Nguyễn Thanh Dũng
- Trần văn Sang hay Sáng hay Sảng gì đó.
Theo phản ứng tự nhiên, tôi đứng bật dậy.
Giọng bắc nói tiếp:
- Khẩn trương ‘nên’!
Len lỏi giữa anh em bạn tù ngồi trên sân đất, tôi tiến về người cán bộ đang đứng cạnh quản giáo. Tiếp nhận giấy ra trại, tôi nhập bọn với các anh được thả, mắt dò thật kỹ họ tên, ngày tháng năm sanh và địa chỉ. Tay run nhè nhẹ, hai chân bủn rủn, đứng không vững, cả người của tôi lạnh toát như dầm dưới cơn mưa mùa đông. Thấy đúng là mình, tôi thở phào nhẹ nhõm. Hơn tám năm xa vợ con! Lúc đi tù đứa con gái duy nhất của tôi mới hơn một tuổi, đang nói bập bẹ và đi chập chững, nay về hẳn nó đã lớn đại. Mấy bận thăm trước, vợ tôi chỉ đi một mình vì đường ra Bắc rất vất vả. Gần hai năm nay, có lẽ hoàn cảnh gia đình túng quẫn nên vợ tôi không thăm nuôi được.
Về đến Saigon, phố xá đã lên đèn.
Tôi đi lần vào con hẻm đường Cao Thắng. Thay đổi nhiều quá. Từ ngôi nhà ngói cổ kính đầu ngõ, từ khu phố tấp nập thân thương của tôi, nay tiêu điều và ảm đạm qua ánh điện vàng vọt không đủ tỏa sáng.
Đến trước sân nhà, định gọi cổng, tôi trông thấy một người cũng đến cùng lúc. Nhìn tôi, hắn nghiêm sắc mặt:
– Này, anh tìm ai ?
Hắn quan sát tôi vài giây đoạn buột miệng:
– Tôi là công an khu vực phường này.
Tôi đáp:
– Tôi mới được trả tự do. Nhà cửa của tôi đây.
Đọc lướt qua tờ giấy ra trại tôi, giọng hắn lạnh lùng:
– Trần văn Sáng hả ? Tôi cho anh biết, tên anh đã bị xóa trong hộ khẩu rồi.
Tôi lặng người.
Nghe tiếng ồn ào, một người đàn bà và đứa con gái bước ra. Ánh sáng ngọn đèn điện treo ở mái hiên soi rõ hai người. Chính là Lan, vợ tôi. Đứa bé non mười tuổi chắc là con tôi.
Tôi khẽ gọi:
– Bé Tuyết!
Vợ tôi có vẻ lúng túng. Một người đàn ông mặc quần đùi và áo thun ẵm đứa bé bụ bẫm từ trong nhà chậm rãi đến gần. Tôi nhác thấy vài mái đầu thò qua cửa sổ từ nhà hàng xóm bên cạnh.
Chỉ người đàn ông bế đứa bé, anh công an nói:
– Đây là chồng con bà Lan. Với địa phương, anh không còn được ở đây nữa vì hộ khẩu đã bị cắt.
Hắn gằn giọng và tiếp:
– Bị quản chế một năm, anh phải nghiêm chỉnh tuân thủ chỉ thị của phường và quận. Nếu xét tư tưởng tốt, hành động tốt, lao động tốt thì anh mới được phục hồi quyền công dân, anh hiểu điều đó chứ ?
Thật chán ngán giáo điều mà suốt hơn tám năm trong tù, cứ ra rả bên tai. Tôi thầm nghĩ có một cái gì bất ổn đằng sau sự việc. Mặt Lan đổi sắc, nàng run run nói:
– Anh nên về nhà má anh bên Khánh Hội. Bà mong đợi anh nhiều lắm. Vả lại, bà bị bệnh mấy tháng nay...
Cả bọn kéo nhau vào nhà, cười nói ồn ào, để mặc tôi đứng câm lặng, tức tưởi.
Cụ bà ở đối diện đến gần và khuyên nhỏ tôi:
– Thôi cháu nên xa nơi này. Bây giờ đổi đời rồi. Bọn họ đã liên kết và thân thiện với nhau từ lâu, cháu chống chọi không lại đâu. Bác biết cháu khổ sở lắm nhưng làm sao hơn cháu ơi !
Tôi nhận ra bà phán Kham, bà hàng xóm tốt bụng. Lúc vợ tôi sinh cháu Tuyết, chính bà và má tôi lo chăm sóc, cơm nước cho nàng. Bà coi vợ chồng tôi như đứa cháu trong nhà.
Bà cụ vừa kéo tôi đi ra đầu ngõ vừa nói:
– Hoàn cảnh thay đổi, lòng người cũng đổi thay. Cháu mới ra tù, không nên nóng giận nhất thời làm quấy làm quá, đi tù trở lại thì khổ cơ man nào cho xiết. Sáng mai, bác sẽ qua nhà má cháu kể cho cháu rõ ngọn nguồn.
Tôi quay mặt lại nhìn con hẻm dài hun hút. Nơi đây đã in sâu tâm hồn tôi những kỷ niệm êm đẹp của thủa vào đời, của thời gian hạnh phúc trong những ngày mới cưới Lan và của hân hoan khi đứa con đầu lòng cất tiếng khóc oe oe. Hết rồi! Thực sự hết rồi...
●
Má tôi đã giấu không báo việc vợ tôi có chồng khác. Biết tính tôi nóng nảy, sợ trước tin đau buồn này, tôi sẽ vượt trại hoặc điên khùng làm bậy trong tù, nguy hiểm vận vào thân.
Người chồng bây giờ của nàng là người tình đầu tiên khi cả hai còn ở Đà Lạt. Vì một nguyên do nho nhỏ hai người hờn giận nhau, nàng bỏ về Saigon học.
Khi tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhị Cấp, nàng gặp tôi trong một dạ hội. Ý đầu tâm hợp, chúng tôi thương nhau, sau đó tổ chức hôn lễ.
Khi tôi vào tù, nàng gặp lại người xưa. “Tình cũ không rủ cũng tới”. Khánh, tên anh chàng, nhờ xoay xở giỏi, trở nên khấm khá trong bối cảnh kinh tế xã hội càng lúc càng bế tắc. Khánh đã dùng tiền xóa bỏ hờn giận của nàng lúc xưa, giúp nàng mua quà thăm nuôi tôi mà tôi cứ ngỡ tiền của nàng chắt mót, ăn uống kham khổ, tất cả dồn cho chồng đang bị “cải tạo”. Đời sống nàng không còn đầu tắt mặt tối, lại ăn ngon mặc đẹp. Lời rủ rỉ rù rì hàng ngày bên tai, nàng xiêu lòng tiếp nối với Khánh.
Gia đình tôi quá túng thiếu. Muốn vào hộ khẩu, tôi phải chạy hai chỉ vàng cho trung gian. Nỗi đau nhức nhối khiến tôi phờ phạc. Vì thiếu dinh dưỡng, mất ngủ triền miên, tôi bị nám phổi.
Một người lính cũ thông cảm, cho mượn xích lô, tôi chạy một ngày, anh ta chạy một ngày, không lấy tiền thuê xe. Giá nào tôi cũng chở khách. Thời gian là vàng bạc. Càng hận tình đời đổi trắng thay đen, tôi càng vùi đầu kiếm tiền.
Hình ảnh một người dưới 40 kg, phải đẩy chiếc xe xích lô qua cầu chữ Y. Trên xe một bà bán cá, mập phục phịch ngồi dạng háng, chễm chệ nhai trầu. Dưới chân, chất thúng mẹt đầy cá tôm. Những đợt gió sông thổi ngược khiến chiếc xe như muốn tuột dốc cầu mặc dù tôi trụ chắc hai chân theo kiểu đinh tấn. Từng bước, từng bước, tôi đẩy chiếc xe nhích tới. Tôi cố nén nỗi nhục nhã của người sĩ quan thất thế, kiếm từng đồng nuôi dưỡng má tôi cho trọn chữ hiếu mà trước năm 1975, tôi phải theo các cuộc hành quân xa nhà, không chăm sóc má tôi được. Vả lại, thời còn ăn sung mặc sướng, gia đình sung túc, ít khi tôi nghĩ tới cảnh má tôi phải khổ tâm và thiếu thốn vật chất.
Có hôm chở Tuyết, con gái tôi từ chợ Bàn Cờ về nhà. Đậu xe đầu ngõ, nhìn con xách giỏ thức ăn nặng trĩu, tôi thương con đứt ruột nhưng không dám nhận nó. Có thể ngoài việc đi chợ, con gái tôi còn phải nấu ăn, giặt giũ, hầu hạ cả gia đình. Tôi kéo chiếc nón vải sụp tận mí mắt. Đương nhiên nó không nhận ra tôi, một người cha vô phước, chỉ gặp nó vài phút trong đêm đầu tiên từ trại tù trở về. Thấy con, tôi tủi thân làm lơ. Với hoàn cảnh và thân phận của tôi bây giờ, tôi không muốn con tôi phải có những suy nghĩ về người cha mà nó không hề biết cặn kẽ. Thà rằng tôi lặng lẽ chịu đựng mọi tổn thương tâm hồn, còn hơn để lòng non nớt của nó vướng bận nỗi đau này. Nó sống những ngày bình lặng, tạm đầy đủ vật chất, tôi không muốn làm xáo trộn nếp sống của con.
Những ngày kế tiếp, tôi đậu xe xích lô bên cạnh chợ hoặc đạp xe vòng vòng trên các con đường quanh chợ mong được nhìn con trong khoảnh khắc nhưng không bao giờ có cơ hội lần thứ hai. Nào ai hiểu được sự thống khổ của người cha thương nhớ con mình, nhìn thấy nó mà không dám hỏi han, đau đứt ruột mà cố gắng nuốt giọt lệ nguợc vào lòng. Niềm cô đơn, ray rứt tám năm trong tù, tưởng rằng khi ra trại tôi sẽ được đền bù với hạnh phúc sum vầy gia đình, đời sống còn lại của cuộc đời gắn liền với tình gia đình mẹ con, bà cháu. Thế mà... dường như niềm hạnh phúc đã trốn tránh tôi một cách vô lý và phũ phàng. Nỗi ray rứt, nỗi thương nhớ con cứ ám ảnh tôi khôn nguôi...
●
Ngót năm sau, tôi được thư thông báo phải ra tòa ký tên ly dị. Nàng đã nhờ công an khu vực và phường nộp đơn, lo xong thủ tục. Tình đã hết thì hôn thú chỉ là tờ giấy lộn. “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”. Nàng đã bỏ tôi lấy chồng khác. Nàng có lỗi, tòa vẫn cho phép nàng nuôi con thay vì tôi nuôi.
Bước ra khỏi Tòa án Quận 10 trên đường Lý Thái Tổ, tôi muốn chạy lại ôm con gái vào lòng, hôn con cho đỡ nhớ thương nhưng Lan đã kéo Tuyết đi về hướng khác. Tôi đứng chết lặng. Tuyết cố ngoái cổ lại nhìn tôi. Đôi mắt tròn xoe, đen huyền của con như xoáy tận đáy tâm hồn mà không bao giờ tôi quên được. Tôi khóc ! Trong tù đày, khổ ải, niềm đau xuyên suốt tám năm, không bao giờ tôi rơm rớm nước mắt vì sĩ khí một quân nhân nhưng trước cuộc chia tay với con gái duy nhất, lòng tôi chùn lại. Trên pháp lý, tôi đã mất hẳn đứa con...
Phong trào vượt biên vẫn rầm rộ. Khánh, nàng và hai đứa nhỏ đi nhiều bận nhưng không thoát. Lần sau cùng, Khánh lên được tầu lớn vì anh theo tài công. Ba mẹ con nàng đi ghe sau với khách, bị công an bắt.
Khánh đến đảo. Khánh định cư tại Mỹ. Khánh làm giấy tờ bảo lãnh vợ con và bé Tuyết. Nàng nhận giấy giới thiệu “L.O.I” (Letter Of Introduction) nên hân hoan mơ tưởng ngày đi chánh thức đến thiên đàng địa giới. Sau này, tôi được biết giữa lúc dành dụm tiền, Khánh si mê một người đàn bà nạ dòng khác ở cùng thành phố tại tiểu bang Maryland. Lan và hai con mòn mỏi trông chờ. Anh trai Lan thoát khỏi Việt Nam từ năm 1975, tình cờ biết Khánh, biết hoàn cảnh trớ trêu của em gái nên làm thủ lục bảo lãnh ba mẹ con nàng, trong khi nàng vẫn đặt hết tin tưởng vào Khánh, mong tin tức ngày đêm.
Năm 1988, tôi nộp đơn theo diện H.O. Tôi bắn tiếng vì tương lai bé Tuyết, muốn nàng và tôi cùng lo cho đứa con gái chung được đến bến bờ tự do. Sang bên ấy, chia tay lần nữa cũng được. Nàng không chịu, cho rằng nàng đã cầm tờ L.O.I., chuyến bay chắc chắn cận kề, còn tôi chưa có gạo làm sao thổi nên cơm nên cháo. Thực tình nộp đơn theo bạn bè cầu may, chính tôi cũng chẳng có chút hy vọng nào trong việc được cứu vớt ra khỏi hoàn cảnh tận cùng số phận này để tự do bay nhảy trong khung trời bao la, đầy sinh khí.
Ấy thế mà năm 1991, tôi được gọi phỏng vấn và cuối năm 1992, má tôi và tôi chính thức đặt chân lên máy bay Boeing 747 sang Mỹ. Tôi chọn Tucson, bang Arizona để má tôi hưởng tuổi già. Lòng bà lúc nào cũng thương yêu đứa cháu nội mà bà đã ẵm bồng lúc mới sinh cho đến lúc tôi đi tù. Khi Lan trở mặt theo Khánh, bà gạt lệ xa Tuyết, về Khánh Hội với chị tôi và các cháu ngoại. Trước ngày giã biệt Việt Nam đi định cư, má tôi muốn hai bà cháu được gần gũi bên nhau trọn ngày. Má tôi nghĩ tuổi đã lớn, khi ra nước ngoài biết sống chết ngày nào, làm sao có cơ hội ôm cháu và nói chuyện với cháu. Tình bà thương cháu bao la. Lan không ưng thuận. Má tôi khóc lóc, ra vào thở thở than than, nguyền rủa đứa con dâu lỗi nghì và bất đạo.
Cuối năm 1994, ba mẹ con Lan được anh trai rước từ Việt Nam sang ở nhà bác ta tại Boston, bang Massachusetts.
Con gái tôi tròn 20 tuổi, nó không vào Đại Học, chỉ học chuyển tiếp phần Anh Văn để tìm việc làm nuôi mẹ và đứa em trai cùng mẹ khác cha. Nó không muốn trở thành gánh nặng cho người bác tốt bụng mà mãi bây giờ nó mới biết mặt.
Chẳng hiểu làm thế nào con tôi tìm được số điện thoại của tôi trong lúc tôi vẫn đinh ninh mẹ con Lan vẫn còn ở quê nhà. Lần đầu nói chuyện trên điện thoại, nó khóc sướt mướt. Nó kể ngày tôi ra tù về nhà đường Cao Thắng, bị mẹ nó khước từ, chối bỏ tình nghĩa vợ chồng. Nơi ăn chốn ở đã có người khác vào thay thế và chiếm đoạt. Bà phán Kham cho nó biết tất cả sự tình từ lúc tôi và Lan cưới nhau đến lúc miền Nam bị tràn ngập VC, tôi đi tù, nàng ở nhà lấy chồng khác v.v... Tuyết nói hôm tôi về, nó không hình dung ra tôi vì lúc tôi vào trại cải tạo, nó mới hơn một tuổi. Đầu óc đứa con gái chín mười tuổi đêm đó không lường, không đoán được vở bi kịch đang và sẽ diễn ra. Trí óc khôn dần, nó tìm hiểu, thương cho số phận hẩm hiu của tôi, một người cha bạc phước.
Sau cuộc điện đàm đó, vài ba tuần hay một tháng, nó gọi điện thoại thăm bà nội và tôi.
Tôi vẫn không bước thêm bước nữa. Thoáng thấy người khác phái đến hoặc có vẻ thân thiện, tôi tìm cách lảng tránh. Không phải trên đời này tất cả phái nữ đều xấu xa và phản bội. Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng cuộc tình đổ vỡ giữa Lan và tôi khiến tôi như con chim bị tên sợ cây cong. Cách xử sự tàn nhẫn của nàng khiến tôi hận tận đáy lòng. Tình nàng mất, tôi không tiếc. Mất người đàn bà này còn có người đàn bà khác. Nàng đã nhẫn tâm chia rẽ con xa cha, cháu xa bà, tội lỗi ngập đầu. Tôi hận nàng. Nàng hận Khánh và Khánh hận ai nữa, tôi không được biết. Tôi chỉ thấm thía cho chính tôi, một người vì thời cuộc, vì tù tội mà mất vợ mất con. Chiến tranh nào cũng vậy, con xa cha, vợ xa chồng, gia đình ly tán là chuyện bình thường. Nhưng hoàn cảnh tôi lại khác. Ngoài cái bình thường đó, ngoài hơn ba ngàn ngày lao tù, trở về với xã hội, điều đau đớn nhất là tình thâm sâu nghĩa nặng tan tác. Tôi biết, các bạn tù của tôi cũng có những người nát tan gia đình như tôi – nhà, người khác chiếm – con, người khác sai – vợ, người ta xài... Song cái thấm thía nhất là chính vợ mình đã trở mặt, đã tàn nhẫn với chồng – người đã từng đầu gối tay ấp, mặn nồng hạnh phúc... Vài người đàn bà khi chồng vào tù, ngoài xã hội hết phương kế sinh nhai, phải nín thở qua sông; khi chồng ra tù, người vợ còn một chút lương tri, còn một chút nghĩa tình thì không bao giờ cư xử dã man như vợ tôi. Nàng đã ngăn cản sự sum họp của cha con, của bà cháu, còn tàn nhẫn nào tệ hại hơn nữa ?
●
Một lần Tuyết từ Boston sang thăm bà nội và tôi. Con tôi có ý khuyên tôi nên nối lại tình xưa với mẹ nó. Bây giờ trên đất nước tự do, vật chất đầy đủ không thiếu, chỉ thiếu tình thương gia đình. Nó khóc rưng rức, muốn bố mẹ, bà cháu sống chung dưới một mái nhà ấm cúng để những ngày xa quê hương còn chút hơi hướm ruột thịt, sớm tối có nhau, chia sẻ vui buồn trong những ngày ở xứ người.
Lan biết tôi vẫn cô đơn theo năm tháng, nàng có vẻ hồi tâm, muốn tôi trở về để nàng chuộc tội, chăm sóc tôi trong những ngày cuối đời. Má tôi vì hạnh phúc con cháu, khuyên tôi nên theo đề nghị của con gái tôi.
Mặc dù bây giờ niềm thương yêu của tôi đối với Lan đã nhạt, hận tình có phần nguôi ngoai nhưng tính nết tôi khác thiên hạ. Mỗi lần nhớ lại vợ mình trong tay người đàn ông khác, âu yếm với người đàn ông khác, chung chăn chung gối người đàn ông khác, tôi không chấp nhận điều đó. Người chồng đôi khi phải rộng lượng, tha thứ cho vợ, song tôi thuộc loại người cố chấp, tính tình cục cằn, ích kỷ, tôi không thể nào tha thứ cho Lan chứ đừng nói gì chắp nối lại. Tôi nhìn con, lòng chan chứa tình phụ tử chen lẫn xót xa. Xót xa vì từ một tuổi đến khi khôn lớn, con gái tôi không được gần gũi cha.
Tôi bảo:
– Bây giờ ba đã ngoài năm mươi. Cuộc sống thống khổ trong tù kéo dài, khi về lại va chạm một xã hội phũ phàng, một tình cảm đau thương khiến sức khỏe ba thêm kiệt quệ. Tuổi thanh xuân của ba đã bị đánh mất thê thảm. Quay qua quay lại sắp hết đời người... Tuy vậy, sự đau khổ và dằn vặt hầu như lắng đọng khi thấy con đã lớn, đang sống trên mảnh đất thoải mái, tự do này. Hoài vọng của ba như thế mãn nguyện rồi.
Con tôi sụt sùi khóc. Tôi vỗ về, an ủi nó:
– Đừng buồn con ạ. Thời gian sẽ phôi pha tất cả. Ba chỉ tội nghiệp con đã đầu thai nhằm một gia đình bất hạnh. Phần ba, ba đã có định kiến.
Ngừng một chút, tôi tiếp:
– Con nghĩ xem, cái ly đánh rơi vỡ tan, cố tâm hàn gắn lại có thể được nhưng không sao xóa bỏ hết tì vết. Đau đớn ấy đã vạch sâu trong lòng ba như những vết chém đầy ắp căm hờn. Bây giờ con đã trưởng thành, vài năm nữa lập gia đình, con cũng phải ở riêng, lo cho chồng con của con chứ đâu sống chung mãi với bà nội và những người thân thương.
Hôm sau, con tôi ra phi trường, về lại Boston. Trong đôi mắt của nó, tôi đọc được nỗi u buồn mênh mang. Một ngày nào đó, con gái tôi sẽ hiểu tôi, hiểu một người cha thương yêu nó vô bờ và một người đàn ông vì sao vẫn còn hận mẹ nó suốt đời. ■
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét