Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

THÁNG NGÀY LẶNG LẼ 
Nguyễn Thanh Dũng




● Ông Một ngồi trầm ngâm bên ly rượu đế đã cạn. Ông muốn cầm chai rót thêm vào ly nhưng ông vẫn cứ ngồi bất động. Chẳng nhận định được từ lúc nào, tay chân ông không tuân theo khối óc điều khiển. “Lực bất tòng tâm”, phải chăng dấu hiệu ông đã già ? Tuổi thanh niên năng động, không sợ nóng, không sợ lạnh, không nề hà nặng nhọc và khó khăn. Đến một thời gian nào đó, tự nhiên mình thấy mình sinh hoạt kém hẳn lúc xưa, uể oải, chậm chạp, lười suy nghĩ - dấu hiệu biến đổi tâm sinh lý bắt đầu xâm nhập cơ thể - con người bước vào tuổi xế chiều. Họ thay đổi tâm trạng khi buồn lúc vui, lúc nóng khi trầm lặng bất thường nên những người lớn tuổi thường bị cho là khó tánh. Bấm đốt ngón tay, đếm tới đếm lui, ông mới năm mươi hai tuổi. Giá còn ở miền quê Việt Nam lúc xưa, trên năm mươi đã chuẩn bị lên lão làng. Công việc đồng áng, chuyện chăm sóc nhà cửa đã có má bầy trè và lũ trẻ trông coi, các ông già chỉ tham dự hội hè, đình đám trong làng xóm, về nhà đu dưa trên võng và phì phà điếu thuốc vấn loa kèn.
Bây giờ, tóc ông Một đã bạc, râu ông cũng bạc theo. Nhưng ở đất Sài-gòn này, vật giá leo thang từng ngày, không làm thì đói khát mà dù có lao động tay chân cật lực chưa chắc được dư dả. Từ ngày người bạn đời từng đầu ấp tay gối xua đuổi ông ra khỏi nhà, ông lang thang kiếm sống. Vợ ông mới ngoài ba mươi, tuổi xuân hừng hực. Nhìn dáng dấp khoẻ mạnh của gái một con, thân thể có da có thịt, thấy người khác phái cứ nhìn chằm chặp, ông Một biết thời điểm cô vợ trẻ muốn rẽ đường khác. Phải, dù ông chưa quá già nhưng thể chất yếu đuối, tinh thần suy nhược, làm sao ông làm tròn bổn phận người chồng trước nhu cầu đòi hỏi của người vợ chân dài, lưng ong. Ông biết vợ ông ngoại tình nhưng ông không mở miệng được. Cô theo người tình làm ăn chung, trẻ tuổi hơn, mới mẻ hơn, chiều chuộng cô hơn. Đó là lẽ thường của thói đời!
● Cách nay hơn mười năm, ông rời bỏ U Minh Thuợng lên thành phố kiếm sống. Do người làng giới thiệu, ông tìm đến cô ba Tưa - má của con ông sau này - người cùng xóm bên bờ sông Trẹm. Sông Trẹm chia U Minh làm hai, phía bên Kiên Giang có tên U Minh Thượng, còn miệt tỉnh Cà Mau là U Minh Hạ. Ông lớn hơn cô ba Tưa gần hai mươi tuổi. Ngày đầu gặp nhau trên chốn phồn hoa đô hội, cả hai đều mừng rỡ. Đó là tâm lý những người xa quê gặp đồng hương nơi lạ nước lạ cái.
Đôi mắt cô ba Tưa ươn ướt:
– Cháu rất mừng gặp “chú” trên này. “Chú” là người cùng quê xem như cũng là người thân thích của cháu, cháu thấy bớt bơ vơ khi làm ăn buôn bán hết sức phức tạp ở đây. Có chú là người đứng tuổi bên cạnh, cháu yên tâm rồi.
Lúc đó, ông Một gần bốn mươi và cô ba Tưa ngoài hai mươi. Cô Tưa kể cô biết “chú Một” khi ở dưới quê có bồ làm thợ may ở xã Tân Thạnh huyện An Minh. Lúc đó, cô Tưa ở tuổi “cập kê”, thấy “chú Một” và cô thợ may tình tứ bên nhau, cô mắc cỡ, ngó lơ chỗ khác. Ông Một cũng cho cô Tưa biết vì nhà ông nghèo, tứ cố vô thân, tía má cô thợ may không chịu gả. Ông ở “cu ky” tới giờ.
Cô ba Tưa nói:
– Cháu đang mướn căn phố nhỏ sau chợ An Đông quận 5. Ban ngày, cháu ra bán vải phụ người dì bà con. Cháu dành dụm được chút đỉnh tiền, có lẽ cháu sẽ mở một sạp bán trái cây trong chợ. Nếu chú chịu giúp, mai mốt chú lấy hàng ở các chợ đầu mối đem về sạp bán, mình sẽ lời khá hơn.
Ông Một gật đầu. Đó là điều hết sức may mắn khi lần đầu lên thành phố lạ hoắc này, có người quen giúp đỡ, kể như ông trúng số.
Cô ba dẫn ông đi ngoằn ngoèo, sau cùng về khu phố trệt sau chợ, cạnh đường rầy xe lửa Saigon Mỹ Tho cũ, trên đường Hùng Vương. Đó là dãy khoảng năm sáu căn, mái lợp ngói âm dương rêu phong. Vách tường nứt nẻ và loang lổ theo mưa nắng. Căn nhà bề ngang hơn ba mét và dài chừng mười mét. Phòng trước kê bộ ghế bằng gỗ thông. Bên trong là buồng ngủ của cô ba quây vách bằng gỗ tạp, tối om om. Phía sau có một tủ nhỏ đựng thức ăn và cái cà-ràng ba chân dùng nấu nướng. Tro trong bếp lạnh tanh chứng tỏ cô ba không sử dụng lò này. Phòng tắm và phòng vệ sinh chung chiếm một góc bên trái.
Cô ba nói:
– Tạm thời tối nay chú ngủ ghế dài ở phòng khách nghe. Ngày mai cháu mua một ghế bố xếp và mùng mền cho chú nằm.
Ông Một cười:
– Như vầy tốt quá rồi cô ba ơi. Có chỗ trú mưa trú nắng còn hơn ở dưới quê ngủ bờ ngủ bụi, muỗi chích nồi mần nổi u đầy người.
– Trên này dù sao cũng hơn miệt quê mình mà chú. Thôi cháu ra chợ bán phụ dì cháu, chiều tối về, cháu mua cơm gà Siu Siu đãi chú lần đầu tiên chú lên Sài-gòn.
● Cô ba nhờ người dì giới thiệu, cô sang một sạp trong khu vực buôn bán trái cây. Ngày đầu, cô dẫn ông Một đi xích lô xuống chợ Cầu Ông Lãnh tìm mối bán sỉ. Lần đầu tiên được ngồi trên xe có nguời chở, lòng ông ba vui hớn hở. Vả lại, ngồi chung xe chật ních, lưng mềm mại của cô ba dựa hẳn vào ngực ông, tóc dài bung theo gió cứ phất phơ trước mặt, thoang thoảng mùi xà bong sả thơm nhè nhẹ khiến một người trung niên chưa hề chung đụng với người khác phái rạo rực liên hồi. Lúc quen với cô thợ may ngoài chợ Tân Thạnh, ông chỉ dám cầm tay cô và nói những lời chân chất. Hôm nay khác hẳn, hai cơ thể dán sát vào nhau và khi bánh xe nhảy nhổm trên các ổ gà, cô ba níu chặt cánh tay khoẻ mạnh của ông. Ngực ông cảm giác nằng nặng vì tấm lưng thon của cô ba như nam châm hít mạnh vào ông. Mặt ông đỏ bừng. Ông có cảm tưởng bao nhiêu máu trong cơ thể dồn hết lên mặt.
Cô ba làm quen chủ những gian hàng cam quít, thanh long, sầu riêng, mít, vú sữa lấy tận gốc Vĩnh Kim - Mỹ Tho và vườn cây Lái Thiêu. Cô hướng dẫn đường đi và giới thiệu ông ba với các chủ vựa để sau này, ông ba tự một mình lái xe ba gác lấy hàng.
Trên đường về chợ An Đông, lần này ông nhường cô ba ngồi phía trong cho rộng rãi, còn ông ngồi me mé cái nệm. Xích lô chạy một hồi, người đạp xe cằn nhằn:
– Chú hai à, chú ngồi xích vô trong một chút chớ ngồi đầu mũi xe, chúi xuống nặng quá, con đạp hổng nổi.
Nghe vậy, cô ba kéo ông ngồi sát vào cô. Lần này, tay chân ông ba luống cuống vì thấy khó chịu sau lưng mình quá. Ông không dám dựa mạnh, sợ đau ngực cô ba.
● Tình cảm người đàn ông trung niên độc thân và thiếu nữ mơn mởn chung đụng trong căn nhà dãy phố chợ An Đông nảy sanh lúc nào không hay. Ông Một cần cù giúp cô Tưa lấy hàng chợ gốc và giao hàng từ chợ An Đông đến các chợ nhỏ như Bàn Cờ, Hoà Hưng, Khánh Hội… Mặc dù chữ nghĩa ít hơn, tính toán vụng về và lớn tuổi hơn cô Tưa nhưng nhờ siêng năng, dãi nắng dầm mưa không kể thời tiết nên tiền lời buôn bán vô như nước. Có chỗ vững chắc làm ăn, cô Tưa đôi khi cũng tỏ lời cám ơn sự giúp đỡ tận tình của ông.
Trong bữa cơm tối, cô nói:
– Cháu nghĩ nếu không có chú phụ một tay buôn bán, giờ này cháu vẫn còn làm công cho dì cháu. Sạp của cháu, bạn hàng rất tin tưởng vào phẩm chất trái cây. Như chú thấy đó, họ đặt hàng không kịp giao nhưng họ cũng vui vẻ chờ đợi chớ không mua tại các sạp khác.
Ông Một cười:
– Nhờ tánh tình cô vui vẻ, ăn nói có dang (duyên) lại đẹp nữa, ai mà không có cảm tình!
Cô ba thẹn thùng cười ngỏn nghẻn. Dưới ánh đèn điện 60w đủ sáng khuôn mặt hồng hồng khiến nhan sắc cô ba đã đẹp lại thêm mặn mà.
Vài tia chớp lóe lên. Có lẽ trời sắp đổ mưa. Sài-gòn vào hè oi bức. Người người mong cơn mưa làm dịu bớt cái nóng rịn tươm mồ hôi. Mưa bắt đầu rơi và nặng hột. Ông Một lật đật cởi áo, chạy ra sau bếp lấy máng cho nước chảy vào các lu và khạp. Nước mưa mát khiến ông thích chí cười hoài. Cô ba đứng dựa cửa sau, nhìn ông Một xách thùng đổ nước mưa từ lu sang khạp. Thân hình ông vạm vỡ, các bắp thịt cuồn cuộn, vai và lưng đầy đặn. Người con gái khi nhìn thấy hình tượng trước mắt, tự nhiên trong lòng cũng chộn rộn. Không hiểu sao, khi nhìn cái lưng to bè của ông, cô ba đỏ mặt. Theo theo tâm lý, người con gái thích những chàng trai khoẻ mạnh, lưng rộng như tấm thớt thịt và mấy cô đó thuộc loại chân dài lưng ngắn thì y như rằng trăm cô suối tình mênh mang hết cả trăm. Nghĩ gì không biết, cô vội mở rương lấy chiếc khăn lông thơm long não để ông Một lau khô người.
Ông Một chỉ mặc quần xà lỏn, nước mưa ướt sũng, dán chặt vào người. Cô ba không dám nhìn pho tượng khỏa thân biết cử động đó, cô đưa khăn cho ông và quay chỗ khác. Đang lau người, tự dưng ông Một cảm thấy toàn cơ thể run lên vì lạnh. Nghe tiếng ông Một kêu lạnh, cô ba vội quay lại lấy khăn chà mạnh khắp người ông, không nề hà nam nữ. Vài phút sau, ông Một ấm dần. Một tia chớp lóe lên tiếp theo một tiếng nổ rền tai, cô ba ôm chặt ông Một. Hai tấm thân nóng hừng hực không rời nhau. Đêm đó, thay vì nằm ghế bố ngoài phòng khách, ông Một dìu cô ba vào phòng của cô. Lần đầu tiên, cả hai thật vụng về.
Cô ba hổn hển hỏi :
– Bộ hổng biết hả ?
Ông Một siết chặt cô ba và ừ thật nhỏ. Cô ba hãnh diện vì gặp người tình tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn tân.
Ngoài trời mưa vẫn tầm tã. Tiếng giọt mưa rơi trên mái ngói đều đều…
● Từ đó, cặp “già nhơn ngãi, non vợ chồng” sống bên nhau êm đềm và hạnh phúc. Khi cô Tưa sanh cháu trai, ông Một quí hai mẹ con hơn vàng bạc. Tía má ông chết hết, ông không có anh em ruột thịt. Bà con ở tít dưới Năm Căn Cà Mau, năm khi mười họa họ mới nhắn lời giới thương hồ thăm ông mạnh giỏi. Ông là con trai duy nhất, nay có con nối dõi tông đường, mừng nào sánh cho bằng. Ông không hiểu sao tía má lại đặt tên ông là “Một”. Có lẽ ổng bả muốn nối tiếp sẽ là hai, ba, bốn… nhưng vì tai họa ập đến thình lình, tiá má ông mất cùng lúc nên chỉ có mình ông trên đời này.
Cái phước cái họa biết đâu mà lường. Có nhiều người đàn bà khi có con trở nên đổi tánh. Cô Tưa nằm trong số đó. Thấy người chồng già cưng chiều, hầu hạ, cô lờn mặt. Cô ỷ sanh đứa con trai cho ông, cô lên mặt lớn tiếng khi ông không làm vừa ý. Vả lại, từ ngày cô nằm cữ, tiền xả ra như nước mà không thâu vô được đồng nào. Cái máu tiếc tiền khiến cô lồng lộn trong lúc ông Một không biết buôn bán, làm ra tiền, tối ngày chỉ ôm thằng nhỏ chum chủm.
Nửa đêm con trai khóc, ông lật đật choàng dậy pha sữa bò cho con. Cô Tưa không cho con bú sữa mình viện lẽ mai mốt thằng nhỏ mến tay mến chân, cô không rời xa nó để buôn bán được. Thật ra, cô muốn ngủ một mình thẳng giấc cho mau lại sức, tiếp tục làm ăn chứ ngồi không bao nhiêu núi của cũng hết. Chẳng biết mắc chứng gì, thằng nhỏ cứ hai ba tiếng lại khóc đòi bú. Lớn tuổi khó ngủ thành ra ông Một gần như thức trắng đêm. Sau một tháng rưỡi nằm lửa, cô Tưa hồi phục sức khỏe, hồng hào ra thì ông Một trái lại, cơ thể suy sụp thấy rõ. Nét mặt khắc khổ của ông lại càng nhăn nheo, râu tóc muối nhiều hơn tiêu, dáng đi lòm khòm như gà mắc nước. Mỗi lần thấy ông, cô Tưa ngán ngẫm lắc đầu chán nản. Từ đó, mọi việc trong nhà cô quyết định và sai chồng như sai tôi tớ. Những gì cô thích thì cô mua sắm cho bằng được. Những gì ông Một muốn, cô viện cớ này cớ nọ không cho ông toại ý mặc dù ông Một sắm chung cho gia đình chớ không cho cá nhân ông. Cô ba thường nhắc nhở:
– Ông nên nhớ điều này. Đây là nhà của tui, mọi chi phí đều là tiền của tui, ông hổng có cóc khô gì hết. Sở dĩ tui hổng ưa thằng nhỏ vì nó giống ông, giống cái lì lợm và quê mùa của ông. Ông coi, da nó đen thui như ông, mũi nó hếch như ông, hổng có giống tui một chút nào.
Ông Một lặng thinh.Thường ngày ông ít nói, lúc này ông lại càng ít nói hơn.
Vì thương con trai, ông Một cố gắng nhịn nhục, chỉ ôm con buồn hiu buồn hắt. Niềm an ủi của ông bây giờ là mong con mau lớn, khỏe mạnh mau biết nói để gọi ông là “ba”… Tiếng “ba” từ miệng trẻ thơ đối với một ông già lần đầu được làm cha vô vàn quí báu. Suy nghĩ đến ngày đó, bao nhiêu cực nhọc đối với con, ông không nề hà.
Cô Tưa ngủ riêng từ lúc thằng Bầu ra đời. Sự xa cách trong gang tấc đó cũng đủ xua đuổi tình cảm mặn nồng ban đầu. Hai người sống chung không có giá thú cũng là lợi thế cho cô vì trên pháp lý không có gì ràng buộc hai người.
Một hôm, cô dẫn một thanh niên nhỏ tuổi hơn cô về nhà, cô nói với ông Một:
– Ông làm ơn ẵm thằng nhỏ qua hàng xóm chơi. Đây là mối làm ăn lớn của tui từ miền Trung vô. Tụi tui cần bàn việc đặt đại lý ở ngoải.
Không nói tiếng nào, ông Một bồng thằng Bầu ra đầu ngõ.
Vài hôm sau, cô cùng thanh niên nọ đi xe đò ra Hội An. Ông biết vợ ông ngoại tình với người thanh niên trẻ nhưng ông không nói được tiếng nào. Vị thế của ông trong nhà không có quyền, không có tiền mà chỉ làm theo ý muốn, sai bảo của vợ. Ông là con người tự trọng, cũng biết giận, biết tủi nhục khi người khác chửi bới mình. Song hoàn cảnh ông hiện tại, ông phải im lặng, bắt buộc phải kiên nhẫn nuôi thằng Bầu lớn thêm chút nữa. Nó còn quá nhỏ, biết gởi ai để ông tìm việc làm ?
Chờ hoài không thấy cô ba về, nhà hết gạo, hết sữa cho con. Tính hoài, ông buộc lòng đem chiếc xe đạp cũ của mình ra tiệm cầm đồ. Trước khi lấy cô ba, cô ba trả tiền công ông phụ giúp và ông chắc mót mua chiếc xe này. Ông dự tính cầm đỡ, mai mốt sẽ chuộc lại vì đây là vật kỷ niệm đầu tiên ông có được ở Sàigòn.
Một tuần sau, cô ba và thanh niên nọ về nhà. Họ công khai sống chung trong căn phòng mà một thời ông Một từng ngủ ở đó. Ông cúi gằm mặt, máu nóng chạy rần rần trong người. Ông muốn lụi đôi gian phu dâm phụ nhiều lát dao nhưng suy đi tính lại, ông vô tù, thằng Bầu sẽ ra sao ? So sánh, cô ba Tưa làm sao giá trị bằng thằng Bầu. Mặc dù cô là má nó nhưng cô là một dâm phụ độc ác, sanh con mà không chăm sóc, nuôi nấng đứa con mình mang nặng đẻ đau. Bây giờ lại ngoại tình công khai trước mặt chồng con. Ông Một là người ít học nhưng đạo lý làm người, ông cũng biết thế nào là phải trái.
Mỗi ngày, cô ba thí cho ông và thằng Bầu đủ tiền cơm và sữa cho hai cha con, còn cô và tình nhân ăn ngoài chợ. Ông đợi tối mới ra tiệm chạp phô ngoài đầu hẻm mua thức ăn và vài hộp sữa bò. Ban ngày, ông ru rú trong nhà, sợ chòm xóm hỏi han hoặc đàm tíếu. Những người xấu miệng đôi khi cũng chê bai ông, cho là ông ăn chực nằm nhờ nên cô ba mới xem thường ông như vậy. Ông không trả lời. Ông sống lặng lẽ như cái bóng. Ông cầu nguyện thời gian trôi qua mau để thằng Bầu biết nói biết đi, ông mới tính mọi chuyện được.
● Một ngày, cô ba phát giác chiếc xe đạp biến mất, cô hạch hỏi ông đủ điều. Ông nhìn thẳng vào mặt cô ba:
– Tui đem cầm nó rồi.
Cô ba lồng lộn lên:
– Sao ông hỏng hỏi ý kiến tui mà dám làm vậy ? Trong nhà này, tất cả là của tui, ông chẳng có quyền gì ráo trọi. Tánh mạng ông và thằng nhỏ chó cũng do tui nắm, ông có hiểu hông ?
Cô ba sỉ nhục ông trước mặt tình nhân, ông cắn răng không nói tiếng nào. Ông hy vọng cơn thịnh nộ của cô ba rồi cũng lắng xuống như mọi lần để ông tiếp tục nuôi con trai thương yêu của ông.
Lần này khác, thấy tình nhân nhìn mình cười cười, cô như thêm phấn chấn, cô nhục mạ ông thậm tệ. Cô lấy bọc ni-lông gom hết quần áo hai cha con ông, quăng ra sân và quát:
– Đi ra khỏi nhà tui. Tui hổng muốn thấy cái bản mặt xui xẻo của hai cha con ông trong nhà này. Coi chừng tui lấy chổi chà đập ông bây giờ.
Ông Một lắc đầu:
– Cô đối với cha con tui như vậy sao ?
Cô ba tiến sát vào ông và mạt sát:
– Cái gì tui cũng dám hết. Đi ! Ra khỏi nhà này mau. Đồ ăn bám ! Bám váy quần đàn bà hổng thấy xấu hổ hả ?
Dằn lòng không được, ông Một thẳng tay tát mạnh vào mặt cô ba khiến cô té nhủi. Tình nhân cô ba thấy vậy, bước tới gần ông. Ông trừng mắt và đưa nắm đấm nhứ nhứ, người thanh niên khựng lại. Ông Một bồng con, ra sân xách bọc ni-lông và tiến ra đường.
Trời lâm râm mưa. Những hột mưa thấm ướt đôi vai gầy ông già bất hạnh. Ông khòm lưng ôm con vào lòng, che cho thằng Bầu khỏi ướt. Dưới ánh đèn đường, một già một trẻ lầm lũi đi mà không biết đêm nay về đâu…
● Thời gian lặng lờ trôi. Giòng đời vẫn cuồn cuộn đi đi mãi. Sàigòn vẫn mưa nắng hai mùa. Người đi vào cõi vĩnh hằng hay người ở lại, không ai buồn cho ai vì nhịp sống nơi đây như thác lũ cuốn phăng mọi suy tư.
Lúc còn làm và sống chung với cô ba Tưa, ông Một quen nhiều người khi giao tiếp. Khi thất tha thất thểu đến tìm họ nhờ vả trong cơn bỉ cực, ai cũng tìm cách lảng tránh. Con người phù thịnh chứ ít ai phù suy. Từ lúc được sanh ra và lớn lên, vận số ông Một may ít mà rủi thì nhiều. Ông tội nghiệp thằng Bầu, phải long đong theo vận mệnh của ông. Giá mà nó sanh ra trong một gia đình tử tế, ít ra nó cũng không bị đói khát suốt hai ngày nay. Bước chân mòn mỏi tắp dưới gầm cầu mà sau này ông mới biết đó là cầu chữ Y, nối liền quận Năm với quận Tám, bắc qua hai con kinh Bến Nghé và kinh Tẻ đến vùng chợ Rạch Ông và vùng Cù Lao Chánh Hưng của quậnTám.
Vài gia đình không nhà cửa tạm trú ngụ nơi đây, thấy một ông già ôm thằng bé trai nằm thiêm thiếp, họ pha nước đường thẻ cho uống. Hơn nửa tiếng sau, thằng Bầu khóc ré lên. Ông Một hé mắt nhìn. Chung quanh ông, những tiếng xì xầm và chỉ chỏ ông. Trong cơn mơ mơ màng màng, dường như thằng Bầu ôm chặt cứng người ông mà khóc.
– Tỉnh rồi !
Một giọng Bắc nối tiếp:
– Thế mà tớ cứ ngỡ ông cụ đi chầu Diêm Vương rồi. Này này, ai còn cái gì ăn được cho hai ông cháu này xơi cho mau lại sức.
Một bà già ngoắc đứa con trai độ ba mươi tuổi lại, nói giọng Nam:
– Thằng Bính. Lấy cơm nguội và vài miếng khô nướng cho bác đây dùng, lẹ lẹ giùm.
Chờ ông Một và thằng Bầu ăn xong bữa cơm tạm no, mọi người bu xung quanh hỏi thăm ông.
Dân sống mọi miền cùng chung đùm bọc lẫn nhau. Người từ miền Tây lên, kẻ ở miền Bắc và miền Trung vào. Lao động tay chân có, tư sản mại bản sau khi vượt biên hụt, đi vùng kinh tế mới sống không kham đều trôi dạt về đây. Dưới gầm cầu này, tụ họp khoảng mười lăm người lớn nhỏ trong năm sáu gia đình. Ngoài xã hội, họ giành giật, mưu mô miễn sao kiếm được tiền trang trải hàng ngày. Đối với người cùng cảnh ngộ dưới gầm cầu, lá rách đùm lá nát, họ luôn giúp nhau để tồn tại. Cái xóm nghèo be bé này đôi khi cũng bị chánh quyền địa phương ruồng bắt, đưa đi khỏi thành phố nhưng như bắt cóc bỏ dĩa, đâu cũng hoàn đó.
– Thế cụ và cháu ngoại cụ từ đâu đến.
Người khác hỏi:
– Nhà cửa cụ ở đâu, có còn con cháu gì không ? Bố mẹ thằng bé làm gì mà cụ lại tha nó theo cụ?
Mỗi người một câu khiến ông Một lúng túng không biết trả lời ai trước. Im lặng một lát, ông Một mới nói rõ ngọn nguồn cho mọi người nghe.
Người Bắc cười lớn tiếng:
– Ối giời ơi. Bác chỉ có năm mươi nhăm tuổi, sao trông bác hom hem như ông cụ bẩy mươi vậy?
Mà này, mẹ thằng bé còn quá trẻ, bác lại già thế này, làm sao cô ấy không ngoại tình…
Bà cụ người Nam rầy thanh niên Bắc:
– Cháu không được giỡn trên sự đau khổ của người khác. Kính lão đắc thọ nghe hôn…
Bùi ngùi trước cảnh “cha già con cọc”, đói khổ cùng cực và hoàn cảnh khốn khổ của ông Một, mọi người cùng chung nhường cơm xẻ áo cho ông và thằng Bầu. Cậu Bính, con bà già miền Nam kêu ông Một ngày ngày ra chỗ sửa vá xe đạp của cậu cuối con dốc đổ qua chợ Rạch Ông để phụ cậu. Người có cơm ăn, kẻ được cháo húp xoay sở qua ngày. Thằng Bầu chơi với vài trẻ nhỏ trong “xóm gầm cầu”. Đói khát, người cùng cư ngụ lo cho nó để ông Một yên tâm kiếm tiền.
● Thấm thoát thằng Bầu đã tám tuổi. Nó không được đến trường lớp như những đứa trẻ khác. Tiền quần áo, sách vở giày dép, ông Một không đủ khả năng chi ra. Hầu như trẻ nhỏ “xóm gầm cầu” đều thất học. Nhiều đứa phụ cha mẹ đi moi rác hoặc đến các chợ lượm rau quả phế bỏ, nhiều đứa khác chầu chực các quán ăn để lấy cơm thừa canh cặn thực khách bỏ mứa.
Một hôm, thằng Bầu mặc quần đùi, ở trần, chờ ở quán ăn trên đường Nguyễn Biểu quận Năm. Tay nó cầm lon nhựa để sẵn sàng trút thức ăn thừa vào. Một người phụ nữ trung niên đang ngồi chờ thức ăn kêu nó lại và hỏi:
– Con tên gì ? Ba má con đâu, nhà ở đâu mà ra nông nổi này.
Thằng Bầu nói lúng búng trong miệng:
– Tui tên Bầu, má tui chết rồi.
Chỉ vết chàm xanh ở bắp vế nó, người phụ nữ hỏi tiếp:
– Con tên Bầu, còn ba con tên Một phải không ?
Thằng Bầu quắt mắt nhìn bà đó, nó vừa chạy vừa nói:
– Dô diên, hỏi gì mà hỏi dữ dậy.
Buổi tối, nó kể cho ông Một nghe. Nét mặt ông Một cau lại, không nói tiếng nào. Ông cầm xị rượu đế rót thêm vào ly. Nghe thằng Bầu nói, ông Một đoán chắc đó là cô ba Tưa, người vợ ngoại tình của ông. Vết thương năm xưa đã ngủ yên, giờ như rạn nứt trở lại, đau nhói trong ngực ông. Nhớ lại ngày đó, cô ba mạt sát ông thậm tệ trước mặt người tình, dù đã hả giận với cái bạt tai như trời giáng vào mặt cô nhưng ông vẫn không sao quên được những ngày đen tối và nhục nhã đó. Nó hiện lên như một cơn ác mộng mà suốt đời không thể phai trong tâm trí ông được. Tự nhiên ông thấy ngứa cổ họng và ho khan. Hớp thêm ngụm rượu, ông bị sặc, ngực đau quặn thắt, cằm tê cứng không nói được tiếng nào. Mắt ông tự nhiên bị mờ và thân hình ốm tong teo của ông đổ vật xuống chiếu.
Bạn bè chung quanh vội vã cạo gió, giật tóc mai nhưng ông vẫn bất tỉnh. Đưa vô nhà thương X.Y, khi làm thủ tục, y tá hỏi hộ khẩu, mọi người trong “xóm gầm cầu” ú ớ vì chẳng ai có cả. Y tá tiếp tục nhận bệnh nhân kế tiếp. Ông Một được đặt trên ghế dài ngoài hành lang chờ trực ban giải quyết cho dù những người đi theo năn nỉ hết lời.
Cô y tá giải thích:
– Tôi cũng muốn làm thủ tục cho bác đây nhập viện nhưng không có hộ khẩu thành phố làm sao tôi hoàn tất hồ sơ được.
Bính lên tiếng:
– Cứu người bịnh như cứu hỏa, lòng nhân đạo mấy người đâu ?
– Anh hiểu cho, đây là nguyên tắc của bệnh viện. Tôi có gọi trực ban rồi, chút nữa họ sẽ đến giải quyết. Anh yên tâm.
Bính nóng nảy la lớn:
– Yên tâm cái con khỉ khô. Ông già gần ngủm rồi mà không cấp cứu thì làm sao sống được.
Khuya đó, khi lấy băng ca đưa ông Một vào phòng khám thì ông chỉ còn cái xác không hồn. Thằng Bầu còn quá nhỏ để thương tiếc người cha bất hạnh từ nay không còn lo cho nó từng miếng ăn, ru nó từng giấc ngủ.
Số người cùng khổ chung đụng tiền, đưa ông vào lò thiêu Bình Hưng Hòa. Nhìn thằng bé tám tuổi, ngơ ngác, sung sính trong bộ đồ tang và cái vòng trắng trên đầu, ai cũng nhạt nhoà nước mắt.
Thời gian sau, “Xóm gầm cầu” phát hiện thằng Bầu không về. Mọi người lo lắng hỏi nhau không biết nó trôi dạt về đâu, chết bờ chết bụi hoặc ở xó xỉnh nào.
Rồi mọi chuyện cũng trôi đi. Hình ảnh thằng Bầu mờ nhạt trong tâm trí những người một thời từng cưu mang hai cha con nó. Những người giàu có hoặc nổi tiếng khi mất, còn được người đời nhắc tới, báo chí loan tải. Riêng kẻ nghèo như ông Một và thằng Bầu khi sống chẳng ai thèm để ý, quan tâm; nay hai sinh linh biến mất trên thế gian này, không ai bận tâm nhớ thương.
Dòng xe cộ Sàigòn vẫn tiếp tục nối đuôi nhau không dứt. Vòng đời vẫn xoay. ■

Không có nhận xét nào: