Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI

 ÔNG HƯƠNG BỘ LÀNG TÔI

Chuyện phiếm của Phan Lục
Nhu cầu cấp bách của người Pháp khi đô hộ nước ta hồi gần cuối thế kỷ 19 là phải hủy bỏ nền Hán học và thay thế bằng một hệ thống giáo dục nhằm phục vụ cho guồng máy cai trị. Do đó, khi chiếm được Nam kỳ xong, người Pháp lập tức khai tử nền giáo dục Hán học với chủ tâm cắt đứt liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Các kỳ thi Hương bị hủy bỏ và chữ Hán cũng như chữ Nôm trong các công văn, giấy tờ hành chánh được thay thế bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Các trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ được thiết lập.
Lúc sơ khai, ở mỗi tỉnh chỉ có một hoặc hai ngôi trường tiểu học và ở vài ba làng xã mới có một ngôi trường Sơ học gồm có 3 lớp là Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳng (tương đương với các lớp 1, 2 và 3 bây giờ). Những vị khoa bảng Hán học như Tú tài, Cử nhân và Tiến sĩ đều phải tìm học chữ quốc ngữ ở kinh đô, nơi mà các vị đã từng mang lều chõng đi thi Hương hoặc thi Hội. Còn một số ít con em của nông dân ở thôn quê thì được cha mẹ dành tiền cho theo học ở các trường Sơ học và chỉ những gia đình khá giả mới đủ điều kiện cho con em lên tỉnh học Tiểu học. Sau khi học xong 3 lớp Sơ học, các học sinh phải dự thi lấy bằng Sơ học Yếu lược. Lúc bấy giờ, ai đậu được cái bằng Sơ học Yếu lược thì cũng hãnh diện chẳng khác nào ngày trước các vị thi đậu bằng Tú tài hay Cử nhân Hán học vì da số dân quê không có điều kiện đi học và đến 90% đều mù chữ.
Về mặt hành chánh, mỗi làng quê có một Hội Đồng Hương Chính gồm có 5 hương chức gọi là ngũ hương nắm quyền cai trị là Lý trưởng hoặc Hương Cả (lo điều hành tổng quát công việc làng), Hương bộ (lo việc sổ sách và hộ tịch), Hương bổn (lo việc thu thuế và chi tiêu công quỹ), Hương kiểm (lo việc tuần phòng và tư pháp) và Hương quản (lo việc điền thổ và đường sá).
Ở làng tôi lúc đó chỉ duy nhất một ông có văn bằng Sơ học Yếu lược được xem là người hay chữ nhất. Thực ra hồi nhỏ, ông học hành cũng không được thông minh cho lắm; người ta học 3 năm thì thi đậu bằng Sơ học Yếu lược nhưng ông phải học đến 4 năm mới thi đậu vì môn tập làm văn của ông quá kém, phải ở lại lớp Sơ đẳng thêm một năm. Tệ nhất là môn chính tả, ông không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã cũng như chữ nào có g, chữ nào không có g và chữ nào tận cùng bằng c, chữ nào tận cùng bằng t … Nhưng “chó ngáp phải ruồi”, khi trưởng thành, ông được cử giữ chức Hương bộ vì trong làng không có ai có học thức hơn ông để lo việc sổ sách của làng.
Nhiều lần trong việc ghi sổ bộ hộ tịch, vì phần lớn dân quê mù chữ đến khai miệng tên con mới sinh khiến ông đã viết sai chính tả vào sổ bộ đến nỗi sau này khi lớn lên, một số người rất xấu hổ với cái tên của mình. Có ông họ Trương đến khai tên con mình là Trương Mục Đích thì ông ghi vào sổ là Trương Mụt Đít, một bà khác lai Tàu đến khai tên con là Trần Đại Hán (ý muốn nhớ về tổ tiên của mình) thì ông ghi vào sổ là Trần Đại Háng và vài dân quê chất phác đến khai tên con mình là Trần thị Mưu, Phạm Mộng Thúy, Nguyễn Thu Cúc v.v… thì ông ghi là Trần thị Mu, Phạm Mộng Thúi, Nguyễn Thu Cút v.v… trong sổ bộ khai sinh.
Tuy thế, cái dốt chính tả của ông Hương Bộ cũng ít ai biết đến vì đa số dân làng đều không biết chữ và vì lúc nào ông cũng tỏ ra ta đây là người có học nên chê bai hết mọi người. Từ đó, ông dương dương tự đắc coi mình là “số một trong làng” nên rất hống hách và ăn nói bừa bãi, đôi khi còn văng tục với bất kể người lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Tính khí như vậy nên chẳng ai ưa và đều muốn tránh xa nhưng ông đâu có hay biết. Trái lại, đối với cấp trên có quyền thế như Lý trưởng, Chánh tổng hay Tri phủ, Tri huyện thì ông khom lưng, cúi đầu nịnh bợ và luôn tìm cách đề cao họ để mong có ngày được nâng đỡ sớm vinh thân phì gia. Vì thế, hễ ai nói động đến cấp trên của ông thì ông phùng mang trợn mắt chửi rủa họ như bị họ đến đào mả tổ của ông rồi ông tìm cách hãm hại.
Đến tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền và cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông chạy theo Việt Minh lên tản cư trên vùng rừng núi và cũng hô hào mọi nười chống Pháp. Nhờ có chút "học thức", ông mở một lớp dạy tư cho bọn trẻ trong vùng, vẫn cứ giữ chứng nào tật nấy, luôn xem thường và hay châm biếm người khác nên có người không ưa đã chế giễu với biệt danh "anh Thọt" vì ông có tật chân đi cà nhắc.
Có một chuyện xảy ra bất ngờ là trong vùng có một cậu bé con nhà thành thị cũng lên đó tản cư, trông có vẻ thông minh và có biết chút ít chữ nghĩa, thường đến trước lớp dạy của ông. Cậu bé hay cười khẩy khi ông giảng nghĩa sai hoặc viết trật chính tả. Nhìn thấy thái độ khinh khi mình, ông Hương bộ tức lắm nhưng chưa nghĩ ra cách để trị cậu bé này. Một hôm, đi ngang qua nhà cậu bé, thấy cậu đang đứng quậy cám cho heo ăn, ông liền lên giọng thách đố cho bõ ghét: "Này, nghe nói mày học giỏi lắm, thử đối câu "Heo ăn cám nóng" được không?". Vừa lúc đó, cậu bé trông thấy con chó Vện đến ngửi chân khách lạ, liền nhanh trí đối lại: "Chó cắn chân què" có ý nói xỏ ông ta. Ông Hương bộ lúc đó hết sức sững sờ và xấu hổ bỏ đi một mạch.
Sau này, cũng do tính ăn nói bừa bãi mà ông bị Việt Minh sưu tra lý lịch, tìm ra ông từng là một hương chức thời Pháp thuộc nên bị bắt giam một thời gian. Sau khi ra khỏi tù, ông tìm cách "dinh tê" về làng cũ hiện bị quân Pháp chiếm đóng, để tham gia "ban hội tề" và vỗ ngực khoe là mình đã chống Việt Minh nên mới bị bắt giam. Tất nhiên lúc này, vì ông lại bày chuyện nói xấu Việt Minh nên đêm đêm cứ phải vô ngủ trong đồn Tây, sợ du kích về làm thịt. Kết cuộc, ông vẫn bị Việt Minh lên án kết tội là Việt gian rồi bị hạ sát theo chủ trương "giết lầm hơn bỏ sót" của Việt Minh hồi đó.
Thời gian trôi qua quá nhanh, tự nhiên hôm nay, tôi nhớ đến ông Hương Bộ làng tôi trong non một thế kỷ trước, đặc biệt nhớ ông khi thấy ông đã để lại trong làng tôi những cái tên kỳ cục do dốt chính tả khi ông làm sổ hộ tịch.
Vâng, hôm nay – ngay bây giờ - tôi đang thấy nhan nhản những lỗi chính tả trên các sách báo như: bảo đãm (bảo đảm), bão lãnh (bảo lãnh), bắc đầu (bắt đầu), bắt thang, bắt cầu (bắc thang, bắc cầu), bờ cỏi (bờ cõi), bỏ ghét (bõ ghét), chặc chẻ (chặt chẽ), chế diểu (chế giễu), chia rẻ nhau (chia rẽ nhau), chia xẽ nỗi đau (chia sẻ nỗi đau), chia xẽ lực lượng (chia xẻ lực lượng), chín xác (chính xác), chính chắn (chín chắn), chu vi tam tộc (tru di tam tộc), chúng mài (chúng mày), chú rễ (chú rể), chưởi mắng (chửi mắng), dành dựt (giành giựt), dấu diếm (giấu giếm), dây thung (dây thun), dẫm chân (giẫm chân), đặt biệt (đặc biệt), gập gỡ (gặp gỡ), giặt dũ (giặt giũ), giặt dịa (giặt gịa), giữ chọn tình (giữ trọn tình), khoản cách (khoảng cách), kỹ niệm (kỷ niệm), lục lội (lụt lội), lần lược (lần lượt), lập đi lập lại (lặp đi lặp lại), lười nhát (lười nhác), mai mắn (may mắn), nỗi bậc (nổi bật), nhác gan (nhát gan), phát họa (phác họa), phơi bài (phơi bày), rảnh nước (rãnh nước), rãnh rỗi (rảnh rổi), se tơ (xe tơ), sợi giây (sợi dây), tất đất (tấc đất), thái độ bàng quang (thái độ bàng quan), thụt mạng (thục mạng), tụt dép (tuột dép), tuột hậu (tụt hậu), vang vội (vang dội), viêm bàng quan (viêm bàng quang), xàm xỡ (sàm sỡ), xâm da (xăm da), giòng giỏi (dòng dõi), giòng nước (dòng nước), cậc lực (cật lực), lậc ngược (lật ngược), canh gát (canh gác) v.v..
Quả thật, ông Hương bộ làng tôi – và không chắc chỉ ở làng tôi - đã để lại một lớp người thừa kế cái nền chính tả "đặc thù" của ông mà trớ trêu thay, trong số người đó lại có những nhà văn, nhà báo hiện đại, đặc biệt là mọi giới đang sống trong cái nước gọi là XHCN Việt Nam bây giờ! Những người này đã góp phần làm mất đi sự trong sáng và chuẩn xác của tiếng Việt.
Ghi chú: Những chữ trong ngoặc đơn ( ) là những chữ viết đúng chính tả.

Không có nhận xét nào: