Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

NHƯ SƯƠNG NHƯ KHÓI

NHƯ SƯƠNG NHƯ KHÓI 

Nguyễn Thanh Dũng
(Riêng kính tặng quí anh: Thái Quốc Mưu - Vinh Hồ và Nguyễn Bông)


“Ai đang xây lầu gác vàng cao sang, ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoan.
Lời ca ngày đó đã xa rồi mà ai còn trút mãi cung đàn vọng về tim...
Giờ đây, mỗi lần em buông tiếng hát thì ai thay thế nắn phím cung đàn.
Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em và lời hờn yêu em không còn như ngày trước và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai. Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai...”.
                                                      (Giọng Ca Dĩ Vãng của nhạc sĩ Bảo Thu)
Tôi hướng dẫn ký âm pháp và đàn ghi-ta lúc nàng chưa tròn 16 tuổi, luyện giọng hát, tập ngân dài khi nàng làm sinh nhật ở tuổi 17. Từng bước đi của nàng, tôi dìu dắt không mệt mỏi. Nàng hát tự nhiên như nói chuyện, không sửa giọng, không cầu kỳ và biết cách diễn đạt ý nhạc lời ca lúc nhặt lúc khoan. Mỗi khi hát, âm ba trong vắt như tiếng suối reo, nhẹ nhàng như làn gió thoảng. Giọng nàng thích hợp với âm giai thứ (minor) và giai điệu chậm.
Mỗi đêm đến phòng trà đánh đàn cho ban nhạc, tôi đèo nàng trên chiếc xe Mobylette xanh cũ kỹ để nàng làm quen với không khí sân khấu bỏ túi. Khi đài phát thanh Saigon tuyển lựa ca sĩ, tôi chở nàng đi thi. Nàng đã không phụ công lao tôi hướng dẫn.
Từ đó, ngoài đài phát thanh Saigon, nàng hát cho đài phát thanh quân đội và đôi khi theo ban nhạc của tôi lên truyền hình. Nàng có vóc dáng mềm mại dễ thương, khuôn mặt thích hợp ánh đèn màu, với đôi mắt hai mí, sóng mũi thanh tú và nụ cười làm siêu lòng người đối diện.
Ngày nào tiếng hát nàng cũng theo làn sóng điện trải dài khắp nơi, lúc qua đài phát thanh, lúc qua màn ảnh truyền hình. Giọng ca cứ thế cao vút trong không gian, càng lúc càng vang xa... thật xa... như cuộc đời nàng xa ông thầy dạy nhạc nghèo nàn này một cách êm xuôi.
Danh tiếng và nhan sắc của Nữ Vương ca nhạc Huyền Hương Huyền khiến biết bao người, không phân biệt tuổi tác và giới tính, thực sự mến chuộng. Nàng là ngọn lửa rực sáng của nền ca nhạc Việt Nam đang vươn lên trong thập niên đó. Đến đỉnh vinh quang, ngôi sao nào cũng lấp lánh, che chắn hẳn cái nghèo nàn, khổ đau thuở ban đầu. Người ca sĩ bao giờ cũng nổi tiếng và giàu sang nhanh hơn giới nhạc sĩ sáng tác và nhạc công. Thời nào cũng thế.
Tôi không oán hận hay trách móc bé Thiềm – tên cúng cơm của nàng – mà âm thầm lên Ban Mê Thuột, cộng tác với ban nhạc ty thông tin tỉnh. Tôi đi xa để lãng quên thói đời, chỉ biết tự trách mình, thân phận một nghệ sĩ nghèo.
Màu đất đỏ cao nguyên, cái lạnh lan man với núi rừng xanh ngát trùng điệp là một liều thuốc tâm lý để tôi an tâm sống cuộc đời ẩn dật. Dù vậy, mỗi lần anh trưởng ty thông tin mở máy phát thanh hàng ngày, giọng hát Huyền Hương Huyền lại hòa trong gió, được khuếch âm từ chiếc loa gắn trên cột đèn trước sân trụ sở, tôi ngưng mọi công tác để lắng tai nghe... Tôi vẫn yêu giọng hát nàng, giọng hát ngập ngừng buổi tập dượt ban đầu, giọng hát bể tiếng của đứa con gái tuổi dậy thì nũng nịu khi hát sai nhịp. Bây giờ, giọng ca vàng điêu luyện đó mượt mà, đài các và truyền cảm, được hàng triệu khán thính giả hâm mộ. Có lẽ trời sinh ra để nàng dùng lời ca điệu nhạc an ủi, vuốt ve những đau khổ con người tàng ẩn trong lòng.
Cái buồn theo không gian và thời gian chất chứa. Cái buồn sẽ vơi đi khi con tim được dịp hòa trải niềm tâm sự mình trên suối thơ, trên dòng văn hoặc trên khuông nhạc. Tôi vùi đầu sáng tác những bài ca sầu cảm...
Vào một chiều thu, gió heo may tựa bàn tay nhung lụa vuốt ve hàng dương liễu trên con đường dốc thoai thoải. Mầu đất mốc nâu sậm im ắng sau cơn mưa bụi ban trưa. Mở radio tiếp vận đài Saigon, tôi bỗng lạnh người khi nghe giọng Huyền Hương Huyền hát bản “Tình Bay Xa” của tôi. Khi sáng tác bản nhạc, tôi hát như say như mê, cho rằng đã diễn tả hết nỗi lòng người tha hương lữ thứ. Chẳng ngờ giọng hát nhuần nhuyễn của nàng trộn lẫn với nhịp điệu đến nỗi không phân biệt được đâu là nhạc đâu là lời, theo gió thoang thoảng khi nhỏ khi to. Bên tai chỉ còn nghe âm hưởng man mác, nức nở, phát xuất tự đáy tâm hồn người cô quạnh. Có rất nhiều ca sĩ hát bản này nhưng không thành công vì tôi chỉ soạn riêng cho chất giọng nàng. Nàng đã xoa dịu niềm cô quạnh một người rời thành đô hoa lệ, về nơi đèo heo hút gió, vùng trời xa xăm để tìm quên lãng theo thời gian và không gian. Tôi như lịm dần vào cõi hư không...

Thời gian trôi...
Đến Chicago thăm người bạn vong niên. Tối thứ Bảy, anh rủ tôi đến nhà hàng Phượng Hồng uống cà phê nghe nhạc sống.
Từ lâu rất lâu, tôi không còn buông chùng tơ đàn theo nhịp thở tâm tư. Tôi muốn ấn tượng thuở ban đầu đã tan vỡ theo bọt nước thì cứ theo sóng thời gian trôi mãi, trôi mãi... để ra biển cả quá khứ.
Nhưng đêm nay, nghe dàn trống hòa nhịp với tiếng đàn bass điệu Boston, nghe Guitare solo bài “Ánh Đèn Đêm”, tôi như tiếc nhớ khoảng trời biền biệt mãi mãi không trở về. Tiếng Clarinette vời vợi, tí tách giọt vắn giọt dài “Nửa Đêm Ngồi Phố”, “Mưa Đêm Ngoại Ô”. Tâm hồn cằn cỗi có dịp dấy lên niềm cảm hứng như lúc tôi còn cộng tác với các phòng trà.
Trong ban nhạc nhà hàng, một cậu em quen thân ở ty thông tin Ban Mê Thuột – nhạc sĩ Lâm Quang – không hỏi ý kiến trước, đã ân cần mời tôi lên trình diễn. Dễ chừng hơn 20 năm không sử dụng nhạc khí, tôi hơi luống cuống khi so lại dây đàn. Phía dưới khán giả, những cặp mắt lấp lánh trong ánh đèn mờ nhạt nhòa...
“Ai đang xây lầu gác vàng cao sang, ai đem cung nhạc tiếng đàn gieo hoan.
Lời ca ngày đó đã xa rồi mà ai còn trút mãi cung đàn vọng về tim...
Giờ đây, mỗi lần em buông tiếng hát thì ai thay thế nắn phím cung đàn.
Từng nhịp nhặt khoan ai sẽ dìu theo tiếng em và lời hờn yêu em không còn như ngày trước, và rồi tại ai trong mỗi lần em hát sai. Cung lỡ dây chùng mấy ai đàn đừng sai...”.
Giờ “break”, nhạc sĩ Lâm Quang kéo tôi vào hậu trường. Các ca sĩ trẻ cười đùa trong căn phòng hóa trang. Tại góc phòng, tôi thấy một bà mặc áo kim tuyến xanh đang uống nước. Lâm Quang chưa kịp giới thiệu, nàng đã buột miệng:
- Anh Lê Thường...
Tôi còn đang ngơ ngác, Lâm Quang cho biết bà là chủ nhà hàng này, đoạn trở ra ngoài.
Ngồi ghế salon đối diện nàng, tôi nghĩ mãi không rõ là ai, có thể một người nào đó biết tôi thuở trước và chắc hẳn nàng nhờ Lâm Quang vời tôi vào đây.
Tôi nói khẽ:
- Chào bà...
- Anh Lê Thường... anh không nhận ra em sao?
Tôi nhìn nàng. Trước mắt tôi là một người đàn bà khoảng sáu mươi, béo phục phà phục phịch. Phấn son không che kín các nếp nhăn thời gian.
- Bé Thiềm đây anh... Lúc nãy, nghe anh hát bài “Giọng Ca Dĩ Vãng”, em nhận ngay ra anh. Làm sao quên được... Kỷ niệm đầu đời lúc anh tập cho em từng nốt nhạc, sửa từng lời ca...
Tôi phân trần. Sở dĩ tôi hát bài đó vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Không có gì đậm nét bằng những kỷ niệm đầu đời, những ngày thơ mộng đã qua.
Nàng thút thít khóc...
Có lẽ khoảng bốn mươi năm, tôi không gặp nàng. Đầu óc tôi lúc nào cũng mường tượng một cô bé mảnh khảnh, khuôn mặt trái xoan, dáng dấp dịu dàng. Chính thời gian là thủ phạm giết chết tuổi xanh, biến thể con người như khung kính dị dạng. Mình chẳng biết mình hóa lão vì cơ thể bị gặm nhấm từ từ. Hai hình ảnh trên một con người chỉ được phát giác với quãng cách đơn vị đo lường: vẫn là thời gian ác nghiệt.
Bé Thiềm – Nữ Vương Ca Nhạc Huyền Hương Huyền – trách tôi bỏ đi sao không báo nàng biết. Tôi cười tha thứ. Chính nàng xa tôi chứ tôi đâu phụ nàng. Danh vọng, nhịp sống cuồng vội của một người nổi tiếng đã khiến nàng thưa thớt đến với người nhạc sĩ đã hết duyên hết nợ.
Nàng vẫn nhỏ nhẹ: - Em biết bài “Tình Bay Xa” là của anh dù anh lấy tên khác. Gần nhau nhiều năm trời, tuy chúng mình không nói lời thương yêu nhưng ý nghĩ của nhau, mình đều rõ. Lời bản nhạc trách móc kẻ bạc tình như lưỡi dao đâm vào tim em. Niềm đau của anh cũng là nỗi khổ của em. Em đăng báo, gửi lời nhắn tin lên đài truyền thanh và tuyền hình tìm anh nhưng vẫn bặt vô âm tín. Tại sao anh giận em? Phái nam săn đón em là chuyện của họ. Họ tâng bốc em, mua chuộc em là quyền của họ. Riêng em tưởng nhớ đến ai, thương yêu ai, anh không biết sao? Lúc em thành danh là lúc em nghĩ đến anh nhiều nhất...
Nàng tiếp:
- Anh nghĩ xem. Chờ đợi một người quyết tâm lánh mặt, chờ đến bao giờ? Tuổi xuân con người – nhất là người con gái – nhanh như gió thoảng mây bay, mong manh như sương như khói. Mất tin anh, năm năm sau em mới lập gia đình... Thời gian mòn mỏi dài như vậy chưa đủ sao anh?
Tôi thở dài... Tôi không muốn nhắc đến chồng con nàng, cũng không muốn đề cập đến gia đình tôi. Tôi muốn giây phút này dành trọn vẹn cho nỗi nhớ niềm thương ray rứt trong 40 năm đằng đẵng. Nàng tiếc nuối, tôi nuối tiếc...
Bốn mươi năm! Từ một cô bé tuổi hồn nhiên ngây thơ, bây giờ hiện thân là một bà già. Có chăng phong cách Nữ Vương Ca Nhạc còn đọng sót lại qua dáng dấp sang trọng của một thời từng bước trên đỉnh cao danh vọng.
Thời gian còn lại là bao? Phải chăng cuộc đời chỉ là phù du? Cho dù một giai nhân nắm trong tay tất cả giàu sang, danh vọng; cho dù một anh hùng đầy quyền bính, tung hoành lẫm liệt bốn phương trời, khi về già cũng chỉ còn lại những thân xác bèo nhèo, bệ rạc, tâm tưởng cằn cỗi, bi quan yếm thế. Thế gian này mấy ai giữ được mảnh đời trẻ mãi không già, mấy ai bảo toàn nhan sắc không tàn phai và mấy ai gìn giữ được khí tiết không biến chất?
Nàng và tôi – hai cặp mắt lão không còn tinh anh thời tuổi trẻ – nhìn nhau yên lặng, như ngầm bù đắp cho nhau cuộc tình lỡ trong đời... ■

 

Không có nhận xét nào: