Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

NỮ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC CỘNG ĐỒNG FOOTHILL

NỮ HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC CỘNG ĐỒNG FOOTHILL

Ngày 1 tháng Bảy vừa qua, trường Đại Học Cộng Đồng Foothill tại Bắc California chính thức có Hiệu trưởng mới người Mỹ gốc Việt, cô Nguyễn Thị Thúy.
Đại học Foothill là một trường lớn với hơn 13.000 sinh viên, 300 nhân viên và giảng viên. Tỷ lệ sinh viên Mỹ gốc Việt khoảng 5%. Cô Nguyễn Thị Thúy đã vượt qua cuộc tuyển chọn kéo dài một năm giữa 4 ứng viên nặng ký để được chọn, nhất định cô phải trội hơn những người da trắng.
Năm nay 41 tuổi, Nguyễn Thị Thúy đến Mỹ từ lúc lên 3, sau một chuyến vượt biển cùng gia đình năm 1978.
Năm 14 tuổi, cô là học sinh xuất sắc của trung học Castlemont của thành phố Oakland. Tốt nghiệp thủ khoa trung học Castlemont High School, Nguyễn Thị Thúy vào đại học Yale chuyên ngành triết học, tiếp đến là văn bằng Luật tại UCLA ở California. Cô đã dạy Luật tại đại học CSU East Bay trong nhiều năm.
Điều thú vị là năm 2000 khi còn là sinh viên Luật khoa, Nguyễn Thị Thúy từng là đồng tác giả quyển sách Anh ngữ “25 Vietnamese Americans in 25 Years”, “25 Chân Dung Mỹ Gốc Việt Trong 25 Năm”. Đây là một trong những quyền sách đầu tiên nói về sự thành công của người Việt ở Hoa Kỳ.
Cô cũng là người nói tiếng Việt lưu loát không thua tiếng Anh là ngôn ngữ cô học cũng như giao tiếp hàng ngày.
Đến Mỹ lúc 3 tuổi nhưng Thúy nói tiếng Việt trôi chảy, cô giải thích: "Phạm Quỳnh từng nói Tiếng Việt còn thì nước còn, tiếng Việt mất thì nước mất, cái mất đó không sao vãn hồi được”.
Bố mẹ tôi rất chú trọng việc cho chúng tôi nói tiếng Việt, cho đi học trường Việt ngữ. Tôi cũng thích nghe nhạc Việt, nhạc Việt rất sâu sắc, rất tình cảm. Tôi cứ chạy nhạc rồi viết chữ xuống, coi như tập chính tả luôn. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi có thể nói tiếng Việt với cộng đồng Việt Nam. Biết thêm một ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ gốc của mình, sẽ tạo cho mình cơ hội tiến thân.
Lương Hiệu trưởng của cô trong năm nay là 192.262USD.
Nguyễn Thị Thúy có gia đình và hai con.
Chồng cô, Thắng Nguyễn Barrett từng là Chánh án Tòa thượng thẩm gốc Việt đầu tiên vào năm 1997.
Chúc mừng Luật sư Nguyễn Thị Thúy, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được chọn vào chức vụ Hiệu trưởng một trường đại học trên toàn nước Mỹ.
LÊ VĂN THÔNG
#8saigon
May be an image of 1 person
l reaction

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

HAYMARKET VÀ LỄ LAO ĐỘNG

HAYMARKET VÀ LỄ LAO ĐỘNG

Nguồn: Internet

Lễ Lao Động là một trong những ngày lễ lớn ở Mỹ. Weekend đầu tiên của tháng Chín được Quốc Hội chính thức công nhận là Labor Day trên toàn quốc vào tháng Sáu năm 1894. Trước đó, nhiều tiểu bang đã có ngày Lễ Lao động riêng, khởi đầu ở New York năm 1887. Ngày nay, Labor Day Weekend và màn nướng thịt Barbecue là một truyền thống không thể thiếu trong đời sống của dân Mỹ.

                    Ảnh: centerforecotechnology.org       

Đối với trẻ em, Labor Day Weekend đánh dấu kết thúc mùa nghỉ Hè trước khi trở lại trường. Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, người ta tổ chức picnic (bữa ăn ngoài trời) để ăn mừng. Thiên hạ cũng thường nhân dịp này dẫn gia đình đi chơi một chuyến cuối trước khi con cái nhập học. Phi trường, nhà ga đều đông nghẹt người. Thuê xe hay tìm chỗ cắm trại cũng cực kỳ khó.

Một cuộc đua bao bố tại một buổi Lễ Lao Động ở Quận Cam, California. Nguồn: OCRegister

Nhưng có lẽ ít ai biết nguồn gốc của ngày lễ này đến từ một biến cố bi thảm tại khu vực Haymarket ở thành phố Chicago vào năm 1886. Ngày 1 tháng 5, hàng mấy trăm ngàn thợ thuyền khắp nơi trên nước Mỹ đồng loạt đình công, đòi giảm giờ làm việc xuống tám tiếng một ngày. Phong trào “eight hour workday” này được thúc đẩy bởi các liên đoàn công nhân cũng như các nhóm bảo vệ người làm công trước sự bóc lột của giới đại thương gia được báo chí và luật pháp bao che. Riêng tại Chicago, lực lượng cảnh sát đã bắn vào đám đông khi ẩu đả xảy ra giữa nhân công xưởng gỗ McCormick và nhóm côn đồ gọi là “strike breakers” được thuê để đàn áp người đình công. Để phản đối hành động hung bạo ấy, một nhóm người đã đứng ra kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình tại quảng trường Haymarket Square tối hôm sau.

Nguồn ảnh: Chicago Historical Society

Mặc dù những người đứng đầu cuộc biểu tình không kêu gọi sử dụng vũ lực nhưng ngay trước khi buổi mít-tinh chấm dứt, có ai đó đã quăng một quả bom tự chế về phía cảnh sát, giết chết một nhân viên công lực. Cảnh sát Chicago bắn trả. Cuộc xô xát xảy ra chỉ trong vòng 20 phút nhưng kết cuộc có tám cảnh sát và tám thường dân bị thiệt mạng. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy đa số cảnh sát bị các cảnh sát viên khác bắn nhầm trong cơn hỗn loạn vì người xuống đường hầu hết không mang súng.
Mục sư Samuel Fielden, diễn giả cuối cùng, đang diễn thuyết khi bom nổ.

                       Nguồn: wikicommons

Có thể nói thành phố Chicago lúc bấy giờ là điểm nóng của cuộc cách mạng lao động ở nước Mỹ. Các cộng đồng di dân đến từ Âu Châu, nhất là từ Đức, khá đông. Xung đột giữa giới tư bản và tầng lớp lao động xảy ra thường xuyên. Tấm bích chương kêu gọi người dân tụ tập tại Haymarket được viết bằng cả hai thứ tiếng Anh và Đức là do vậy. August Spies (X), tổng biên tập tờ Arbeiter-Zeitung và sáu người khác bị tòa án Illinois kết án tử hình mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy họ đã tấn công cảnh sát. Cái chết của họ làm bùng cháy trở lại ngọn lửa của phong trào “tám tiếng một ngày” bị dập tắt sau vụ Haymarket.

                                 Nguồn: Wikimedia

Cần nhớ đây là thời điểm nước Mỹ và thế giới đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế khá nặng gọi là The Long Depression 1873-1879 (khác với The Great Depression vào thập niên 1930). Cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhì bắt đầu từ thập niên 1870 dẫn đến nhiều thay đổi trong sinh hoạt kinh tế, xã hội và chính trị. Thất nghiệp tăng cao. Các nhóm tả khuynh theo Chủ nghĩa Xã Hội, Cộng Sản ra đời. Cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho công nhân ngày càng thu hút nhiều thành phần xã hội. Những tổ chức như Knights of Labor kết nạp được hơn cả trăm ngàn thành viên vào cuối thế kỷ 19.

Đài tưởng niệm bảy nhân vật bị tử hình sau vụ Haymarket tại Chicago với câu nói cuối cùng của August Spies: “Một ngày kia sự im lặng của chúng tôi sẽ mạnh hơn tiếng nói mà các ngài đang cố dập tắt.” Nguồn: wikipedia

Ngày nay khi nghe đến Labor Day Weekend, hầu hết người dân Mỹ chỉ nghĩ đến thịt nướng và sale, không mấy ai nhớ hoặc biết đến công lao của những người đã xả thân để chúng ta có được những thứ tưởng chừng như mặc định – tuần làm năm ngày, mỗi ngày tám tiếng. Song ở Chicago, người dân vẫn tưởng niệm bảy vị tử sĩ đã hy sinh bằng cách tái dựng cuộc biểu tình Haymarket. Tất nhiên không có màn ném bom nhưng chắc chắn có khói từ… các lò thịt nướng!

                 Nguồn: Chicago Tribune

Một năm sau biến cố Haymarket, nhiều tiểu bang lần lượt thông qua các đạo luật bảo vệ người làm công và đặt ra ngày lễ Lao Động cấp tiểu bang. Nhưng phải mất thêm 18 năm, Quốc Hội mới biến nó thành một ngày quốc lễ được Tổng thống Grover Cleveland ban hành vào năm 1894 do áp lực từ công nhân ngành xe lửa đình công. Đó cũng là thời điểm nước Mỹ và thế giới bước vào cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ thứ Ba (the Third Industrial Revolution) với nhiều thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế và xã hội, dẫn đến cuộc Đại Thế Chiến thứ Nhất năm 1914.

Một cuộc diễn hành trong ngày lễ Lao Động tại Buffalo, New York, năm 1900. Nguồn: National Geographic.

Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ, chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything, từng làm kỹ sư điện toán, hiện cư ngụ trong vùng Dallas.

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

SỰ TÍCH LỄ VU LAN

 SỰ TÍCH LỄ VU LAN

(Trích từ bài viết của nữ sĩ Minh Thuý - Hội Văn Thơ Lạc Việt)

Lễ hội này phát xuất từ sự tích Phật Giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn.
Theo trong kinh thì lễ Vu Lan của Phật Giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục kiền Liên, ngài là một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn
Theo kinh "Vu Lan Bồn" thì ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, lúc tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề hãy còn quá sân tham và bởi ác nghiệp thọ báo còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Thế Tôn.
Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".
- Nhưng bạch Thế Tôn, làm sao con thỉnh được chư Tăng khắp mười phương về để cúng dường cùng một lúc như vậy được?
Đức Phật dạy: "Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Đây là ngày thích hợp để cung thỉnh chư Tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó."
Tôn giả Mục Kiền Liên y theo lời Phật mà làm. Sau đó, mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này, Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.
Kể từ những năm tháng đầu tiên, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, các chùa đã tổ chức Lễ Vu Lan. Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng ca ngợi lòng hiếu thảo đối với mẹ không thôi mà đã trở thành "lễ hội" mang tính cách nhân văn nói lên lòng hiếu kính của tất cả mọi người đối với cả mẹ lẫn cha hiện tiền hay ông bà cha mẹ đã quá vãng nhiều đời, nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà chính là sợi dây liên kết giữa người còn kẻ mất, là truyền thống cao đẹp nêu cao tình người của dân tộc Việt. (trích http://xn--tphathocdoisong-2y5h.com/)
Rằm tháng bảy, niềm tin của người con Phật theo câu chuyện ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên, về Chùa dâng hương cầu nguyện cho cha mẹ đời này còn sống luôn được khỏe mạnh hoặc cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đã quá vãng thoát khỏi cảnh địa ngục, sớm được siêu sanh tịnh độ. Đồng hành sự nguyện cầu là rải ruộng phước để hồi hướng công đức cho cha mẹ luôn được siêu thoát vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
***
Mùa thu lãng vãng đó đây theo luồng gió mát, bóng nắng yếu ớt mơn man những cành hoa giấy đỏ bên hàng rào ẻo lả đong đưa. Mùa hạ đã từ giã nhưng tình hạ đã để lại trong lòng tôi những kỷ niệm thân thương nhẹ nhàng vô cùng và càng nhẹ nhàng hơn nữa khi được cài bông hồng trên áo. Dẫu không phải chỉ có ngày lễ Vu Lan mới nhớ đến Cha Mẹ nhưng đây là ngày lễ đặc biệt, ngày phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần hiếu đạo. Ngày lễ có sức sống văn hóa truyền đạt con người trở về với cội nguồn tổ tiên, biết đền ơn tứ ân đức lớn rộng: cha mẹ, thầy cô, tổ quốc và con người. Một ngày lễ hội Vu Lan của Phật Giáo thật thiêng liêng mang ý nghĩa cao đẹp…
Minh Thúy Thành Nội
May be an image of flower and text