CHỚ XÉT NÉT MÀ VÉT CẠN TÌNH
Theo HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Theo HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Biết bao sách báo dạy các nghệ thuật để gìn giữ gia đình nhưng dường như chúng cứ ào ào trôi đi để cho đến phân nửa gia đình cứ nối đuôi nhau đổ vỡ chỉ vì những nguyên nhân trông rất đơn giản, như người phương Tây nói: “Một người chồng tốt thì nên điếc, một người vợ tốt thì nên mù”. Chấp thuận, tin tưởng và thực thi giải pháp mình lựa chọn...
Điều đó muốn nói một sự thật rất dễ hiểu, người vợ đừng mở mắt to để xét nét chồng nữa bởi như người Việt nói: “Bói ra ma, quét nhà ra rác”, cứ xét nét thì càng ngày càng thấy đối tượng bộc lộ nhiều điểm xấu. Người ta nói, sơn hào hải vị có đầy ăm ắp nhưng chẳng mấy ai tính, chỉ cần một hạt sạn lọt vào bát cơm, người ta đã thấy quá nhiều. Người quảng đại có thể nhặt viên sạn vứt đi rồi vẫn bình thản ăn, người cố chấp thì đay đi đay lại, suy từ hạt sạn ra vô vàn chuyện: từ vệ sinh ăn uống, đến tai nạn gãy răng, đến thủng dạ dày, đến nguy cơ bệnh tật… và viên sạn đó có thể làm hỏng cả bữa ăn. Còn người chồng tốt nên điếc là chớ có cố chấp nhét tất cả những lời đay nghiến của chị em vào tai để rồi phản ứng ngược, gây hậu quả đáng tiếc; mà “điếc” nghĩa là hãy bao dung vứt tất cả ra ngoài hay chớ để bụng, coi như chúng không có.
Khi cãi cọ, các cặp vợ - chồng còn có những lời vô lý thế này: “Tôi đã nói thì cấm có sai” hoặc “tôi lúc nào cũng nói đúng!”. Thế là bạn đời như bị chặn họng, bị phán xét tuyệt đối, không thể nào cưỡng được. Cái bất công này đẻ ra bất công khác, thế là bạn đời liền phản ứng “cô là cái thá gì”!
Chúng ta vẫn biết, những người tài trí đạo đức nhất thế giới còn luôn luôn thừa nhận: tôi vẫn sai! Bởi vậy mà người ta mới tìm cách cải thiện, nâng cao nhân đức. Nói mình “chẳng bao giờ sai” là tự coi mình như thần thánh, làm gì chẳng đẩy quan hệ vợ - chồng vào chỗ phi lý bất công. Người Việt vẫn nói câu cửa miệng “ngọc còn có vết” để chứng tỏ, dù ai ai đi nữa vẫn còn khuyết tật của mình. Vậy gia đình là nơi dựng vợ, gả chồng, là những người còn đắm đuối nơi trần tục, nào cơm ăn áo mặc, nào việc làm, nào sinh con đẻ cái, nào bệnh tật, nào việc hiếu hỉ của gia đình, làng xóm thì làm sao có thể nói “tôi chẳng bao giờ sai!” “tôi lúc nào cũng đúng” một cách xưng xưng mọc mọc được. Đây là chiếc đinh to nhất đục thủng thuyền tình bởi vì chỉ cần một câu đó thôi liền vứt bỏ nghệ thuật, sách vở gìn giữ gia đình và dồn ngay bạn đời vào ngõ cụt: "á à, cô lúc nào cũng đúng, thì tôi sai chắc"; vả lại, "tôi đang định bàn bạc chia sẻ với cô, cô lại xác định mình là đúng như là một thứ quan tòa, dẫn người ta vào chỗ bị khép tội…"
Gia đình trước hết là bởi hai người bình thường kết hợp thành và chắc chắn luôn luôn còn khiếm khuyết. Vì thế, người Việt mới bảo:
"Thế gian được vợ hỏng chồng
Chẳng phải giống rồng mà được cả đôi".
Nhà tư tưởng Terence nói: “Hy vọng càng ít tình yêu càng lớn”, có nghĩa là mình chớ mong bạn tình của mình là thế nọ, thế kia, cao cấp lắm để rồi hủy hoại tình yêu trong vỡ mộng. Một cách thực tế hơn, mình hãy đối xử với bạn đời trong những tiêu chuẩn bình thường. Có không ít người vợ, suốt ngày chê chồng thế này mà không phải thế khác nhưng có mấy khi người ta nhìn lại, mình đã là gì để mong người khác phải là thứ cao siêu không tì vết. Người phương Tây chắc chắn định nghĩa về kiểu mẫu của gia đình: “Gia đình là nơi mong ước tốt lành chứ không phải nơi mong chờ hạnh phúc”.
Tốt lành là gì? Một chiếc nồi không thủng, vung đậy kín, có thể nấu sôi cơm canh là tốt lành rồi! Gia đình là vậy, ta chớ nên hy vọng chiếc nồi đó là niêu cơm Thạch Sanh, không cần đổ gạo vào vẫn cứ thành cơm. Một người vợ hay chồng cũng vậy, biết sống có trách nhiệm, biết lao động, biết làm tròn chức năng của mình là tốt lành rồi. Ta đừng có nhìn ông bộ trưởng này, ông nghệ sĩ kia để so sánh. Giả sử chồng ta là bộ trưởng, “thuyền to sóng cả”, suốt ngày đi công tác, quanh năm tiếp khách rồi phải chịu bao thứ trách nhiệm lớn… liệu ta có ao ước không? Về hình ảnh vợ chồng tốt lành, người Việt cũng nói: “Nồi nào vung ấy” nghĩa là ta vung thế này lấy nồi thế kia là hợp rồi, chớ đừng suốt ngày mình chỉ là vung nhôm nhưng bắt bạn đời phải là “nồi cơm điện”. Chê bai, bới móc, so sánh, làm cho bạn đời tối tăm mặt mũi, không dám ngẩng đầu lên. Không chỉ, tốt lành là nồi nào vung ấy, môn đăng hộ đối, người Việt còn khuyên: “Nồi méo khéo đậy cũng tròn”. Về vùng quê chúng ta thường thấy, khi đậy vung không khít nồi, hơi nóng bay ra ngoài khiến cơm bị sống, người ta bèn gia cố bằng cách đậy lá chuối, sau đó đè vung lên. Hình ảnh đó cũng cho thấy, gia đình “nồi nào vung nấy” đã đáng ước ao nhưng không có thì người ta đành phải gia cố nồi méo úp vung tròn mà đây mới thực sự là hình ảnh phổ quát của các gia đình theo “luật bù trừ” hoặc như đã nói “thế gian được vợ hỏng chồng”. Muốn gìn giữ gia đình, không phải người ta có bằng những phép so sánh hão huyền liên tục mà phải bắt tay vào gia cố nó, như người Việt nói:
"Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người".
Người đời nói, cha mẹ không chọn được con cái, ngược lại con cái cũng không chọn được cha mẹ: “Con không chê mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Đó là sự chung thủy của tình cảm! Nhưng thật mảnh mai yếu đuối dễ vỡ thay tình yêu, thấy bạn đời nghèo liền có thể chê, thấy bạn đời già là muốn “có mới nới cũ”. Chính vậy mà sự chung thủy giữa vợ chồng được xem là sự nghiệp khó nhất của nhân gian. Bởi thế trong hôn lễ, trước bàn thờ Chúa, những đôi bạn theo đạo vẫn thường thề nguyện: Tôi xin được yêu anh ấy (cô ấy) cả khi mạnh khỏe lẫn lúc đau yếu, cả khi giầu có lẫn lúc nghèo hèn, cả khi thuận lợi lẫn lúc khó khăn… Người Ba Lan còn nói: “Niềm vui đám cưới chỉ dài một ngày nhưng nỗi lo hôn nhân dài suốt một đời”, dạy chúng ta nên hiểu bản chất của hôn nhân là những nỗi lo chu toàn bổn phận, làm sao cho cả hai cùng xây đắp từ những điều tốt lành thành hạnh phúc. Người Đức còn nói: “Hôn nhân là bệnh viện của tình yêu”, chỉ ra mái nhà là nơi cặp uyên ương phải chạy chữa chứng lão hóa nhàm chán của tình yêu mỗi ngày.
Chúa Jessus nói: “Đừng xét đoán người để mình khỏi bị xét đoán” và cũng nói: “Các người chớ nhìn thấy cái dằm trong mắt người khác mà không thấy cây đa trong mắt mình”.
Đúng vậy, có những người suốt ngày xét nét, bới lông tìm vết, so sánh, chê bai bạn đời nhưng chẳng bao giờ một lần quay lại xem chính bản thân mình đã là cái gì để mong ước người ta, cái cột lớn tướng trong mắt mình không thấy nhưng thấy cả dằm trong mắt người khác. Kết quả, xét nét người lại bị người xét nét lại, đúng là:
"Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước hôm sau người cười".
Vậy thì chúng ta hãy làm ngược lại, hãy bao dung người để được bao dung. Đó là nguyên lý tốt nhất để gìn giữ gia đình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét