Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

LÒNG TỐT

LÒNG TỐT

Theo Moral Stories

 

Cột điện trong làng xuất hiện dòng chữ lạ; vài ngày sau, bà lão mù đã thực sự đổi đời.

Dòng chữ trên cột điện viết gì mà một bà lão nghèo và bị mù lòa trong làng lại đứng trước cơ may đổi đời như vậy?

Một hôm, đang đi trên đường, 1 người đàn ông bỗng nhìn thấy trên cột điện có 1 mảnh giấy viết mấy dòng chữ. Tò mò, anh ta đến gần để đọc thì thấy nội dung thế này: "Hôm qua, tôi có đánh rơi tờ 50 rupee trên con đường này nhưng vì mắt tôi không nhìn rõ nên không thể tìm ra nó. Vì thế, nếu ai có nhìn thấy thì hãy cho tôi xin lại nhé. Đây là địa chỉ của nhà tôi..."

Sau khi đọc xong, người đàn ông nghĩ 50 rupee chẳng phải là số tiền lớn (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ - chỉ tương đương khoảng 15.000 VNĐ), nếu ai đó đánh mất có 50 rupee thôi mà còn phải cất công viết lên cột điện để xin lại thì có lẽ là đối với họ, đây là số tiền rất quan trọng. Có lẽ họ không may mắn có được 1 cuộc sống dễ dàng. 

Chính vì thế, người đàn ông đã tìm đến đúng địa chỉ đã ghi trên cột điện rồi gõ cửa. Ra mở cửa cho anh là 1 bà lão mù lòa. Sau khi hỏi han, anh biết rằng bà lão chỉ sống có một mình trong ngôi nhà này mà không có chồng hay con cháu gì. 

"Bà ơi, cháu nghe nói bà đã đánh rơi 1 tờ 50 rupee, hôm nay cháu nhặt được nó nên đến để đưa lại cho bà", người đàn ông cất lời. 

Bà lão vừa nghe nói như thế, đôi mắt lại rưng rưng như muốn khóc. Sau đó, bà từ từ nói với anh: "Từ hôm qua đến bây giờ đã có gần 100 người tìm đến nhà tôi, ai cũng nói như anh. Tôi không hiểu chuyện này là sao. Tôi không biết chữ, mắt cũng gần như mù lòa, chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi cũng không đi ra đường để mà đánh rơi tiền. Thế nhưng lại có ai đó viết rằng tôi đánh rơi tiền ở giữa đường. Ban đầu có người nói như vậy với tôi, tôi còn không tin nhưng cả chục người rồi mấy chục người cứ tìm đến đây, hết người nọ đến người kia nói với tôi cùng 1 câu như anh thì tôi đã hiểu ra rồi. Có người tốt bụng nào đó thương cái thân già này nên đã viết như vậy nhưng tôi cũng không ngờ là trên đời này lại có nhiều người tốt đến thế...". 

Vừa nói, bà lão lại vừa khóc, nhất định không nhận tiền của người đàn ông. Thế nhưng người đàn ông cũng nhất định không chịu rời đi. Cuối cùng, bà lão đồng ý nhận số tiền nhỏ bé và cảm ơn anh ta, kèm theo 1 điều kiện là anh ta phải vứt mảnh giấy dán trên cột điện kia.

Người đàn ông đồng ý, song khi quay lại chỗ cây cột điện, anh ta bất ngờ nghĩ: "Hẳn là khi nhận tiền, bà lão mù cũng đã yêu cầu tất cả mọi người phải vứt tờ giấy đó đi, song nó vẫn cứ ở trên đó. Vậy thì sao mà mình phải vứt chứ?". 

Và rồi vừa đi, người đàn ông lại nghĩ tới người đầu tiên đã viết những dòng chữ trên cột điện. Người đó mới thực sự là ân nhân của bà cụ, cũng là ân nhân của anh và những người khác - người đã giúp họ có cơ hội để giúp đỡ 1 người đang cần đến nó và cho mọi người thấy rằng cuộc đời này thực ra rất ấm áp. 

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

KỲ THÚ TƯỢNG TỪ GỐC TRE TẠI HỘI AN

KỲ THÚ TƯỢNG TỪ GỐC TRE TẠI HỘI AN

Tiên Sa

Trở lại khu phố cổ Hội An vào ngày Mùng 6 Tết, chúng tôi có ấn tượng khi bắt gặp anh Huỳnh Phương Đỏ (49 tuổi) với làn da ngăm đen đang đục đẽo “biến hình” những gốc tre (phần dưới cùng của gốc tre có rễ) tưởng chừng bỏ đi lại trở thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo khiến cho nhiều du khách ngỡ ngàng, thích thú.

Anh Đỏ đang tạc tượng gốc tre trên đường Châu Thượng  Văn (phố cổ Hội An). Ảnh: Tiên Sa

 Đến thăm nơi sản xuất “di động” ven đường Châu Thượng Văn (gần chùa Cầu) mới thấy hết những nét tinh tế, hài hòa giữa “rễ” và “râu”… trên từng bức tượng bằng gốc tre rất có hồn. Hình như “tượng” bằng gốc tre biết nói, biết cười, biết cả suy tư.

Với nghề tạc tượng gốc tre này trước những năm dịch Covid 19, cơ sở của anh đón hàng trăm lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan và mua tượng hay nhờ anh khắc tượng của mình.

Qua trao đổi, anh Đỏ cho hay quê chính của anh là phường Minh An, thành phố Hội An. Từ một sự tình cờ, những gốc tre do lụt lớn năm 1999 trôi về tấp ở bờ sông Hoài (Hội An – Quảng Nam), anh Đỏ nhặt nhạnh đem về tạc thành những bức tượng. Tuy nhiên, chính sự tình cờ đó lại là cơ hội đổi đời cho anh có nghề mới trên con đường tìm tòi sản phẩm du lịch mới để phục vụ yêu cầu của khách du lịch gần xa ở phố cổ Hội An.

Anh Đỏ đang giới thiệu một tác phẩm bằng gốc tre. Ảnh: Tiên Sa

Trước khi chuyển nghề, anh Đỏ vốn là thợ điêu khắc gỗ có tiếng bởi anh theo học nghề với những bậc cao niên, danh tiếng trong làng mộc Kim Bồng từ năm 15 tuổi, anh dễ dàng với những nét đục đẽo đơn sơ, biến những gốc tre bỏ đi ấy thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao. Thời gian qua, đã có nhiều đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan và mua tượng gốc tre. Ngoài ra, họ còn nhờ anh tạc tượng họ bằng gốc tre, nhiều nhất và thú vị nhất là những vị khách có râu dài. Tất cả đều tỏ ra thích thú, có ấn tượng trước những tác phẩm tinh xảo này.

Nguồn nguyên liệu để sáng tác tượng gốc tre cũng dễ tìm vì thời gian qua do chỉnh trang đô thị, di dời giải tỏa, những bụi tre trong diện ấy có người cho anh đào hoặc bán với giá 20.000/gốc. Về đến nhà, anh cẩn thận lấy đất bu bám trong từng rễ của gốc tre bằng cách dùng máy bơm nước loại thật mạnh để xịt vào từng ngõ ngách. Như vậy, phần rễ sẽ không bị hư hỏng. Sau đó, anh dùng cưa, đục tách ra từng trối, rửa ráy sạch sẽ để khô.

Lúc rảnh rỗi, ngắm nghía, so đo từng gốc tre mà suy nghĩ, cân nhắc gốc này có rễ dài nên khắc ông nào, gốc kia có rễ ngắn nên khắc ông nào… 

“Nhiều tác phẩm, người xem rất có ấn tượng bởi những rễ tre không chỉ làm râu mà còn làm lông mày, tóc nữa. Tôi thấy không có bức tượng nào giống nhau do hình dáng các gốc tre khác nhau; tuy nhiên, thần thái nhân vật được tạc tượng luôn được thể hiện nhất quán”, anh tâm sự.

Anh Đỏ và vợ đang tạc tượng gốc tre. Ảnh: Tiên Sa

 Anh Đỏ cho hay những năm trước dịch Covid-19, cứ mỗi ngày, cơ sở anh sản xuất ra từ 10 tác phẩm tượng gốc tre. Hiện nay, trong cả nước có khoảng 7 đại lý bán tượng gốc tre của anh cho du khách. Trung bình mỗi tháng, anh bán từ 300 đến 400 tượng gốc tre. Giá cả còn tùy độ tinh xảo của từng tác phẩm, trung bình từ 200.000 đến 600.000 đồng/sản phẩm.

Tượng gốc tre của anh còn theo chân khách du lịch quốc tế về các nước Tây Âu, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch, thu hút khách đến phố cổ Hội An. Trong “kho tàng nghệ thuật dân gian” của anh Đỏ đã lên đến 200 tác phẩm tượng nghệ thuật gốc tre. Đó là các tác phẩm như chư vị Thập bát La hán, Quan Vân Trường, Trương Phi, Phước Lộc Thọ, Thập bát la hán, Đạt Ma Sư Tổ, Hải Thượng Lãn Ông, Bùi Giáng… với những kiểu dáng khác nhau.

Các bức tượng hình như biết nói, biết cười, biết cả suy tư. Ảnh: Tiên Sa

 Chị Trần Thu Vân (vợ anh Đỏ) cho biết với nghệ thuật gốc tre, chủ yếu anh chị lấy công làm lãi. Các gốc tre nghệ thuật hình ông Tam Đa Phúc, Lộc, Thọ dễ bán, được khách hàng cả mọi miền đều ưa chuộng. Đặc biệt, có những gốc tre có bộ rễ phức tạp, anh Đỏ phải bỏ ra tới 2-3 ngày mới hoàn thành nhưng giá bán cao nhất cũng chỉ 500.000 – 600.000 đồng/tượng. Các tác phẩm tạc khắc cầu kỳ này mất nhiều công, giá nhập cao sẽ kén khách nên vợ chồng anh chị để lại bán lẻ, cũng là cách để cửa hàng trưng ra những sản phẩm đẹp và độc đáo nhất tới du khách trong và ngoài nước.

Ba tác phẩm Phước, Lộc, Thọ. Ảnh: Tiên Sa

 Là nghệ nhân sống với nghề điêu khắc gốc tre cũng là nghề nghệ thuật đầu tiên và duy nhất của Hội An, hiện anh Đỏ đã truyền dạy nghề cho nhiều học trò. Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng học nghề làm sản phẩm nghệ thuật này.

Với anh Đỏ, chứng kiến ý tưởng của mình, tác phẩm nghệ thuật của mình được khách hàng yêu thích, thị trường chấp nhận là niềm vui không gì sánh nổi. “Còn gì hạnh phúc hơn một nghệ nhân sống được và sống tốt bởi chính cái nghề mình đã mất bao năm khổ luyện”, anh Đỏ tâm sự.

Những tác phẩm bằng gốc tre này đã theo chân du khách đi khắp vùng miền trong nước cũng như ngoài nước và thật sự những tác phẩm “gốc tre nghệ thuật” đã là một trong các “vị đại sứ” góp sức quảng bá hình ảnh quê hương tươi đẹp với lũy tre xanh của đất nước Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Tượng Đạt Ma Sư Tổ bằng gốc tre. Ảnh: Tiên Sa

 “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời gian qua thành phố Hội An đóng cửa nên các gian hàng trưng bày sản phẩm của tôi cũng đóng cửa theo. Tuy nhiên, vốn đam mê với nghề điêu khắc gốc tre, tôi chưa hề nghĩ sẽ từ bỏ. Vào những tháng cuối năm Tân Sửu và đầu năm mới Nhâm Dần 2022, sau khi thành phố Hội An mở cửa đón khách trở lại, gia đình tôi cũng bắt tay vào làm việc để chuẩn bị sản phẩm cho du khách trước và sau Tết cổ truyền. Hiện nay, đầu năm mới, thành phố Hội An mới mở cửa đón du khách quay trở lại nên tôi cũng bắt đầu bày bán trở lại, tuy nhiên khách hàng cũng còn hạn chế. Tôi mong năm nay dịch bệnh hết, chỉ cần bán ra một nửa sản phẩm như các năm trước là gia đình tôi vui rồi!”, anh Đỏ bộc bạch.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

MỪNG NGÀY LỄ TÌNH NHÂN 14 THÁNG 2

 BLOGGER THÀNH PHỐ GIÓ

Mến chúc quý độc giả một ngày

LỄ TÌNH NHÂN vui tươi và hạnh phúc!