NGƯỜI ĐÀN ÔNG DUY NHẤT TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐƯỢC CHÔN TRÊN MẶT TRĂNG
Thanh Trúc
Có thể rất ít người biết được rằng trên tinh cầu gần với chúng ta nhất – Mặt Trăng, có chôn một người Trái Đất. Ông ấy là người duy nhất trong lịch sử nhân loại có tro cốt được chôn cất trên Mặt Trăng sau khi qua đời. Ông ấy là ai? Và vì sao lại chôn tro của người này trên Mặt Trăng?
Người được chôn tro cốt trên Mặt Trăng này không quyền quý, không phải tỷ phú, cũng không phải nhân vật lừng lẫy, ông ấy tên là Eugene Shoemaker (28-4-1928 – 18-7-1997), từng là một nhà thiên văn, địa chất học của Mỹ.
Ông Eugene sinh ra trong một gia đình bình thường ở tiểu bang California vào năm 1928. Từ nhỏ ông đã rất hứng thú với khoa học, hơn nữa ông lại có thiên phú, thông minh hơn người. Ông có một sở thích đó là sưu tập các loại quặng. Sau này lớn lên, ông đã theo học ngành khoa học địa chất một cách có hệ thống hơn trong trường đại học, chẳng những nghiên cứu khoáng thạch trên Trái Đất, mà còn nghiên cứu các loại thiên thạch đến từ vũ trụ.
Năm 1949, ông Eugene đã đạt được học vị thạc sỹ khoa học địa chất của Viện công nghệ California.
Năm 1950, ông Eugene vào làm việc tại Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, bắt đầu xoay vần với các hố thiên thạch lớn nhỏ từ khắp nơi trên Trái Đất, nghiên cứu kết cấu của chúng. Năm 1961, ông Eugene thành lập Dự án nghiên cứu Địa chất Thiên văn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, bắt đầu công việc nghiên cứu địa chất và thiên văn của nhân loại.
Cùng năm đó, để nghiên cứu các hố thiên thạch trên Mặt Trăng, ông đã tham gia vào kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng của NASA và được chọn là ứng viên của kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng Apollo! Đó là lần thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên trong lịch sử nhân loại và cũng từng là ước mơ lớn nhất của ông Eugene.
Là một ứng viên của kế hoạch lên Mặt Trăng, ông Eugene rất mong mỏi ngày đó đến và cũng đã bắt đầu mọi đợt huấn luyện và công tác chuẩn bị của thành viên phi hành đoàn. Nhưng chẳng may ông Eugene được chẩn đoán bị một căn bệnh bẩm sinh và không thể chữa được: bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát). Đây là một loại bệnh nhẹ đến mức không dễ phát hiện được, triệu chứng chủ yếu là dễ mệt mỏi. Nhưng với yêu cầu về thể chất cực kỳ nghiêm ngặt đối với các phi hành gia thì dĩ nhiên ông Eugene đã mất đi cơ hội được lên Mặt Trăng.
Mang theo đầy sự nuối tiếc, nhưng ông Eugene không hề mất tinh thần, mà hoàn toàn đầu tư vào việc nghiên cứu khoa học trên các hành tinh cũng như giúp đỡ các thành viên phi hành đoàn khác thực hiện việc huấn luyện. Ông nhiều lần cùng các thành viên phi hành đoàn bay đến Arizona để quan sát hố thiên thạch Barringer và miệng núi lửa Sunset Crater ở đó, bởi vì nơi đó rất giống với bề mặt của Mặt Trăng. Ông cũng thảo luận với các thành viên phi hành đoàn cách để thu thập tài liệu trên Mặt Trăng.
Sau khi kế hoạch lên Mặt Trăng kết thúc, ông Eugene tiếp tục nghiên cứu và quan sát các hành tinh và thiên thể, ông đi đi về về các nơi trên thế giới, quan sát những dấu tích để lại do thiên thạch đến từ bên ngoài Trái Đất.
Năm 1993, ông Eugene đã có phát hiện quan trọng khi đã 65 tuổi. Năm đó, lúc cùng vợ và một nhà khoa học khác quan sát đo lường thiên thể tại đài thiên văn Paloma ở California, ông đã vô tình phát hiện một ngôi sao chổi bất thường. Do ông Eugene phát hiện sớm nên lần đầu tiên nhân loại đã được chứng kiến hiện tượng sao chổi va chạm với sao Mộc vào năm 1994, đồng thời cũng viết nên chương mới cho sự phát triển thiên văn của nhân loại. Sau này người ta đặt tên ngôi sao chổi này theo tên của gia đình ông: “Shoemaker-Levy”.
Năm 1997, khi nghiên cứu thiên thạch ở Úc, ông đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe, hưởng thọ 69 tuổi. Để tưởng niệm nhà khoa học địa chất thiên văn đã cống hiến một đời này, cũng như bù đắp cho ước mơ lên Mặt Trăng chưa thực hiện được khi còn sống của ông Eugene, NASA đã hợp tác cùng công ty Celestis lên kế hoạch đưa tro của ông lên Mặt Trăng, nhằm thực hiện nguyện vọng lúc sinh thời của nhà khoa học này.
Tháng 1-1998, NASA cho phóng tàu thám hiểm Mặt Trăng mang theo tro cốt của ông Eugene bay lên Mặt Trăng, tròn 30 năm, kể từ lần đầu tiên ông Eugene ước mơ được lên đó. Tro cốt của ông được đặt trong một vật hình con nhộng làm từ polycarbon, bên ngoài được bọc một lớp đồng thau, bên trên dùng tia laze khắc tên và ngày sinh, ngày mất của ông cùng 2 bức ảnh và 1 bài thơ.
2 bức ảnh đó là sao chổi Shoemaker-Levy, đây là phát hiện to lớn trong đời ông và hố thiên thạch Barringer – chương trình nghiên cứu quan trọng nhất cả đời ông. Còn bài thơ được trích từ quyển “Romeo & Juliet” của Shakespear.
Năm 1999, con tàu thám hiểm Mặt Trăng không người lái hoàn thành nhiệm vụ đáp lên Mặt Trăng, mang theo tro cốt của ông Eugene, chôn sâu bên dưới bề mặt của Mặt Trăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét