Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

CHÀNG TRAI VÀNG TOÁN HỌC GIÀNH HỌC BỔNG CLAY

CHÀNG TRAI VÀNG TOÁN HỌC GIÀNH HỌC BỔNG CLAY

Bình Minh - VNExpress


Phạm Tuấn Huy, người hai lần giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, nhận học bổng sau tiến sĩ của Viện Toán học Clay cho những người có khả năng trở thành nhà toán học hàng đầu.

Viện Toán học Clay (CMI), Mỹ, ngày 27/1 công bố trao học bổng nghiên cứu (Clay Research Fellowships) cho Phạm Tuấn Huy. Học bổng dành cho các nhà toán học trẻ mới hoặc sắp tốt nghiệp tiến sĩ.

Viện Toán học Clay đánh giá "Huy là nhà nghiên cứu rất sáng tạo và sung sức, người đã có những đóng góp cơ bản cho tổ hợp, xác suất, lý thuyết số và khoa học máy tính lý thuyết".

Huy là người Việt đầu tiên nhận học bổng này và sẽ trở thành nghiên cứu viên Viện Toán học Clay trong 5 năm, từ 1/7/2023. Hơn 30 cựu nghiên cứu viên của Viện cho đến nay đều là những nhà toán học xuất sắc thế giới, 9 người từng giành giải thưởng Fields - được coi là giải Nobel trong Toán học, trong đó có thần đồng Terence Tao.

Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nhận một giải thưởng của Viện Toán học Clay - Clay Research Award (giải thưởng cho những nghiên cứu xuất sắc) vào năm 2004 với công trình về Bổ đề cơ bản, cũng là công trình mà ông được trao giải thưởng Fields vào năm 2010. Clay Research Award là giải thưởng Toán học danh giá nhất nước Mỹ hiện nay.

"Hai chương trình khác nhau, nhưng đều rất danh giá. Đây là khởi đầu tuyệt vời với Huy", PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), nói.

"Những người được Viện Toán học Clay trao học bổng rất có tương lai. Huy chắc chắn sẽ là giáo sư ở những đại học danh tiếng thế giới", một giáo sư Toán người Việt ở Mỹ, chia sẻ.

Thông báo trao giải thưởng nghiên cứu của Viện Toán học Clay hôm 27/1. Ảnh chụp màn hình

Thông báo của Viện Toán học Clay hôm 27/1. Ảnh chụp màn hình

Phạm Tuấn Huy sinh năm 1996, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ tư tại khoa Toán, Đại học Stanford. Đến nay, anh đã công bố 28 bài báo trên các tạp chí về Toán học. Hướng nghiên cứu của Tuấn Huy là tổ hợp, lý thuyết xác suất và những ngành có liên quan.

Cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) từng hai lần giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) vào năm 2013, 2014. Anh theo học rồi lấy bằng cử nhân Toán học và thạc sĩ Thống kê tại Đại học Stanford; thạc sĩ nghiên cứu cao cấp về Toán tại Đại học Cambridge. Ở hai ngôi trường danh tiếng, Tuấn Huy đều đạt thành tích xuất sắc và giành nhiều giải thưởng.

Ngoài Toán học, Tuấn Huy được thầy cô nhận xét là người toàn diện và đa tài. Chàng trai này từng theo học 6 năm ở Nhạc viện TP HCM, chuyên ngành Piano.

"Trong 20 năm dạy học, dù đã tiếp xúc với rất nhiều học sinh, sinh viên giỏi nhưng Phạm Tuấn Huy vẫn là học sinh gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi. Gần như kỳ thi nào Huy cũng xếp đầu. Đã thế cậu ấy còn rất khiêm tốn chứ không vì những thành tích đã có mà lơ là. Không những giỏi toán, cậu còn giỏi văn, chơi đàn piano, hát karaoke không tệ", tiến sĩ Trần Nam Dũng, hiện là Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu, chia sẻ hồi năm 2015.

Phạm Tuấn Huy. Ảnh: Claymath

Phạm Tuấn Huy. Ảnh: Claymath

CMI là tổ chức phi lợi nhuận, thành lập năm 1998 tại Cambridge, bang Massachusetts. Ngoài hỗ trợ các nhà nghiên cứu hàng đầu; tổ chức hội nghị, hội thảo về Toán học và mở các trường học mùa hè, Viện còn trao nhiều giải thưởng cho các nhà toán học có triển vọng.

Theo PGS.TS Lê Minh Hà, mùa hè tới, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ đồng hành với Viện Toán học Clay tổ chức trường hè và hội thảo tại Việt Nam.

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

NGƯỜI ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU MÁY BAY VIỆT SANG ĐẤT MỸ


NGƯỜI ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU MÁY BAY VIỆT SANG ĐẤT MỸ

Nguồn: Internet

Từ đứa trẻ nhặt rác tới người giành học bổng Fulbright, sáng lập Công ty Realtime Robotics, cho ra đời những phát minh đột phá về drone, trở thành người đầu tiên xuất khẩu drone sang Mỹ. Đó là hành trình của một người theo đuổi việc tự học suốt đời.
Niềm tin vào trí tuệ của người Việt
Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022, nhiều khách tham quan bị thu hút bởi một sản phẩm đặc biệt. Đó là drone Hera, sản phẩm công nghệ hoàn toàn được phát minh, thiết kế, chế tạo bởi người Việt.
Hera là sản phẩm do Realtime Robotics – một công ty công nghệ Việt Nam phát triển. Tiến sĩ Lương Việt Quốc, người sáng lập nên Realtime Robotics, từng có thời gian theo học tại nước ngoài. Nhưng ít người biết rằng, để có được thành công ngày hôm nay, ông đã phải trải qua một hành trình dài.Giới thiệu về mình, Tiến sĩ Lương Việt Quốc cho biết, bản thân ông là một người không ngừng theo đuổi việc học. Từng là một đứa trẻ phải đi lượm rác để kiếm sống, thế nhưng hoàn cảnh khó khăn không khiến ông từ bỏ niềm đam mê học tập.
Tiến sĩ Lương Việt Quốc có niềm tin mãnh liệt vào trí tuệ của người Việt Nam. Ông tin rằng người Việt đủ giỏi để tham gia “cuộc chơi” trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể phát minh và chế tạo ra một chiếc drone vượt lên trên thế giới.Nghĩ là làm, vị tiến sĩ đã lập nên Công ty Realtime Robotics với sứ mệnh rõ ràng: “Drone innovations to advance humanity” – “Sáng chế drone để phụng sự con người”. Giúp ngành nông nghiệp xanh hơn, sạch hơn, thúc đẩy năng lượng sạch, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, giúp cho xã hội an toàn hơn, bảo vệ môi trường…, và đặc biệt, cung cấp drone trong lĩnh vực quân sự để bảo vệ tự do và chủ quyền lãnh thổ, chính là mục đích hướng tới của drone để phụng sự con người.Được dẫn dắt bởi một sứ mệnh rõ ràng và tập trung toàn bộ nguồn lực vào nghiên cứu, phát triển trong suốt nhiều năm, Realtime Robotics đã “hái quả ngọt”, đó là phát minh đột phá Hera - mẫu drone vượt trội so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thế giới.
Giá trị của một chiếc drone nằm ở năng lực của các loại thiết bị mà nó có thể mang theo. Về mặt vật lý, muốn nâng một vật nặng lên cao thì động cơ phải to và chong chóng phải lớn mới tạo ra đủ sức nâng, drone cũng vậy.
Realtime Robotics đã giải được bài toán đó khi phát triển thành công Hera – mẫu drone nhét gọn vào ba lô nhưng lại có khả năng mang theo khối lượng thiết bị lên tới 15kg, gấp 7 lần sản phẩm cùng loại. Về không gian, các drone trên thế giới thường chỉ có đủ chỗ để gắn 1 tải hay 1 camera. Còn Hera vừa nhỏ gọn lại vừa rộng rãi, có thể gắn 4 camera ở 4 vị trí khác nhau, hoặc camera kết hợp với bệ thả… Khả năng thực thi nhiệm vụ của Hera vượt hơn hẳn các thiết bị drone đang có trên thị trường.
Ở cùng một phân khúc, drone Hera của Việt Nam hiện là số 1 thế giới và không có đối thủ. Điều này đã được công nhận bởi nhiều chuyên gia uy tín thế giới, qua nhiều đánh giá độc lập có thể tìm thấy từ Google, sau khi Hera được công bố tại các triển lãm ở nước ngoài.
Bán drone sang Mỹ nhờ khát vọng Việt Nam
Hiện Realtime Robotics đã nhận được đơn đặt hàng từ RMUS – nhà phân phối drone lớn ở Mỹ. Lô sản phẩm đầu tiên RMUS đặt hàng sẽ được cung cấp cho lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ. Giá bán cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại đến từ Mỹ và châu Âu đã góp phần xác thực cho sự vượt trội về tính năng của Hera so với các sản phẩm khác. Đây cũng là bằng chứng cho thấy drone Hera đã được thị trường chấp nhận.
Sau Mỹ, Realtime Robotics sẽ xuất khẩu sản phẩm của mình sang thị trường châu Âu. Hera sẽ được phân phối độc quyền tại Liên minh Châu Âu (EU) bởi một đối tác chuyên cung cấp dịch vụ drone cho quân đội và các lực lượng đặc biệt.
Tại Việt Nam, sắp tới, chiếc Hera đầu tiên sẽ được Realtime Robotics cung cấp cho Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an.
Với sự xuất hiện của Hera, lần đầu tiên Việt Nam có cơ hội sở hữu drone ở cấp độ cá nhân người lính, vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại mà Israel và các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đang sử dụng. Đây là phát minh của người Việt, do đó, chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc chuyên biệt hóa drone để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Toàn bộ quá trình phát minh, thiết kế, chế tạo máy bay không người lái của Realtime Robotics đều được thực hiện ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lương Việt Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhà máy để tăng tốc độ sản xuất lên gấp 5 - 10 lần.
Bên cạnh việc tăng tốc độ sản xuất và độ phủ trên thị trường, Realtime Robotics đang hướng đến thương mại hóa các phát minh kế tiếp, trong đó có thể cho ra đời 1 - 2 sản phẩm mới thuộc hệ sinh thái drone trong năm 2023. Mẫu drone với tên gọi “Thần nông” đang được ấp ủ ý tưởng nhằm phục vụ ngành nông nghiệp Việt.
Chia sẻ về tương lai, Tiến sĩ Lương Việt Quốc mong muốn Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất drone hàng đầu thế giới. Còn Realtime Robotics sẽ trở thành nhà chế tạo drone chuyên dụng sáng tạo nhất, đáng tin cậy nhất, cũng như có mục tiêu phụng sự con người rõ ràng nhất trên thị trường.
Ông hy vọng câu chuyện về Hera sẽ khích lệ các startup mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, phát triển. Đó là con đường mà Việt Nam cần phải đi cũng giống như cách mà Hàn Quốc đã vươn lên từ một quốc gia đang phát triển trở thành quốc gia hàng đầu thế giới.

  

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

TÔM CÁ KHÔ Ở VIỆT NAM

TÔM CÁ KHÔ Ở VIỆT NAM

Mai Vân

Hàng trông thật hấp dẫn nhưng ăn vào sẽ ung thư là phần chắc. Không biết đồ biển khô bán ở các tiệm thực phẩm Á Châu ở ngoại quốc, có phải được nhập cảng từ VN qua hay không?

Chuyện tôm cá và ruồi làm cho tôi nhớ  đã thấy 2 cảnh trái ngược nhau sau đây:

1) Trước 1975 tại Vũng Tàu, tôi không dám ăn tôm, cá khô. Nếu  có ăn cũng không mạnh miệng vì ngư phủ ỏ Vũng Tàu đổ tôm cá ra lề đường ở Bến Đá phơi nắng ruồi nhặng bu đầy gần như không còn thấy tôm cá nữa.

2) Ngược lại, ở Ý có một thị trấn du lịch nhỏ (lâu quá, không còn nhớ tên), có một cái hồ lớn, nước trong xanh, phong cảnh quanh hồ đẹp vô cùng. Gần đó có  khu chợ lộ thiên, có hàng bán cá tươi trông rất bắt mắt. Lạ một điều, cá tươi tanh tưởi như vậy mà không có một con ruồi bu hoặc bay quanh hàng cá. 

Ý là một nước văn minh, tôi nghĩ rằng chủ hàng cá không dùng hóa chất xịt lên cá tươi để chống ruồi. Lạ thật !

TC

Chuyện lạ: Hải sản khô ruồi không dám đậu

Qua số điện thoại đường dây nóng của Báo Bình Thuận [Phan Thiết], nhiều bạn đọc phản ánh “chuyện lạ” nhiều cửa hàng bán các loại cá khô, mực khô… nhưng không có một con ruồi nào đậu vào.

Đây là loại sản phẩm vốn dĩ thu hút khá nhiều ruồi, kiến nhưng không biết bằng cách nào các cửa hàng này đã “trị tận gốc” tình trạng này. Từ thông tin bạn đọc cung cấp, chúng tôi đã lần theo dấu vết và phát hiện sự thật kinh hoàng phía sau những con cá khô vàng óng...

Ruồi “chạy xa”

Trong vai một người cần tìm mối hàng cung cấp cá khô, mực khô với số lượng lớn để đưa đi nơi khác tiêu thụ, chúng tôi đã đến nhiều chợ, khu vực chuyên phơi hải sản khô trên địa bàn TP Phan Thiết để tìm hiểu. Điều dễ nhận ra ở những nơi này không có bóng dáng một con ruồi, dù môi trường xung quanh rất ẩm thấp, có nhiều vũng nước đọng.

Trước đây, ở một tiệm bán cá khô, mực khô thường để một cây quạt nan, túi bóng đựng nước để đuổi ruồi. Nhưng hiện nay hầu như không còn cửa hàng nào làm việc này và cũng không có bóng dáng một con ruồi. Chọn một sạp bán hải sản khô thuộc dạng lớn nhất ở khu vực chợ tạm Phan Thiết để hỏi mua cá khô, chúng tôi được bà chủ cửa hàng chào đón nhiệt tình. Bà chủ cho biết đây là cá khô mới làm, được mua từ các ngư dân tự phơi ở phường Đức Long, TP. Phan Thiết.

“Hàng mới về, chú cứ lấy về bán, hàng ở đây thì yên tâm không bao giờ thối, mốc meo đâu, có gì cứ đem đến đây đổi lại”, bà chủ khẳng định. Khi chúng tôi hỏi nếu vận chuyển ra Bắc, thời tiết khác ở trong Nam, khô cá để lâu có bị hư không. Ngay lập tức, bà chủ bảo đảm sẽ “bao sử dụng 1 năm”. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao khô để 1 năm không hư, có bí quyết gì không thì bà chủ sạp chỉ nói là “bí quyết” nghề nghiệp, rồi lãng sang chuyện khác.

Rời chợ tạm Phan Thiết, chúng tôi đến khu chuyên phơi hải sản không tên ở khu phố 5, phường Đức Long, TP. Phan Thiết. Khác hẳn với thái độ cáu gắt của bà chủ đồ khô trước đó, chủ vựa cá khô 

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua khô cá các loại với số lượng lớn để đem về bán lẻ. Nhưng thấy chúng tôi lo lắng chuyện bán hàng chậm, khô sẽ bị hư, lỗ là cái chắc thì bà chủ trấn an bằng cách chỉ dẫn cách bảo quản khô để bán được lâu hơn, cũng như cách “tút” lại hàng cũ sao cho giống y như hàng mới. Theo đó, muốn giữ hàng được lâu, không bị ruồi bu, kiến đục thì phải sử dụng chất diệt ruồi, kiến…

Muốn để lâu, phải dùng hóa chất...

Bà chủ vựa cá khô này nói, cá khô hay mực khô là loại thực phẩm rất dễ bị kiến đục, muốn để lâu hay đem đi xa phải tẩm ướp rất kỹ. Nếu không chỉ vài ngày là hỏng, không bán được. Do cá khô rất dễ bị kiến đục nên phải xịt thuốc chống kiến. Sau 3 ngày, thuốc bay hơi hết nên khi đưa hàng ra chợ, người ta vẫn phải tiếp tục xịt thuốc diệt kiến (theo tìm hiểu của chúng tôi, chất diệt ruồi, kiến hiện nay thường được người phơi cá khô sử dụng là trichlorfon).


                           Made in China/Taiwan?fbf5f2b5de6843ea8ad1c38013f39518.jpg

Hàng càng để lâu càng phải xịt nhiều thuốc. Tỷ lệ pha là khoảng 3 muỗng cà phê hóa chất với 10 lít nước và ngâm tất cả khô vừa mua vào khoảng 20 phút, sau đó vớt ra rồi đem phơi nắng. Để cá khô khoảng 3 ngày cho bay hết mùi là mang ra bán ngoài chợ được. Với việc sử dụng chất này cá khô sẽ bảo quản được hơn 1 năm mà không sợ hư.

Nhìn khô tràn lan nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ con ruồi nào bâu, chúng tôi thắc mắc thì chị chủ chỉ trả lời ngắn gọn “chất đó ruồi nó kỵ lắm”. Hiện nay, khô cá được bày bán tràn lan trên thị trường từ chợ đến siêu thị. Tuy nhiên, việc phân biệt khô cá có sử dụng chất bảo quản trichlorfon hay không là điều khó nhận biết đối với người tiêu dùng.

Hùng, người từng nhiều năm làm công cho các vựa cá khô lớn trên địa bàn TP. Phan Thiết cho biết, không riêng cá khô mà cả tôm khô cũng thường được tẩm ướp hóa chất khá nhiều. Tôm nguyên liệu mua về được phân loại. Loại ngon chế biến riêng, phơi ở những nơi có nền xi măng và có người coi ngó cẩn thận. Còn tôm loại thường hoặc “có vấn đề” được luộc sơ, lột vỏ, tẩm ướp gia vị, hóa chất, trong đó không thể thiếu phẩm màu để tôm săn cứng và màu sắc bắt mắt.


07e405c6dcba46c6b95b400e6e7d36f0.jpg                                  Made in China/Taiwan?92351de1908442108667bcd461792c5e.jpg

Một kỹ sư chuyên ngành chế biến hải sản cho biết: Để khử trùng, tẩy trắng, người ta thường sử dụng clorin, chất này nếu sử dụng nhiều sẽ để lại mùi hôi khó chịu. Đối với những cơ sở chế biến thủy sản công nghiệp, liều lượng sử dụng được kiểm soát rất chặt chẽ nên sản phẩm bảo đảm an toàn. Nhưng ở những cơ sở nhỏ, chế biến thủ công thì việc sử dụng hóa chất rất tùy tiện, không theo đúng quy định. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm hơn là gây bệnh ung thư.

Trong quá trình tìm hiểu về sản phẩm cá khô “ruồi không dám đậu”, chúng tôi còn chứng kiến cách sơ chế cá sẽ mang bệnh cho người tiêu dùng.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

ĐÓN MÙA XUÂN VÀO NHÀ

ĐÓN MÙA XUÂN VÀO NHÀ 

Nguyễn Thị Thanh Dương

 


Hôm nay, chợ búa Việt Nam đông vui nhộn nhịp hẳn lên vì người ta mua sắm cho ngày mai 23 tháng 12 âm lịch cúng đưa ông táo về trời.

Cuộc sống xứ người bận rộn đủ thứ nhưng hầu như những người Việt Nam đã từng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam dù xa quê bao nhiêu năm vẫn không thể nào quên được những ngày lễ tết truyền thống dân tộc này.

Chị Bông đã mua xong phần trái cây, đang đứng ở quầy kẹo mứt chọn mấy gói kẹo thèo lèo. Chị nôn nao nhớ đến thời còn ở quê nhà, ngày cúng đưa ông táo long trọng lắm, người ta cúng đủ kiểu, đủ thứ nào kẹo, mứt, trái cây, nào giấy tiền vàng bạc, hình cò bay ngựa bay, nào cá chép phóng sinh, nào xôi gà, canh măng, canh miến! Trước là cúng ông Táo, sau là gia đình cùng ăn uống vui vẻ trong những ngày sắp Tết.

Chị Bông chợt nhìn thấy đứng ở đầu quầy kẹo phía kia, một bóng dáng gầy gò quen thuộc, anh Ngọc đang lựa kẹo thèo lèo như chị. Một tay anh xách cái giỏ chợ, một tay thỉnh thoảng anh nâng lại cặp kính cận thị dày cộp lên để nhìn vào bịch kẹo chắc để đọc các hàng chữ nơi sản xuất, hết bịch kẹo nọ đến bịch kẹo kia.

Hình ảnh những người đi chợ đã nói lên phần nào về gia đình, bản thân họ. Một xe chợ đầy ắp hàng hóa từ trên xe cho tới gầm xe của một gia đình người Mễ nào đó là một gia đình đông con, đông người hoặc nếu không đông người thì ăn uống như hùm như hạm. Hình ảnh anh chàng trẻ tuổi tay xách thùng bia, tay cầm bịch sausage ra quầy tính tiền là anh chàng chưa vợ hay đã ly dị, uống bia cho vơi bớt trống trải cô đơn và hình ảnh anh chàng nhếch nhác tay cầm vỉ trứng, tay cầm bó rau là anh chàng nghèo mạt rệp đã mua đến đồng xu cuối cùng trong túi áo.

Chị Bông luôn nhìn người và suy đoán như thế, chẳng biết đúng sai bao nhiêu phần trăm.

Hình ảnh những người đàn ông độc thân xách giỏ đi chợ dù hoàn cảnh nào cũng đã tội rồi, lại là anh Ngọc mà vợ chồng chị Bông quen thân, biết rõ hoàn cảnh, với vóc dáng gầy gò kham khổ giữa hàng hóa ngày Tết đủ sắc màu vui tươi và giữa đám đông người rộn ràng càng thấy tội thêm.

Chị Bông đến gần anh Ngọc:

– Chào anh Ngọc, đi sắm Tết hả?

– Vâng, tôi mua đồ ngày mai đưa ông Táo về trời dù bên này chúng ta chỉ xài bếp điện, bếp ga và lò microwave.

– Nãy giờ thấy anh đứng đây chọn kẹo lâu lắm, kẹo anh còn chọn kỹ vậy, hèn gì tới giờ vẫn chưa chọn được vợ, đi đâu cũng thui thủi một mình.

Rồi chị Bông khuyên:

– Anh nên lấy vợ đi, sẽ có người đi chợ sắm Tết với anh cho vui.

– Tôi phải nhìn kỹ từng gói vì sợ lấy lầm kẹo sản xuất ở China. Thà mua kẹo của Taiwan dù cũng là Tàu nhưng Tàu tư bản thì hy vọng có lương tâm hơn. Còn chuyện lấy vợ thì tôi không dám nghĩ tới khi vừa già vừa xấu như tôi.

– Ai dám chấm điểm anh xấu chứ?

– Tôi tự chấm tôi, này nhé dáng gầy như đói ăn, mắt thì cận thị nặng, lại nghèo tơi tả như cái mền cũ lâu ngày.

– Mắt cận thị trông anh càng trí thức sâu sắc. Nhà giáo mà!

– Chán lắm chị ơi, hôm nào quên đeo kính thì nhìn giai nhân hóa Thị Nở, nhìn kẻ hiền lương tưởng tướng cướp. Tóm lại, tôi mà lấy vợ, bà ấy sai ra chợ mua bó cải xanh, tôi mua về bó cải ngọt, chắc sẽ cãi nhau chứ vui vẻ gì!

Anh ho lên sù sụ, chị Bông ái ngại:

– Hình như anh đang bị cảm?

– Vâng, khí trời thay đổi một chút là ho, là cảm y như trẻ con.

– Anh càng nên lấy vợ để có người cạo gió cho anh.

– Nói như chị, tôi lấy vợ để nhờ vả bà ấy đi chợ và cạo gió giùm tôi à?

– Anh vui tính và nói chuyện có duyên thế này làm gì không có bà thương, chắc duyên chưa đến thôi…

Trước khi chia tay, chị Bông nhắc nhở:

– Anh Bông đã gọi điện thoại mời anh rồi nhưng tôi cũng nhắc anh lần nữa, buổi trưa mồng 1 tết sắp tới đây, mời anh đến ăn bữa cơm đón mừng năm mới Xuân về với chúng tôi nhé!

– Vâng, nhất định tôi sẽ đến và mồng 2 Tết thì mời anh chị sang nhà tôi như thường lệ hằng năm nhé!

Đi chợ về đến nhà, chị Bông kể với chồng:

– Nãy em gặp anh Ngọc đi chợ mua đồ đưa ông táo về chầu trời.

– Thì có gì lạ đâu, anh ấy vẫn đi chợ bao nhiêu năm nay.

– Anh thật là vô cảm, còn em thấy cảnh anh Ngọc thân già lủi thủi đi chợ một mình, tội lắm!

– Em đã làm mai cho anh Ngọc một hai lần mà có thành đâu. Anh ấy quen cảnh đời độc thân rồi, không vợ không con quen rồi.

Chị Bông reo lên mừng vui:

– Anh nhắc đến chuyện mai mối làm em chợt nhớ ra chị Trúc. Đúng rồi, em sẽ làm mai chị Trúc cho anh Ngọc. Cả hai cùng độc thân, em sẽ nối nhịp cầu cho đôi bờ gần lại…

Anh Bông kêu lên:

– Anh biết ngay mà. Trong đời em thích hai thứ là làm mai và cạo gió. Thấy ai độc thân là em nghĩ ngay đến làm mai, thấy ai nhức đầu, ho cảm hay mỏi lưng là em đòi cạo gió, bất kể họ bị vì lý do gì..

Anh Bông hỏi lại:

– Em vừa nói chị Trúc nào nhỉ? Cái bà giáo già ở Houston mà chúng ta mới gặp lại cách đây mấy tháng đó hả?

– Phải, chị Trúc ngày xưa cùng xóm, là bạn của cả gia đình em, chị thất tình mối tình đầu rồi long đong đường tình tới khi qua Mỹ mới lấy chồng rồi thành góa phụ cho tới bây giờ. Chị cũng là dân đại học sư phạm như anh Ngọc, biết đâu sẽ có điểm tương đồng.

Anh Bông gật gù:

– Chắc thế, tương đồng ở chỗ nhà giáo vừa nghèo vừa khó tính khó nết…

Chị Bông nhớ hôm đến thăm chị Trúc trong khu apartment dành cho người lợi tức thấp, không chồng không con nên căn phòng dù nhỏ bé cũng trống trải cô đơn. Khi chị Bông thương cảm ngỏ ý muốn làm mai cho chị Trúc thì chị giãy nảy lên:

– Chị vừa nghèo vừa xấu thế này thì ông nào dám lấy chị… Thôi để cho chị yên.

– Chị chỉ khiêm nhường thôi, người Việt Nam mình ăn chắc mặc bền. Nghèo nhưng vẫn có món vốn trong bank đấy, điều mà không phải người Mỹ nào cùng hoàn cảnh cũng có được.

Chị Bông liền đắc ý nói với chồng:

– Họ còn tương đồng ở chỗ cùng khiêm tốn tự nhận mình xấu và nghèo.

– Người Bắc của em là thế đấy, luôn tự khiêm tốn hạ mình tối đa. Theo anh là chảnh chọe đấy, là ngạo mạn cuộc đời đấy!

– Một người đang hưu non và một người đang hưu già, em tin là anh Ngọc và chị Trúc sẽ đẹp đôi lắm đây, từ tuổi tác đến tính tình. Em sẽ có cách cho hai người. Chảnh chọe này gặp nhau bất ngờ xem ai chảnh hơn ai.

 

***

Chị Bông đã gọi phone mời chị Trúc đến ăn bữa cơm mồng một tết với gia đình chị. Chị Trúc vui vẻ nhận lời ngay, ngày tết tha hương được gần gũi người thân, bạn bè và cũng là dịp chị Trúc đến Dallas thăm gia đình chị Bông cho biết nhà.

Từ Houston đến Dallas mất 4 giờ lái xe, chị Trúc vừa sợ đường xa vừa sợ tốn xăng nên mua vé xe bus Mega giá rất rẻ, cả chuyến đi và về gần 40 đồng, giờ giấc thuận tiện theo ý chị lựa chọn.

Chị Trúc check vé xe bus Mega và ngạc nhiên có lúc giá rẻ tưởng như trò đùa, tưởng như cho không, chỉ 1 đồng cho một chuyến đi từ Houston tới Dallas hay ngược lại nếu chuyến đi khuya một chút. Chị thích chuyến xe đêm chắc sẽ thư thái cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng ngại làm phiền người ra đón nên thôi.

Chị Trúc khởi hành từ Houston lúc 6 giờ rưỡi sáng và sẽ đến bến xe vùng Dallas Fort Worth lúc 11 giờ trưa.

Xe bus Mega mới đẹp, máy điều hòa ấm áp, cả một chuyến xe rộng mà chỉ có 8 hành khách, mỗi người ngồi một nơi tha hồ thoải mái riêng tư. Chị Trúc để túi hành lý ngay ghế bên cạnh và thảnh thơi ngồi ngắm cảnh đường dài, ngắm cảnh chán, chị Trúc lim dim ngủ vì buổi sáng thức dậy khá sớm.

Ở nhà, chị Bông lo nấu nướng mấy món ăn cho ngày tết. Năm nào cũng ngần ấy món mà mỗi năm chị Bông tưởng như các món ăn đều náo nức hơn, ngon lành hơn vì ngày Tết đến vì mùa Xuân về. Gà nấu măng, gà nấu đông, giò lụa, giò thủ, chả giò, nem chua củ kiệu, dưa hành đủ cả và dĩ nhiên không thể thiếu món bánh chưng.

Năm nay, ngoài người khách thân thiết là anh Ngọc, gia đình chị có thêm người khách mới là chị Trúc.

Đúng 10 giờ rưỡi, chị Bông gọi phone cho anh Ngọc với giọng cầu cứu:

– Anh Ngọc ơi, nhờ anh ra trạm xe bus Mega đón giùm tôi chị bạn từ Houston đến lúc 11 giờ trưa nhé. Cả hai vợ chồng tôi đều bận rộn và dở tay không dứt ra được.

Anh Ngọc sốt sắng:

– Vâng, để tôi giúp anh chị một tay, tôi sẽ mang khách về tận nhà cho chị. À, nhưng chị ấy tên gì để tôi tìm kẻo bến xe bus đông người chẳng biết ai vào ai.

– Trạm xe bus Mega này không phải là ga xe lửa ở Việt Nam với một biển người chen lấn mạnh được yếu thua đâu. Hồi nãy, tôi gọi phone hỏi thăm thì chị Trúc nói chuyến xe chỉ có 8 người và chị Trúc là người Việt Nam duy nhất thì còn lộn vào ai được nữa. Anh không cần biết mặt, biết tên vẫn đón đúng người.

Chị Bông giục giã:

– Anh đi ngay bây giờ kẻo không kịp, xe bus Mỹ chạy nhanh và đúng giờ lắm.

Anh Ngọc cuống quýt:

– Vâng, vâng, tôi đi ngay đây.

Đợi vợ cúp phone anh Bông mới hỏi:

– Cỗ bàn em đã nấu gần xong, anh thì ngồi rảnh xem ti vi nãy giờ có bận rộn gì đâu mà em nhờ anh Ngọc khẩn cấp thế? Anh ấy mà chạy xe lạng quạng xảy ra chuyện gì là tội của em.

Chị Bông trách chồng:

– Hôm nay ngày mồng 1 Tết mà anh không kiêng cử gì cả. Em phải làm thế để hai người gặp nhau ở sân ga vắng trong một ngày đầu năm. Thật lãng mạn…

Nhà anh Ngọc cách nơi xe bus xuống khoảng 30 phút, anh Ngọc đến nơi cùng lúc với chuyến xe bus vừa tới, khi hành khách bước xuống là một phụ nữ Việt Nam, chị đang ngơ ngác nhìn quanh, anh Ngọc đến gần dè dặt hỏi:

– Thưa chị, có phải chị là…

Người phụ nữ không để anh nói hết câu, chị ngoảnh mặt đi nơi khác, nghiêm trang lạnh lùng:

– Xin lỗi, chắc anh lầm ai rồi, tôi không quen biết anh…

Anh Ngọc đoán chị đúng là Trúc, nhưng nhìn cái điệu bộ làm cao kia, anh cũng chẳng vừa, cũng mặt nghiêm và lạnh như tiền:

– Xin lỗi, tôi đã lầm cứ tưởng là chị Trúc mà vợ chồng chị Bông nhờ tôi ra đón.

Người phụ nữ thoáng bối rối, vẻ mặt dịu lại:

– Tôi là Trúc.

Vẻ mặt anh Ngọc cũng dịu lại:

– Vâng, vợ chồng chị Bông bận bất ngờ nên nhờ tôi ra đây đón chị.

Bây giờ hai người đối diện nhau, nhìn nhau kỹ hơn. Chị Trúc bị bất ngờ thật, vội vàng vuốt lại mái tóc bị rối bù lên vì chị tựa đầu vào ghế ngủ gà ngủ gật trên chuyến đi:

– Thế mà tôi cứ tưởng chị Bông ra đón.

Anh Ngọc cũng bất chợt đưa tay lên vuốt mái tóc ít ỏi và điểm bạc của mình:

– Tôi tên Ngọc là bạn thân của gia đình chị Bông.

Chị Trúc ngại ngùng thốt lên:

– Tôi xin lỗi anh lúc nãy…

– Tôi cũng xin lỗi chị lúc nãy…

Chị Trúc chịu trận nhìn chiếc áo lạnh đang khoác trên người mình, chị đã chọn cái dày nhất để mặc cho ấm trên chuyến đi, chắc trông chị lù xù và nhếch nhác như một bà già. Chẳng lẽ bây giờ, chị cởi áo ra thì hình ảnh phút giây ban đầu cũng đã đập vào mắt, in sâu vào đầu người ta rồi.

– Cám ơn anh Ngọc.

Anh Ngọc xách cái túi to và nặng của chị Trúc để vào xe. Hai người bắt đầu tự nhiên hơn một chút, chị Trúc nói:

– Đấy là cặp bánh chưng tôi mua tặng nhà chị Bông

– Chị thật có lòng với bạn bè, ở vùng Dallas- Fort Worth này, chợ Việt Nam bán bánh chưng nhiều lắm.

– Nhưng mỗi nơi, mỗi cửa tiệm, bánh chưng có cái ngon cái dở khác nhau.

Anh Ngọc cảm hứng kể lể:

– Vâng, chị nói đúng, các hội đoàn, nhà thờ, chùa chiền cũng góp mặt mừng Xuân với món bánh chưng để gây qũy và phục vụ giáo dân, Phật tử. Thế nên bánh chưng có đủ nhãn hiệu cho khách hàng lựa chọn. Tết nào tôi cũng đặt mua bánh chưng từ nhà thờ dù tôi không là giáo dân. Bánh họ gói chắc tay, nếp nhừ nhuyễn, nhân đậu thịt đậm đà nhưng cũng không quên mua bánh chưng chay để cúng ông bà tổ tiên, mẹ tôi xưa thích ăn bánh chưng chay. Tóm lại, tôi ủng hộ cả nhà thờ lẫn nhà chùa..

Chị Trúc thêm vào:

– Vâng, ở đâu có người Việt Nam mình thì có món bánh chưng ngày Tết. Ở Houston có một cửa hàng bán bánh chưng rất ngon nên tôi mang làm quà.

Chị Trúc chợt áy náy giá mà chị biết tình huống gặp anh Ngọc thế này thì đã mua thêm bánh chưng làm quà rồi và nhất là để chuộc lỗi lúc nãy.

Hai người nói chuyện lan man về Tết, từ bên Mỹ rồi ngược dòng quá khứ về những cái tết xa xưa nơi Việt Nam. Cuối cùng, cả hai cùng biết nhau là đồng nghiệp dù mỗi người tốt nghiệp đại học sư phạm vào ,thời điểm khác nhau. Họ cùng nhắc lại mái trường xưa, các thày cô cũ. Nửa tiếng trên đường về hình như qua nhanh, anh Ngọc và chị Trúc đã cảm thấy quen nhau nhiều hơn.

Anh chị Bông nghe tiếng xe đậu ngoài sân vội chạy ra đón khách.

– Mời anh Ngọc và chị Trúc vào xông nhà và đón mừng năm mới.

Anh Ngọc và chị Trúc cùng đáp lễ:

– Chúc mừng năm mới.

– Chúc gia đình anh chị Bông sang năm mới luôn sức khỏe và hạnh phúc.

Chị Bông ước ao:

– Giá mà có pháo thì vui nhỉ, vừa mừng Xuân vừa mừng đôi khách. Tết năm nay, nhà tôi thật là ấm cúng.

Chị Bông dẫn chị Trúc vào phòng để thay quần áo. Chị Trúc trách nhẹ:

– Sao chị nhờ anh Ngọc ra đón mà không cho tôi biết. Khi bước xuống xe mặt mũi tôi đã bơ phờ, đầu tóc và áo quần thì bù xù cả lên, đã thế tôi còn ra vẻ cao giá vì tưởng kẻ lạ lân la làm quen với mình. Thật là ngượng ngùng…

Ở ngoài anh Ngọc cũng than nhẹ với anh Bông:

– Mấy hôm nay tôi quên nhuộm tóc, đã già càng thêm già, thêm tiêu điều, gặp khách lạ thật ngại quá… Lần đầu tiên gặp mà hình ảnh này thì chẳng đẹp tí nào.

Bữa cơm đón mừng năm mới bắt đầu, hai người khách của chủ nhà lại được dịp nối tiếp chuyện trò.

Chị Bông đã bóc bánh chưng Houston ra đĩa. Gắp miếng bánh chưng ăn, anh Ngọc phải khen:

– Tôi là dân sành điệu bánh chưng, chấm điểm bánh chưng Houston của chị Trúc rất ngon…

Chị Trúc hài lòng:

– Tôi đã ăn thử nhiều hiệu bánh chưng và cũng chấm hiệu này đây. Chỉ tiếc là ở Mỹ không có lá dong tươi cho bánh chưng này đúng là hương vị Tết Việt Nam.

Chị Bông hoan hỉ:

– Thì ra cả anh Ngọc và chị Trúc cùng sở thích một loại bánh chưng. Hãy còn một cái bánh chưng Houston đây, tôi thay mặt chị Trúc biếu tặng anh Ngọc…

Anh Ngọc trân trọng:

– Cám ơn hai chị, ngày mai mời anh chị Bông và chị Trúc sang nhà tôi ăn tết mồng hai và chúng ta lại tiếp tục thưởng thức bánh chưng Houston này.

Chị Trúc bối rối giấu niềm vui:

– Vâng, tôi rất hân hạnh được anh mời ăn Tết.

Chị Bông ghé sát tai chị Trúc nói nhỏ:

– Ngày mai, chị sẽ diện đẹp lên để gỡ lại hình ảnh xơ xác ban đầu lúc gặp nhau ở sân ga vắng nhé!

Anh Bông cũng thì thầm bên anh Ngọc:

– Thế là anh vẫn còn cơ hội nhuộm lại mái tóc phong sương để ngày mai tạo hình ảnh mới với khách vừa quen nhé.

Anh Ngọc bối rối quay sang nói với chị Trúc:

– Nói trước để chị Trúc đừng chê, tôi không biết nấu nướng gì. Năm nào cũng như năm ấy một con gà luộc.

Chị Bông nhanh nhẩu chen vào:

– Biết rồi, và thịt heo quay với giò lụa, giò thủ, củ kiệu, bánh chưng mua ngoài chợ. Chúng tôi đã nhiều lần khuyên anh Ngọc lấy vợ để nhà cửa bếp núc ấm cúng và có người cạo gió cho anh.

Anh Ngọc lập lại câu than thở cũ:

– Tôi vừa già vừa…

Chị Bông lại nhanh nhẩu chen ngang:

– Biết rồi, vừa già vừa xấu vừa nghèo chứ gì? Chị Trúc cũng than thở y chang như anh. Thật là đồng điệu và tri kỷ, ở hai nơi khác nhau sao lại có hai người giống nhau đến thế, từ sở thích bánh chưng đến những câu than thở thấy mà thương…

Anh Bông rót rượu ra từng ly và mời khách:

– Chúng ta cùng uống mừng Xuân và mừng cho đôi tri kỷ anh Ngọc, chị Trúc.

Chị Bông rộn rã:

– Và chào mừng cho ngày mai mồng 2 tết, chúng ta sang xông nhà anh Ngọc. Năm nay, anh Ngọc sẽ đón thêm một người khách mới, anh đón Xuân vào nhà thật tưng bừng hơn những năm trước nhé!

Anh Ngọc nhìn chị Trúc bắt gặp chị cũng đang mỉm cười nhìn anh, anh thấy người phụ nữ này tươi đẹp lung linh hẳn lên, không biết vì men rượu vừa thấm hay vì cặp kính cận đã chiều chủ nịnh chủ.

Bữa tiệc đón Xuân hôm nay thật vui và anh tin chắc là bữa tiệc đón Xuân ngày mai tại nhà anh sẽ là niềm vui tiếp nối.