KIM CƯƠNG CÒN MÃI MÃI
Trần Lý Lê
“Diamond” xuất phát từ chữ gốc Hy Lạp “adamas”, “không thể chinh phục”, là viên đá rất cứng, khó mài giũa. Hình tượng của tình yêu vĩnh cửu (?).
Sách vở ghi chép rằng dù kim cương kết tủa trong đất cả 900 triệu năm nay nhưng con người chỉ khám phá ra viên đá cứng kia khoảng 2,500 năm trước đây, tại vùng Golconda, Ấn Độ. Viên đá cứng và lấp lánh phản chiếu ánh sáng được các lãnh chúa xem là bảo vật của thần thánh. Vua chúa Ấn Độ đính kim cương trên mũ mão, khí giới và quần áo để [tự] tôn vinh.
Từ con đường tơ lụa, kim cương theo thương buôn từ Ấn Độ, Trung Hoa qua Âu Châu, được buôn bán trao đổi như vật quý, dùng để cắt kim loại, làm bùa ngải xua đuổi ma quỷ, bảo vệ người dùng trong trận chiến ngay cả chữa trị bệnh tật và làm lành vết thương (?).
Cho đến thế kỷ XVIII khi các mỏ kim cương tại Ấn Độ cạn đá thì bá tánh tìm kiếm kim cương từ những nơi khác. Người lớn trẻ em, vô tình hay cố công gắng sức đã khám phá ra những mỏ kim cương nằm rải rác trên thế giới, nhất là Phi Châu nơi người ta tìm thấy viên kim cương nặng 83.50-carat tại Colesberg Kopje vào năm 1871. Thế là công ty đào mỏ kim cương Kimberley Mine ra đời và vào năm 1880, ông Cecil John Rhodes, người Anh, thành lập De Beers Consolidated Mines, Ltd để giữ độc quyền khai thác [và buôn bán] kim cương. Đến năm 1919 thì giá cả kim cương sút giảm chỉ còn 50% trị giá lúc ban đầu. Khi kim cương không còn hiếm hoi như trước và trở thành món … xoàng xoàng thì giới quý tộc và người giàu có chuyển hướng, họ xoay ra săn tìm các loại đá màu quý hiếm khác như bích ngọc màu xanh lục (emerald), hồng ngọc đỏ thắm (rubie), và lam ngọc màu xanh nước biển (sapphire).
Về mặt hóa học, kim cương là chị em thân thiết với than đá, có nhiều tính chất tương tự, cả hai đều xuất phát từ gốc mẹ carbon. Cô em kim cương xuất hiện khi các nguyên tử kết nối với nhau theo một kiểu mẫu riêng và dưới một trạng thái đặc biệt: áp suất và nhiệt độ rất cao chỉ hiện diện rất sâu trong lòng đất, độ sâu khoảng 90-240 dặm.
Ngày nay, kim cương thiên nhiên từ từ cạn kiệt sau khi con người kịch liệt đào xới đất đai để khai thác. Chỉ khoảng 20% kim cương tìm thấy trong thiên nhiên thực sự là đá quý với các đặc tính của vật trang sức, hiếm hoi hơn nữa là chỉ 2% kim cương có trị giá “đầu tư”, không mất giá qua thời gian; 80% còn lại là nguyên liệu dùng trong kỹ nghệ cưa cắt, đào bới vì độ cứng của nó. Trung bình, con người phải đào xới được 250 tấn vàng mới có thể tìm ra viên kim cương cỡ một carat với đặc tính quý hiếm như trong [sạch], sáng…
Đào bới không xong thì con người xoay ra chế tạo kim cương từ phòng thí nghiệm, cũng trong suốt, rực rỡ như đá tự thiên nhiên. Thợ tay nghề cũng khó lòng phân biệt món nào từ đất đá, món nào do nhân tạo!
Kim cương trở thành nhẫn đính hôn từ bao giờ?
Trao nhẫn ước thề, hứa hẹn trung thành [chung thủy] là cổ tục từ thời La Mã, những sợi đồng hay sợi tóc cuộn chặt tạo hình chiếc nhẫn đeo trên ngón áp út của bàn tay trái (vena amorous, máu tay trái chảy về tim nhanh hơn vì gần hơn!?) dùng làm biểu hiện của thân ái hoặc tình bạn, không hẳn là hôn nhân.
Việc dùng nhẫn để đính hôn bắt đầu từ năm 1215 khi Giáo Hoàng Innocent III đặt ra giáo điều “chờ đợi”, một thời gian từ lúc đính ước đến khi thành hôn. Chiếc nhẫn trở thành vật “làm tin” trong thời gian chờ đợi này. Sách vở ghi chép việc Archduke Maximilian of Austria cầu hôn người đẹp Mary of Burgundy vào năm 1477 với chiếc nhẫn kim cương. Thủa ấy kim cương vẫn rất quý hiếm nên chỉ có vua chúa quý tộc mới kham nổi trị giá của viên đá ấy. Thứ dân thì chỉ có nhẫn trơn. Sau đó thì nhẫn trở thành món giao ước và mọi lễ cưới phải cử hành tại nhà thờ theo luật của đế chế La Mã.
Nhẫn dùng trong dịp đính hôn, lễ cưới và cũng được dùng để … khoe của, chỉ có giới quý tộc giàu sang mới được phép đeo nhẫn [đẹp] như món trang sức.
Từ năm 1947, qua công ty quảng cáo N.W. Ayer, DeBeers rao bán kim cương với câu “A diamond is forever” (“Kim cương [là vật] vĩnh cửu”). Nôm na là chỉ nên dùng kim cương [làm tặng vật] đính hôn. Quà tặng thì không được đòi lại theo phán quyết của tòa án Huê Kỳ khi đôi bạn tình chia tay, nàng có quyền giữ chiếc nhẫn lắm tiền!
Bài bản quảng cáo hấp dẫn quá nên món nhẫn kim cương đính hôn vẫn được mua bán rầm rộ dù không còn mạnh mẽ như trước. Năm 2023, 78% các chiếc nhẫn đính hôn đều gắn kim cương.
Thị trường mua bán kim cương làm ăn được nên bá tánh hè nhau [dạy] dỗ người mua về phẩm chất của kim cương, như thế nào là một viên đá có trị giá cao. Người bán thì thay đổi kiểu cắt giũa viên đá sao cho bắt mắt, nghĩa là vẫn rực rỡ nhưng mới mẻ vì hạt kim cương tròn thì xoàng quá rồi. Thế là dạng bầu dục, marquise, vuông và chữ nhật ra đời cho khác lạ để cô dâu tương lai còn lựa chọn.
Hết mục đính hôn với nhẫn kim cương thì đến lúc mừng kỷ niệm ngày cưới 60 năm, lễ kim cương và cụ bà (ít nhất tuổi bát tuần?) cũng được cụ ông mừng một viên đá quý!
Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, để mở rộng thị trường, kỹ nghệ kim cương đã từng bày ra khái niệm mừng ngày cưới 25 năm bằng kim cương nhưng chẳng mấy khách hàng hưởng ứng nên trào lưu ấy xẹp lép, chiếc bong bóng xì hơi!
Chúc mừng, kỷ niệm, lễ lạt nhiều như thế nhưng cũng đến lúc kim cương không còn … sôi nổi nữa dù kỷ niệm vẫn là kỷ niệm. Bá tánh không còn mua nhẫn đính hôn kim cương nữa vì thị trường đang sa sút, Signet, chủ nhân của các cửa hàng Zales, Kay, Jared, và Diamonds Direct, mới công bố rằng mãi lực của kim cương sút giảm 10% so với năm ngoái. De Beers, công ty sản xuất kim cương lớn nhất, cũng cho rằng hàng hóa [kim cương] bán ra đang chậm lại. Tại sao thế nhỉ? Người ta không mấy hăm hở chuyện hôn ước nữa? Bá tánh nhận ra rằng kim cương chỉ là viên đá được mài giũa chứ chẳng thực sự có giá trị gì, nhìn mãi cũng chán? Hoặc giả phụ nữ hết … ham kim cương? Họ không còn ưỡn ngực khoe chiếc nhẫn rực rỡ trên tay, không còn cảm thấy cần thiết khi tự giới thiệu tui là bà X với tên / họ người chồng? Độc lập hơn và riêng tư hơn? Khi ưa chuộng món gì thì tự mình sắm lấy?
Như tài năng, sắc đẹp, tiền bạc, chức tước, trị giá của kim cương cũng do con người [bày] đặt ra để lựa chọn, tôn vinh … Con người tự lựa chọn thì cũng chính con người buông bỏ. Kim cương cũng bị đào thải theo sự luân chuyển của đất trời, chẳng có gì gọi là vĩnh cửu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét