Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

LIÊN KHÚC BA MIỀN

LIÊN KHÚC BA MIỀN (BẮC TRUNG NAM)
Tác giả: Phó Đức Phương - Phạm Thế Mỹ - Hồ Đình Phong
Tốp ca: Hà Mi - Trung Hậu - Hạnh Nguyên - Hồng Nga - Linh Trung

 

CÁCH LÀM GIÁ ĐẬU XANH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ

CÁCH LÀM GIÁ ĐẬU XANH ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ
Thư Quỳnh

NỖI BUỒN MÙA TẠ ƠN

NỖI BUỒN MÙA TẠ ƠN
Phạm Hồng Ân

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày lễ Tạ Ơn, sau khi đi nhà thờ, tôi liền phóng xe một hơi đến đường 50 ở tận East-San Diego. Tới căn nhà nhỏ cổ kính, có đám bìm bịp xác xơ thả ngọn phủ kín mái sau, tôi mới tấp vào lề, tắt máy xe rồi buồn bã ngó vào căn nhà mà trầm ngâm nhớ đến những người ơn, bây giờ đã biệt tăm, không biết chừng nào mới gặp lại.
Tháng Chín năm 1993, gia đình tôi qua Mỹ theo diện HO. Những ngày đầu tiên ở San Diego, trong căn apartment rộng rãi đầy đủ tiện nghi, gia đình tôi có cảm giác như vừa đến một xứ sở thần tiên nào đó. Vài ngày sau, một bà Mỹ già đến gõ cửa. Bà tự nhiên tiến đến bắt tay chúng tôi và ôm từng người một vào lòng.
- Sao? Các con thế nào? Có khỏe không?
Tôi ngơ ngác như người từ cung trăng vừa rớt xuống. Bà già Mỹ nào đây? Bà đi lộn nhà? Bà nhìn lầm người chăng? Tại sao bà tự nhiên quá cỡ thợ mộc và thân thiết với mình quá đột ngột như đã từng quen biết với nhau từ lúc nào? Vợ tôi cũng hoảng lên, chạy vội đến bên tôi, nói nhỏ:
- Ông ơi! Ông phải cảnh giác nha! Không chừng ở đây cũng giống như ở Sài Gòn, người ta lường gạt nhau ghê lắm!
Bà Mỹ già vẫn nhoẻn miệng cười với chúng tôi. Bà âu yếm xoa đầu thằng con tôi và chầm chậm nói:
- Sao? Các con thế nào? Các con không biết nói tiếng Anh à? Good or no good?
Tôi lạnh nhạt nhìn Bà:
- Bà có lầm ai với chúng tôi không? Chúng tôi vừa mới đến đây từ Việt Nam.
- Đúng rồi. Các con gồm ba người. Có phải các con tên này không?
Bà móc trong túi ra tờ giấy, lật lên, đưa tôi coi:
- Tên các con này! Đây, đúng không?
Tên của chúng tôi thật rồi. Trong giấy, người ta còn ghi rõ địa chỉ và số phòng apartment của chúng tôi nữa. Tôi chưa kịp rõ nguồn cơn, bà già Mỹ đã tiếp lời:
- Mẹ ở cơ quan thiện nguyện, có nhiệm vụ giúp đỡ các con . Mẹ tên là Maurice. Còn con, tên là “en” phải không?
Mẹ Maurice tự nhiên quá, thân mật quá khiến tôi gọi trả lại bà là “mom” chẳng chút ngượng ngùng.
- Con xin lỗi Mẹ. Mẹ tới thăm chúng con, vậy mà chúng con vô tình không biết. Tên con là AN, không phải đọc là EN, Mẹ ạ!
Bà xuýt xoa quay qua vợ và thằng con tôi:
- Còn cô này và thằng này? Cái tên cũng khó kêu quá!
- Vợ con tên là T…U…Y…E…T…Còn thằng con tên là C…U…O…N…G…
Mẹ Maurice vừa cười vừa lắc đầu. Bà đọc tới đọc lui, vẫn lọng cọng, vẫn không thể gọi tên vợ và thằng con tôi một cách chính xác. Cuối cùng, Mẹ dắt tôi ra xe, mang vào nhà lỉnh kỉnh những túi xách. Mẹ vui vẻ bày từng món lên chiếc thảm màu vàng rực.
- Đây là bình trà và sáu cái tách dễ thương. Đây là lô dĩa chén cho các con dùng bữa, đây là chậu rửa rau, bình pha cà phê, máy xay sinh tố, máy xay thịt. Còn cái này là nồi nấu cơm, nồi hầm thịt, chảo chiên trứng…
Vợ tôi trố mắt nhìn từng cái. Nàng rất đỗi vui mừng vì được làm chủ những vật dụng mà từ trước tới giờ nàng chưa bao giờ chạm tay tới.
- Con rất cám ơn Mẹ. Mẹ đã tặng các con những vật dụng quí giá. Khi xài chúng, chắc con sẽ luôn nhớ đến Mẹ.
- Mẹ không cần các con nhớ Mẹ đâu. Mẹ muốn phần nào hàn gắn lại vết thương mà thời gian qua chính phủ Mỹ đã bạc đãi các con trong chiến tranh Việt Nam.
Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Mẹ Maurice đã làm tôi nhớ lại chiến trường, nhớ đến đồng đội. Tội nghiệp cho tuổi trẻ chúng tôi, vừa lớn lên, xếp bỏ bút nghiên để hiến thân bảo vệ đất nước. Và đau đớn thay, chúng tôi bị bức tử, bị lùa vào ngục tù một cách tức tưởi.
- Bây giờ Mẹ có việc phải đi ngay. Ngày mai hai đứa con của Mẹ, thằng David và con Ann, sẽ đến đây dẫn các con đi chợ. Chào các con nha! Chúc các con một ngày tốt đẹp.
Tôi đưa Mẹ Maurice ra cổng. Nhìn dáng Mẹ tất bật, vội vã – tôi chợt nhớ đến Mẹ tôi ở Việt Nam. Ôi! Những bà Mẹ, dù khác giống nòi, khác màu da…đều có chung một tấm lòng giống nhau – một tấm lòng bao dung, độ lượng… cao như núi non, rộng như biển cả.
Đúng như lời Mẹ Maurice hứa, trưa hôm sau, có hai vợ chồng trẻ người Mỹ đến gõ cửa phòng tôi:
- Chào ông bà. Xin giới thiệu tôi là David, còn vợ tôi là Ann. Chúng tôi đến đây để đưa ông bà đi chợ. Mời ông bà ra xe.
Ann đưa vợ tôi vào một ngôi chợ Mỹ. Còn David chở tôi đi lòng vòng. Hắn tấp xe vào những khu có cộng đồng người Việt sinh hoạt, giới thiệu với tôi từng chi tiết. Trò chuyện một lát, hắn và tôi thân thiện nhau ngay.
- Mày có thích ra biên giới Mễ nhìn cho biết không?
Tôi ngập ngừng, ngần ngại:
- Ở gần đây không? Xa thì thôi. Sợ làm phiền mày.
- Gần đây. San Diego sát với biên giới Mễ mà! Mày chưa coi bản đồ sao?
David chạy một hơi đến biên giới. Hắn lái xe giỏi thật! Hắn xàng qua lách lại điêu luyện như tên nài chơi ngựa trong trường đua. Cuối cùng, hắn dừng lại trên một đỉnh cao.
- Nhìn kìa! Mày có thấy border/biên giới phía tay phải không? Bên kia là Mễ. Mày sẽ có dịp qua đó du lịch khi mày cầm thẻ xanh trong tay.
Tôi nhìn border phía trước. Border chỉ là một cánh cổng rộng cho sự ra vào hợp pháp giữa hai bên. Mù mờ tít xa là nước Mễ bao la. Cũng những cụm mây xám sà xuống với hàng loạt dãy núi kéo dài.
David đưa tôi về Apartment cũng vừa lúc Ann và vợ tôi xách lỉnh kỉnh những túi thức ăn vào nhà. Vợ tôi không giấu được nỗi vui mừng, cứ cười toe toét:
- Gần năm chục đồng thức ăn đó anh ạ! Mình không dám mua nhiều nhưng chị Ann cứ bảo: lấy đi, lấy đi! Chị sẽ trả tiền cho. Mình ngại quá anh à!
Từ đấy, gia đình tôi và gia đình Mẹ Maurice gắn liền với nhau như bóng với hình. Cuối tuần, David lái chiếc truck đến nhà gọi tôi đi làm công tác thiện nguyện. Công tác chỉ vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi thường đến giúp đỡ những người già neo đơn. Đôi khi giúp họ ăn uống. Đôi khi dọn dẹp rác rến trong garage. Đôi khi cắt cỏ xung quanh nhà. Đôi khi di chuyển một món đồ nào đó qua nơi khác… Lần đi nào, Mẹ Maurice cũng dành cho tôi một phần ăn to tổ bố. Và sau chuyến công tác, Mẹ luôn thân thiện đặt vào túi tôi những tờ giấy bạc mười đồng.
Một hôm, David lù lù tới, trao tận tay tôi một chiếc xe đạp mới toanh và một tấm giấy của Mẹ Maurice:
“Certificate chứng nhận
chiếc xe đạp này của AN
do Mẹ Maurice thân tặng.”
Trước khi về, David còn nhấn mạnh:
- Mẹ có dặn, mày nhớ đạp xe đến thăm Mẹ vào mỗi ngày cuối tuần.
Nghe lời Mẹ, cứ mỗi cuối tuần, tôi đạp xe từ đường 43 đến đường 50 thăm Mẹ. Mẹ ở với vợ chồng David trong một ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng rất xinh xắn. Tôi thích những hàng cây xung quanh nhà, David trồng đủ loại từ cam, quít, chanh… đến nho, lê, táo.
Buổi sáng, Mẹ Maurice thường ngồi uống cà phê với Ann nơi chiếc bàn bằng đá dưới bóng mát của tàng cam xum xuê trái. Lúc nào Mẹ cũng để dành cho tôi một phần hot dog với tách cà phê sóng sánh hương vị. Mẹ luôn xem tôi như một người con trong gia đình. Tôi cũng vậy. Tôi tự nhiên như anh em với David từ lâu, tôi cần cù bầu từng nhánh cam, chiết từ cành quít cho David trồng thêm trên phần đất trống xung quanh nhà. Nhìn những nhánh cây mọc rễ trắng xóa trong bầu, Mẹ Maurice thích chí cười ha hả:
- Thằng này giỏi thật! Vậy mà thằng David không biết, cứ xách tiền đi mua từng cây về trồng. Nhờ con, bây giờ Mẹ chỉ cần chiết nhánh rồi chờ ngày bén rễ đem xuống đất vun phân tưới nước. Vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm công. Hay quá!
Ngày qua ngày, tám tháng trợ cấp của chính phủ Mỹ vùn vụt trôi qua. Tôi chưa kịp có ý định tìm việc làm thì Mẹ Maurice đã nhắc David:
- Thằng An sắp hết trợ cấp. Ngày mai con dắt nó xin việc làm đi!
David nheo mắt, ngó tôi từ đầu tới chân:
- Ê, ở Việt Nam mày làm nghề gì?
Tôi cười hề hề,rồi đưa ngón tay trỏ lên, cong lại:
- Bóp cò.
- Trời đất! Mày đùa hay nói thật, thằng quỷ?
Mẹ Maurice chêm vào:
- Thì nó đi lính, ngày xưa…
David nhảy chồm lên, hớn hở:
- Vậy, tao có job cho mày rồi.
- Job gì?
- Security.
Ngày mai, sáng sớm, chưa kịp nhâm nhi ly cà phê đầu ngày, tôi đã thấy chiếc truck của David sà ngay cổng apartment. Hắn tức tốc bốc tôi lên xe, chạy một mạch đến các hãng security nằm trong vùng San Diego. Đi tới đâu, khi nhìn bộ vó chưa đầy 48kg của tôi, ai ai cũng lắc đầu từ chối. Tức quá, David nổi khí xung thiên, vừa chỉ vào người tôi, vừa lớn tiếng với ông Mỹ, chỉ huy toán security:
- Ê! Mấy ông đừng coi thường thằng này nha! Nó chuyên môn bóp cò ở xứ nó đó. Ê! Nó là sĩ quan chỉ huy, thâm niên công vụ… Mấy ông biết không?
Toán security lao nhao, tên chỉ huy phải chạy đến gần David, xuống nước nhỏ:
- Khi nào opening job, tôi hứa, tôi sẽ gọi điện thoại cho ông.
David lôi tôi phóng lên xe, trước khi rồ máy chạy, hắn còn nói vói theo tên chỉ huy:
- Ê! Hứa giữ lời nha! Tao chờ điện thoại tụi bây đó.
Mẹ Maurice buồn rầu khi nghe David kể lại chuyện tìm job của tôi. Mẹ cũng rưng rưng nước mắt khi nhìn lại thân thể gầy gò ốm nhách ốm nhom của tôi.
- Con phải uống sữa, ăn thịt bò hàng ngày… để có da có thịt một chút. Có sức khoẻ, con mới làm việc được.
Nghe lời Mẹ dặn, sau vài tuần tẩm bổ, tôi đã lên cân vù vù. Và kế đó, tôi cũng đã tìm được việc làm ở một hãng golf. Mặc dù đồng lương giới hạn nhưng công việc bận rộn liên miên. Tôi làm overtime lu bù. Có khi làm luôn cả ngày chủ nhật.
Lần đầu tiên là nhân viên một hãng xưởng nên tôi rất thích thú và đam mê công việc. Vì vậy, một thời gian dài tôi đã không đến viếng thăm Mẹ Maurice. Có lẽ vì bặt tin tôi nên ngày chủ nhật hôm đó, Mẹ Maurice lọ mọ đến tìm tôi. Trời ơi! Mẹ Maurice đây sao? Một bà già Mỹ yếu ớt, chống gậy liêu xiêu gõ cửa apartment.
- Mẹ ơi! Làm sao Mẹ ra nông nỗi này hỡi Mẹ?
- Mẹ bị stroke con ạ! Mẹ đến thăm con lần này rồi Mẹ sẽ về New York, gần gũi với đứa con gái của Mẹ.
- Chuyện gì đã xảy ra cho Mẹ?
- Không. Chẳng có chuyện gì hết. Mẹ muốn đi thăm con gái.
Tôi ôm Mẹ Maurice vào lòng và chợt nghĩ đến những nỗi đau âm thầm mà những người Mẹ đã một mình gánh chịu. Sự hy sinh vô bờ bến đó chỉ có trong trái tim, trong tấm lòng người Mẹ. Mẹ Maurice và Mẹ ruột của tôi giống nhau ở điểm này.
Thời gian dài sau nữa, tôi hoàn toàn mất liên lạc với Mẹ Maurice, David và cả Ann. Rồi một hôm, trong lòng tôi bỗng xốn xang bức rức như có linh tính báo về điềm xấu nào đó, tôi vội xách xe chạy lên đường 50. Căn nhà xinh xắn vẫn còn đây. Những hàng cây xum xuê trái vẫn dày đặc bóng mát. Cái bàn đá vẫn ở chỗ cũ. Những nhánh cây do bàn tay tôi chiết cho David giờ đã mơn mởn xanh, phơi phới đón gió chiều. Chỉ có căn nhà là đổi chủ.
Người ra tiếp tôi là một ông Mễ bụng phệ. Ông ta cho tôi biết David và Ann đã ly dị nhau và họ đồng ý bán căn nhà này lại cho ông. Còn bà Maurice mất rồi, hình như bà mất lúc đang ở New York thăm con gái. Tôi xin phép hỏi thêm vài câu nữa nhưng ông ta lắc đầu và khép cánh cửa lại.
Như có ai cầm dao đâm thấu tim gan mình, tôi lảo đảo ra xe, gục mặt vào tay lái, thổn thức từng cơn. Trời ơi! Tôi đã vô ơn với Mẹ Maurice. Tôi đã bội nghĩa với David và Ann. Niềm hối hận này không biết bao giờ mới xoa dịu được.
Thưa Mẹ Maurice,
Hôm nay, con viết bài này như nén nhang kính dâng lên Mẹ, như ngàn lời tạ lỗi cùng Mẹ và rất mong Mẹ rộng lượng thứ tha cho đứa con nuôi vô ơn và bạc nghĩa này.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa gặp lại David và Ann. Chẳng biết họ đã nối lại tình xưa hay mỗi người mỗi nơi với cảnh ngộ khác nhau?
Và mùa lễ Tạ Ơn nào cũng vậy, tôi luôn phóng xe đến đây với chai rượu trong tay, cố gắng xóa đi nỗi buồn khi tưởng nhớ.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

CÁCH GIỮ ĐƯỢC LÂU CÁC LOẠI RAU THƠM

CÁCH GIỮ ĐƯỢC LÂU CÁC LOẠI RAU THƠM
Sưu tầm

Rau Răm: Ai cũng biết có 2 món ăn khi ăn phải cần một ít rau răm, không có thì ăn không ngon. Đó là trứng vịt lộn và gà xé phay.
Ăn một hơi 4 trứng vịt lộn cũng chỉ cần vài lá răm là cùng mà mua ngoài tiệm không ai bán vài lá hết. Một lần ăn chỉ có vài lá, phần thừa (cả bó) bỏ tủ lạnh sống được 3 ngày đến tối đa một tuần... 
Làm sao giữ nó sống lâu hơn ? Xin thưa là rất dễ!
Có thể nhiều người đã biết, rất nhiều loại rau thơm của Việt Nam sống được trong nước không cần đất, rau răm cũng vậy. Chỉ cần bỏ bó rau răm (ăn dư) vào cái ly hay keo, lọ v.v... rồi đổ chút nước vào là ăn thêm mười lần hột vịt lộn nữa cũng không cần phải mua thêm rau răm.
Ngoài rau răm, nhiều loại khác như rau om nấu canh chua (người bắc gọi là rau ngổ), rau quế (ăn phở), rau đắng (nấu canh), rau cần nước (ăn cá kho thịt kho v.v..), rau má (sinh tố), rau ngò rí (ăn sống quấn gỏi cuốn nhiều thứ) hành lá, lá tía tô (ăn bánh xèo) v.v... Tất cả đều sống đời đời được trong cái ly hay chai, lọ chỉ với chút nước cho ngập gốc là đủ, không cần đất cát, nhà kính, tủ lạnh gì hết...

Chỉ cần để ý đừng cho nước bị cạn vì rau sẽ ra nhiều rễ và không có đất nên các loại rễ này sẽ hút nước khá nhanh, lâu lâu nên nhổ ra lấy kéo cắt ngắn bớt rễ rồi cấm vô ly nước trở lại. Nếu ngọn rau lên cao mà chưa mua thêm trứng vịt lộn hay làm gà xé phay thì cũng nên cắt bỏ bớt để rau ra thêm lá mới non và ngon hơn.
Một điều cần thiết là đừng để cạn nước thì rau sẽ chết ... Tốt nhất là bỏ trong một cái ly hay lọ bằng thủy tinh trong suốt để nhìn được mặt nước và châm thêm nước khi cạn.
Ngoài chuyện có rau sạch để ăn, các loại rau trồng trong nước có thể làm thành chậu kiểng nho nhỏ để trên bàn trang trí rất vui mắt và sạch sẽ vì không có đất.
Hoặc là chỉ cần có một bệ cửa sổ nho nhỏ hay một góc bếp đủ ánh sáng nắng và bỏ chút thời giờ, quý vị có thể thiết lập cho mình một vườn hoa nho nhỏ cộng thêm các loại rau mùi đủ ăn cho 4 mùa. Quan trọng nhất là khi ăn chúng ta biết chắc các loại rau này không bị các chủ chợ rau xịt bất cứ thứ gì vào...
Mỗi một loại rau thơm của Việt nam đều có tác dụng phòng ngừa và chữa bệnh rất tốt...
Củ riềng, củ hành, củ gừng, tần ô, vấp cá, rau húng, rau đắng v.v... Tất cả các loại rau này đều có công dụng chữa trị một loại bệnh nhè nhẹ nào đó mà khỏi cần.... đi gặp bác sĩ.

MÙA THU KYOTO-NHẬT BẢN

MÙA THU KYOTO - NHẬT BẢN
Nguồn: Internet

 

CÁM ƠN

CÁM ƠN
Lượm lặt

Có hai người cùng đi gặp Thượng đế để xin vào thiên đàng. Thấy họ đói lả, Thượng đế cho mỗi người một suất cơm. Một người nhận suất cơm, cảm động lắm, cứ cám ơn rối rít. Còn người kia nhận phần ăn mà không hề động lòng, cứ làm như Thượng đế có bổn phận phải cho anh ta. Sau đó, Thượng đế chỉ cho người nói “cám ơn” lên thiên đàng. Còn người kia bị từ chối. Kẻ bị từ chối đứng ngoài cổng tỏ vẻ bực tức:
- Chẳng lẽ chỉ vì tôi quên nói hai chữ “cám ơn”?
Thượng đế trả lời:
- Không phải ngươi quên đâu mà chỉ vì ngươi không có lòng biết ơn nên chẳng nói ra được hai chữ cám ơn. Kẻ không biết cám ơn thì chẳng biết yêu thương người khác và cũng chẳng được người khác yêu thương. Anh ta vẫn một mực cãi lại:
- Chỉ vì hai chữ “cám ơn” mà số phận chênh lệch đến thế sao?
Thượng đế lại đáp :
- Biết làm sao được bởi vì đường lên thiên đàng được trải bằng lòng biết ơn và cửa vào thiên đàng chỉ có chìa khóa cám ơn mới mở được mà thôi. Còn xuống địa ngục thì khỏi cần.












Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

BÀ MẸ QUÊ

BÀ MẸ QUÊ
Captovan
Có nhiều cách gọi về song thân tùy theo địa phương, nhưng ở quê tôi, một vùng thuộc tỉnh Kiến An, Hải Phòng thì con gọi bố mẹ là thầy bu, vì thế tôi xin giữ hai danh từ này cho bài viết về mẹ tôi, một bà mẹ quê.
Thầy tôi qua đời ngày 15 tháng Giêng năm 1947, hưởng dương 41 tuổi! Ông cụ mất đi khoảng sau 2 tháng bị bệnh mà thuở ấy người vùng quê chỉ biết gọi là bệnh “thương hàn”(?). Những ngày thầy tôi lâm trọng bệnh và khi các con tiễn chân ông cụ ra cánh đồng thì nay tôi không còn nhớ gì nữa! Kỷ niệm duy nhất còn sót lại trong đầu tôi là khi ông cụ tháo vai cày ra khỏi cổ con trâu rồi đưa sợi dây thừng cho tôi dẫn nó đi ăn, đang gặm cỏ, khi đến bên bờ hồ trước cửa nhà thờ thì nó nhào xuống nước, ngước mũi lên thở phì phò, còn tôi, một thằng bé chăn trâu mới 6 tuổi, không thể kéo nó lên được nên tôi đành buông dây thừng, đứng trên bờ mà khóc vì sợ con trâu sẽ chết đuối.
Nhưng với bu tôi, một bà mẹ quê, thì tôi nhớ nhiều, nhưng chưa một lần nhắc lại những kỷ niệm này với anh chị em và con cháu. Khi thầy tôi mất thì bu tôi mới 43 tuổi với một nách bẩy đứa con, tất cả cùng sống trong căn nhà tranh vách đất ba gian hai trái, một mảnh vườn với dăm ba sào ruộng thuộc làng Cựu Viên, tỉnh Kiến An, thành phố Hải Phòng, và chỉ cách hai nơi này chừng hơn 3 cây số.
Một hình ảnh tuy đã hơn 60 năm rồi mà tôi vẫn còn như đang thấy trước mắt, đó là cảnh vào lúc hoàng hôn, bu tôi đứng ở góc vườn, hướng ra nghĩa trang mà kêu tên thầy tôi trong tiếng nấc sau khi đã chôn cất thầy tôi xong.
Bu tôi cả ngày phải chân lấm tay bùn với ruộng lúa vườn rau, mỗi buổi chiều về, sau khi thổi cơm cho con, nấu cám cho lợn (heo) xong thì mặt trời đã lặn, giữa lúc tranh tối tranh sáng, bà lẳng lặng ra góc vườn, lúc thì ngồi ngắt đọt khoai lang, khi thì đứng hái lá chè mà thút thít khóc trong khi các con không hay biết.
Một buổi chiều tối, khi chim đã về tổ, tôi leo lên cây cau ở góc vườn để bắt ổ chim sáo đen khi nghe chim con “chíp chíp” mà tôi đã rình từ lâu, tôi thất kinh suýt rơi xuống đất khi bất chợt thấy bóng đen đứng khóc góc vườn. Nhưng tôi hoàn hồn ngay khi nhận ra giải khăn tang trắng vấn trên đầu, hai đuôi khăn chạy dọc sống lưng của bu tôi, tôi vội tụt xuống định chạy vào nhà, nhưng rồi khựng lại, ngồi thụp xuống bên gốc cây cau vì nghe tiếng bu tôi khóc:
“Ối ông ơi! Trời đã tối rồi! Ông đi đâu mà sao không về ăn cơm uống nước với các con ông ơi!” .
Tuy tuổi lên 6, tuổi nghịch ngợm của trẻ nhà quê không biết sợ ma nhưng tôi rùng mình nổi gai ốc khi nghe bu tôi kêu lên như thế. Bà khóc trong nấc nghẹn, cố kềm trong họng không cho ra tiếng vì sợ các con nghe được, chắc bà cam chịu đau khổ thương nhớ một mình, không đành chia nỗi buồn với các con. Các anh chị em chúng tôi không ai hay biết việc này, vì sau một ngày quần quật với công việc ruộng lúa vồng khoai thì tất cả đã mệt nhoài, mọi người đi nghỉ sớm để sáng mai, khi gà vừa gáy và tiếng chuông nhà thờ “bính-boong” lúc 5 giờ sáng là đã phải dậy để chuẩn bị ra đồng.
Riêng mình tôi biết bu tôi khóc, tôi chẳng nói cho ai hay, nhưng tiếng khóc của mẹ xoáy vào đầu tuổi thơ khiến tôi cứ đứng sau hè nhìn bu tôi rũ xuống như tàu lá chuối héo, nghe bà nấc nghẹn mà ứa nước mắt theo. Nhiều khi tôi thấy bà vịn cành chè rồi sức nặng của khổ đau kéo cành chè gẫy xuống! Một chiều tối, tôi nghe tiếng nói bên kia vườn, cách bụi tre, vẳng sang:
– Mẹ Quán sao cứ khóc mãi thế ! Hãy để cho Quán nó yên nghỉ.
Đó là tiếng của cụ Dưỡng, chú của thầy tôi, chắc cụ cũng sót ruột vì tiếng khóc mỗi chiều tối ngoài góc vườn. Bu tôi là cháu dâu nên phải vâng lời chú, từ đó bu tôi không đứng khóc ngoài góc vườn nữa. Nhưng nỗi sầu vì nấm mồ chôn chồng chưa xanh cỏ thì làm sao vơi nên nước mắt tiếp tục rơi cùng những tiếng nấc nghẹn trong góc bếp giữa đêm khuya.
Mùa Đông tháng giá, tiết trời khá lạnh ở vùng quê với căn nhà lá có nhiều khe hở để gió lùa vào, anh em tôi nằm ổ rơm, đắp chiếu, kín đầu thì hở đuôi và ngược lại kín chân thì thò đầu, cái lạnh đêm khuya lại thêm dạ dày trống đúng với câu châm ngôn “bụng đói cật rét” nên giấc ngủ chập chờn. Nửa đêm về sáng, khi gà vửa gáy, tôi thức giấc thấy ánh lửa từ nhà bếp hắt lên, tôi bò dậy và mon men tới để sưởi cho ấm thì thấy bu tôi ngồi nấu cám heo, một tay cầm que, tay kia nắm mớ rơm đẩy vào tiếp cho lửa cháy, bóng mẹ tôi in lên vách bếp, ngả nghiêng theo ánh lửa bập bùng. Đêm khuya, thấy con thức dậy bò xuống bếp thì bà mẹ biết con đang thiếu cái gì. Vừa trông thấy tôi, bà vội kéo vạt áo lau nước mắt, rồi nói:
– Đói hả? Ngồi xuống đây sưởi cho ấm rồi bu nướng cho con củ khoai.
Bếp nhà quê đun bằng rơm rạ nên có tiếng nổ lép-bép làm bắn ra những tia lửa tựa pháo bông và kéo theo tro bụi phủ lên người ngồi nấu. Bu tôi đứng dậy khẽ phủi tro trên tấm khăn tang trắng rồi lấy củ khoai lang ở cái thúng treo sau lưng vùi vào đám tro giữa ba “ông đầu rau”.
Có thể nhiều người không biết “khoai nướng vùi bếp tro” là gì, mùi vị nó ra sao, ngay cả con cháu nội ngoại của bu tôi hiện nay đang sinh sống trên đất Mỹ cũng không biết. Nhưng với tôi, củ khoai lang vùi bếp tro mà bu tôi “ban” cho tôi không có gì so sánh được. Người ta thường dùng chữ “ban” đề nói về những “hồng ân” mà Thượng Đế, Chúa, Phật ban cho con chiên, phật tử, nhưng bu tôi đã “ban” cho tôi củ khoai nướng vùi bếp tro giữa đêm Đông giá lạnh mà xung quanh bếp chỉ có rơm rạ, tro bụi, bóng tối và tình mẹ con.
Bà mẹ khều củ khoai trong đám tro ra, vò nắm rơm chà lên vỏ ngoài cho sạch chỗ cháy đen rồi đưa cho con:
– Khoai còn nóng lắm, con ăn từ từ.
Đúng rồi, khoai nướng thơm và ngon với trẻ em miền quê, nếu em đói mà vội ăn đến nỗi quên cả bóc vỏ thì sẽ bị nóng phải hả miệng ra, ngửa mặt lên mà thổi “phù-phù”, ăn vụng mà nuốt vội miếng khoai lang dễ bị nghẹn. Bụng đói, cật rét mà hai tay nắm củ khoai nướng nóng thì thích lắm, nhưng không hiểu sao cái tật tham ăn của tôi biến đi đâu mất, tôi cũng chẳng hiểu chữ “hiếu” là gì, nhưng vẫn cứ bẻ cũ khoai ra làm hai, đưa bu tôi một nửa mà không nói một lời nào cả? Biết nói gì hơn, và dù biết văn hoa chữ tốt thì trong hoàn cảnh ấy, ngàn vạn lời nói cũng bằng thừa, là sáo ngữ. Tôi đưa nủa củ khoai cho bu tôi chỉ vì tôi thấy bu tôi kéo vạt áo lau nước mắt, chỉ vì trong ánh lửa rơm chập chờn giữa đêm khuya mả tôi thấy mắt bu tôi đỏ. Tôi đưa nửa củ khoai cho bu vì tôi biết bu tôi cũng đói nhưng nhường miếng ăn cho con như tất cả các bà mẹ khác.
Cầm miếng khoai trong tay, bu tôi nhìn tôi không nói gì cả nhưng lại choàng tay qua kéo tôi vào lòng. Tôi biết bu tôi đang thổn thức và rồi bà khẽ nói:
– Con lên nhà đánh thức các anh chị dậy ăn cơm để còn kịp “ra đồng”.
Hai chữ “ra đồng” là chỉ công việc ngoài đồng ruộng như cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, trồng rau, trồng khoai, trồng bắp (ngô) v.v.. những công việc của nhà nông để làm ra thực phẩm mà người “thành phố”, nhất là các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt không bao giờ có thể hình dung ra được nó vất vả như thế nào.
Ngày qua ngày, bầy gà một mẹ bẩy con đùm bọc quây quần dưới mái tranh được bao quanh bởi lũy tre, rồi bị chạy loạn vì chiến tranh! Khi hồi cư về làng cũ thì chỉ còn hoang tàn đổ nát nên mẹ con lại chạy theo dòng người di tản. Thấy họ đi thì bà mẹ quê cũng dắt con đi, không biết đi về đâu và làm gì! Những lúc gian nan khốn khổ như thế chắc hẳn bu tôi lại kêu tên thầy tôi và mong chồng chỉ lối đưa đường cho vợ góa con côi được về nơi bình an.
Cuối cùng thì gia đình tôi làm dân di cư trôi dạt vào Nam, về làng Bến Xúc, quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương năm 1954. Người nông dân thường có sức chịu đựng như “cỏ dại”, vất đâu cũng sống được với đất, nhưng mẹ con chúng tôi ra đi không mang theo ruộng vườn, chỉ có hai bàn tay nên phải xoay sở, các anh chị tôi lúc này đã trưởng thành nên phiêu lưu về thành phố và gia đình tôi lại di chuyển về 172/41 đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội, quận Bốn, Saigon.
Bu tôi, một bà mẹ quê “lạc” về thành phố, bỏ lại sau lưng xa tít mù khơi mái tranh, lũy tre, ruộng vườn và nhất là mồ chồng mà sẽ không bao giờ được nhìn lại nên bu tôi như tàu lá úa và chỉ hồi sinh sau khi đã có tiếng bập bẹ “bà bà” của các cháu nội ngoại. Có lẽ đây là giây phút hạnh phúc nhất của bu tôi cũng như các bà mẹ khác, thương cháu chăm sóc cháu hơn thương con.
Vẫn tưởng bu tôi được vui hưởng thái bình với cháo rau đạm bạc bên con cháu cho tới lúc đầu bạc răng long thì chiến tranh lại tràn về, các con trai con rể của cụ lên đường tòng quân, thằng Cao Nguyên, đứa Đông Hà, con trai út ở núi Sơn Chà thì con trai áp út ở mãi tận mũi Cà Mâu, đâu đâu cũng nghe tiếng súng nổ! “Đại bác đêm đêm vọng về thành phố” thì bà mẹ quê khốn khổ thức giấc ngồi tựa lưng vào vách, mắt nhắm, tay cầm tràng hạt, miệng đọc thầm chuỗi Mân-Côi cầu xin Thượng Đế ban ơn lành cho đàn con nơi lửa đạn.
Nhưng hằng ngày bu tôi vẫn nhói tim khi nhìn những xe nhà binh GMC trên chở quan tài phủ cờ chạy qua cửa! Khi nghe mấy bà hàng xóm kháo nhau rằng áo quan phủ cờ vàng sọc đỏ là của lính chết trận đó thì bu tôi vịn tường ngồi xuống đất đọc kinh tiếp.
Rồi sáng ngày N tháng 6/1966, một xe GMC chạy vào xóm và từ từ dừng lại khiến bu tôi hốt hoảng khuỵu xuống, nhưng người lính TQLC tìm nhà bà Châu, bà hàng xóm và cũng là người cùng quê, để báo tin con trai bà là thằng Mão đã tử trận! Bà Châu xỉu, bu tôi hoảng hốt lo lắng muốn xỉu theo, vì Mão và tôi là bạn và cùng tình nguyện vàoTQLC. Mão Tiểu Đoàn 1, tôi Tiểu Đoàn 2, cả hai vừa đụng trận tại ngã ba sông Định, thuộc Bích La Thôn Quảng Trị, nó tử thương, tôi bị đạn xuyên khuỷu tay, thấy không sao nên tôi đã nói với hậu trạm là đừng báo tin về cho gia đình biết. Khốn thay, hậu cứ ở Thủ Đức cứ theo đúng thủ tục mà báo tin nên hai ngày sau lại một xe nhà binh đậu trước cửa hỏi nhà bà Tiệp, tên anh cả của chúng tôi, người báo tin chưa kịp nói gì thì bu tôi không còn biết gì nữa!
Vì bị thương nhẹ nên tôi xin xuất viện ngay để đi phép. Bu tôi đang nằm trên giường bệnh, thấy tôi về, cụ ngồi bật dậy ngơ ngác nhìn con, hai tay vuốt mặt con, nắn vai, nắm tay con lắc lắc như muốn biết đây là thực hay chiêm bao? Bu tôi không nói gỉ mà chỉ khóc, có lẽ cụ khóc vì lo âu, cụ khóc vì hạnh phúc còn cầm được tay con vừa từ mặt trận trở về, những bà mẹ của lính chiến thấy mặt con lúc nào thì hạnh phúc lúc đó. Tôi xin mượn ý bài thơ Màu Tím Hoa Sim: “không chết người con lính chiến mà chết người mẹ ở hậu phương”, người lính chiến nếu có chết, chỉ chết một lần, nhưng bà mẹ hậu phương thì chết dần chết mòn, chết giấc vì con!
Bu tôi đã chết giấc nhiều lần như thế khi thấy mấy đứa con, đứa cháu trong họ hàng và cùng ở TQLC lần hồi tử trận như Tô Chiêu, Tô Sơn, Vũ Tuấn, Nguyễn Thanh v.v..Cuối cùng thì ngày 19/6/1969, trên con kinh Cán Gáo thuộc tỉnh Chương Thiện, những tiếng nổ đã loại tôi ra khỏi vòng chiến, nhưng may mắn hơn Chiêu, Sơn, Tuấn, Thanh v.v.., tôi còn nặng nợ, chưa đi được nên khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên giường bệnh bệnh viện, toàn thân những dây cùng nhợ! Mờ mờ nhìn qua lớp băng quấn đầu, tôi nhận ra bu tôi đang lấy cạy vết máu, vết sình đã khô trên mặt tôi, tôi mấp máy đôi môi, gọi qua hơi thở của bình dưỡng khí:
– “Mẹ”.
Tiếng “Mẹ” dễ gọi dễ thương là thế nên tôi quen với chữ “Mẹ” từ đó.
Tôị bị trọng thương, bị loại khỏi vòng chiến thì cũng là lúc mẹ tôi bớt được một phần lo âu, thấy tôi lê lết với đôi nạng gỗ kẹp nách thì mẹ lại mỉm cười:
– “Con cứ như thế này thì mẹ đỡ lo”.
Chưa trả hết nợ nước nên tôi được hạnh phúc quanh quẩn một thời gian bên bà mẹ già nhà quê, bà mẹ không biết viết, không biết đọc mà chỉ biết khóc vì con. Thế rồi đất bằng dậy sóng, các bà mẹ lại tiếp tục vất vả vì các con, lần sau cùng tôi nghe mẹ khóc là khi tôi cáu kỉnh nhìn mẹ rồi vất đôi dép làm bằng vỏ xe hơi mà cụ đã len lén để vào túi xách cho tôi lên đường “vinh quang”.
Sau ngày 30/4/75, ba anh em trai tôi cùng hai người anh rể đều lên đường để “được” cải tạo làm con người! Chẳng cần nói thêm thì ai cũng biết một bà mẹ già trong hoàn cảnh ấy thì “có vui bao giờ”! Nghe hàng xóm xì xào bán tán, mẹ tôi thật thà đi mua quần áo đen và dép râu cho các con để sớm được về đoàn tụ!
Quá khứ đời tôi lính chiến đã khiến mẹ lo âu sợ hãi nhưng chưa lần nào tôi hỗn với mẹ như lần này, tôi lôi đôi dép cao su ra khỏi túi xách và quăng nó vào góc nhà, mẹ tôi nhìn sững tôi và chắc bà tự hỏi tại sao con lại vất những thứ cần thiết ấy, nó sẽ giúp con để sớm được về với mẹ. Làm sao tôi hiểu được tình thương mênh mông của bà mẹ quê trong khi bà cũng không biết được con trai mẹ đang chín từng khúc ruột. Tôi lẳng lặng cầm túi xách với bộ quần áo lên đường, không lời chào từ giã mẹ già đang ngồi tựa lưng vào vách mà mắt nhìn theo gót chân con!
“Cải tạo” tới năm thứ chín thì tôi hay nằm mơ thấy mẹ, linh tính cho biết có điều chẳng lành, tôi hỏi người nhà mỗi khi đến thăm nuôi thì được biết mẹ tôi vẫn bình thường. Nhưng sao vẫn thấy mẹ trong giấc mơ, tôi đem chuyện hỏi lại thì lúc đó vợ tôi đành lôi trong túi xách ra một xấp hình đám tang mẹ tôi mà vợ tôi đem theo nhưng dấu kín. Tôi không còn nước mắt để khóc mẹ vì tôi đã không chào mẹ khi ra đi, không biết rằng đó là lúc chào lời vĩnh biệt, không biết ai vĩnh biệt ai. Mẹ tôi khóc vì các con phải đi xa khi đã thái bình khiến mẹ mù lòa!Mẹ tôi ra đi vĩnh viễn khi tôi chưa quay về!
“Lòng mẹ thương con như biển Thài Bình dạt dào”, lòng mẹ như bị dao chém mỗi khi nghe tin con “thắng trận” trở về, “trở về trên đôi nạng gỗ, trở về hòm gỗ cài hoa”! Lời nào nói cho đủ, viết cho hết trong vài trang giấy! Những bà mẹ dù quê hay thành phố, dù bên này hay bên kia đều là Mẹ Việt Nam. Mẹ VN thì lúc nào cũng vui và khổ đau theo đời sống thăng trầm của các con, không vui khi các con không vui với nhau. Khổ đau biết bao những bà mẹ của các anh lính chiến luôn canh cánh bên lòng, lo sợ phải rên rỉ câu:
- “Lá vàng đeo đẳng trên cây, lá xanh rụng xuống !!!”
Những ai còn mẹ, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì xin chớ có cử chỉ đáng trách như tôi đã phạm đối với “bà Mẹ quê” để khỏi phải ân hận khôn nguôi./



HAPPY THANKSGIVING

HAPPY THANKSGIVING

Thành Phố Gió Blogger

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

LE BOLÉRO EN FLAMENCO

LE BOLÉRO EN FLAMENCO
Juanjo Mena

CHÚT TÌNH KHÔNG

CHÚT TÌNH KHÔNG
Thơ: Khắc Nhượng
Nhạc: Huy Thạch
Hòa âm: Nhạc sĩ Anh Huy
Tiếng hát: Ca sĩ Đèo văn Sách
Thực hiện Video: Trần Hải Long

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

VẺ VANG NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN

VẺ VANG NGƯỜI VIỆT TỪ QUÊ HƯƠNG MIỀN TRUNG ĐẾN TỊ NẠN TẠI ARLINGTON, TEXAS
Thanh Trúc 


Cựu Trung Úy Lê Văn Thiệu, tốt nghiệp khóa 1 Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt bị tập trung trong các trại tù cộng sản 7 năm. Sau khi đi tù về, ông làm nghề thợ mộc nuôi con cho mãi đến năm 1995, gia đình mới sang Mỹ theo một chương trình H.O. khá muộn màng: H.31. 
Sau 5 năm định cư tại Hoa Kỳ, năm 2000, con đầu là Lê Thành học xong bằng Master về ngành điện tử tại đại học UTA (University of Texas at Arlington).
Năm 2004, con trai thứ ba, Lê Ðức Hiếu tốt nghiệp Master Computer science.
Năm 2005, Lê Huy, con trai thứ nhì, lấy bằng tiến sĩ cũng ngành điện tử.
Năm 2010, con trai út Lê Ðức Hiển, ra đời năm 1982 sau khi ông Thiệu từ trại tù trở về, cũng đã tốt nghiệp y khoa.
Vào năm 2005, nhân ngày lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập hội H.O. Dallas-Fort Worth, gia đình ông Lê Văn Thiệu đã được vinh danh là một gia đình đến Mỹ muộn màng nhưng đã sớm thành công trên đất người.
Năm 2006, ba anh em nhà họ Lê thành lập công ty “Luraco technologies, Inc.” sử dụng kỹ thuật cao (high-tech) chuyên về nghiên cứu và chế tạo sản phẩm cho quốc phòng Mỹ.
Ba năm trước, công ty được cấp kinh phí từ US Army để nghiên cứu và chế tạo ra một bộ cảm ứng thông minh (Intelligent Multi-Sensor) cho hai động cơ trực thăng chiến đấu hàng đầu của Mỹ là Blackhawk và Apache.
Ðể làm được điều này, nghiên cứu (research proposal) của công ty Luraco phải xuất sắc và vượt trội hơn nhiều công ty danh tiếng khác. Phát minh bộ cảm ứng thông minh này của công ty Luraco sẽ tiết kiệm hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ về vấn đề bảo trì và an toàn cho hai loại máy bay trên. Hãng WPI tại Fort Worth, Texas đã mời Tiến Sĩ Lê Huy làm việc với chức vụ là khoa học gia (scientist) để đảm trách việc nghiên cứu về Flexible Active Circuits và Optical Sensors dùng trong hỏa tiễn và phi thuyền không gian. Hai năm qua, công ty Luraco cũng thắng được hai hợp đồng với US Air Force và được cấp kinh phí để chế tạo hệ thống kết nối những sensors FADEC (Full Authority Digital Electronic Control) trong động cơ phản lực F.35 của Không Quân Hoa Kỳ. FADEC là project lớn dưới sự giám sát của cơ quan NASA Hoa Kỳ.
Ngoài NASA, công ty Luraco vinh dự được làm việc chung với Boeing và GE là hai công ty chế tạo động cơ phản lực (jet engine) cho phản lực cơ Hoa Kỳ. Ðây là công ty duy nhất của người Việt Nam nhận được kinh phí trực tiếp từ Bộ Quốc Phòng Mỹ để nghiên cứu và chế tạo những sản phẩm kỹ thuật cao cho quân đội. Người Mỹ khó tin được là các em trong công ty mới mẻ này là con một gia đình tỵ nạn cộng sản chỉ mới đặt chân đến Hoa Kỳ từ năm 1995. Thực dụng trong ngành thẩm mỹ ở Mỹ, Luraco là công ty đầu tiên sáng chế ra ghế Mini Pedicure Spa cho trẻ em, Jet nam châm (Magna-Jet) cho bồn Spa, máy khử mùi hóa chất (ChemStop) và máy hút bụi nail (Partigon) cũng như ghế Massage iRobotics.
Hai năm liền 2010 và 2011, công ty Luraco được vinh dự đón nhận bằng khen là một trong 50 công ty Châu Á phát triển nhanh nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ. Năm 2010, công ty Luraco được xếp hạng thứ 69 trong 100 công ty phát triển nhanh vùng Dallas Fort Worth do Khoa Thương Mại trường Ðại Học SMU bình chọn. Trong bốn anh em nhà họ Lê, Tiến Sĩ Kevin Huy Lê là một thành viên trong Hội Quang Học Quốc Tế (The International Society for Optical Engineering) và là người giám định (Peer Reviewer) cho nhiều công bố về khoa học kỹ thuật cũng như tác giả của hơn 20 “technical publications in journals and conference proceedings.”
Những ngày ở Gio Linh: Nhớ lại những ngày xa xưa, Lê Thành, giám đốc công ty Luraco, ngày nay cũng là một MC và “Mạnh Thường Quân” của cộng đồng tị nạn tại Dallas, Ft. Worth, đã nói rằng anh không bao giờ quên những ngày khốn khổ ở vùng quê Gio Linh, một vùng bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, ngổn ngang những đống gạch vụn và những hố bom. Sau tháng 4, 1975, khi thân phụ phải vào trại tù tập trung, mẹ anh phải đưa các con về nương tựa bên ngoại. Khi mẹ anh kiếm được một chân y tá tại trạm y tế Gio Linh, Thành mới lên 5 tuổi, cùng với đứa em kế theo mẹ về trạm xá, còn hai em nhỏ trong đó có một đứa mới sinh phải “rứt ruột” gởi cho ông bà ngoại nuôi. Ba mẹ con ở trong một căn phòng lợp tranh, vách đất, không có điện bên cạnh trạm xá. Sau những giờ đi học, Thành phải đi mót củi, nấu cháo hay khoai và trông chơi với em. Thành rất thương mẹ, nhớ đến những lúc mẹ khóc, nước mắt ướt cả mặt anh vì cuộc sống quá cơ cực, cô đơn mà chồng không biết lưu lạc ở trại tù nào. Con đến trường thì bị gọi là “con ngụy”, mẹ nơi chỗ làm thì được xem là “chồng có nợ máu!”
Sau 7 năm, khi cha của ông đi tù về mở một tiệm mộc, mẹ ông bỏ việc trở về sum họp với gia đình tại thôn Gio Mai. Thành lên trung học rồi thi đỗ vào Ðại Học Sư Phạm Huế. Những năm cuối cùng trước khi lên đường đi Mỹ, Thành dạy tại trường Cao Ðẳng Sư Phạm Quảng Trị. Nhờ những tín chỉ của ÐH Sư Phạm, chỉ 5 năm sau khi đến định cư tại Dallas- Ft Worth, Lê Thành đã lấy xong Master ngành điện tử, cùng với các em Lê Hiếu, bốn năm sau lấy bằng tiến sĩ cùng ngành để xây dựng lên một công ty có đủ khả năng cạnh tranh với các công ty lớn của Mỹ.
So với những gia đình cựu tù nhân khác, gia đình ông Lê Thiệu đến Mỹ tương đối muộn vì lúc ra tù, ông tìm về quê cũ, một vùng đất xa xôi, nghèo khổ, xa ánh sáng đô thị, thiếu hẳn tin tức và bạn bè. Nhất là sau khi Thừa Thiên, Quảng Trị sát nhập với Quảng Bình của miền Bắc để thành Bình Trị Thiên, tỉnh này thuộc cơ chế hành chánh của miền Bắc, khắt khe và đầy sự kỳ thị.
Mãi đến đầu năm 1990, khi thấy rõ, chắc chắn bạn bè lên đường đi định cư ở Mỹ, ông Lê Thiệu mới dám nộp đơn cho công an địa phương. Nhờ tinh thần hiếu học và sự cố gắng vươn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt của tuổi ấu thơ nên khi đến Mỹ, anh em nhà họ Lê như giống tốt gặp môi trường đất đai, khí hậu, phân bón tốt đã đâm chồi, nẩy lộc, cho trái tốt. Tuy vậy "nhớ công ơn cha mẹ đã trải qua những nỗi nhọc nhằn, tạ ơn nước Mỹ, đất của cơ hội đã cưu mang cho chúng con một đời sống mới và cộng đồng người Việt tị nạn luôn luôn gần gũi, thương yêu gia đình chúng con,” đó là những lời giãi bày của những đứa trẻ từ mảnh đất Gio Linh nghèo khó, hôm nay đã thành công trên đất nước Hoa Kỳ. 
Công ty Luraco của người Việt ký hợp đồng với Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ
Luraco Technologies lọt vào Top 50 tức 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ có tiềm năng và đã phát triển mạnh.
Luraco Technologies Inc. là một công ty kỹ thuật cao, thành lập năm 2005 do ba anh em trong một gia đình người Việt điều hành.
Đây là một gia đình từ Đông Hà, Quảng Trị sang Mỹ theo diện HO năm 1995, định cư tại nơi Luraco ra đời là thành phố Arlington thuộc quận Tarrant tiểu bang Texas 18 năm qua. Quận Tarrant, bao gồm hai thành phố rộng lớn Dallas Fort Worth và Arlington, cũng có một ủy viên người Mỹ gốc Việt, anh Nguyễn Xuân Hùng.
Tuần trước, trong một lần gặp gỡ với ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Thanh Trúc được nghe về Luraco Technologies như sau:
"Tôi quen anh Lê Thành, anh Kevin Lê và các anh em trong gia đình đó. Tôi rất hãnh diện về những thành đạt của công ty Luraco Technologies, một trong những tiểu thương vượt bực trong vùng Bắc Texas này, đã được tổ chức SBA Small Business Administration công nhận điều đó. Tôi có đi tham dự nghi lễ trao tặng giải thưởng, tôi cũng rất hãnh diện và vui lây cho sự thành công đó của gia đình anh Lê Thành. Một trong những đặc điểm làm Luraco khác với những công ty khác là luôn khiêm nhường trước những thành công của mình, và đặc biệt Luraco lúc nào cũng đóng góp, tái đầu tư lại trong cộng đồng Á Châu và cộng đồng Việt Nam của chúng ta. Luraco lúc nào cũng đóng góp, tái đầu tư  trong cộng đồng Á Châu và cộng đồng Việt Nam của chúng ta." (Ô. Nguyễn Xuân Hùng, UV quận Tarrant)
Ba người trong năm anh chị em của gia đình đã tạo dựng công ty kỹ thuật cao Luraco là anh cả Lê Thành, giám đốc điều hành Luraco, người em kế Lê Huy Kevin, tiến sĩ ngành Quang Học Điện Tử, giám đốc kỹ thuật, đã sáng chế Bộ Cảm Ứng Thông Minh Intelligent Multi- Sensor, sử dụng trong hai động cơ trực thăng chiến đấu Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, Luraco Technologies còn đảm nhận hợp đồng của Bộ Quốc Phòng để nghiên cứu và sáng chế các cơ phận điều khiển và phản ứng cho phản lực cơ chiến đấu F35 của không lực Hoa Kỳ. Đó cũng là lý do hai lần liên tiếp Luraco Technologies được vào Top Denfense Contractors của Tarrant County.
Đến với mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay, tiến sĩ Lê Huy Kevin là người đầu tiên nói chuyện cùng quí vị:
"Về hệ thống Multi Sensor, Hệ thống Cảm Ứng Thông Minh mà công ty Luraco Technologies đã thành công phát minh ra được thì Kevin không được phép nói nhiều. Nhưng nói sơ thì đây là hệ thống được dùng trong các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ và nó đảm nhiệm nhiều chức vụ rất quan trọng. Bên cạnh đó, công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của US Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35."

Để có thể ký được những hợp đồng chế tạo Bộ Cảm Ứng Thông Minh cho trực thăng Blackhawk và Apache của quân đội Hoa Kỳ, tiếp đến là hệ thống kiểm soát và cảm ứng trong máy móc của phản lực cơ chiến đấu F35, giám đốc kỹ thuật Lê Huy giải thích tiếp:
"Bước chân vào lãnh vực nghiên cứu cho Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ là một quá trình rất khó khăn. Nghiên cứu khoa học đã khó rồi mà làm cho quốc phòng lại càng khó hơn. Thứ nhất, đối với quốc phòng Hoa Kỳ, khoa học kỹ thuật của họ rất cao, người ta chỉ bỏ tiền ra cho các công ty nghiên cứu những dự án mà chưa được làm, những gì phải rất mới mẻ, phải rất novel tức phải rất advanced, rất tân tiến thì người ta mới bỏ tiền ra chi cho các công ty nghiên cứu mà thôi. Một điều nữa, khi giao trách nhiệm cho một công ty làm nghiên cứu cho họ thì người ta audit tức là người ta kiểm tra công ty đó về khả năng có làm được hay không, có đủ máy móc trang thiết bị hay không rồi thì lý lịch của từng kỹ sư, từng khoa học gia trong nhóm làm nghiên cứu cho dự án đó, nói chung là có đủ trình độ kỹ thuật cao hay không và công ty đó có tin tưởng được hay không nữa chứ người ta không muốn giao dự án cho một công ty mà có thể một năm hay hai ba năm sau công ty đó không còn tồn tại. Thành thử khi nhận được dự án của bên chính phủ, đặc biệt bên Bộ Quốc Phòng của Hoa Kỳ, thì rất khó khăn. Điều vinh dự là chúng tôi đã được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc Phòng giao cho công ty Luraco Technology đảm nhiệm nghiên cứu khoa học được dùng trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Không chỉ là công ty công nghệ cao…"
Theo giám đốc điều hành Lê Thành, Luraco không phải là công ty lớn nhưng để làm được những dự án cho quốc phòng thì cũng phải hội đủ những điều kiện cần thiết:
Như tiến sĩ Huy Lê có nói là quốc phòng họ audit thường xuyên chứ họ không muốn đưa tiền mà cuối cùng không nhận được cái gì, thành ra là cái điều hành của một công ty mà coi như đầy đủ tất cả các ban ngành, đồng thời phải căn cứ vào cái standard của Bộ Quốc Phòng thì thực ra đó cũng là một vấn đề khó khăn.
Những ban ngành mà giám đốc điều hành Luraco, anh Lê Thành, vừa đề cập tới có thể được kể ra là Ban Quản Lý, Ban Khoa Học Kỹ Thuật, Ban Kế Toán, Ban Nhân Sự, Ban Tiếp Thị...
Bên cạnh đó, giám đốc kỹ thuật Lê Huy trình bày tiếp:

Bằng chứng nhận Luraco Tech. được xếp hạng 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ
"Dưới sản xuất thì có Bộ Phận Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Sản Xuất, Ban Yểm Trợ Kỹ Thuật. Tất cả các ban phải phối hợp làm việc và hỗ trợ lẫn nhau để dẫn dắt công ty mỗi ngày càng phát triển.
Rất nhiều người Mỹ làm trong này rồi người Ấn Độ, người Việt Nam cũng nhiều. Người Mexico vô đây xin việc cũng nhiều lắm nhưng anh em vẫn nói với nhau là mình tạo ra công ăn việc làm thì mình giúp cho công đồng Việt Nam chúng ta.
Tháng Năm vừa qua, Luraco Technologies được giải thưởng Exporter Of The Year, Nhà Xuất Khẩu Của Năm, do SBA Phòng Tiểu Thương quận Tarrant trao tặng. Cũng trong hai năm liền, 2011 và 2012, Luraco Technologies lọt vào Top 50 tức 50 công ty hàng đầu do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ có tiềm năng và đã phát triển mạnh.
Công ty Luraco hai năm liền (2011-2012) đứng Top 50 công ty toàn quốc do người Mỹ gốc Châu Á làm chủ về sự phát triển mạnh và hứa hẹn. Đồng thời cũng hai năm liền đạt danh hiệu Top Defense Company Công Ty Quốc Phòng Hàng Đầu ở Tarrant County tức là vùng này. Vùng Dallas Fort Worth này có rất nhiều hãng Defense Company, trong đó ngay cả Lockheed, Bell Helicopter, Raytheon là những công ty tên tuổi trong ngành quốc phòng, nhưng Luraco Technologies vinh dự được bình chọn là Top Defense Company trong quận Tarrant và được hai lần như vậy, năm 2011 và 2012.
Công ty Luraco Technologies đã vinh dự nhận được sự ủng hộ của USS Air Force, đã cung cấp chi phí để công ty nghiên cứu và phát triển ra một hệ thống điều khiển và phản ứng trong máy của F35."  (Tiến sĩ. Lê Huy Kevin)
Với đầu óc kinh doanh nhạy bén cộng thêm tính cần mẫn, anh em nhà họ Lê trong Luraco Technologies còn tận dụng công nghệ cao để chế tạo những sản phẩm tiên phong cho ngành móng tay thẩm mỹ mà người Việt ở Hoa Kỳ gần như chiếm lĩnh thị trường của đất nước này:
Luraco có 3 divisions, một phần làm cho quốc phòng Hoa Kỳ, một phần làm cho sức khỏe và thẩm mỹ và một phần làm những bộ điều khiển hệ thống bồn tắm Jacuzzi, cái này cũng đi vào thị trường Mỹ.
Còn về ngành Nails, Việt Nam chúng ta chiếm 75% thị trường Nails của thế giới chứ không phải của Hoa Kỳ nữa thì Luraco có nhiều sản phẩm tiên phong trong đó. Ví dụ Luraco là công ty đầu tiên chế tạo ra cái ghế Mini Spa cho trẻ em, Luraco là công ty đầu tiên trên toàn cầu nghĩ ra và làm ra cái ghế Pedicure Spa cho trẻ em. Rồi Luraco đã được đài truyền hình NBC đưa tin nhiều lần vì đây là cái đột phá mới trong vấn đề vệ sinh an toàn và có rất nhiều sản phẩm mà Luraco là công ty tiên phong.
Còn ví dụ như ghế massage Irobotics, Luraco là công ty đầu tiên và duy nhất chế tạo ra ghế massage vật lý trị liệu y khoa. Không phải tự hào là đầu tiên nhưng ít ra Luraco cũng làm được cái điều mà Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm thì Việt Nam cũng có công ty đầu tiên là Luraco làm.
Với 18 năm định cư tại đất mới, chưa được hai thập niên khi tương đối đã lớn tuổi, do đâu mà các anh em trong gia đình lại thành đạt như vậy? Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Lê Huy cho biết có thể nhiều phần là do anh em trong nhà luôn tự hào về gốc gác Đông Hà Quảng Trị và truyền thống hiếu học mà cha mẹ trao truyền cho:
"Gia đình em đi theo diện HO 31, qua Mỹ năm 1995, trước khi đi gia đình em vẫn ở Đông Hà, Quảng Trị. Năm 1995 tức là 20 năm sau khi chiến tranh kết thúc thì lúc đó Kevin ở Việt Nam vừa mới vào đại học, qua đây phải làm lại tất cả từ đầu, phải đi học lại.
Từ nhỏ khi còn ở Việt Nam, ba mẹ lúc nào cũng khuyến khích con cái học hành. Ba em là người rất hiếu học. Bởi vì có vốn tiếng Anh, tiếng Pháp học từ miền Nam mà sau này ba em đi làm thông dịch cho các phái đoàn nước ngoài vào thăm Việt Nam, đồng thời ba em cũng dạy cho tụi em tiếng Anh. Lúc bước chân đến Mỹ thì tụi em đã có ít vốn tiếng Anh học từ trường và học từ ba.
Qua đây, dĩ nhiên có nhiều cái mình phải cố gắng, nhất là tiếng Anh, mặc dù có học ở Việt Nam nhưng vẫn rất khó khăn. Lúc đầu thực ra mà nói vào trường mà muốn học tới bằng Cử Nhân là mừng lắm rồi nhưng sau khi tốt nghiệp cử nhân xong thì em thấy mình có khả năng để học lên nữa. Lúc đó, xong cử nhân thì em ra làm kỹ sư ở bên ngoài, buổi đêm đi học thêm để lấy bằng Master. Sau cái Master thì em nghỉ làm và em bắt đầu chương trình Tiến Sĩ." 
Tiến sĩ Lê Huy Kevin, GĐ Kỹ thuật Luraco Technologies nhận bằng khen (Photo courtesy of Luraco)
Vừa đi làm vừa chịu khó đi học, mấy anh em của Lê Huy đều tốt nghiệp và có bằng cấp. Ngoài Lê Huy lấy bằng tiến sĩ, anh cả Lê Thành, hiện tại là giám đốc điều hành của Luraco Technologies, cũng tốt nghiệp bằng Master về ngành điện. Người em thứ ba, Lê Hiếu, tốt nghiệp Master về ngành Computer Science, còn người em trai út là bác sĩ về ngành tim:
"Có rất nhiều cái dẫn dắt gia đình với bản thân Kevin đến ngày hôm nay. Thứ nhất là sự khuyến khích và sự hướng dẫn của ba mẹ, thứ hai là sự cố gắng và thứ ba nữa là sự động viên của bà xã Kevin. Bà xã Kevin lúc nào cũng hết mình support ủng hộ cho Kevin học hành đó."
Đúng như lời ủy viên Tarrant County Nguyễn Xuân Hùng, Luraco Technologies không chỉ là một công ty công nghệ cao mà còn là một doanh nghiệp xã hội. Điều này được tiến sĩ Lê Huy xác nhận :
"Công ty Luraco trước tiên hết là một family company, khi là một công ty gia đình thì nói chung công ty rất quan tâm các vấn đề ngoài xã hội. Luraco thường xuyên tham gia các chương trình gây quĩ, giúp đỡ người nghèo hoặc giúp những em học giỏi ở Hoa Kỳ cũng có và ở Việt Nam cũng có. Tại Hoa Kỳ thường là công ty Luraco cũng có một quĩ trao phần thưởng cho học sinh tốt nghiệp hạng ưu để khuyến khích các em, Ở Việt Nam thì Luraco nhiều lần trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo có thành tích xuất sắc, để giúp các em học hành.
Đối với quê hương Đông Hà Quảng Trị của Kevin thì công ty cũng cấp học bổng cho một số trường và các em học sinh nghèo quanh Đông Hà Quảng Trị để cho họ có cơ hội tiếp tục học hành. Đa số thì cũng còn túng thiếu nhiều thứ nên đối với bà con, nhất là những người lớn tuổi, thì gia đình Kevin coi đó là một phần san sẻ và cố gắng giúp cho những người kém may mắn hơn mình." 
Với những lời chia sẻ của tiến sĩ Lê Huy, Thanh Trúc mạn phép ngưng câu chuyện về Luraco Technologies, công ty kỹ thuật cao đang sánh vai cùng những công ty Hi-Tech tên tuổi của người bản xứ ở Dallas Fort Worth và Arlington, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

THỞ SÂU THÌ SỐNG LÂU

THỞ SÂU THÌ SỐNG LÂU
Elizabeth Barrett Browning

                                                                        
Hít thở là sự sống. Bạn có thể nhịn ăn trong vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Chỉ ngộp thở trong vài phút thôi cũng sẽ giết chết bạn.
1. Khoa học đã chứng minh: Đủ lượng oxy trong cơ thể sẽ giết tất cả vi trùng, vi khuẩn và vi-rút. Tiến sĩ Otto Warburg đoạt giải Nobel năm 1931 nhờ chứng minh được ung thư sẽ không phát triển trong môi trường giàu oxy. Hiện nay, giới y khoa đều biết hầu hết bệnh đau tim đều do thiếu oxy.

Các bạn nên chú ý về hít thở nếu muốn trẻ lâu. Lão hóa là do cơ thể bị nhiễm độc do hấp thu phải chất độc và sự hư hỏng các tế bào. Những người trẻ lâu nhờ vận động nhiều và tống chất độc ra hiệu quả. Điều đầu tiên cơ thể bạn làm để tống chất độc là kết hợp chúng với oxy.

2. Chức năng của hít thở:

- Cung cấp oxy vào máu cho máu tuần hoàn đến não
- Kiểm soát năng lượng sống, từ đó kiểm soát tâm trí của bạn.

3. Kiểu hít thở:

- Nông
- Trung
- Sâu

4. Công dụng của hít thở:
Tăng năng suất, tăng sinh lực, tăng sáng tạo, vui vẻ hơn, ngăn chặn lão hóa.

Hầu hết vùng phổi của bạn nằm ở lưng. Hầu hết con người hít thở nông bằng miệng, ít sử dụng cơ hoành. Cách hít thở này khiến cơ thể chỉ sử dụng phần trên cùng của phổi nên hấp thu được một lượng nhỏ oxygen. Do đó, dẫn đến bạn thiếu năng lượng sống và dễ có nguy cơ bệnh tật. Chưa kể thở bằng miệng dễ khiến hơi thở của bạn có mùi. 
5. Cách hít thở tối ưu:
Đây là cách hít thở đúng: một nhịp hít thở bao gồm ba phần: Hít – Giữ – Thở .
Bạn hít bằng mũi, miệng đóng lại, thở ra cũng bằng mũi.
Hít thở theo nhịp 1-4-2. Hít vào 1. Giữ trong 4. Thở ra 2.

Khi hít vào phần bụng phồng ra để cơ hoành di chuyển xuống dưới mát xa các cơ quan nội tạng. Tưởng tượng một quả bong bóng căng phình ra.
Khi thở ra phần bụng thóp vào để cơ hoành di chuyển lên trên mát xa trái tim nhỏ bé của bạn. Tưởng tượng bụng như máy hút bụi co rút lại.
Bài tập: Hít vào trong 5 giây. Giữ trong vòng 20 giây. Thở ra trong 10 giây.
Bạn có thể nâng số lần lên dần dần. Đạt được đến nhịp 10-40-20 là bạn đã đặt chân vào thế giới hít thở của các thiền sư thông tuệ Ấn Độ. Đừng cố gắng quá sức. Ngạt thở chết luôn. Thử mỗi ngày hít thở như vậy 3 lần, mỗi lần 10 phút, bạn sẽ cảm thấy nguồn năng lượng của mình cuộn chảy và tâm hồn bình an. Các bạn nên tập vào buổi sáng tinh mơ khi mới thức dậy, buổi trưa khi nghỉ ngơi, buổi tối trước khi đi ngủ 10 phút.

Lần đầu tiên tập hít thở, các bạn sẽ cảm thấy năng lượng tràn đầy. Bạn sẽ cảm thấy như có một nguồn suối lạch chảy thông khắp cơ thể.
Sau 7 ngày đầu tiên tập hít thở, bạn sẽ cảm nhận được sức khoẻ chuyển biến rất tốt.

6. Hơi Thở và Tâm Trí
Bạn có để ý khi mình sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi, hơi thở của bạn gấp gáp và rất nông không? Bạn có để ý khi mình thư giãn, bình tâm, bạn thở chậm và sâu hơn không? Hít thở ảnh hưởng đến tâm trí của bạn.

Thở có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
- Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy thở. Thở sẽ làm bạn bình tâm và làm dịu những nỗi đau.
- Nếu bạn lo lắng về điều gì sắp xảy ra hoặc vướng vào một điều đã qua, hãy thở. Thở sẽ mang bạn trở lại hiện tại.
- Nếu bạn thiếu dũng cảm và quên đi mục đích sống của mình, hãy thở. 
- Nếu bạn có quá nhiều việc phải làm hoặc bị xao lãng trong ngày làm việc, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tập trung vào điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay bây giờ.
- Nếu bạn đang dành thời gian với một người bạn yêu thương, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn cảm nhận giây phút hiện tại với người ấy thay vì nghĩ lan man về những việc khác bạn cần làm.
- Nếu bạn đang tập thể dục, hãy thở. Thở sẽ giúp bạn tận hưởng bài tập, và nhờ vậy bạn sẽ tập được lâu hơn.
- Nếu bạn đang di chuyển quá nhanh, hãy thở. Thở sẽ nhắc nhở bạn đi chậm lại và thưởng thức đời nhiều hơn.

Chúng ta hãy thở đi và tận hưởng từng giây phút của đời này!
90% năng lượng của bạn nên đến từ hít thở. Thở là cách quản lý căng thẳng tốt nhất. Trên thế giới có những chuyên gia dạy về cách hít thở. Yoga cũng là một cách tập hít thở siêu hiệu quả. Cách hít thở trong bài viết này là cách đơn giản nhất giúp mọi người mau chóng cải thiện sức khỏe.


Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

PHONG CẢNH VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM

PHONG CẢNH VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM
Nguồn: Internet

Tây Bắc đẹp như tranh vẽ khiến bạn ngây ngất.
Vẻ đẹp thiên nhiên ở các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta khiến các teen "động lòng" và muốn xách ba lô lên đường ngay lập tức.

Vẻ thanh bình tại huyện Yên Minh (Hà Giang). Ảnh: Trần Cao Bảo Long

Hà Giang mùa hoa Tam giác mạch. Ảnh: Phạm Thị Thu Hà

Hương lúa Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Lê Quang Thái

Phố Cáo (Hà Giang) mùa hoa cải. Ảnh: Phạm Thị Thu Hà

Y Tý (Lào Cai) và những con đường mùa vàng. Ảnh: Vu Hau

Hà Giang ngày xuân. Ảnh: Hoàng Mạnh Cường

Trong nắng ban mai giữa núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Lê Quang Thái

Sông Gâm đoạn Bắc Mê (Hà Giang) yên bình. Ảnh: Phạm Mạnh Tuấn

Mùa vàng bên sông Quây Sơn (Trùng Khánh, Cao Bằng). Ảnh: Nguyễn Đăng Hồng

Thác Bản Giốc (Cao Bằng) hùng vĩ. Ảnh: Trịnh Việt Hùng

Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Đặng Thế Anh / VnExpress

Cuối tháng 10 đầu tháng 11 lên Hà Giang ngắm những cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn, đẹp đến mê mẩn

Hoa tam giác mạch mang vẻ đẹp đặc trưng cho vùng miền núi phía bắc. Loài hoa này có ở nhiều vùng cao khác, song dân phượt vẫn tôn tam giác mạch Hà Giang là nhiều và đẹp nhất.

Tam giác mạch Hà Giang mọc thành từng vệt dài, phủ một màu hồng phớt tuyệt đẹp trên các triền đồi. Thậm chí, trên từng cung đường uốn lượn, cũng có thể được chiêm ngưỡng những vạt tam giác mạch mọc lan bên lề đường.
Thông thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tùy thời điểm gieo trồng của bà con trước đó. Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng gần một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Riêng các ruộng tam giác mạch ở Hà Giang phần lớn hoa màu hồng phớt.

Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.


Thung lũng Phố Là được mệnh danh là thiên đường hoa tam giác mạch với những cánh đồng rộng bạt ngàn ngút tầm mắt. Nếu như bạn không có nhiều thời gian, có thể đi thẳng lên cột cờ Lũng Cú, đi qua Lũng Táo cũng có các triền đồi tam giác mạch đang phủ hồng rực rất đẹp.



Đồng bào Hà Giang trồng tam giác mạch để làm thức ăn dự trữ vào những ngày giáp hạt, còn bột thì ủ men nấu rượu, thân cây làm thức ăn cho gia súc. Giờ cuộc sống đầy đủ hơn nên chỉ có những gia đình nào khó khăn lắm mới trồng tam giác mạch để ăn.




Cận cảnh một cụm hoa tam giác mạch khi đã chín rộ và mang màu phớt hồng đẹp đến nao lòng.