹ Hổ vào. Khi đó, ai cũng trách Thìn là tại sao không để nguyên lúc ‘ta đưa nhau về nguyên thủy loài người’ mà lại đợi cho xong các thủ tục y phục mới gọi. Thú thật, không ai chịu nổi cảnh để thân thể lõa lồ như thế cho người khác vào làm cái công việc cứu cấp.
Hai nhịp cầu gãy đổ. Thìn biết được lý do chính đáng cho cuộc hôn nhân đầu đời nhưng cuộc hôn nhân hiện tại thì sao? Lẽ nào đôi gò má cao là tướng sát phu của Thìn lại có mảnh lực làm gãy hai nhịp cầu Cần Thơ để khiến cho người chồng mới cưới ra người thiên cổ, chắc trong số gần 70 người chết ấy thế nào cũng có những bà vợ có tướng sát phu chứ đâu thể nào có mỗi mình Thìn. Thìn chạy vào phòng vệ sinh, đứng soi mặt mình trong gương thật lâu, nàng đưa hai bàn tay lên gò má ấn mạnh. Thìn tự nhủ: ‘Phải chi thấp xuống một tí thì hay biết mấy!’.

Không có nhận xét nào: