Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CŨNG MỘT THỜI CON GÁI

CŨNG MỘT THỜI CON GÁI
Nguyễn Thanh Dũng



Khi bật công tắc đèn, Thiện ngạc nhiên thấy ghế bố của anh được kê trong góc chỗ anh thường nằm và ai đó đã giăng mùng, ém chiếu gọn gàng. Kiểm lại trong nhà này, anh vẫn chưa nghĩ ra ai có hảo ý giúp mình. Anh trọ học ở đây được 5 tuần. Trước anh, đã có một nam sinh và ba nữ sinh từ các tỉnh khác đến. Nam sinh, Tuấn Anh trạc tuổi anh, đang luyện thi Tú Tài I. Cô Như Hương 17 tuổi, gốc Long Khánh, đang học lớp Đệ Tam trường Nguyễn Khuyến, cô Tường Linh, 19 tuổi, nhà ở Tây Ninh, học lớp đệ Tứ Gia Long và cô Khánh Đoan, 20 tuổi, ở Rạch Kiến, Long An, học Đệ Nhị trường Văn Hiến. Biết Thiện đang luyện thi vào Đại Học Sư Phạm, các bạn cùng ở trọ có vẻ mến phục anh. Đáp lại, khi họ thắc mắc Toán Lý hóa, anh nhiệt tình hướng dẫn.
Gia đình Thiện thuộc diện nghèo trong xã. Ba má anh đều là nông dân vùng Đức Hòa, Hậu Nghĩa. Thiện là con trai lớn nên được cho ăn học đến Đệ Tứ để còn dẫn dắt hai em nhỏ và làm ra tiền nuôi nấng hai em sau này. Sau khi thi đậu Trung Học Đệ I Cấp, anh có ý định đi làm để phụ giúp gia đình nhưng ba má anh nói nếu còn ý chí học, anh cứ tiếp tục theo các lớp trên. Điều quan trọng là Thiện tự lo đời sống cá nhân, gia đình không bao bọc được và cũng không cần anh phụ giúp gia đình.
Bắt đầu bước vào năm Đệ Nhị, Thiện lên Saigon vừa học luyện thi Tú Tài I vừa làm thợ mộc cho một hiệu bán bàn ghế đường Hồng Thập Tự Quận 3. Nhờ vào ý chí và sự chịu đựng cực khổ đã quen, Thiện vượt thoát tất cả trở ngại để sau cùng đoạt xong mảnh bằng Tú Tài toàn phần. Hơn một năm sống tại Thủ Đô Saigon, Thiện quen đường đi nước bước. Ban ngày, Thiện nhận dạy kèm thêm tại tư gia để chiều xuống, anh học các lớp tối chuẩn bị thi vào Đại Học.
Thời gian trôi nhanh... Càng gần ngày thi, Thiện càng bù đầu vào việc ôn bài vở. Khi đến trọ nhà này, anh thấy tinh thần thoải mái hơn. Hàng tháng trả tiền sòng phẳng, anh được bà chủ trọ dành ưu tiên một phần góc nhà, có cửa sổ nhìn ra vườn sau. Thoạt đầu, ngoài những giờ đi dạy, Thiện chúi mũi vào sách vở nhưng từ khi các bạn cùng trọ chung nhờ chỉ kèm thêm những bài khó, đôi lúc anh cùng họ trò chuyện vu vơ. Hàng đêm đi học về, thấy ghế bố của mình được giăng mùng, thấy sách vở trên bàn học được xếp ngăn nắp, anh cho rằng một trong các cô gái cám ơn anh đã giúp giải các bài toán khó nên trả nợ anh bằng những công việc bình thường hàng ngày.
Dù vô tư đến đâu, Thiện cũng nhận ra rằng nơi anh trọ học ai cũng tốt bụng giúp anh những việc lặt vặt để anh dốc hết tâm trí vào luyện thi. Khi thấy anh xanh xao, ốm yếu, bà chủ nhà thường sai cô gái giúp việc thêm thức ăn hàng ngày để anh đủ sức chạy đua với thời gian.
Một hôm, khi ngồi hướng dẫn Khánh Đoan giải đáp kết quả các phương trình số học, vô tình hai mái đầu xanh chạm vào nhau. Thiện vội vàng kéo ghế xích ra. Anh thoáng thấy đôi mắt của ai đó nấp sau rèm cửa ăn thông xuống bếp, nhìn anh đăm đăm. Ngôi nhà này đâu còn ai xa lạ anh, sao lại lấp ló nhìn trộm ? Anh bình thản tiếp tục giảng bài và gác bỏ thắc mắc sang một bên.
Đối với ba cô trọ chung, Thiện coi họ như em. Hoàn cảnh gia đình Thiện nghèo khó, lao động chân lấm tay bùn, nhà tranh vách đất, cha mẹ quê mùa, Thiện không suy nghĩ gì khác hơn thi vào Đại Học Sư Phạm để sau này về tỉnh Hậu Nghĩa dạy học và giúp ba má anh, tuổi đã già, sức đã mòn mỏi. Vả lại, mặc cảm gia thế Thiện bần hàn, làm sao dám đèo bòng đến các nữ sinh nhiều tiền như các cô gái trọ chung nhà. Người con trai biết tự trọng và an phận không cho phép Thiện đi xa hơn ngoài khuôn khổ giúp các bạn trọ học khi họ gặp khó khăn về bài vở.
Với Như Hương, Tường Linh và Khánh Đoan, lúc nào Thiện cũng giữ một giới hạn phải đạo, mặc dù ba cô lộ vẻ cảm tình với người giúp họ trong việc học hành. Cứ nghĩ đến cảnh ngày ngày ba má Thiện phải dãi nắng dầm mưa cày cấy ngoài ruộng nước, nhiều đêm Thiện mong thời gian qua thật mau để anh đốt giai đoạn học tập, sớm kiếm tiền giúp gia đình. Mặc dù bây giờ vừa học vừa làm, hàng tháng anh đều gởi chút ít tiền về giúp ba má anh sửa lại mái tranh, mua giống cây ăn trái trồng thêm nhưng vẫn chưa thấm vào đâu với cuộc sống mà giá sinh hoạt càng lúc càng leo thang.
Một buổi tối đi học về, anh thấy quần áo dơ anh để trong giỏ mây mấy bữa nay chưa giặt kịp, ai đó đã giặt giùm, còn ủi và xếp ngay ngắn để trên ghế dài. Thiện cười thầm. Không lẽ thời buổi bây giờ còn có cô Giáng Tiên trong tranh, mỗi lần chàng trai đi vắng, cô ta hiện ra và quét dọn nhà cửa, nấu cơm nấu nước ? Ừ, mà cũng chẳng có gì phải bận tâm. Kẻ giúp qua, người giúp lại, bổ túc cho cuộc sống hàng ngày trót lọt là được rồi. Thiện định bụng, mai mốt quần áo dơ là giặt ngay, không làm phiền ai nữa cả.
Thiện mặc bộ pyjama, ra sân sau múc nước trong lu rửa mặt và tay chân. Trăng rằm sáng tỏa khắp nơi. Thiện vươn vai thở hít không khí. Sau một ngày vừa đi dạy vừa đi học, tâm trí anh căng thẳng liên tục... Thiện toan bước vào nhà, anh thấy một bóng người ngồi thụp nhanh cạnh cửa bếp. Lòng sinh nghi kẻ gian, Thiện vội lại đến xem cho kỹ. Một cái đầu trọc nhẵn thính lộ dưới ánh trăng. Thiện gặng hỏi và người kia hoảng hốt ngước mặt nhìn lên. À, cô Bê, người giúp việc nhà này. Bê khoảng 19 tuổi. Hàng ngày cô phụ bà chủ đi chợ, nấu cơm nước, quét dọn nhà cửa. Bà chủ chồng chết, không con cái nên coi Bê như con gái. Điều Thiện ngạc nhiên, là mái tóc chấm ngang vai của cô gái nay cạo trọc lóc, có thể mới cạo nên da đầu còn bóng lưỡng.
Thiện tò mò gặng hỏi mãi, Bê chỉ thút thít khóc chứ không trả lời. Thấy Bê không tiết lộ, Thiện quay vào nhà đi ngủ.
Ngày qua ngày, càng cận ngày thi, Thiện càng quí thời gian. Anh tạm nghỉ dạy ban ngày để dồn vào sách vở. Mùa thi, sinh viên học sinh ai ai cũng muốn mình thi một lần là đậu, không phải qua kỳ hai, không phải thi lại năm sau. Cảnh ngộ của Thiện cũng vậy nhưng cấp bách hơn vì Thiện mong muốn sớm thành tài để giải quyết tài chánh gia đình. Có lẽ tâm trạng căng thẳng và thời tiết mùa hè nóng bức nên Thiện sinh bệnh. Anh bỏ một giờ học và về sớm. Đẩy cửa bước vào, Thiện ngạc nhiên đứng sững lại. Một bóng đen đang lui cui ém mùng ghế bố của anh. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn ngủ 5 watts, Thiện vẫn chưa nhận ra ai. Đây chính là người giặt quần áo cho anh, người dọn dẹp sách cho anh và người hàng đêm lo chỗ ngủ cho anh. Như Hương? Tường Linh? Khánh Đoan? Ai là một trong 3 nàng? Đứng yên giây lát, Thiện không ngăn nổi tò mò, anh bật đèn. Cô gái e thẹn cúi gầm mặt xuống. Chiếc khăn tuột khỏi vai và cái đầu trọc bóng loáng đập vào mắt Thiện. Thiện thốt khẽ:
- Là cô ?
Bê - cô gái trọc đầu - đầm đìa nước mắt. Cô xấu hổ hay tủi thân ? Xấu hổ vì bị bắt quả tang âm thầm lo cho một người con trai chưa một lần nói với nhau lời hẹn ước. Tủi thân vì thái độ của Thiện ngạc nhiên cùng cực mà không đoán ra cô. Vâng, làm sao Thiện biết rằng cô kính phục Thiện có ý chí tiến thân, làm sao Thiện biết được cô thương hoàn cảnh nghèo của Thiện như hoàn cảnh của cô. Thế mà.... Cô chỉ là một cô gái đi ở mướn. Cô chỉ biết cô có bổn phận lo cho người mình thích, đơn giản như tâm hồn thất học của cô... Bê rất đắn đo với tình thương một chiều. Càng suy nghĩ, trí óc giản dị của cô không tìm được lối thoát nào khác ngoài hy sinh mái tóc đen huyền. Cô muốn mỗi lần không còn tóc để chải, là một lần nhắc nhở cô nhìn lại giai cấp mình, thân phận mình.
Thiện đứng tần ngần nhìn những dòng lệ tuôn trên gò má xương xương của Bê.

Chicago, ngày chuyển mùa.

Không có nhận xét nào: