Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

DÙNG NƯỚC ĐỂ TRỊ BỆNH

DÙNG NƯỚC ĐỂ TRỊ BỆNH

Phan Lục


Nước là một chất dinh dưỡng thiết yếu của mọi sinh vật. Nhịn đói lâu ngày không thể chết nhưng nhịn khát một hai ngày thì sức khỏe sẽ kiệt quệ gây đe dọa cho sinh mệnh. Vì thế, uống nước là để giữ gìn cơ thể khỏe mạnh. Uống nước là một cách rửa ruột để tống khứ các độc tố ở lại trong đường ruột rồi tìm đường trở vào máu gây bệnh tật. Uống nước nhiều làm cho máu lưu thông mạnh hơn, đi tiểu nhiều hơn để đẩy các chất bẩn trong cơ thể trôi ra ngoài. Nếu mỗi buổi sáng đều được tắm bên ngoài và tắm cả bên trong cơ thể thì thoải mái biết bao !
Vào thập niên 60, ở nước ta có phong trào uống nhiều nước lạnh mỗi buổi sáng để phòng bệnh và chữa bệnh theo phương pháp điều trị của Nhật bản. Sau một thời gian áp dụng, có người cho rằng phương pháp này rất tốt vì chữa được các thứ bệnh nội thương như nhức đầu, huyết áp cao, thiếu máu, mập phì, táo bón, nôn mữa, đau dạ dày, mệt mỏi, ho suyễn v.v..., bệnh mắt, bệnh tai mũi họng, bệnh đàn bà... Tuy nhiên, cũng có người cho rằng uống nước quá nhiều gây trụy tim mạch, phù thận hoặc làm rối loạn tuần hoàn và tiêu hóa. Tôi nghĩ cả hai trường hợp đều có thể đúng. Uống nước quá nhiều trong khi cơ thể chưa quen thì tim phải tăng cường hoạt động để bôm máu đi và hút máu vào. Như vậy, tim phải làm việc quá sức thì trụy tim là phải. Và uống nước quá nhiều rồi sau một vài giờ sẽ phải đi tiểu nhiều. Thận là nơi lọc máu, tạo ra nước tiểu nên nếu thận phải làm việc quá sức thì không lọc máu kịp nên gây ra phù thận cũng là phải. Chẳng những thế, nếu buộc cơ thể phải làm việc và chịu đựng quá sức thì tất nhiên sinh ra rối loạn tuần hoàn hay tiêu hóa và nhiều thứ bệnh khác. Ngược lại, nếu thiếu nước thì có thể sinh ra bệnh táo bón hoặc tiền liệt tuyến chẳng hạn. Nếu uống nước đúng cách, tập luyện thành thói quen thì cơ thể có khả năng chịu đựng và phòng chống được bệnh tật. Mỗi người tùy theo điều kiện riêng của mình mà tìm cách tập luyện cách uống nước sao cho có hiệu quả tốt nhất. Uống nước là một sinh hoạt bình thường hàng ngày chứ không bị gò bó như uống thuốc. Mỗi ngày uống bao nhiêu nước là tùy cơ thể của mỗi người nhưng đừng bao giờ để cho cơ thể bị thiếu nước. Đàn bà uống nước ít hơn đàn ông. Người mập, sức khỏe yếu, ít hoạt động thì uống nước ít hơn người gầy nhưng khỏe và làm việc nhiều. Bình thường mỗi ngày nên uống từ 1 lít rưởi đến 2 lít nước mà phần lớn là nước trong sạch. Có thể uống thêm nước trà hoặc nước trái cây nhưng nên hạn chế uống nước đóng hộp có hơi (gas) và chứa nhiều đường. Nên tránh uống nước trong bữa ăn và ngay sau bữa ăn, kể cả lúc ăn đồ khô, để các hóa chất trong bộ tiêu hóa không bị đánh lỏng gây kém hiệu quả cho việc tiêu hóa. Từ khoảng 6 giờ chiều trở đi, cũng nên tránh uống nước để ban đêm đỡ phải đi tiểu nhiều có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, ai cũng nên uống nước vào buổi sáng và cố uống nhiều hơn một chút vì mỗi buổi sáng trong khi bộ tiêu hóa còn lại rất ít thức ăn đang tiêu hóa thì việc rửa ruột rất thích hợp. Còn trong ngày thì khoảng mỗi giờ một lần hoặc khi nào thấy khát thì uống nước, cứ uống rồi thở và thở rồi uống hoặc vừa uống nước vừa xoa bụng là rất tốt. Cứ gặp nước gì thì uống nước đó như nước sôi để nguội, nước trà pha loãng, nước ấm, nước lạnh v.v... Tuy nhiên, phải uống nước nấu chín hoặc lọc kỹ chứ đừng uống các loại nước kém vệ sinh ở dọc đường. Tốt nhất là buổi tối đựng nước trong một cái bình để qua đêm cho lắng các chất bẩn xuống rồi uống vào sáng hôm sau.
Trong nhiều trường hợp cần phải uống nhiều nước vì cơ thể bị thiếu nước như lúc đi dưới trời nắng hoặc khi tập chạy bộ hoặc bị tiêu chảy, ói mửa, ngộ độc thức ăn v.v...
Vì ở đâu cũng có nước, lại dùng hàng ngày quá quen nên ít ai để ý đến tác dụng của nước. Đặc biệt theo kinh nghiệm dân gian, nước có thể dùng để chữa trị nhiều thứ bệnh. Mới nghe qua thì khó tin nhưng cứ thử áp dụng rồi sẽ thấy giá trị của nó.
- Xắt vài lát gừng vào nước đem nấu sôi chừng 5 phút cho được một ly rồi pha chung với một ly nước lạnh, chia làm hai lần cho uống thì dứt ngay bệnh tiêu chảy, nôn mửa hay khó tiêu.
- Sáng sớm khi mới vừa ngủ dậy chưa làm gì hết, uống 2 hoặc 3 ly lớn nước lọc, nếu pha nửa nước nóng nửa nước lạnh càng tốt, thì sẽ giúp cho nhuận trường và trị được táo bón.
- Mỗi ngày uống thật nhiều nước (khoảng 2 lít) nửa nóng nửa lạnh thì các bệnh sỏi thận, huyết áp cao, cholesterol trong máu, tiểu đường đều thuyên giảm. Bệnh hôi miệng cũng khỏi được nhờ uống nước nhiều làm cho nước miếng loãng ra khiến cho vi khuẩn không còn nơi ẩn trú (nước miếng đặc là ổ chứa vi khuẩn).
- Uống một ly nước nóng vào buổi sáng kết hợp tập thể dục dưỡng sinh và đi bộ là một cách trị bệnh huyết áp cao có hiệu quả.
- Để hạ huyết áp nhanh thì ngâm chân trong một chậu nước thật ấm và đồng thời đắp khăn lạnh lên trán trong ít nhất một giờ.
- Bệnh tiểu đường có thể thuyên giảm nhờ thường xuyên tắm hơi nước.
- Mở nước thật nóng vào một cái thau tắm để có hơi nước rồi choàng một khăn tắm lên đầu, cúi đầu hít sâu hơi nước vào miệng và mũi từ 5 đến 10 phút. Làm như thế nhiều lần trong ngày, nếu cần, để trị viêm họng.
- Khi bị nấc cụt thì rót một ly nước đầy để trên bàn rồi cúi gập người về phía trước để uống hết ly nước thì khỏi.
- Uống một ly nước nóng có bỏ vài lát gừng và chanh đường có thể giải cảm.
- Làm những cử động đi bộ, vung vẩy và cúi xuống (không cần làm ướt tóc) trong hồ nước sâu ngang đùi hoặc tới ngực khoảng 20 phút và ít nhất 3 lần mỗi tuần thì sẽ giảm được bệnh viêm khớp hoặc mập phì.
- Để chữa bệnh viêm khớp, đổ đầy bồn tắm bằng nước nóng từ 96 độ F đến 103 độ F rồi từ từ ngâm mình vào, thư giãn từ 15 đến 20 phút. Sau đó, tháo nước ra sạch bồn và đứng dậy, mở vòi hoa sen có nước nóng có thể chịu được rồi hạ dần dần đến độ vừa đủ ấm. Đứng dưới dòng nước ấm như thế hơn 5 phút rồi tắt vòi, lau sạch mình mẩy và nằm nghỉ. Nên ngâm mình và tắm như thế mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
- Lấy một bọc plastic nước đá chườm lên quanh khớp đau và dùng khăn quấn chặt lại trong 20 phút rồi lấy ra nghỉ trong 20 phút. Cứ làm như thế mỗi ngày ít nhất 3 lần (cách nhau 8 giờ) cũng để trị bệnh viêm khớp.
- Bị mất ngủ thì pha nước trong chậu theo công thức 3 sôi và 2 lạnh, có thêm chút muối rồi ngâm chân ngập đến mắt cá, hễ thấy nước nguội thì thêm nước nóng vào; ngâm độ 20 đến 30 phút rồi lau khô chân, lên giường ngủ. Trước khi đi ngủ, uống một ly nước ấm có pha chút mật ong cũng làm cho dễ ngủ.
- Ngồi tắm trong chậu chỉ ngâm phần xương chậu (sitz bath) gồm có háng và mông. Nhiệt độ có thể nóng, lạnh hoặc âm ấm. Trong nhiều trường hợp, dùng thay đổi nước nóng và nước lạnh thấy dễ chịu hơn. Ngâm tắm theo cách này trong nước nóng thì dễ làm và hoàn toàn có hiệu quả để làm giảm đau trong các triệu chứng về phì đại tiền liệt tuyến, đặc biệt làm thư giãn và thông đường tiểu tiện.
- Rang gạo cháy đen thành than, lấy chừng 3 muỗng canh than này, thêm 5 lát gừng nướng, đổ một ly nước (12oz.) đem nấu sôi chừng 5 phút thành trà rồi gạn lấy nước, chia ra cho uống 2, 3 lần thì sẽ trị được chứng nôn mửa, nấc cụt, thổ tả.
Uống nước đúng thời điểm sẽ có hiệu quả cao nhất cho thân thể:
- Uống một ly nước sau khi thức dậy buổi sáng sẽ giúp cho các cơ quan nội tạng hoạt động tốt
- Uống một ly nước trước bửa ăn 30 phút sẽ giúp tiêu hóa tốt.
- Uống một ly nước trước khi tắm sẽ giúp hạ huyết áp.
- Uống một ly nước trước khi đi ngủ sẽ tránh được cơn đau tim hay đột quỵ.
Tóm lại, dùng nước đúng cách và hợp vệ sinh thì không chỉ để rửa ruột làm sạch sẽ bên trong cơ thể mà còn giúp khắc phục được nhiều bệnh tật vì nhờ đó, thần kinh hoạt động tốt và âm dương cân bằng.


Không có nhận xét nào: