Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

VỀ MIỀN TÂY

VỀ MIỀN TÂY 
Duy Nhân
      
View Full Size Image
 Tác giả mặc áo trắng ngồi một mình đàng trươc hàng

Tập họp tại Công Ty Du Lịch Văn Hóa Việt số 55 B, Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Sàigòn lúc 5 giờ 30 sáng để điểm danh và thực hiện những thủ tục cần thiết. Đúng 6 giờ thì xe bắt đầu lăn bánh trực chỉ miền Tây, thực hiện chương trình du lịch mà mọi người đã lựa chon từ trước.  Có khoảng hai mươi gia đình từ các nước Úc, Áo, Canada, Pháp, Mỹ về Việt Nam ăn Tết Con Mèo. Cùng với vài gia đình ở Vũng Tàu, Đà Lạt, Sàigòn, chúng tôi họp lại thành một đại gia đình mà mọi người đều đồng ý đặt tên là “ Gia Đình Văn Hóa Việt ”. Cái tên đủ nói lên sự thân thương, gắn bó, giúp đỡ nhau đầy tình nghĩa giữa các thành viên trong một đại  gia đình truyền thống Việt Nam cho dầu chúng tôi sinh họat với nhau chỉ có mấy ngày ngắn ngủi. Âu đó cũng là cái duyên hay sự may mắn cùng gặp nhau trên một chuyến xe trên một đọan đường ngắn trong cuộc hành trình dài của mỗi cuộc đời, mỗi con người.
Mọi người cảm thấy dễ chịu ngay với không khí mát mẻ, trong lành khi xe  chạy đến khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, bỏ lại đàng sau một Sàigòn hỗn độn, nóng bức, ồn ào và bụi bặm. Men theo quốc lộ 1A, xe chạy đến Tân An (tỉnh Long An) thì dừng lại cho đoàn ăn sáng. Đây là thời điểm đầu tiên để mọi người làm quen, trò chuyện và tiếp xúc lẫn nhau. Long An là nơi có hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chảy qua, nơi có gạo Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng. Nơi đây tôi đã có dịp ghé qua nhiều lần. Với những tay nhậu sành điệu, không ai mà không biết tới “ Rượu đế Gò Đen ”, một đặc sản của tỉnh Long An. Tới Thành phố Mỹ Tho, một địa  chỉ thân thương của tỉnh Tiền Giang thì du khách xuống đò máy, qua Sông Tiền đi Bến Tre, quê hương của Ông Đạo Dừa nổi danh một thuở. Tôi nói Mỹ Tho là địa chỉ thân thương là vì từ Sàgòn tôi đã lặn lội xuống đây không biết mòn hết bao nhiêu đôi giày mới rước “ nàng” về “ dinh ” được. Bây giờ thì tóc “nàng” đã bạc nhưng kỷ niệm thì như mới ngày nào ! Ngồi đò, du khách thích thú được nghe cô hướng dẫn viên giải thích tường tận sự hình thành của các cồn Long, Lân, Quy, Phụng, được nghe giải thích tại sao “Qua sông thì phải lụy đò” minh họa bằng những câu thơ, điệu hò lý ‎thú. Đến xứ dừa Bến Tre, du khách được hướng dẫn đi thăm các làng nghề truyền thống như lò kẹo dừa, cơ sở nuôi ong lấy mật, đi xe ngựa trên những con lộ nhỏ hay ngồi xuồng chèo luồn lách  trong rừng bần hay đám dừa nước, rặng mù u để nhìn tận mắt cuộc sống sông nước Miền Tây. Đặc biệt, khách được nghe các cô gái mặc áo bà ba hát vọng cổ cải lương, gọi là đàn ca tài tử, được trở về nguồn gốc của một bộ môn Nghệ Thuật Sân Khấu Miền Nam có sức thu hút, quyến rũ, gợi nhớ quê hương tha thiết, nhất là đối với người lớn tuổi đang còn bôn ba nơi xứ người. Buổi trưa, đoàn ghé lại Cồn Phụng để dùng bữa. Cồn Phụng, nơi hành đạo của ông Đạo Dừa trước đây, bây giờ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở địa phương. Đoàn được nghe trình bày về gia thế, họat động và triết lý của “Đạo Dừa”. Danh từ này được dùng quen có lẽ là do người sáng lập Đạo, Kỹ sư Hóa Học Nguyễn Thành Nam, chủ trương chỉ ăn rau quả, nhất là trái dừa. Theo tôi, phải gọi là “Đạo Vừa” mới đúng với triết lý‎ của Đạo:  mọi việc đều nên trung dung, vừa phải, không thái quá, không bất cập.  Đạo này chủ trương hòa đồng tôn giáo  (Nho, Phật, Lão…), lấy chung sống hòa bình làm mục tiêu. Trước năm 1975, ông Đạo Dừa sở hữu một cặp ngà voi lớn nhất nước. Cặp mà đoàn nhìn thấy bây giờ chỉ là phiên bản. Theo yêu cầu, xe tiếp tục đưa du khách qua Cầu Rạch Miễu để ngắm một công trình mới hoàn thành của tỉnh Bến Tre. Đoàn tiếp tục theo Quốc lộ 80 đến xế chiều thì tới Sa Đéc. Xe dừng lại tại chợ cho khách nghỉ ngơi, đồng thời thưởng thức đặc sản nem Lai Vung, bánh phồng tôm Sa Giang, quít hồng Cao Lãnh. Bây giờ thì khách xuống xe để qua phà Vàm Cống đi Long Xuyên, tỉnh An Giang, một trong những thành phố nhộn nhịp sầm uất ở Miền Tây, nằm bên bờ sông Hậu.  Lại nhớ tới bản nhạc Giòng An Giang nổi tiếng  của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Từ thị xã Long Xuyên, xe chạy một mạch đến Châu Đốc thì trời đã tối. Mọi người lần lượt nhận phòng ở Khách Sạn Bến Đá Núi Sam. Nghỉ ngơi, tắm rửa, dùng cơm tối tại khách sạn. Buổi tối, đoàn đi viếng Tây An Cổ Tự, Lăng Thọai Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ và dạo quanh thị xã, hòa mình cùng khách thập phương và địa phương, giúp khách có thêm kinh nghiệm về sinh họat ban đêm nơi thánh địa nổi tiếng của đất nước, thấy được khía cạnh tâm linh trong đời sống người dân quan trọng như thế nào!
 
View Full Size Image

View Full Size Image

View Full Size Image



Sáng ngày thứ 2, đoàn đi chợ Tịnh Biên, Châu Đốc, chọn mua nhiều đặc sản nổi tiếng tại Vương Quốc Mắm Miền Tây. Du khách có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh Thất Sơn hùng vĩ có ngọn núi Ông Cấm hoang sơ. Dọc đường, xe dừng lại ở nơi gọi là Châu Lăng Xà Tón cho du khách thưởng thức đặc sản thốt nốt An Giang. Vì đoàn quá đông mà quán thì ít người nên cả đoàn phải xúm lại cùng cạy gỡ lấy cơm thốt nốt cho vào ly theo hướng dẫn của chủ quán. Một kỷ niệm không thể nào quên ! Theo đường N2, xe chạy dọc theo Kinh Vịnh Tế, trực chỉ Hà Tiên. Kinh Vĩnh Tế được Nguyễn văn Thọai tức Thọai Ngọc Hầu chỉ huy trên 80.000 công nhân đào từ năm 1819 đến năm 1824 thì hoàn thành. Lúc ấy, vua Minh Mạng lấy tên vợ của Thọai Ngọc Hầu là Châu Thị Vĩnh Tế, một người Khờ Me, đặt tên cho con kênh chiến lược này. Kênh dài 90 cây số, đào bằng tay nhưng thẳng tắp như kẽ chỉ, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, thông ra Vịnh Thái Lan. Có đến tận nơi, nhìn tận mắt, người ta mới chiêm ngưỡng, ghi nhận hết được công lao của các bậc tiền nhân trong buổi đầu khai hoang, mở cõi. Từ đó, lòng biết ơn Tổ Tiên càng thêm sâu sắc, tình yêu quê hương đất nước mới đậm đà. Đoàn tới Hà Tiên và về khách sạn nhận phòng lúc 12 giờ trưa. Buổi chiều, đoàn đi tắm biển ở Mũi Nai. Sau đó, tiếp tục lên núi Bình San, một trong mười cảnh đẹp của đất Hà Tiên. Từ trên núi, du khách đưa tầm mắt ra xa mới thấy toàn cảnh Hà Tiên tuyệt đẹp. Và đây là lăng Mạc Cửu, một người Hoa không chịu thần phục nhà Thanh, vào năm 1680 dẫn cả gia đình, binh sĩ và  đoàn tùy tùng khoảng 400 người rời Phúc Kiến, trôi dạt tận Miền Tây Nam bộ. Vì có công khai khẩn đất Hà Tiên nên khi mất năm 1735, thọ 80 tuổi, ông Mạc Cửu được triều đình phong tặng “Khai Trấn Thượng Trụ Quốc Đại Tướng Quân Võ Nghi Công”. Sau đó, đoàn tham quan Thạch Động, thăm Phù Dung Cổ Tự. Buổi tối, du khách đi dạo chợ đêm Hà Tiên, kết thúc ngày du lịch thứ hai.

Ngày thứ 3, đoàn đi Hòn Chông, viếng Chùa Hang, tham quan “Hòn Phụ Tử”. Theo người dân địa phương kể lại, vào khoảng 3 giờ 45 phút sáng ngày 9/8/2006, bỗng nhiên phần “Phu” với khối lượng 1000 tấn, cao trên 33 mét đã đột ngã xuống biển về hướng Đông. Bây giờ chỉ còn phần “Tử” đứng chơ vơ một mình như con mất cha. Du khách ai cũng tiếc ngẩn ngơ cho một thắng cảnh nổi tiếng đã không trường tồn nguyên vẹn trước thời gian. Đọàn tiếp tục đi về Rạch Gía, tỉnh Kiên Giang, một thành phố trù phú nhờ thế mạnh thủy hải sản, đang mở rộng ra hướng Tây Nam, hình thành khu đô thị mới lấn ra biển một cách táo bạo. Tại đây, “gia đình Văn Hóa Việt” phải chứng kiến một sự kiện nhỏ: Cả đoàn ngậm ngùi tiễn đưa một số gia đình xuống tàu đi Phú Quốc, tiếp tục cuộc hành trình mới của riêng họ. Dẫu biết rằng cuộc đời là vô thường nhưng phải nói lời chia tay với người thân, kể cả người mới quen trên một đoạn đường, bao giờ cũng khó khăn vì không ai muốn. Buổi chiều, đoàn tới Cần Thơ thì buổi tối, đi dạo Bến Ninh Kiều, ngồi du thuyền trên dòng sông Hậu, lại nghe đờn ca tài tử, đi thăm trung tâm thương mại Cái Khế, nơi có hoạt động vui chơi náo nhiệt nhất Tây Đô. Từ Bến Ninh Kiều, tôi dùng máy ảnh với ống kính có tiêu cự dài, chụp được cây cầu Cần Thơ với hiệu ứng màu sắc và ánh sáng ban đêm tuyệt đẹp.
Buổi sáng ngày cuối cùng, đoàn xuống đò đi chợ nổi Cái Răng, một trong những chợ nổi lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hướng theo các món hàng treo trên cây chèo bẻo ở đầu ghe, du khách được dịp quan sát việc mua bán của khách thương hồ Miền Tây, hiểu thêm nét văn hóa độc đáo mua bán trên sông của đồng bào Nam bộ ở miền sông nước. Du khách không bỏ lỡ cơ hội mua cho mình những quả cam, quit, xoài, mận từ trong nhà vườn mới đem ra mà gía lại rẻ hơn nhiều so với ở thành phố. Từ giả Cái Răng, bỗng nhớ đến câu ca dao nhắc đến con gái xứ này, vừa thực tế, vừa lạng mạn: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền / Anh có thương em thì cho bạc cho tiền / Đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay. Con đò tiếp tục đưa du khách tới Khu Du Lịch Phù Sa nằm trên Cồn Ấu. Nơi đây, du khách được tham gia các thú vui miệt vườn như đi cầu khỉ, qua rừng bần, câu cá, thư giãn trong ngọn gió mát rượi của dòng sông Hậu trong khi thưởng thức món bánh xèo đặc biệt của địa phương. Buổi chiều, xe đưa đoàn đi qua cầu treo Mỹ Thuận của tỉnh Vĩnh Long. Ghé các nhà vườn, du khách có cái thú là tự tay hái những trái chín từ trên cây về làm quà cho bạn bè, người thân. Xong xuôi, đoàn tiếp tục lên đường cao tốc Trung Lương, hướng về Sàigòn, chấm dứt bốn ngày du hành đầy thú vị.

View Full Size Image
        
View Full Size Image

View Full Size Image

View Full Size Image

Thế là nhật ký bốn ngày du hành về Miền Tây đã khép lại. Niềm vui bao giờ cũng qua mau. Mỗi  cá nhân lại trở về với hoàn cảnh, thân phận của riêng mình, tiếp tục cuộc hành trình còn dang dở. Chuyến du hành về Miền Tây lần này giúp tôi hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, củng cố thêm tình yêu nơi tôi sanh ra và lớn lên, cho tôi nhận định sâu sắc hơn về lẽ Vô Thường, nhận chân được giá trị đích thực của từng niềm vui, nỗi buồn trên từng chuyến xe cuộc đời dầu sau nhiều năm xa cách, nay được trở về nhìn lại chiếc nón lá, chiếc áo bà ba, cây cầu khỉ, chiếc thuyền nhỏ, được nhìn thấy mảng lục bình có hoa tim tím trôi ở dòng sông… Đối với tôi là cả một trời hạnh phúc ! Nhiều người nói đã nhìn thấy con ngựa, chiếc ghe nhưng cho đến bây giờ mới được đi xe ngưa, mới được ngồi trên chiếc ghe, cũng như lần đầu tiên tự tay mình hái được những trái chín trên cây thì thật là tuyệt vời. Những hình ảnh tuyệt vời đó được tôi ghi vào tâm khảm, thu vào máy ảnh và giữ trong tim như hành trang qúy báu sẽ theo tôi suốt quãng đời còn lại. Tôi tin rằng cho dầu có trôi dạt nơi đâu thì hình ảnh quê hương cũng sẽ không bao giờ phai nhạt.

View Full Size Image
   
View Full Size Image
   
View Full Size Image
   
View Full Size Image
  
View Full Size Image
   
View Full Size Image
  
View Full Size Image
 
View Full Size Image
  
View Full Size Image
   
View Full Size Image
 
View Full Size Image
         
View Full Size Image
   
View Full Size Image
   
View Full Size Image

Không có nhận xét nào: