Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

HAYMARKET VÀ LỄ LAO ĐỘNG

HAYMARKET VÀ LỄ LAO ĐỘNG

Nguồn: Internet

Lễ Lao Động là một trong những ngày lễ lớn ở Mỹ. Weekend đầu tiên của tháng Chín được Quốc Hội chính thức công nhận là Labor Day trên toàn quốc vào tháng Sáu năm 1894. Trước đó, nhiều tiểu bang đã có ngày Lễ Lao động riêng, khởi đầu ở New York năm 1887. Ngày nay, Labor Day Weekend và màn nướng thịt Barbecue là một truyền thống không thể thiếu trong đời sống của dân Mỹ.

                    Ảnh: centerforecotechnology.org       

Đối với trẻ em, Labor Day Weekend đánh dấu kết thúc mùa nghỉ Hè trước khi trở lại trường. Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, người ta tổ chức picnic (bữa ăn ngoài trời) để ăn mừng. Thiên hạ cũng thường nhân dịp này dẫn gia đình đi chơi một chuyến cuối trước khi con cái nhập học. Phi trường, nhà ga đều đông nghẹt người. Thuê xe hay tìm chỗ cắm trại cũng cực kỳ khó.

Một cuộc đua bao bố tại một buổi Lễ Lao Động ở Quận Cam, California. Nguồn: OCRegister

Nhưng có lẽ ít ai biết nguồn gốc của ngày lễ này đến từ một biến cố bi thảm tại khu vực Haymarket ở thành phố Chicago vào năm 1886. Ngày 1 tháng 5, hàng mấy trăm ngàn thợ thuyền khắp nơi trên nước Mỹ đồng loạt đình công, đòi giảm giờ làm việc xuống tám tiếng một ngày. Phong trào “eight hour workday” này được thúc đẩy bởi các liên đoàn công nhân cũng như các nhóm bảo vệ người làm công trước sự bóc lột của giới đại thương gia được báo chí và luật pháp bao che. Riêng tại Chicago, lực lượng cảnh sát đã bắn vào đám đông khi ẩu đả xảy ra giữa nhân công xưởng gỗ McCormick và nhóm côn đồ gọi là “strike breakers” được thuê để đàn áp người đình công. Để phản đối hành động hung bạo ấy, một nhóm người đã đứng ra kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình tại quảng trường Haymarket Square tối hôm sau.

Nguồn ảnh: Chicago Historical Society

Mặc dù những người đứng đầu cuộc biểu tình không kêu gọi sử dụng vũ lực nhưng ngay trước khi buổi mít-tinh chấm dứt, có ai đó đã quăng một quả bom tự chế về phía cảnh sát, giết chết một nhân viên công lực. Cảnh sát Chicago bắn trả. Cuộc xô xát xảy ra chỉ trong vòng 20 phút nhưng kết cuộc có tám cảnh sát và tám thường dân bị thiệt mạng. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy đa số cảnh sát bị các cảnh sát viên khác bắn nhầm trong cơn hỗn loạn vì người xuống đường hầu hết không mang súng.
Mục sư Samuel Fielden, diễn giả cuối cùng, đang diễn thuyết khi bom nổ.

                       Nguồn: wikicommons

Có thể nói thành phố Chicago lúc bấy giờ là điểm nóng của cuộc cách mạng lao động ở nước Mỹ. Các cộng đồng di dân đến từ Âu Châu, nhất là từ Đức, khá đông. Xung đột giữa giới tư bản và tầng lớp lao động xảy ra thường xuyên. Tấm bích chương kêu gọi người dân tụ tập tại Haymarket được viết bằng cả hai thứ tiếng Anh và Đức là do vậy. August Spies (X), tổng biên tập tờ Arbeiter-Zeitung và sáu người khác bị tòa án Illinois kết án tử hình mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy họ đã tấn công cảnh sát. Cái chết của họ làm bùng cháy trở lại ngọn lửa của phong trào “tám tiếng một ngày” bị dập tắt sau vụ Haymarket.

                                 Nguồn: Wikimedia

Cần nhớ đây là thời điểm nước Mỹ và thế giới đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế khá nặng gọi là The Long Depression 1873-1879 (khác với The Great Depression vào thập niên 1930). Cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ nhì bắt đầu từ thập niên 1870 dẫn đến nhiều thay đổi trong sinh hoạt kinh tế, xã hội và chính trị. Thất nghiệp tăng cao. Các nhóm tả khuynh theo Chủ nghĩa Xã Hội, Cộng Sản ra đời. Cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho công nhân ngày càng thu hút nhiều thành phần xã hội. Những tổ chức như Knights of Labor kết nạp được hơn cả trăm ngàn thành viên vào cuối thế kỷ 19.

Đài tưởng niệm bảy nhân vật bị tử hình sau vụ Haymarket tại Chicago với câu nói cuối cùng của August Spies: “Một ngày kia sự im lặng của chúng tôi sẽ mạnh hơn tiếng nói mà các ngài đang cố dập tắt.” Nguồn: wikipedia

Ngày nay khi nghe đến Labor Day Weekend, hầu hết người dân Mỹ chỉ nghĩ đến thịt nướng và sale, không mấy ai nhớ hoặc biết đến công lao của những người đã xả thân để chúng ta có được những thứ tưởng chừng như mặc định – tuần làm năm ngày, mỗi ngày tám tiếng. Song ở Chicago, người dân vẫn tưởng niệm bảy vị tử sĩ đã hy sinh bằng cách tái dựng cuộc biểu tình Haymarket. Tất nhiên không có màn ném bom nhưng chắc chắn có khói từ… các lò thịt nướng!

                 Nguồn: Chicago Tribune

Một năm sau biến cố Haymarket, nhiều tiểu bang lần lượt thông qua các đạo luật bảo vệ người làm công và đặt ra ngày lễ Lao Động cấp tiểu bang. Nhưng phải mất thêm 18 năm, Quốc Hội mới biến nó thành một ngày quốc lễ được Tổng thống Grover Cleveland ban hành vào năm 1894 do áp lực từ công nhân ngành xe lửa đình công. Đó cũng là thời điểm nước Mỹ và thế giới bước vào cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ thứ Ba (the Third Industrial Revolution) với nhiều thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế và xã hội, dẫn đến cuộc Đại Thế Chiến thứ Nhất năm 1914.

Một cuộc diễn hành trong ngày lễ Lao Động tại Buffalo, New York, năm 1900. Nguồn: National Geographic.

Cựu Biên Tập Viên báo Trẻ, chuyên viết về Lịch sử, Âm nhạc, Nghệ thuật, Something/Anything, từng làm kỹ sư điện toán, hiện cư ngụ trong vùng Dallas.

Không có nhận xét nào: