Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG TA



TIẾNG VIỆT CỦA CHÚNG TA
Phan Lục
       


Là người Việt, chúng ta cần phải nói và viết tiếng Việt cho chính xác. Đọc thấy nhan nhản những chữ dùng sai và những lỗi in sai trên các sách báo ở trong cũng như ngoài nước, tôi thật sự lo lắng tiếng Việt sẽ dần dần mất đi sự chuẩn xác vì chiều hướng sử dụng sai từ ngữ hoặc viết sai chính tả. Tiếng Việt chúng ta phần lớn gồm những tiếng Hán Việt nên nếu không thông hiểu ngữ nghĩa thì rất dễ sử dụng sai, nhất là đối với các từ cùng âm khác nghĩa. Thời chúng tôi còn ở Tiểu học, mỗi tuần đều học một giờ Hán tự rồi khi lên Trung học thì học định nghĩa các danh từ Hán Việt trong môn Giảng văn. Do đó, thời ấy người ta sử dụng tiếng Việt tương đối chính xác. Việc biết nghĩa từ Hán Việt sẽ giúp chúng ta hiểu tiếng Việt sâu sắc hơn. Gần đây, dường như chương trình giáo dục ở nước ta ít chú trọng việc giảng dạy các từ Hán Việt nên có rất nhiều người dùng sai vì không hiểu ngữ nghĩa. Lúc đầu chỉ có một số người dùng sai, sau đó nhiều người bắt chước dùng theo rồi dùng mãi nghe quen tai nên không còn cảm thấy sai nữa. Sau đây là một số trường hợp sử dụng từ ngữ sai nghĩa rất phổ biến hiện nay :
Trong hầu hết các quảng cáo của các dịch vụ bảo lãnh thân nhân đều ghi “Thiết lập hồ sơ bảo lãnh cha mẹ, vợ chồng, hôn phu, hôn thê…” Các chữ “hôn phu” và “hôn thê” không có trong tự điển tiếng Việt và không có nghĩa gì hết. Ý người ta muốn nói bảo lãnh chồng chưa cưới tức là “vị hôn phu” hoặc vợ chưa cưới tức là “vị hôn thê”. Chữ “vị” ở đây nghĩa là “chưa” như “vị lai” nghĩa là “chưa đến”  đồng âm với chữ “vị” là tiếng kính trọng để gọi một người như quý vị, vị chủ tịch, vị đại biểu…  Trong nhiều bài viết về pháp luật của ông Phó tế NMS thường có các chữ “hôn phu, hôn thê” và nhóm từ “… còn dưới độ tuổi vị thành niên”. Cụ thể một đoạn trong bài “Luật di trú và nhập tịch Hoa kỳ” của ông viết ngày 30-5-2011 như sau: “g. Loại chiếu khán k-1 visa (Fiancee). Loại này cấp cho những người đã hứa hôn (Hôn thê hay hôn phu). Những người này đã nhập cảnh Hoa kỳ rồi thì phải lập hôn thú trong vòng 3 tháng, quá hạn này mà không làm hôn thú thì phải trở về nguyên quán. Nếu những người này có con dưới tuổi vị thành niên có thể được phép đem theo vào Hoa kỳ”. Ông vừa định nghĩa “hôn thê hay hôn phu” là những người đã hứa hôn mà đúng ra “những người đã hứa hôn” (mà chưa cưới) thì phải gọi là “vị hôn thê hay vị hôn phu” vì “vị hôn” (từ Hán Việt) nghĩa là “chưa cưới” bổ nghĩa cho chữ “thê” (vợ) hoặc “phu” (chồng). Còn “dưới độ tuổi vị thành niên” là độ tuổi nào?  Chắc tác giả nghĩ “vị” là tiếng gọi một người và “thành niên” là trưởng thành nên thay vì nói “dưới độ tuổi của người trưởng thành” thì tác giả lại nói “dưới độ tuổi vị thành niên”. “Vị thành niên” nghĩa là “chưa trưởng thành” để chỉ các thiếu niên và thiếu nữ còn dưới 18 tuổi. Vậy dưới tuổi “vị thành niên” thì còn có tuổi nào nữa? Một sai lầm rất lớn như thế mà mọi người nghe quen cứ tưởng là đúng và không chịu sửa!
            Còn âm “phu” có hai nghĩa khác nhau : “phu” nghĩa là chồng và “phu” nghĩa là người làm công. Cũng như “tử” nghĩa là con mà “tử” cũng nghĩa là chết hoặc “giá” nghĩa là lấy chồng mà “giá” cũng nghĩa là cái cáng (võng). Cho nên câu “Xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử” nghĩa là “Lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con” nhưng đã có người dịch đùa là “Đi ra trên cáng thì phải theo người phu khiêng, người phu khiêng có chết thì phải chết theo”.
            Khi người chồng chết thì người đàn bà được gọi là “góa phụ” hay nôm na là “ở góa” nhưng có người lại nói “ở giá” trong khi “giá” nghĩa là “lấy chồng” chứ không có nghĩa là mất chồng. Cũng âm “phụ” nếu ghép thành “phu phụ” nghĩa là vợ chồng, còn “phụ mẫu” nghĩa là cha mẹ. Âm “phụ” còn có nghĩa là “giúp” như phụ tá, phụ lực, phụ việc, phụ đạo, phụ giáo, phụ chánh v.v... hoặc nghĩa là “thêm vào” như phụ bản, phụ đính, phụ lục, phụ phí, phụ thu, phụ khuyết v.v…
            Còn từ “tái” nghĩa là “trở lại” cũng bị nhiều người, kể cả các nhà văn, nhà báo, dùng sai như: “dịch cúm đã tái phát trở lại” hoặc “băng đảng tái xuất hiện trở lại” hoặc “Tổng thống Obama tái đắc cử trở lại” v.v… Nếu đã dùng từ “tái” thì đừng dùng từ “trở lại” vì trùng ý.
            Trong những thiệp cưới, người ta thường ghi “ Trân trọng báo tin lễ thành hôn và vu quy của con chúng tôi” và dịch là “Have the honor of announcing the wedding ceremony of our children”. Như vậy, chữ “lễ thành hôn” đã được  dịch là “wedding ceremony”, còn chữ “vu quy” sao không thấy dịch ? Nếu muốn dịch cũng dịch là “wedding” thôi. Thật ra, chữ “lễ thành hôn” đã đủ nghĩa là “lễ cưới” áp dụng cho cả trai lẫn gái và “vu quy” chỉ là một hành động đi về nhà chồng của người con gái sau lễ cưới, tất nhiên là một phần trong lễ thành hôn. Nhiều người cứ tưởng từ “thành hôn” (marriage hay wedding) và “tân hôn” (just married) chỉ được dùng cho đàng trai thôi nên mới kèm thêm chữ “vu quy” vào dành riêng cho đàng gái (!).
            Khi kiểm điểm một sự việc, người ta thường nêu lên những ưu điểm (điểm mạnh, điểm tốt) và những nhược điểm (điểm yếu, điểm xấu) chứ không phải là “yếu điểm” có nghĩa là điểm thiết yếu. Còn rất nhiều người lẫn lộn giữa hai cặp từ “điểm yếu” (từ thuần Việt) và “yếu điểm” (từ Hán Việt) cũng như “ đồng tính luyến ái” (những người cùng giới có quan hệ tình dục với nhau) lầm lẫn với  “đồng tình luyến ái” (hai người khác giới đồng lòng quan hệ tình dục với nhau) chỉ vì không có vốn kiến thức căn bản về từ Hán Việt. Thật ra, nếu chịu khó tra cứu từ điển tiếng Việt thì việc dùng từ sai như thế này sẽ giảm đi nhiều.
            Có trường hợp những từ tương tự nhưng chỉ khác nhau có một cái dấu cũng làm cho nhiều người nhầm lẫn. Thí dụ : “Điển tích” nghĩa là văn viết ghi các sự tích ngày xưa (điển = ghi; tích = xưa) chứ không phải “diễn tích” vì trong tiếng Việt không có danh từ “diễn tích” mà chỉ có “diễn tả” hoặc “diễn giảng” v.v… Hoặc “trụ trì” chứ không phải “trù trì” hay “trú trì” vì chữ “trụ” có nghĩa là “còn đấy”. Hễ cái gì đang ở vào thời kỳ còn đấy thì gọi là “trụ”. Trụ trì Phật bảo nghĩa là Phật ở đời mãi mãi. Trụ trì tam bảo nghĩa là Phật tịch rồi nhưng còn tượng Ngài lưu lại. Trụ trì pháp bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng kinh sách của Ngài còn lưu truyền. Trụ trì tăng bảo nghĩa là Phật tuy tịch rồi nhưng còn các vị xuất gia tu hành kế tiếp làm việc Phật. Vì thế, có một vị sư nào làm chủ trông nom cả một ngôi chùa thì gọi là vị “sư trụ trì”. Cũng như nơi làm việc của một cơ quan gọi là trụ sở như trụ sở ủy ban… Trái lại, trú sở là nơi ở tạm, nơi trú quán.
Có những trường hợp tuy khác dấu nhưng vẫn đồng nghĩa như “hấp thu” với “hấp thụ” và “tự điển” với “từ điển”. Nhưng trường hợp sau đây thì không thể chấp nhận là cùng nghĩa được. Danh từ “trùm sò” dùng để ám chỉ một người keo kiệt như vai Trùm Sò trong vở kịch Nghêu, Sò, Ốc, Hến. Còn kẻ cầm đầu một nhóm người thì gọi là “trùm sỏ” hay “đầu sỏ”. Hai cặp từ “trùm sò” và “trùm sỏ” không thể lẫn lộn với nhau được. Cũng như “kiêu ngạo” tức là kiêu căng thì không thể lẫn lộn với “chế nhạo” tức là chế riễu, nhạo báng nên không thể nói như một số người miền Nam : “Anh đừng kiêu ngạo tôí!” thay vì nói anh đừng chế nhạo tôi.
            Cũng vì không thông hiểu nghĩa của từ Hán Việt mà nhiều người nói “nhà luật gia”, “nhà khoa học gia”, “nhà chính trị gia”, “nhà kinh tế gia” v.v… Đúng ra chỉ cần nói “luật gia”, “khoa học gia”, “chính trị gia”, “kinh tế gia” v.v… vì “gia” nghĩa là “nhà” rồi hoặc nói “nhà luật học”, “nhà khoa học”, “nhà chính trị học”, “nhà kinh tế học” v.v...
            Vô số trường hợp do không hiểu định nghĩa của từ Hán Việt mà sử dụng sai đã và còn có thể xảy ra dài dài.
            Ngoài ra, do viết theo giọng nói địa phương nên sai chính tả cũng làm cho tiếng Việt mất chuẩn xác. Thí dụ : “nhà quàn” mà viết là “nhà hoàng”, “xe tơ” mà viết là “se tơ”, “sử dụng” mà viết là “xử dụng”, “chóng khô” mà viết là “chống khô” (hai cặp từ này trái nghĩa nhau), “đóng cửa” (khép cửa) mà viết là “đống cửa” (cửa chất đống), “xăm” là vẽ hình trên da bằng kim khác với “xâm” là xây xẩm mặt mày, “nhác” là lười biếng khác với “nhát” là rụt rè, “bít lổ” chứ không phải “bích lổ”, “suôn sẻ” mà viết là “xuông xẻ”, “sáp nhập” mà viết là “sát nhập”, “chính xác” mà viết là “chính sác”, “xác xơ” mà viết là “ sác sơ”, “trọn tình” mà viết là “chọn tình”, “chi tiết” mà viết là “chi tiếc”, “kín đáo” mà viết “kính đáo”, “tín nhiệm” mà viết “tính nhiệm” v.v… thì thật là vô nghĩa!
            Việc đánh dấu chấm phẩy trong câu văn nếu không đúng chỗ sẽ làm sai hết ý. Thí dụ một trích đoạn : “Những ngày trong lao tù cải tạo chữ nghĩa bay theo mây theo gió”. Viết một mạch không ngắt câu như thế thì có thể hiểu là những ngày bay theo mây theo gió và lao tù là để cải tạo chữ nghĩa. Ta chỉ cần thêm dấu phảy vào sau chữ “cải tạo” thì ý thật rõ. Hoặc “Dưới trời trăng sáng suông và đủ để nhìn thấy đường.” hay “Thi hành chỉ thị của UBND thành phố.” Chưa hết ý mà đã chấm ngắt câu thì chẳng ai biết người viết muốn nói gì. Trong một chuyện vui, có quan tòa phán quyết “ở với vợ lớn, không được ở với vợ bé”, người chồng cầm phán quyết về sửa lại vị trí dấu phảy thì có ý trái ngược là “ở với vợ lớn không được, ở với vợ bé”. Hoặc trong một khẩu hiệu tuyên truyền kế hoạch hóa ghi “Gia đình 2 con, vợ chồng hạnh phúc” nhưng có người đọc vui là “Gia đình có 2 con vợ, chồng hạnh phúc”.  Như vậy, dấu chấm phẩy trong câu văn  xem ra cũng rất quan trọng vì nếu đặt sai chỗ thì có thể làm cho câu văn có nghĩa khác.
            Xem thế, không riêng gì từ Hán Việt mà cả từ Việt thuần túy cũng dễ bị hiểu sai mà viết lệch mất ngữ nghĩa nếu không chịu tìm hiểu ngôn ngữ học cặn kẽ bằng cách tra từ điển hoặc tự ái vặt hay chủ quan.
            Ở miền Bắc và sau năm 1975 lại phát sinh những từ ngữ mới như “lô gic” (hợp luận lý), “lâm sàng” (trên giường bệnh) v.v…thật khó hiểu. Sao không gọi là “giải tỏa mặt bằng” mà gọi là “giải phóng mặt bằng” trong khi từ “giải phóng” chỉ nên dùng cho con người như “giải phóng nô lệ”?  Đặt kế hoạch trồng trà nhiều khắp nơi thì gọi là “trồng đại trà” mới nghe tưởng trồng cây trà lớn. “Xây dựng gia đình” có nghĩa là lập gia đình thì còn nghe được chứ nói “Anh B xây dựng với chị X” thì cứ tưởng là hai người cùng đi xây nhà! Viết “cảnh ấy ấn tượng lắm” nghe không thông vì “ấn tượng” là danh từ không thể dùng như một tính từ được nên phải viết là “cảnh ấy gây một ấn tượng sâu sắc” v.v… Lại có chiều hướng ghép hai từ ngữ Hán Việt thành một như “giáo huấn và chỉnh đốn” thì gọi là “chỉnh huấn” nên có người bắt chước ghép sai. Hồi trong trại cải tạo, nghe một cán bộ quản giáo ra lệnh “có gì thì các anh phải phản phúc liền” làm tôi giật mình vì “phản phúc” có nghĩa là phản bội chứ không phải là “phản ánh và phúc trình” như người cán bộ nọ hiểu.
            Ngay ở hải ngoại, nhiều người Việt cũng đã dùng những từ sai. Cụ thể trường hợp phiên dịch một văn bản từ tiếng Anh ra tiếng Việt thì cứ gọi là “phiên dịch” nhưng có người lại cầu kỳ gọi là “chuyển ngữ”mà không hiểu rằng “chuyển ngữ” có nghĩa là “ngôn ngữ được dùng để truyền thụ kiến thức” chứ không có nghĩa là phiên dịch. Ví dụ, ngày trước ở bậc Đại học, người ta dùng Pháp ngữ để giảng dạy thì nay tiếng Việt được dùng làm “chuyển ngữ” trong Đại học. Vân vân…
            Ngày xưa, việc sửa bản thảo (sửa morasse) các sách báo được thực hiện rất kỹ lưỡng. Ngày nay, dường như công việc này được làm rất sơ sài hoặc không chú trọng lắm nên chữ nghĩa trên các sách báo có quá nhiều chỗ in sai khiến cho độc giả cảm thấy khó chịu. Việc viết hoặc in sai chính tả và chấm ngắt câu sai cũng làm giảm mất một phần giá trị của tác phẩm. Đặc biệt đối với các quảng cáo, mặc dù có nhiều từ dùng sai mà tòa báo vẫn không dám sửa vì sợ đụng chạm tự ái của người thuê đăng quảng cáo.
            Mong rằng mọi người đều lưu tâm sử dụng tiếng Việt chính xác trong mọi lĩnh vực để làm mẫu mực cho thế hệ trẻ, đặc biệt ở hải ngoại, học tập tiếng nước ta và giữ gìn tiếng Việt luôn trong sáng.






Không có nhận xét nào: