Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

ĐÔI MẮT

ĐÔI MẮT  

Nguyễn Thanh Dũng



Muốn tìm chỗ đậu xe khu chợ Việt Nam trong những ngày cuối tuần rất khó khăn, Phùng quyết định đi xe buýt cho tiện.
Mùa đông Chicago tuyết rơi ngập trời, nhuộm trắng phố xá. Phùng thích ngắm những hoa tuyết bay lả tả khắp không gian. Anh có cảm tưởng như lạc vào cõi mịt mùng.
Xe buýt dừng trạm Peterson và Western. Vài người khách bước lên. Một cô gái dáng vẻ người Á Châu đi dần ra phía sau vì hết chỗ ngồi. Phùng lật đật đứng dậy nhường ghế. Do dự vài giây, cô gật đầu tỏ vẻ cám ơn, đoạn ngồi xuống. Đến trạm kế, người ngồi cạnh cô gái xuống xe. cô xích vào, nhường chỗ cho Phùng.
Mãi lúc sau, cô nói:
- Cám ơn anh đã nhường ghế cho tôi!
Đến bây giờ Phùng mới nhìn kỹ cô gái và mỉm cười:
- Rất mừng được gặp thêm người Việt Nam.
Trời lạnh, cô mặc chiếc áo khoác dài màu cà phê sữa, bao tay đen, đầu đội nón lông đen và khăn quàng cũng mầu đen, che kín mặt, chỉ chừa đôi mắt hai mí tuyệt đẹp.
Phùng cười xã giao:
- Cô ở gần đây?
Giọng cô như gió thoảng:
- Không, nhà tôi trên mạn bắc, khu Dempster và Cicero.
Phùng hỏi:
- Như vậy cô phải chuyển xe?
Cô gật đầu.
Phùng nói tiếp:
- Trên vùng Bắc Chicago, tôi có quen anh Trần Chí Kiên, lúc trước học chung ở Truman College.
Đôi mắt cô gái mở to. Phùng nhìn rõ hai hàng mi cong vút. Cô nói:
- Anh Kiên là anh tôi.
Phùng cười:
- Ồ, vậy sao? Thật tình cờ mà cũng thật hi hữu. Hay là...
Phùng toan nói “Hay là duyên tiền định” nhưng có vẻ sỗ sàng quá nên thôi. Phùng tiếp:
- Nhiều lần tôi gọi anh cô, tổng đài nói đường giây đã bị cắt.
Cô gái lơ đãng nhìn hàng cây ven đường phủ tuyết trắng. Cô cho biết gia đình cô chuyển đến địa chỉ mới hơn nửa năm nay. Phùng xin số điện thoại Kiên.
Bẵng đi nhiều tháng, một hôm Phùng đem áo khoác bỏ tiệm giặt vì đã vào hè, vô tình tìm thấy số điện thoại cô gái trên xe buýt đã cho. Phùng liên lạc được với Kiên. Kiên mời anh và hai bạn cùng học lúc trước, lên nhà nhâm nhi vài lon bia và tán gẫu.
Căn nhà bốn phòng xinh xắn. Basement thoáng mát. Một dàn Karaoke đặt góc phòng. Dọc theo hông nhà, quầy rượu với các loại từ rượu mùi, rượu chát đến rượu mạnh bày la liệt. Mùa hè, vườn sau cỏ xanh mượt mà. Bờ rào phủ lớp cây leo, những trái khổ qua, mướp, bầu vừa mới lớn trông mơn mởn. Men theo bờ rào bên phải, khu rau thơm đủ loại tươi tốt, vài cây ớt hiểm trái chín đỏ rực. Bờ rào bên trái, song song lối đi tráng xi măng, luống rau muống lá to, cọng to, mạnh mẽ vươn sức sống, chứng tỏ chủ nhân bỏ rất nhiều công lao bón phân và chăm sóc.
Kiên sống với mẹ, anh ruột, chị dâu cùng cô em gái út. Kiên tâm sự anh rất hài lòng trong cảnh đầm ấm, sum họp gia đình bên nhau. Phùng cảm thấy chua xót. Ba má Phùng ly dị cách nay tám năm. Hai anh em Phùng mỗi người mỗi nơi, tự túc vừa làm vừa học. Mỗi lần đến chơi nhà bạn, được biết gia đình nào sống chan hoà hạnh phúc, trên kính dưới nhường, cha mẹ anh chị em thuận thảo, Phùng mừng cho bạn mà cũng thấm thía cho chính mình.
Kiên và Phùng vào bếp mang những khay thức ăn xuống basement. Phùng gặp một cô gái đang loay hoay xếp rau sống vào đĩa nhựa. Thoạt thấy Phùng, cô hấp tấp lấy khăn bịt mặt, chỉ chừa đôi mắt. Thoáng ngạc nhiên nhưng Phùng vẫn mỉm cười, gật đầu chào.
Lát sau Phùng thắc mắc việc em gái Kiên che giấu mặt. Kiên bảo:
- Thư thả tôi sẽ nói. Bây giờ chúng ta nhậu cái đã.
Nhiều lần Phùng được tiếp chuyện với Bội Ngọc – cô gái bịt mặt – em út Kiên, qua điện thoại. Dù sinh trong Nam nhưng Bội Ngọc hấp thụ lễ giáo gia đình chính gốc Hà Nội nên giọng cô êm dịu và ngọt ngào. Lời lẽ ý tứ, rào trước đón sau, không làm mếch lòng người đối thoại.
Bội Ngọc không đi làm. Cô ở nhà lo cơm nước và chăm sóc mẹ già. Phùng ngạc nhiên vì qua Mỹ đã lâu mà sinh ngữ Bội Ngọc rất kém. Gần như cô mù tịt thế giới bên ngoài và xã hội Mỹ. Hỏi kỹ, cô cho biết từ ngày định cư đến nay, đã mười mấy năm, cô chưa hề cắp sách đến trường.
Cô có vẻ lúng túng khi nói về mình nên Phùng càng háo hức, tò mò tìm hiểu người con gái có đôi mắt tuyệt đẹp đó. Chỉ gặp một lần, đôi mắt đã thu hút và làm mềm lòng Phùng. Anh không sao phân tích được nguyên nhân, chỉ cảm nhận trong cái đẹp mê hồn có nét man mác buồn. Chính cái buồn thăm thẳm như ao nước mùa thu lãng đãng sương chiều, mờ mờ ảo ảo, gieo lòng Phùng một ấn tượng khó phai.
Mẹ Kiên đau ngót tuần nay. Phùng đi làm về, ghé chợ mua trái cây, anh đến thăm bà cụ. Nghe tiếng chuông, chị dâu Kiên ra mở cửa, mời Phùng vào. Chị coi Phùng như em vì tính tình Phùng điềm đạm, ăn nói chững chạc, nhiều điểm hợp với chị. Chị cười, bảo Phùng cứ tự nhiên vào thăm mẹ chồng chị.
Đến phòng bà, Phùng thấy cánh cửa mở ngỏ, một cô gái đang quỳ sát giường lau chân, lau tay cho người bệnh nằm dài, đắp chăn tận ngực. Mái tóc đen dài xoã ngang vai, che nửa khuôn mặt. Thân hình mảnh dẻ, dịu dàng, gợi tâm trí Phùng hình ảnh người yêu lý tưởng anh hằng ước mơ. Phùng đứng lặng yên. Anh không muốn phá vỡ giây phút báo hiếu, bổn phận thiêng liêng của người con tận tình chăm sóc mẹ già. Phần nào tình cảm bâng quơ len lén quyện nhập vào tim anh. Nó dìu dịu, say say khiến anh khó phân tích thực và mơ...
Phùng đưa tay gõ nhẹ vào cánh cửa. Cô gái quay phắt ra, nhác gặp tia nhìn của Phùng, cô có vẻ hốt hoảng, tay chân luống cuống. Cúi gằm mặt, cô vượt nhanh ra cửa, không chào hỏi Phùng. Nhiều lần bị lẩn tránh nên Phùng thản nhiên đến cạnh giường thăm mẹ Kiên. Mặt bà cụ trông xanh xao. Bà gượng ngồi dậy nhưng Phùng vội đỡ bà nằm xuống. Phùng hỏi thăm sức khoẻ bà cụ. Những bệnh không tên tuổi gắn liền với người già, dính chặt không rời, hết bệnh này đến bệnh khác.
Đắn đo mãi, Phùng tế nhị hỏi về Bội Ngọc. Bà ngạc nhiên nói:
- Cháu đến với gia đình này khá lâu, cháu vẫn chưa biết gì về em nó sao?
Phùng thật thà cho bà hay mỗi lần gặp mặt, Bội Ngọc cứ lẩn tránh. Chỉ trên điện thoại cô nói chuyện không quá mười phút với anh, đôi lúc vui vẻ cô cười thành tiếng.
Mẹ Kiên kể lúc vượt biên năm 1981, hải tặc tấn công thuyền, độ ấy Bội Ngọc còn rất bé, mới 4 tuổi. Ba cô bồng cô trốn vào khu chứa dầu, nước và gạo dưới hầm. Cướp tài sản xong, trước khi rời đi, bọn hải tặc đốt thuyền của những người vượt biên.
Ba cô bị phỏng đầy người. Ông cố gắng ôm con gái, vớ chiếc phao và nhảy ùm xuống biển. Vài người sống sót sau cuộc tàn sát của bọn cướp cũng tìm cách nhảy theo vì tàu sắp chìm. Một mảng gỗ thật lớn, cháy bập bùng trôi hướng về phao cha con Bội Ngọc. Lúc ấy ba Bội Ngọc đã bất tỉnh. Cô bé sợ hãi lấy tay đẩy mảng gỗ khi cảm thấy nóng rát bên gò má phải. Khuôn mặt bé thơ và bàn tay bị phỏng nặng.
Hơn một ngày lênh đênh trên phao, ba cô kiệt sức, chết lúc nào cô không hay. Những người trôi dật dờ trên biển may mắn được một tàu hàng vớt. Vết phỏng trên gò má và bàn tay làm độc, bác sĩ trên đảo tuy cố gắng chữa nhưng vì chỗ thịt đã cháy phỏng nặng nên đành bó tay. Lúc được định cư tại Mỹ, cô không có thân nhân, phải ở tạm trong nhà thờ. Thương nhan sắc cô bé gái sẽ bị ảnh hưởng lúc lớn lên, các bà sơ nhờ bác sĩ chuyên khoa chữa trị nhưng vết bỏng đã thành sẹo. Khi mẹ và các anh cô vượt biên thành công, họ đưa cô về sống với gia đình. Sau này, những người thoát chết trong chuyến tàu định mệnh đã kể cho mẹ Bội Ngọc câu chuyện thương tâm khi họ bắt được liên lạc với gia đình cô. Vì mặc cảm, Bội Ngọc không dám đi học và cũng không dám đến những nơi công cộng. Trừ mùa đông lạnh giá, cô trùm kín mặt, mang bao tay để đi chợ hoặc đi mua sắm.
Nghe xong, Phùng yên lặng. Anh thương xót cho một hồng nhan xấu số. Không những bị thương tật thể xác mà tận đáy tâm hồn cô cũng cày xước vết đau thân phận của người thiếu nữ có gương mặt dị kỳ. Hình dung những cô gái trạc tuổi, tung tăng ngoài đường phố, ghi danh đại học và sinh hoạt cộng đồng, Phùng cảm thấy đời Bội Ngọc đã mất hết ý nghĩa sống. Đôi mắt cô luôn luôn ẩn chứa một nỗi buồn khôn tả. Người trong gia đình không ai chú ý đến tâm trạng Bội Ngọc vì sống chung lâu năm với nhau, họ cho là chuyện thường tình, chỉ có Phùng mới nhận ra điều khác lạ đó.
Phùng xin phép mẹ Kiên ra về. Đến phòng khách, Phùng thoáng thấy Bội Ngọc lướt qua phòng ăn như bóng ma. Anh kịp nhận thấy cô đã đeo khăn che. Không hiểu sao, Phùng bước theo thật nhanh. Phùng bắt gặp Bội Ngọc đang đứng thở hào hễn trước khung cửa kính nhìn ra vườn sau. Anh thương cô, thương một người con gái bạc phước, không được diễm phúc hưởng những ngày tháng bình thường như các người khác. Ông trời bắt nàng chịu đựng nỗi bất hạnh và đau khổ, riêng nàng âm thầm gánh vác, không ai san sẻ được. Cái đau tinh thần còn có người an ủi, khuyên lơn; vết sẹo thể xác – nhất là trên khuôn mặt xinh đẹp – mà y học đã bó tay, cô phải mang mãi mãi đến lúc nhắm mắt lìa đời.
Lòng thương biến chuyển, Phùng nghĩ ngoài anh ra, không còn ai khác đủ kiên nhẫn, đủ can đảm và sẵn lòng an ủi, vỗ về để Bội Ngọc nguôi ngoai. Phùng mong muốn cô lấy lại hạnh phúc mà tạo hóa dành cho cô cũng như cho bao thiếu nữ trên thế gian này.
Lòng xốn xang, anh đến gần Bội Ngọc. Bội Ngọc không dám nhìn anh. Cô dấu bàn tay có vết sẹo bỏng bên dưới vạt áo.
Phùng đứng im. Anh không biết mở lời ra sao để đừng gây tổn thương cô. Mặc cảm sẽ khiến cô đau khổ thêm hơn hoặc cô sẽ chối bỏ quyết liệt tấm lòng của Phùng vì cho đó là sự thương hại... Tự dưng Phùng thấy nghèn nghẹn. Có lẽ tình cảm lẩn trốn sâu kín trong lòng lúc anh gặp cô trên chuyến xe buýt; sự kết thân, vui cười qua làn sóng điện thoại, chan hoà với cảm xúc hiện giờ khiến anh không dằn được tình thương yêu dâng tràn.
Phùng chậm rãi bộc bạch:
- Bội Ngọc ơi! Anh không muốn nói nhiều. Anh chỉ mong em hiểu rằng cái đẹp bên ngoài chẳng phải là điều duy nhất và nhất thiết đáng trân trọng, mặc dù nhiều người vẫn thích nó. Xấu xí cơ thể cũng không phải là tội lỗi của con người. Khi cha mẹ sinh ra, em đẹp không thua những cô gái khác. Chỉ vì tai nạn đã khiến em khổ sở và buồn rầu. Ở trong một xã hội xô bồ, mất hết khuôn phép, lễ giáo gia đình, sự hiếu thảo của em đối với mẹ và hoà thuận với anh chị khiến anh cảm kích, quí trọng em vô cùng. Em nên nghĩ hiện giờ còn có anh đang quan tâm đến em, thương yêu em và sẵn sàng cùng em...
Bội Ngọc không nói lời nào. Từ hai khoé mắt, những giọt lệ rơi thấm qua miếng vải che mặt. Phùng để Bội Ngọc khóc. Giọt nước mắt sẽ gột rửa những đau đớn ấp ủ từ lâu, được dịp tuôn ra sẽ vơi nỗi thống khổ giấu kín trong lòng mà cô không tâm sự với ai.
Thật lâu, lâu lắm, Bội Ngọc ngước mắt nhìn Phùng. Ngấn lệ còn đọng trong đôi mắt, đẹp vô ngần. Anh nhẹ nhàng đưa tay gỡ tấm vải che mặt Bội Ngọc. Cô không phản đối.
Mái tóc dài phủ kín bên gò má phải. Anh đưa tay vén tóc, một vùng sẹo bằng hai ngón tay, sần sùi, đỏ ửng của cơn phỏng nặng hiện ra. Mặc dù đã chuẩn bị tư tưởng nhưng Phùng vẫn không sao tránh khỏi cảm giác xúc động. Tình yêu đã thắng. Phùng yêu Bội Ngọc bằng tất cả lòng chân thật. Anh ấp má mình vào vết sẹo trên gò má Bội Ngọc và thầm thì:
- Ngọc ơi! Từ nay, anh nguyện lúc nào cũng chăm sóc em chu đáo. Chúng mình sẽ báo cho mẹ và các anh chị biết tình yêu chúng mình...
Bội Ngọc im lặng. Cô không tin tai cô vừa nghe những lời của Phùng, một người cô đã để ý từ lâu nhưng không dám mơ mộng. Đôi mắt đẹp và buồn toát lên niềm vui tươi với hai giọt lệ long lanh...

Không có nhận xét nào: