Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

VÀNG THU MÊNH MÔNG

VÀNG THU MÊNH MÔNG
Nhạc và lời: Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng
Tiếng hát: Ca sĩ Ngọc Qui
Hòa âm: Nhạc sĩ Võ Công Diên

 

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

TÔI ĐI HỌC

TÔI ĐI HỌC

 Thanh Tịnh

(Rut từ tập truyện ngắn Quê Mẹ, 1941)



Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên trời không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy , tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi ấy, tôi không biết ghi và ngày nay, tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường, tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt nhưng một quyển vở cũng chìa ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút và thước nữa nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

– Mẹ đưa bút, thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

– Thôi để mẹ nắm cũng được.

Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người, người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.

Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.

Lần ấy, trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh là những cậu bé vụng về, lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

– Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng dạ rang của phụ huynh đáp lại).

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này, chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy, đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

– Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.

– Các em đừng khóc. Trưa này, các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai, các em lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu, tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường, tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến nỗi tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đọc: Bài tập viết: Tôi đi học. 

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

CHUYỆN BÀ GIÀ MANG DÉP LÀO

 CHUYỆN BÀ GIÀ MANG DÉP LÀO

Lê Thí



Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc -ba- ga cho khách ngồi… êm đít!
Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẻm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẻm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều… lên lớp.
Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1.
Tôi phanh xe và hỏi: – Cụ đi mô.
Bà cụ nói- Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?
Thấy bà già nhà quê tôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:- Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.
Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn… lợi và nói:- Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!
Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng.
Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:-Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!
Tôi cười và bảo:- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!
Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng.
Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!
Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:- Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra.
Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.
Bà trả lời:- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí). Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.
Tôi giẫy nẩy:- Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.
Cụ bảo:- Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng. Nhận đi con, cho bà vui.
Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.
Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!
*** Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?
Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà… một hộp sữa!
Sài Gòn, 26/5/2017