Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

TÌNH ĐÃ LỠ

TÌNH ĐÃ LỠ

Nhạc: Phạm Anh Dũng

Thơ: Thanh Lan

Tiếng hát: Ca sĩ Minh Đạt

Hòa âm: Dỗ Hải

Thực hiện video: Đào Cận



TÌNH ĐÃ LỠ 

(nhạc Phạm Anh Dũng, thơ Thanh Lan)
   
Tình đã lỡ đứng trong sương mờ vẫn còn mơ
Ngày xưa ấy với bao đêm ngày cùng trong mộng say
Rồi ta ngỡ phút giây mong chờ ngàn lời thơ
Mà đâu biết sẽ không bao giờ đời ta có đôi

Có biết chăng tình cay đắng mà thôi
Mất đi bao ước vọng tuyệt vời
Ôi đâu còn ngày nào ta với người
Bóng đêm như bao trùm cuộc đời

Tình đã lỡ thế nhưng bây giờ vẫn còn mơ
Về người xưa nói sao cho vừa niềm vui ngày cũ
Dù cho tiếc nhớ duyên ban đầu lòng thương đau
Mình ta vẫn sống trong âu sầu vì không có nhau

 

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

NGÀY TƯỞNG NHỚ

NGÀY TƯỞNG NHỚ
Nguyễn Thị Thanh Dương


Những ngôi mộ thẳng hàng trong nắng đẹp,

Mùa Hè bắt đầu rực rỡ tháng Năm,

Trong nghĩa trang quốc gia Arlington,

Mỗi bia mộ một lá cờ nước Mỹ.

 

Lá cờ nhỏ đang phất phơ trong gíó,

Hồn tử sĩ yên ngủ ở phương nào?

Thức dậy mà nghe đời nhớ thương nhiều,

Cùng với hoa tháng Năm còn nở rộ!

 

Nhưng hoa tháng Năm sẽ buồn nức nở,

Trong phút giây mặc niệm kẻ hi sinh,

Hôm nay là ngày chiến sĩ trận vong,

Những người đã phục vụ trong quân đội.

 

Chào những ngôi mộ nằm đây cũ, mới,

Người thân, bạn bè thăm viếng nghĩa trang,

Cắm cờ, cắm hoa  mộ chị, mộ anh,

Mơ một ngày hòa bình cho nhân thế.

 

Memorial Day, sáng nay cờ rũ,

Mỗi địa phương mỗi một lá cờ buồn,

Lá cờ theo xe chạy trên phố phường,

Nỗi nhớ thương theo người trong cuộc sống.

 

Vinh danh những người chết vì lý tưởng,

Ở những chiến trường, những nơi chốn xa,

Và người lính Mỹ đã  trở về nhà

Trong quan tài, trong tiếng kèn truy điệu.

 

Vinh danh những người lính trên thế giới,

Đã đổ máu xương gìn giữ hòa bình,

Có những người lính miền Nam Việt Nam

Anh dũng hi sinh một thời khói lửa.

 

Tháng Năm ơi, cho lòng tôi góp gíó,

Góp nỗi buồn và xin được tri ân,

Tôi tung lên trời cánh hoa tháng Năm,

Gởi thương nhớ đến vong hồn chiến sĩ. 

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG TẠI ĐẠI HỌC HARVARD, HOA KỲ

VIỆN TRẦN NHÂN TÔNG TẠI ĐẠI HỌC HARVARD, HOA KỲ

Nguồn: Internet

Mấy ai biết rằng cách xa nửa vòng trái đất, tên tuổi của vị vua anh minh Trần Nhân Tông đã được đặt tên cho một viện nghiên cứu đặt tại thành phố Boston, Hoa Kỳ.

 

Giáo sư Thomas Patterson

Viện được thành lập do một nhóm nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard, một trong những cái nôi của trí tuệ nước Mỹ và do Giáo sư Thomas Patterson làm chủ tịch.

Điều gì khiến vị giáo sư này quyết định trở thành chủ tịch Viện Trần Nhân Tông (Tran Nhan Tong Academy)?

Giáo sư Thomas Patterson cho biết: “Khi được mời giữ vai trò lãnh đạo tại Viện Trần Nhân Tông, tôi đã chấp nhận với tất cả sự nhún nhường. Nhiều năm trước, tôi là một người lính Mỹ tới Việt Nam và tôi đã đem lòng yêu đất nước, con người và lịch sử của Việt Nam. Đó là thời điểm lần đầu tiên tôi nhận biết về Trần Nhân Tông, vị vua đã hoàn thành được điều mà nhiều người không làm được: chiến thắng quân Mông Cổ trong thế kỷ XIII. Tuy nhiên, mãi đến năm 2010, tôi mới có được một sự hiểu biết đầy đủ về tầm vóc của ông khi tôi cùng vợ đến viếng Yên Tử ở Quảng Ninh. Chính vào thời điểm này tôi bắt đầu ngưỡng mộ sự hy sinh lớn lao của ông đối với đất nước. Tôi rất vinh dự khi được đóng góp một phần nhỏ trong việc thúc đẩy di sản Trần Nhân Tông để lại, thu hút sự quan tâm của mọi người ở Việt Nam và nơi khác”.

Giáo sư Thomas Patterson hiện là Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard, được đánh giá là Trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên toàn cầu, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới về đây nghiên cứu.

Trung tâm Shorenstein cũng là nơi tổ chức các giải thưởng báo chí lớn như Goldsmith và các hội nghị Theodore H. White nổi tiếng thế giới về báo chí và chính trị.

Mục đích dài hạn mà Viện Trần Nhân Tông Academy đề ra gồm (1) Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình, (2) Thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống, (3) Quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.

Trước mắt, trong giai đoạn 2012-2017, viện này dự kiến tổ chức Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương hằng năm. Nhân dịp công bố giải thưởng này, dự kiến vào tháng 9 tới đây sẽ tổ chức Hội nghị quốc tế Trần Nhân Tông tại Boston.

Ý tưởng về một Viện Trần Nhân Tông

Thật ra ý tưởng thành lập Viện Trần Nhân Tông do nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng biên tập VietnamNet, đề xuất từ năm 2009. Sau đó, được cụ thể qua buổi trình diễn nhạc giao hưởng chủ đề “Hòa giải và yêu thương” ngày 22/4/2010 tại Nhà hát Lớn của thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, ông Tuấn đang làm công việc nghiên cứu tại Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shorenstein - Đại học Harvard. Ông cho biết sáng kiến thành lập Viện Trần Nhân Tông và Giải thưởng quốc tế Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương của ông đã nhận được sự ủng hộ của các giáo sư có uy tín tại Đại học Harvard.

Vào ngày 16/2/2011 tại Hà Nội, một hội nghị về vấn đề này cũng được tổ chức với sự có mặt của nhiều học giả trong đó có cựu Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga.

Chính Giáo sư Thomas Patterson là người đề xuất ý tưởng và phương án để Viện Trần Nhân Tông triển khai xây dựng bảo tàng Trần Nhân Tông ở Hà Nội. Ông cũng động viên vợ là nhà làm phim tài liệu có uy tín ở Mỹ bà Lorie Conway sang Việt Nam làm phim tài liệu về vua Trần Nhân Tông.

Quang cnh bui hòa nhc ngày 11/7 ti Boston

Giáo sư Thomas Patterson cho biết nhiều bạn đồng nghiệp của ông ở Harvard cùng với một số nhà báo lớn ở Mỹ rất trân trọng và sẵn sàng đồng hành cùng Viện Trần Nhân Tông bởi tư tưởng, minh triết và sự nghiệp của Trần Nhân Tông thực sự là một giá trị rất quý không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả nhân loại.

Như vậy, cùng với Hòa nhạc Trần Nhân Tông chủ đề Hòa giải và Yêu thương được tổ chức hằng năm vào tháng 8 tại Boston, Viện Trần Nhân Tông đã nhận được sự đồng hành của một số nhà lãnh đạo có uy tín, của các học giả lớn ở Harvard và vùng Boston cùng với tâm huyết của các nhà khoa học, nhà văn hóa tại Việt Nam như nhà văn hóa Việt Phương, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Huy Lê, Phó giáo sư Trần Ngọc Vương…

Giải thưởng quốc tế mang tên vị vua Việt

Ngày 19/6 vừa qua, Viện Trần Nhân Tông chính thức công bố Giải thưởng quốc tế và Hội nghị Trần Nhân Tông về hòa giải yêu thương tại trang web Trannhantongprize.org. Sự kiện này sẽ được tổ chức vào ngày 22/9 tới đây tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch giải thưởng này.

Giải thưởng sẽ được xét chọn hằng năm cho những người bằng hành động, ảnh hưởng của mình có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp hòa giải và yêu thương nhân loại, xây dựng tình hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo giải quyết các mối xung đột, chấm dứt chiến tranh, những người đóng góp to lớn trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới.

Hội đồng cố vấn giải thưởng bao gồm nhiều nhân vật uy tín như bà Vaira Vike-Freiberga, cựu Tổng thống Latvia; ông Michael Dukakis, cựu Thống đốc bang Massachusetts; bà Ann Mc Daniel, Phó chủ tịch thường trực Washington Post; bà Robin Sproul, Phó chủ tịch - Giám đốc chi nhánh Washington DC, ABC News; ông Phil Barboni, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Global Post và nhiều học giả trong nước.

Nói về ý nghĩa của giải thưởng Trần Nhân Tông, Giáo sư Daniel Shapiro, của Trường Luật Harvard so sánh: “Một năm thế giới mất đi 3.000 tỉ USD để giải quyết những vấn đề như chiến tranh, bạo loạn, xung đột, thiên tai. Nếu thế giới ngăn chặn được thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn để đầu tư vào kinh tế và giải quyết được những vấn đề lâu dài của nhân loại”.

Nhạc trưởng Charles Ansbacher của dàn nhạc giao hưởng Landmark Boston cũng đã nhiệt tình tham gia vận động ủng hộ giải thưởng mà cụ thể là tổ chức các buổi hòa nhạc “Hòa giải và Yêu thương” và mời vị nhạc trưởng nổi tiếng ở châu Âu Daniel Barenboim làm Đại sứ Giải thưởng Trần Nhân Tông.

Sau buổi hòa nhạc lần thứ hai hồi tháng 8/2011, mới đây Viện Trần Nhân Tông đã phối hợp với Dàn nhạc Landmark Boston và Quỹ văn hóa Free for All Concert (Quỹ Âm nhạc Miễn phí cho mọi người) tổ chức buổi hòa nhạc “Hòa giải và Yêu thương” lần thứ ba vào ngày 11/7/2012 tại Boston với sự tham dự của hơn 10.000 người. Dịp này nhạc trưởng Armand Diangienda người Congo đã nhận lời làm đại sứ Quỹ Trần Nhân Tông tại châu Phi.

Hiện nay, địa chỉ Trannhantong.net đã được rất nhiều người trong cũng như ngoài nước truy cập, đây vừa là cổng thông tin hoạt động của Viện Trần Nhân Tông vừa là một diễn đàn giữa những người muốn đến với viện.

Tại cổng điện tử này bước đầu đã có các tư liệu giới thiệu những nghiên cứu, các thành quả trong việc ứng dụng tư tưởng, giá trị cao quý của Trần Nhân Tông vào cuộc sống, những sáng tác văn hóa nghệ thuật về Trần Nhân Tông. Đây cũng là cổng tích hợp, kết nối tất cả các tư liệu về Trần Nhân Tông.

Trần Nhân Tông biểu tượng của trí tuệ, lòng nhân ái và sự hòa giải

 


Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông do  nghệ nhân  Trần Độ ở làng gốm Bát Tràng chế tác và mang sang đặt tại Quỹ văn hóa Free for All Concert ở Boston

Trần Nhân Tông (1258-1308) là vị vua thứ ba của triều đại nhà Trần (1225-1400), được sử sách ca ngợi là một trong những hoàng đế anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trần Nhân Tông là Hoàng thái tử của vua Trần Thánh Tông, lên ngôi năm 21 tuổi (1279). Ông làm vua 14 năm, đến 35 tuổi thì nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để làm Thái thượng hoàng và sau đó một thời gian Ngài đã quyết định xuất gia để trở thành một nhả tu hành.

Dưới sự dẫn dắt của ông, triều đại nhà Trần là một thời thịnh trị và trở thành một trong những triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là thời kỳ nhà Trần phải đối diện cùng một lúc với vô số thử thách.

Cương vực lãnh thổ vẫn còn nhỏ yếu và liên tiếp bị xâm hại bởi các lân bang. Ảnh hưởng của triều Lý vẫn còn gây nên nhiềunghi ngờ về vai trò của triều đại mới. Đặc biệt đây là giai đoạn chứng kiến sự ra đời và bành trướng khắp thế giới của đế quốc Mông Cổ (1271-1368).

Vó ngựa của quân Mông tung hoành khắp châu Âu và gần như toàn bộ châu Á, tạo nên hình ảnh một đội quân chinh phạt bạo tàn, sở hữu một sức mạnh hủy diệt và không thể kháng cự.

Tuy nhiên, vó ngựa xâm lăng của đế chế Mông Cổ đã bị chặn đứng ở một quốc gia tưởng như nhược tiểu. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông (lần thứ hai vào năm 1285 và lần thứ ba vào cuối năm 1287 đến tháng 4 năm 1288) và giành được thắng lợi quân sự cuối cùng.

Dưới thời của Ngài, tinh thần vệ quốc được phát huy ở mức cao nhất, toàn dân sục sôi chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đội trời chung với địch. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những vị nguyên soái, đại tướng lỗi lạc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão…

Những thắng lợi từ hai cuộc kháng chiến này đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiêu biểu cho các giá trị truyền thống. Đặc biệt, đây chính là những chiến thắng đã khởi đầu cho sự sụp đổ của đế chế Nguyên Mông, giải thoát cho các quốc gia khác khỏi một ách thống trị tàn ác nhất nhì trong lịch sử.

Sau khi lãnh đạo toàn dân khuất phục xâm lược từ phương Bắc, vua Trần Nhân Tông đã bắt tay vào xây dựng đất nước bằng việc khởi xướng tinh thần yêu thương hòa giải. Ngài tâm niệm rằng những người bên cạnh mình là anh em thân thuộc, những người phải lưu lạc và lầm lỗi là những người con xa.

Ngay sau khi về lại Thăng Long, vua đã ra lệnh đốt tất cả những bằng chứng có thể kết tội những người đã từng đồng lõa với giặc. Việc này được sử sách ca ngợi là có tác dụng an dân và định nhân tâm một cách sâu sắc, để rồi trong toàn bộ công cuộc mở rộng bờ cõi và xây dựng nền văn hóa, Ngài đã tụ hội được những người giỏi nhất giúp sức cho đại nghiệp.

Với Trần Nhân Tông, sức mạnh của một dân tộc chủ yếu phải được thể hiện bởi những giá trị tinh thần như lòng nhân ái, tinh thần bác ái và khả năng hóa giải các mâu thuẫn để tạo nên sức mạnh đoàn kết. Nhận thức đó đã giúp Ngài kết hợp những tinh hoa của giáo lý Phật giáo với tư cách là một hệ tư tưởng, một hệ thống giáo dục lớn và những yếu tố căn bản nhất của nền văn hóa vốn có bề dày và được thử thách.

NA-UY - NHỮNG DẤU CHÂN LƯU LẠC

 NA-UY - NHỮNG DẤU CHÂN LƯU 

Phạm Tín An Ninh

(viết cho gia đình và bằng hữu)

 







                    (Quốc Kỳ NaUy) 
Như vậy là tôi sẽ phải rời xa Na-Uy, đất nước đã cưu mang tôi và sẽ còn mãi in đậm những dấu chân tôi trong cả một quãng đời hơn 30 năm lưu lạc?  Cũng như tâm trạng của những ngày tìm cách vượt biên, rời khỏi Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, câu hỏi này đã làm tôi ưu tư trằn trọc nhiều đêm, như sắp phải cắt đi một phần máu thịt ràng buộc với chính sự sống của mình.

     Sau bậc trung học ở Na-Uy, bốn đứa con lần lượt được học bổng sang Mỹ du học từ năm 1990. Có việc làm sau khi tốt nghiệp, nên ba cháu đã chọn ở lại đây lập nghiệp và trở thành công dân Mỹ, mong muốn bảo lãnh cha mẹ, khi về hưu, sang sống với các cháu những năm cuối đời, và với khí hậu ấm áp của vùng biển Cali sẽ làm người già đỡ căn bệnh đau nhức các khớp xương khi mùa đông Bắc Âu mang cái lạnh trở về. Mấy năm nay, sau khi về hưu, chúng tôi cũng chỉ sang Cali ở với các con sáu tháng mùa đông, còn sáu tháng mùa hè về lại với Na-Uy. Vậy mà trong những ngày mùa đông nắng ấm Cali, tôi vẫn da diết nhớ về Na-Uy với cả khung trời ngập đầy tuyết trắng, những hàng cây trước nhà, vào đêm Giáng Sinh, đóng băng, trở thành những cây thủy tinh lung linh dưới ánh đèn đường. Tôi nhớ cả cái không khí yên bình tĩnh mịch và những người bản xứ láng giềng tốt bụng. Nhiều lúc tôi ngồi bất động, thả hồn về Na-Uy, tìm lại từng dấu chân lưu lạc của mình.

     Hơn ba mươi năm trước, khi phải đành lòng bỏ lại quê hương, bao nhiêu người thân và mồ mả cha mẹ ông bà, ra đi trên chiếc thuyền đánh cá mong manh, cũng như rất nhiều người, tôi không hề nghĩ là mình sẽ đến một đất nước xa lạ có tên Na-uy. Cái tên Norway, Norvège, tôi chỉ nhớ loáng thoáng qua phim The Vikings mà tôi đã xem qua lúc còn đi học, và cái giải Nobel Hòa Bình năm 1973 trao lầm cho Kissinger – Lê Đức Thọ, đã từng gây cho tôi cái ác cảm với đất nước xa xăm lạ lẫm này. Đặc biệt, năm 1978, khi đang ở tù ngoài Yên Bái, nhân một ngày lễ lớn của Cộng sản, tổ tù chúng tôi được phát một hộp thịt cá voi. Thấy ngoài hộp thiếc có ghi “Made in Norway”, bọn tôi càng ghét thêm cái tên này, vì nghĩ đó là một quốc gia thân Cộng Sản.

 (Thuyền Viking – biểu tượng NaUy trên các hộp cá voi)

   Chiếc thuyền nhỏ chở theo 52 người, gần một nửa là đàn bà và con nít, ra khơi hai ngày thì gặp bão. Cả bầu trời phủ kín mây đen. Những ngọn sóng bạc đầu từ trên cao phủ xuống, như muốn nuốt chửng con thuyền nhỏ mong manh. Mệnh số 52 con người chỉ còn biết phó thác cho trời nước mênh mông. Bóng tối tử thần bủa vây khắp phía. Con thuyền bây giờ như cánh bướm nhỏ rơi giữa dòng thác lũ, chìm xuống ngoi lên tả tơi, thoi thóp. Chưa khi nào con người lại quá nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên như lúc này đây. Người điều khiển chiếc thuyền là anh bạn tù, một sĩ quan Hải Quân trước 75. Dù từng làm hạm trưởng, giàu kinh nghiệm hải hành, nhưng bây giờ chỉ còn biết cố giữ cho chiếc thuyền không nằm ngang để bị sóng đánh vỡ. Khả năng đó trong lúc này đã là một điều tuyệt vời, nhưng lại quá nhỏ nhoi trước sức mạnh của phong ba. Đám thanh niên thi nhau tát nước tràn vào liên tục có lúc gần ngập cả con thuyền. Chỉ sau một ngày đêm, tất cả đều mệt lã, đuối sức. Mọi người chỉ còn biết nhắm mắt, miệng lâm râm lời cầu nguyện. Bất ngờ có người hét lên và chỉ ra phía trước mặt. Tất cả nhốn nháo nhìn về hướng ấy. Một cái gì to lớn màu đỏ chói chập chờn xuất hiện giữa trùng khơi sóng gió. Mới đầu chỉ thấy mấy cái bồn lớn, tưởng như những cây trụ cao to trong một ngôi chùa vĩ đại, cho mọi người cái cảm giác như đang ở trên một thế giới nào đó, huyễn hoặc, mơ hồ. Khi nhận ra chiếc tàu thật lớn, ai cũng thầm nghĩ là có điều gì màu nhiệm được Thượng Đế gởi đến để cứu vớt chúng tôi trong cơn khốn nguy tuyệt vọng.

(Tàu chở dầu Høegh Grandia cứu vớt chúng tôi trên biển Đông)

   Chiếc tàu mang cái tên với vài mẫu tự rất lạ (Høegh). Có người nghĩ là chữ Nga. Nhưng trong hoàn cảnh này dù là tàu nước nào, cũng phải sống trước đã. Nhưng khi chúng tôi cố gắng cho thuyền đến gần tàu, thì họ lại tránh ra xa. Bao lần như vậy làm chúng tôi thất vọng và thầm oán trách. Nhưng cuối cùng chiếc tàu ngừng hẳn lại, hụ còi làm dấu hiệu cho thuyền chúng tôi chạy đến. Khi chiếc thuyền con cặp vào thành tàu cao chót vót, một số thủy thủ trên tàu thòng những chiếc thang dây và đu mình xuống để bồng những đứa con nít hoặc cõng trên vai những người đàn bà yếu mệt lên tàu. Một số khác, có cả vài người đàn bà, đứng trên thành tàu, đưa tay đón lấy từng người. Chúng tôi đã nhận ra đây phải là những con người từ tâm, đến từ một quốc gia giàu lòng nhân đạo.

    Tôi và anh bạn Hải Quân là hai người cuối cùng lên tàu. Khi nói chuyện với vị thuyền phó, được biết chiếc tàu này thuộc Vương Quốc Na-Uy (Kingdom Of Norway) và đang trên hải trình công tác chở dầu từ Nhật sang Singapore. Và cơn bão chỉ mới bắt đầu. Trận bão chính khuya nay mới tới. Nếu tàu không vớt, chắc chắn chúng tôi không thể nào sống sót qua đêm nay. Ông cũng cho biết sở dĩ ông không cho chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi lại gần khi tàu lớn đang chạy, vì lo ngại thuyền sẽ bị nhận chìm bởi sóng từ chiếc tàu lớn tạo ra, nên ông phải cho tàu dừng hẳn lại trước khi cho chúng tôi cặp vào.

     Chúng tôi đem tặng cho ông thuyền trưởng chiếc hải bàn, nói lời cám ơn và để làm kỷ niệm. Ông đưa hai chúng tôi ra sàn tàu để chứng kiến và từ biệt chiếc thuyền con, khi ông cho nhận chìm bằng cách cho rú mạnh máy tàu. Đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh biệt, lòng chúng tôi thật bùi ngùi, khi nghĩ là chiếc thuyền mong manh ấy đã đưa chúng tôi vượt bao sóng gió, từng chạm mặt với tử thần, nhưng cuối cùng tất cả chúng tôi đã được an bình để tới bến bờ, còn chiếc thuyền thì lại bị nhận chìm vào đáy của đại dương.

     Và cũng kể từ giờ phút ấy, hai tiếng Na-Uy gắn liền với phần đời còn lại của chúng tôi.

     Sau khi tắm rửa xong, đám đàn ông con trai thì được phát cho những bộ quần áo kaki màu vàng của thủy thủ, phụ nữ thì những chiếc áo blue trắng của các cô y tá. Còn đám con nít thì được áo thun đủ màu và quần short. Chúng tôi được đưa xuống các phòng ngủ nghỉ ngơi, và chiều hôm đó được ăn một bữa cơm Tây thịnh soạn.

      Vị thuyền trưởng cho biết là sẽ đưa chúng tôi sang gởi tại trại tị nạn Singapore, và cho mỗi người được gởi ba cái điện tín về ba địa chỉ khác nhau để báo tin cho gia đình. Ông còn cho biết thêm, trước đây chiếc tàu này do ông làm hạm trưởng cũng đã từng cứu vớt bốn chiếc thuyền tỵ nạn từ Việt Nam. Đọc danh sách những thuyền nhân trong bốn chiếc thuyền này, hầu hết phát xuất từ miền Tây, chúng tôi không nhận ra có người quen biết.

     Hai ngày đêm trên tàu với chúng tôi là cả một thiên đường. Mặc dù bên ngoài, cơn bão cấp sáu nhiều lúc làm con tàu lắc lư, nhưng trên tàu chúng tôi cảm thấy thật yên ả hạnh phúc. Chúng tôi được bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc, ăn uống thịnh soạn Đám con nít có quà, bắt đầu đùa giỡn, vui chơi.

     Đêm cuối cùng, ông thuyền trưởng mong muốn có một buổi cơm chung với tất cả thủy thủ trên tàu cùng những người tỵ nạn. Chúng tôi thành lập một tổ nhà bếp. Họ cung cấp mọi thực phẩm theo yêu cầu. Một bữa ăn với thực đơn hoàn toàn Việt Nam. Vừa  thích thú vừa cảm động.

      Sau hơn hai ngày đêm, tàu cặp vào cảng Singapore. Tất cả thủy thủ đoàn đứng thành hai hàng dài từ đài chỉ huy xuống tận cầu tàu, bắt tay và ôm từng người chúng tôi tiễn biệt. Nhiều người đã bật khóc.

     Tôi vừa cảm động vừa đau đớn trong lòng. Cảm động vì phải chia tay những ân nhân của mình, nhưng đau đớn vì nghĩ họ là những người xa lạ, không cùng ngôn ngữ, màu da màu tóc, mà đã cứu vớt, hết lòng yêu thương lo lắng cho chúng tôi, trong lúc những người anh em cùng một nhà lại thẳng tay đàn áp hành hạ đuổi xô chúng tôi đến bước đường cùng, đến nỗi phải đánh đổi cả mạng sống để bỏ nước ra đi. Nếu không có chiếc tàu Na-Uy này cứu vớt, chắc chắn 52 người chúng tôi đã bỏ mình trên biển khơi, cũng giống như hàng trăm ngàn người bất hạnh khác, không một ai hay biết.

(Gia đình vừa mới vào trại Hawkins Road -Singapore)

   Chúng tôi được gởi vào trại tị nạn Hawkins Road, một doanh trại cũ của quân đội Anh tại Singapore.  Tòa đại sứ Na-Uy tại đây đến thăm nom, chăm sóc và gởi hai cô giáo thiện nguyện đến để sinh hoạt và dạy ngôn ngữ Na-Uy. Sau ba tháng, chúng tôi được chuyển sang trại chuyển tiếp Bataan ở Phi Luật Tân. Trại chia ra 9 Vùng. Riêng Vùng I được dành cho những người được tàu Na-uy vớt, và hầu hết sẽ đi định cư tại Na-Uy. Ông Đại sứ Na-Uy tại Phi Luật Tân thường xuyên đến thăm nom giúp đỡ chúng tôi. Có lẽ không có một vị đại sứ nào hiền lành, phúc hậu, và bình dị như ông đại sứ Na-Uy này.  Một toán cô thầy giáo được chọn lọc, từ Na-Uy sang để dạy tiếng Na-Uy cũng như hướng dẫn chúng tôi về lịch sử, địa lý, văn hóa, tập quán và nhiều hiểu biết khác về xã hội và đất nước này. Một số người tỵ nạn được chọn ra, học riêng thêm một số giờ, để làm phụ giảng và thông dịch. Tôi là một trong vài người may mắn được chọn.

                                   (Cô giáo Toril và tôi làm phụ giảng cho bà)

   Vào thời điểm này, trại tị nạn chuyển tiếp Bataan chứa khoảng 10.000 người, nhưng những người được tàu Na-Uy vớt được chăm sóc chu đáo nhất. Bà Thư Ký Tị Nạn và bà Bộ Trưởng Xã Hội Na-Uy cũng thường sang thăm viếng.

(Ông Đại Sứ – bà Bộ Trưởng Xã Hội và bà Giám Đốc Sở Tị Nạn Na Uy đến thăm viếng chúng tôi tại Bataan -Philippine)

   Sau tám tháng, chúng tôi lần lượt được đưa sang định cư chính thức tại Na-Uy.  Gia đình tôi lúc ấy có 10 người, gồm vợ chồng tôi, 6 đứa con và 2 đứa cháu, đến phi trường Fornebu Oslo vào buổi chiều cuối hè. Trời nắng đẹp. Chúng tôi được hai người đàn bà thuộc văn phòng Thư ký Tị nạn và Phòng Xã Hội kommune Skedsmo, địa hạt nơi tôi đến định cư, đón chúng tôi tại khu nhận hành lý của phi trường. Khi bước ra cổng, tôi được một số phóng viên báo chí và đài truyền hình phỏng vấn. Hai người đàn bà mời gia đình chúng tôi đến ăn tại một nhà hàng Tàu. Khi về đến nhà, bất ngờ chúng tôi thấy các phóng viên lúc nãy đang chờ trước cổng. Căn nhà rộng, loại rekkehus (townhouse) hai tầng, có cả sân trước sân sau được trồng hoa và lát cỏ, trang bị đầy đủ nội thất, có cả một TV mới và trong tủ lạnh đầy đủ thức ăn nước uống. Các phóng viên mời chúng tôi vào phòng khách, vừa uống cà phê vừa để họ quay phim, chụp hình và phỏng vấn. Họ hỏi về nhiều đề tài, đặc biệt là chiến tranh Việt Nam và chuyện tù đày, khổ ải của người miền Nam sau ngày VNCH thất thủ vào tay Cộng Sản, cùng cảm tưởng khi đến Na-Uy. Với mớ vốn liếng tiếng Na-Uy và cả tiếng Anh ít ỏi, tôi cố gắng trình bày và chỉ hy vọng họ hiểu được những điều chính yếu mà mình muốn nói. Trước khi từ giả, mọi người đều cảm động ôm lấy chúng tôi cùng với những lời chúc tốt lành cho một đời sống mới. Tôi rất ngạc nhiên, khi bà Trưởng Phòng Tỵ Nạn đưa chúng tôi một xâu chìa khóa, và trao cho chúng tôi tờ giấy chủ quyền ngôi nhà, mà bà cho biết kommune đã đứng ra mượn tiền mua trước, và họ sẽ trả mọi thứ tiền cho đến khi nào chúng tôi đi làm và có khả năng tự trả được. (Vì họ được mượn từ quỹ gia cư của chính phủ nên tiền lời rất thấp)

     Buổi tối, cơm nước xong, cả nhà quây quần trước cái TV. Thằng con trai lớn ra điều mới học được văn minh, bấm tới bấm lui tìm đài. Cả đám bất ngờ nhìn thấy dung nhan của mình trên màn ảnh. Thì ra chương trình phóng sự. Họ đang kể về gia đình chúng tôi: “những công dân mới của Na Uy, mà ông bố đã từng ở tù nhiều năm, giống nhiều người Na Uy bị nhốt trong các trại cải tạo của Đức quốc xã, cái thời Hitler làm mưa làm gió ở Âu Châu, và đã can đảm dắt theo mấy đứa con nhỏ vượt đại dương trên một chiếc thuyền đánh cá mong manh”. Nghe họ ca ngợi mình mà tôi xấu hổ. Dù gì tôi cũng là kẻ bỏ nước tha phương, với họ ít nhiều gì cũng là một cành tầm gởi. Còn chuyện vượt biển, vượt biên, đến bước đường cùng thì ai cũng phải liều mạng thế thôi, chứ có hàng triệu người còn can đảm gấp vạn lần tôi. Nhiều người đi bằng đường bộ, trèo núi, băng rừng, lội suối, bơi sông, qua Cam Bốt, Thái Lan, sống chết với bọn hải tặc, để vài năm sau mới đến được Singapore. Và dĩ nhiên đã có biết bao nhiêu người chẳng bao giờ tới bến.
     Khi cả nhà ngủ vùi sau hai ngày di chuyển mệt nhọc (từ trại Bataan đến Manila và từ Manila đến Na-Uy), tôi một mình xuống ngồi ở phòng khách, suy nghĩ thật nhiều về những tháng ngày sắp tới, ưu tư cho chính bản thân mình và nhất là đám con nhỏ dại, sẽ lớn lên và chấp nhận xứ sở xa lạ này như một quê hương mới. Nước mắt tôi bỗng trào ra khi nghĩ đến quê nhà, hồi tưởng một quá khứ có quá nhiều biến đổi thăng trầm và mất mát, dù đã xa khuất sau lưng, nhưng chắc chắn mãi mãi không thể nào mờ nhạt. Tôi cũng nghĩ tới thân phận của những người bạn tù còn ở lại,rồi cuộc đời sẽ không biết ra sao. Thầm cầu mong cho họ sẽ gặp được nhiều may mắn.

(Ngày mới đến thị xã Skjetten – thuộc Kommune Skedsmo -NaUy)

     Hôm nay, cả gia đình tôi đang ở trên một đất nước tận vùng Bắc Âu xa lạ để gầy dựng lại cuộc đời.  Các đứa con thơ dại sẽ lớn lên ở đây. Tất cả sẽ bắt đầu học ngôn ngữ mới, tập quán mới. Tôi thực sự đã mất quê hương. Tất cả, nếu có còn chỉ nằm sâu một nơi nào trong tâm tưởng. Nhưng chúng tôi may mắn được đất nước này mở rộng vòng tay, để được nhận nơi đây làm quê hương mới. Cái diễm phúc ấy hy vọng sẽ xoa dịu vết thương còn đang đau đớn trong lòng, mà tôi biết sẽ mãi mãi không bao giờ lành được.

      Sáng hôm sau, bà trưởng phòng tị nạn trở lại thăm chúng tôi, dắt theo hai người đàn bà khác, mà bà giới thiệu là đến từ phòng giáo dục và phòng xã hội Thị Xã. Hai người sẽ đến thăm gia đình tôi thường xuyên trong hai tuần, để lo việc học hành cho các con, đưa chúng tôi đi khám bệnh, làm răng và sắm sửa thêm những gia dụng theo nhu cầu. Bà đưa tôi đến một ngân hàng gần nhà, mở cho tôi một trương mục, bỏ vào đó tiền ăn và mọi khoản chi tiêu dành cho gia đình chúng tôi trong hai tháng đầu. Sau đó, bà sẽ gởi tiếp, nhưng bà dặn bất cứ khi nào cần cứ ra rút tiền. Và nếu tiền hết vì bà chưa kịp gởi vào, ngân hàng này sẽ phải ứng trước theo giao ước của bà.

     Thêm một điều rất may mắn cho tôi. Thời gian ở trại tị nạn, tôi đã được các thầy cô giáo dạy riêng thêm ngôn ngữ Na-Uy để giúp làm phụ giảng và thông dịch, nên khi sang Na-Uy tôi đã có một ít vốn liếng tiếng Na-Uy, dù chưa thông thạo lắm. Ngày đầu tiên khi chúng tôi cùng một số gia đình tỵ nạn khác được bà Trưởng Phòng Tỵ Nạn  đưa đến Phòng Cảnh Sát Ngoại Kiều Thị Xã để được phỏng vấn làm thủ tục di trú. Vào giờ chót người thông dịch không đến được, nên tôi đã tình nguyện đứng ra giúp. Không ngờ đó lại là một cơ hội cho tôi sau này. Tôi được giới thiệu theo học khóa “Ngôn ngữ Mùa Hè” tại Đại Học Oslo. Sau đó được làm thông dịch cho Văn Phòng Xã Hội và Phòng Cảnh Sát, và được gởi theo học một khóa tài chánh kế toán trong 13 tháng, mà đa số học viên là những công chức hoặc nhân viên của các phòng sở, công ty gởi đến. Biết thân phận là người tị nạn, nên tôi cố gắng hết sức để theo kịp, nên khi mãn khóa nhận được chứng chỉ với số điểm ưu hạng.

   Khi cả nhà đang hái dâu ở vùng Drammen, vừa tiêu khiển vừa kiếm thêm tiền gởi vể Việt Nam giúp cha mẹ vợ, bà cô, cùng một số bạn tù ngày trước, tôi nhận được thư của kommune thu nhận tôi làm việc tại Kommune Kasseren (Phòng Tài Chánh Thị Xã) trong một năm. Công việc thật nhàn nhã, nên tôi được phép đi làm thông dịch thêm theo yêu cầu của các cơ quan khác và được nhận thêm tiền trả riêng. Đặc biệt việc di chuyển đều được dùng Taxi do cơ quan ấy đài thọ. Có những ngày chẳng có việc gì làm, tôi lại ngồi đọc sách để học thêm ngôn ngữ mới. Sau một năm, tôi nộp đơn xin theo học và làm trong ngành Ngân hàng Bưu Điện (Postbanken) cho đến ngày về hưu.

(Ba đồng nghiệp thân thiết nhất tại Postbanken – Anita – Reidun và Guldhaug)

     Đến Na-Uy tôi mới biết đây là một Vương quốc có dân số chỉ hơn bốn triệu rưởi, nhưng đời sống khá cao và giàu lòng nhân đạo. Gia đình tôi được chăm lo đủ thứ. Tiền phụ cấp hằng tháng quá đầy đủ. Với chúng tôi có thể nói là thừa thãi. Ngay sau khi học xong, tôi được việc làm. Khi đi học vẫn được nhận đủ lương lại còn thêm phụ cấp. Vơ tôi được đi học thêm ngôn ngữ tại một trường trung học dành cho người lớn và sau đó học nghề tại trung tấm huấn nghệ dành cho người tị nạn, và ngay sau khi học xong cũng nhận được việc làm chuyên môn về điện tử tại Siemens, một công ty lớn của Đức. Lương bổng hằng tháng của hai vợ chồng cộng lại chỉ hơn một nửa số tiền trợ cấp trước kia. Phòng Xã Hội có nhã ý giúp chúng tôi thêm vì có đông con, nhưng chúng tôi từ chối vì thấy đã đủ trả mọi chi phí cho đời sống gia đình. Điều thú vị hơn, đất nước này gồm rừng núi, sông hồ thơ mộng và quanh năm tĩnh mịch, thích hợp với những người cần sự yên tĩnh để chữa nhiều vết thương trong lòng còn đang đau đớn như tôi.

      Mùa đông đầu tiên, khi tuyết bắt đầu rơi trắng bầu trời, chúng tôi được cấp áo quần, dụng cụ trượt tuyết, và có người đến dạy các con tôi trượt tuyết. Sau một năm, trong một kỳ thi dành cho tuổi thiếu niên, cậu con trai út của tôi được lãnh cúp hạng nhất, trở thành cậu bé trượt tuyết có tiếng trong vùng. Sau đó, chúng tôi còn được biết thêm, Nauy là quốc gia thường chiếm nhiều huy chương vàng nhất tại các Thế Vận Hội Mùa Đông.

(Huy Vinh trượt tuyết giỏi nhất giải thiếu nhi và em gái Ngọc Quỳnh)

      Định cư được hơn ba năm. Lúc kinh tế gia đình và việc học hành của mấy đứa con tạm ổn định, hơn nữa các con đã lớn cần một ngôi nhà rộng rãi có đủ phòng ốc hơn, chúng tôi quyết định mua một ngôi nhà lớn nằm dưới thung lũng nhỏ Harabakken, bên bờ sông Nitelva yên tĩnh, bên kia sông là cánh đồng cỏ mênh mông tiếp giáp với núi rừng. Cái khung cảnh có mang một chút hình dáng và màu sắc quê nhà giúp tâm hồn tôi yên ả hơn mỗi khi thấy lòng trăn trở, nhung nhớ một điều gì. Những lúc buồn, tôi ngồi hằng giờ trong bao lơn nhìn ra cánh đồng và rừng núi phía xa xa, để ngỡ là quê hương mình như đang ở phía bên kia triền núi đó. Và cũng chính nơi đây, tôi đã bắt đầu tập tễnh cầm bút viết lại cuộc đời mình, thế hệ mình, cuộc chiến bất hạnh và cuộc tang thương dâu biển mà cả miền Nam Việt Nam đã trải qua.

     Ở đất nước bé nhỏ này và với số người Việt tị nạn khi ấy khoảng 10.000 người, nhưng có một số nhà văn, nhà thơ tiếng tăm: Nguyễn Thị Vinh, Dương Kiền, Hoài Mỹ, Nguyễn Hữu Nhật, Tâm Thanh, Khánh Hà, Cung Vĩnh Viễn, Nguyễn Văn Thà…

      Bán ngôi nhà cũ của kommune mua giúp lúc ban đầu mới đến, chúng tôi may mắn lời được một khoản tiền đủ để trả hơn một nửa số tiền mua ngôi nhà mới. Ngôi nhà này nằm ở một kommune khác. Khi vừa dọn về nhà mới được hai tuần, tôi nhận được một Ngân Phiếu Trả Tiền ( Utbetalingskort) gởi từ Phòng Xã Hội của kommune cũ, cấp cho tôi một số tiền gần bằng 10 tháng lương của tôi lúc ấy. Tôi ngạc nhiên, vì số tiền khá lớn nên nghĩ là có điều gì nhầm lẫn. Cầm tấm Ngân Phiếu Trả Tiền, tôi đến gặp ông Trưởng Phòng Xã Hội. Ông cho biết đó là món tiền mà Sở Tị Nạn cấp để lo cho gia đình tôi, nhưng kommune không chi tiêu hết cho chúng tôi, vì con đông nên không đủ phòng ốc và đồ dùng ở ngôi nhà cũ, hơn nữa chúng tôi đã đi làm quá sớm sau khi đến Na-Uy, nên ông quyết định gởi cho chúng tôi để sắm sửa cho ngôi nhà mới. Đã vậy ông còn xin lỗi, vì đã không lo lắng đủ cho chúng tôi trong thời gian mới tới. Tôi bắt tay ông từ giã mà trong lòng cảm thấy ngậm ngùi, khi nghĩ là ở trên quê hương mình bây giờ biết tìm đâu ra những công chức chính quyền thanh liêm và giàu tấm lòng như thế?

(Ngôi nhà mới dưới thung lũng Harabakken-NaUy)

     Trong thung lũng nhỏ này chỉ có bốn ngôi nhà. Ngoài gia đình tôi, một gia đình người bản xứ, còn có gia đình người Thụy Điển và một gia đình người Đức. Tất cả những người láng giềng này rất tốt bụng, sau này đều trở thành những người bạn thân thiết của gia đình tôi.

    Gần 30 năm làm việc, tôi may mắn được sắp xếp làm ở những chi nhánh rất gần nhà. Được hưởng bậc lương tính theo thâm niên từ khi bắt đầu làm việc tại Việt Nam. Hầu hết những đồng nghiệp người bản xứ đều luôn thân tình, giúp đỡ. Điều làm tôi cảm phục hơn là sự thành thật và tin tưởng lẫn nhau của họ. Công việc mỗi ngày liên quan tới tiền bạc. Có thời gian mấy năm tôi được giao cho trách nhiệm thủ quỹ. Vào những ngày trước Giáng Sinh hay thời điểm trả thuế, số tiền trong tủ sắt lên đến nhiều chục triệu kroner. Mới đầu, tôi rất ngạc nhiên, khi giao một số tiền lớn cho mỗi kasse (quày), mà họ chẳng bao giờ kiểm lại. Có khi, một vài cô cậu sinh viên làm thêm vào các ngày thứ bảy, hay ngày lễ, làm mất đến mấy chục ngàn, họ vẫn không bị la rầy hay đuổi việc. Chúng tôi được học và dặn dò, nếu có cướp (cho dù biết vũ khí là đồ giả), hãy luôn làm theo yêu cầu của kẻ cướp, đừng bao giờ có ý chống lại. Nhưng điều này chưa hề xảy ra. Họ rất quý sinh mạng con người. Không phải như dưới chế độ Cộng Sản trên quê tôi, sính mạng con người chẳng khác gì cỏ rác!

(Giáng sinh trước khi ba cháu lớn đi du học Mỹ)

    Trong gần 30 năm làm việc, tôi chưa hề thấy những ông “sếp” nặng lời với bất cứ một nhân viên nào cho dù khi họ làm sai, thất thoát ít nhiều tiền bạc. Chỉ cần viết một đôi dòng giải thích là đủ. Ngược lại, đôi lần, trong các buổi họp, tôi thấy một vài nhân viên lại khiển trách “sếp” chỉ vì một đôi điều không được hài lòng. Phải nói, đây là một quốc gia có tinh thần dân chủ cao độ. Tôi nhớ mãi chuyện vợ chồng ông chủ tịch quốc hội bị nhân viên quan thuế phi trường Oslo chặn lại và buộc nộp tiền phạt khi hai ông bà đi công cán ở nước ngoài về, và bà vợ mang trên tay một chiếc nhẫn hột xoàn quên khai báo. Một bà bộ trưởng quốc phòng, mặc bộ quân phục khi đến thăm binh sĩ Na-Uy đang tham gia chiến trường khói lửa A Phú Hãn, bị nhiều quân nhân phê phán, bảo bà không phải là quân nhân, nên không có quyền mặc quân phục. Bà đã phải lên truyền hình chính thức xin lỗi. Tôi nghĩ chẳng có quốc gia nào dân chủ hơn . Điều này làm tôi rất hãnh diện để được trở thành công dân của đất nước này. Và biết đến khi nào mới có được trên quê tôi?

      Sau bậc trung học, bốn đứa con của chúng tôi muốn sang Mỹ du học. Khi được một đại học ở Mỹ chấp nhận, tất cả đều được chính phủ Na-Uy cấp học bổng đủ để trả học phí, tiền bảo hiểm và di chuyển, đến bậc Cao Học.Vợ tôi làm công nhân cho một công ty điện tử. Có lẽ vì nhiều năm chỉ làm một động tác, nên vai cánh tay phải bị đau nhức. Bác sĩ xí nghiệp cho nghỉ một năm có lương để điều trị và sau đó được một hội đồng giám định y khoa quyết định cho nghỉ vĩnh viễn với hưu bệnh. Lại được công ty bảo hiểm của xí nghịệp bồi thường một số tiền sai biệt so với lợi tức hằng tháng trước đó.

(Cháu trưởng nam Phạm Hoàng Minh và cháu gái út Phạm Ngọc Quỳnh sau khi tốt nghiệp Đại học)

    Bây giờ, tuổi đã già, nhìn lại quá khứ thăng trầm khốn khó, nhớ lại từng bước chân lưu lạc, lòng tôi bùi ngùi xúc động. Quê hương vẫn còn mịt mờ xa, khốn đốn trong bàn tay cai trị của bọn người CS không còn nhân tính. Mai này, tôi cũng sẽ gởi lại trên quê hương thứ hai này nắm xương tàn, hướng đầu về cố quốc mà tạ tội cùng núi sông tiên tổ.

(Các cháu trai – gái đã trưởng thành và có gia đình riêng)

      Những đứa cháu nội, ngoại của chúng tôi sinh ra và lớn lên ở Na-Uy, dù không có một kỷ niệm nhỏ nhoi nào với Việt Nam. nhưng vẫn mãi có những ràng buộc máu thịt, bởi cha ông là người Việt. Dù nói được tiếng Việt, nhưng các cháu không thể thấy gần gũi với quê cha đất tổ. Nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng khi nghĩ rồi các thế hệ sau này càng lúc càng xa dần nguồn cội. Nhưng tôi cũng tự an ủi mình, vì các cháu lớn lên, nhận đất nước này là quê hương, sẽ cố gắng chăm chỉ học hành để vừa đóng góp phần trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, vừa trả cái ơn cưu mang từ những ngày đầu thời ông bà cha mẹ lưu lạc đến đây. Quan trọng hơn, sẽ học tấm gương những người Do Thái, nối tiếp công việc dang dở của cha ông, góp sức đấu tranh cho no ấm tự do trên quê hương tiên tổ.

(3 cháu nội nhỏ nhất trong ngày Quốc Khánh NaUy 17-5)

      Xin cám ơn Na-Uy, đất nước xa xôi, lạnh lẽo, nhưng rất nồng ấm tình người. Nơi in đậm mãi những dấu chân lưu lạc của tôi và cả gia đình. Đã cho chúng tôi, nhất là các con cháu tôi, một tương lai tốt đẹp như hôm nay, mà nếu còn ở lại trong nước sẽ phải khốn cùng dưới chế độ phân biệt đối xử của chính quyền Cộng Sản. Xin cám ơn Na-Uy, nơi mà tất cả những người Việt tỵ nạn đến đây sung sướng và hãnh diện để được nhận là quê hương thứ hai của mình sau ngày phải đành lòng bỏ nước ra đi.

Một ngày buồn cuối tháng 4sau đúng 38 năm lưu lạc.