Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CÁCH DÙNG DẤU HỎI – NGÃ


CÁCH DÙNG DẤU HỎI – NGà

Đặng Quốc Biên
(Chữ Việt thời Sài Gòn xưa)


Chỉ nhắc cái cơ bản dễ nhớ để viết chính tả tương đối ổn và hạn chế lỗi ở mức thấp nhất . 
1 . DÙNG TỪ LÁY THEO QUI ƯỚC : 
– Dấu Hỏi đi với Sắc và Ngang .
– Dấu Ngã đi với Huyền và Nặng . 
HỎI + SẮC : 
– Gởi gắm , thổn thức , rải rác , khoảnh khắc , rẻ rúng , tử tế , cảnh cáo , sửng sốt , hảo hán , phản phúc , phản kháng , rửa ráy , quả quyết , khủng khiếp , khỏe khoắn , nhảm nhí , lở loét , lảnh lót , bảo bối , thưởng thức , thẳng thắn , thảng thốt , hiển hách , nhỏ nhắn , chải chuốt , rả rích , phảng phất , lả lướt , bổ báng , sản xuất . 
– Mát mẻ , sắc sảo , mắng mỏ , vất vả , hối hả , hớn hở , xối xả , bóng bẩy , nóng nảy , sắp sửa , sắm sửa , hớt hải , lấp lửng , khúc khuỷu , tá lả , rác rưởi , trống trải , cứng cỏi , sáng sủa , sến sẩm , xấp xỉ , lém lỉnh , láu lỉnh , ngắn ngủi , chống chỏi , hốt hoảng , rắn rỏi , tức tưởi , chúi nhủi , nhắc nhở , nức nở , sấn sổ , ngất ngưởng , thắc thỏm , thấp thỏm , trắc trở , tráo trở , béo bở , ngái ngủ , gắt gỏng , kém cỏi , khấp khểnh , cáu kỉnh , kháu khỉnh , thất thểu , khốn khổ , tán tỉnh , ngúng nguẩy . 
HỎI + NGANG : 
– Nhỏ nhen , nhởn nhơ , ngẩn ngơ , vẩn vơ , lẳng lơ , lẻ loi , hỏi han , nở nang , nể nang , ngổn ngang , dở dang , giỏi giang , sửa sang , thở than , mỏng manh , chỉn chu , dửng dưng , trả treo , tả tơi , bỏ bê , mải mê , chở che , bảnh bao , hẩm hiu , phẳng phiu , khẳng khiu , rủi ro , mỉa mai , trẻ trung , nghỉ ngơi , ngủ nghê , tỉ tê , xỏ xiên , ngả nghiêng , đảo điên , hiển nhiên , lẻ loi , thảnh thơi , sản sinh . 
– Dư dả , chăm chỉ , năn nỉ , thư thả , thon thả , thoang thoảng , trong trẻo , trăn trở , vui vẻ , thơ thẩn , thanh thản , mơn mởn , xăm xỉa , lêu lổng , hư hỏng , căng thẳng , dai dẳng , xây xẩm , san sẻ , xoay sở , hăm hở , xa xỉ , ngoe nguẩy , phe phẩy , đông đủ , tanh tưởi , chưng hửng , tiu nghỉu , sang sảng , nham nhở , chao đảo , gây gổ , sơ hở , cơ sở , tin tưởng , năng nổ , cưa cẩm , thăm thẳm , đưa đẩy , tưng tửng , say xỉn 
NGÃ + HUYỀN : 
– Bẽ bàng , vẫy vùng , nõn nà , vững vàng , đẫy đà , phũ phàng , bão bùng , sỗ sàng , vỗ về , rõ ràng , vẽ vời , sững sờ , ngỡ ngàng , hỗn hào , hãi hùng , sẵn sàng , kỹ càng , não nề , khẽ khàng , mỡ màng , lỡ làng .
Gần gũi , liều lĩnh , lầm lỗi , gìn giữ , buồn bã , tầm tã , suồng sã , rầu rĩ , thờ thẫn , hờ hững , sàm sỡ , xoàng xĩnh , phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi , nghề ngỗng , lừng lẫy , ruồng rẫy , lờ lững , đằng đẵng , mò mẫm , lầm lũi , nhàn nhã, bằng hữu. 
NGÃ + NẶNG : 
– Lãng mạn , lũ lụt , hãm hại , nhẫn nhịn , lễ lộc , lỗi lạc , rũ rượi , lưỡng lự , chễm chệ , nhã nhặn , mẫu mực , chững chạc , dõng dạc , dữ dội , cãi cọ , nhão nhoẹt , kẽo kẹt , kĩu kịt , nhễ nhại , rõ rệt , lẫn lộn 
– Gọn ghẽ , ngạo nghễ , vạm vỡ , lặng lẽ , lạnh lẽo , bạc bẽo , sặc sỡ , rực rỡ , rộn rã , vội vã , nghiệt ngã , hậu hĩ , hậu hĩnh , ngộ nghĩnh , gạt gẫm , hụt hẫng , dựa dẫm , nhẹ nhõm , bập bõm , chập chững , mạnh mẽ , chặt chẽ , sạch sẽ , ngặt nghẽo , khập khiễng , đục đẽo , ruộng rẫy , giặc giã , giặt giũ , giận dỗi , bụ bẫm , dạy dỗ , gặp gỡ , dụ dỗ , lạ lẫm , rộng rãi , tục tĩu , nhục nhã , dạn dĩ , rạng rỡ , rệu rã . 
* TỪ KÉP LÀ TỪ THƯỜNG ĐI MỘT CẶP DẤU HỎI HOẶC NGÃ . 
– Lã chã , bỗ bã , bẽn lẽn , bỡ ngỡ , mỹ mãn , dễ dãi , cũn cỡn , lững thững , ngẫm nghĩ , lỗ lã , lẽo đẽo , nhõng nhẽo , mũm mĩm , mẫu mã , vĩnh viễn , nhễu nhão . 
– Thỏ thẻ , đỏng đảnh , lẻ tẻ , của cải , lẩm bẩm , lẩm cẩm , lảm nhảm , hể hả , kể lể , nhỏng nhảnh , lủng củng , thỉnh thoảng , lảo đảo , tỉ mỉ , thủ thỉ , lảng vảng , rủng rỉnh , loảng xoảng , hổn hển , lủng lẳng , lỏng lẻo , lải nhải , tủm tỉm , bủn rủn , xởi lởi , tẩn mẩn , lẩn quẩn , thỏn mỏn , chỏn lỏn , giả lả , bải hoải , bổi hổi , lẩn thẩn , lởm chởm , rỉ rả , thủng thẳng , bỏm bẻm , nhỏm nhẻm , xiểng niểng , lẩy bẩy 
2 . TỪ NGUYÊN ÂM : DẤU HỎI 
Ủa , ổi , ổng , ẩu , ủng , ỷ , ổn , ửng , ổ , ủy , ỏn ẻn , ong ỏng , im ỉm , âm ỉ , ấp ủ , ảo ảnh , ăn ở , êm ả , oi ả , yên ả , óng ả , ẩn ý , an ủi , ỉ ôi , ẩm ướt , ủ ê , uể oải , ít ỏi , ủn ỉn , oan uổng , ăng ẳng , ư ử , oẳn tù tì , ẻo lả , ủ rũ , yểu điệu , ỉu xìu , ảm đạm , uyển chuyển , quan ải , oản xôi , yểm trợ ( trừ : ễnh , ưỡn , ẵm , ỡm ) 
3 . TỪ HÁN VIỆT BẮT ĐẦU LÀ M , N , NH , L , V , D , NG THÌ DẤU NGÃ , CÁC CHỮ KHÁC DẤU HỎI . 
Ghi nhớ 7 chữ này bằng câu “ Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã “
– M : Mỹ nhân , Mẫu giáo , Mã đáo , Mãn nguyện , Mãng xà , Mãnh lực , Mẫn cán , Miễn nhiệm , Mão mũ
– N : Não bộ , Nữ nhi , Noãn hoa , Nỗ lực , Nã ( truy nã )
– NH : Nhẫn tâm , Nhãn tiền , Nhiễu loạn , Nhũ mẫu , Nhã nhạc , Nhã nhặn , Nhuyễn thể , Nhĩ ( mộc nhĩ ) , Nhưỡng ( thổ nhưỡng)
– L : Lão gia , Lễ nghi , Lĩnh hội , Lỗi lạc , Lữ khách , Lãng tử , Lưỡng tính , Lãnh địa , Luỹ thành , Lãm nguyệt , Lẫm liệt
– V : Vãn hồi , Viễn xứ , Vĩ đại , Võ sư , Vũ trang , Vĩnh hằng , Vững chãi
– D : Diễm phúc , Dũng khí , Dưỡng dục , Dĩ nhiên , Dõng dạc , Diễu hành , Dã ngoại , Dã tâm , Diễn thuyết
– NG : Nghĩa hiệp , Ngũ cốc , Ngữ hệ , Ngẫu nhiên , Nghiễm nhiên , Ngưỡng mộ , Ngã ( bản ngã ) 
4 . HỌ VÀ TRẠNG TỪ : DẤU NGà
– Họ Nguyễn , Võ , Vũ , Đỗ , Doãn , Lữ , Lã , Mã , Liễu , Nhữ
– Cũng , vẫn , sẽ , mãi , đã , những , hỡi , hễ , lẽ ra , mỗi , nữa , dẫu … 
5 . DÙNG DẤU BẰNG CÁCH SUY LUẬN THEO NGHĨA . Ví dụ : 
NỔI – NỖI :
– Chỉ sự trổi lên hơn mức bình thường thì dấu hỏi ( nổi trội , nổi bật , nổi danh , nổi tiếng , nổi mụn , nổi gân , nổi điên , nổi giận , nổi xung , nổi hứng , nổi sóng , nổi bọt , nổi dậy , chợ nổi , nông nổi , làm nổi , trôi nổi , hết nói nổi , chịu hết nổi , gánh không nổi ) 
– Cái nào mang tính biểu cảm thì dấu ngã ( khổ nỗi , đến nỗi nào , làm gì nên nỗi , nỗi lòng , nỗi niềm , nỗi ước ao , nỗi nhục , nỗi oan , nỗi hận , nỗi nhớ ) 
NGHỈ – NGHĨ : 
– Liên quan đến sự dừng lại một hoạt động thì dấu hỏi ( nghỉ ngơi , nghỉ học , nghỉ việc , nghỉ hè , nghỉ lễ , nghỉ mệt , nghỉ dưỡng , nghỉ chơi , nghỉ mát , nghỉ thở , nghiêm nghỉ , nhà nghỉ , an nghỉ ) 
– Thể hiện cảm xúc suy nghĩ thì dấu ngã ( nghĩ ngợi , suy nghĩ , ngẫm nghĩ , nghĩ cách , thầm nghĩ , nghĩ quẫn , nghĩ bậy , cạn nghĩ ) 
MẢNH – MÃNH : 
– Cái nào gợi hình dáng thì dấu hỏi ( mảnh trăng , mảnh ruộng , mảnh vườn , mảnh đất , mảnh xương , mảnh sành , mảnh vỡ , mảnh khảnh , mảnh mai , mảnh khăn , mảnh áo , mảnh vá , mảnh tình , mỏng mảnh ) 
Thể hiện tính chất thì dấu ngã ( dũng mãnh , mãnh liệt , ranh mãnh , ma mãnh , mãnh hổ , mãnh thú , mãnh lực ..) 
KỶ – KỸ : 
– Gắn với bản thân con người thì dấu hỏi ( kỷ vật , kỷ niệm , kỷ luật , kỷ lục , kỷ yếu , ích kỷ , tự kỷ , vị kỷ , tri kỷ , thế kỷ , thập kỷ ) 
– Gắn với kỹ thuật , trình độ thao tác thì dấu ngã ( Kỹ nghệ , kỹ năng , kỹ xảo , kỹ thuật , kỹ sư , kỹ nữ , kỹ lưỡng , kỹ càng , kỹ tính , nghĩ kỹ , giấu kỹ , tuyệt kỹ ) 
CHÚ Ý : 
Qui ước cơ bản chứ không tuyệt đối , vẫn có một số từ ngoại lệ không theo qui ước trên như : 
HỎI + NẶNG : – Hủ tục, hủ bại. 
chữ “nữa” viết dấu ngã trong đa số trường hợp, chỉ khi nói về số lượng chia hai như ” phân nửa”, “một nửa”, thì viết dấu hỏi.
Bài viết có thể hữu ích (有益) cho những ai thường phạm lỗi chính tả “hỏi ngã”. Tuy nhiên, phải nên nói rõ hơn là luật “trắc, bằng” thường đi kèm theo với dấu “hỏi” và “nặng huyền” thì thường đi kèm với dấu “ngã” thì chỉ nên áp dụng với chữ kép “thuần” Việt mà thôi. Còn nếu là những từ kép Hán Việt thì “quy luật” đó không có được hiệu nghiệm cho lắm. Tôi xin cho thí dụ:
Ví dụ như chữ “sản xuất” (產出) ở trên là tiếng Hán Việt và “tình cờ” nó đi theo cái luật “bằng, trắc”. Tuy nhiên, nếu là “cộng sản” (共產) hay “tài sản” (財產) thì nó lại không có hợp với luật “huyền nặng”! 
Lý do là vì chữ Hán Việt không hề thay đổi từ “hỏi” sang “ngã” hay ngược lại, khi cái chữ đó đi kẹp với những chữ có những dấu khác nhau. 
Một khi chữ “sản” đã được viết với dấu “hỏi” rồi thì cho dù nó có đi kẹp với dấu gì đi nữa thì nó vẫn phải viết với dấu hỏi mà thôi. 
Giống như chữ “phản ứng” (反應) thì là đúng với quy luật, dấu “hỏi” đi kèm với dấu “sắc” nhưng “phản hồi” (反囘) thì không theo quy luật vì viết với dấu hỏi nhưng lại đi kèm theo với dấu “huyền” .  


Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

NHỮNG CÂY CÓ HÌNH THÙ KỲ LẠ

NHỮNG CÂY CÓ HÌNH THÙ KỲ LẠ
Theo Bored Panda
Minh Phúc

22 cây có hình thù kỳ lạ làm bạn liên tưởng tới các thứ khác
Giới tự nhiên luôn có nhiều điều kỳ diệu, ngay cả những gì đơn giản nhất của thiên nhiên cũng có thể mang đến cho chúng ta những niềm vui hay ngạc nhiên thú vị.
Hãy để trí tượng tượng của mình bay xa khi nhìn vào những cái cây dưới đây, có thể bạn phải nhìn lại vài lần vì thiên nhiên đã điêu khắc chúng thành các tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ là một cái cây.
Thử xem xem trong bộ ảnh dưới đây, bạn có nhìn ra các cặp mắt, con rồng, hay một chú nai sừng tấm… hay không?
1. Một ông cụ với bộ râu dài đang trầm tư
Ảnh: barinedita)
2. Một quái thú đang lẩn trốn(Ảnh: lukeram)
3. Ai đó ác ý đã thêm vào cặp mắt này?(Ảnh: 2manyToys)
4. Còn đây là đầu rồng(Ảnh: BallsToYouMyGoodSir)
5. Người khổng lồ trong rừng đang phô diễn sức mạnh(Ảnh: abruski)
6. Giống hệt một chiếc mũi người(Ảnh: HockeyCannon)
7. Con cú nhỏ(Ảnh: 6DT)
8. Rồng con dễ mến(Ảnh: greatcanine)
9. Bông cải xanh khổng lồ(Ảnh: Werewolf)
10. Hộp sọ rồng(Ảnh: VeryFastWithACucumberNiceAndSlowWithAZucchini)
11. Ninja Rùa(Ảnh: raidenms Report)
12. Cái cây này đang thưởng thức bữa ăn(Ảnh: korrupt-wolf)
 13. Cái cây buồn rầu(Ảnh: pufferfish)
14. Quái vật Godzilla ăn mặt trăng(Ảnh: oldvan)
15. Cái cây có rất nhiều con mắt(Ảnh: lekartofdanger)
16. Cây đang đi dạo trong rừng(Ảnh: mdegroat)
17. Nai sừng tấm(Ảnh: BlackDogLedZepp)
18. Cái cây tỏ ra ngạc nhiên khi bạn đến gần(Ảnh: deadphishcheez4)
19.Cây có mặt người(Ảnh: serioussiracha)
20. Mặt rồng(Ảnh: hanimilly)
21. Một chú gà trống(Ảnh: NY_Tines}
22. Trông thật đáng sợ
(Ảnh: Julija Bacardi)

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

SÁU TÁC HẠI CỦA MÌ ĂN LIỀN

SÁU TÁC HẠI CỦA MÌ ĂN LIỀN
Nghiêm Linh (t/h)
Theo Đời sống Plus

Nhiều người không biết về tác hại của mì ăn liền đối với sức khỏe nên vẫn sử dụng thường xuyên, thậm chí thay thế cho bữa ăn hằng ngày.

Gây bệnh tiểu đường, tim mạch
Thường xuyên dùng mì ăn liền, bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch và đột quỵ. Điều này là do thành phần chất béo có trong hầu hết các loại mì ăn liền. Loại chất béo này là transfat và chất béo bão hòa, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe. Những người có tiền sử tim mạch thì tốt nhất không nên ăn mì ăn liền.
Gây béo phì
Một trong những tác hại của mì ăn liền chính là béo phì
Vì chứa quá nhiều carbohydrate và chất béo nên tác hại của mì ăn liền là không thể tránh khỏi. Lượng calo tăng cao từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì. Có thể kể đến là bệnh tim mạch, tiểu đường, cholesterol cao… Những biểu hiện ban đầu như tim đập nhanh, chóng mặt, mệt mỏi sẽ cho thấy bạn đang đứng trước nguy cơ béo phì.
Hại thận, gây sỏi thận
Muối là một trong những thành phần của mì ăn liền. Lượng muối cao trong loại thức phẩm này có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thận của bạn. Sử dụng thường xuyên sẽ gây nên những bệnh về thận như suy thận, sỏi thận.
Hơn nữa, mì ăn liền cũng chứa đầy phosphate, chất này giúp cải thiện mùi vị của thức ăn. Tuy ngon miệng nhưng người sử dụng dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.
Gia tăng quá trình lão hóa
Không thể lường trước tác hại của mì ăn liền đối với sức khỏe 
Lượng mỡ cũng là điều làm nên tác hại của mì ăn liền. Thành phần này làm chậm tốc độ ô xy hóa, kéo dài thời gian biến mùi của mì tôm. Thời gian dài dung nạp quá nhiều chất chống ô xy hóa sẽ ảnh hưởng xấu tới hệ nội tiết và thúc đẩy lão hóa.
Gây ung thư
Mì ăn liền có chất gây ung thư do thành phần phụ gia như màu thực phẩm, chất béo bão hòa, lượng muối… Ăn mì ăn liền trong thời gian dài dễ gây táo bón, phân lưu lại thời gian dài trong đại tràng cũng là một yếu tố dẫn đến ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng.
Gánh nặng cho dạ dày, tiêu hóa
Mì ăn liền khiến trẻ rơi vào tình trạng biếng ăn
Những nguyên liệu không tốt có trong mì ăn liền sẽ làm tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa chung và làm vị giác giảm sút. Việc ăn mì ăn liền thường xuyên có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, đau dạ day, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi… Đặc biệt, trẻ em ăn mì tôm thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn.

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2019

SÂN KHẤU THỰC CẢNH "KÝ ỨC HỘI AN"

SÂN KHẤU THỰC CẢNH "KÝ ỨC HỘI AN"

Nguồn: Báo Thanh Niên

Thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam đã từ lâu được biết đến là một trung tâm du lịch nổi tiếng trong top 10 thế giới với nhiều nét văn hóa dân tộc đa dạng và được UNESSCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật biểu diễn tại đây cũng được nhiều du khách trong và ngoài nước dánh giá rất đặc sắc, mang tầm cỡ thế giới. Trong số đó, chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” đang thu hút được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông trong và ngoài nước hơn cả.

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

TÍNH NHÂN BẢN TRONG SÁCH GIÁO KHOA TIỂU HỌC CỦA MIỀN NAM TRƯỚC 1975

TÍNH NHÂN BẢN TRONG SÁCH GIÁO KHOA TIỂU HỌC CỦA MIỀN NAM TRƯỚC 1975

Nguồn: SGTT.ST.NX - Net

Nội dung, tư tưởng trong các sách giáo khoa tác động đến hình thành và phát triển nhân cách của trẻ thơ, nó in sâu vào tâm não trẻ thơ ngay trong giai đọan đầu cắp sách đến trường cho đến lúc trưởng thành.
Các sách giáo khoa bậc Tiểu Học của Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) trước 1975 chú trọng những vấn đề luân lý đạo đức truyền thống, vẫn hàm chứa nội dung đạo đức trong các sách giáo khoa cũ của thế hệ 1940.
Sau đây là một số bài tiêu biểu về tình thương yêu đồng bào, đồng loại, lòng biết ơn đối với mọi người trong xã hội, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu nhân loại.
Tình thương yêu đồng bào, đồng loại
Từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, người dân Việt Nam đã trải qua biết bao gian nan thử thách. Tổ tiên chúng ta đã đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn phức tạp, vừa khắc phục mọi trở lực khắc nghiệt của thiên nhiên để mở mang bờ cỏi giang san, vừa phải chiến đấu giữ nước, chống kẻ thù mọi phía, đặc biệt là thế lực hùng mạnh phương bắc. Để tồn tại và phát triển, tổ tiên chúng ta đã ý thức cần phải đoàn kết thật sự, cần phải nương tựa vào nhau và thương yêu nhau như những người con cùng một mẹ.
“Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Tinh thần đoàn kết nầy tạo thành truyền thống lưu lại cho con cháu mai sau. Theo truyền thống của người Việt Nam, tình thương yêu không chỉ dành cho trong gia đình mà mở rộng đến cả đồng bào và đồng loại. Một giá trị tốt đẹp của con người là lòng nhân đạo. Muốn sống cho đúng nghĩa, con người phải biết thương yêu lẫn nhau. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành. Quốc văn giáo khoa thư mượn bài thơ trong gia huấn ca để dạy học sinh:
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom,
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa
Nguyễn Trãi (Gia huấn ca)
Có nhiều câu ca dao tục ngữ ẩn chứa triết lý tỉnh thương được giảng dạy trong nhà trường, đã in sâu trong tâm khảm người Việt Nam:
“Lá rành đùm lá rách”
“Thương người như thể thương thân”
“Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng” (4)
Người trong một nước phải thương yêu nhau như con một nhà. Bài học về “Cậu bé miền Nam” trong quyển Tâm hồn cao thượng đã dạy học sinh về lòng thương yêu, không phân biệt Bắc Nam.
Một cậu bé miền Nam lên miền Bắc theo học. Được thầy giáo giới thiệu với các học sinh trong lớp và được các học sinh nhiệt tình chào đón.
Thầy giáo nói với cả lớp:
“….Cho được các kết quả nói trên nghĩa là làm cho đứa bé xứ Nam ra ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa bé ở xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã hy sinh trên ba vạn người mới khôi phục được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải là người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy không xứng đáng ngẩng mặt nhìn ngọn quốc kỳ đi qua…” (5)
Các bài học về tình thương yêu đồng bào, đồng loại đã nhắc nhở học sinh phải tôn trọng mạng sống của con người, có lòng nhân ái, biết trọng của người và không vọng ngữ. Đây là thước đo tiêu chuẩn đạo đức, nhân cách của con người
Tôn trọng mạng sống của con người
Mạng sống của các sinh vật rất quí. Mạng sống của con người có giá trị tối cao. Nếu mỗi cá nhân biết quí mạng sống của mình thì không thể xem thường mạng sống của kẻ khác. Một dân tộc được coi là văn minh là một dân tộc biết đề cao giá trị nhân phẩm của con người. Một người có lòng lương thiện không bao giờ sát hại đến sinh mạng của đồng loại và sinh mạng của cảc sinh vật khác. Chỉ có con người dã man mới coi thường mạng sống của con người. Không sát sinh là cách chận đứng lòng tham dẫm lên sinh mạng con người và sinh vật để mưu cầu tư lợi cho bản thân mình. Không sát sanh còn là nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, từ bi đối với muôn loài.
“Trọng cái tính mệnh của người ta, là đừng làm điều gì phạm đến thân thể và quyền tự do của người ta. Người ta ở đời, không có gì trọng hơn cái tính mệnh, hễ phạm đến là một tội đại ác.
Không những là giết người mới có tội, cậy quyền cậy thế mà hà hiếp người ta, làm mất cái quyền tự do của người ta cũng là một điều trái với lẽ công bình, người có lương tâm không ai làm”
Lòng nhân ái
Không phạm đến tính mệnh, của cải, danh giá, sự tự do và sự tín ngưỡng của người nhưng đó chỉ là giữ không làm điều ác mà thôi. Như thế vẫn chưa đủ bổn phận làm người mà phải có lòng nhân ái.
Nhân ái là lòng từ thiện, thương người đói khát, giúp người hoạn nạn. Có lòng nhân ái thì mới làm những việc như bố thí, cứu giúp kẻ nghèo khổ, mới biết thân yêu mọi người và quên mình mà làm điều thiện. Người có lòng nhân ái dám hy sinh cứu người trong lúc nguy nan như người thầy thuốc không sợ lây khi chữa những bịnh truyền nhiễm, người lính liều sống chết ở chỗ chiến trường để giữ lấy nước nhà. Họ vì lòng nhân ái mà ra sức làm nghĩa vụ.
“Bổn phận người ta đối với xã hội thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. “Không hại người” tức là công bình, “làm hay cho người” tức là nhân ái.
Câu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” trong sách luận ngữ tức là công bình. Còn nhân ái thì ta có thể nói được rằng”: kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân”
Người ta mà không công bình, chẳng những có tội đối với lương tâm mà luật pháp lại còn trừng trị nữa. Giết người thì phải thế mạng, trộm cắp thì phải ngồi tù. Xưa nay ở đâu cũng vậy.
Con người mà không có lòng nhân ái thì tuy đối với luật pháp không có tội lỗi nhưng đối với lương tâm thì là không phải. Gặp người đói khó mà mình không giúp người ta cũng không ai bắt được mình nhưng trong bụng không đành.
Người có lòng nhân ái thì không những là chỉ thương xót đồng loại mà thôi, lại còn thương xót đến cả loài vật nữa.
“….Những loài vật đã giúp việc cho ta mà ta phải thương xót là cái nghĩa vụ của ta. Nhưng đối với loài cầm thú khác, ta cũng nên có lòng nhân ái mới phải đạo làm người. Cầm thú tuy là giống không biết thiện ác và phải trái như người nhưng nó cũng biết đau, biết khổ như mình…
Vì tình nghĩa đồng bào mà phát tâm bố thí, cứu giúp người đói khổ, hoạn nạn, chia xẻ miếng ăn, manh áo cho người khốn khổ. Sống đạm bạc, cứu giúp người đồng loại là hành đông của con người có lòng nhân ái.
Người có lòng nhân ái không chỉ bố thí miếng cơm manh áo hay tiền bạc khi thấy người đói khổ mà vì:
“Nghĩa đồng bào khiến ta thương yêu mọi người như là thương yêu anh em ruột. Bao giờ ta cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người để người ta làm tròn cái nghĩa vụ ở đời. Ta phải dạy bảo những người ngu dốt, khuyên người làm điều lành, răn người làm điều ác. Ta nên che chở cho những người bị oan ức và bênh vực những người hèn yếu. Ta phải ăn ở thế nào cho đứa con mồ côi có thể coi ta như cha, người góa phụ coi ta như ân nhân. Ta làm mắt cho kẻ mù, làm chân cho kẻ què, làm tai cho kẻ điếc. Lúc nào cũng sẵn lòng nhân từ mà giúp đỡ mọi người trong lúc nguy hiểm.
Khi thấy ai nghèo đói, khổ sở, mình cho cơm ăn, áo mặc hoặc cho tiền bạc để giúp đỡ người ta đỡ khổ trong một lúc. Nhưng việc bố thí nầy phải… tự nhiên, không cầu kỳ, không khoe khoang mà có phần thiệt thòi cho mình thì mới quí. Không cứ cho ít hay cho nhiều miễn là mình có lòng thành thực, biết thương xót kẻ nghèo khổ thì mới là phải cái nghĩa bố thí.
Ngoài việc bố thí, “người có lòng nhân ái" thường hay nghĩ đến việc thiện như là thấy ai nghèo khổ thì đỡ đần, tìm công việc cho người ta làm hoặc cứu giúp những cô nhi, quả phụ cho người ta khỏi đói rét, vất vả.
Lời một bà mẹ nói với đứa con trong bài “Kẻ khó” (Tâm Hồn Cao Thượng) không chỉ làm rung động tâm hồn của trẻ thơ mà ngay đối với người lớn tuổi cũng không khỏi bùi ngùi:
Con ơi! Con phải biết con có đủ cả chứ kẻ khó thì thiếu hết. Khi con mong sao được sung sướng thì người nghèo chỉ cầu sao cho khỏi chết. Trong một khu có bao nhiêu nhà giàu, trong một phố có bao nhiêu người sang trọng qua lại, có bao nhiêu đứa trẻ ăn mặc xa hoa, thế mà vẫn còn thấy nhiều đàn bà và trẻ con đói khát, rách rưới! Thực đáng buồn thay! Muốn cho người ta khỏi chê con là một kẻ vô tình thì từ sau, con đừng bước qua một kẻ khó mà không cho gì!
Bài thơ “Cách ăn ở”“Những đứa trẻ mồ côi” là bài học luân lý về lòng nhân đạo mà học trò bậc tiểu học được học nằm lòng. Khi thấy người hoạn nạn, đau yếu phải giúp đỡ bằng tình thương yêu chân thành.
Cách ăn ở
Ở cho có đức có nhân,
Mới mong đời trị được ăn lộc trời.
Thương người tất tả ngược xuôi,
Thương người lỡ bước, thương người bơ vơ.
Thương người ôm dắt trẻ thơ,
Thương người tuổi tác già nua bần hàn.
Thương người cô quả cô đơn
Thương người đói rách lầm than kêu đường.
Thấy ai đói rét thì thương,
Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.
Thương người như thể thương thân,
Người ta phải bước khó khăn đến nhà.
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên
Nguyễn Trãi
(Gia huấn ca)
Những đứa trẻ mồ côi
Có những con người đang thời hoa nở,
Sống trong niềm đau khổ: kiếp lầm than.
Cặp chân non ngày tháng những lang thang,
Trên đường phố ngút đầy bao gió bụi.
Tuổi niên thiếu dệt trong ngàn sầu tủi,
Không gia đình, cha mẹ, khát tình yêu.
Ôi long đong, thân trẻ nhỏ sớm chiều,
Ngàn cực nhục cũng chỉ vì cơm áo!
Tuổi niên thiếu lớn dần trong khổ não,
Mặt trẻ trung đầy những nét đau thương.
Sống lầm than, dầu dãi nắng mưa sương,
Thân còm cõi không đủ đầy nhựa sống.
Những trẻ ấy dưới bầu trời cao rộng,
Đưa mắt nhìn thèm khát cảnh yên vui.
Có chăng ai, chỉ một phút ngậm ngùi,
Cho thân phận con người xấu số.
Xuân Chính
(Tiểu học nguyệt san, tháng 3/1959)
Trọng của người
Người lương-thiện, có đạo đức là người biết trọng tài sản, của cải của người khác. Tài sản là huyết mạch, liên hệ đến mạng sống của con người. Hãy bình tâm suy nghĩ, chúng ta không muốn ai cướp đoạt tài sản của mình thì không thể nào chúng ta lại đi chiếm đoạt tài sản, của cải của người khác. Các hành vi bất lương dùng đủ mọi mưu mô, mánh khóe, lường gạt để chiếm đoạt đều là trộm cướp. Người đươc coi là đạo đức dĩ nhiên là không trộm cướp, không tán thành và không giúp đỡ những người có hành động trộm cướp.
Của cải của ai là người ấy có quyền chi dụng và có quyền để lại cho con cháu. Ta không nên phạm đến của cải của người ta.
Không phải chỉ những đứa ăn trộm ăn cắp mới là người bất lương mà thôi. Điên đảo giả dối để đánh lừa người ta, đi vay vỗ nợ, bắt được của rơi mà không trả cũng là bất lương cả. Ta phải biết rằng cái gì đã là không phải của mình thì ta đừng đem lòng tham mà chực lấy không vì rằng lấy không của người ta là một sự rất trái với đạo công bằng:
Không vọng ngữ
Dùng lời lẽ ngụy biện để làm sai lạc sự thật nhằm đem lại lợi lộc cho mình, làm hại người khác đều là nói dối, vọng ngữ. Người đạo đức là người tôn trọng sự thật, không có tâm tham ác, không tán thành sự nói dối. Chuyện không nói có, chuyện có nói không, dựa vào những nguồn tin vu vơ để kết tội người khác là vọng ngữ. Trong gia đình và trong xã hội mà con người thiếu lòng tin với nhau thì cuộc sống ấy vô cùng đau khổ. Tuy nhiên cũng có những trường hơp vì mục đích cứu người lương thiện, bất đắc dĩ phải nói lời không thật thì đây là một ngoại lệ (ví dụ một vị Bác sĩ phải dùng lời an ủi bịnh nhân).
Không nói dối bao gồm cả không nói lời ác khẩu, nói xấu, nói vu, chửi mắng, nhục mạ xúc phạm đến phẩm giá con người không dùng lời trau chuốc, phù phiếm nhằm làm cho người khác có suy nghĩ sai lầm, đi đến hành động sai trái.
Sự nói xấu là cái tật cứ đi bới móc chuyện xấu của người ta mà nói. Người nói xấu là có ác ý hoặc để thỏa lòng ghen ghét hoặc để khoe cái hay và che cái dở của mình. Người nói xấu là người hèn hạ đáng khinh vì chỉ nói những lúc vắng mặt người ta để làm cho người ta mất danh giá.
Vậy không những ta không nên nói xấu ai mà cũng không nên nghe chuyện người ta nói xấu nhau (15)
Nói vu là đặt chuyện ra mà vu cho ai để hại người ta hay là làm cho người ta mất danh giá. Những người nói vu là người hèn mạt, bày đặt ra chuyện nọ trò kia để làm cho người ta mang tai mang tiếng, phải những điều oan ức, khó lòng mà rửa sạch được.
Ta đi học, đã biết điều phải trái thì ta chớ hề nói vu cho ai bao giờ. Ta nên cho những điều ấy là điều hèn mạt, đáng khinh bỉ.
Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng:
Của cải của người ta, không phải chỉ nói riêng về tiền bạc, ruộng nương, nhà cửa, đồ đạc mà thôi, lại có một thứ của cải quí giá hơn nữa là cái danh giá ở đời. Danh giá tức là danh thơm tiếng tốt của người biết tự trọng mình, biết quí cái tư cách làm người mà khinh bi những điều hèn mạt đê tiện. Của cải mất đi thì còn làm ra được chớ cái danh giá đã mất thì khó lòng mà lấy lại được. Thánh nhân dạy rằng “Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác” nghĩa là người quân tử làm thành tiếng hay cho người chớ không làm thành tiếng xấu cho ai bao giờ. Vậy bổn phận mình trong xã hội là phải trọng cái danh giá của người ta, đừng có nói xấu ai, nói vu cho ai điều gì.
Lòng biết ơn mọi người trong xã hội
Mọi người sống trong xã hội đều có tương quan nhau. Do nương nhờ nhau mà cuộc sống của mỗi cá nhân mới an ổn. Trong gia đình thì cha mẹ, vợ con, anh em nương tựa nhau. Ngoài xã hội, mọi người không thể sống lẻ loi. Tách rời mọi người ra, chúng ta không có cuộc sống an toàn. Cho nên đối với mọi người, chúng ta phải biết ơn, không được làm tổn hại. Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn,” nói lên tinh thần biết ơn, là truyền thống đạo lý của con người Việt Nam.
Người làm ruộng có trồng trọt, cấy cày thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà thì ta mới có nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo thì ta mới có đồ mặc vào mình. Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Con đường ta đi cũng phải có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến cũng là có người chịu khó làm việc mới nên.
Thật vậy, trong xã hội muốn sinh tồn thì mọi người phải có bổn phận đem sức mình giúp vào sự ích lợi chung. Bài “Giấc mộng” dạy học sinh biết yêu mến và nhớ ơn mọi người.
Nằm mộng thấy nông phu lại bảo:
“Ra công làm kiếm gạo từ đây.
Tao thôi chẳng có nuôi mầy,
Phải lo trồng trọt cấy cày cho siêng.”
Người dệt cửi dặn mỉnh làm áo,
Chú thợ hồ lại bảo cầm bay,
Bơ vơ chẳng kẻ đoái hoài,
Tôi mang thơ thẩn đọa đầy cùng nơi.
Tôi túng thế vái trời cứu thử
Lại thấy kia sư tử trên đàng!
Tỉnh ra, thấy sáng, mơ màng
Tiểu công hút gió, rộn ràng trên thang,
Nghe máy dệt rần rần tiếng chạy,
Ruộng đâu đâu cũng cấy đã xong.
Phận mình nghĩ lại thong dong,
Mới hay dưới thế ai không nhờ người.
Từ ngày rõ cuộc đời đắp đổi,
Cám thương người xã hội như nhau,
Dập dìu kẻ trước người sau,
Sức riêng một ít giúp vào lợi chung.
Nguyễn Ngọc Ẩn
(100 Bài Tập đọc, Lớp Nhứt và Lớp Nhì)
Bài học “Nên giúp đỡ lẫn nhau” cho thấy hinh ảnh hai cậu bé phụ đẩy xe giúp ông lão là bài học nhắc nhở học sinh về tình tương thân tương ái:
Trời nắng to. Đường thì dốc. Một ông lão đẩy chiếc xe lợn. Trên chiếc xe có có ba bốn con lợn to, chân trói, bụng phơi và mồm kêu eng-éc. Ông lão cố đẩy cái xe, mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy mà xe vẫn không thấy chuyển.
Mấy cậu bé đang chơi trên bờ đê thấy thế, vội chạy tới, xúm lại, buộc dây vào đầu xe mà kéo hộ.
Xe lên khỏi dốc, ông lão cám ơn các cậu và các cậu cũng lấy làm vui lòng vì đã giúp được việc cho người.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước, những bậc tiền nhân đã đổ biết bao nhiêu xương máu để vun bồi và tô điểm cho mảnh giang san gấm vóc. Họ là những vị anh hùng dân tộc. Anh hùng, không phải chỉ có những người có chiến công hiển hách, có tài năng nổi bật làm những việc phi thường được ghi công trong sách sử mà còn biết bao nhiêu người, đủ mọi tầng lớp, mọi giai cấp đã âm thầm cống hiến đời mình cho quê hương dân tộc, không bao giờ được nhắc đến tên tuổi. Họ là:
Anh Hùng vô danh
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy san hà gấm vóc…
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi,
Trong loan ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh,
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vang, bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn cùng với tấm tinh trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt. (20 & phụ lục)
Việt Tâm
(100 Bài tập đọc Lớp Nhứt & Lớp Nhì)
Tình yêu quê hương đất nước
Tình thương yêu gia đình, cha mẹ anh em và người thân là tình cảm khởi đầu cho tình yêu đồng bào, tình yêu quê hương đất nước.
“…Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài và chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xúi dục, tự nhiên con đến hỏi chuyện người bạn không quen ấy. Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con nghe người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt…”
Nhằm un đúc tinh thần yêu nước cho học sinh, đề cao lòng tự hào dân tộc, ca ngợi những chiến công oanh liệt bảo vệ tổ quốc của các bậc tiền nhân, bài thơ sau đây nhắc nhở học sinh chăm chỉ học để sau nầy nối chí tiền nhân.
Giờ Quốc sử
Những buổi sáng, vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để sau này nối được chí tiền nhân.
Ta chắc rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt sẽ là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, đầy vinh quang máu thắm.”
Đoàn Văn Cừ
(Tập đọc lớp Nhất)
Tình yêu nhân loại
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Con người cùng sống trên quả địa cầu, không phân biệt màu da, chủng tộc. Tất cả đều là nguời như nhau, sao nỡ giết hại nhau. Chuyện kể hai người lính của hai quốc gia đối nghịch giao chiến nhau. Sau chiến trận, cả hai đều bị thương, nằm lại trên chiến trường…
Tình nhân loại
Sau một trận giao tranh ác liệt,
Giữa sa trường xác chết ngổn ngang
Có hai chiến sĩ bị thương.
Hai người hai nước hiện đương nghịch thù.
Họ đau đớn khừ khừ rên siết,
Vận sức tàn cố lết gần nhau,
Phều phào gắng nói vài câu,
Lời tuy không hiểu, hiểu nhau nỗi lòng:
Họ hai kẻ không cùng Tổ quốc,
Nhưng đã cùng vì nước hy sinh.
Cả hai ôm ấp mối tình
Yêu thương đất nước, gia đình, quê hương.
Đêm dần xuống, chiến trường sương phủ,
Một thương binh hơi thở yếu dần.
Trước khi nhắm mắt từ trần,
Xót thương người bạn tấm thân lạnh lùng,
Anh cởi áo đắp trùm lên bạn
Rồi tắt hơi, thê thảm làm sao!
Cho hay khác nghĩa đồng bào
Nhưng tình nhân loại còn cao hơn nhiều!
Đặng Duy Chiểu
(Quốc văn mới)
Kết luận
Dù thời gian có trôi qua, hoàn cảnh có biến đổi nhưng giá trị đạo đức làm người trong các trang sách Quốc Văn như kính yêu cha mẹ, tình thầy trò, bè bạn, lòng yêu quê hướng đất nước, tình yêu đồng bào và tình nhân loại… vẫn in sâu trong ký ức của các học sinh qua bao thế hệ.
Thương yêu con người, biết quý trọng đích thực cuộc sống an bình của con người là nét đặc sắc nhứt của nền văn hóa dân tộc Việt Nam hàm chứa trong các sách giáo khoa môn quốc văn của nền giáo dục Miền Nam trước 1975.
Tóm lại, trong giai đoạn trước năm 1975, nội dung các sách giáo khoa môn Quốc Văn của nền Giáo Dục miền Nam chú trọng đến những vấn đề Đạo Đức, Truyền Thống, hướng tới Triết Lý Giáo Dục của Việt Nam Cộng Hòa: Nhân Bản - Dân Tộc - Khai Phóng.

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC.

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC
Phan Văn Phước
02/03/2016

Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 55 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc Tiểu Học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các Thầy Cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách.
Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.
Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp, chỉ được dùng một thứ bút duy nhất là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu, dưới nhỏ, trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò.
Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lỗ tròn vừa vặn, khoét sẵn trên bàn học cho bình mực khỏi ngã, đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy hấp dẫn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng.
Các Thầy Cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm thì sợ khi học trò lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng. Mỗi lớp học chỉ có một Thầy hoặc một Cô duy nhất phụ trách tất cả các môn.
Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con, chứ không xưng em với Thầy. Về việc dạy dỗ, không Thầy nào dạy giống Thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông, viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ; lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học nào giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng.
Cứ mỗi năm lại có các Ban Tu Thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới, giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các Thầy Cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo Dục là được.
Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên, khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài. Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là gây ấn tượng hơn nhiều.
Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ, rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn Dân Tộc Việt.
Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng từ rất hoa mỹ là túc cầu:
Trận Cầu Quốc Tế
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và…đội nhà đã thắng
Ta tuy bé, nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội…
Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết là lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”…
Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên… thuộc lòng luôn.
Càng đọc, càng ngẫm nghĩ đó đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một Dân Tộc tuy nhỏ bé, nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục!
Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại, còn những lời ''đao to, búa lớn ồn ào'' chắc chi đã làm được việc.
Nói về môn Lịch Sử, hồi đó gọi là Quốc Sử, đã có sẵn bài học thuộc lòng như sau:
Giờ Quốc Sử
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc Sử.
Thầy tôi bảo:
“Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của Giang San,
Đã đổ máu vì lợi quyền Dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí Tiền Nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân Tộc Việt vẫn là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và hạnh phúc!”
Hình ảnh ông Thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của Thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau, chúng tôi vẫn nhớ như in.
Lại có bài song thất lục bát về ông Thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình minh họa Quần Đảo Trường Sa và Hoàng Sa:
Hôm qua tập vẽ bản đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, Thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp,
đây cầu Hiền Lương, Biển Đông,
trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo Thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng…
Rồi với giọng trầm hùng, Thầy giảng:
“Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem giòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này,
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu muôn nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc Thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông!
Nay chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
Dồn vào tất cả trí tài các con…”
Giờ đây, mấy chục năm đã trôi qua, tóc trên đầu tôi cũng bắt đầu hai thứ như ông thầy già dạy Địa trong bài học thuộc lòng ngày ấy, nhưng có một điều mà tôi nghĩ mãi vẫn chưa ra. Ông thầy đang dạy Địa, hay ông thầy đang âm thầm truyền thụ lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cho đàn trẻ thơ qua mấy nét vẽ bản đồ?
Lời của Thầy thật là nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng thật là tha thiết, chạm vào được chỗ thiêng liêng nhất trong tâm hồn những đứa trẻ ngây thơ vào những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, nơi chúng được dạy rằng ngoài ngôi nhà nhỏ bé của mình với ông bà, cha mẹ, anh em ruột thịt, chúng còn có một ngôi nhà nữa, rộng lớn hơn nhiều, nguy nga tráng lệ, thiêng liêng, vĩ đại hơn nhiều, một ngôi nhà mà chúng phải thương yêu và có bổn phận phải vun đắp.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

ĐIỀU GÌ XẢY RA TRÊN CƠ THỂ KHI TẮM ĐÊM SAU 23 GIỜ


ĐIỀU GÌ XẢY RA TRÊN CƠ THỂ KHI TẮM ĐÊM SAU 23 GIỜ
TS_LÊ_THẨM_DƯƠNG

(Theo Zing, Thegioitre, Đại Kỷ Nguyên)






- Giờ cực âm: Theo Đông y, khung giờ Tí (23g-1g sáng) là giờ cực âm nhất trong ngày, cơ thể cũng có những thay đổi như dòng máu lưu thông chậm, thân nhiệt hạ, hơi thở, nhịp tim cũng chậm hơn. Lúc này, khi cởi tư trang ra ngoài, dù tắm nước ấm hay nước lạnh, cơ thể cũng bị xáo trộn và không giữ được sự cân bằng nhiệt độ, dễ bị trúng hàn sinh ra nhiều bệnh tật cấp tính như đột quỵ, rối loại tiền đình, liệt mặt ngoại biên.
Ban đêm có khí âm nhiều cả trong và ngoài cơ thể, nếu tắm sẽ dẫn đến khí hàn xâm nhập, mạch máu co lại, khí huyết lưu thông đã chậm sẽ càng chậm hơn. Khí huyết lưu thông chậm sẽ dẫn tới đau đầu, máu quánh lại dễ đông cục gây thuyên tắc động mạch.
- Tác hại: Khi tắm gội vào ban đêm, tóc ướt sẽ bay hơi, mang theo một nhiệt lượng lớn khiến đầu bị lạnh, đồng thời khiến các mạch máu não bị co lại đột ngột, giảm tuần hoàn não, xuất hiện hiện tượng thiếu máu não dẫn đến đột quỵ, bất tỉnh, hôn mê, nếu không phát hiện và có biện pháp sơ cứu kịp thời có thể khiến tử vong.
Người cao tuổi có đặc điểm sinh lý như mạch máu bị co lại, lòng mạch máu bị xơ vữa (vôi hóa), máu cô đặc và quánh cao hơn người trẻ nên thường gặp chứng huyết áp cao. Nếu tắm vào các thời điểm đêm muộn, họ rất dễ bị đột quỵ với khả năng cao hơn rất nhiều so với người trẻ.
Ngoài ra, phụ nữ trong ngày “đèn đỏ” không nên tắm muộn, tránh tắm và gội đầu cùng một lúc vì dễ gây ra tình trạng đau đầu và đau bụng kinh. Vào thời điểm này, khí huyết bị mất, việc tắm và gội đầu cùng một lúc làm cơ thể bị lạnh, khí huyết ngưng khiến cho huyết ra hòn cục, gây ra tình trạng đau bụng.
“Trẻ em, phụ nữ có thai, người say rượu bia, đi làm mệt mỏi ra mồ hôi nhiều tuyệt đối không tắm muộn sau 23 giờ”
Tắm nước nóng cũng nguy hiểm
Tắm nước nóng cũng làm cho tĩnh mạch giãn ra, đồng thời giảm huyết áp. Do đó, những người huyết áp thấp, huyết áp không ổn định có thể bị giảm huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm tới tính mạng. Khi tĩnh mạch dãn ra thì khí huyết cũng lưu thông chậm đi và khí hàn cũng dễ xâm nhập. Vì thế, theo nguyên lý đông hay tây y, tắm cách này cũng là có hại.
- Thời gian thích hợp: Từ cổ xưa, các cụ đã có câu nhắc nhở con cháu tắm sáng là vàng, tắm trưa là bạc, tắm tối là chì.
Nếu ban đêm đi làm về người dơ bẩn, có thể lau người nhanh bằng nước ấm, phòng tắm đóng kín cửa, tránh gió lùa vào, thay đồ nhanh hoặc cố gắng tắm càng sớm càng tốt, tránh gần nửa đêm là giờ cực âm dễ sinh bệnh.
***

Đã từng có nhiều người mất vì nguyên nhân này nên mọi người cũng cẩn thận và tránh tắm quá muộn rồi đi ngủ ngay lập tức.
Mong mọi người hiểu được những rủi ro từ việc tắm đêm để tạo thói quen tắm sớm, tuyệt đối không tắm sau 23 giờ đêm. Từ 19 giờ tối về sau, nếu gội đầu, nên sử dụng nước ấm và sấy tóc thật khô trước khi đi ngủ.
Tránh dội nước lên người hoặc trên đầu xuống một cách đột ngột vì sẽ khiến cơ thể bị hạ nhiệt đột ngột, dễ gây nguy cơ bị bệnh và đột quỵ. Đặc biệt tắm khi trời lạnh, nên làm quen với nhiệt độ bằng cách đưa nước từ chân dần lên hai tay rồi sau đó lên người để tránh bị sốc nhiệt.

MÙA HOA SƯA

MÙA HOA SƯA
Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Mùa hoa sưa vàng đẹp như tranh ở xứ Quảng
Du khách đến với làng quê Tiên Phước (Quảng Nam) không thể quên hoa sưa vàng, loài hoa đặc trưng làm say đắm lòng người xứ Quảng.
Thiếu nữ bên hoa sưa - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Khi mùa hoa gạo tàn, vào cuối tháng 3 trên những con đường làng quanh co dẫn về các xã Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cẩm, hoa sưa đơm đầy nụ trên những cành non xanh biếc.
Những cơn mưa phùn lất phất như tiếp thêm sức sống cho hoa sưa để có màu hoa rực vàng hơn trong nắng nhẹ mùa xuân.
Sưa nở trên đồng trong sương sớm - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Hoa sưa thường hay nở vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương nên du khách và những người con xa xứ lại về thăm quê trong mùa sưa nở. 
Hoa sưa nở bên thềm nhà, trên những lối đi ra đồng, bên những bờ ruộng, vườn cây ăn trái, trong những khu nhà cổ kính hoặc những ngõ đá hàng trăm năm tuổi uốn lượn bên những con đường nhỏ vào làng.
Hoa sưa đã rụng trên con đường nhỏ vào làng - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Về Tiên Phước giữa mùa hoa sưa mới thấy vùng quê trung du này quá đẹp! Nơi nào cũng vàng ươm màu của hoa sưa và lúa chín.
Trong cái nắng hanh vàng, đi dưới những con đường làng hoa sưa vàng rực, thơm ngào ngạt, lòng người như thanh thản quên đi phiền muộn. Và trên hết là những ký ức xưa ùa về, nhớ lại một trời thơ ấu quyện trong hương thơm ngào ngạt của hoa sưa!
Một góc tĩnh lặng của đường làng Tiên Châu - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Sưa vàng bên cổng nhà - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Trên đường đến chợ huyện, hoa sưa nở vàng trong sương sớm - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Những tà áo dài trên đường hoa sưa làng Tiên Mỹ - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Hoa sưa vàng - biểu tượng của miền quê Tiên Phước - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Sưa nở trên cánh đồng tạo nên bức tranh làng quê Tiên Mỹ tuyệt đẹp - Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Mời click vào đây để xem video:
https://www.facebook.com/watch/?v=400080307459028