Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

LỘNG GIẢ THÀNH CHƠN

LỘNG GIẢ THÀNH CHƠN
Vân Hà
           

Huyền gục đầu khóc nức nở như đứa trẻ thơ. Những nỗi đau buồn tủi nhục của chị cũng theo với nước mắt làm cho chị cảm thấy nhẹ bớt đôi phần. Hoài ngồi bên, ôm vai vợ dỗ ngọt để trấn an:
- Đã bảo là “giả” mà lị. Đây chỉ là trên giấy tờ thôi. Thực tế vợ chồng mình vẫn yêu thương nhau chứ có bỏ nhau hồi nào đâu!
Chị cố dằn cơn xúc động trả lời chồng qua hơi thở hổn hển:
- Vợ chồng đang sống đầm ấm. Con cái quây quần hạnh phúc… Khi không anh lại ép em ký giấy ly dị!
- Nói khẽ chứ kẻo hàng xóm nghe được thì phiền lắm. Tụi nó hay ganh tị rồi lại đi báo cho social worker thì đi tù cả đám!
Chị Huyền vẫn còn ấm ức:
- Ai mượn anh bày ra cái quỷ kế này! Lợi lộc bao nhiêu mà phải vụng trộm lén lút!
Hoài lại đem tài dỗ ngọt ra đấu dịu:
- Em thử nghĩ xem, mình con cái cả bày, muốn cho chúng được cấp dưỡng đằy đủ để ăn học thành tài thì vợ chồng mình đành phải “hy sinh” vậy.
- Hy sinh gì mà kỳ cục vậy. Em bảo trước đấy, nhỡ mà “lộng giả thành chân” thì mặc kệ đấy!
Chị Huyền thấy mình nói được câu tục ngữ rất nho nhã nên bật thành tiếng cười. Nỗi tủi vì bị chồng ép ký giấy ly dị cũng vơi đi và chị bàn với chồng cách thức phải đóng kịch trong những ngày sắp tới. Hoài cứ theo cách thức của người bạn cùng trại đã đến Mỹ trước gia đình anh mấy tháng. Anh bàn với vợ:
- Trên giấy tờ em không còn là vợ anh. Em trở thành “single parent”, có nghĩa như “mẹ goá con côi”. Cơ quan xã hội sẽ phải tăng phần trợ cấp tiền “food stamp”. Ở Cali nặng nhất là tiền nhà. Nếu được “housing”, chính phủ trả tới 75%. Anh sẽ không phải cấp dưỡng vợ con nên tiền làm bao nhiêu giữ bấy nhiêu. Trợ cấp của em và các con không bị cắt xén đồng nào…
Chị Huyền gắt chồng:
- Anh lúc nào cũng nghĩ tới chút lợi vật chất mà không thấy cái hại to lớn về mặt tinh thần, tình cảm.
Câu nói của vợ làm cho Hoài đau nhói trong tim. Anh không phải là người chồng bạc bẽo, không biết gía trị cao cả của tình yêu, của tinh thần. Tờ giấy ly dị ký xong thì bao nhiêu trách nhiệm về năm đứa con được trao hết cho Huyền. Trước pháp luật, anh chỉ là người bên lề gia đình. Con cái anh đứa nào cũng thông minh, sáng dạ, lễ phép, ngoan ngoãn. Anh rất thương và hy vọng vào tương lai của các con. Tờ giấy ly dị làm cho các con vượt khỏi tầm tay anh.
Hoài ngồi thừ người nhớ lại ngày anh và Huyền mới tới vùng Orange County. Nhờ lũ con nhỏ, sau thời gian hưởng welfare, gia đình anh được chuyển qua chương trình AFDC, một chương trình trợ cấp cho gia đình có lợi tức thấp và đông con dưới 18 tuổi. Anh cố học Anh ngữ rồi đi tìm việc làm. Anh dự tính kiếm việc làm đủ sống để thoát khỏi trợ cấp. Anh cũng biết bao lâu còn sống nhờ trợ cấp xã hội thì bấy lâu còn bị gò bó, ràng buộc như kiểu “gà què ăn quẩn cối xay”. Tháng tháng cứ phải trình bẩm từng chút cho social worker. Muốn có chút tiền dư thì cứ phải lén lút, thật nhục nhã.
Gặp người bạn cũ quen biết bên trại tỵ nạn giống như “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Bạn anh sống phây phây, tiêu xài vung vít. Hoài bèn tâm sự và được rỉ tai mách nước.
- Mày quá câu nệ. Việc gì phải ôm trách nhiệm. Hãy tìm cách giao cho chính phủ gánh hộ.
Hoài muốn biết cách nào có thể “khoán trắng” vợ con cho nhà nước Mỹ nên nài nỉ thêm. Anh bạn ghé tai dẫn lối chỉ đường:
- Về dắt mụ vợ lên toà xé hôn thú, bảo vợ đừng đòi hỏi gì, chỉ xin được nuôi dưỡng con cái. Còn mày, Ô-kê, nhường quyền làm cha cho vợ, về ở với tao. Hoài băn khoăn:
- Không được! Vợ chồng tao đang sống đầm ấm. Làm vậy có quá đáng không?
- Có gì mà quá đáng! Ly dị giả thôi mà. Đêm đêm lẻn về hú hí, ai biết đấy là đâu! Nếu rủi ro thêm một tí nhau thì đành khai là con “không cha”, lĩnh thêm một phần trợ cấp nữa!
Hoài suy nghĩ nhiều đêm, bàn với vợ nhiều lần. Huyền một mực không chịu. Với nàng, thà nghèo, eo hẹp đồng tiền chút ít nhưng gia đình đầm ấm yên vui, đi đâu có đôi có lứa. Tham một chút lợi nhỏ để rồi vợ chồng phải làm mặt xa lạ.
Thế rồi “ông phải làm cái ông phải làm” (man has to do what man has to do). Hoài đã quyết định. Huyền đã nín khóc, hai mắt ráo hoảnh, đóng đúng vai tuồng đã bày ra một cách “rất thật”, lớn giọng đuổi Hoài:
- Làm gì mà ngồi lì ra thế! Mời ông ra khỏi nhà cho mẹ con tôi nghỉ ngơi.
Định nấn ná ngồi thêm chút nữa nhưng cũng phải “diễn tuồng” nên Hoài đành đội mũ bước ra khỏi cửa, lái xe chầm chậm về phía nhà người bạn.
Ý nghĩ “bị vợ đuổi, đi ở trọ, vô gia cư” mặc dầu là một tình trạng “tự nguyện, có xếp đặt”, Hoài cảm thấy một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, bâng khuâng, êm sâu và ray rứt.
Từ ngày “ly dị” vợ, số tiền trợ cấp tuy có tăng nhưng Hoài lại phải tốn tiền thuê phòng, tiền ăn. Tiền làm ra được lãnh trọn nhưng thuế độc thân lại cao hơn người có vợ. Kết cục đâu lại vào đấy! Trước đây, hằng ngày anh đưa con đến trường, chiều đón về. Thỉnh thoảng nhà trường mời anh họp với thầy cô để biết thành tích về hạnh kiểm và học vấn của các con. Năm đứa con đều chăm học, ngoan ngoãn, đạt thành tích cao trong lớp. Cả hai vợ chồng cảm thấy hãnh diện và yên tâm.
Ký giấy ly dị, dù là ly dị giả, là anh ký giấy đi bên lề cuộc đời các con. Anh không còn cái quyền “làm cha” nữa. Một lần, khi đón con, đứa con út ngây thơ hỏi:
- Ba, sao ba không gặp cô giáo của con? Cô giáo nói, nếu con muốn bỏ lớp ESL để học các lớp advanced hay honor, ba má phải ký vào đơn xin.
Hoài cảm thấy chua xót, khổ tâm vì đã bán rẻ quyền làm cha lấy một chút tiền nhỏ bằng cách gian dối. Ký làm sao được, mọi quyền bính bây giờ thuộc mẹ nó. Anh ấp úng trả lời con:
- Ba bận!
- Sao kỳ này, ba làm việc nhiều quá vậy? Ba không còn giờ ăn cơm với chúng con, nhiều khi khuya lắm mới thấy ba về; sáng thức dậy, ba đã đi mất tiêu! Hoài không muốn con hỏi thêm. Một sự yên lặng bao phủ lòng anh, ngăn cách anh với các con. Anh chạy xe chầm chậm khi gần tới nhà. Một chiếc xe trông quen quen đậu trên driveway. Anh chần chừ không dám vô nhà. Người lái xe vội cho các con xuống và hối hả phóng xe đi. Một thoáng nghi ngờ chợt đến: chiếc xe đậu trước nhà phải chăng của Tú, thằng bạn đã bày cho anh ly dị vợ để hưởng thêm tiền trợ cấp.
Trở về gác trọ, Tú không có nhà. Như một luồng điện giật, Hoài sập cửa, nổ xe phóng nhanh về nhà. Rón rén nhìn qua cửa sổ, anh thấy Tú đang nham nhở ve vãn vợ mình. Nhìn cảnh trước mắt, Hoài giận điên lên, co chân định đạp cửa nhảy vào nhà. Chợt nhớ anh không có quyền về pháp lý vì đã ly dị. Tựa lưng vào tường, ôm ngực thở dốc, anh thấy không có cái ngu nào bằng cái ngu của mình, nghe dụ khị bỏ vợ đẹp con ngoan. May cho chàng, Huyền là người vợ chính chuyên, một lòng yêu chồng thương con.
Trời nhá nhem tối. Tú muốn “tấn công” đợt cuối, tiến lại gần Huyền đang nấu ăn, giọng thân mật: - Huyền muốn giúp một tay không?
Huyền thẳng thắn từ chối và lớn tiếng gọi đứa con gái lớn:
- Hằng ơi, con tiễn bác Tú giùm mẹ, mẹ đang bận chiên tôm.
Hằng, đứa con gái lớn, biết Tú ve vãn mẹ, nó sẵng giọng:
- Mời bác về để hôm khác có ba cháu ở nhà, bác tới chơi. Chờ cho Tú đi khỏi, Hoài lặng lẽ đẩy cửa bước vào.
- Anh mới về hả! Em dọn cơm anh ăn nghe? Nàng định nói cho Hoài biết lúc này Tú hay ghé nhà và có cử chỉ bơn xơn với nàng nhưng lại sợ chồng ghen sinh chuyện lôi thôi nên không nói. Nếu Huyền cứ nói thật, có lẽ anh đã không ghen và sẽ cùng nàng tìm cách sửa lưng Tú. Thấy Huyền không đả động gì tới thái độ của Tú, Hoài hỏi thăm dò:
- Có ai lại chơi hả em?
- Sao anh biết?
- Tại thấy có ly nước và chiếc gạt tàn đầy tro thuốc.
- À… một anh bà con từ Seattle về, ghé thăm. Anh ấy vừa ra về.
Hoài cảm thấy hụt hẫng. Tại sao Huyền muốn giấu chuyện? Một cảm giác đăng đắng trong miệng. Giòng tư tưởng và cảm giác trở thành ngập ngừng vấp váp. Hoài không muốn nói gì thêm; khó khăn nuốt vài miếng cơm rồi thờ thẫn ra về.
Một mình trong bóng đêm của gác trọ, Hoài bị bủa vây bởi câu nói đùa của vợ “nếu ‘lộng giả thành chân’ thì đừng trách nhé”. Nỗi hoài nghi về vợ càng về khuya càng đi vào sâu hơn, lan ra rộng hơn. Anh bắt đầu đứng ngồi không yên. Nằm xuống rồi lại ngồi bật dậy vì một vài hình ảnh quái ác len lỏi vào trí tưởng tượng.
Rồi hai ba tối sau, Hoài không thèm về nhà, cũng chẳng gọi điện thoại. Huyền cảm thấy có gì không ổn, nhiều lần gọi cho Hoài, có người bốc ống nghe nhưng không muốn lên tiếng. Nàng bắt đầu sinh nghi. Hoài đã có ai? Tại sao lánh mặt?
Chiến tranh lạnh giữa hai người càng ngày càng lạnh. Tú lợi dụng “đục nước thả câu”, cố làm cho mối hoài nghi giữa Hoài và Huyền thêm trầm trọng. Hoài xuống tinh thần thực sự, nỗi trống rỗng mỗi ngày thêm sâu hơn. Anh muốn đi tìm sự khoả lấp. Tình cờ anh gặp người bạn cũ khi ở Song Ka. Như để trả thù Huyền, anh tỏ ra săn sóc cô bạn cũ khá kỹ.
Tú cho Huyền biết, Hoài đang cặp bồ với Thanh, bạn của gia đình khi ở bên trại. Huyền nhớ ra con nhỏ xí xọn, lúc nào cũng làm vẻ ngây thơ, lui tới lều của gia đình. Huyền nhất định phải “trả thù” chồng. Nàng dùng Tú như một con bài.
Tuy nhiên, ở đời dễ mấy ai có thể đùa giỡn với ái tình! Sau ít tháng, hàng xóm thấy Huyền chính thức lấy Tú. Hoài cũng nhanh chóng kết hôn với Thanh để khỏi mang tiếng bị “vợ cắm sừng”.
Trong khi cha mẹ vui duyên mới thì tội nghiệp cho bày trẻ. Ở với mẹ thì nhớ cha, về với cha thì nhớ mẹ.

Không có nhận xét nào: