NGƯỜI BÁC SĨ CÓ PHÉP LẠ
Đông Minh
Đại hội thần kinh thế giới lần thứ 22 diễn ra tại Santiago, Chile (31/10 -5/11) năm nay. Nhiều người thấy ngạc nhiên vì có một cái tên Việt Nam xuất hiện trong tư cách là ứng cử viên Ủy viên giám sát của Ủy ban điều hành Hội thần kinh thế giới (WFN), đó là bác sĩ Daniel Trương Dũng ở thành phố Fountain Valley. Orange County. Ca.
BS Daniel có nhiều khám phá mới trong việc chữa trị bệnh Parkinson .... Được biết ông là cựu học sinh trường trung học Võ Trường Toản, Saigon.
Trong giới thần kinh thế giới, bác sĩ Daniel Trương là một nhân vật “quen mặt” – một bác sĩ nổi tiếng trong ngành thần kinh Parkinson và là diễn giả có mặt ở rất nhiều Hội nghị chuyên ngành quốc tế khắp nơi trên thế giới.
Nếu đắc cử vào chức vụ Ủy viên giám sát, bác sĩ Daniel Trương sẽ cùng 4 nhà khoa học nữa điều hành các chương trình nghiên cứu trong địa hạt thần kinh trên thế giới trong bốn năm tới.
Bác sĩ Daniel chữa bệnh cho người Mỹ
Để ứng cử vào vị trí này, mỗi ứng cử viên cần có 5 nước đề cử. Bác sĩ Daniel được sự tín nhiệm của 14 Hội thần kinh quốc gia gồm có Mỹ, nơi ông đang làm việc, Việt Nam – nơi ông sinh ra - Đức, Bulgaria, Trung Quốc, Hungary, Kazakhstan, Kuwait, Mexico, Pakistan, Rumania, Saudi Arabian, Slovenia, Singapore… cho đến trước ngày khai mạc Hội nghị 31/10 năm nay.
Chủ tịch Hội thần kinh Việt Nam, GS.TS Lê Hinh nhận xét: “Ông ấy là một bác sĩ tài năng và tâm huyết. Thay mặt cho Hội thần kinh quốc gia Việt Nam, tôi đề cử bác sĩ Daniel Truong và tôi tin ông ấy xứng đáng cho vị trí này”.
Bác sĩ Daniel là người Việt Nam đầu tiên đến Đức theo học ngành Y từ năm 1967 và sau này tiếp tục học bác sĩ nội trú tại các đại học danh tiếng như như Medical University of South Carolina, thực tập sinh tại Columbia University và London’s National Hospital for Nervous Disease.
Ông trở nên nổi tiếng ở Mỹ từ những năm 1990 - khi tờ Los Angeles Times gọi ông là “bác sĩ có phép lạ” – khi lần đầu tiên ở Mỹ, có những bệnh nhân Parkison , bệnh nhân bệnh tắt tiếng lâu năm và mất hết hy vọng đã hồi sinh trở lại các sinh hoạt bình thường.
Hơn 20 năm nay, kể từ khi sáng lập Viện The Parkinson and Movement Disorder ở Fountain Valley, California, bàn tay tài hoa của vị bác sĩ đã đem lại cuộc sống bình thường cho hàng ngàn bệnh nhân Parkinson và các bệnh về thần kinh nan y khác, như bệnh tắt tiếng (người bệnh tự nhiên mất khả năng nói). Bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi trên đất Mỹ và thế giới. Có những khi bệnh nhân ở xa phải đặt lịch trước cả nửa năm mới gặp được danh y.
Bác sĩ Daniel tại một Hội thảo ở Kazakhsta
Trăn trở muốn giúp đỡ nhiều hơn cho bệnh nhân ở xa, từ năm 2005, ông đã sử dụng Internet, qua skype để chẩn bệnh và điều trị cho họ. “Chỉ những những bệnh nhân nào ở xa cần can thiệp bằng phẫu thuật đặt điện cực trong não mới phải đến trực tiếp” – Bác sĩ Daniel nói. Vì thế, ông giúp được cho nhiều người người hơn, trong đó có cả các bệnh nhân ở Việt Nam.
Thành danh trên đất Mỹ nhưng trong trái tim ông, Việt Nam vẫn luôn rất gần. Ông trở về Việt Nam từ những ngày đầu tiên sau Đổi mới và đã đưa một số chương trình đào tạo quốc tế về Việt Nam: “Nếu mời một vài bác sĩ sang Mỹ học, cũng rất tốn kém nhưng khi về, một mình họ không đủ sức làm thay đổi cả một lối làm việc. Tôi muốn có càng nhiều bác sĩ ở Việt Nam được gặp gỡ, học hỏi từ các chuyên gia thần kinh hàng đầu thế giới. Vì thế, tôi trở về Việt Nam để tổ chức các Hội nghị và các khóa huấn luyện”.
Dự định của ông đã thành hiện thực, khi ông cộng tác với Hội thần kinh thế giới trong vai trò là thành viên Ủy ban Xuất bản (Publication Committee) năm 2002. Với nhiệm vụ phát triển tạp chí Thần kinh quốc tế, ông đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Hội từ thời gian đó. Cũng từ đây, ông có cơ hội kết nối và tổ chức thành công một Hội nghị Y khoa quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Bác sĩ Daniel đã mời các giáo sư quốc tế tới TP Hồ Chí Minh huấn luyện cho bác sĩ Việt Nam. Công việc đó không chỉ được duy trì tại Việt Nam nhiều năm qua mà trong quá trình làm việc, ông đã phát triển chương trình để đưa đến nhiều quốc gia đang phát triển khác. “Các nước đang phát triển cần tiếp cận với những phương pháp tiên tiến nhất trên thế giới” – Bác sĩ Daniel nói.
Ông đã đưa những chương trình tập huấn, hội thảo tới hàng loạt nước như Mông Cổ, Indonesia, Uzbekistan and Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan. Lịch trình của bác sĩ Daniel luôn bận rộn, khi thì thuyết giảng ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, lúc thì tập huấn ở Nga, Uzbekistan bên cạnh những ca chữa bệnh đặt trước tại bệnh viện nơi ông đang làm việc. Với những chương trình giúp đỡ của ông cho các quốc gia, ông đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong Giáo sư danh dự.
Ông đã đưa những chương trình tập huấn, hội thảo tới hàng loạt nước như Mông Cổ, Indonesia, Uzbekistan and Kazakhstan, Ấn Độ, Pakistan. Lịch trình của bác sĩ Daniel luôn bận rộn, khi thì thuyết giảng ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, lúc thì tập huấn ở Nga, Uzbekistan bên cạnh những ca chữa bệnh đặt trước tại bệnh viện nơi ông đang làm việc. Với những chương trình giúp đỡ của ông cho các quốc gia, ông đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong Giáo sư danh dự.
Ông được phong giáo sư danh dự ở nhiều quốc gia
Khi tôi hỏi ông đã được phong giáo sư danh dự ở những quốc gia nào, vị bác sĩ ngẩn người: “Ồ, chị hỏi bất ngờ, tôi không nhớ rõ lắm. Mới đây nhất thì là Đại học Y khoa Kazakh”. “Tôi biết trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh cũng đang chuẩn bị các thủ tục để phong Giáo sư danh dự cho ông?” – “Việc này thì chị phải hỏi họ chứ (cười), tôi không rõ các thủ tục đâu. Thường họ sẽ sắp xếp và chỉ khi trao bằng danh dự, họ sẽ mời tôi đến. Nhiều khi tôi cũng bất ngờ, ví như sau Hội nghị tháng 9 vừa rồi ở Kazakhstan, tôi bỗng được mời lên bục danh dự nhận bằng. Điều tôi vui là có thể hỗ trợ cho các đồng nghiệp ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam quê hương”.
Ở tuổi 67 nhưng sức làm việc của ông thật phi thường. Trên 140 ngàn dặm bay mỗi năm dành cho các chương trình giảng dạy ở nước ngoài, chưa kể công việc ở Viện thần kinh nơi ông đang làm việc.
Đến nay, ngoài hơn 150 bài viết cho tạp chí y khoa Peer Review, bác sĩ Daniel Trương còn là tác giả của bảy cuốn sách quan trọng viết cho các bác sĩ chuyên môn ngành thần kinh và tâm thần. Các cuốn sách trên đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Nga, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.
Ông đã và đang là thành viên Hội đồng biên tập của 4 tạp chí Thần kinh hàng đầu thế giới như Journal of Neural Transmission (2006-2008), Journal of Parkinsonism and Related Disorders (2005-2013), board, Journal of Neurological Sciences (2006-2013), Future Neurology (2007- tới nay), World Neurology (2003- 2013)…và là biên tập viên của nhiều tạp chí thần kinh thế giới khác. Tiếng nói có thẩm quyền của ông sẽ quyết định thông tin nào của các nhà nghiên cứu chuyên môn là đáng được đăng tải.
Về BS Daniel Dũng Trương
Đêm định mệnh.
“17 tuổi (1967 – NV), tôi đã muốn thoát ly gia đình. Sau khi đậu tú tài toàn phần với tấm bằng loại ưu và được suất học bổng du học, tôi lấy chiếc compa mở hết cỡ, đặt trên tấm bản đồ thế giới, lấy tâm điểm là Việt Nam rồi xoay một vòng đến chỗ nào xa nhất mà tôi tin rằng mình ít biết đến nhất thì tôi chọn. Cuối cùng, tôi chọn nước Đức mặc dù lúc đó, tôi chỉ nói ngọng nghịu vài câu tiếng Đức”, bác sĩ Daniel Dũng Trương thành thật.
Giấc mơ của chàng trai Việt mang tên Trương Dũng là đến Đức học tập để trở thành một kỹ sư điện tử nhưng như là tiền định, một cuốn sách viết về một bác sĩ kỳ diệu của tác giả Cronin mà anh đọc ngốn ngấu một đêm cho quên đi nỗi nhớ nhà đã làm thay đổi định hướng của anh.
Sau đêm đó, Trương Dũng quyết định bỏ ngành điện tử để thi vào ngành y khoa. “Đó là cái đêm định mệnh của cuộc đời tôi”. Ở Đức, y khoa là một ngành học rất khó và những ai muốn thi vào Đại học Y khoa cũng phải qua những cửa ải gian khổ. Trương Dũng thi đại và đỗ. Sau 5 năm rưỡi mài mòn đũng quần ở trường y khoa, chàng sinh viên Việt đã tốt nghiệp. Đó là cũng một kỳ tích. Tấm bằng Đại học Y khoa mà anh lấy được sớm hơn các bạn cùng khóa đến 2 năm. Sau một thời gian, chàng bác sĩ trẻ quyết định sang Mỹ để học thêm chuyên ngành thần kinh học tại trường Đại học South Carolina.
Ý chí mãnh liệt.
Với 2 tấm bằng tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Trương Dũng hăm hở đi tìm việc. Anh đến bệnh viện của một vị giáo sư cao niên và nổi tiếng nhất ở Mỹ lúc đó. Giáp mặt bác sĩ trẻ người Việt nhỏ thó, ông giáo sư người Mỹ nhìn Trương Dũng từ đầu xuống chân và lắc đầu, khoát tay. “Lúc đó, tôi đã đứng như trời trồng. Dường như tôi nghe cái gì đó đắng chát ở cổ họng. Rồi tôi cũng nhìn chằm chằm từ đầu đến chân ông giáo sư. Tôi thấy mình là người Việt thì cũng đủ các ngũ quan như ông ta. Tôi có kiến thức chuyên môn hẳn hoi và khát khao được làm việc. Vậy thì tại sao tôi không được nhận?”.
Không nản lòng, ngày hôm sau Trương Dũng lại đến. Lần này thì ông giáo sư “tiễn” anh ra khỏi khoa và còn nói với theo một câu: “Tôi rất nhiều việc. Cậu đừng đến làm phiền nữa nhé!”. Trương Dũng lại lầm lũi lê bước chân nặng nề về căn phòng ở trọ. Như vậy cũng không “ép phê” gì so với quyết tâm cháy bỏng của chàng trai trẻ. Và lần thứ 3, anh lại đến. Oái oăm hơn, người đàn ông khó tính này lại “lịch sự” tiễn Trương Dũng ra tận cổng bệnh viện và phũ phàng buông một câu: “Khu vực này trời tối anh nên về đi. Hy vọng đây là lần cuối tôi gặp anh!”.
“Lần cuối. Tôi nghe câu nói đó giống như cánh cửa bệnh viện này đã đóng sầm lại rồi. Một suy nghĩ loáng qua đầu tôi, không lẽ cánh cửa trái tim ông ấy cũng khóa nốt với tôi. Và tôi đã lập tức quay lại. Tôi nói với ông ta là tôi sẽ làm không công. Vị giáo sư ngạc nhiên và gọi điện cho thầy tôi. Ông nghĩ rằng định mệnh của tôi đúng là ngành thần kinh. Thế là vị giáo sư mềm lòng”. Bác sĩ Daniel Dũng Trương bồi hồi kể.
Lòng say mê học hỏi và năng lực thật sự của Trương Dũng khiến vị bác sĩ tài năng và khó tính này cũng phải kiêng nể. Bí quyết thành công, theo bác sĩ Daniel Dũng Trương là phải biết đấu tranh quyết liệt và kiên trì đến phút chót: “Ở các trường đại học ở Mỹ, người ta coi bạn mình cũng là đối thủ. Những ai muốn tiến bộ thì phải tìm cách vượt qua đối thủ. Tôi đấu tranh ngay với cả thầy của mình. Tôi không sợ trù dập. Trong xã hội Mỹ, mình phải sẵn sàng đương đầu khi phải đương đầu với bất kỳ ai. Người ta cũng cảm thấy chuyện đó là bình thường, là cần thiết. Sau này, trong nghiên cứu sự cạnh tranh còn khắc nghiệt hơn”.
Vị cứu tinh của nhiều người.
Danh tiếng về khả năng chữa bệnh Parkinson và các bệnh rối loạn cử động của bác sĩ Daniel Dũng Trương được biết đến không chỉ ở Mỹ mà truyền đi khắp thế giới. Ông đã mang lại giọng nói bình thường cho nhiều phát thanh viên, diễn viên tại Mỹ khi họ mắc chứng bệnh này. Có hơn 15.000 người trên thế giới là bệnh nhân của vị bác sĩ gốc Việt này. Trong đó có những người rất nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh, chính khách. Khâm phục tài năng và đức độ của ông có một bệnh nhân đã sẵn sàng tặng ông 1 triệu USD hoặc Giám đốc nhân sự của cựu Tổng thống Bill Clinton khi Bill Clinton còn là Thống đốc bang Arkansas thì đề nghị tặng bộ óc sau khi qua đời để bác sĩ Daniel Dũng Trương dùng trong nghiên cứu.
Trong các bài báo tiếng Anh viết về người bác sĩ biết làm phép lạ này đã ghi lại những câu chuyện hết sức xúc động. Deadmond là một bệnh nhân điển hình của vị bác sĩ gốc Việt này. Một hôm cô thức dậy và cứ ngỡ rằng mình bị viêm thanh quản. Ai ngờ chứng bệnh kéo dài suốt 7 năm. Tình trạng của Deadmon ngày càng trầm trọng hơn đến nỗi cô không thể ăn. Ngay chuyện trả lời điện thoại cô cũng không còn làm được. Khi đến phòng mạch bác sĩ Trương, cô Deadmon thổ lộ: “Ông ấy là hy vọng cuối cùng”. Và đúng là như vậy, bác sĩ Trương đã chữa khỏi cho cô gái. Susan Becraft, một bệnh nhân khác của bác sĩ nói: “Đối với chúng tôi, ông ấy là một siêu anh hùng”. Bác sĩ Trương đã chữa lành cho Becraft chứng cứng cơ đòn gánh, một rối loạn vận động ở cổ. Còn Barbara Rood nhờ bác sĩ Trương mà sau hai năm đã lấy được giọng nói đã mất, phát biểu: “Tôi tưởng tượng như mình trồi lên từ đêm đen, như người mù được sáng mắt”.
Trong vài lần về Việt Nam với thời gian ngắn ngủi, bác sĩ Daniel Dũng Trương đã dành từng giây, từng phút để điều trị cho nhiều người mắc chứng bệnh Parkinson trầm trọng mà hầu như trong nước, họ không có cơ may chữa khỏi. Vị bác sĩ tài giỏi này còn có một cách chữa bệnh “từ xa” rất đặc biệt thông qua sự điện thoại, e-mail, webcam để theo dõi bệnh nhân. Điển hình là NSND Thanh An mắc chứng Parkinson rất lâu đã được ông chữa bệnh qua webcam và bệnh tình đã thuyên giảm.
Nhà khoa học lớn và trái tim nhân hậu.
Bác sĩ Daniel Dũng Trương được coi là người đầu tiên chứng minh có thể sử dụng chất botox để chữa bệnh tắt tiếng. Cùng với người thầy của mình là bác sĩ Tenny Fox – cựu Chủ tịch Hội Thần kinh Hoa Kỳ, ông đã dành trọn 17 năm miệt mài nghiên cứu để tìm ra phương pháp dùng botox điều trị bệnh tắt tiếng một cách hiệu quả nhất. Tên tuổi của ông còn gắn liền với bảng phân loại về các bệnh cử động học. Vị bác sĩ gốc Việt này từng làm chủ tọa nhiều hội nghị ngành thần kinh tầm cỡ quốc tế với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học. Ông đồng chủ biên 4 tờ báo y khoa hàng đầu thế giới và biên tập cho 20 tạp chí y khoa khác. Riêng các bác sĩ chuyên ngành thần kinh ở Việt Nam không thể không “gối đầu giường” cuốn Thần kinh học lâm sàng do BS Daniel Dũng Trương và đồng nghiệp viết. Hàng trăm báo cáo về bệnh thần kinh của ông đã được đồng nghiệp tham khảo và thán phục. Mới đây, ông được bầu vào chức Chủ nhiệm Tiểu ban đào tạo cho những nước đang phát triển của Hội Thần kinh quốc tế. Năm 1991, ông được mời chủ tọa cuộc họp thường niên của Hội Thần kinh Hoa Kỳ. Cuốn sách Vẻ vang dân Việt chọn ông là 1 trong 2 nhân vật tiêu biểu của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, trung bình mỗi năm ông đi thuyết trình tại 10 nước.
Daniel Dũng Trương đang chữa cho người bị mắc chứng Parkinson. Ảnh:Q.V.
Nổi tiếng khắp thế giới và được đồng nghiệp nghiêng mình kính nể nhưng ở nước Mỹ xa xôi, vị bác sĩ tài hoa này vẫn đau đáu hướng về cội nguồn. Nhiều bệnh nhân người Việt có hoàn cảnh khó khăn được ông tặng thuốc để chữa trị mặc dù có những loại thuốc rất đắt. Ông đang ôm ấp một dự định là xây dựng một bệnh viện thần kinh hiện đại tại Việt Nam để chữa trị cho đồng bào của mình. Sát cánh bên bác sĩ là người vợ giỏi giang hiện đang là giám đốc một đài truyền hình tại Mỹ kiêm thành viên ban giám sát ở Trung tâm Orange Coast Memorisl Medical. Bà thường xuyên vận động để phụ nữ Việt kiều tham gia vào xã hội nhiều hơn và tận dụng được nhiều các cơ hội quanh họ. Bên cạnh đó, bà cũng giúp họ duy trì mối liên hệ với cội nguồn đất Việt vì cho rằng nếu không quan tâm, thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng Việt sẽ rời xa dần những truyền thống. Nhiều người Việt còn biết đến người vợ của vị bác sĩ nổi tiếng này trong vai trò thành viên ban hòa tấu Pacific Symphony Orchestra và Tổ chức âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Họ cùng sống, làm việc và giúp người khác bằng đôi tay lương y tài hoa và tinh thần độc lập đầy nhân bản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét