Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

 

BLOGGER THÀNH PH GIÓ

Thân chúc quý độc giả cùng gia quyến

một năm mới dồi dào sức khỏe và tràn đầy

NIỀM VUI và HẠNH PHÚC!



Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

"DÌ GHẺ" NUÔI NẤNG 8 NGƯỜI CON CHỒNG ĐAU ỐM

 "DÌ GHẺ" NUÔI NẤNG 8 NGƯỜI CON CHỒNG ĐAU ỐM

"Dì ghẻ" nuôi nấng 8 người con chồng đau ốm, tự triệt sản ngay khi vừa sinh người con đầu lòng

Câu chuyện về "dì ghẻ" Phan Thị Hoa (46 tuổi, ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) lặn lội nuôi lớn 8 người con đau ốm của chồng nhiều năm về trước đã khiến nhiều người nghẹn ngào.

Bà Hoa xuất hiện trong chương trình Điều Ước Thứ 7 của VTV3 với vóc dáng nhỏ gầy gò, đôi mắt dần mờ vì bệnh sụp mí nhưng vẫn tần tảo sớm hôm chăm sóc một thanh niên trẻ bị ung thư đầu gối tại bệnh viện K (BV U bướu Trung ương, Hà Đông, Hà Nội).

Nam thanh niên Trần Văn Thắng (1997) mà bà vẫn hằng ngày chăm sóc và gọi là con thực ra lại là con riêng thứ 7 của chồng bà. Vốn là một chàng trai khỏe mạnh nhưng lại bất ngờ phát hiện bản thân bị ung thư đầu gối. Sau phẫu thuật, Thắng gặp khó khăn trong việc đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cậy nhờ vào bà Hoa.

Để chăm sóc Thắng, bà Hoa một mình lặn lội lên Hà Nội. Những đêm trời trở gió, bà Hoa lại trằn trọc thâu đêm. Phần vì lo cho Thắng, phần vì nhớ thương chồng và các con ở quê nhà.

Khi bánh đúc có xương: Người phụ nữ nuôi 8 con riêng đau ốm của chồng và những “dì ghẻ” dành một đời cho những đứa con không chung dòng máu - Ảnh 1.

Thắng là người rất ít khi bộc lộ cảm xúc nhưng bà Hoa vẫn luôn tin rằng, cậu rất yêu thương mình và quả thực, đối với Thắng, mẹ Hoa là một người vô cùng quan trọng

Thắng không phải là người con chồng duy nhất được bà Hoa yêu thương, cưng chiều. Ngoài cậu, bà có tất cả 9 người con nhưng trong đó, chỉ có một người là do bà sinh ra.

Càng khiến người ta cảm động hơn là, ngay sau khi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng, bà đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc các con chồng. Đối với bà, không có khái niệm con riêng mà chỉ có con chung vì dù 8 người con kia bà không sinh ra bằng máu mủ nhưng lại sinh ra bằng một trái tim bao la tình yêu.

"Khi tôi về sống chung với bố nó thì các con còn nhỏ dại lắm, Thắng mới chỉ có 3 tuổi thôi còn đứa út vừa tròn 2 tháng. Chúng không có tội tình gì và tất cả đều thiếu vắng tình yêu của mẹ. Vì thế, tôi thương các con như thương chồng, thương cho chính số phận của bản thân mình" - Bà Hoa chia sẻ.

Bà kể, chính bà cũng từng mồ côi mẹ khi còn rất nhỏ. Gia đình bà có tới 9 anh chị em, hoàn cảnh cũng vô vàn khó khăn. Bố bà cũng từng đi bước nữa để tìm người phụ nữ chung tay chăm sóc các con và đến lượt bà, chứng kiến hoàn cảnh tương tự của cha con Thắng, bà tin rằng, việc lãnh nhận trách nhiệm nuôi dạy 8 người con của chồng là một sứ mệnh mà ông trời sớm đã định đoạt sẵn cho mình.

Gia cảnh nhà chồng rất nghèo, quanh năm sống bám vào vài sào đất trồng chè nên các con đều ốm đau quặt quẹo. Người con gái đầu bị bệnh câm điếc bẩm sinh, tốn không ít tiền chạy chữa nên trong căn nhà vách đất của cha con Thắng, chẳng mảy may có một chút của cải, tiền bạc. Hàng xóm thường nói, bà Hoa là một người không bình thường bởi vì chỉ có người như thế mới dám đi vào một "vũng lầy" mà bản thân đã biết là trong đó có rất nhiều chông gai, đớn đau.

Khi bánh đúc có xương: Người phụ nữ nuôi 8 con riêng đau ốm của chồng và những “dì ghẻ” dành một đời cho những đứa con không chung dòng máu - Ảnh 2.

"Bố tôi cũng cấm đoán rồi hàng xóm thì dị nghị nhưng tôi không bận tâm. Có lẽ tình yêu sẽ là một phép màu để có những quyết định lạ lùng, tôi yêu ông ấy và tôi còn yêu các con riêng của ông nhiều hơn", bà Hoa tâm sự.

Nói ra chắc không mấy ai tin những sâu thẳm trong trái tim người phụ nữ giàu đức hy sinh ấy chỉ có một ước muốn rất bình dị là được nghe các con gọi một tiếng "mẹ ơi". Ở vùng đất nơi bà sinh sống, giữa mẹ ghẻ và con chồng vẫn còn tồn tại những định kiến gay gắt. Người ta thường gọi mẹ kế là "mợ" để phân biệt với người có công sinh ra mình.

Nói về tình cảm dành cho "mợ" Hoa, cả Thắng và các anh chị em khác đều nói rằng, thuở ban đầu khi bố mới lấy người phụ nữ khác, các chị em trong nhà đều rất hoài nghi vào lòng tốt của mẹ kế. "Khi đó hàng xóm hay xì xào, dọa dẫm rằng bố lấy người khác rồi có em bé thì các chị em chỉ có nước ra rìa, sẽ bị hành hạ, bị đối xử bất công, tệ bạc", Trần Thị Hiền - chị gái kế của Thắng - bộc bạch.

Nhưng rồi mọi nghi kị cũng dần qua đi. Mẹ Hoa không những không ghét bỏ chị em Hiền mà còn vô cùng yêu thương, ân cần chỉ bảo từng li, từng tí. Nhờ có bà, bản thân Hiền và các chị em khác bỗng thấy căn nhà nhỏ như ấm áp tình yêu thương nhiều hơn. Thậm chí, ngay cả hàng xóm cũng dần phải thay đổi cách nhìn.

Bây giờ nhiều người con của bà Hoa đã đi làm, đi lấy chồng ở xa quê nhưng mỗi khi có tâm sự gì, chúng lại tìm đến bà để sẻ chia. Thương mẹ là thế, nhưng vì một nếp văn hóa từ bao đời và cả thói quen từ nhỏ, chưa ai dám một lần gọi tiếng mẹ trước mặt bà Hoa.

"Thật trong tâm thì đã coi mợ là mẹ lâu lắm rồi nhưng vẫn không dám nói ra, phần vì e thẹn, phần vì quen miệng. Có những lúc mình nghĩ, người ta vẫn nói bánh đúc mấy đời có xương nhưng đúng là với mẹ Hoa, bánh đúc đã có xương thật rồi", Hiền tâm sự.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG TRÊN TRÁI ĐẤT

NHỮNG THIÊN ĐƯỜNG TRÊN TRÁI ĐẤT
Nguồn: Internet 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI

 

BLOGGER THÀNH PH GIÓ

Kính chúc quý độc giả và gia quyến

một mùa Giáng sinh thánh thiện, an bình

cùng một năm mới dồi dào sức khỏe

và tràn đầy hạnh phúc!



CHÚA RA ĐỜI

 CHÚA RA ĐỜI

Phan Lục

Chúa ra đời hai ngàn năm về trước
Trong hang đá lạnh lẽo giữa trời đông.
Khắp nơi nơi được tin Chúa Hài Đồng
Theo mệnh Trời ban phước lành nhân loại.
Với tình yêu ấy, Chúa dang tay cứu rỗi
Bao con người tội lỗi dưới trần gian.
Ơn của Chúa đáng tôn kính muôn vàn!
Quỳ trước Chúa thầm một lời ước nguyện
Cho muôn loài có tình thương trọn vẹn
Không hận thù, không gây cảnh chiến chinh
Để muôn dân được vui hưởng thái bình
Trong không khí tự do và no ấm!
Đêm Giáng sinh cất lời ca nhạc Thánh
Đầy mừng vui với cả một niềm tin!



Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

LÂM SÀNG NGHĨA LÀ GÌ?

"LÂM SÀNG" NGHĨA LÀ GÌ ?

Bác sĩ Hồ Văn Hiền, Source: VOA 



Thưa Bác sĩ

Tôi đôi khi nghe hay đọc những chuyện về y học thấy chữ “lâm sàng” được sử dụng như “thử nghiệm lâm sàng”, “khám sức khỏe cận lâm sàng”, hay là “chết lâm sàng”.
Tôi tra một số tự điển, sách báo nhưng vẫn hiểu rất mơ hồ về từ này.
Xin Bác sĩ giải thích từ ngữ này bằng những ngôn từ bình dân để cho người bình dân như tôi dễ hiểu. Đồng thời xin Bác sĩ cho những ví dụ minh họa cho giải thích một cách dễ hiểu.
Cũng xin Bác sĩ liệt kê những cụm từ có từ “lâm sàng” này thường được dùng cho mọi người, không phải cho giới chuyên môn.
Xin cảm ơn Bác sĩ."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời: 

Lâm sàng

Hôm nay, nhân bàn đến từ ngữ "lâm sàng" chúng ta sẽ bàn về dạy y khoa bằng tiếng Việt ở Việt nam, và một khía cạnh quan trọng nữa của y khoa hiện đại là vấn đề thực nghiệm và y khoa lâm sàng. 

Trong chữ "lâm sàng" có lâm nghĩa là đến gần, vào một hoàn cảnh nào đó: như lâm nguy, lâm bồn (thai phụ sắp sinh), lâm bệnh, lâm chung (chung = đoạn cuối, sắp đến đoạn cuối cuộc đời, chết). “Sàng” có nghĩa là cái giường, ở đây chỉ giường của người bệnh.

Lâm sàng là từ chúng ta dùng để dịch từ tiếng Pháp “clinique” trước đây, lúc các trường y khoa còn dạy bằng tiếng Pháp. Đến khoảng thập niên 1960's , dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ ở miền Nam, trường y khoa Sài gòn mới bắt đầu chuyển một phần dạy bằng tiếng Việt. Trường Y khoa Đại học Huế dạy bằng tiếng Việt ngay từ lúc mới mở cửa (1957) với khoa trường là bác sĩ Lê Khắc Quyến, một người có khuynh hướng cấp tiến và hoạt động chính trị phe tả hơn là các vị giáo sư của trường y khoa Sài gòn. 
Lúc trường y chuyển qua dạy bằng tiếng Việt, một trong những từ chúng tôi học đầu tiên là “lâm sàng”. Đa số các từ điển tiếng Việt hay Anh Việt hiện nay đều định nghĩa "lâm sàng " không chính xác lắm đối với cách dùng của từ "clinical" trong y khoa/y tế hiện nay. Trong những tự điển trước 1970 không thấy từ này, và các từ điển dịch "clinic' cũng không đầy đủ hay sái nghĩa. Có lẽ những nhà làm tự điển không hiểu lắm về cách tổ chức của các nhành y tế.

Tiếng Pháp, “clinique”, tiếng Anh “clinical” chỉ những gì xảy ra bên giường người bệnh, nói giản dị là lúc khám bệnh. Do từ Hy lạp cổ "kline" là cái giường. 

Hippocrates (460-377 TTC), sinh ra ở đảo Kos, gần 100 năm sau khi Khổng tử ra đời, ông tổ ngành Tây Y tiên phong trong ngành chữa bệnh căn cứ trên quan sát người bệnh trực tiếp và lý luận trên cơ sở của những "triệu chứng" mà mình thấy, nghe, sờ và ngữi được.  

Hippocrate bị ảnh hưởng bời triết lý của Pythagore (nhà toán học Hy Lạp) theo đó “Thiên nhiên” gồm 5 yếu tố (elements) : nước, đất, gió và lửa; do đó học thuyết thời đó cho rằng cơ thể chúng ta gồm năm chất lỏng (fluids) hay dịch (humors) khác nhau tạo nên: mật đen, mật vàng, đàm (nhớt) và máu. Người chữa bệnh có nhiệm vụ tái lập sự quân bình giữa các chất lỏng đó. Có lẽ cũng tương tự nhưng chắc không chi tiết như bên Đông phương, muốn giữa sự quân bình giữa âm và dương, lục phủ (Tiểu Trường, Ðại Trường, Ðởm, Vỵ, Bàng Quang, Tam Tiêu), ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận).

Tuy nhiên, điểm quan trọng ở đây là lý luận căn cứ trên những điều quan sát trên người bệnh, khác với cách chữa bệnh căn cứ trên niềm tin tôn giáo, hay ma thuật. Y học cũng như khoa học thời cổ đại (antiquity) của Hippocrate bị thất truyền sau khi văn minh Hy lạp và La Mã suy tàn. Qua thời trung cổ, cách chữa bệnh có tính cách tôn giáo và tín điều là chính. 

Y khoa lâm sàng chỉ phát triển trở lại sau thời kỳ Phục Hưng Renaissance), với sự khám phá lại các kiến thức "cổ điển" của thời cổ đại, loại bỏ quan niệm về các dịch ("humors") và các ngành cơ thể học, hoá học, phẫu thuật được phát triển. 

Qua thế kỷ thứ 17, kiến thức về sinh lý (cách cơ thể được điều hành như thế nào) mở rộng, và người ta chú trọng nhiều hơn đến phần thục hành y khoa, bên giường bệnh (bedside clinical practice), nghĩa là quan sát các biểu hiện của cơn bệnh, dùng những kiến thức về cơ thể học, sinh lý học để suy xét nguồn gốc bệnh. 

Chúng ta có thể bàn thêm một chút về cách làm việc "lâm sàng" của các thầy thuốc đông y ở Đàng Trong (của Chúa Nguyễn) vào thế kỷ thứ 17 được linh mục Alexandre de Rhodes, người tiên phong tạo ra chữ viết quốc ngữ, kể lại.  

Phương pháp "lâm sàng" của họ khác phương pháp của tây phương: thầy thuốc "bắt mạch" rồi chẩn đoán trước, không để bệnh nhân khai bệnh trước như trong tây y. Người thầy thuốc được học theo kiểu cha truyền con nối và có nhiều sách bí truyền. Thầy thuốc bắt mạch bằng 3 ngón tay (cho 3 phần cơ thể: đầu, dạ dày và bụng), mất chừng 15 phút đắn đo suy tính, rồi tiết lộ cho bệnh nhân biết anh ta bị những triệu chứng gì, bệnh ra sao. Nếu thầy thuốc nói không đúng thì bị đuổi đi, không trả tiền vì bệnh nhân hết tin tưởng, nếu nói đúng thì bệnh nhân tin tưởng để cho chữa bệnh mình, nhưng chữa hết xong mới trả tiền. Theo kinh nghiệm bản thân của Alexandre de Rhodes thì các bác sĩ Viêt thời đó không thua gì các bác sĩ ở châu Âu.

Sau mấy ngàn năm, y khoa của Hippocrate chuyển biến và phát triển thành Tây Y hiện nay, trên nền tảng của quan sát, suy luận và thực nghiệm, và vai trò quan trọng của các khoa sinh-y học (biomedical sciences).

Hiện nay những gì liên hệ trực tiếp đến người bệnh thì gọi là lâm sàng  (clinical). Ví dụ bác sĩ hỏi câu chuyện về bệnh tình (bệnh sử, history), ghi nhận những triệu chứng (symptoms) như bệnh nhân khai mệt, đau đầu, buồn nôn, có tính cách chủ quan; và khám trên người bệnh nhân để phát hiện những dấu hiệu (signs) khách quan như da có mụn, tim đập loạn nhịp, khối u trong bụng, là những biểu hiện ghi nhận khách quan do người không phải người bệnh quan sát mà ghi nhận. Những dấu hiệu đó được gọi là dấu hiệu lâm sàng (clinical signs). Chẩn đoán bệnh căn cứ vào quá trình khám này được gọi là chẩn đoán lâm sàng (clinical diagnosis). Tuy nhiên, bác sĩ còn có thể có những phương tiện để tìm hiểu thêm về bệnh nhân.

Cách đây mấy chục năm, phòng mạch bác sĩ có thể có những phương tiện đơn giản như: máy ly tâm để quan sát cặn nước tiểu qua kính hiển vi, lấy đàm, nhớt để nhuộm màu và tìm trong đó có vi trùng hay không, hoặc có máy soi quang tuyến (X Ray), ví dụ để xem bệnh nhân có nám phổi hay không, vv và thường những xét nghiệm đó bác sĩ hay y tá tự làm lấy, gần chỗ người bệnh nằm, cho nên tiếng Pháp gọi những kết quả thử nghiệm đó là “paraclinique” (do: para=bên cạnh, clinique=giường bệnh). Chúng ta dịch là “cận lâm sàng”. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, ít khi dùng từ ngữ "paraclinical".

Ở Mỹ, thông thường người ta ít dùng từ paraclinical. Bác sĩ thế hệ trẻ có huynh hướng giảm bớt phần hỏi, khám trực tiếp người bệnh vá chú trọng hơn (the một số người thì là quá nhiều) quá nhiều vào kết quả "cận lâm sàng", tốn kém hơn trước nhiều. Bác sĩ thường nói đến những ngành "cận lâm sàng" như: "lab work"= thử máu, thử vi trùng (ví dụ cấy máu [blood culture] xem có vi khuẩn mọc không), thử di truyền [genetic testing], biopsy (sinh thiết). 

"Pathology" (ngành bệnh học, tìm các thay đổi của bệnh gây ra trên các mô, tế bào quan sát bằng kính hiển vi, ngày xưa ở Sài gòn gọi tắt là "ana-path, do tiếng Pháp anatomie pathologique=cơ thể bệnh lý.

Các hoạt động như chụp quang tuyến, làm CT, MRI, siêu âm (ultrasounds), được gộp trong khoa "hình ảnh y khoa" (medical imaging). Bác sĩ quang tuyến, phần lớn đọc các phim, hình ảnh, không "đụng" tới bệnh nhân, cũng có thể có những hoạt động lâm sàng; ví dụ bác sĩ quang tuyến can thiệp (interventional radiologist) có thể nhờ CT, siêu âm hướng dẫn chọc vào ngực, bụng bệnh nhân để hút mủ, lấy mẫu sinh thiết để thử nghiệm.

Một trong những phương pháp giảng dạy y khoa là các “hội nghị đối chiếu lâm sàng và bệnh học” (tiếng Pháp: confrontation clinico pathologique). Các bác sĩ, nội trú trình bày các nhận xét về lâm sàng và đề nghị một định bệnh (diagnosis) suy luận từ các quan sát đó. Sau đó, bác sĩ về bệnh học (pathologist, cơ thể bệnh lý) trình bày kết quả của phòng thí nghiệm như sinh thiết (biopsy) hay kết quả giải phẫu tử thi (autopsy), nghĩa là giải đáp của câu hỏi ban đầu là người bệnh mắc bệnh gì, nguyên nhân gì gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Một số từ ngữ hay dùng:

1. Chết lâm sàng (clinical death), tim bệnh nhân ngưng đập (cardiac arrest), bệnh nhân ngưng thở. Tuy nhiên, với các phương pháp hồi sức hiện nay, có thể đảo ngược "chết lâm sàng" trong một số trường hợp (CPR: cardiopulmonary resuscitation).
2. Clinic: phòng khám bệnh tư, phòng ngoại chẩn của một bệnh viện. Đôi khi một clinic là một cơ quan lớn gồm cả nhiều bệnh viện, phòng khám, phòng thí nghiệm, ví dụ Mayo Clinic do bác sĩ William Mayo và các người con mở ra ở Rochester, Minnesota cuối thế kỷ thứ 19, và hiện nay là một trong những hệ thống chữa bệnh và khảo cứu y khoa lớn nhất thế giới, nhân viên gồm trên 50,000 người và gần 4000 bác sĩ mọi ngành. Cleveland Clinic ở Cleveland, tiểu bang Ohio cũng là một bệnh viện giáo dục y khoa vĩ đại, lợi tức gần 10 tỷ đô la/ năm, và chi nhánh ở nhiều tiểu bang Mỹ, Canada và Trung Đông. Lúc đầu, chỉ là một phòng mạch tư của một bác sĩ giải phẫu vào cuối thề kỷ thứ 19.

3. Theo nghĩa rộng, clinic cũng được dùng trong một số lãnh vực ngoài y tế: như "legal clinic"chỉ những văn phòng giải quyết, tư vấn về các vấn đề luật pháp.

4. Ở Mỹ, người khám và chữa bệnh không phải luôn luôn là bác sĩ y khoa: có những người chuyên về tâm lý trị liệu (psychologist), nurse practitioner; nhân viên điều dưỡng được huấn luyện khám bệnh và điều trị, thường dưới sự giám sát của bác sĩ y khoa, phụ tá bác sĩ "physician assistant" (PA). Từ "clinician" có lúc được dùng để bao gồm hết các nhóm người có nhiệm vụ "lâm sàng" khám và chữa bệnh ở trình độ, lãnh vực khác nhau. 

5. Trong bệnh viện Mỹ, sinh viên y khoa được thực hành khám bệnh nhân trong 2 năm cuối gọi là 2 năm lâm sàng (clinical years, clinical rotations) sau khi đã hoàn tất 2 năm đầu về khoa học căn bản, gọi là 2 năm tiền lâm sàng (preclinical years).Các bác sĩ tình nguyện dạy không thù lao cho sinh viên y khoa và bác sĩ đang thực tập (interns, residents, fellows/ hay doctors in training) được trường y khoa phong tước vị giáo sư phụ tá giáo sư (clinical assistant professors), phó giáo sư (clinical associate professors), giáo sư lâm sàng (clinical professor). Clinical = “lâm sàng” để phân biệt với ban giảng huấn cơ hữu toàn thời gian, chính quy (tenure track faculty) ăn lương của trường, nặng về khảo cứu hơn là dạy học.

Tóm lại, chúng ta có thể dùng định nghĩa của Tự điển Merriam Webster:

Clinical:

1) relating to or based on work done with real patients 

2) of or relating to the medical treatment that is given to patients in hospitals, clinics, etc.

3) requiring treatment as a medical problem

4) of or relating to a place where medical treatment is given 5) of or relating to a clinic

Lâm sàng:

1) liên hệ đến hoặc căn cứ trên nghiên cứu trên người bệnh thật.

2) thuộc về hoặc liên hệ đến chữa trị y khoa được cung cấp cho bệnh nhân trong bệnh viện, phòng khám v.v...

3) cần được chữa trị như là một vấn đề y khoa.

4) thuộc về hoặc liên hệ đến một nơi ở đó người ta chữa bệnh (trị liệu)

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

ĂN THẬT ÍT CÁ KHÔ

 ĂN THẬT ÍT CÁ KHÔ

Vương Đằng


Loại cá người Việt vẫn hay ăn mà không biết rằng WHO khuyến cáo gây ung thư!
Ăn cá là thói quen của nhiều gia đình Việt vì ăn cá rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn cá muối hay còn gọi là cá khô thì lại chưa chắc đã tốt. Hãy nên ăn cá tươi nếu có thể.
Nhiều người thích ăn cá vì cá không những bổ lại lành, chứa omega tốt cho mắt và trí não. Tuy nhiên có những loại cá rất độc, có thể gây ung thư, thậm chí mức độ độc của nó còn được so sánh với thuốc lá, cụ thể ăn 1kg cá này thì ngang với hút trăm điếu thuốc.
Điều đáng nói ở đây là nhiều người không biết nên vẫn lựa chọn loại cá này ăn mỗi ngày. Đó mới thật sự là điều nguy hiểm.
Theo thông tin tham khảo trên báo thì họ có nói rất chi tiết về loại cá này cũng như vì sao nó lại độc tới như vậy.
Loại cá chứa chất gây Ung Thư:
Trước hết chúng ta không thể phủ nhận cá mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng, các loại cá luôn được giới chuyên gia khuyến cáo nên tăng cường tiêu thụ để phòng chống ung thư. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần nhưng không phải món cá nào cũng tốt cho cơ thể. Và theo cơ quan Nghiên cứu Ung Thư Quốc tế (IARC) của WHO, cá muối (còn gọi là cá khô) là loại thực phẩm gây ung thư cấp độ 1.
Mỗi năm có biết bao trường hợp bị ngộ độc, nhiễm khuẩn do ăn cá sống, cá lạ, các loại cá độc… Vậy nên chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và hiểu biết về các loại thực phẩm, các loại cá vì không phải loại cá nào cũng tốt.
Theo sự phân loại của Cơ quan này thì các chất gây ung thư được chia thành 4 cấp độ, trong đó chất gây ung thư loại I dùng để chỉ những chất có tác dụng gây ung thư rõ ràng trên cơ thể con người.
Vậy lý do gì mà cá muối lại trở thành chất gây ung thư loại 1?
Lúc đầu nó là loại cá tươi, sau đó được ướp với rất nhiều muối rồi để khô, mục đích nhằm bảo quản lâu dài. Phương pháp bảo quản này đã có từ rất lâu, chi phi thấp và tiện lợi nữa.
Khi ướp cá muối, người ta sử dụng nồng độ muối ăn cao nhằm mục đích khử nước của cá. Quá trình này dễ dẫn đến cá muối, cá mắm chứa cực nhiều nitrit. Nitrit sẽ chuyển hóa thành nitrosamine (nitrosodimethylamine) sau khi vào cơ thể. Sau đó, dưới môi trường axit của dạ dày, nitrosamine cực dễ gây ung thư. Hơn nữa, ngoài nguy cơ gây ung thư do nitrit, cá muối có thể sinh ra vi khuẩn trong quá trình phơi nắng, để khô, thậm chí là sản sinh ra aflatoxin… và aflatoxin cũng là một loại chất gây ung thư cực mạnh.
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ăn cá muối có mối tương quan nhất định với các bệnh ung thư, tỷ lệ rất cao như ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
Số lượng lớn các nghiên cứu khoa học chỉ ra Trẻ em thường ăn cá muối trước 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng ở tuổi trưởng thành cao hơn so với người bình thường.
Một số chuyên gia người Trung Quốc còn cho rằng chỉ cần ăn một kg cá muối mặn tương đương với việc hút 250 điếu thuốc lá.
Có nên tiếp tục ăn cá muối hay không?
Dù cá muối là loại chất gây ung thư nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta phải bỏ hoàn toàn cá muối bởi vì nguy cơ gây bệnh như thế nào còn phụ thuộc vào liều lượng, khẩu phần mỗi người tiêu thụ nữa. Lấy nitrosamine có trong cá muối làm ví dụ. Một lượng nhỏ nitrosamine không đủ để gây đột biến tế bào. Vậy nên chỉ khi chúng ta ăn một lượng lớn nitrosamine trong thời gian dài thì mới đủ để nitrosamine tích tụ trong cơ thể và gây hại cho hệ tiêu hóa, cuối cùng sẽ phát triển thành ung thư.
Vì vậy, mọi người vẫn có thể ăn nhưng nhất định phải hạn chế vì dù sao cá muối cũng chứa nhiều natri. Tốt nhất nên lựa chọn các loại cá tươi.
Chia sẻ thêm cho để mọi người biết về một số mẹo ăn cá muối không gây ung thư:
– An toàn nhất vẫn là không nên ăn, còn nếu thèm quá hoặc điều kiện bắt buộc phải ăn thì mỗi tháng chỉ nên ăn 2-3 lần, mỗi lần cũng chỉ ăn lượng nhỏ thôi.
– Không nên chiên rá cá muối vì trong quá trình chiên, cá muối sẽ giải phóng các amin, các amin thứ cấp sẽ kết hợp với nitrit để tạo thành các hợp chất nitroso hoặc nitrosamine dễ dàng hơn.
– Trước khi chế biến, mọi người có thể ngâm cá muối trong nước rồi hấp chín theo ý muốn. Việc này sẽ làm giảm đáng kể lượng nitrit và muối trong cá.
– Đồng thời kết hợp ăn nhiều trái cây và rau quả giàu vitamin C trong khi ăn cá muối. Vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể ức chế sự hình thành nitrosamine.

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

CUỐI NĂM NÓI CHUYỆN GIÀ

CUỐI NĂM NÓI CHUYỆN GIÀ

VDB   


Ngày xưa khi gã còn trẻ, ai nói đúng sai gì, gã cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, kinh nghiệm đầy mình, nhìn thấy cuộc đời muôn mặt, gã trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì cũng… gật, ai nói gì cũng thấy có lý... 
Gã nói: “Ấy là dấu hiệu đã về già”.
Rồi gã lại lẩn thẩn suy nghĩ: “Bao nhiêu tuổi mới gọi là già nhỉ?”
Hồi gã mới 14,15 tuổi, thấy các chị hàng xóm 18, đôi mươi, gã cứ nghĩ là những bà cô thuộc loại già khú đế! Bây giờ, gần 60 tuổi, nhìn các bà 50 tuổi, gã lại cho là trẻ, nhìn các mẹ bốn chục, gã cho là con nít ranh! Thế thì bao nhiêu tuổi mới gọi là già?
Ở xóm trên có bà cụ tuổi 90, chiều qua, than vãn với gã: “Giờ tôi còn khỏe, mai mốt già rồi chẳng biết nương dựa vào ai!”
90 tuổi mà còn nói: “…mai mốt già rồi…”. Thế thì, bao nhiêu tuổi mới gọi là già?
Mỗi sáng đứng trước gương, thấy trán mình cao hơn, đừng tưởng mình sắp trở thành người thông thái mà phải biết đó là chứng rụng tóc, đó là dấu hiệu của tuổi già… Nếu mình thấy thiên hạ dường như trẻ lại thì chính là mình đang già đi.
Những lúc khề khà bên chén rượu với mấy ông bạn đồng liêu, gã nói: Khi về già thì tai điếc đặc, nghe nhạc cứ như “đàn gảy tai trâu” nhưng có cái lợi là ai chê bai, trách móc, thậm chí chửi bới, mình cũng chẳng nghe. Họ nói, họ nghe.
Khi về già, mắt kém, đọc sách báo một lúc, chữ cứ nhòe đi, nghĩ cũng bực nhưng lại có thời gian đi tản bộ quanh làng ngắm cảnh thiên nhiên.
Khi về già, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay bởi nhiều thứ đang cần vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng sinh ích lợi gì mà khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.
Khi về già, chân tay trở nên lóng cóng, ăn uống không được gọn gàng, thức ăn rơi vãi ra ngoài, dính cả lên râu, lên mép. Gã nhớ đến câu chuyện đứa bé đẽo máng gỗ để dành cho cha mẹ lúc về già có cái mà dùng, thật là chí lý.
Khi về già, ăn uống thứ gì cũng phải kiêng khem. Kiêng mặn, kiêng ngọt, kiêng chất béo, kiêng thuốc lá, kiêng rượu,.. 
Riêng gã, kiêng gì cũng được, nhất định không kiêng rượu. Đi khám bệnh, cố nèo cho được thang thuốc bắc về ngâm rượu. Bữa cơm nào cũng phải có tí rượu. Chán rượu có nghĩa là sức khỏe có vấn đề.
Gã quan niệm kiêng cũng chết mà không kiêng cũng chết. Chết là quy luật của tạo hóa. Chết là một phần tất yếu của cuộc sống, nếu như không muốn nói đó là một kinh nghiệm kỳ thú mà mỗi chúng ta chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất trên đời...      
Ai rồi cũng sẽ chết, kẻ chết già người chết trẻ. Người già chết, chúng ta mừng cho họ vì họ thoát khỏi hệ lụy trần gian, không còn là gánh nặng cho con cháu. Người trẻ chết, chúng ta cũng mừng cho họ vì họ không còn phải bận tâm công ăn việc làm, cơm áo gạo tiền, khỏi lo nhà cửa, khỏi lo yêu thương, giận hờn, ghen ghét, khỏi lo…
Khi về già, sức khỏe là vốn quý nhưng nếu không hề đau ốm thì cũng rất nhàm chán, không cảm nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm của gã, thỉnh thoảng nên ốm một trận. Nhẹ thì chỉ cần bảo vợ con cho ăn bánh đúc mắm tôm, đấm lưng, cạo gió, nấu nồi nước xông. Xông xong rồi lau người cho khô, lên giường ngủ một giấc. Sáng mai thức dậy thấy đời tươi phơi phới!!! Nếu bệnh nặng, phải đi nằm bệnh viện thì chớ vội nản lòng. Ngoài vợ con cháu chắt chạy ra chạy vào chăm sóc, thể nào cũng có một vài ông bạn cố tri tìm đến an ủi, thăm nom. Thế chẳng phải là hạnh phúc lắm ru?
Nói thế thôi, khỏe mạnh thì vẫn hơn. Sáng sáng, ra đường đi bộ cho giãn gân cốt, hít thở khí trời trong lành rồi suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn mà tạ ơn Trời Đất. Có một hôm, vô tình, không hẹn mà gặp, gã đi bộ cùng với bà hàng xóm. Chẳng biết bà nghĩ gì nhưng gã thấy bà vui, gã cũng vui. Bà kể chuyện huyên thuyên, đủ mọi thứ trên đời, chẳng đâu vào đâu. Lúc chia tay, gã cảm thấy có một chút lưu luyến, bà ấy cũng vậy. Gã cảm thấy yêu đời hơn.
Gã cảm thấy yêu đời hơn nên gã đi nhuộm tóc. Tối hôm sau, gã rủ vợ đi ăn cơm tiệm. Chưa kịp yên vị, bà chủ tiệm hỏi: “Hai chị em dùng gì?”. Gã bực lắm. Hồi trẻ, chắc chắn sẽ to chuyện. Bây giờ già rồi, lão tự nhủ: “Một câu nhịn, chín câu lành”.
Già rồi, nhịn riết cũng quen. Nhiều người già tự đặt cho mình một quy luật để sống, răm rắp tuân theo, sáng trưa chiều tối… Gã nghĩ thế cũng tốt nhưng khắt khe với bản thân mình quá thì cũng không nên. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ. Không nên tranh luận chuyện thiên hạ làm chi để hao mòn sinh lực, tổn hại tình thân hữu. Đánh cờ cũng vậy, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng, thắng chưa chắc đã lợi, thua không hẳn là thiệt.
Già rồi, khi bị chê bai, gã cười, không buồn, không oán trách. Già rồi, nghe thiên hạ khoe khoang, gã cứ giả vờ tin như thật. Gã chẳng mất gì mà làm cho thiên hạ sướng, lên tận mây xanh.
Già rồi, còn làm được gì giúp ích cho đời, cho gia đình, cho bản thân mình thì cố gắng mà làm. Đừng nuôi mộng ước cao xa để rồi đến chết vẫn không thực hiện nổi. Hôm trước gã đi thăm ông nhà văn sắp chết vì ung thư. Nằm thoi thóp trên giường bệnh mà cứ thở vắn than dài do tác phẩm để đời, ấp ủ bấy lâu nay, vẫn chưa viết được chữ nào!
Già rồi, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, lếu láo vài ba chung rượu, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh phúc. Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết ngày đó nên phải trân trọng, yêu quý.
Già rồi, ai nói đúng sai gì, kệ họ. Cuộc đời muôn mặt nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Gã chỉ biết lắng nghe và cảm nhận.
Hôm nay, ngày cuối năm , gã cầu chúc mọi người “già” thêm một tí “lẩn thẩn”, thêm một tí “dở hơi”, thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để thiên hạ “sướng” thêm một tí, “sướng” lên tận trời cao, ấy chứ lỵ....!