Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

HAPPY FATHER'S DAY

HAPPY FATHER'S DAY

Sáng tác: Lê Tín Hương

Tiếng hát: Ninh Cát Loan Châu

Thực hiện: Nguyễn Đăng Cao


NGÀY LỄ CHA

NGÀY LỄ CHA


Nhân Ngày "Father 's Day" Tìm Hiểu "Công Cha" và Chữ Hiếu Trong Truyền Thống Dân Việt
Nguyễn Châu sưu tầm
PHẦN I
"FATHER'S DAY" CÓ TỪ BAO GIỜ?
Phong tục Hoa Kỳ và Bắc Mỹ có hai ngày trong năm dành để vinh danh hai đấng sinh thành đó là người Mẹ và người Cha trong gia đình.
Ngày vinh danh Mẹ vào tháng Năm và ngày vinh danh người Cha vào tháng Sáu.
FATHER'S DAY là ngày gì?
Trong truyền thống và phong tục Hoa Kỳ thì Father' s Day là một ngày trong đó những người con của gia đình bày tỏ lòng biết ơn và yêu kính đối với người cha bằng một số nghi lễ như: cầu nguyện, thăm viếng và tặng quà. (Trường hợp khó khăn và ở quá xa thì gửi thiếp và quà đến cho Cha).
Tạm gọi là “Ngày vinh danh Cha.”
Tập tục này đã được nhiều quốc gia thực hiện. Tại Hoa Kỳ và Canada, Ngày vinh danh Cha được ấn định vào Chủ Nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng Sáu.
Do đó, Father's Day năm nay nhằm ngày Chủ Nhật 20-6-2021
LAI LỊCH "FATHER'S DAY" TẠI MỸ
Qua lịch sử văn hóa Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, người ta nhận thấy là dường như tất cả các ngày lễ hội, các phong tục đều trải qua một quá trình từ sáng kiến qua hình thành, đến chỗ thành Quốc lễ, được Quốc Hội chấp thuận.
Thật vậy, nếu Ngày Vinh Danh Mẹ cũng đã phải trải qua nhiều năm, nhiều cuộc vận động, mới được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận làm ngày quốc lễ, thì Ngày Vinh Danh Cha cũng thế.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
Năm 1909, sau khi nghe một lời thệ nguyện trong ngày Vinh Danh Mẹ, bà Sonora Louise Smart Dodd của thành phố Spokane, tiểu bang Washington, đã nảy ra ý tưởng dành một ngày đặc biệt để vinh danh người cha. Lúc đó bà ta muốn vinh danh thân phụ của bà là ông William Jackson Smart, một người cha đã tận tụy hi sinh vì con.
Ông Smart góa vợ năm 1898. Ông đã ở vậy nuôi dạy sáu đứa con nên người. Sau khi đã làm lễ vinh danh thân phụ mình, bà Dodd đã gửi một thỉnh nguyện lên Quốc Hội Hoa Kỳ đề nghị xin chấp nhận ngày Vinh Danh Cha là quốc lễ. Hội đồng mục vụ Spokane và Hội Ðàn Ông trẻ Thiên Chúa giáo tại địa phương đã tích cực hỗ trợ thỉnh nguyện này.
Qua những nỗ lực vận động của bà Dodd, thành phố Spokane đã cử hành lễ Vinh Danh Người Cha đầu tiên vào ngày 19 tháng 6-1910.
Nhưng phải mất nhiều năm và với nhiều đề nghị, thỉnh nguyện gửi Quốc Hội, FATHER'S DAY (Ngày Vinh Danh Cha) mới có thể thành một ngày lễ chính thức của quốc gia.
Vấn đề này đã được giới Lập Pháp quan tâm cứu xét. Cuối cùng, vào năm 1972, Tổng Thống Richard M. Nixon đã ký sắc luật chấp thuận Father's Day là một ngày quốc lễ. Quá trình vận động là 62 năm kể từ khi khởi xướng.
(World Book 2002).
PHẦN II
NGÀY VINH DANH CHA TẠI HOA KỲ VÀ CHỮ HIẾU TRONG TRUYỀN THỐNG.VIỆT NAM
Người Mỹ và Canada dành một ngày trong năm để các con có dịp tỏ lòng biết ơn và vinh danh người cha. Người Việt Nam không có phong tục này.
Tại sao một dân tộc đề cao chữ hiếu, xem “công cha như núi Thái Sơn” lại không có một ngày chính thức để con cái tỏ lòng biết ơn cha và báo hiếu?
Các nhà nghiên cứu về phong tục tập quán cho rằng tại Hoa Kỳ có một ngày nhất định trong năm để con cái chính thức bày tỏ lòng hiếu thảo, đó là vì hoàn cảnh sinh hoạt, nơi ăn ở và tập quán “khi con cái đã lớn thì ra riêng để có đời sống tự lập”, cha mẹ chỉ còn vai trò tham vấn và chăm sóc gián tiếp, con cái không thể thường xuyên lo lắng chăm sóc cha mẹ được.
Việc có một ngày riêng trong năm, để những đứa con hiếu thảo chuẩn bị quà cáp, sửa soạn chuyến đi về thăm Cha, bày tỏ lòng biết ơn. Còn đối với người Việt Nam tại quê nhà, việc báo hiếu là thường trực, nhất là khi cha mẹ già yếu. Vì vậy không cần phải có riêng một ngày cho Cha, một ngày cho Mẹ. Chữ Hiếu của Việt Nam luôn luôn bao gồm cả Mẹ Cha vì:
“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con”
Ðối với cha thì ghi “công ơn”, đối với mẹ thì nhớ “nghĩa”. Công cha so sánh với núi vì sự to lớn, bền bỉ và cố định, thuộc về lý trí. “Nghĩa mẹ” so sánh với “nước nguồn” vì tính chất tươi mát, bao dung, nhuần thấm của tình mẹ tuôn tràn không bao giờ cạn.
Hiếu thảo là thể hiện của đạo làm con, một cách tự nguyện. Cha mẹ Việt Nam khi sinh và nuôi con, không hề nghĩ đến việc con sẽ báo hiếu, hoặc để cậy nhờ về sau.
Trong cuốn “Văn Minh Việt Nam”, Lê Văn Siêu đã ghi nhận: “Ở xứ ta, đã không hề có ai tính đến sự báo hiếu ấy, mà chỉ biết có mỗi việc cắm cúi nuôi con. Nhưng trong một nước nhỏ yếu mà nghèo, giữa một hoàn cảnh xã hội cũng nghèo. nuôi được một đứa con nên người là đã có cả trăm ngàn điều hy sinh của cha mẹ rồi. Tội nghiệp lắm! Người ta có tiếc là tiếc cái phần hưởng của chính người ta, chớ có thể không hề ai tiếc với con với cái. Người ta nhịn tất cả cho con. Nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn xe cộ, nhịn đi chơi, nhịn cả thuốc thang nữa, để lúc nào con chìa tay ra xin tiền mua sách là có sách, đưa áo rách lên thì có áo lành, đi chơi với chúng bạn thì có tiền lót đường, về đến nhà thì có cơm, ốm đau thì có thuốc. Miễn con được bằng anh, bằng em, là người làm cha làm mẹ không tủi phận.” (sđd, trang 152).
Do đó, việc báo hiếu rất quan trọng và được thực hành một cách linh động nặng về tâm linh, tình cảm hơn là quà cáp vật chất dâng tặng cho cha mẹ. Vì vậy, người ta thường nói “Nhà nghèo mới biết được lòng hiếu của con cái, nước gặp lúc nguy biết mới biết người trung thành” [Gia bần tri hiếu tử, Quốc biến thức trung thần]. Ý nói: trong cảnh nghèo mà con cái gắng sức lo cho cha mẹ, dù ít ỏi, vẫn quý hơn là khi chúng giàu có, đem dâng những quà cáp đắt tiền.
1.- ÐẠO HIẾU HAY CHỮ HIẾU
Một trong những quy phạm quan trọng nhất đối với con người là ÐẠO HIẾU, còn gọi là ÐẠO LÀM CON.
2.- ÐỊNH NGHĨA
HIẾU là tình cảm của người con đối với CHA MẸ được thể hiện trong hành động yêu thương, kính trọng, phụng dưỡng khi còn sống, chăm sóc lúc ốm đau, tật nguyền và thờ tự ”hương khói” sau khi chết.
Trong chuỗi hành động hiếu thảo nói trên, sự kính trọng cha mẹ là cao nhất.
3.- SỰ THỂ HIỆN
Sự kính trọng cha mẹ được bộc lộ trong các hành vi như:
a) Vâng lời cha mẹ.
b) Bảo vệ danh dự gia đình, không được có hành vi xấu làm cha mẹ bị mang tai tiếng.
c) Luôn luôn cố gắng duy trì nền nếp gia đình, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha mẹ và tăng thêm uy tín gia đình.
4.- NHỮNG VẤN ÐỀ LIÊN QUAN ÐẾN CHỮ HIẾU
Từ xưa, trong xã hội Việt Nam, Ðạo Hiếu đã đặt ra nhiều vấn đề cho người con trong gia đình, nhất là con trai. Các nhà nho thường nói đến ” BA ÐIỀU BẤT HIẾU”. Họ phán rằng: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”: Bất hiếu có ba điều, không có con tiếp nối đời sau là nặng nhất.
“Không có đời sau” (vô hậu) nghĩa là không có con để nối dòng (vô hậu kế đợi) là tội bất hiếu lớn nhất.
Còn hai điều bất hiếu khác, ít ai chỉ ra một cách rõ ràng, dứt khoát là những điều gì . Nhiều người đã giải thích một cách tùy tiện; không có căn cứ sách vở. Chẳng hạn: cha mẹ già con đi xa là bất hiếu; con cãi lời cha mẹ là bất hiếu... Những lối giảng giải trên đây thuộc loại suy đoán.
Sau đây là ba điều ”Bất hiếu” được ghi theo thứ tự trong sách. Sách ”Minh Tâm Bảo giám” (Gương quý soi lòng) nói về Ba Bất Hiếu như sau:
1- A ý khuất tòng, nhất bất hiếu giả (A ý khuất tòng nói tắt là "
2- Gia bần thân lão bất vi lộc sĩ, nhị bất hiếu giả
3- Vô thú, bất tử, tuyệt tiên tổ tự, tam bất hiếu giả.”
Nghĩa là:
- Ðiều bất hiếu thứ nhất: Hùa theo ý kiến của cha mẹ một cách thụ động, không cần biết phải, trái [A tòng"có nghĩa là nghe theo một cách mù quáng, không cân nhắc đúng/ sai...]
- Ðiều bất hiếu thứ hai: Nhà nghèo, cha mẹ già mà không lo kiếm việc làm để có tiền của (vi lộc sĩ: đi làm có tiền để nuôi cha mẹ).
- Ðiều bất hiếu thứ ba: Không cưới vợ, không có con, làm đứt (tuyệt) dòng nối tiếp của tổ tiên.
[“Tuyệt tiên tổ tự” thường nói tắt là ”tuyệt tự” nghĩa là ”đứt dòng.”; chữ “Thú”: nguyên nghĩa là lấy vợ, "Giá" là lấy chồng]
Trong ba điều trên, không lấy vợ để nối tiếp dòng họ ở các đời sau, được xã hội Trung Hoa và Việt Nam xem là nặng nhất. Nên biết là người xưa không nghĩ đến vấn đề khiếm khuyết sinh lý trong cấu tạo nhân thể, cho nên cứ người nào không có con đều bị đánh giá là vô phúc.
“Có phúc nghĩa là có người nối dõi tông đường, giữ được hương khói cho tổ tiên để (các bậc nầy) khỏi tủi nhục vì không người cúng giỗ, đến nỗi phải đi “cướp cháo lá đa” như những cô hồn không nơi nương tựa... Có phúc nghĩa là mình có làm ăn vất vả, tay nóng đổ tay nguội, để dành dụm được một sản nghiệp nào thì cũng chắc chắn là có con đấy cho nó hưởng...” (Lê Văn Siêu, sđd, trang 150-151)
Người đàn bà lấy chồng mà không mang thai thường bị rủa là ”Cây độc không trái, gái độc không con” ít ai nghĩ đến lỗi và khuyết tật của người đàn ông vô sinh trong vấn đề vợ chồng không sinh được con nối dòng.
Sách MINH ÐẠO GIA HUẤN của Trình Di (1032-1085) đã viết về đạo hiếu như sau:
“Bất hiếu giả tam
Vô hậu vi đại
Hữu thân bất ái
Hữu huynh bất kính
Cầu tha ái kính
Khởi khả đắc hồ?”
Dịch nghĩa:
Bất hiếu có ba điều:
Không có con là lớn nhất.
Có cha mẹ chẳng yêu mến
Có anh chẳng kính trọng
Lại mong được người ngoài yêu kính
Làm sao mà có được?
“BẤT HIẾU” và ”THẤT HIẾU”
Trong cách nói hàng ngày, nhiều người còn dùng chữ ”thất hiếu” với ý nghĩa tương đương với ”bất hiếu”. Thực ra có sự khác nhau rất tế nhị giữa ”bất hiếu” và ” thất hiếu”.
Sách ”Minh Ðạo Gia Huấn” trong phần ”Huấn tử nghĩa phương” tức là ”Dạy con theo hướng tốt và đúng đạo lý” đã ghi một cách chi tiết về các hành vi gây nên sự mất đạo hiếu (thất hiếu) như sau:
“Thất hiếu giả bát:
Học vấn bất cần,
Ðổ bác vong thân
Tửu sắc, tranh đấu
Ðạo thâu bôn tẩu
Tranh tụng bại gia
Tông tộc bất hòa
Phụ mẫu bất ái
Hữu quá bất cải.”|
Dịch nghĩa:
Không hoàn thành đạo Hiếu có tám hành vi:
1/ Học hỏi chẳng siêng năng
2/ Ðánh bài bạc hại đến thân
3/ Rượu, gái, tranh dành, đánh lộn
4/ Trộm cướp rồi chạy trốn
5/ Kiện cáo đến tiêu tan sản nghiệp nhà
6/ Không hòa thuận với họ hàng, gia tộc
7/ Không thương yêu cha mẹ
8/ Có lỗi mà không chịu hối cải, sửa đổi.
Sách nhấn mạnh điều thứ tám như sau:
“Hữu quá bất cải
Thất hiếu vưu đại!”
Nghĩa là: Có lỗi mà không chịu sửa đổi là cách mất đạo hiếu nặng nhất!
“BẤT HIẾU” và ”THẤT HIẾU” KHÁC NHAU THẾ NÀO?
Ðến đây, thiết nghĩ cũng nên làm rõ nghĩa của những từ ngữ gốc Hán-Việt này.
- ”BẤT HIẾU” và ”THẤT HIẾU”
- ”VI ÐẠI” và ”VƯU ÐẠI”
1/- ”BẤT HIẾU”: là chẳng có hiếu. ” BẤT” tương đương với tiếp đầu ngữ (Prefixe) ”UN” (NON) chỉ thị sự ”không có”, tình trạng không hiện hữu. "Bất hiếu” là không có Hiếu, không có lòng yêu kính cha mẹ. Thậm chí còn oán trách người sinh thành ra mình.
Ở Âu châu, vào thập niên 1950, phong trào Triết Học Hiện Sinh đã nêu ra vấn đề cha mẹ sinh con, đưa con vào đời mà không có ý kiến của con, nên không thể đặt vấn đề công ơn được! Con không nợ nần gì cha mẹ cả, có thể ngược lại, vì cuộc đời xem ra là một hiện hữu ”bi đát” và “phi lý”... tại sao lại đưa con vào cuộc hiện hữu ấy?
Tại Mỹ, đã có một số con cái nói với cha mẹ rằng "I didn't ask to be borned" (Con không yêu cầu được sinh ra) khiến cho cha mẹ buồn lòng.
2/-”THẤT HIẾU”: là làm mất đạo hiếu, lỗi đạo hiếu, bỏ qua đạo hiếu, không thực hiện được đạo hiếu một cách đúng đắn. Chữ "THẤT” có nghĩa là ”mất đi”, không giữ được. ” Thất hiếu là không giữ được đạo hiếu vì những chi phối của tâm tính hay hoàn cảnh chứ trong lòng vẫn có hiếu, nghĩa là vẫn biết thương kính cha mẹ.”
Chẳng hạn, vẫn thương cha mẹ, nhưng không bỏ được thói mê cờ bạc rồi nghĩ rằng miễn là có lo lắng, chăm sóc cha mẹ là hiếu rồi.
3/- VI: làm nên, xem như
4/- VƯU: hơn hết, sự lầm lỗi cao nhất
(Từ điển Hán Việt-Ðào Duy Anh: Vưu: a/Vật trổi hơn cả, đặc biệt. b/ Óan giận (Vưu nhân: oán người) c/ Vưu là cục bướu cổ. d/ vưu vật là vật quý hiếm- nghĩa bóng chỉ con gái đẹp.)
5.- CÁCH THỂ HIỆN LÒNG HIẾU
Chính nhờ những qui định rất chi tiết của ”đạo làm con” trong gia đình Việt Nam, mà ngôi nhà truyền thống trở thành nơi ”An Dưỡng” của những người cao niên trong gia đình như ông bà, cha mẹ và đôi khi cả cô dì, chú bác... những người thân chẳng may rơi vào cảnh cô quả (như góa chồng, góa vợ mà không có con cái, không có tài sản, không thể tự mình nuôi sống...).
Sau đây là những lời khuyên dạy của người xưa về cách thức thể hiện lòng HIẾU đối với cha mẹ:
-"Phụng dưỡng lễ nghi
Mạc tị ô uế
- Phụ mẫu thường tại
Bất khả viễn du
Hiếu chi thủy dã
- Lập thân hành đạo
Dương danh ư hậu
Dĩ hiển phụ mẫu
Hiếu chi chung dã.”
Dịch nghĩa:
- Nuôi nấng đủ lễ nghi
Không thấy sự dơ bẩn mà né tránh
- Cha mẹ còn sống
Chẳng nên đi chơi xa
Là khởi đầu của sự hiếu
- Lập thân, làm tròn phận sự với đời
Làm sáng danh trong tương lai
Cha mẹ được tiếng thơm
Là kết cuộc của đạo hiếu.
6.- THẢO
Chữ Hiếu thường đi kèm theo chữ Thảo. Vậy ”Thảo” là gì?
Thảo thường được hiểu như là hành vi thể hiện đạo Hiếu. Thảo có nghĩa là làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ một cách tự nguyện, với lòng cung kính và hào hiệp, không tính toán thiệt hơn. Thảo là một tiếng gốc Việt nên không có trong Từ Ðiển chữ Hán hoặc hán Việt với nghĩa như trên. Ngay cả từ kép ”hiếu thảo” cũng không có. Chúng tôi thấy chữ ”Thảo” xuất hiện trong một số Từ điển Việt Anh như sau:
-Thảo: dutiful to parents - Con thảo: dutiful son ( Nguyễn Văn Khôn, trang 1036)
- Hiếu thảo: Pious - con hiếu thảo: pious son (NVK trang 468).
- Thảo: to be pious, generous, devoted - Lòng thảo: filial piety.( Nguyễn Ðình Hòa, trang 456)
- Thảo: tt, generous, open-handed - Lòng thảo: Be open-handed, Dutiful. (Lê Khả Kế và một nhóm giáo viên -Saigon).
Sách “Hán Việt Thành Ngữ” chỉ có chữ ”hiếu” không có chữ ”thảo”. Chữ Hiếu được ghi tiếng Pháp tương đương là: Pieux - Piété filiale.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
“Có phước được dâu hiền, rể thảo
Vô phước bị dâu báo rể thù”
Như vậy người có lòng thảo là người rộng rãi và hào phóng trong khi thể hiện đạo hiếu, lo cho cha mẹ sung sướng mà không sợ tốn kém của cải.
Người có lòng thảo là người luôn giúp đỡ người khác một số vật chất cần thiết cho cuộc sống như cái ăn, cái mặc... một cách vui vẻ, tự nguyện. Do đó, người con hiếu thường là người rộng rãi trong việc làm bổn phận đối với cha mẹ, dù phải tốn kém thết đãi mọi người cũng không từ chối, miễn là cha mẹ được vui.
Nguyễn Châu
(trích từ “Mái Nhà”- Những Ðặc Trưng Của Gia Ðình Việt Nam)

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022

NHƯ HẠT MƯA BAY

 NHƯ HẠT MƯA BAY

Nhạc và lời: Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng

Tiếng hát: Ca sĩ Hà Thanh

Hòa âm: Nhạc sĩ Đỗ Hải

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2022

NGƯỜI ĐÀN ÔNG DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐƯỢC CHÔN TRÊN MẶT TRĂNG

NGƯỜI ĐÀN ÔNG DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐƯỢC CHÔN TRÊN MẶT TRĂNG
Thanh Trúc

Có thể rất ít người biết được rằng trên tinh cầu gần với chúng ta nhất – Mặt Trăng, có chôn một người Trái Đất. Ông ấy là người duy nhất trong lịch sử nhân loại có tro cốt được chôn cất trên Mặt Trăng sau khi qua đời. Ông ấy là ai? Và vì sao lại chôn tro của người này trên Mặt Trăng?
Người được chôn tro cốt trên Mặt Trăng này không quyền quý, không phải tỷ phú, cũng không phải nhân vật lừng lẫy, ông ấy tên là Eugene Shoemaker (28-4-1928 – 18-7-1997), từng là một nhà thiên văn, địa chất học của Mỹ.
Ông Eugene sinh ra trong một gia đình bình thường ở tiểu bang California vào năm 1928. Từ nhỏ ông đã rất hứng thú với khoa học, hơn nữa ông lại có thiên phú, thông minh hơn người. Ông có một sở thích đó là sưu tập các loại quặng. Sau này lớn lên, ông đã theo học ngành khoa học địa chất một cách có hệ thống hơn trong trường đại học, chẳng những nghiên cứu khoáng thạch trên Trái Đất, mà còn nghiên cứu các loại thiên thạch đến từ vũ trụ.
Năm 1949, ông Eugene đã đạt được học vị thạc sỹ khoa học địa chất của Viện công nghệ California.
Năm 1950, ông Eugene vào làm việc tại Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, bắt đầu xoay vần với các hố thiên thạch lớn nhỏ từ khắp nơi trên Trái Đất, nghiên cứu kết cấu của chúng. Năm 1961, ông Eugene thành lập Dự án nghiên cứu Địa chất Thiên văn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, bắt đầu công việc nghiên cứu địa chất và thiên văn của nhân loại.
Cùng năm đó, để nghiên cứu các hố thiên thạch trên Mặt Trăng, ông đã tham gia vào kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của NASA và được chọn là ứng viên của kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng Apollo! Đó là lần thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên trong lịch sử nhân loại và cũng từng là ước mơ lớn nhất của ông Eugene.
Là một ứng viên của kế hoạch lên Mặt Trăng, ông Eugene rất mong mỏi ngày đó đến và cũng đã bắt đầu mọi đợt huấn luyện và công tác chuẩn bị của thành viên phi hành đoàn. Nhưng chẳng may ông Eugene được chẩn đoán bị một căn bệnh bẩm sinh và không thể chữa được: bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát). Đây là một loại bệnh nhẹ đến mức không dễ phát hiện được, triệu chứng chủ yếu là dễ mệt mỏi. Nhưng với yêu cầu về thể chất cực kỳ nghiêm ngặt đối với các phi hành gia thì dĩ nhiên ông Eugene đã mất đi cơ hội được lên Mặt Trăng.
Mang theo đầy sự nuối tiếc, nhưng ông Eugene không hề mất tinh thần, mà hoàn toàn đầu tư vào việc nghiên cứu khoa học trên các hành tinh cũng như giúp đỡ các thành viên phi hành đoàn khác thực hiện việc huấn luyện. Ông nhiều lần cùng các thành viên phi hành đoàn bay đến Arizona để quan sát hố thiên thạch Barringer và miệng núi lửa Sunset Crater ở đó, bởi vì nơi đó rất giống với bề mặt của Mặt Trăng. Ông cũng thảo luận với các thành viên phi hành đoàn cách để thu thập tài liệu trên Mặt Trăng.
Sau khi kế hoạch lên Mặt Trăng kết thúc, ông Eugene tiếp tục nghiên cứu và quan sát các hành tinh và thiên thể, ông đi đi về về các nơi trên thế giới, quan sát những dấu tích để lại do thiên thạch đến từ bên ngoài Trái Đất.
Năm 1993, ông Eugene đã có phát hiện quan trọng khi đã 65 tuổi. Năm đó, lúc cùng vợ và một nhà khoa học khác quan sát đo lường thiên thể tại đài thiên văn Paloma ở California, ông đã vô tình phát hiện một ngôi sao chổi bất thường. Do ông Eugene phát hiện sớm nên lần đầu tiên nhân loại đã được chứng kiến hiện tượng sao chổi va chạm với sao Mộc vào năm 1994, đồng thời cũng viết nên chương mới cho sự phát triển thiên văn của nhân loại. Sau này người ta đặt tên ngôi sao chổi này theo tên của gia đình ông: “Shoemaker-Levy”.
Năm 1997, khi nghiên cứu thiên thạch ở Úc, ông đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe, hưởng thọ 69 tuổi. Để tưởng niệm nhà khoa học địa chất thiên văn đã cống hiến một đời này, cũng như bù đắp cho ước mơ lên Mặt Trăng chưa thực hiện được khi còn sống của ông Eugene, NASA đã hợp tác cùng công ty Celestis lên kế hoạch đưa tro của ông lên Mặt Trăng, nhằm thực hiện nguyện vọng lúc sinh thời của nhà khoa học này.
Tháng 1-1998, NASA cho phóng tàu thám hiểm Mặt Trăng mang theo tro cốt của ông Eugene bay lên Mặt Trăng, tròn 30 năm, kể từ lần đầu tiên ông Eugene ước mơ được lên đó. Tro cốt của ông được đặt trong một vật hình con nhộng làm từ polycarbon, bên ngoài được bọc một lớp đồng thau, bên trên dùng tia laze khắc tên và ngày sinh, ngày mất của ông cùng 2 bức ảnh và 1 bài thơ.
2 bức ảnh đó là sao chổi Shoemaker-Levy, đây là phát hiện to lớn trong đời ông và hố thiên thạch Barringer – chương trình nghiên cứu quan trọng nhất cả đời ông. Còn bài thơ được trích từ quyển “Romeo & Juliet” của Shakespear.
Năm 1999, con tàu thám hiểm Mặt Trăng không người lái hoàn thành nhiệm vụ đáp lên Mặt Trăng, mang theo tro cốt của ông Eugene, chôn sâu bên dưới bề mặt của Mặt Trăng.
May be an image of 2 people
 

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI

 ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI

Chuyện phiếm của Phan Lục
Nhu cầu cấp bách của người Pháp khi đô hộ nước ta hồi gần cuối thế kỷ 19 là phải hủy bỏ nền Hán học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, khi chiếm được Nam kỳ xong, người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Hán học với chủ tâm cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Các kỳ thi Hương bị hủy bỏ và chữ Hán cũng như chữ Nôm trong các công văn, giấy tờ hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Các trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ được thiết lập.
Lúc sơ khai, ở mỗi tỉnh chỉ có một hoặc hai ngôi trường tiểu học và ở vài ba làng xã mới có một ngôi trường Sơ học gồm có 3 lớp là Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng (tương đương với các lớp 1, 2 và 3 bây giờ). Những vị khoa bảng Hán học như Tú tài, Cử nhân và Tiến sĩ đều phải tìm học chữ quốc ngữ ở kinh đô, nơi mà các vị đã từng mang lều chõng đi thi Hương hoặc thi Hội. Còn một số ít con em của nông dân ở thôn quê thì được cha mẹ dành tiền cho theo học ở các trường Sơ học và chỉ những gia đình khá giả mới đủ điều kiện cho con em lên tỉnh học Tiểu học. Sau khi học xong 3 lớp Sơ học, các học sinh phải dự thi lấy bằng Sơ học Yếu lược. Lúc bấy giờ, ai đậu được cái bằng Sơ học Yếu lược thì cũng hãnh diện chẳng khác nào ngày trước các vị thi đậu bằng Tú tài hay Cử nhân Hán học vì da số dân quê không có điều kiện đi học và đến 90% đều mù chữ.
Về mặt hành chánh, mỗi làng quê có một Hội Đồng Hương Chính gồm có 5 hương chức gọi là ngũ hương nắm quyền cai trị là Lý trưởng hoặc Hương Cả (lo điều hành tổng quát công việc làng), Hương bộ (lo việc sổ sách và hộ tịch), Hương bổn (lo việc thu thuế và chi tiêu công quỹ), Hương kiểm (lo việc tuần phòng và tư pháp) và Hương quản (lo việc điền thổ và đường sá).
Ở làng tôi lúc đó chỉ duy nhất một ông có văn bằng Sơ học Yếu lược được xem là người hay chữ nhất. Thực ra hồi nhỏ, ông học hành cũng không được thông minh cho lắm; người ta học 3 năm thì thi đậu bằng Sơ học Yếu lược nhưng ông phải học đến 4 năm mới thi đậu vì môn tập làm văn của ông quá kém, phải ở lại lớp Sơ đẳng thêm một năm. Tệ nhất là môn chính tả, ông không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã cũng như chữ nào có g, chữ nào không có g và chữ nào tận cùng bằng c, chữ nào tận cùng bằng t … Nhưng “chó ngáp phải ruồi”, khi trưởng thành, ông được cử giữ chức Hương bộ vì trong làng không có ai có học thức hơn ông để lo việc sổ sách của làng.
Nhiều lần trong việc ghi sổ bộ hộ tịch, vì phần lớn dân quê mù chữ đến khai miệng tên con mới sinh khiến ông đã viết sai chính tả vào sổ bộ đến nỗi sau này khi lớn lên, một số người rất xấu hổ với cái tên của mình. Có ông họ Trương đến khai tên con mình là Trương Mục Đích thì ông ghi vào sổ là Trương Mụt Đít, một bà khác lai Tàu đến khai tên con là Trần Đại Hán (ý muốn nhớ về tổ tiên của mình) thì ông ghi vào sổ là Trần Đại Háng và vài dân quê chất phác đến khai tên con mình là Trần thị Mưu, Phạm Mộng Thúy, Nguyễn Thu Cúc v.v… thì ông ghi là Trần thị Mu, Phạm Mộng Thúi, Nguyễn Thu Cút v.v… trong sổ bộ khai sinh.
Tuy thế, cái dốt chính tả của ông Hương Bộ cũng ít ai biết đến vì đa số dân làng đều không biết chữ và vì lúc nào ông cũng tỏ ra ta đây là người có học nên chê bai hết mọi người. Từ đó, ông dương dương tự đắc coi mình là “số một trong làng” nên rất hống hách và ăn nói bừa bãi, đôi khi còn văng tục với bất kể người lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Tính khí như vậy nên chẳng ai ưa và đều muốn tránh xa nhưng ông đâu có hay biết. Trái lại, đối với cấp trên có quyền thế như Lý trưởng, Chánh tổng hay Tri phủ, Tri huyện thì ông khom lưng, cúi đầu nịnh bợ và luôn tìm cách đề cao họ để mong có ngày được nâng đỡ sớm vinh thân phì gia. Vì thế, hễ ai nói động đến cấp trên của ông thì ông phùng mang trợn mắt chửi rủa họ như bị họ đến đào mả tổ của ông rồi ông tìm cách hãm hại.
Đến tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền và cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông chạy theo Việt Minh lên tản cư trên vùng rừng núi và cũng hô hào mọi nười chống Pháp. Nhờ có chút "học thức", ông mở một lớp dạy tư cho bọn trẻ trong vùng, vẫn cứ giữ chứng nào tật nấy, luôn xem thường và hay châm biếm người khác nên có người không ưa đã chế giễu với biệt danh "anh Thọt" vì ông có tật chân đi cà nhắc.
Có một chuyện xảy ra bất ngờ là trong vùng có một cậu bé con nhà thành thị cũng lên đó tản cư, trông có vẻ thông minh và có biết chút ít chữ nghĩa, thường đến trước lớp dạy của ông. Cậu bé hay cười khẩy khi ông giảng nghĩa sai hoặc viết trật chính tả. Nhìn thấy thái độ khinh khi mình, ông Hương bộ tức lắm nhưng chưa nghĩ ra cách để trị cậu bé này. Một hôm, đi ngang qua nhà cậu bé, thấy cậu đang đứng quậy cám cho heo ăn, ông liền lên giọng thách đố cho bõ ghét: "Này, nghe nói mày học giỏi lắm, thử đối câu "Heo ăn cám nóng" được không?". Vừa lúc đó, cậu bé trông thấy con chó Vện đến ngửi chân khách lạ, liền nhanh trí đối lại: "Chó cắn chân què" có ý nói xỏ ông ta. Ông Hương bộ lúc đó hết sức sững sờ và xấu hổ bỏ đi một mạch.
Sau này, cũng do tính ăn nói bừa bãi mà ông bị Việt Minh sưu tra lý lịch, tìm ra ông từng là một hương chức thời Pháp thuộc nên bị bắt giam một thời gian. Sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách "dinh tê" về làng cũ hiện bị quân Pháp chiếm đóng, để tham gia "ban hội tề" và vỗ ngực khoe là mình đã chống Việt Minh nên mới bị bắt giam. Tất nhiên lúc này, vì ông lại bày chuyện nói xấu Việt Minh nên đêm đêm cứ phải vô ngủ trong đồn Tây, sợ du kích về làm thịt. Kết cuộc, ông vẫn bị Việt Minh lên án kết tội là Việt gian rồi bị hạ sát theo chủ trương "giết lầm hơn bỏ sót" của Việt Minh hồi đó.
Thời gian trôi qua quá nhanh, tự nhiên hôm nay, tôi nhớ đến ông Hương Bộ làng tôi trong non một thế kỷ trước, đặc biệt nhớ ông khi thấy ông đã để lại trong làng tôi những cái tên kỳ cục do dốt chính tả khi ông làm sổ hộ tịch.
Vâng, hôm nay – ngay bây giờ - tôi đang thấy nhan nhản những lỗi chính tả trên các sách báo như: bảo đãm (bảo đảm), bão lãnh (bảo lãnh), bắc đầu (bắt đầu), bắt thang, bắt cầu (bắc thang, bắc cầu), bờ cỏi (bờ cõi), bỏ ghét (bõ ghét), chặc chẻ (chặt chẽ), chế diểu (chế giễu), chia rẻ nhau (chia rẽ nhau), chia xẽ nỗi đau (chia sẻ nỗi đau), chia xẽ lực lượng (chia xẻ lực lượng), chín xác (chính xác), chính chắn (chín chắn), chu vi tam tộc (tru di tam tộc), chúng mài (chúng mày), chú rễ (chú rể), chưởi mắng (chửi mắng), dành dựt (giành giựt), dấu diếm (giấu giếm), dây thung (dây thun), dẫm chân (giẫm chân), đặt biệt (đặc biệt), gập gỡ (gặp gỡ), giặt dũ (giặt giũ), giặt dịa (giặt gịa), giữ chọn tình (giữ trọn tình), khoản cách (khoảng cách), kỹ niệm (kỷ niệm), lục lội (lụt lội), lần lược (lần lượt), lập đi lập lại (lặp đi lặp lại), lười nhát (lười nhác), mai mắn (may mắn), nỗi bậc (nổi bật), nhác gan (nhát gan), phát họa (phác họa), phơi bài (phơi bày), rảnh nước (rãnh nước), rãnh rỗi (rảnh rổi), se tơ (xe tơ), sợi giây (sợi dây), tất đất (tấc đất), thái độ bàng quang (thái độ bàng quan), thụt mạng (thục mạng), tụt dép (tuột dép), tuột hậu (tụt hậu), vang vội (vang dội), viêm bàng quan (viêm bàng quang), xàm xỡ (sàm sỡ), xâm da (xăm da), giòng giỏi (dòng dõi), giòng nước (dòng nước), cậc lực (cật lực), lậc ngược (lật ngược), canh gát (canh gác) v.v..
Quả thật, ông Hương bộ làng tôi – và không chắc chỉ ở làng tôi - đã để lại một lớp người thừa kế cái nền chính tả "đặc thù" của ông mà trớ trêu thay, trong số người đó lại có những nhà văn, nhà báo hiện đại, đặc biệt là mọi giới đang sống trong cái nước gọi là XHCN Việt Nam bây giờ! Những người này đã góp phần làm mất đi sự trong sáng và chuẩn xác của tiếng Việt.
Ghi chú: Những chữ trong ngoặc đơn ( ) là những chữ viết đúng chính tả.