Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG

VỀ ĐÂU MÁI TÓC NGƯỜI THƯƠNG
Tiếng hát: Charley

Cô gái này là người Mỹ, tên là Charley, 22 tuổi, sống ở Việt

Nam và mọi người gọi cô ấy là "Xuân"

Đây là Channel của cô ấy: 

https://www.youtube.com/user/coastlin..


.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

NGƯỜI BÁC SĨ CÓ PHÉP LẠ

NGƯỜI BÁC SĨ CÓ PHÉP LẠ
Đông Minh
Đại hội thần kinh thế giới lần thứ 22 diễn ra tại Santiago, Chile (31/10 -5/11) năm nay. Nhiều người thấy ngạc nhiên vì có một cái tên Việt Nam xuất hiện trong tư cách là ứng cử viên Ủy viên giám sát của Ủy ban điều hành Hội thần kinh thế giới (WFN), đó là bác sĩ Daniel Trương Dũng ở thành phố Fountain Valley. Orange County. Ca.
BS Daniel có nhiều khám phá mới trong việc chữa trị bệnh Parkinson .... Được biết ông là cựu học sinh trường trung học Võ Trường Toản, Saigon.
Trong giới thần kinh thế giới, bác sĩ Daniel Trương là một nhân vật “quen mặt” – một bác sĩ nổi tiếng trong ngành thần kinh Parkinson và là diễn giả có mặt ở rất nhiều Hội nghị chuyên ngành quốc tế khắp nơi trên thế giới.
Nếu đắc cử vào chức vụ Ủy viên giám sát, bác sĩ Daniel Trương sẽ cùng 4 nhà khoa học nữa điều hành các chương trình nghiên cứu trong địa hạt thần kinh trên thế giới trong bốn năm tới.
                                               Bác sĩ Daniel chữa bệnh cho người Mỹ
Để ứng cử vào vị trí này, mỗi ứng cử viên cần có 5 nước đề cử. Bác sĩ Daniel được sự tín nhiệm của 14 Hội thần kinh quốc gia gồm có Mỹ, nơi ông đang làm việc, Việt Nam – nơi ông sinh ra - Đức, Bulgaria, Trung Quốc, Hungary, Kazakhstan, Kuwait, Mexico, Pakistan, Rumania, Saudi Arabian, Slovenia, Singapore… cho đến trước ngày khai mạc Hội nghị 31/10 năm nay.
Chủ tịch Hội thần kinh Việt Nam, GS.TS Lê Hinh nhận xét: “Ông ấy là một bác sĩ tài năng và tâm huyết. Thay mặt cho Hội thần kinh quốc gia Việt Nam, tôi đề cử bác sĩ Daniel Truong và tôi tin ông ấy xứng đáng cho vị trí này”.
Bác sĩ Daniel là người Việt Nam đầu tiên đến Đức theo học ngành Y từ năm 1967 và sau này tiếp tục học bác sĩ nội trú tại các đại học danh tiếng như như Medical University of South Carolina, thực tập sinh tại Columbia University và London’s National Hospital for Nervous Disease.
Ông trở nên nổi tiếng ở Mỹ từ những năm 1990 - khi tờ Los Angeles Times gọi ông là “bác sĩ có phép lạ” – khi lần đầu tiên ở Mỹ, có những bệnh nhân Parkison , bệnh nhân bệnh tắt tiếng lâu năm và mất hết hy vọng đã hồi sinh trở lại các sinh hoạt bình thường.
Hơn 20 năm nay, kể từ khi sáng lập Viện The Parkinson and Movement Disorder ở Fountain Valley, California, bàn tay tài hoa của vị bác sĩ đã đem lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn bệnh nhân Parkinson và các bệnh về thần kinh nan y khác, như bệnh tắt tiếng (người bệnh tự nhiên mất khả năng nói). Bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi trên đất Mỹ và thế giới. Có những khi bệnh nhân ở xa phải đặt lịch trước cả nửa năm mới gặp được danh y.
                                            Bác sĩ Daniel tại một Hội thảo ở Kazakhsta
Trăn trở muốn giúp đỡ nhiều hơn cho bệnh nhân ở xa, từ năm 2005, ông đã sử dụng Internet, qua skype để chẩn bệnh và điều trị cho họ. “Chỉ những những bệnh nhân nào ở xa cần can thiệp bằng phẫu thuật đặt điện cực trong não mới phải đến trực tiếp” – Bác sĩ Daniel nói. Vì thế, ông giúp được cho nhiều người người hơn, trong đó có cả các bệnh nhân ở Việt Nam.
Thành danh trên đất Mỹ nhưng trong trái tim ông, Việt Nam vẫn luôn rất gần. Ông trở về Việt Nam từ những ngày đầu tiên sau Đổi mới và đã đưa một số chương trình đào tạo quốc tế về Việt Nam: “Nếu mời một vài bác sĩ sang Mỹ học, cũng rất tốn kém nhưng khi về, một mình họ không đủ sức làm thay đổi cả một lối làm việc. Tôi muốn có càng nhiều bác sĩ ở Việt Nam được gặp gỡ, học hỏi từ các chuyên gia thần kinh hàng đầu thế giới. Vì thế, tôi trở về Việt Nam để tổ chức các Hội nghị và các khóa huấn luyện”.
Dự định của ông đã thành hiện thực, khi ông cộng tác với Hội thần kinh thế giới trong vai trò là thành viên Ủy ban Xuất bản (Publication Committee) năm 2002. Với nhiệm vụ phát triển tạp chí Thần kinh quốc tế, ông đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội từ thời gian đó. Cũng từ đây, ông có cơ hội kết nối và tổ chức thành công một Hội nghị Y khoa quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Bác sĩ Daniel đã mời các giáo sư quốc tế tới TP Hồ Chí Minh huấn luyện cho bác sĩ Việt Nam. Công việc đó không chỉ được duy trì tại Việt Nam nhiều năm qua mà trong quá trình làm việc, ông đã phát triển chương trình để đưa đến nhiều quốc gia đang phát triển khác. “Các nước đang phát triển cần tiếp cận với những phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới” – Bác sĩ Daniel nói. 
Ông đã đưa những chương trình tập huấn, hội thảo tới hàng loạt nước như Mông Cổ, Indonesia, Uzbekistan and Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan. Lịch trình của bác sĩ Daniel luôn bận rộn, khi thì thuyết giảng ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, lúc thì tập huấn ở Nga, Uzbekistan bên cạnh những ca chữa bệnh đặt trước tại bệnh viện nơi ông đang làm việc. Với những chương trình giúp đỡ của ông cho các quốc gia, ông đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong Giáo sư danh dự.
                 Ông được phong giáo sư danh dự ở nhiều quốc gia
Khi tôi hỏi ông đã được phong giáo sư danh dự ở những quốc gia nào, vị bác sĩ ngẩn người: “Ồ, chị hỏi bất ngờ, tôi không nhớ rõ lắm. Mới đây nhất thì là Đại học Y khoa Kazakh”. “Tôi biết trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị các thủ tục để phong Giáo sư danh dự cho ông?” – “Việc này thì chị phải hỏi họ chứ (cười), tôi không rõ các thủ tục đâu. Thường họ sẽ sắp xếp và chỉ khi trao bằng danh dự, họ sẽ mời tôi đến. Nhiều khi tôi cũng bất ngờ, ví như sau Hội nghị tháng 9 vừa rồi ở Kazakhstan, tôi bỗng được mời lên bục danh dự nhận bằng. Điều tôi vui là có thể hỗ trợ cho các đồng nghiệp ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam quê hương”.
Ở tuổi 67 nhưng sức làm việc của ông thật phi thường. Trên 140 ngàn dặm bay mỗi năm dành cho các chương trình giảng dạy ở nước ngoài, chưa kể công việc ở Viện thần kinh nơi ông đang làm việc.
Đến nay, ngoài hơn 150 bài viết cho tạp chí y khoa Peer Review, bác sĩ Daniel Trương còn là tác giả của bảy cuốn sách quan trọng viết cho các bác sĩ chuyên môn ngành thần kinh và tâm thần. Các cuốn sách trên đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Nga, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.
Ông đã và đang là thành viên Hội đồng biên tập của 4 tạp chí Thần kinh hàng đầu thế giới như Journal of Neural Transmission (2006-2008), Journal of Parkinsonism and Related Disorders (2005-2013), board, Journal of Neurological Sciences (2006-2013), Future Neurology (2007- tới nay), World Neurology (2003- 2013)…và là biên tập viên của nhiều tạp chí thần kinh thế giới khác. Tiếng nói có thẩm quyền của ông sẽ quyết định thông tin nào của các nhà nghiên cứu chuyên môn là đáng được đăng tải.

Về BS Daniel Dũng Trương
Đêm định mệnh
“17 tuổi (1967 – NV), tôi đã muốn thoát ly gia đình. Sau khi đậu tú tài toàn phần với tấm bằng loại ưu và được suất học bổng du học, tôi lấy chiếc compa mở hết cỡ, đặt trên tấm bản đồ thế giới, lấy tâm điểm là Việt Nam rồi xoay một vòng đến chỗ nào xa nhất mà tôi tin rằng mình ít biết đến nhất thì tôi chọn. Cuối cùng, tôi chọn nước Đức mặc dù lúc đó, tôi chỉ nói ngọng nghịu vài câu tiếng Đức”, bác sĩ Daniel Dũng Trương thành thật.
Giấc mơ của chàng trai Việt mang tên Trương Dũng là đến Đức học tập để trở thành một kỹ sư điện tử nhưng như là tiền định, một cuốn sách viết về một bác sĩ kỳ diệu của tác giả Cronin mà anh đọc ngốn ngấu một đêm cho quên đi nỗi nhớ nhà đã làm thay đổi định hướng của anh. 
Sau đêm đó, Trương Dũng quyết định bỏ ngành điện tử để thi vào ngành y khoa. “Đó là cái đêm định mệnh của cuộc đời tôi”. Ở Đức, y khoa là một ngành học rất khó và những ai muốn thi vào Đại học Y khoa cũng phải qua những cửa ải gian khổ. Trương Dũng thi đại và đỗ. Sau 5 năm rưỡi mài mòn đũng quần ở trường y khoa, chàng sinh viên Việt đã tốt nghiệp. Đó là cũng một kỳ tích. Tấm bằng Đại học Y khoa mà anh lấy được sớm hơn các bạn cùng khóa đến 2 năm. Sau một thời gian, chàng bác sĩ trẻ quyết định sang Mỹ để học thêm chuyên ngành thần kinh học tại trường Đại học South Carolina. 
Ý chí mãnh liệt. 
Với 2 tấm bằng tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Trương Dũng hăm hở đi tìm việc. Anh đến bệnh viện của một vị giáo sư cao niên và nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc đó. Giáp mặt bác sĩ trẻ người Việt nhỏ thó, ông giáo sư người Mỹ nhìn Trương Dũng từ đầu xuống chân và lắc đầu, khoát tay. “Lúc đó, tôi đã đứng như trời trồng. Dường như tôi nghe cái gì đó đắng chát ở cổ họng. Rồi tôi cũng nhìn chằm chằm từ đầu đến chân ông giáo sư. Tôi thấy mình là người Việt thì cũng đủ các ngũ quan như ông ta. Tôi có kiến thức chuyên môn hẳn hoi và khát khao được làm việc. Vậy thì tại sao tôi không được nhận?”. 
Không nản lòng, ngày hôm sau Trương Dũng lại đến. Lần này thì ông giáo sư “tiễn” anh ra khỏi khoa và còn nói với theo một câu: “Tôi rất nhiều việc. Cậu đừng đến làm phiền nữa nhé!”. Trương Dũng lại lầm lũi lê bước chân nặng nề về căn phòng ở trọ. Như vậy cũng không “ép phê” gì so với quyết tâm cháy bỏng của chàng trai trẻ. Và lần thứ 3, anh lại đến. Oái oăm hơn, người đàn ông khó tính này lại “lịch sự” tiễn Trương Dũng ra tận cổng bệnh viện và phũ phàng buông một câu: “Khu vực này trời tối anh nên về đi. Hy vọng đây là lần cuối tôi gặp anh!”. 
“Lần cuối. Tôi nghe câu nói đó giống như cánh cửa bệnh viện này đã đóng sầm lại rồi. Một suy nghĩ loáng qua đầu tôi, không lẽ cánh cửa trái tim ông ấy cũng khóa nốt với tôi. Và tôi đã lập tức quay lại. Tôi nói với ông ta là tôi sẽ làm không công. Vị giáo sư ngạc nhiên và gọi điện cho thầy tôi. Ông nghĩ rằng định mệnh của tôi đúng là ngành thần kinh. Thế là vị giáo sư mềm lòng”. Bác sĩ Daniel Dũng Trương bồi hồi kể.
Lòng say mê học hỏi và năng lực thật sự của Trương Dũng khiến vị bác sĩ tài năng và khó tính này cũng phải kiêng nể. Bí quyết thành công, theo bác sĩ Daniel Dũng Trương là phải biết đấu tranh quyết liệt và kiên trì đến phút chót: “Ở các trường đại học ở Mỹ, người ta coi bạn mình cũng là đối thủ. Những ai muốn tiến bộ thì phải tìm cách vượt qua đối thủ. Tôi đấu tranh ngay với cả thầy của mình. Tôi không sợ trù dập. Trong xã hội Mỹ, mình phải sẵn sàng đương đầu khi phải đương đầu với bất kỳ ai. Người ta cũng cảm thấy chuyện đó là bình thường, là cần thiết. Sau này, trong nghiên cứu sự cạnh tranh còn khắc nghiệt hơn”. 
Vị cứu tinh của nhiều người. 
Danh tiếng về khả năng chữa bệnh Parkinson và các bệnh rối loạn cử động của bác sĩ Daniel Dũng Trương được biết đến không chỉ ở Mỹ mà truyền đi khắp thế giới. Ông đã mang lại giọng nói bình thường cho nhiều phát thanh viên, diễn viên tại Mỹ khi họ mắc chứng bệnh này. Có hơn 15.000 người trên thế giới là bệnh nhân của vị bác sĩ gốc Việt này. Trong đó có những người rất nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh, chính khách. Khâm phục tài năng và đức độ của ông có một bệnh nhân đã sẵn sàng tặng ông 1 triệu USD hoặc Giám đốc nhân sự của cựu Tổng thống Bill Clinton khi Bill Clinton còn là Thống đốc bang Arkansas thì đề nghị tặng bộ óc sau khi qua đời để bác sĩ Daniel Dũng Trương dùng trong nghiên cứu.
Trong các bài báo tiếng Anh viết về người bác sĩ biết làm phép lạ này đã ghi lại những câu chuyện hết sức xúc động. Deadmond là một bệnh nhân điển hình của vị bác sĩ gốc Việt này. Một hôm cô thức dậy và cứ ngỡ rằng mình bị viêm thanh quản. Ai ngờ chứng bệnh kéo dài suốt 7 năm. Tình trạng của Deadmon ngày càng trầm trọng hơn đến nỗi cô không thể ăn. Ngay chuyện trả lời điện thoại cô cũng không còn làm được. Khi đến phòng mạch bác sĩ Trương, cô Deadmon thổ lộ: “Ông ấy là hy vọng cuối cùng”. Và đúng là như vậy, bác sĩ Trương đã chữa khỏi cho cô gái. Susan Becraft, một bệnh nhân khác của bác sĩ nói: “Đối với chúng tôi, ông ấy là một siêu anh hùng”. Bác sĩ Trương đã chữa lành cho Becraft chứng cứng cơ đòn gánh, một rối loạn vận động ở cổ. Còn Barbara Rood nhờ bác sĩ Trương mà sau hai năm đã lấy được giọng nói đã mất, phát biểu: “Tôi tưởng tượng như mình trồi lên từ đêm đen, như người mù được sáng mắt”.
Trong vài lần về Việt Nam với thời gian ngắn ngủi, bác sĩ Daniel Dũng Trương đã dành từng giây, từng phút để điều trị cho nhiều người mắc chứng bệnh Parkinson trầm trọng mà hầu như trong nước, họ không có cơ may chữa khỏi. Vị bác sĩ tài giỏi này còn có một cách chữa bệnh “từ xa” rất đặc biệt thông qua sự điện thoại, e-mail, webcam để theo dõi bệnh nhân. Điển hình là NSND Thanh An mắc chứng Parkinson rất lâu đã được ông chữa bệnh qua webcam và bệnh tình đã thuyên giảm. 
Nhà khoa học lớn và trái tim nhân hậu. 
Bác sĩ Daniel Dũng Trương được coi là người đầu tiên chứng minh có thể sử dụng chất botox để chữa bệnh tắt tiếng. Cùng với người thầy của mình là bác sĩ Tenny Fox – cựu Chủ tịch Hội Thần kinh Hoa Kỳ, ông đã dành trọn 17 năm miệt mài nghiên cứu để tìm ra phương pháp dùng botox điều trị bệnh tắt tiếng một cách hiệu quả nhất. Tên tuổi của ông còn gắn liền với bảng phân loại về các bệnh cử động học. Vị bác sĩ gốc Việt này từng làm chủ tọa nhiều hội nghị ngành thần kinh tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học. Ông đồng chủ biên 4 tờ báo y khoa hàng đầu thế giới và biên tập cho 20 tạp chí y khoa khác. Riêng các bác sĩ chuyên ngành thần kinh ở Việt Nam không thể không “gối đầu giường” cuốn Thần kinh học lâm sàng do BS Daniel Dũng Trương và đồng nghiệp viết. Hàng trăm báo cáo về bệnh thần kinh của ông đã được đồng nghiệp tham khảo và thán phục. Mới đây, ông được bầu vào chức Chủ nhiệm Tiểu ban đào tạo cho những nước đang phát triển của Hội Thần kinh quốc tế. Năm 1991, ông được mời chủ tọa cuộc họp thường niên của Hội Thần kinh Hoa Kỳ. Cuốn sách Vẻ vang dân Việt chọn ông là 1 trong 2 nhân vật tiêu biểu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, trung bình mỗi năm ông đi thuyết trình tại 10 nước. 
            Daniel Dũng Trương đang chữa cho người bị mắc chứng Parkinson.  Ảnh:Q.V.
Nổi tiếng khắp thế giới và được đồng nghiệp nghiêng mình kính nể nhưng ở nước Mỹ xa xôi, vị bác sĩ tài hoa này vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Nhiều bệnh nhân người Việt có hoàn cảnh khó khăn được ông tặng thuốc để chữa trị mặc dù có những loại thuốc rất đắt. Ông đang ôm ấp một dự định là xây dựng một bệnh viện thần kinh hiện đại tại Việt Nam để chữa trị cho đồng bào của mình. Sát cánh bên bác sĩ là người vợ giỏi giang hiện đang là giám đốc một đài truyền hình tại Mỹ kiêm thành viên ban giám sát ở Trung tâm Orange Coast Memorisl Medical. Bà thường xuyên vận động để phụ nữ Việt kiều tham gia vào xã hội nhiều hơn và tận dụng được nhiều các cơ hội quanh họ. Bên cạnh đó, bà cũng giúp họ duy trì mối liên hệ với cội nguồn đất Việt vì cho rằng nếu không quan tâm, thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng Việt sẽ rời xa dần những truyền thống. Nhiều người Việt còn biết đến người vợ của vị bác sĩ nổi tiếng này trong vai trò thành viên ban hòa tấu Pacific Symphony Orchestra và Tổ chức âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Họ cùng sống, làm việc và giúp người khác bằng đôi tay lương y tài hoa và tinh thần độc lập đầy nhân bản.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

NHỮNG ĐÔI THIÊN NGA SUỐT ĐỜI BÊN NHAU

NHỮNG ĐÔI THIÊN NGA SUỐT ĐỜI BÊN NHAU
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh





NHÌN ĐÔI THIÊN NGA CẢM TÁC


đôi thiên nga suốt đời bên nhau
duyên dáng, keo sơn, lông trắng phau
nước biếc, núi xanh, vòng bốn phía
cổ cong, mỏ đỏ, chụm hai đầu
an bình thế giới yêu đương ấy
xa cách nhân gian hạnh phúc đâu!
Một phút ngắm nhìn thanh thản dạ
xông pha quét sạch những thương đau.
Phùng Văn Hạnh

Kính họa

Lóng lánh mặt hồ, áp cạnh nhau
Thiên nga chụm sát ánh gương phau
Thì thầm quyến luyến từ muôn thuở
Thủ thỉ yêu thương đến bạc đầu
Tự tại thế nhân tìm khắp nẻo
An nhiên trần tục kiếm nơi đâu
Diệu huyền trăng nước đôi ta ngắm
Thách đố trần gian mặc khổ đau!
Dân Nam


Thiên Nga kính họa 

Đôi cánh chim trời vẫn quấn nhau 
Hồ xuân điểm bạc trắng phau phau 
Một vùng nước biếc đôi tình nhỏ 
Đôi mỏ say sưa nhạc khúc đầu 
Mặc kệ thời gian như gió cuốn 
Tình ta một thuở khó tìm đâu 
Thế nhân sao chẳng như ta hưởng ?
Chinh chiến luân hồi mãi khổ đau !!
Hồ Muối 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

HAPPY THANKSGIVING

HAPPY THANKSGIVING

T8.gif
Blogger Thành Phố Gió
Kính chúc quý độc giả

Một dịp lễ Tạ Ơn vui tươi và hạnh phúc!
T1.gif

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

BÀ TRIỆU ẨU : TRIỆU THỊ TRINH

BÀ TRIỆU ẨU: TRIỆU THỊ TRINH
Nguồn: Lịch sử Việt Nam


"Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta"

Cuộc Khởi Nghĩa Của Triệu Thị Trinh (248) 
"Muốn coi lên núi mà coi, 
Có Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng" 

Trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ và giành độc lập cho nước nhà, nếu đỉnh cao của thế kỷ I là khu vực Giao Chỉ và đỉnh cao của thế kỷ II là vùng Nhật Nam, thì đỉnh cao của thế kỷ III lại là quận Cửu Chân. Thực ra, ngay từ cuối thế kỷ II, nhân dân Cửu Chân cũng đã từng phối hợp chặt chẽ với nhân dân Nhật Nam trong cuộc đấu tranh chống ách thống tri của nhà Hậu Hán. Chính họ đã góp phần không nhỏ vào quá trình tạo lập nên vương quốc của người Chăm (năm 192). Tuy nhiên, chói lọi nhất thế kỷ III vẫn là cuộc khởi nghĩa ở trung tâm quận Cửu Chân do Triệu Thị Trinh phát động và lãnh đạo.
Triệu thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 nǎm 226 (Bính Ngọ) tại huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá trong một gia đình hào trưởng. Triệu thị Trinh là một phụ nữ có tướng mạo kỳ lạ, người cao lớn vú dài nǎm thước. Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, trí lực hơn người. Truyền thuyết kể rằng, có lần xuất hiện một coi voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, làm chết người. Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên dùng tài làm con voi lạ gục đầu xin qui thuận. 
Khi nhà Ngô xâm lược đất nước gây nên cảnh đau thương cho dân chúng, khoảng 19 tuổi Triệu thị Trinh bỏ nhà vào núi xây dựng cǎn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Khi anh trai nhắn về nhà gả chồng, bà đã trả lời tỏ rõ khí phách của mình mà đến nay không mấy người Việt Nam là không biết: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ sao lại chịu khom lưng làm tì thiếp người ta". Truyền thuyết kể rằng, nǎm 248 khi Triệu Thị Trinh khởi nghĩa trời đã sai đá núi loan tin tập hợp binh sĩ trong vùng. Đêm khuya từ lòng núi đá phát ra rằng:
"Có Bà nữ tướng.
Vâng lệnh trời ra.
Cỡi voi một ngà.
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước.
Theo gót Bà Vương".
Theo đó, dân chúng trong vùng hưởng ứng nhiệt liệt, có người mang theo cả bộ giáp vàng, khǎn vàng.... dâng cho bà. Anh trai bà là Triệu Quốc Đạt được tôn làm Chủ tướng. Bà Triệu là Nhuỵ Kiều tướng quân (Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa). Khi ra trận Bà mặc áo giáp vàng, chít khǎn vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi một ngà. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà Vương đánh giặc. Cho đến nay nhân dân vùng Thanh Hoá và lân cận còn nhiều câu ca, lời ru con nói về sự kiện này. 
Sau hàng chục trận giao tranh với giặc, trận thứ 39 anh trai bà là Triệu Quốc Đạt tử trận, Bà Triệu lên làm chủ tướng và lập nên một cõi giang sơn riêng vùng Bồ Điền khiến quân giặc khó lòng đánh chiếm. Biết bà có tính yêu sự trong sạch , ghét quân dơ bẩn, quân giặc bố trí một trận đánh từ tướng đến quân đều loã thể. Bà không chịu được chiến thuật đê hèn đó phải lui voi giao cho quân sĩ chiến đấu rồi rút về núi Tùng. Bà quì xuống vái trời đất: "Sinh vi tướng, tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) rồi rút gươm tự vẫn. 
Đến nay chuyện Bà Triệu từ thế kỷ thứ II vẫn còn hằn đậm trong tâm thức mỗi người Việt Nam với lòng ngưỡng mộ và tự hào. Lǎng và đền thờ Bà vẫn còn mãi với thời gian tại huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá là di tích lịch sử quan trọng của quốc gia là bằng chứng về niềm tự hào một người phụ nữ liệt oanh của Dân tộc Việt Nam. 
 
BÀ TRIỆU ẨU
voduonghonglam- vophubong

Đạp cơn sóng dữ quậy ngông cuồng 
Chém cá tràng kình dậy biển Đông
Giúp nuớc xây nhà xua giặc mạnh 
Dương cờ khởi nghĩa dựng binh hùng
Bồ Điền[ 1] giữa trận so đao kiếm 
Non Việt bên trời lập chiến công 
Nữ tướng Nhụy Kiều danh nổi tiếng [2] 
Ngàn sau rạng rỡ giống Tiên-Rồng.

Chú thích: 
[1] Bồ-Điền: căn cứ địa xảy ra những trận chiến quyết liệt giữa quân Bà và quân Ngô.
[2] Nhụy Kiều : Vị tướng yêu kiều như nhuỵ hoa.

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

SỰ TÍCH NGÀY LỄ TẠ ƠN (THANKSGIVING DAY)

SỰ TÍCH NGÀY LỄ TẠ ƠN (THANKSGIVING DAY)
Sưu tầm



     Bức tranh The First Thanksgiving của Jean Leon Gerome Ferris, người da trắng mời người da đỏ cùng ăn
Vào khoảng thế kỷ 16-17, một số người theo Công giáo và Thanh giáo tại Anh bị hoàng đế lúc đó bắt cải đạo để theo tôn giáo của ông ta, trong cuộc Cải cách Tin Lành. Những người này không chấp nhận và bị giam vào tù. Sau khi giam một thời gian vị hoàng đế truyền họ lại và hỏi lần nữa, họ vẫn quyết không cải đạo. Hoàng đế không giam họ vào tù nữa mà nói với họ rằng nếu họ không theo điều kiện của ông ta thì họ phải rời khỏi nước Anh.
Những người này rời khỏi Anh đến Hà Lan sinh sống nhưng họ sớm nhận ra mình không thể hoà nhập ở nơi này và lo sợ con cháu của họ sẽ bị mất gốc, một số nhóm người rời khỏi Hà Lan để đến Tân Thế Giới (Châu Mỹ) sinh sống, và sau này thường được gọi là Người lữ hành (Pilgrims). Những người này đi trên một con thuyền tên là Mayflower, họ đặt chân đến Thuộc địa Plymouth thuộc vùng Tân Anh (New England) khi đang mùa đông. Đói và lạnh, một nửa trong số họ không qua nổi mùa đông khắc nghiệt. Đến mùa xuân, họ may mắn gặp được những thổ dân da đỏ tốt bụng và cho họ ít lương thực. Người da đỏ dạy họ những cách sinh tồn ở vùng đất này như cách trồng hoa màu, săn bắt,... Khi người Pilgrims đã có thể tự lo cho bản thân được, họ tổ chức một buổi tiệc để tạ ơn Chúa Trời vì đã cho họ có thể sống đến ngày hôm nay, họ mời những người da đỏ và cùng nhau ăn uống vui vẻ. Từ đó về sau, hằng năm con cháu của người Pilgrims luôn tổ chức lễ tạ ơn để cảm ơn cho những gì tốt đẹp đã đến với cuộc sống.
Theo tài liệu, buổi lễ tạ ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ, do người Pilgrims tổ chức, là vào năm 1621 tại Thuộc địa Plymouth, ngày nay thuộc Massachusetts, sau một vụ thu hoạch tốt.
Tổ chức truyền thống
                            Gà tây nướng lò, một món ăn thường thấy trong ngày Lễ Tạ ơn
                  Bánh Pumpkin(Pumpkin pie) thường dùng trong mùa Lễ Tạ ơn tại Bắc Mỹ
Lễ Tạ ơn thường được tổ chức với một buổi tiệc buổi tối cùng với gia đình và bạn bè với món thịt gà tây. Tại Canada và Hoa Kỳ, nó là một ngày quan trọng để gia đình sum họp với nhau, và người ta thường đi xa để về với gia đình. Người ta thường được nghỉ bốn ngày cuối tuần cho ngày lễ này tại Hoa Kỳ: họ được nghỉ làm hay học vào ngày thứ Năm và thứ Sáu của tuần đó. Lễ Tạ ơn thường được tổ chức tại nhà, khác với ngày Lễ Độc lập Hoa Kỳ hay Giáng Sinh, những ngày lễ mà có nhiều tổ chức công cộng (như đốt pháo hoa hay đi hát dạo). Tại Canada, nó là một cuối tuần ba ngày, người ta thường được nghỉ vào ngày thứ Hai thứ nhì của tháng 10 mỗi năm.
Tại Hoa Kỳ, người ta thường tưởng nhớ đến một bữa ăn tổ chức trong năm 1621 giữa người da đỏ Wampanoag và nhóm Pilgrims đã di cư tại Massachusetts. Lễ Tạ ơn đã được thực hiện chủ yếu bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo tại New England cho đến năm 1682, và sau đó bởi cả hai nhà lãnh đạo chính quyền và tôn giáo cho đến sau Cách mạng Hoa Kỳ. Tổng thống Hoa Kỳ George Washington đã công bố lễ tạ ơn toàn quốc đầu tiên ở Mỹ vào ngày 26 tháng 11 năm 1789, "là một ngày tạ ơn công cộng và cầu nguyện bởi sự công nhận với lòng biết ơn sự gia ân và tín hiệu tốt của Thiên Chúa Toàn Năng". Nhiều chi tiết của câu chuyện là truyền thuyết được đặt ra trong những năm 1890 và đầu thế kỷ 20 để tạo một biểu hiện sự đoàn kết quốc gia sau Nội chiến Hoa Kỳ cũng như để đồng hóa các người nhập cư.
Tại Canada, Lễ Tạ ơn là một cuối tuần ba ngày. Trong khi ngày Lễ Tạ ơn nằm vào ngày thứ Hai, người Canada có thể ăn buổi tiệc trong bất cứ ngày nào trong ba ngày cuối tuần đó. Việc này thường dẫn đến việc ăn một buổi tiệc với nhóm người này hôm này, rồi với nhóm khác hôm kia.
Từ cuối thập niên 1930, mùa mua sắm cho Giáng Sinh tại Hoa Kỳ chính thức bắt đầu khi ngày Lễ Tạ ơn chấm dứt. Tại Thành phố New York, cuộc diễn hành Lễ Tạ ơn của Macy (Macy's Thanksgiving Day Parade) được tổ chức hằng năm vào ngày này tại Manhattan. Diễn hành thường có nhiều khán đài với nhiều chủ đề, có bong bóng lớn hình các nhân vật trên Truyền hình và các ban nhạc từ những trường trung học. Diễu hành này lúc nào cũng kết thúc với một Ông già Nôen. Có nhiều cuộc diễn hành khác tại nhiều thành phố khác.
Trong khi ngày thứ Sáu (còn gọi là Thứ Sáu Đen) sau ngày Lễ Tạ ơn là ngày mua sắm đông nhất trong năm tại Hoa Kỳ, nhiều cửa hàng đã bắt đầu chào đón khách hàng với các món hàng cho mùa lễ ngay sau Halloween.
Tuy rằng nguồn gốc của ngày lễ Tạ Ơn xuất phát từ một hoàn cảnh đặc biệt hiểm nghèo của nhóm di dân đầu tiên đã sống sót trên lục địa mới này, ngày lễ này thực ra đã có nguồn gốc rất xa xưa bắt nguồn từ những nền văn minh nông nghiệp cổ kính trên khắp thế giới. Tất cả các dân tộc sống bằng nghề nông đều có một ngày lễ đặc biệt để tạ ơn Trời Đất đã ban cho họ một mùa gặt hái thành công, giúp họ không bị đói kém. Các di dân Pilgrams đã làm lễ tạ ơn Thượng Đế dựa theo lễ La Mass gọi là lễ dâng bánh ở bên nước Anh, khi người nông dân đem miếng bánh đầu tiên làm bằng lúa của mùa gặt mới dâng lên Thượng Đế vào ngày mồng một tháng 8 hàng năm. Các dân tộc khác cũng có những ngày lễ tạ ơn Thượng Đế tùy theo tôn giáo của họ. Nói chung là tất cả các di dân hầu hết trên thế giới đều có một hình thức riêng biệt để tạ ơn Thượng Đế sau mỗi mùa gặt.
Người Việt là nhóm di dân sau cùng đến nước Mỹ. Người Việt không giống những di dân khác tìm đường sang Mỹ Châu phần lớn là vì lý do kinh tế nhưng các di dân người Việt rất giống các di dân Pilgrims ở chỗ ra đi để tìm tự do về văn hóa và tư tưởng. Các di dân người Việt chưa quen thuộc với các tục lệ của người Mỹ, trong đó có ngày lễ Tạ Ơn. Do đó, họ thường nghĩ rằng ngày lễ này có tính chất tôn giáo hoặc là môt ngày lễ riêng của dân Mỹ không quan hệ gì tới mình nhưng nếu hiểu được ý nghĩa cao quý của ngày lễ đặc biệt này, lễ của tất cả các di dân, thì có lẽ các di dân người Việt cũng có thể hồi tưởng những khó khăn lúc ban đầu khi mới tới đất Mỹ, tưởng nhớ những ân tình của những người bạn tốt không hề quen biết, những cơ quan thiện nguyện đã giúp đỡ mình xây dựng lại cuộc đời. Ngày lễ này cũng là một dịp để các di dân người Việt nhớ ơn đất nước và nhân dân Mỹ đã cưu mang mình!

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

NGẬM NGÙI

NGẬM NGÙI
Thơ: Huy Cận 
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Duy Quang

 

TƯỢNG CỤ NGUYỄN DU BẰNG GỖ GÙ HƯƠNG

TƯỢNG CỤ NGUYỄN DU BẰNG GỖ GÙ HƯƠNG
 Ngọc Tú 
Sau hơn 3 tháng thi công, tượng đại thi hào Nguyễn Du được tạc từ khúc gỗ gù hương nguyên khối nặng 4,8 tấn đã được hoàn thành.
Chủ nhân của bức tượng đại thi hào Nguyễn Du “khủng” là anh Lê Văn Huy (SN 1971, TP. Vinh, Nghệ An). Khoảng tháng 4/2014, anh Huy tình cờ biết người dân tộc ở huyện miền núi Nghệ An đào được gốc cây gù hương khủng nên quyết mua về.
Vốn mến mộ cụ Nguyễn Du từ thuở bé nên khi mua được khúc gỗ quý, anh Huy liền lên ý định tạc tượng cụ Nguyễn Du để thỏa chí đam mê. Trong ảnh là bản thảo của bức tượng.
Ban đầu, khúc gỗ gù hương anh Huy mua được có chiều cao hơn 3,5m. Đường kính chỗ lớn nhất là 2,5m. Khúc gỗ này nặng hơn 4,8 tấn và ước tính có tuổi đời lên đến cả nghìn năm.
Anh Huy cho biết, mua gỗ thì dễ nhưng việc tìm thợ giỏi để về tạc tượng theo ý tưởng của mình là rất khó. Anh đã phải đi ra tận tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để thuê những người thợ giỏi về tạc tượng.
Cuối năm 2014, anh Huy bắt đầu lên ý tưởng tạc tượng giống như bản thảo trước đó. Tuy nhiên, vì phải tham khảo nhiều ý kiến từ các nghệ nhân khác để hoàn thiện hơn nên mãi đến tháng 6/2015, công việc mới được triển khai.
Anh Huy cho biết: anh phải thuê rất nhiều tốp thợ với mỗi tốp 2 người để làm từng công đoạn một như cắt gỗ, tạc thô. Còn tạc chính và hoàn thành thì chỉ duy nhất một nghệ nhân tại tỉnh Bắc Giang đảm nhiệm.
Sau hơn 3 tháng làm việc cật lực, bức tượng đã được hoàn thành vào cuối tháng 9 vừa qua.
Sau khi hoàn thành, tượng có chiều cao 3,02m (tính cả đế), đường kính phần lớn nhất là 2m. Đây được xem là pho tượng cụ Nguyễn Du bằng gỗ gù hương khủng ở Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng tạc tượng này, anh Huy cho biết do từ nhỏ đã được nghe những lời ru câu kiều nên không biết mến mộ cụ Nguyễn Du từ lúc nào. Từ đó, anh ấp ủ tạc tượng để tôn vinh cụ.
Anh Huy cho hay từ lúc biết anh hoàn thành bức tượng này, có rất nhiều người đến hỏi mua với giá rất cao. Tuy nhiên, anh nhất quyết không bán mà giữ lại.
Ở phía cạnh bên tượng là tấm biển khắc tên và năm sinh năm mất của cụ Nguyễn Du.
Ở phía bên thân tượng còn có một hộc cây đã ôm lấy hòn đá lâu năm. Cho rằng đây là mộc ngậm thạch rất đặc biệt nên anh Huy và những người thợ quyết tâm giữ lại nguyên bản mà không xử lý.
Mọi chi tiết bức tượng đều được tạc rất sắc sảo, đẹp.
Ngoài thân tượng, các nghệ nhân còn tạc thêm những cuốn sách, hồ lô và bàn, chén để bên cạnh rất đẹp và độc đáo.
Khuôn mặt cụ Nguyễn Du được tạc rất đẹp và giống y nguyên với những mẫu tượng về cụ trước đó.
Trên tay bức tượng vẫn cầm một chiếc bút mang nét độc đáo riêng của đại thi hào Nguyễn Du.
Toàn bộ thân tượng và các chi tiết đều được tạc từ khúc gỗ gù hương nguyên khối mà không hề có sự chắp nối.
Hiện tại, tượng đã tạc xong nhưng vẫn được anh Huy gửi tại một kho gần nhà. Vì sợ nắng nên anh Huy phải dùng bạt che để tránh gây sự hư hại cho tượng.
Được biết, anh Huy là thành viên Hội Di sản Sông Lam (Nghệ An) và đam mê đồ cổ. Trong nhà anh có đến hàng nghìn đồ cổ có tuổi đời từ trăm năm đến cả nghìn năm.
Vợ anh - chị Nguyễn Thị Vân Huyền (SN 1979) là cháu đời thứ 8 của dòng họ của cụ đại thi hào Nguyễn Du.
Anh dành hẳn 1 gian phòng để trưng bày cổ vật cho thỏa chí đam mê.
Rất nhiều đồ cổ từ thời đồ đá.
Có cả vòng của người Việt Cổ ngày xưa dùng làm trang sức.
Anh Huy cho biết: tượng sẽ được trưng bày trong dịp “Lễ kỷ niệm 250 năm (1765 - 2015) ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du” được tổ chức vào tháng 11 tới đây.
Gia đình anh Huy, chủ nhân bức tượng đặc biệt.
                                                                          (theo Trí Thức Trẻ)

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

BẠN NĂM MƯƠI NĂM

BẠN NĂM MƯƠI NĂM
Tràm Cà Mau
( Chuyện kể của ông Hai )
Dạo đó, tôi vừa mới trổ mã, bể tiếng, tay chân tự nhiên dài ngoằng ra, áo quần thành ngắn củn cởn. Tôi vụng về, ngơ ngác, làm cái gì cũng hư hỏng, má tôi cứ la rầy mãi. La rầy để quở trách mà cũng chan chứa tình yêu thương. Tôi ăn cái gì cũng ngon, đặt lưng xuống đâu cũng ngủ được say sưa.
Thời nầy, đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, nước Pháp đem quân trở lại Việt Nam để tái lập nền đô hộ cũ. Toàn dân đứng lên kháng chiến, cầm tầm vông vạt nhọn đánh nhau với Tây. Khí thế đằng đằng. Cũng như mọi thanh niên khác, tôi tham gia kháng chiến. Nói là đánh nhau với Tây nhưng chạy thì nhiều hơn vì lồ ô vạt nhọn không cự nổi với súng ống của Tây.
Tôi bị Tây bắt lãng xẹt khi đang ngủ giữa ban ngày. Bị trói ké, đem về giam tại thành phố. Trong trại giam, mỗi ngày phải đi làm lao động vệ sinh, dọn rác, quét lá, lấp các vũng bùn lầy, khai mương. Tôi làm quen được một ông lính kèn, mỗi ngày mượn cái kèn thổi tò te làm khổ lỗ tai mấy ông lính Tây chơi. Không có chi chói tai bằng nghe mấy anh tập kèn cứ ọ è từ giờ nầy qua giờ kia mãi.Tập hoài rồi cũng thổi được. Một lần cao hứng, tôi thổi khúc kèn báo hiệu tan giờ làm việc, tiếng kèn vang vọng, rõ ràng, làm mấy ông Tây tưởng đã hết giờ, rủ nhau ra về. Tôi bị phạt giam đói và anh lính kèn cũng bị khiển trách, không cho tôi mượn cây kèn nữa. Nhưng sau đó hai tuần, tôi được cho ra khỏi tù. Họ phát cho tôi áo quần lính và sung vào đội thổi kèn tức Ban quân nhạc của Tây. Nhờ có một chút hiểu biết về âm nhạc Tây Phương, tôi học nhạc cũng khá dễ dàng, không như các ông bạn khác. Khi tập thổi kèn mà chơi thì tôi cảm thấy vui, ham thích, thú vị nhưng khi phải tập kèn vì bắt buộc thì thật là chán nãn, mệt nhọc, bực mình. Ông trung sĩ chỉ huy đội quân nhạc không vui vì đã chọn lầm người. Trước đó, ông tưởng tôi có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc nên đề nghị tuyển dụng. Về sau, ông thường nói lời an ủi rằng thiếu chó thì bắt bất cứ con gì ăn phân cũng được, miễn sao biết ăn phân thì thôi. Nghe ông nói vậy, tôi cũng tự ái và bực mình. Thường thường thì đội lính kèn được nhàn hạ. Mỗi ngày, mấy xuất thổi kèn báo hiệu buổi sáng thức dậy như con gà gáy sáng, báo giờ làm việc, báo giờ nghỉ, giờ tan sở. Báo hiệu thật đúng giờ. Thế thôi! Còn ngoài ra thì chơi cờ, tán dóc, trêu ghẹo nhau,nhưng không được bài bạc. Mỗi sáng tiếng kèn vang vang: “ Tọ tè ti tọ tè ti.. ti tọ ti tè... “ mà lũ con nít chuyển âm thành:“ Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.” Nghe y hệt tiếng kèn đồng.
Trong đám lính kèn, tôi chơi thân với Tư Thàn vì anh cùng tuổi, cũng độc thân và cùng hoàn cảnh như tôi, bị Tây bắt và sung vào đội quân nhạc. Chúng tôi thường rủ nhau đi xem hát ban đêm. Chúng tôi biết và thuộc lòng tên đào kép của các gánh cải lương, hồ quảng. Nhiều lần, Tư Thàn thổ lộ ước mơ của anh là được vào làm việc cho gánh cải lương, làm kép độc, nhờ đó mà anh có thể mùi mẫn với các cô đào đẹp như tiên kia. Anh không có tham vọng được nổi tiếng, chẳng cần được khán giả mến mộ, chỉ mong gần gũi cái nhan sắc của các cô đào thôi.
Có lần, tôi nhặt được tấm ảnh của một cô gái nào đó. Hình chụp rất điệu, ngón tay trỏ tựa má, hai cái núng đồng tiền lún sâu rất duyên, mặt sáng và tươi, mắt ướt rượt. Có lẽ bên ngoài đẹp mê hồn. Tôi đưa tấm ảnh cho Tư Thàn xem và bảo rằng đó là con Mười, em gái tôi ở Long Xuyên mới gởi lên. Kể từ khi thấy tấm hình nầy, Tư Thàn nể nang tôi lắm. Tôi có thể sai Tư Thàn làm những việc mà trước đây, anh không bao giờ làm giúp. Tôi mượn tiền anh dễ dàng hơn mà anh bớt nhăn nhó khó chịu. Tôi lờ mờ biết Tư Thàn mê cô gái trong tấm hình và hi vọng được lòng tôi thì sẽ được lòng em tôi. Vốn tính nhút nhát nên Tư Thàn không bao giờ dám hỏi thẳng về em tôi. Chỉ một lần, anh đánh bạo hỏi tôi khi nào về thăm nhà và có thể cho anh đi cùng về chơi có được không. Tôi đáp rằng dĩ nhiên là được và sẽ mời anh ở lại nhà vài hôm. Nghe vậy, Tư Thàn sướng đến đỏ cả mặt. Sau nầy, tôi cho Tư Thàn tấm ảnh đó, anh cất kỹ trong ví, lâu lâu mở ra xem mà mơ mộng . Buổi sáng, tôi và Tư Thàn thường hay ăn cháo trắng với hột vịt muối của cô Năm Cháo Trắng bán, cô nầy có nước da ngăm ngăm, duyên dáng. Hàng cháo gánh, ngồi chồm hổm ăn hoặc ngồi trên các đòn gỗ thấp sát đất. Có nhiều anh lính trêu ghẹo, tán tỉnh cô nhưng khi nào cô cũng vui vẻ, tươi cười, không làm mất lòng ai. Tôi cũng khoái cô nầy, thường giả vờ hết tiền, ăn thiếu nợ. Ðến tháng lãnh lương thì trả nhưng không trả hết, khi nào cũng xin khất lại một ít. Cứ nợ cô thì cô phải nhớ đến số tiền nợ. Nhớ đến số tiền nợ thì phải nhớ đến người mắc nợ tức là cô phải nghĩ đến mình. Cái mưu kế nầy, tôi nghe được trong một tiệm hớt tóc mà mấy anh thủy thủ kháo nhau. Tôi có bày mưu nầy cho Tư Thàn mà anh không chịu nghe theo, cứ sòng phẳng trả hết tiền, không bao giờ chịu thiếu một xu.
Một hôm, tôi rủ Tư Thàn đi xem cải lương, anh viện cớ bận việc, tôi đi một mình. Khi ngồi trong rạp, nhìn xéo qua bên kia thì tôi thấy Tư Thàn và cô Năm Cháo Trắng đang ngồi bên nhau. Tay Tư Thàn đưa lên chỉ trỏ như đang giải thích gì đó. À, thì ra Tư Thàn đã bí mật phổng được cô hàng cháo mà anh em không ai hay biết. Tôi tránh mặt cho Tư Thàn làm ăn được tự nhiên.
Hôm sau, gặp Tư Thàn, tôi làm bộ giận, mà thực ra thì tôi cũng hơi ghen tức. Tôi thì đặt mưu tính kế mà chẳng được cơm cháo gì, Tư Thàn cứ tự nhiên thì vớ được cô hàng cháo. Tôi cứng giọng, nói với Tư Thàn:
“Mày phản bội em tao. Trả tấm hình con Mười lại cho tao. Tưởng mầy đàng hoàng, thì ra...”
“Tao làm gì mà gọi là phản bội?”
“Mầy còn giả vờ? Hồi hôm mầy đi đâu? Làm gì? Với ai? Có chối được không?”
“Ai nói với mầy?”
“Chính mắt tao thấy. Tao để yên cho chúng mày hú hí. Chối tội làm chi?”
Tư Thàn bẻn lẻn móc ví trả tôi tấm hình cô gái có hai cái núng đồng tiền. Anh có vẽ tiếc lắm. Cuối cùng anh nói:
“Em gái mày đẹp như thế nầy thì chán chi người dòm kẻ ngó. Tao làm gì mà vói thấu. Trả hình lại cho mày là phải.”
“Mày định bắt cá hai ba tay sao? Con Năm Cháo Trắng cũng có duyên lắm đó chứ!”
“Ừ. Có duyên. Hồi hôm, em thú thật với tao em là ‘đầu gà đít vịt’ Mầy thấy da em ngăm ngăm không?”
Tôi hỏi Tư Thàn làm sao mà câu được em Năm Cháo Trắng? Trong lúc tôi bày mưu tính kế mà không được em đáp ứng. Tư Thàn cho rằng tôi ngu, đàn bà con gái không ưa những người bê bối, mang nợ mắc nần. Sau nầy về làm chồng quen thói nợ nần, ai mà chịu nỗi. Thì ra, tôi nhẹ dạ tin vào mưu kế tào lao của mấy anh thủy thủ gà mờ.
Từ ngày trả lui cho tôi tấm hình cô gái có núng đồng tiền, Tư Thàn không còn nể nang tôi như trước kia nữa. Tôi biết mình ngu, đòi lại tấm hình, chẳng ích gì nhưng đã lỡ rồi, tiếc cũng không được.
Tôi thường ứng trực thế cho Tư Thàn để anh có thì giờ đi chơi với cô Năm Cháo Trắng. Bởi vậy, sau nầy cô thường múc cho tôi những tô vun, cháo muốn tràn ra ngoài. Từ đó, tôi không bao giờ thiếu nợ cô nữa.
Thường thường, Tư Thàn và tôi trốn trại đi xem đá gà ở xóm trong. Thiên hạ đánh cá ồn ào. Chúng tôi cũng thường bắt độ, khi ăn khi thua mà thua thì nhiều hơn ăn. Những khi ăn tiền cá độ, chúng tôi dắt nhau đi ăn nhậu vui vẻ, ăn thâm cả tiền túi. Khi thua thì hai đứa lủi thủi ra về, phải vay mượn tiền bạn bè để gỡ gạc. Có hai lần bị cảnh sát bố ráp, cả phường đá gà bỏ chạy, chúng tôi cũng sợ bị bắt, chạy trốn, cho nên mất luôn tiền cá độ. Từ đó, chúng tôi tìm ra một cách đánh cá khác mà chủ cá độ không móc được của chúng tôi một xu. Hai đứa tôi đánh cá riêng với nhau, đứa nầy được, thì đứa kia thua. Chúng tôi gọi là lọt sàng xuống nia. Và sau cuộc đá gà nào, chúng tôi cũng có buổi ăn nhậu vì một trong hai đứa thắng cuộc. 
Thời trước, Tư Thàn có nuôi gà đá nên nhiều kinh nghiệm, cứ nhìn vóc dáng bên ngoài là biết ngay con gà có phong độ hay không. Thế là nợ Tư Thàn một số tiền bằng nguyên cả tháng lương. Nợ ít ít thì còn nghĩ đến chuyện thanh toán, nợ nhiều quá thì không còn muốn trả nữa. Tôi cứ khất mãi và đến tháng lãnh lương cũng không trả bớt nợ cho Tư Thàn. Từ đó, giữa tôi và Tư Thàn có cái gì lấn cấn, tình bạn không còn như trước nữa. Tôi không dám ăn tiêu khi có mặt Tư Thàn, sợ bị hỏi nợ. Không phải tôi muốn giựt nợ nhưng tôi tự bảo lòng, khi nào tiền bạc dư dả, thong thả mới trả.
Một lần, Tư Thàn thấy tôi nói chuyện thân mật, cười nói với một cô nữ quân nhân. Giữa chỗ đông người, Tư Thàn hướng về tôi mà nói lớn: “Sao mày nợ tao một tháng lương, lâu quá mà chưa trả? Phải vay mượn mà trả chứ?”
Tôi bị mất mặt trước đám đông, phát cáu, giận đỏ mặt. Tôi nghiến răng trả lời: “Mầy còn đòi tiền nợ thì tao đục cho trào máu.”
Tư Thàn lảng đi nơi khác mà tôi thì cũng không hết giận, định đi theo gây sự thêm. Vì một món nợ đá gà mà chúng tôi mất tình bạn.
Sau năm 1954, Tây rút về nước, chế độ Cộng Hòa được thành lập tại miền Nam, chúng tôi được giải ngũ, về đời sống dân sự. Tư Thàn đem vợ là cô Năm Cháo Trắng về quê làm ăn. Tôi ở lại thành phố, làm đủ thứ việc, đủ sống qua ngày nhưng vì con đông nên khi nào cũng thấy thiếu thốn.
Mười mấy năm sau khi giải ngũ, một hôm tôi lái xe chuyển kinh sách cho hội Thánh Tin Lành về miệt Long Xuyên, trên đường trở về, chiếc xe làm nư, chết máy giữa đường, không biết làm sao mà sửa. Tôi ngồi bên vệ đường, dưới bóng cây nhỏ. Ðầu óc suy nghĩ, tính kế không ra. Tôi định bắt xe đò về tỉnh lỵ, rước thợ ra sửa xe. Chờ hoài mà không có xe qua. Phía dưới ruộng khô, có một nông dân đang cày đất với hai con trâu. Nắng cháy, cổ khát. Tôi thấy anh nông dân ngưng cày, lên bờ lấy bầu uống nước. Túng quá, tôi đánh liều kêu lớn: “Nầy anh ơi, khát quá, cho tôi uống nước với”
Người nông phu mang áo đen, quần xà lỏn, chậm chạp băng ruộng, đem cái bầu nước đến cho tôi. Khi đến gần thì anh reo lên:
“Mày đó phải không Quài. Sao biết tao cày ruộng ở đây mà ghé lại thăm?”
Tôi mừng quá, thét lớn:
“Tư Thàn! Mày! Ð. M. mày. Thằng quỷ. Mày ở đây hả ? Chiếc xe nó biết có mầy ở đây nên chết máy để cho tao gặp mầy.”
Tư Thàn và tôi xoắn lấy nhau, nhắc chuyện mười mấy năm trước. Ðủ thứ chuyện. Nói cho nhau biết tin tức gia đình mỗi người. Tư Thàn có hai thằng con trai. Ðời sống của gia đình thong thả, nhờ cô Năm Cháo Trắng buôn bán thêm ngoài chợ quận. Gạo cơm đủ ăn. Mười mấy năm, Tư Thàn chưa về lại Sài Gòn lần nào vì cũng không có chuyện gì mà chẳng còn ai để thăm viếng.
Tư Thàn bỏ dở luôn buổi cày ruộng. Tôi cũng bỏ kệ cho chiếc xe nằm ụ bên đường, đến đâu thì đến, theo Tư Thàn đi vào làng. Nhà Tư Thàn trống trải, đơn sơ như tất cả mọi nhà nghèo miền quê.
Tư Thàn lấy cái nơm làm bẫy, rải lúa cho gà ăn và bắt được một con gà trống thiến lớn. Làm thịt, bao đất sét, nướng lửa rơm. Tư Thàn đem ra hai lít đế trong veo. Khi gà chín, tôi đập cái vỏ đất sét để cả con gà lên chõng tre có lát sẵn mấy tàu lá chuối tươi, mà Tư Thàn đã rửa sạch. Chúng tôi bốc tay mà ăn, cầm đùi gà nhai, rượu vào đều đều, cạn chai nầy, qua chai kia. Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, chuyện không đầu, không đuôi, chuyện nầy lẫn qua chuyện khác. Hai đứa nhỏ con Tư Thàn đi học về, cũng nhào vào xâu xé con gà. Tôi ép thằng lớn hớp một ngụm đế, nó nhăn mặt phun ra. Tư Thàn và tôi cùng cười vang. 
Khi trời xế chiều, cô Năm Cháo Trắng cũng gánh hàng về. Cô nhận ra tôi, kêu thét lên vui thú và phát vào vai tôi nhiều lần đau điếng. Cô mắng:
“Cái ông khỉ nầy, tưởng chết rấp đâu rồi chớ. Làm sao biết tụi tôi ở đây mà ghé chơi? Vui quá xá!”
Ðêm đó, cô Năm Cháo Trắng nấu cháo vịt, mượn hàng xóm thêm mấy lít đế, chúng tôi ngồi ăn nhậu dưới trăng cho đến khuya. Ăn uống no say, tôi chợt nhớ tới món tiền mà tôi nợ Tư Thàn, trị giá bằng một tháng lương vào thời gian mười mấy năm trước mà chưa trả và cũng chưa hề toan tính thanh toán cho sòng phẳng. Cũng vì món nợ đó mà cái tình bạn thân thiết giữa chúng tôi có một thời lấn cấn, mất đi cái mặn nồng, không còn như trước. Tôi chậm rãi nói lè nhè trong hơi men:
“Tao bậy quá, còn mắc nợ mầy mà chưa có dịp trả . Công việc làm ăn cũng không khá mà con cái đông đúc, có cơm no bụng từng ngày là may lắm. Tiền không có dư...”
Tư Thàn cười hiền hòa, giọng ấm áp nói:
“Thôi, quên chuyện xưa đi. Nợ nần cái khỉ gì? Chuyện cờ bạc thời trai trẻ dại dột, để tâm làm chi? Bạn bè gặp lại nha là quý rồi.”
Có lẽ vì rượu đã ngấm nhiều mà nghe lời nói chí tình của bạn, mắt tôi cay xè. May mà tối trời không ai thấy. Tôi xịt mũi. Ðêm đó, tôi ngủ lại nhà Tư Thàn và nói chuyện rầm rì trong bóng tối cho đến khuya.
Sáng hôm sau, tôi ra chỗ xe nằm ụ thì thấy chiếc xe chỉ còn là một đống sắt cháy nham nhở. Thì ra đêm qua, du kích đặt mìn phá mà ngủ mê quá, chúng tôi từ làng trong không nghe biết. Tôi lấy xe đò về Sài gòn và bị đuổi việc. Nhưng may mắn không bị hội thánh bắt bồi thường. Có lẽ họ biết, tôi đưa mạng cùi ra, có bắt đền cũng không moi được một xu thì tha làm phước. Vã lại, thời buổi chiến tranh, không ai dự liệu trước được chuyện bom mìn.
Tháng tư năm 1975, tôi đem gia đình chạy, chưa biết sẽ chạy đi đâu, về đâu và làm sao mà sinh sống sau nầy. Cứ chạy đã vì sợ phải đi tù như một số bạn tôi, họ đã trở về miền Bắc vào năm 1954 và nghe đâu một số đã chết trong tù, một số còn bị giam giữ hơn hai mươi năm chưa được thả. Ðó là tin tức chính xác đi quành từ miền Bắc qua Pháp và từ Pháp về miền Nam. Tôi được nước Mỹ cho vào cư trú, đi làm đủ thứ nghề tay chân. Cuối cùng, vào làm y tá cho một trung tâm dưỡng lão của quận hạt. Hai mươi mấy năm đời sống yên lành, no ấm, hạnh phúc.
Năm 2001, sau hai mươi sáu năm xa quê hương, tôi về lại Việt Nam một mình, lần thứ nhất, để sắp đặt việc cưới vợ cho đứa con trai út. Khi đang ở Sài gòn, tôi nghe tin bọn khủng bố đánh sập tòa nhà đôi chọc trời ở New York. Ban đầu tôi không tin và nghĩ rằng mấy ông Vẹm hay nói dối, đặt chuyện xạo tuyên truyền, nói xấu đế quốc Mỹ. Nhưng sau đó, xem truyền hình, tôi sửng sốt, bàng hoàng. Lòng tôi đau nhói và nhận ra rằng quê hương mới là nước Mỹ cũng muôn vàn yêu mến, thắm thiết không thua gì quê hương cũ Việt Nam. Tất cả mọi chuyến bay đều bị hủy bỏ, việc vào ra nước Mỹ cũng tạm ngưng. Tôi chưa thể trở vể lại Mỹ được và trong lòng cũng tràn đầy lo ngại, không biết có thể về lại Mỹ được không hay là kẹt lại ở Việt nam mãi cho hết cuối đời. Bảy mươi mấy tuổi rồi. 
Một đêm mất ngủ, tôi ra đứng ở hành lang khách sạn. Từ trên cao nhìn xuống phố phường bên dưới, tôi chợt nhớ, hơn năm mươi năm trước, nơi đây còn lau sậy um tùm, đất thấp ngập nước, hoang vu. Từ bên trong phòng vọng ra tiếng ngâm thơ khuya qua cái radio nhỏ, giọng khàn đục buồn não nề:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Ðêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò..”(*)
Lòng tôi chùn xuống và chợt nghĩ hơn nửa thế kỷ trôi qua, vèo mau như mộng. Mới ngày nào đó, tôi bị Tây bắt đi tù, sung vào đội lính kèn. Bao nhiêu là đổi thay, bao nhiêu bãi biển đã biến thành nương dâu, bao nhiêu trũng hoang đã trở thành phố thị. Những thế hệ trước tôi và đồng thời với tôi, có lẽ đa số đã về với lòng đất, yên bề. Những người còn sống sót như tôi, bây giờ ở đâu, làm gì ? 
Bỗng tôi chợt nhớ đến Tư Thàn. Nhớ tha thiết. Nhớ đến món nợ ngày xưa mà chưa trả được, lòng buồn rưng rưng. Tôi quyết định ngay, mong cho trời mau sáng để thuê xe đi tìm thăm Tư Thàn.
Chiếc xe thuê riêng, chở tôi chạy về miền Tây, đi tìm Tư Thàn. Anh tài xế nghe tôi nói đi tìm một người bạn cũ, gặp nhau lần cuối đã hơn ba mươi năm trước, anh lắc đầu, có lẽ anh cho tôi là một ông già khùng lẩm cẩm.
Tôi chỉ nhớ mang máng cái nơi mà chiếc xe tôi lái bị đặt mìn hơn ba chục năm trước. Tôi vào làng hỏi xem ai có biết ai Tư Thàn, nay chừng trên bảy mươi tuổi, hồi xưa làm lính kèn ở Bộ Tổng Tham Mưu. Mọi người đều lắc đầu, ngơ ngác. Tôi đi lang thang quanh làng và hy vọng, còn có người biết Tư Thàn ở đâu. Khi tôi chán nản trở lại đường cái, ngồi trong cái chòi bán nước bên vệ đường thì gặp một bà già. Tôi chận lại hỏi. Bà nhíu mày một hồi, suy nghĩ lung lắm. Bỗng bà la lên:
“Tôi nhớ ra rồi, từ lâu không ai gọi ổng là Tư Thàn nữa. Mà ông là ai, tìm Tư Thàn có chuyện chi không?”
“Tôi là bạn lính kèn với Tư Thàn khoảng hơn năm mươi năm trước. Bây giờ, nhớ bạn, ghé tìm thăm.”
“Trời đất! Năm mươi năm làm chi mà không thăm nhau, giờ mới trổ chứng đi tìm!”
Mấy đứa trẻ con chạy ra ruộng kêu Tư Thàn về, người ta nói anh đang cuốc đất thuê. Tôi nghĩ không phải là Tư Thàn bạn tôi, bảy mươi lăm tuổi, còn sức đâu mà đi cuốc thuê. Lũ trẻ đưa về một ông già ở trần, xương sườn đếm được, tay chân khẳng khiu, chỉ mặc cái xà lỏn ngắn, đi chân đất. Da nhăn nheo, khô khốc, đen đúa, gầy gò, hai má hóp, miệng móm xọm, chỉ còn hai cái răng, một cái của hàm trên, một cái của hàm dưới rất là thiếu mỹ thuật. Không có một nét nào của Tư Thàn cả, có lẽ tuổi ông nầy già hơn nhiều. 
Tôi nheo mắt nói:
“Tôi tìm Tư Thàn, hồi xưa làm lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu, có vợ là chị Năm Cháo Trắng.”
Ông lão phều phào:
“Ông là ai? Tìm tôi có việc gì không?”
“Tôi tìm Tư Thàn. Tôi là bạn cũ.”
“Ông là bạn cũ của tôi? Chắc ông tìm lầm người rồi.”
“Ông biết Cô Năm Cháo Trắng?”
“Vợ tôi, má thằng Ðộ, thằng Rề.”
Bây giờ thì tôi chắc chắn ông lão ngồi trước mặt tôi chính là Tư Thàn, không ai khác. Tôi còn mơ hồ thấy vài nét hao hao của thuở nào. Bố thằng Ðộ, thằng Rề, hai thằng nầy tôi đã gặp hồi xưa. Ngày trước, Tư Thàn mong sinh được bảy đứa con đặt tên là Ðộ, Rề, Mi, Pha, Xôn, La, Xi, nhưng mới có mới có Ðộ, Rề, thì bà vợ tịt ngòi. Tư Thàn ngồi co một chân lên ghế dài, rất tự nhiên, cái quần xà lỏn kéo nhăn nhúm lên cao để lòi nguyên bộ phận kín ra ngoài, một khúc đen điu, nhăn nhúm, nằm tựa trên một đùm bao da lưa thưa lông bạc trắng. 
Tôi mừng quá, nắm lấy hai vai Tư Thàn mà lắc:
“Mầy không nhớ ra tao là ai hả Tư Thàn!”
“Không. Ông có lầm tôi với ai khác không? Ông là ai?”
“Thế thì mày không phải là Tư Thàn, lính kèn ở bộ Tổng Tham Mưu hả?”
“Tôi, Tư Thàn lính kèn đây.”
Tôi làm bộ buồn bã đổi giọng:
“Có lẽ ông không phải là Tư Thàn tôi quen mà là người khác trùng tên chăng?”
“Lính kèn, ở bộ Tổng Tham Mưu, trước năm năm mươi tư. Chỉ có Tư Thàn nầy thôi”
Tôi nắm chắc hai vai Tư Thàn mà lắc và hét lên:
“Ð.M. mầy không nhớ ra tao là ai, thật không? Hay mày giả bộ.”
Tôi đưa tay lên miệng, với dáng điệu như đang thổi kèn và ca: “Một ngàn, ba mươi vạn thằng Tây, xách cái bị, đi ăn mày. Mụ đi đâu, tui bắt mụ lại, tui không cho mụ về.”
Nghe tiêng chửi thề và điệu kèn Tây của tôi, Tư Thàn nhào đến ôm lấy tôi mà thét lên:
“Ð. M. mầy, chỉ có mầy mới nói cái giọng nầy. Thằng chó chết, thằng dịch vật. Thằng Quài, mầy, Quài. Mà mầy sang trọng và trẻ quá, ai ngờ, ai mà nhìn ra.”
Ðám trẻ con đứng xem cười ầm lên khi thấy hai ông già văng tục và gọi nhau bằng mầy tao. Tư Thàn cảm động quá, cái miệng móm méo xẹo và khóc thành tiếng hu hu làm tôi cũng khóc theo. Tư Thàn nghẹn ngào:
“Mầy còn nhớ đến tao, tìm thăm. Ðồ dịch vật. Lâu nay mày chết rấp nơi nào?”
Tư Thàn nhìn tôi từ đầu xuống chân, nói nho nhỏ:
“Tóc tai cũng còn, răng cỏ hai hàm còn nguyên, mặt mày có da có thịt, áo bỏ vào quần, đi giày đàng hoàng. Có phải mầy là Việt kiều về thăm quê hương không? Bây giờ mầy ở đâu? Làm gì?”
Tôi sợ Tư Thàn buồn, nói dối:
“Việt kiều cái con khỉ. Tao ở Sài gòn, nhờ có mấy đứa con vượt biên ra nước ngoài và mấy đứa ở nhà buôn bán, ăn nên làm ra. Giờ già rồi, về hưu, không làm gì nữa cả.”
Tôi hỏi thăm gia cảnh, Tư Thàn cho biết hai đứa con trai đều đã chết. Thằng Ðộ đi lính quốc gia, đã đền nợ nước, thằng Rề “hy sinh” cho “cách mạng”. Cô Năm Cháo Trắng chết bệnh. Tư Thàn không có ai để nương tựa, phải đi cuốc đất thuê kiếm ăn qua ngày. Tôi nhìn cái thân thể xương xẩu của Tư Thàn, không biết anh lấy đâu ra sức mà đi làm lao động chân tay. Tôi nói:
“Thôi, mầy đưa tao về nhà, thay áo quần rồi cùng qua Long Xuyên, lu bù một bữa, anh em hàn huyên chơi, bỏ mấy mươi năm xa cách.”
Tư Thàn ngự trong căn chòi nhỏ, bốn bề che lá đơn sơ. Không bàn, không giường, chỉ có cái võng treo xéo. Trên bếp có cái nồi đen điu, méo mó. Tôi dỡ nồi ra xem, thấy còn có miếng cơm cháy. Tôi bốc ăn mà cứng quá, răng già không nhai nổi. Thế mà Tư Thàn không còn răng, ăn cách nào đây?
Khi xe vào tỉnh lỵ Long Xuyên, tôi nhờ anh tài xế tìm cho một quán ăn ngon. Anh đưa chúng tôi vào quán nướng Nam Bộ. Tư Thàn gạt đi, không chịu vào và nói:
“Kiếm chai đế và vài ba con khô cá sặc là đủ vui rồi. Ðừng hoang phí tiền bạc. Vào làm chi những nơi sang trọng nầy cho chúng chém. Gặp nhau là vui rồi. Ăn uống là phụ.”
Tôi ép mãi mà Tư Thàn không chịu. Cuối cùng, chúng tôi ra chợ, ngồi trên ghế thấp ở quán lộ thiên, ăn nhậu và nói cười vui vẻ, tự nhiên. Tôi uống rượu thay nước vì sợ đau bụng. Anh tài xế cùng ăn, mà tôi không cho anh nhậu rượu, anh tỏ vẻ khó chịu, vùng vằng.
Ðưa Tư Thàn về lại tận nhà, tôi móc trong cặp một gói bao, bằng giấy báo đưa tặng. Tư Thàn mở ra xem và giật mình, xô gói quà ra về phía tôi:
“Cái gì đây? Tiền đâu mà nhiều thế nầy? Tôi không lấy đâu. Ðừng bày đặt.”
“Có bao nhiêu đâu. Ngày xưa, tao nợ mầy chưa trả được, bây giờ trả lại cả vốn lẫn lời. Tao tính rồi, mầy nhận đi cho tao vui, bỏ công tao lặn lội đi tìm.”
“Không. Nợ nần cái khỉ gì. Ăn thua đá gà, chuyện tào lao thời trẻ dại. Tao đã bảo mày quên đi từ lâu. Bày đặt. Lấy tiền làm chi? Không có chỗ cất, bọn trộm cắp nó lấy đi, uổng lắm. Tao không lấy đâu.”
Thấy bộ Tư Thàn cương quyết quá, tôi xuống giọng, giả vờ nói :
“Mầy mà không nhận, tao có chết nhắm mắt cũng không yên tâm. Chưa trả hết nợ thì sau nầy phải đầu thai làm trâu cày cho mầy. Khổ lắm. Thương tao, mầy cứ cầm đi để mua gạo, để khi đau yếu có chút thuốc thang. Nếu không có nơi cất thì đem gởi bà con. ”
Ðôi mắt già của Tư Thàn chớp chớp và nói giọng run run như sắp khóc:
“Ð.M, tao già đến thế nầy mà mày cũng còn định gạt tao như hồi xưa nữa sao? Thằng chó chết. Cái tình bạn của mầy còn quý gấp trăm ngàn lần gói tiền nầy. Tao sẽ làm mâm cơm cúng bà Tư Cháo Trắng, nói cho bà biết cái tình bạn của mày. Dưới suối vàng, chắc bà cảm động lắm.”

(*) Thơ Trần Tế Xương