Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

GHI NHỚ VỀ 7 NĂM Ở Y KHOA ĐẠI HỌC

Nguyễn Tăng Miên


Xin gởi đến những bạn học Y khoa trước1975 và những ai muốn biết về y khoa ngày ấy để nhớ lại sinh viên y khoa đã học những gì trong 7 năm miệt mài đèn sách ở trường Đại học Y khoa thời đó.
Xin nhắc riêng một chút về năm "Dự bị Y khoa" vì đó là năm bản lề để dìu sinh viên vào 7 năm y khoa dài dằng dặc và sau đó vui buồn với cái nghề đầy trách nhiệm trước "cái sống của người trong tay mình nắm, cái chết của người trong tay mình giữ" đối với người bệnh sau này.
+Année Prémédicale (APM) đầu tiên được tổ chức vào năm 1962-1963 tại Miền Nam gồm các môn học:
-Ngoại ngữ (Anh, Pháp)
-Physique (điện và quang học)
-Chimie (hữu cơ và vô cơ)
-Biologie
-Botanique
-Sociologie
-Psychologie
-Traveaux pratiques (TP) gồm:
+Vật lý (các thí nghiệm về điện, quang học, động học ...)
+Hóa học (qua các phản ứng hóa học) xác định các chất.
+Biologie: Giải phẫu các con vật như cá, cắc ké (lézard), ếch, cua, gián ... Nhuộm các loại vi trùng...
+Botanique: làm préparations để xem kết cấu của Tế bào thực vật, các tổ chức của lá, thân, rể của cây, Các cristaux có trong thực vật ...
Nhờ có TP các bộ môn học trên mà một năm APM tạo một số kiến thức lý thuyết mới kết hợp với thực nghiệm và tạo được sự hiểu biết thực tế tường tận hơn qua các thí nghiệm ở các laboratoires khác hẳn kiến thức thuần lý thuyết ở lớp 12 trung học (để thi Tú tài 2).
Năm APM tạo cho sinh viên một số kiến thức giúp ích rất nhiều cho sinh viên vào đại học y khoa sau đó.
Năm APM đầu tiên vào niên khóa 1962-1963 có 250 thí sinh dự thi, Đậu 70 người, Chính thức vào học chỉ 55 người. Đến năm thứ 7, một số bỏ học ra nước ngoài, một số chuyển sang ngành khác, một số bị "sortie latérale" giữa chừng, một số bị "redoublant" nên cuối cùng năm thứ bảy chỉ còn có 23 người khi ra trường. Thế mới biết học y khoa hồi đó vừa lâu dài, vừa khó nhọc lại khó tốt nghiệp. Cho nên khi bị trưng tập, nhà nước hồi đó, theo cách như Pháp, gắn lon trung úy, khác với Mỹ gắn lon thiếu tá. Có rất ít người được miễn dịch gia cảnh và về làm việc tại các bệnh viện dân y.
+Sáu năm Y khoa từ năm 1 đến năm 6 (kể cả năm APM nữa là 7 năm). Bài vở hầu hết bằng tiếng Pháp. Ở Y khoa Huế có cả tiếng Anh. Sách vở, tài liệu, báo chí y khoa bằng tiêng Anh và tiếng Pháp bản gốc đầy trong thư viện.
Cuối mỗi năm phải thi viết "Écrit de fin d'année" nếu đạt 10/20 điểm thì được lên lớp trên. Nếu hỏng mà điểm thi écrit được 7 điểm trở lên thì được thi vớt "Oral de repêchage", thầy hỏi kiến thức khoảng nửa giờ (đến tối đa có khi 2 giờ), nếu vượt qua được thì lên lớp trên, nếu không thì chịu "redoublant" thêm một năm nữa. Sinh viên y khoa ngày ấy học hành nghiêm túc lắm vì nếu không sẽ bị "sortie latérale" tức đuổi khỏi trường nếu hỏng hai năm liên tiếp. Và tất nhiên là bị kêu lính vào Thủ Đức mang lon chuẩn úy bộ binh, số phận hẩm hiu! Sinh viên y khoa ngày ấy với học trình như sau:
+Năm 1:
Học các môn cơ bản như:
-1)Anatomie descriptive,
-2)Histologie (différents tissus)
-3)Embryologie,
-4)Sémiologie médicale
-5)Sémiologie chirurgicale.
-6) TP ở phòng thí nghiệm để tìm hiểu cấu trúc cơ thể học trên các bộ xương người thật.
-7) Pathologie médicale.
-8) Langues
+Năm 2:
Học các môn gồm:
-1) Anatomie des organes
-2) Histologie (differents organes)
-3) Pathologie médicale
-4) Pathologie chirurgicale,
-5) Biochimie.
-6) Mổ tử thi ở morgue.
-7) Đi stage hospitalier hằng ngày vào buổi sáng, tự tay làm các xét nghiệm về phân, nước tiểu, dosage du suc gastrique, làm VS (vitesse de sédimentation du sang) ... của bênh nhân tại labo của giáo sư. Garde hospitalière à la salle d'urgence.
+Năm 3:
Học các môn:
-1) Bactériologie (mỉcobiology)
-2) Parasitologie
-3) Neurologie
-4) Pharmacologie
-5) Obstẻtique
-6) Pathologie médicale
-7) Pathologie chirirgicale.
-8) Physiologie
+Năm 4:
Học các môn gồm:
-1) Anapathologie
-2) Maladies contagieuses
-3) Médecine opératoire
-4) Pneumo-ptysiologie (pneumopathies +Tuberculose pulmonaire).
-5) Urologie - Néphrologie
-6) Neurologie
-7) Dermatologie
-8) Pédiatrie
-9) Cardiologie
-10) Psychiatrie
-11) Colloques médicale et chirurgicale: Một số chuyên đề về chuyên môn.
-12) Stage ở khoa sản, phải đỡ đẻ đủ 30 ca.
+Năm 5:
Học các môn gồm:
1) Médecine légale
2) Maladies tropicales
3) Médecine préventive
4) Médecine traditioneelle
5) Déontologie
6) Đi thực tập tại các bênh viện trong 4 khoa chuyên môn chính gồm các khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi được phân đều trong 9 tháng.
+Năm 6:
Chủ yếu học lâm sàng là chính, sinh viên bắt đầu tự tiếp xúc, thăm khám, chẩn đoán và điều trị một số bệnh để làm quen với xử trí tự lập trước khi ra trường, trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân. Năm thứ 6 chủ yếu:
-1) Đi stage tại các bênh viện là chính. Trực gác chính thức tại bệnh viện với tư cách nội trú (interne fonctionnel). Stage ở các phòng Ngoại khoa, Nội khoa, Nhi khoa, Sản khoa. Tham gia chẩn đoán, phụ mổ, đỡ đẻ và điều trị bệnh. Có thể được tự mổ chính một số các ca bênh nhẹ, tự chẩn đoán và chỉ định mổ. Những sinh viên y khoa thực tập ở "Trung tâm y tế toàn khoa Đà Nẵng" được phép mổ các bệnh nhân phần lớn là "chirurgie de guerre" (y khoa thời chiến) và mổ đẻ Césarienne vì thuộc loại phẫu thuật cấp cứu. Trong thời gian đó, chuẩn bị luận án để trình thèse ra trường với học vị Tiến sĩ y khoa quốc gia (Docteur d'État en médecine). Cũng xin nói thêm là nếu đi stage ngoại khoa ở "Trung tâm y tế toàn khoa Đà Nẵng" thì được tự tay mổ rất nhiều trường hợp. Tôi đã được mổ đến 125 trường hợp lớn nhỏ trong một tháng ở đó (theo thống kê của phòng mổ năm đó). Còn nếu đi stage ở phòng khám bệnh viện Từ Dũ ở Saigon thì ở đó có đủ rất nhiều loại bệnh về gynécologie và ở đó (1968) có khám vô sinh cả nam và nữ với "test de Hühner", "épreuve de Cotte" và "ínsufflation tubaire" với máy ghi giản đồ sóng. Học xong năm thứ bảy thì bị trưng tập ngay, dù chưa trình thèse, vào quân đội với cấp bậc và danh gọi "Y sĩ Trung úy". Danh từ Y sĩ dành riêng để gọi tất cả các cấp bậc bác sĩ trong quân đội hiện dich và trưng tập thời ấy. Còn bác sĩ thường dân "civil" vẫn gọi là Bác sĩ.
Ngày đó, bác sĩ sau học trình 7 năm có thể đệ trình thèse ngay để thành tiến sĩ y khoa hay trễ hơn sau đó vài năm sau vì viết thèse thường bằng tiếng Pháp và phải có thầy đủ học vị để làm "patron". Vì danh dự của patron nên các thầy rất nghiêm túc trong việc viết thèse. Vì thế, khi trình thèse thì sinh viên luôn đỗ với mention thấp nhất là "très bien" (rất giỏi) và cao hơn là "mention honorable" (hạng danh dự) và cao nhất là " mention très honorable" (hạng tối danh dự). Khi trình thèse rồi họ mới có quyền gia nhập y sĩ đoàn và có quyền mở phòng khám bệnh. Y sĩ đoàn gồm "Y sĩ đoàn quốc gia" và "Y sĩ đoàn tư nhân". Họ tự chịu trách nhiệm về hành động của họ theo luật nhà nước, qui định của Y sĩ đoàn, tuân thủ "Nghĩa vụ luận" của ngành y tế và chịu trách nhiệm với lương tâm người thầy thuốc đối với bệnh nhân.
Ngày ấy, giới bác sĩ được mọi người rất xem trọng.
LẠI NÓI CHUYỆN VỀ TIN TẶC (HACKERS)
Phan Lục

Tôi viết bài này nhằm mục đích giúp bà con mình ở trong và ngoài nước hiểu rõ về trò lừa đảo của Tin Tặc (hacker). Thực ra trò này không có gì mới nhưng vì vẫn còn nhiều người chỉ nghe mà chưa biết nên nhẹ dạ cả tin đưa đến việc mất mát tiền bạc một cách oan uổng.
Trên thế giới có hơn 2 tỷ người dùng Facebook. Đó là mục tiêu hấp dẫn đối với hackers. Hackers là những người đột nhập vào máy điện toán của người khác để ăn cắp những dữ liệu mật.
Những dấu hiệu cho thấy Tin Tặc đã đột nhập trương mục Facebook là:
- Dữ liệu cá nhân gồm địa chỉ Email, mật khẩu hoặc tên và ngày sinh của bạn đã thay đổi nên không thể mở Facebook của bạn ra được.
- Bỗng nhiên trên trương mục Facebook của bạn có đăng tải một số bài viết mà bạn không hề hay biết.
- Một số tên mà bạn không hề quen biết và không gởi lời mời kết bạn lại trở thành bạn trên Facebook của bạn.
- Một số tin nhắn không xác định được gởi đã xuất hiện trong trương mục Facebook của bạn v.v…
Bằng cách nào mà hacker đột nhập vào trương mục Facebook của bạn?
- Hacker có nhiều cách nhưng cách thường gặp nhất là hacker lấy tên một người bạn của bạn để gởi cho bạn một cái link rồi bảo bạn click vào xem mà bạn đã làm theo.
- Một phần do bạn chấp nhận kết bạn cùng những người lạ mà mình không biết rõ lai lịch.
- Chính bạn đã click vào xem những cái link lạ gởi đến cho bạn v.v…
Hacker lừa gạt như thế nào?
Khi đột nhập vào được trương mục Facebook của bạn, hacker giả danh bạn để nhắn tin qua messenger lừa gạt mượn tiền những người bạn của bạn mà bạn không hay biết trừ khi một vài người bạn nào đó bị lừa mới báo tin cho bạn.
Làm sao nhận biết mình đang bị hacker lừa gạt?
Nếu người bị lừa tinh ý một chút thì sẽ nhận ra những điều phi lý sau đây:
- Không ai ở Mỹ đi mượn tiền của người ở Việt Nam mà không báo trước. Vả lại, người ở Mỹ không gởi tiền về cho thì thôi chứ có bao giờ ngược đời lại đi mượn tiền ở Việt Nam!
- Hacker thường nhắn tin trên messenger chứ không chịu nói chuyện và bảo là mạng yếu vì sợ có lời nói ra sẽ bị lộ diện.
- Hầu hết hackers là người sống ở Việt Nam ( ở Việt Nam XHCN mới có trò lừa bịp này khá phổ biến nhưng không phải không có từ các quốc gia khác như Anh, Úc,phi châu, Phlippines… ).
- Hacker thường nhắn tin vào ban ngày trong khi người bị giả danh ở Mỹ đang ngủ vào lúc ban đêm.
- Hacker bảo chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng mà chủ tài khoản (tên giả) không phải tên người mà hacker đang giả danh.
- Khi lừa được số tiền hỏi mượn lúc ban đầu, nó thường hỏi mượn thêm một số tiền nữa.
- Hackers không biết mối quan hệ giữa 2 người nên thường hỏi trổng "khỏe không?" cho đến khi người bị gạt xưng hô thì nó gọi theo. Ví dụ, người bị lừa gạt trả lời “Dạ thưa cậu, con vẫn khỏe” thì nó xưng cậu cháu để bắt đầu chuyện mượn tiền.
Bây giờ hackers còn dùng kỹ thuật rất tinh vi để giả giọng nói và nhấp nháy cái hình mờ nhạt của người chủ trương mục Facebook bị đột nhập nên người bị lường gạt rất dễ tin.
Dấu hiệu cảnh báo máy tính bị Tin Tặc tấn công:
- Bỗng nhiên máy tính và mạng internet của bạn bị chậm một cách bất thường sau khi bạn chủ động thao tác gì đó trên các websites, hãy tìm hiểu kỹ và có thể máy tính của bạn đang bị xâm nhập trái phép rồi đấy! Khi máy tính bị xâm nhập, hacker sẽ thiết lập một chương trình đặc biệt chạy ẩn trên hệ thống máy tính và sử dụng tài nguyên bộ nhớ khiến hệ thống bị “ì ạch”.
- Để phục vụ cho mục đích xấu, hacker thường cài trên máy tính bị chiếm hữu những ứng dụng hoặc phần mềm “lạ”. Điển hình đó là Botnet – chúng sẽ tự động thu thập , đánh cắp thông tin các tài khoản giao dịch online, ngăn không cho bạn truy cập vào máy tính. Có thể tự nhiên bạn thấy mọc thêm các công cụ trên Web, xuất hiện cảnh báo virus và các pop-up lạ thì có thể đó chính là những dấu hiệu cần phải đề phòng.
- Cách tốt nhất là bạn nên kiểm tra thường xuyên các phần mềm thông qua Windows Add hay Remove Programs để xóa những ứng dụng lạ khỏi máy tính, gỡ những tiện ích lạ khỏi trình duyệt Web.
- Thông thường các phần mềm antivirus luôn bắt đầu chạy khi máy tính khởi động để bảo vệ hệ thống trong thời gian hoạt động. Nó sẽ giúp máy tính luôn an toàn trước cuộc tấn công của virus hoặc phần mềm gián điệp bằng cách gởi thông báo và đưa ra hành động cụ thể để bảo vệ máy tính. Nhưng nếu tự nhiên chúng bị tắt đi không rõ ràng mặc dù được thiết lập tự khởi động mỗi lần bật máy tính thì có khả năng cao là hacker đã tấn công và vô hiệu hóa nó.
- Khi máy tính của bạn bị chiếm quyền kiểm soát, tên Tin Tặc này sẽ giữ cho máy tính của bạn luôn trong trạng thái hoạt động cho mục đích xấu xa. Do vậy, nếu máy tính không thể tắt nguồn hoặc thời gian phản hồi của lệnh tắt nguồn (shut down) kéo dài quá lâu sẽ là thông điệp cảnh báo.
- Đồng nghiệp, bạn bè gọi điên hỏi tài khoản mạng xã hội, tài khoản email của bạn gởi cho họ những thứ lạ lung gì vậy? Do đó, nếu nhận được lời phàn nàn từ mọi người, bạn hãy cố gắng ngăn họ nhấn vào bất cứ nội dung nào được nhận. Mọi người sẽ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
- Một vài chương trình trên máy tính sẽ yêu cầu quyền truy cập thì chúng mới hoạt động được nếu bạn thiết lập bảo mật với tường lửa. Bạn hãy chú ý khi có một chương trình lạ nào đó bất ngờ yêu cầu quyền truy cập để hoạt động thì nên tạm thời từ chối, tiến hành kiểm tra lại ngay thử chúng có nguồn gốc từ đâu để lên phương án hành động tiếp.
- Khi có những thông báo về các giao dịch tài chánh vượt ngoài sự kiểm soát của bạn thì đây chính là viễn cảnh tồi tệ nhất với bạn. Tin Tặc đã thành công trong việc tấn công và đánh cắp toàn bộ thông tin liên quan đến bạn và sử dụng cho mục đích xấu. Lúc này, bạn nên khóa toàn bộ các tài khoản cá nhân và trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền để được can thiệp và giải quyết.
Hackers đã bị đối phó như thế nào?
Mặc dù hacker luôn cho số tài khoản ngân hàng với tên giả nhưng chắc chắn tài khoản là thật của kẻ gian vì không lẽ nó mượn tiền cho người khác. Công An Việt Nam chỉ cần vào ngân hàng lấy tên chủ tài khoản thì điều tra tìm ra kẻ gian được ngay. Thế mà khi nạn nhân đến tố cáo, Công An vẫn không chịu vào cuộc thụ lý để bảo vệ an toàn cho xã hội nên việc hackers gọi mượn tiền xảy ra thường xuyên ở Việt Nam. Tại sao? Ai bảo kê cho chúng tự do lộng hành?
Thông báo cho người thân và bạn bè
Các facebookers ở ngoại quốc, đặc biệt ở Mỹ, hãy nhắn tin này về cho bạn bè và thân nhân biết để ngăn ngừa hackers. Xin các facebookers hãy cảnh giác tối đa!
Bất cứ ai gặp trường hợp như đã kể trên thì đừng nói chuyện với hacker và chận đứng (block) nó lập tức.
Trường hợp Facebook bị hacked thì phải phục hồi bằng cách nào?
- Vào FB login và tự đổi password và hình đại diện rồi deleted những cái tên lạ comments lung tung mà bạn không biết họ là ai. Những con bọ không tên, không thấy mặt thì nên xóa chúng hết để làm sạch trang nhà.
- Vào đổi password nhưng họ cần số điện thoại và email của bạn thì họ sẽ tìm ra Facebook cho bạn. Nhìn trên góc trái có 9 dấu chấm. Click vào---> Professional và click vào ads managers rồi mở ra thì họ sẽ hướng dẫn bạn đi từng bước để lấy lại trương mục Facebook.
- Vào Setting và tìm Help Center trong đó có 3 cái hình, click vào cái chìa khóa và gởi email trình bày cho họ biết là bạn bị hacked thì họ sẽ hướng dẫn từng bước để cho bạn thay đổi password và chặn bọn hackers.
Báo cáo trương mục Facebook bị đột nhập
Nếu bạn nhận biết được trương mục Facebook của bạn bị đột nhập và không có cách nào để vào đó thì bạn có thể báo cáo với Facebook bằng cách thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào website https://www.facebook.com/hacked/
Bước 2: Nhấp vào nút “Tài khoản của tôi bị xâm nhập”.
Bước 3: Nhập số điện thoại hoặc email đã liên kết với trương mục Facebook bị xâm nhập rồi bấm vào “Tìm kiếm”.
Bước 5: Nhập mật khẩu hiện tại hoặc mật khẩu cũ của trương mục Facebook rồi bấm “Tiếp tục”.
Bước 6: Bấm chọn “Bảo vệ tài khoản của tôi” và lựa chọn hình thức gởi mã xác nhận qua email hoặc số điện thoại để đặt lại mật khẩu và bấm “Tiếp tục”.
Bước 7: Làm theo các hướng dẫn mà Facebook yêu cầu để nhập mã xác minh rồi tạo mật khẩu mới.
Bước 8: Cuối cùng, bấm vào “Get started” để Facebook bảo mật trương mục của bạn.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa hacker xâm nhập trương mục Facebook của bạn thì hãy thay đổi mật khẩu và hình ảnh thường xuyên và xem đó như một thói quen.

Nên nhớ rằng khi hacker xâm nhập được trương mục Facebook của bạn thì bạn không còn sử dụng được nữa vì nó đã thay đổi email và password của bạn.


 

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

CHỮ TIỀN VÀ CHỮ TÔI

 

Chữ "Tiền" và Chữ "Tôi" - Như Nhiên

 

TIỀN

- Bỏ dấu huyền thì là Tiên

- Thêm dấu sắc là Tiến

- Thêm dấu nặng là Tiện

- Thêm dấu ngã là Tiễn


Biết dùng tiền, sẽ giúp bạn thăng tiến.

Có được tiền, cảm giác sướng như tiên !

Cố giữ tiền, bạn là người bần tiện ,

Thiếu thốn tiền, nhà cửa cũng.. phải tiễn,

người yêu bỗng nhiên.. biến.

TÔI 

- Bỏ dấu thì là Toi

- Thêm dấu sắc là Tối

- Thêm dấu huyền là Tồi

- Thêm dấu nặng là Tội


Không biết mình là ai thì toi

Không học hỏi người khác thì tối

Không giúp người hoạn nạn thì tồi

Không làm điều tốt lành thì tù tội.

Đừng bất chấp tất cả để bán rẻ cái tôi cho đồng tiền.

 

- Nhiều tiền gọi là người giàu có,

Có tiền mà không có tâm thì vẫn là người nghèo khó!

- Nói vu vơ với mây, với gió, nếu đụng chạm ai đó thì..

đừng nhắn nhó mà .. hãy bỏ qua cho!

 

Như Nhiên

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

KIM CƯƠNG CÒN MÃI MÃI

KIM CƯƠNG CÒN MÃI MÃI
Trần Lý Lê


“Diamond” xuất phát từ chữ gốc Hy Lạp “adamas”, “không thể chinh phục”, là viên đá rất cứng, khó mài giũa. Hình tượng của tình yêu vĩnh cửu (?).

nguồn: The times of India 

Sách vở ghi chép rằng dù kim cương kết tủa trong đất cả 900 triệu năm nay nhưng con người chỉ khám phá ra viên đá cứng kia khoảng 2,500 năm trước đây, tại vùng Golconda, Ấn Độ. Viên đá cứng và lấp lánh phản chiếu ánh sáng được các lãnh chúa xem là bảo vật của thần thánh. Vua chúa Ấn Độ đính kim cương trên mũ mão, khí giới và quần áo để [tự] tôn vinh.

Từ con đường tơ lụa, kim cương theo thương buôn từ Ấn Độ, Trung Hoa qua Âu Châu, được buôn bán trao đổi như vật quý, dùng để cắt kim loại, làm bùa ngải xua đuổi ma quỷ,  bảo vệ người dùng trong trận chiến ngay cả chữa trị bệnh tật và làm lành vết thương (?).

Cho đến thế kỷ XVIII khi các mỏ kim cương tại Ấn Độ cạn đá thì bá tánh tìm kiếm kim cương từ những nơi khác. Người lớn trẻ em, vô tình hay cố công gắng sức đã khám phá ra những mỏ kim cương nằm rải rác trên thế giới, nhất là Phi Châu nơi người ta tìm thấy viên kim cương nặng 83.50-carat tại Colesberg Kopje vào năm 1871. Thế là công ty đào mỏ kim cương Kimberley Mine ra đời và vào năm 1880, ông Cecil John Rhodes, người Anh, thành lập De Beers Consolidated Mines, Ltd để giữ độc quyền khai thác [và buôn bán] kim cương. Đến năm 1919 thì giá cả kim cương sút giảm chỉ còn 50% trị giá lúc ban đầu. Khi kim cương không còn hiếm hoi như trước và trở thành món  … xoàng xoàng thì giới quý tộc và người giàu có chuyển hướng, họ xoay ra săn tìm các loại đá màu quý hiếm khác như bích ngọc màu xanh lục (emerald), hồng ngọc đỏ thắm (rubie), và lam ngọc màu xanh nước biển (sapphire).

Về mặt hóa học, kim cương là chị em thân thiết với than đá, có nhiều tính chất tương tự, cả hai đều xuất phát từ gốc mẹ carbon. Cô em kim cương xuất hiện khi các nguyên tử kết nối với nhau theo một kiểu mẫu riêng và dưới một trạng thái đặc biệt: áp suất và nhiệt độ rất cao chỉ hiện diện rất sâu trong lòng đất, độ sâu khoảng 90-240 dặm.

Ngày nay, kim cương thiên nhiên từ từ cạn kiệt sau khi con người kịch liệt đào xới đất đai để khai thác. Chỉ khoảng 20% kim cương tìm thấy trong thiên nhiên thực sự là đá quý với các đặc tính của vật trang sức, hiếm hoi hơn nữa là chỉ 2% kim cương có trị giá “đầu tư”, không mất giá qua thời gian; 80% còn lại là nguyên liệu dùng trong kỹ nghệ cưa cắt, đào bới vì độ cứng của nó. Trung bình, con người phải đào xới được 250 tấn vàng mới có thể tìm ra viên kim cương cỡ một carat với đặc tính quý hiếm như trong [sạch], sáng…

Đào bới không xong thì con người xoay ra chế tạo kim cương từ phòng thí nghiệm, cũng trong suốt, rực rỡ như đá tự thiên nhiên. Thợ tay nghề cũng khó lòng phân biệt món nào từ đất đá, món nào do nhân tạo!

Kim cương trở thành nhẫn đính hôn từ bao giờ?

Trao nhẫn ước thề, hứa hẹn trung thành [chung thủy] là cổ tục từ thời La Mã, những sợi đồng hay sợi tóc cuộn chặt tạo hình chiếc nhẫn đeo trên ngón áp út của bàn tay trái (vena amorous, máu tay trái chảy về tim nhanh hơn vì gần hơn!?) dùng làm biểu hiện của thân ái hoặc tình bạn, không hẳn là hôn nhân.

Việc dùng nhẫn để đính hôn bắt đầu từ năm 1215 khi Giáo Hoàng Innocent III đặt ra giáo điều “chờ đợi”, một thời gian từ lúc đính ước đến khi thành hôn. Chiếc nhẫn trở thành vật “làm tin” trong thời gian chờ đợi này. Sách vở ghi chép việc Archduke Maximilian of Austria cầu hôn người đẹp Mary of Burgundy vào năm 1477 với chiếc nhẫn kim cương. Thủa ấy kim cương vẫn rất quý hiếm nên chỉ có vua chúa quý tộc mới kham nổi trị giá của viên đá ấy. Thứ dân thì chỉ có nhẫn trơn. Sau đó thì nhẫn trở thành món giao ước và mọi lễ cưới phải cử hành tại nhà thờ theo luật của đế chế La Mã.

Nhẫn dùng trong dịp đính hôn, lễ cưới và cũng được dùng để … khoe của, chỉ có giới quý tộc giàu sang mới được phép đeo nhẫn [đẹp] như món trang sức.

Từ năm 1947, qua công ty quảng cáo N.W. Ayer, DeBeers rao bán kim cương với câu “A diamond is forever” (“Kim cương [là vật] vĩnh cửu”). Nôm na là chỉ nên dùng kim cương [làm tặng vật] đính hôn. Quà tặng thì không được đòi lại theo phán quyết của tòa án Huê Kỳ khi đôi bạn tình chia tay, nàng có quyền giữ chiếc nhẫn lắm tiền!

Bài bản quảng cáo hấp dẫn quá nên món nhẫn kim cương đính hôn vẫn được mua bán rầm rộ dù không còn mạnh mẽ như trước. Năm 2023, 78% các chiếc nhẫn đính hôn đều gắn kim cương.

Thị trường mua bán kim cương làm ăn được nên bá tánh hè nhau [dạy] dỗ người mua về phẩm chất của kim cương, như thế nào là một viên đá có trị giá cao. Người bán thì thay đổi kiểu cắt giũa viên đá sao cho bắt mắt, nghĩa là vẫn rực rỡ nhưng mới mẻ vì hạt kim cương tròn thì xoàng quá rồi. Thế là dạng bầu dục, marquise, vuông và chữ nhật ra đời cho khác lạ để cô dâu tương lai còn lựa chọn.

Hết mục đính hôn với nhẫn kim cương thì đến lúc mừng kỷ niệm ngày cưới 60 năm, lễ kim cương và cụ bà (ít nhất tuổi bát tuần?) cũng được cụ ông mừng một viên đá quý!

Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, để mở rộng thị trường, kỹ nghệ kim cương đã từng bày ra khái niệm mừng ngày cưới 25 năm bằng kim cương nhưng chẳng mấy khách hàng hưởng ứng nên trào lưu ấy xẹp lép, chiếc bong bóng xì hơi!

Chúc mừng, kỷ niệm, lễ lạt nhiều như thế nhưng cũng đến lúc kim cương không còn … sôi nổi nữa dù kỷ niệm vẫn là kỷ niệm. Bá tánh không còn mua nhẫn đính hôn kim cương nữa vì thị trường đang sa sút, Signet, chủ nhân của các cửa hàng Zales, Kay, Jared, và Diamonds Direct, mới công bố rằng mãi lực của kim cương sút giảm 10% so với năm ngoái. De Beers, công ty sản xuất kim cương lớn nhất, cũng cho rằng hàng hóa [kim cương] bán ra đang chậm lại. Tại sao thế nhỉ? Người ta không mấy hăm hở chuyện hôn ước nữa? Bá tánh nhận ra rằng kim cương chỉ là viên đá được mài giũa chứ chẳng thực sự có giá trị gì, nhìn mãi cũng chán? Hoặc giả phụ nữ hết … ham kim cương? Họ không còn ưỡn ngực khoe chiếc nhẫn rực rỡ trên tay, không còn cảm thấy cần thiết khi tự giới thiệu tui là bà X với tên / họ người chồng? Độc lập hơn và riêng tư hơn? Khi ưa chuộng món gì thì tự mình sắm lấy?

Như tài năng, sắc đẹp, tiền bạc, chức tước, trị giá của kim cương cũng do con người [bày] đặt ra để lựa chọn, tôn vinh … Con người tự lựa chọn thì cũng chính con người buông bỏ. Kim cương cũng bị đào thải theo sự luân chuyển của đất trời, chẳng có gì gọi là vĩnh cửu?

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2023

NGUYỄN HIẾN LÊ TRONG CUỘC ĐỜI TÔI

NGUYỄN HIẾN LÊ TRONG CUỘC ĐỜI TÔI
Nguyễn Mộng Giác
Một sáng chủ nhật cuối năm 1984, có dịp ghé lại một hiệu sách ở quận Cam, giở tờ báo Đời số Xuân Ất Sửu tôi mới biết tin nhà văn Nguyễn Hiến Lê vừa qua đời tại Việt Nam hôm 22 tháng 12 năm 1984.
Tin đó khiến tôi lặng người bàng hoàng!
Đối với tôi, nhà văn Nguyễn Hiến Lê là một vị thầy uyên bác mà hơn một trăm cuốn sách ông đã xuất bản hướng dẫn tôi suốt các giai đoạn đời. Chẳng những thế, ông còn là một người cầm bút gương mẫu, mà dù cố gắng bao nhiêu đi nữa, tôi vẫn không bao giờ đạt được những thành quả như ông. Sự cần cù hiếu học, sự tôn trọng tinh thần khách quan và nhân bản, sự cẩn trọng đối với chữ nghĩa, đức kiên nhẫn và khiêm nhường... nói chung là những gì cao đẹp nhất ở một nhà trí thức, tôi đều tìm thấy nơi ông.
Thật ra sự kính trọng hay ái mộ đối với một người không do những điều trừu tượng như thế, mà do những cuộc gặp gỡ, những lần tâm sự, những liên lạc thân hữu, những kỷ niệm chung...
So với các bạn hữu cũng thế hệ với tôi, thì tôi đọc sách ông có hơi muộn. Thời kháng chiến chống Pháp, tôi ở vùng liên khu Năm nên mãi cho đến năm 1955, sau Hiệp định Genève tôi mới biết đến loại sách "Học làm người" của ông. Hồi đó, ở tâm trạng một học sinh trung học đệ nhị cấp và đang thời những cái mode suy tưởng du nhập từ châu Âu đang ảnh hưởng lớn lao đến tuổi thanh niên, đọc sách của ông, tôi có cảm giác khó chịu như bị ai đó đánh thức giữa lúc đang say sưa với những giấc mộng xa vời. Văn thơ thời thượng nhắc đi nhắc lại mãi những "Lưu đày", những "Nôn mửa", những "Choáng váng" những "Ngộ nhận", trong khi ông dịch Dale Carnegie để dạy chúng tôi cách xử thế sao cho khôn khéo, viết Kim Chỉ Nam Cho Học Sinh để bày cách đọc sách, cách làm phiếu ghi chép... Rồi cách kinh doanh, cách học cho giỏi toán, cách chọn một nghề, nói chung là cách học thế nào để không trở thành Con Người trừu tượng, mà học làm người có thể sống và thành công được giữa lòng xã hội.
Trong khi văn chương báo chí thời thượng đưa chúng tôi đến những thắc mắc những tìm kiếm siêu hình, thì sách "học làm người" của Nguyễn Hiến Lê đưa chúng tôi trở về những vấn đề thực tiễn trước mắt. Thú thật hồi đó tôi đã gặp ông, nhưng đã bỏ ông.
Suốt thời gian học đại học, rồi ra trường đi dạy, tôi không lưu tâm đến sách của ông nữa. Tôi vẫn giữ thành kiến là sách của ông đã lỗi thời, chỉ giúp ích cho những người hiếu học mà không có điều kiện đến trường thu nhận một thứ kiến thức có hệ thổng và trình bày mạch lạc. Sách ông, theo tôi nghĩ, thật cần thiết cho những ai "tự học để thành công" như nhan đề một cuốn sách ông viết.
Nhưng chẳng cần chờ lâu tôi đã nhận ra rằng mình lầm lẫn quá nhiều về ông. Trước hết là những sách khảo cứu và phê bình ông viết về cổ học Trung Hoa và Việt Nam, một thế giới xa xăm huyền nhiệm mà nghề dạy văn chương bắt buộc chúng tôi phải tìm hiểu. Lúc bấy giờ, tôi mới thấy những cuốn như Đại Cương Văn Học Sử Trung Quốc, Luyện Văn, Hương Sắc Trong Vườn Văn, Ngữ Pháp Việt Nam (ông viết chung với Trương Văn Chình), Tô Đông Pha, Đông Kinh Nghĩa Thục, bản dịch Sử Ký của Tư Mã Thiên, bản dịch Chiến Quốc Sách của ông và ông Giản Chi là quí giá.
Chưa hết! Ông còn giúp tôi làm quen với Somerset Mangham qua dịch phẩm những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh như Lưỡi Dao Cạo (The Razor's Edge), Kiếp Người (Of Human Bondage), hay tập truyện ngắn Mưa; giúp tôi cảm phục thêm tài viết tiểu thuyết của văn hào Nga Leb Tolstoi với bản dịch bộ trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh Và Hoà Bình; giúp tôi nhận ra được tinh thần minh triết của hai nhà văn hóa André Maurois và Will Durant; giúp tôi lấy lại được niềm vui cuộc sống khi gặp những điều rủi ro với bản dịch cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường (nhan đề bản dịch là Một Quan Niệm Về Sống Đẹp). Hai trong năm cuốn sách ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi là cuốn The Importance of Living của Lâm Ngữ Đường và Lessons of History của Will Durant. Cả hai cuốn đó đểu do Nguyễn Hiến Lê dịch ra Việt ngữ.
Từ đó về sau, Nguyễn Hiến Lê hiện diện thường xuyên trong cuộc đời tôi. Càng về sau, tầm nghiên cứu của ông càng rộng, khả năng tổng hợp và nhận định của ông càng bao quát, và với cái nhìn minh triết nhân bản, lúc nào ông cũng giúp tôi hiểu rõ được mấu chốt của từng vấn để. Đọc sách ông viết, tôi tìm được cảm giác lâng lâng yêu đời và lòng từ ái bát ngát, giống y như lúc tôi đọc những cuốn sách của André Maurois và Will Durant. Về sau, khi đã quen thân với Nguyễn Hiến Lê, tôi được ông xác nhận rằng hai tác giả đó là mẫu mực mà ông luôn luôn mong ước vươn tới.
Năm 1971, sau một thời gian thiếu tự tín và tìm kiếm chính mình, tôi bắt đầu mạnh dạn viết lách. Đó cũng là thời tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đang hồi thịnh hành nhất, nên tôi viết một tiểu luận ngắn nhan đề Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung. Tập tiểu luận viết xong đã lâu, một phần có cho đăng ở báo nhà trường hoặc báo in ronéo của thân hữu, nhưng tôi vẫn loay hoay chẳng biết làm gì với tập bản thảo mỏng này. Rồi một người bạn, chẳng hiểu do kinh nghiệm cá nhân hay do đâu, bảo tôi nên gửi bản thảo nhờ Nguyễn Hiến Lê đọc hộ.
Tôi làm theo lời khuyên của bạn, và đúng một tuần sau, tôi nhận được lá thư đầu tiên của Nguyễn Hiến Lê gửi từ địa chỉ đường Kỳ Đồng Sài Gòn. Lá thư dài đến ba trang giấy chữ nhỏ viết cẩn thận rõ ràng, trong đó ông thú thật lâu nay không thích đọc các truyện chưởng Kim Dung. Tuy nhiên ông nhận thấy những điều tôi ghi nhận về tư tưởng Kim Dung đều đúng. Chưa hết. Ông tỉ mỉ ghi nhận những chỗ tôi viết chưa chính xác, những lỗi chính tả cần sửa. Nhận lá thư đó, tôi sửng sốt và cảm động đến bàng hoàng. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng một người cầm bút tiếng tăm như Nguyễn Hiến Lê lại chịu khó ngồi đọc thật kỹ tập bản thảo của một người trẻ xa lạ và sau đó chịu khó ngồi viết thư phúc đáp, với những lời phê bình tỉ mỉ cẩn trọng, chứ không phải chỉ là những câu cảm ơn đãi bôi. Nếu trừ đi hai ngày thư đi và hai ngày thư về, tôi tính nhẩm, ông Nguyễn Hiến Lê đã dành ba ngày để đọc và góp ý kiến về bản thảo Nỗi Băn Khoăn Của Kim Dung của tôi. Hai tuần sau, tạp chí Bách Khoa đăng chương đầu của tập bản thảo, và sau này anh Lê Ngộ Châu xác nhận rằng chính ông Nguyễn Hiến Lê đã đưa lại cho tòa soạn. Đó là lần đầu tôi có bài đăng trên Bách Khoa, tháng Chín năm 1971.
Từ đó các bài nhận định tổng kết tình hình văn học cuối năm, những truyện ngắn, truyện dài của tôi liên tiếp xuất hiện trên Bách Khoa, do tôi trực tiếp gửi đến tòa soạn. Tháng 11 năm đó, có dịp vào công tác ở Sài Gòn, ghé tòa soạn Bách Khoa, anh Lê Ngộ Châu rủ tôi đi thăm Nguyễn Hiến Lê. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, tại căn nhà yên tĩnh sau lưng ngôi chùa ở đường Kỳ Đồng.
Căn phòng khách đó có vẻ biệt tịch khác thường mà bất cứ ai bước chân đến một lần về sau không bao giờ quên được. Một bộ xa-lông xếp đặt mỹ thuật, ngăn nắp. Bức tranh Tàu vẽ ngựa ở bức tường đối diện cửa ra vào. Tranh thầy đồ dạy học ở bức tường phía tay phải. Tiếng dép bước nhẹ ở cầu thang. Một ông già thân hình ốm, khuôn mặt xương xương, đôi mắt sáng quắc, mặc bộ đồ bà ba mầu trắng. Hộp thuốc rê với những mẩu giấy vấn cắt phân nửa khổ giấy vấn thông thường. Những lời thăm hỏi chân tình. Những nhận xét về những điều đã đọc. Cảnh sống ấy, lối sống ấy , tôi mơ ước biết bao nhiêu năm mà không bao giờ, phải, có lẽ không bao giờ có được. Cuộc sống đơn giản, yên tĩnh để sống trọn với sách vở. Niềm hạnh phúc có được một căn phòng riêng, một bàn viết khuất tịch, khỏi quá lo lắng cơm áo để chỉ viết sách cũng đủ sống và sống để viết sách. Giấc mơ ngàn năm, giấc mơ viển vông của biết bao người cầm bút, mà Nguyễn Hiến Lê đã có được.
Về sau khi đã trở nên thân tình trong không khí ấm cúng của gia đình Bách Khoa, tôi mới biết để thực hiện được giấc mơ đó, Nguyễn Hiến Lê đã có những quyết định khác thường và sự cần cù kiên nhẫn phi thường. Ông đã từng phải lựa chọn giữa hai ngả đường: một bên là đời sống phẳng lặng ổn định của một công chức nhà nưởc, một bên là cuộc sống bạc bẽo thiếu thốn của một người cầm bút chân chính.
Ông đã chọn con đường thứ hai, thôi làm công chức để dành trọn thì giờ viết sách và lo cho nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê. Tính đến cuối năm 1974, ông đã in được 100 cuốn sách đủ loại: biên khảo, dịch thuật, sáng tác, và cuốn nào cũng được viết với một sự cẩn trọng tối đa. Tôi đã từng thắc mắc chẳng hiểu ông tìm được đâu ra thì giờ mà viết được chừng ấy sách. Và tôi đã tìm ra câu trả lời. Ông tự đặt cho mình một thứ kỷ luật sắt và theo đúng được thời khóa biểu làm việc một ngày tám tiếng suốt mấy mươi năm. Một cây bút Bic, bốn tờ giấy trắng có lót giấy than, ông lần lượt viết tay như thế hết cuốn này đến cuốn khác, bất kể mưa nắng, bất kể mạnh khỏe hay đau yếu, ngày nào vì lý do bất khả kháng không viết được thì ngày hôm sau viết bù, cứ như vậy, ông viết, dịch, ghi chép, tìm tài liệu...Cứ tưởng tượng một cụ già mảnh khảnh đau yếu ngồi ở bàn viết hết năm này đến năm khác lần lượt dịch hết bộ Chiến Tranh Và Hoà Bình rồi Sử Ký Tư Mã Thiên, Chiếc Cầu Trên Sông Drina, Vinh Nhục Một Đời, khảo về Văn Minh Trung Hoa rồi đến Văn Minh Ấn Độ, tìm cho được Bài Học Do Thái, tìm hiểu Kinh Dịch rồi tìm hiểu tương lai nhân loại năm 2000, cuộc đời Tô Đông Pha...Bấy nhiêu công việc ôm đồm một mình làm hết trong một đời người, hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc. Vậy mà vẫn còn thì giờ để đọc rất kỹ bất cứ bản thảo hay cuốn sách của bất cứ người viết trẻ vô danh nào gửi tới tặng và xin ý kiến.
Sau năm 1975, Nguyễn Hiến Lê vẫn tiếp tục làm việc một ngày tám tiếng cho những tác phẩm dự định biên soạn từ trước. Ông tìm hiểu và khảo cứu trở lại cả nền triết học Trung Hoa. Lúc tôi rời Việt Nam, cuối năm 1981, ông đã viết xong cuốn khảo cứu Kinh Dịch, và Đạo Đức Kinh. Ông cũng đã sửa chữa và hoàn tất tập hồi ký về cuộc đời viết văn của mình. Lúc nào tôi đến ngôi biệt thự yên tĩnh ở đường Kỳ Đồng để thăm ông, Nguyễn Hiến Lê vẫn hiện ra y như lần đầu tiên tôi gặp: bộ bà ba trắng, đôi mắt tinh anh sáng quắc, những lời thăm hỏi ân cần, điếu thuốc rê nhỏ xíu bên mép và những cuốn sách ông đang viết hay sắp viết.
Năm 1980, sau khi viết được 1000 trang nửa đầu bộ trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ đề tài là cuộc đời vua Quang Trung từ thời hàn vi cho đến lúc mất, tôi mang xấp bản thảo dầy cộm đến nhà Nguyễn Hiến Lê nhờ ông đọc hộ. Dù bận viết cho xong bộ Kinh Dịch, ông vẫn vui vẻ nhận xấp bản thảo, hẹn một tháng sẽ trả lại cho tôi. Đúng một tháng sau, đến thăm ông, ông đưa cho tôi tập bản thảo với những lời ghi chú phê bình bằng bút chì rất cẩn thận chi tiết. Chẳng hạn ở đoạn tôi tưởng tượng Nguyễn Nhạc (lúc bấy giờ trên ba mươi tuổi) gửi hai cậu em Lữ và Huệ xuống An Thái học chữ nho thầy giáo Hiến, tôi có tả cảnh ông anh cả đưa cho Nguyễn Lữ số tiền 50 quan. Nguyễn Lữ đưa tay nhận món tiền của anh, cúi đầu nghe những lời căn dặn, rồi từ biệt ra đi.
Nguyễn Hiến Lê lưu ý tôi về số tiền 50 quan này. Vì căn cứ theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, thì hồi đó ở phủ Qui nhơn tiền lưu hành hầu hết là tiền kẽm, lại là thứ tiền kẽm xấu nặng trình trịch dễ mục dễ vỡ. Năm mươi quan mà tính theo tiền kẽm phải là một xâu tiền nặng, cho nên không thể có cảnh Nguyễn Lữ đưa tay khơi khơi nhận 50 quan của Nguyễn Nhạc được. Cả hai cậu em Huệ Lữ phải khệ nệ mất nhiều sức lắm mới xách nổi xâu tiền. Nên ông đề nghị tôi rút bớt số tiền xuống cho hợp lý.
Lần nào tới thăm ông, tôi đều được học những bài học bất ngờ như vậy. Và mỗi lẫn gặp ông, tôi đều nhớ lại hai câu thơ cổ:
Khẳng khái cần vương dị
Thung dung tựu nghĩa nan.
Vâng, ông là người không ồn ào, không phô trương hào nhoáng, không cố làm cho người đời thấy mình rực rỡ lóng lánh mà chỉ lặng lẽ làm việc, thung dung đạt được điều nghĩa.
Niềm tin tưởng ở công việc mình làm nơi ông lớn lao quá, đến độ cuộc sống và thời cuộc không ảnh hưởng nhiều đến ông. Giữa một xã hội chữ nghĩa mất giá, ông vẫn giữ trọn niềm trân trọng đối với chữ nghĩa.
Tôi cho đó là bài học lớn tôi học được nơi ông.
*_* Nguồn:
NGUYỄN MỘNG GIÁC - Nguyễn Hiến Lê trong đời tôi. - Gặp Lại Thương Yêu - Du Tử Lê
*_* Đọc thêm
NGUYỄN HIẾN LÊ
GƯƠNG TỰ HỌC CHO MỌI NGƯỜI