Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

KHI XÁC CHẾT ĐÒI NỢ

KHI XÁC CHẾT ĐÒI NỢ

Truyện kinh dị của Thủy Lâm Synh



Nằm tại bệnh viện Jefferson Memorial hai đêm, tôi không tài nào chợp mắt. Cứ vừa nhắm thì ông Nguyễn Phấn hiện ra đứng lù lù ngay giường của tôi. Trong túi áo sơ mi nhàu nát của ông, lòi ra bao bì chai super-glue. Tay trái ông Nguyễn Phấn cầm con dao loại giải phẫu của bệnh viện đưa lên trước mặt ông ấy. Hai mắt khép kín, hình như ông Nguy¬ễn Phấn cố gắng mở ra làm cho mồm ông cứ há hốc, méo mó một cách cực nhọc. Hai bên má hằn lên những đường rãnh cong ôm lấy cái miệng hô khiến cho gương mặt khó coi của ông càng khó coi hơn. Ông Phấn lấy ngón trỏ tay phải sờ nhẹ lên cán dao rồi men lần lên để định vị trí lưỡi dao, ông dùng ngón cái kéo vuông góc qua lưỡi dao ấy xem nó có còn đủ bén hay không. Những động tác vừa qua làm cho người tôi lạnh toát. Ông Nguyễn Phấn định làm gì tôi chăng? Tôi mở mắt ra, hình ông Nguyễn Phấn tan dần theo ánh sáng nhè nhẹ của đèn tube gắn trên tường.
Ban đêm tôi không muốn tắt đèn trong phòng vì ngại hồn ông Phấn sẽ xuất hiện và như thế tôi thức cho đến sáng. Lạ quá, bất cứ lúc nào, hễ tôi chợp mắt là ông Nguyễn Phấn cứ hiện về, làm những động tác như vừa kể, nhưng lần nầy ông không mặc áo. Dường như ông Nguyễn Phấn cố ý cho người ta trông thấy đường mổ hình chữ U đỏ như màu miếng thịt bò và hở ra sâu cả đốt tay. Gương mặt ông Phấn đanh lại trông có vẻ giận dữ. Và cũng như lần trước ông gắng sức mở đôi mắt, nhưng mở không được. Đầu ông nghiêng qua, nghiêng lại, cặp môi nhọn lên cực kỳ tức tối. Mồ hôi tôi vã ra, nỗi sợ hãi bắt đầu xoắn lấy tôi, hai hàm răng cụng vào nhau nghe lộp cộp, May mắn, tiếng ho sù sụ của ông lão giường bên cạnh như một tha lực làm cho nỗi sợ hãi trong tôi giảm chút đỉnh. Tôi ngồi dậy khệnh khạng bước vào nhà cầu, vừa mở cửa, bật đèn, một luồng khí lạnh buốt tuôn ra làm cho tôi rùng mình. Đưa tay mở vòi, hai tay bụm nước ấm tạt úp lên mặt, người tôi thấy dễ chịu đôi chút. Nhìn vào trong gương, tôi tá hỏa - đó là mặt của ông Phấn. Tôi tiếp tục lấy nước úp lên mặt, nhưng hai tay tôi bụm toàn máu, “hoa” tôi hét lên phóng ra ngoài. Tôi quyết định ra phòng y tá yêu cầu được xuất viện.
Vừa ra khỏi cửa bệnh viện, tôi dự trù kêu xe taxi để đi về thì gặp Tước, con trai thứ ông Thoảng, ông Thoảng là xếp của tôi. Tôi và ông Thoảng vừa bị một tai nan xe hơi. Xe cấp cứu đưa về đây, nhưng mỗi người một phòng. Mắt Tước sưng vù, ôm lấy tôi khóc nức:
– Anh Khả ơi! Ba tôi đã chết rồi.
Tôi thảng thốt kêu lên:
– Trời ơi! Lúc hai bác cháu gặp tai nạn, bác Thoảng chỉ bị thương dưới chân thôi tại sao lại chết?
Mắt Tước đầm đìa, nói trong tiếng nấc:
– Tôi và má tôi đã cùng ông già trò chuyện ngày hôm qua. Ông tỉnh queo, chân bị nứt xương nên phải băng bột, chỉ có thế thôi.
– Như vậy thì làm sao có thể chết, nhiễm trùng à?
– Tôi cũng không biết, nhưng sáng nay trước khi đi làm tôi vào thăm ba tôi thật sớm. Toàn thân ông phủ tấm ra trắng, dở tấm ra thì thấy máu từ hai mắt chảy xuống gối đã khô. Ngay bụng máu me đầm đìa và chảy luôn xuống sàn. Tôi gọi ngay cho y tá, y tá gọi cho bác sĩ trực chạy đến. Họ vội vã đưa ông già xuống phòng cấp cứu. Nhưng có cứu gì được đâu. Nơi đây bác sĩ cho biết hai mắt và thận của cha tôi đã bị mất.
– Thế nghĩa là sao, bệnh viện mổ người còn sống để lấy cơ phận à?
Tước gián tiếp trả lời:
– Ba tôi đã chết đâu!
– Bây giờ mình phải làm sao? - Tôi hỏi.
Tước lắc đầu ú ớ:
– Chuyện đột ngột quá, tôi chỉ biết đợi bệnh viện trả lời.
– Hiện bác Thoảng nằm ở đâu?
– Họ đang để ông trong phòng lạnh và điều tra xem bác sĩ nào ra lệnh mổ.
Tôi ôm lấy Tước chia xẻ nỗi đau, Tước thấy tôi bơ phờ nên nói:
– Thôi anh về đi nghỉ đi, có gì tôi gọi cho anh, thấy người anh xanh xao tôi ái ngại quá.
– Nhớ gọi nhé, tôi mệt quá, về nghỉ tí đã.
Dù sao ông Thoảng là xếp của tôi. Ông sống sờ sờ mà người ta cắc cớ mổ ông để lấy cơ phận. Đáng lý tôi phải ở lại với Tước cho trọn tình “chủ tớ”, nhưng những chuyện kỳ lạ liên tục xảy ra, tôi sợ cái lưỡi dao ông Nguyễn Phấn vô cùng. Tôi đang muốn chạy trốn cái bệnh viện Jefferson nầy càng sớm càng tốt, nên chỉ bịn rịn với Tước cho tròn thủ tục chứ thực tình, trong thâm tâm tôi không muốn quay lại nhìn cái bệnh viện đầy hiện tượng ma quái đó.
Xe taxi chạy qua khu rừng, đây đó những cây phong đỏ rực như máu báo hiệu mùa thu đã về. Tôi khẽ rùng mình, đầu óc miên man nghĩ đến lúc ông Thoảng đổ chai keo vào mắt tử thi. Nhớ tới lúc hí hửng vô tình của ông Thoảng nói ra khi tôi mới vào nhận việc: “Thế giới hiện đang thiếu thận một cách trầm trọng, cho nên chính phủ Mỹ đã cho phép người ta bán thận và di chuyển qua biên giới một cách công khai...” Và cú điện đàm như ra lệnh của ông Thoảng với ai đó trước ngày đem cái xác ông Nguyễn Phấn về nhà quàn mà tôi nghe tiếng được tiếng mất: “Ừ thận ông ấy còn tốt lắm..., liệm xong để trong quan tài, không có ma nào đi vạch bụng mà xem đâu...cứ xúc tiến công việc như mấy lần trước...”. Ông cúp máy.
Chuyện đau lòng bất cập của gia đình ông Thoảng đẩy trí nhớ tôi lùi lại hôm thứ sáu tuần trước khi theo ông Thoảng, người quản lý nhà quàn Hoàng Gia Funeral Home đi đón cái xác ông Nguyễn Phấn tại bệnh viện St. Joseph về để chuẩn bị tẩn liệm trước khi làm lễ phát tang. Tôi đã giật bắn người bởi vì khi đẩy cửa bước vào phòng tôi thấy một cánh tay của ông Nguyễn Phấn thòng xuống mép giường, năm ngón tay đang duỗi thẳng bỗng nắm lại thành quả đấm, rồi duỗi lại ra, hai ba lần như thế. Tôi không nghĩ là ông Nguyễn Phấn còn sống, mà ngây thơ cho rằng chắc cánh tay bị thòng ra ngoài mép giường, có vài cơ co giật bất thường, tôi đỡ lên để xuôi đàng hoàng. Nhưng bây giờ tôi hồ nghi đó là một tín hiệu trả thù của xác chết.
Ông Thoảng có thói quen phải hút xong một điếu thuốc Virginia Slims đầu lọc ở bên ngoài cửa trước khi vào làm công việc nhận xác. Còn tôi - một phụ tá mới nhận việc nên cũng muốn chứng tỏ bản lãnh “va chạm” với tử thi nên cả mấy tháng nay tôi hăng say công việc không ngại ngùng gì cả -. Từ công tác thay quần áo, nhúng cồn lau mình mẩy, tô son đánh phấn, kể cả việc sắp xếp lại da thịt nếu là tử thi bị một tai nạn sức càng gãy gọng mà qua đời.
Ông Nguyễn Phấn nằm đấy không chịu nhắm mắt, tôi vuốt bao nhiêu lần mà cặp mắt vẫn cứ mở trừng trừng. Xưa nghe bà tôi nói hễ ai chết không nhắm mắt là họ cố đợi người thân đến vuốt mặt. Nhưng đi nhận xác ở bệnh viện là công việc của nhà quàn, làm gì có thân nhân. Tôi hỏi ông xếp của tôi thì ông bảo không cần người thân, người sơ gì cả, mình phải đè bàn tay cho mạnh và không được mang găng tay. Ông bảo cần có hơi ấm của người sống thì tử thi mới chịu nhắm mắt. Thế nhưng dù đã cởi găng tay, dù đè thật mạnh, đôi mắt ông Nguyễn Phấn vẫn mở thao láo như chọc tức chúng tôi. Tôi lấy ngón tay kéo mí trên xuống nhưng mí mắt cứ bật lại lên một cách bất trị. Tôi định quay lại cầu cứu với ông Thoảng thì ông biến đâu mất làm tôi cũng hoảng bỏ đó phóng ra ngoài. Ra tới cửa thì bắt gặp ông Thoảng hí hửng tay cầm chai super glue đưa cao trước mặt tôi, đầu gật gù hài lòng với sáng kiến độc đáo, miệng lảm nhảm: “Tao có cách làm cho mầy nhắm.”
Hai chúng tôi trở lại chỗ để xác ông Nguyễn Phấn. Ông Thoảng móc con dao xếp nhỏ xíu đang dính trong đùm chìa khóa, cắt sâu xuống cổ chai glue, nặn hết glue vào hai lổ mắt ông Phấn, đoạn ông Thoảng dùng hai ngón trỏ vuốt hai mí mắt trên của ông Phấn lại và giữ vài phút. Bấy giờ thì hai mắt tử thi đã nhắm, nói một cách rộng lượng: “trông dễ thương” hơn nhiều.
Sau khi xác ông Nguyễn Phấn được đưa lên xe. Chúng tôi rời bệnh viện St. Joseph để về Hoàng Gia Funeral Home. Thay vì ra xa lộ 14 ngay giờ cao điểm, chúng tôi lấy Fullerton. Đến ngã tư Edgebrook đèn bật đỏ chúng tôi ngừng. Phía sau các xe khác bóp còi inh ỏi. Ông Thoảng cầm lái tỏ vẻ khinh khi, không đếm xỉa, ông quay qua tôi phân bua:
– Đèn đang đỏ mà tụi nó muốn mình chạy à, điên hết cả lũ.
Người tài xế xe màu trắng sát phía sau xe chúng tôi thò đầu ra chửi thề:
– “ĐM mấy thằng Tàu”, tụi bay có biết lái xe không, cút về China gấp, đèn xanh đứng lại làm gì?
Dân Mỹ có thói quen nhìn người da vàng nào chúng cũng nghĩ dân Tàu. Dân số Trung Hoa gần 20% của thế giới đã cho phép người ta nghĩ lầm nhất thời cũng không sao, tôi nhìn qua ông Thoảng mỉm cười lắc đầu. Ai chạy mặc kệ, xe chúng tôi vẫn đứng chờ đèn xanh. Các xe sau tưởng xe chúng tôi hỏng máy nên tránh qua một bên và vượt đèn đỏ chạy thẳng. Ba bốn cái ngã tư như vậy, chúng tôi bị người ta chửi như hắt nước vào mặt. Tôi nhìn qua ông Thoảng cười mai mỉa:
– Luật mới của Mỹ, đèn đỏ được chạy!
Chúng tôi chạy đến ngã tư lớn Fullerton và Main đèn đang xanh nên không cần rà thắng, bỗng “Rầm”... một chiếc Ford pickup chở đầy cỏ cuộn với sức nặng mấy ngàn cân đâm ngay vào hông, đẩy xe chúng tôi vào một góc có trụ ống nước chữa lửa. Cửa sau xe bị bung ra, xác chết ông Nguyễn Phấn rớt xuống đường. Thấy xác người rớt xuống, ai đó rộng rãi gọi 911, mấy xe chữa lửa, mấy xe cứu thương ùn ùn chạy đến. Họ đưa ngay cái xác chết ông Phấn lên chiếc Ambulance, hụ còi chạy mất. Hai chúng tôi kẹt cứng trong xe, nhân viên chữa lửa phải khó khăn lắm mới lôi hai chúng tôi ra ngoài. Sau đó hai chiếc xe cứu thương hối hả hú còi chở chúng tôi vào bệnh viện. Trên xe cứu thương, một cán sự y tá cho biết là chúng tôi vượt đèn đỏ nên mới gây tại nạn.
Ông Thoảng nằm ở phòng nào không biết. Còn tôi thì vừa xong phần xét nghiệm ở phòng cấp cứu, họ đưa về phòng 13, trúng hôm nay là thứ sáu, người Mỹ thì rất kỵ, nhưng tôi chúa ghét dị đoan nên “who care” . Bác sĩ Martin (tên thấy trên áo) cho hay tôi chỉ bị thương nhẹ ở bả vai, tịnh dưỡng vài ngày là khỏe ngay. Tại nạn xảy ra làm cho tôi cực kỳ phân vân. Tại sao cả hai chúng tôi loạn thị một cách kỳ lạ: trông thấy đèn đỏ trong lúc nó đang xanh, và chúng tôi thấy xanh thì thật ra đèn đang đỏ. Điều nầy giờ đây tôi mới nghiệm ra bởi vì khi chúng tôi ngừng ở ngã tư Edgebrook thì những xe trên đường Edgebrook cũng ngừng. Nghĩa là lúc ấy họ ngừng đèn đỏ thì trên nguyên tắc hướng chúng tôi phải là đèn xanh.
Tôi không biết người ta chở ông Nguyễn Phấn - người chết hai lần ấy đi về đâu. Trong một thoáng rất nhanh, tôi cười một mình vì nghĩ đến việc khi các nhân viên cấp cứu từ mấy chiếc Ambulance vội vã đem đồ nghề đến để cấp cứu tại nơi xảy ra tai nạn, thế nào họ cũng phát giác ông Nguyễn Phấn là một tử thi. Đặc biệt nhất có lẽ là khi ai đó đưa tay phành con mắt để kiểm nghiệm thì họ sẽ gãi đầu vì hai mí mắt ông dính chết không chịu mở ra bởi ông Thoảng chơi nguyên chai super glue vào đó.
Nhưng mắt trả mắt thì thế gian nầy sẽ phải mù lòa. Người tôi bắt đầu choáng váng, nghĩ đến việc có thể ông Thoảng thông đồng với ai đó trong bệnh viện chuyên mổ lấy thận của nạn nhân đem bán ra thị trường. Cũng có thể linh hồn ông Nguyễn Phấn chưa ra khỏi cái xác phàm, thấy thân thể mình bị xúc phạm nên nhất định trả thù chăng? Dù bệnh viện Jefferson Memorial phải trực tiếp chịu trách nhiệm một mạng người. Tôi mạnh mẽ cam đoan rằng không có bác sĩ nào ra lệnh mổ, mà thủ phạm làm chết ông Thoảng, xếp của tôi, chính là do sự đòi nợ của một xác chết.

Không có nhận xét nào: