Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

NGUYÊN TẮC Y DÀI HAY I NGẮN TRONG TIẾNG VIỆT

QUY TẮC Y  DÀI VÀ I NGẮN TRONG TIẾNG VIỆT


Y & I

Khởi đầu từ một tình cờ lịch sử khi Alexandre de Rhodes đến Việt Nam truyền đạo Thiên Chúa, ngôn ngữ Việt Nam thoát khỏi văn hóa chữ Nho (Hán tự) và chữ Nôm, bước sang kỷ nguyên mới kể từ đầu thế kỷ 20. Trong suốt 500 năm từ tình trạng phôi thai, theo bước đi của từng thế hệ và từng thời kỳ lịch sử, chữ Việt và tiếng Việt ngày nay đã là một trong những ngôn ngữ hoàn chỉnh trong lịch sử văn minh nhân loại. Người Nhật và người Nam Triều Tiên cũng từ hàng trăm năm cố công thoát ly ảnh hưởng và phụ thuộc chữ Hán nhưng đã không làm được.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người Việt chúng ta đã bằng lòng với thành tựu đó. Cả trăm năm nay vẫn có những người bằng sáng kiến, nhận định của mình đã đưa ra những đổi mới, “điều chỉnh” cách viết chữ Việt. Có thể kể từ thế kỷ 19 với học giả Huỳnh Tịnh Của (1734 – 1907) khi ông hoán đổi (y thành i) qua cách viết tên mình (Huỳnh thành Huình). Tiếp đến là Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Ngu Ý - 1921 - 1979) nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, thế kỷ 20.  

Từ hai nhân sĩ này, hai mẫu tự I và Y đã trở thành “chuyện dài Y dài I ngắn,” thỉnh thoảng được nhắc đi nhắc lại suốt cả trăm năm nay...  
Trước khi tham gia ý kiến câu chuyện dài “Y dài I ngắn”, người viết xin được ôn lại bài học vỡ lòng từ thời mới biết đánh vần chữ Việt a b c…  
Trong chúng ta, ai cũng biết chữ Việt ngày nay xuất xứ từ chữ La tinh do khởi xướng và ghép đặt của giáo sĩ Thiên Chúa giáo Francisco de Pina (1585-1625), tiếp theo là công trình hệ thống hóa của giáo sĩ Alexandre de Rhodes với mục đích để truyền đạo. Chữ Việt hình thành từ một tình cờ lịch sử như thế nên không ít người cho rằng chẳng có ai có công mà cũng chẳng có ai có tội.  
Và chúng ta ai cũng biết chữ La tinh có các mẫu tự sau đây:  
a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z  
Trong đó có 5 Nguyên âm là a e i o u y.  
Khi các nhà ngôn ngữ học (F. de Pina và A. de Rhodes) đầu tiên lấy chữ La tinh sáng chế ra tiếng Việt thì họ đã thêm và bớt một số chữ cái (cả nguyên âm và phụ âm).  
Tiếng Việt từ đầu gồm có 23 chữ cái:  
a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y, trong đó có 6 nguyên âm: a e i o u y.  
Để đáp ứng thanh âm đa dạng trong tiếng Việt, các nguyên âm a e o u biến thể thêm các nguyên âm:  a > ă, â; e > ê; o > ô, ơ; u > ư.  
Từ các nguyên âm đơn, để thích ứng với thanh âm phong phú trong tiếng Việt, chúng ta có các cặp nguyên âm kép như sau:  
 ai ao au ay âu ây ; eo, êu ; ia, iê, iu ; oa, oe, oi ôi, ơi, ơu; ua, uê, ui , uơ, uy , uyê ; ưa, ưi, ưu, ươ ; yê.  
Đây là những cặp thanh âm kép bất khả phân ly để đi với các phụ âm tạo từ ghép chữ.  
Trước khi bàn tiếp, tưởng cũng nên nhắc lại định nghĩa nguyên âm (vowel) là gì và phụ âm (consonant) là gì? Trong quyển “Đại Từ điển Tiếng Việt” (NXB Văn Hóa Thông tin, 1998, tr.1217) định nghĩa: Nguyên âm là “âm mà khi phát âm, luồng hơi từ phổi ra không gặp phải trở ngại, phân biệt với phụ âm.”  
Chúng tôi thấy rằng ở đây là một giải thích về hiện tượng (chưa chắc đã đúng) chứ không phải là một định nghĩa và khi người ta thử nghiệm phát âm chữ a (nguyên âm) và chữ k (phụ âm) thì cả hai phát âm, “luồng hơi từ phổi ra” đều không “gặp trở ngại” gì cả.  
Theo chúng tôi, một định nghĩa về nguyên âm và phụ âm có thể chấp nhận được, theo đó: Nguyên âm là một chữ cái có thể đứng một mình, để xướng lên một từ trọn nghĩa mà không cần ghép với một chữ cái nào khác.  Ví dụ: a dua, o bế, ê chề, y phục chứ ta không thể viết lập l (lập lờ), con d (con dê), ca h (ca hát) v.v...  
Ngược lại, Phụ âm là một chữ được dùng để đi kèm với những nguyên âm và phụ âm khác để cấu tạo thành một từ, một chữ.  
Thí dụ: lập lờ, con dê, o bế, ca hát v..v...  
Từ những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy rằng Y (dài) và I (ngắn) có một quy tắc nhất định trong tiếng Việt. Ngay cả trong Anh ngữ cũng có một nhận định chung quyết, theo đó chữ Y có thể được xem vừa là một nguyên âm vừa là một phụ âm(The letter Y can be regarded as both a vowel and a consonant).  
Và qua tham chiếu của tác giả Thanh Thanh (*), câu trả lời Y chỉ là một từ thường được dùng cho cả nguyên âm và phụ âm trong Anh ngữ (The answer to the question is that Y is the only letter commonly used as both vowel and consonant in English).  
Tham chiếu này còn ghi thêm: Chữ cái Y đứng trong “yoke” là phụ âm, nhưng chữ Y trong “myth” là nguyên âm (The letter Y stands for a consonant in "yoke" but for a vowel in "myth").  
Đối chiếu với kết luận trên đây về Y và I trong Anh ngữ thì trong Việt ngữ, Y được coi là phụ âm trong các từ yểm (trợ), (yên) ổn, yêu thương, yết kiến…  Tuy nhiên, đúng ra yê lại là một nguyên âm cặp đi với các phụ âm m, n, u, t để tạo chữ yểm, yên, yêu, yết. Vậy có thể kết luận Y và I là hai nguyên âm tuyệt đối trong Việt ngữ.  
Các nhà ngôn ngữ học đầu tiên kiến tạo bộ chữ Việt bằng mẫu tự La tinh đã rất chú trọng đến những âm cặp khi biên soạn bài học vỡ lòng đánh vần chữ Việt, bắt buộc học thuộc lòng 23 chữ cái:  
a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y; Và a ă â e ê i o ô ơ u ư.  
cùng các vần ghép (nguyên âm kép):  
ai ao au ay, ây, eo êu, iu, oi, ôi ơi, ơu, ui, uy, ưu, Và với các phụ âm: ac, ăc âc, am ăm âm, an, ăn ân, ap ăp âp, at ăt ât, v.v...  
- Ghép vần chữ B: Ba bă bâ be bê bi bo bô bơ bu bư.  
- Đến vần chữ C thì ca că câ > ke kê ki > co cô cơ cu cư; kha khă khâ khe khê khi kho khô khơ khu khư  
- Vần chữ G thì ga gă gâ > ghe ghê ghi > go gô gơ gu gư.  
Trong các cặp nguyên âm kép dẫn đầu bài, hai cặp ui và uy ngay từ đầu đã có chỗ đứng riêng rẽ, độc lập của nó, i (ngắn) không thể thay cho y (dài) và ngược lại. U+I đọc là ui và U+Y đọc uy. Căn bản của nguyên-âm-cặp này hai chữ cái là một, là ui và uy, chỉ cần ghép với các phụ âm khác là có thể tạo thành những từ vựng, ví dụ: lui cui, thui thủi, túy lúy, quỵ lụy.... uy tín, hiu hắt, huy hoàng, biên thùy, thâm thúy, quý vị v.v...  
Các nguyên âm cặp:  
Uy+phụ âm > huynh, quỳnh, huỳnh, huỵch (toẹt)...
Uyê + phụ âm > uyên, huyên, quyết
Uya + phụ âm > khuya, phẹc-ma-tuya (zipper)  
Uya, uây, uyê, iêu, oai, uôi, ươi, ươu là những nguyên âm cặp bất khả phân ly, nó như là một nguyên âm đơn, đi theo các phụ âm tạo thành từ ngữ: khuây nguôi, trái khuấy, quây quần, quan liêu, khoái lạc, xuôi dòng, tươi tốt, hươu nai v.v...  
I (ngắn) hay Y (dài) khi đứng cuối chữ:  
I và Y là nguyên âm nên khi nó đứng cuối chữ thì y (dài) hay i (ngắn) đều có thể chấp nhận. Người ta khi đọc thấy các chữ lí luận, kĩ thuật, nước Mĩ, Hoa Kì…  khác với lối viết “truyền thống” lý luận, kỹ thuật, nước Mỹ, Hoa Kỳ thì vội cho là chữ y (dài) đã bị thay thế bởi chữ i (ngắn). Thật ra, y hay i trong trường hợp này đều có cùng giá trị, chỉ khác là do cảm quan của người đọc không quen với cách dùng i hoặc y ở cuối chữ mà thôi.  
Về phương diện mỹ quan và thói quen, viết Y (dài) trong các từ địa lý, kỹ thuật, Hoa Kỳ, kỷ niệm, Ký tên... theo tôi thì nên giữ cách viết “truyền thống” này thay vì dùng i (ngắn). Có những chữ y (dài) và i (ngắn) đã có vị trí cố định, chẳng hạn những chữ sau đây chưa hề thấy hoán vị giữa y và i : thí dụ, bí thư, hoan hỉ, suy nghĩ, sinh khí, nhà in, y phục , y tế, ý niệm…  chứ chưa có chữ viết: thý dụ, bý thư, suy nghỹ, sinh khý, nhà yn, i phục, i tế, í niệm v.v..  
Trong câu dân ca:  
Yêu nhau cởi áo... í.. a cho nhau  
Về nhà mẹ hỏi qua cầu... í.. a gió bay.  
chưa thấy ai viết ý... a thay cho í... a. Và Ký tên luôn luôn là... ký tên, không ai viết Kí tên.  
Trong các trường hợp khác, Y và I đã có phần vụ (function) riêng của nó nên bất khả hoán vị, không thể lấy i thay cho y như trường hợp học giả Huình Tịnh Của và nhà thơ Nguiễn Ngu Í
Theo chúng tôi thì hai nhân sĩ này khi dùng chữ I viết tên mình chỉ là một cách chơi chữ, nếu không muốn nói là lập dị, chứ không có chủ đích đề xướng một khuynh hướng. Vì vậy đã mấy trăm năm chưa có một Nguiễn Thuiến (Nguyễn Thuyến) hay một Nguiễn thị Bạch Tuiết (Tuyết) nào khác.  
Sau khi tìm hiểu và truy nguyên, chúng tôi mạnh dạn phổ biến biên khảo ngắn này. Mong được sự góp ý và bổ khuyết của các bậc thức giả.   
Song Nhị  
Trần Văn Giang (ghi lại)  

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

BỆNH TẬT CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC THIÊN TÀI

BỆNH TẬT CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC THIÊN TÀI

Nguồn: FB Hoaphuong Nguyen

Chào các bạn,
Hôm nay, tôi xin được chia sẻ với các bạn những nhân tài trên thế giới bị dị tật bẩm sinh, mặc dù thuở nhỏ họ đã không được bình thường như những người khác nhưng nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh cũng như sự giúp đỡ của cộng đồng mà chúng ta có được sự trả ơn của họ. Nếu bị hạn chế ở học đường thì chúng ta đã mất đi những nhân tài xuất chúng này.
Sau đây là một số bệnh tật của các nhà khoa học thiên tài:
Dù mang trong mình những bệnh tật khác nhau, các nhà khoa học đã làm cuộc sống của họ trở nên có ý nghĩa và khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ với những phát minh làm thay đổi lịch sử nhân loại.
Albert Einstein (14/3/1879 - 18/4/1955) là nhà vật lý lý thuyết người Đức. Ông được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 nhưng ít ai biết trước khi có thành tựu như vậy,
Einstein đã trải qua quãng thời thơ ấu khó khăn. Khi 3 tuổi, Einstein chưa biết nói và không thể đọc được cho đến khi lên 8. Nhiều người nói ông không có khả năng học tập vì có thể ông đã mắc hội chứng thuộc một dạng của bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, năm 1921, ông đã nhận giải Nobel Vật lý vì những cống hiến đối với vật lý lý thuyết và đặc biệt cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện. Việc khám phá và giải thích định luật quang điện cùng với các đóng góp của những nhà vật lý khác đã khai sinh ra lý thuyết lượng tử, một trụ cột của ngành vật lý học.
Thomas Alva Edison (11/2/1847 -18/10/1931) là nhà phát minh vĩ đại với hơn 1.000 bằng sách chế và nhiều phát minh trong số đó đã được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như máy ghi âm, bóng đèn điện, máy hát, tàu điện, máy quay phim...
Edison không thể đọc được cho đến khi 12 tuổi và sau đó còn bị điếc. Khả năng viết của ông cũng rất kém. Hồi nhỏ, ông thường đi học muộn vì ốm yếu.
Stephen Hawking sinh ngày 8/1/1942 tại Anh là một trong những nhà vật lý thiên văn lớn nhất thời hiện đại. Năm 21 tuổi, ông bị mắc một chứng bệnh về thần kinh tên là Lou Gehrig. Căn bệnh này khiến ông gần như mất hết khả năng cử động, luôn phải gắn chặt vào xe lăn. Ngoài ra, sau lần phẫu thuật cắt khí quản, ông chỉ có thể nói được nhờ một thiết bị phát âm gắn với một máy tính được ông gõ chữ vào đó. Nhưng căn bệnh trên không thể cản trở sự nghiệp nghiên cứu khoa học miệt mài của Hawking. Hiện ông có thể sử dụng má của mình để nhập dữ liệu vào một máy tính kết nối đến não, qua đó xây dựng các câu nói hoàn chỉnh, thậm chí là những bài diễn văn.
Newton luôn chịu thiệt thòi vì mắc nhiều bệnh tật. Ông không chỉ bị mắc bệnh viêm khớp mà còn được cho là mắc đủ chứng bệnh về tâm thần.
Charles Darwin (12/2/1809 - 19/4/1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh. Ông là người đã phát hiện và chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên.
Tuy nhiên, cha đẻ của Thuyết tiến hóa thường gặp phải các triệu chứng như run rẩy, buồn nôn, khóc, ảo giác. Theo các chuyên gia có thể ông mắc chứng sợ khoảng rộng có tên Agoraphobia nên ông ít khi nói chuyện với người xung quanh, ngay cả với người thân.
Kurt Godel (28/4/1906 - 14/1/1978) là một nhà toán học và logic học nổi tiếng người Áo. Ông từng được tờ tạp chí danh tiếng Times bình chọn là nhà toán học lớn nhất thế kỷ 20.
Nhìn bên ngoài, Godel không có vẻ gì là bị mắc bệnh tâm thần nhưng ông lại có ảo giác bị người khác đầu độc. Ảo giác này khiến ông chỉ có thể tin tưởng thức ăn do vợ nấu. Vì vậy, khi vợ nhập viện, Godel chỉ đơn giản là không ăn gì cả và đã chết vì suy nhược.
Ngoài ra còn có 6 thiên tài mắc hội chứng Asperger đã góp phần thay đổi thế giới.
Asperger là một dạng rối loạn tự kỷ ảnh hưởng đến thế giới quan và kỹ năng giao tiếp của người bệnh. Đây được coi là hội chứng của những thiên tài bởi nhiều tài năng xuất chúng trong lịch sử thế giới như Isaac Newton, Wolfgang Mozart, Ϲharles Darwin… đều mắc phải căn bệnh hiếm gặp này.
Tổng quan về hội chứng Asperger:
Hội chứng Asperger là một bệnh sinh học thần kinh được nhà bác học người Áo Hans Asperger phát hiện vào năm 1944 sau quá trình dài nghiên cứu về những người trẻ tuổi thông minh, ngôn ngữ phát triển bình thường nhưng mắc phải một dạng tự kỷ nhẹ dẫn đến khả năng tương tác xã hội hạn chế.
Những người bị bệnh Asperger thường biểu hiện nhiều dạng rối loạn thần kinh như thích sống đơn độc, giao tiếp kém và có tính cách hay thói quen kỳ lạ. Tuy thường xuyên lo lắng hoặc ám ảnh mạnh mẽ về các chủ đề mà bản thân quan tâm nhưng họ lại khá thờ ơ, vô tâm với những diễn biến thường nhật xung quanh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải nghĩa lời nói phức tạp hoặc diễn đạt ý kiến cá nhân ở từng ngữ cảnh cụ thể một cách vụng về.
Theo nhiều nghiên cứu, vị giác, khứu giác của những người mắc hội chứng Asperger khá nhạy cảm. Do đó, họ thường dễ bị âm thanh, ánh sáng kích động. Vì có cảm nhận khác biệt về thế giới xung quanh nên họ cư xử có phần quái dị, kỳ quặc. Thế nhưng điều này bắt nguồn từ cấu tạo bẩm sinh khác biệt của hệ thần kinh chứ không phải bởi sự khiếm nhã, bất lịch sự.
Một số triệu chứng của người mắc bệnh Asperger:
- Nói năng như “người máy” hoặc lặp đi lặp lại
- Thiếu tương tác bằng mắt khi giao tiếp
- Gặp khó khăn trong giao tiếp phi ngôn ngữ (cử chỉ, tư thế, biểu cảm gương mặt…)
- Có xu hướng thích nói chuyện một mình hơn trò chuyện cùng người khác
- Nắm bắt các vấn đề cảm xúc/xã hội kém cũng như không có khả năng hiểu được các cụm từ mang nghĩa bóng
- Cử động vụng về hoặc kiểu cách
- Ám ảnh một vài chủ đề cụ thể
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sở hữu trí thông minh vượt trội. Một số người trở thành thiên tài trong một hoặc nhiều lĩnh vực.
6 thiên tài mắc hội chứng Asperger đã góp phần thay đổi thế giới đó là:
1. Michelangelo (1475 – 1564)
Được mệnh danh là “gã khổng lồ” của nền nghệ thuật thời Phục hưng, Michelangelo là một trong những họa sĩ, nhà thơ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc xuất sắc nhất trong lịch sử nước Ý. Trong suốt cuộc đời, bậc thầy hội họa này chọn cách sống cô độc, khép kín. Vốn là người cầu toàn, ông bị ám ảnh sâu sắc bởi thế giới độc đáo trong các kiệt tác của bản thân. Dưới con mắt người đương thời, Michelangelo là một người nghệ sĩ nóng nảy, khó tính và thường phản ứng mạnh mẽ trước sự chê bai, công kích từ người khác. Người ta còn đồn rằng lúc sinh thời, ông rất ghét tắm gội cũng như luôn tự hào về lối sống khiêm tốn của mình.
2. Isaac Newton (1643 – 1727)
Là người khám phá định luật vạn vật hấp dẫn, nguyên lý bảo toàn động lượng, chứng minh nhị thức Newton tổng quát, phát triển phép tính tích phân – vi phân và phát hiện sự tán sắc ánh sáng, Isaac Newton được Hội đồng Hoàng gia Luân Đôn đánh giá là nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới hơn cả Albert Einstein. Với bộ óc xuất chúng của mình, Newton đã đạt được thành tựu rực rỡ trong nhiều lĩnh vực như vật lý, thiên văn, toán học, triết học, thần học, giả kim thuật.
Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng là nhà bác học lập dị. Theo các ghi chép, Newton là một người rất lãnh đạm, hiếm khi kết bạn, dễ nổi cáu, nhạy cảm trước những lời chỉ trích và cực kỳ ghen tị. Bên cạnh đó, ông còn sống dựa vào nhiều thói quen cứng nhắc. Ví dụ, nếu đã lên kế hoạch thuyết giảng thì ông nhất định sẽ hoàn thành bài giảng dù có người nghe hay không. Ngoài ra, nhiều nhà nghiên cứu còn nghi ngờ Newton mắc một số chứng bệnh thần kinh khác như loạn thần, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực…
3. Thomas Jefferson (1743 – 1826)
Là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson đã sáng lập Đảng Dân chủ và là một trong những người theo đuổi chủ nghĩa tự do nhiệt thành nhất thời cận đại. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ, Đạo luật Virginia về tự do tín ngưỡng, đồng thời là cha đẻ của trường đại học Virginia. Thời trẻ, Thomas Jefferson là một thanh niên nhút nhát, hiền lành, chỉ thích lắng nghe và quan sát. Bên cạnh nhiều thói quen kỳ lạ, ông cũng rất nhạy cảm với tiếng ồn và thường gặp khó khăn khi nói chuyện trước đám đông.
4. Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791)
Là nhà soạn nhạc thiên tài người Áo, Mozart là một trong những người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với nền âm nhạc cổ điển châu Âu. Ông đã cống hiến gần 600 kiệt tác trong suốt 35 năm cuộc đời mình. Khi lên 3 tuổi, Mozart đã có thể bắt chước chuẩn xác những âm thanh mà ông nghe được.
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng Mozart mắc nhiều rối loạn thần kinh bao gồm hội chứng Asperger và hội chứng Tourette với biểu hiện giật cơ, nhại lời người khác, lặp lại lời chính mình, biểu cảm gương mặt kỳ lạ. Mozart cũng bị ám ảnh bởi những suy nghĩ về vật thể vô tri và có tâm trạng thay đổi thất thường. Ngoài ra, có một giai thoại kể rằng ông từng nhảy lên bàn ghế, kêu và nhào lộn như một con mèo.
5. Ϲharles Robert Darwin (1809 – 1882)
Darwin, nhà sinh học thiên tài của nước Anh, là cha đẻ của thuyết tiến hóa. Ông đã dành toàn bộ tâm huyết để giải thích quy luật phát triển của các loài cũng như chứng minh rằng mọi loài sinh vật đều tiến hóa theo thời gian từ cùng một nguồn gốc.
Từ nhỏ, Darwin đã là một đứa trẻ cô độc. Ngay cả khi trưởng thành, ông vẫn luôn hạn chế giao tiếp xã hội. Viết thư là hình thức trao đổi thông tin mà nhà khoa học này yêu thích. Bên cạnh đó, ông cũng thích sưu tầm đồ vật đồng thời sở hữu niềm say mê kỳ lạ với ngành hóa học. Ngoài ra, tư duy hình ảnh của Darwin cũng rất phát triển. Đây chính là đặc điểm thường thấy của những người mắc hội chứng Asperger.
6. Albert Einstein (1879 – 1955)
Albert Einstein là cha đẻ của thuyết tương đối, một trong hai trụ cột của ngành vật lý hiện đại. Năm 1921, ông nhận được giải Nobel Vật lý vì nhiều cống hiến giá trị đối với lĩnh vực vật lý lý thuyết và sự khám phá định luật của hiệu ứng quang điện.
Lúc nhỏ, Einstein là một đứa trẻ chậm nói. Mãi cho đến năm 4 tuổi, thiên tài này mới bập bẹ những từ ngữ đầu tiên. Từ năm 7 tuổi, ông bắt đầu sống đơn độc và thường lặp đi lặp lại cùng một câu nói. Thêm vào đó, ông cũng nổi tiếng bởi nhiều phát ngôn vô cùng khó hiểu. Mặc dù khi trưởng thành, Einstein đã kết giao thêm nhiều bạn mới đồng thời tham gia những buổi diễn thuyết về các vấn đề chính trị nhưng với lối sống kỳ quặc của mình, ông luôn bị nghi ngờ mắc hội chứng Asperger.
Van Nham Tran

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

VẦNG TRĂNG QUÊ

 VẦNG TRĂNG QUÊ

Nhạc và lời: Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng

Hòa âm: Nhạc sĩ Đặng Vương Quân

Tiếng hát: Ca sĩ Anh Tuấn