Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

LỊCH SỬ CÂY ANH ĐÀO NHẬT TRỒNG Ở MỸ

LỊCH SỬ CÂY ANH ĐÀO NHẬT TRỒNG TRÊN ĐẤT MỸ
(Viết nhân dịp lễ hội Hoa Anh Đào tại Washington DC sẽ diễn ra từ 26-3 đến 10-4-2011)
PHAN LỤC


View Full Size Image

 
Người ta thường gọi Nhật Bản là Xứ Hoa Anh Đào vì nơi đây trồng rất nhiều cây anh đào đủ các loại trên khắp cả nước. Người Nhật gọi cây anh đào là “Sakura”, một trong những loại cây có hoa được tán dương. Tính có đến khoảng 50 loại từ màu trắng, hồng cho đến đỏ tươi, đỏ thẫm. Có loại cành hoa hướng thẳng lên trời nhưng cũng có loại cành hoa rũ xuống như cành liễu gọi là đào chiếu thủy. Trước kia, trên đất Mỹ không có loại hoa nầy nên vào đầu thế kỷ trước, có nhiều người Mỹ đã sang Nhật mua giống cây về trồng vì thích thú với những cánh hoa anh đào tuyệt đẹp. Theo lịch sử thì quá trình sinh trưởng cây anh đào tại thủ đô nước Mỹ như sau:
Năm 1885: Bà Eliza Ruhamah Scidmore, sau lần du lịch đầu tiên tại nước Nhật trở về Hoa Thịnh Đốn, đã tiếp cận người Quản lý Sở Đất đai và Cao ốc Công cộng để đề nghị được đem trồng cây anh đào dọc theo bờ sông Potomac nhưng lời đề nghị của bà không được lắng nghe. Rồi trong suốt 24 năm kế tiếp, bà đã cố thuyết phục những người Quản lý kế nhiệm nhưng vẫn không thành công.
Năm 1906: Tiến sĩ David Fairchild, nhà khảo sát cây trồng của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ, đã nhập cảng 75 cây anh đào trổ hoa và 25 cây anh đào có hoa chiếu thủy từ Công ty Vườn Ươm tại Yokohama ở Nhật Bản. Ông trồng những cây anh đào này trên sườn đồi thuộc đất tư của ông ở Chevy Chase tại Tiểu bang Maryland để thử nghiệm khả năng chịu đựng của loại cây này trên vùng đất mới.
Năm 1907: Hài lòng với sự thành công của việc trồng cây anh đào, gia đình Fairchilds xem cây hoa anh đào như một loại cây lý tưởng và bắt đầu xúc tiến việc trồng dọc theo các đại lộ trong vùng Washington DC . Bạn bè của gia đình Fairchilds cũng trở nên quan tâm và vào ngày 26 tháng 9 năm này, hoàn thành việc dàn xếp với Công ty điền địa Chevy Chase trong việc đặt mua 300 cây anh đào phương Đông để trồng trong vùng Chevy Chase.
Năm 1908: Tiến sĩ David Fairchild phân phát những cây anh đào non cho các học sinh đem về trồng trong sân của tất cả các trường trong quận hạt Columbia (thủ đô Hoa Thịnh Đốn) nhân ngày lễ Arbor Day. Để kết thúc bài thuyết trình trong buổi lễ Arbor Day, Tiến sĩ Fairchild bày tỏ sự yêu cầu khẩn khoản biến đổi “ Speedway ” (hành lang đại lộ Independence SW ngày nay tại công viên Tây Potomac) thành một “khu vực cây anh đào”. Tham dự buổi lễ có bà Scidmore, người mà sau đó được ông nhắc tới như là một người có quyền thế lớn.
Năm 1909: Bà Scidmore quyết định tăng số tiền cần thiết để mua cây anh đào rồi tặng cho thành phố. Để cho chắc chắn, bà Scidmore gởi cho Đệ nhất phu nhân Helen Herron Taft một văn thư hoạch định chương trình mới của bà. Đệ nhất phu nhân Taft đã có lần sống ở Nhật Bản và biết rõ vẻ đẹp của hoa anh đào nên hai ngày sau, bà đã trả lời với sự tán thành và nghĩ rằng nên trồng cây anh đào trải dài làm thành một đại lộ hoa anh đào. Sau đó một ngày tức là ngày 8 tháng 4 năm 1909, khi nghe nói thành phố Hoa Thịnh Đốn muốn trồng cây anh đào Nhật Bản dọc theo Speedway thì tiến sĩ Jokichi Takamine, nhà hóa học Nhật nổi tiếng và ông Midzuno, lãnh sự Nhật ở New York, hỏi Đệ nhất phu nhân Taft có chấp nhận 2.000 cây anh đào đem trồng trong vùng như là một quà tặng hay không. Ông Midzuno nghĩ rằng đó là một ý kiến hay và đề nghị xem đây là quà tặng nhân danh thành phố Tokyo . Hai ông đã đến gặp Đệ nhất phu nhân Taft sau khi bà chấp nhận quà tặng. Đến ngày 13 tháng 4, theo yêu cầu của Đệ nhất phu nhân Taft, Đại tá Spencer Cosby, Quản lý Sở Đất đai và Cao ốc công cộng, đã khởi sự mua 90 cây anh đào loại Fugenzo của Công ty Hoopes Brothers và Thomas ở West Chester, tiểu bang Pensylvania để đem trồng dọc theo bờ sông Potomac từ địa điểm tượng đài Lincoln ngày nay đến công viên Đông Potomac. Sau khi trồng xong thì phát hiện Shirofugen mới là tên đúng của những cây anh đào này mà hiện nay thì không thấy còn nữa. Đến ngày 30 tháng 8 năm 1909, Tòa Đại sứ Nhật Bản đã thông báo cho Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ biết rằng thành phố Tokyo có ý hướng tặng nước Mỹ 2.000 cây anh đào để trồng dọc theo sông Potomac. Những cây anh đào này từ Nhật Bản đã nhập thành phố Seattle vào ngày 10 tháng 12 năm 1909.
Năm 1910: Ngày 06 tháng 01, những cây anh đào này đến thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngày 19 tháng 01, một toán thanh tra của Bộ Nông Nghiệp đã tìm thấy những cây anh đào này bị lúc nhúc đầy rẫy những côn trùng, sâu bọ và những mầm bệnh khác. Trước sự sững sờ của mọi người, Bộ Nông Nghiệp kết luận là phải thiêu hủy tất cả những cây này để bảo vệ môi trường sống. Do đó, vào ngày 28 tháng 01, Tổng Thống Taft bằng lòng cho đốt sạch 2.000 cây anh đào. Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ gởi thư cho Tòa Đại sứ Nhật bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về vấn đề liên quan. Tiến sĩ Takamine lại một lần nữa bỏ tiền ra mua tặng một số cây anh đào lên đến 3.020. Những chồi giống anh đào này được lấy từ những cây anh đào nổi tiếng thu gom bên bờ sông Arakawa, một vùng ngoại ô Tokyo, và chiết ra từ trong phần dự trữ của những cây anh đào được đặc biệt lựa chọn tại thành phố Itami thuộc quận Hyogo ở Nhật Bản.
Năm 1912: Ngày 14 tháng 01, có 3.020 cây anh đào gồm 12 loại khác nhau được chở trên tàu S.S. Awa Maru từ Yokohama đến Seattle và chuyển tiếp đến thủ đô Washington ngày 26 tháng 3. Vào ngày 27 tháng 3, Đệ Nhất phu nhân Taft và bà Viscountess Chinda, phu nhân Đại Sứ Nhật, cùng trồng 2 cây anh đào đầu tiên loại Yoshino trên bờ tây của hồ Tidal nằm khoảng 125 feet về phía nam của đại lộ SW ngày nay. Trong phần cuối của buổi lễ tiếp nhận đơn giản, Đệ Nhất phu nhân Taft tặng một bó hoa hồng “Vẻ đẹp Mỹ” cho bà Viscountess Chinda. Thủ đô Hoa Thịnh Đốn có tiếng về lễ hội Hoa Anh Đào nhờ khởi đầu bằng một buổi lễ đơn giản chỉ có một số ít người dự. Hai cây anh đào trồng đầu tiên này vẫn còn cho đến ngày hôm nay.
Năm 1913 đến 1920: Các công nhân tiếp tục trồng cây anh đào Yoshino này chung quanh bờ hồ Tidal. 11 loại cây anh đào khác cùng với loại cây anh đào Yoshino được trồng trong công viên Đông Potomac .
Năm 1927: Ngày 16 tháng 4, học sinh các trường trong thành phố Hoa Thịnh Đốn thực hiện việc trồng lại các cây anh đào để kỷ niệm lần trồng đầu tiên những cây anh đào Nhật tại đây.
Năm 1934: Các ủy viên Hội Đồng thành phố Hoa Thịnh Đốn bảo trợ việc làm lễ kỷ niệm kéo dài trong 3 ngày.
Năm 1935: Lễ hội Hoa Anh Đào lần đầu tiên được tổ chức dưới sự bảo trợ chung của nhiều cơ quan trong thành phố và trở thành một sự kiện hàng năm trong những năm kế tiếp.
Năm 1938: Nhiều cây anh đào được trồng dọc theo bờ nước quanh đài tưởng niệm Jefferson nằm phía nam hồ Tidal.
Năm 1940: Bắt đầu có những buổi trình diễn vui tươi trong lễ hội.
Năm 1941: Ngày 11 tháng 12, người ta đốn hạ 4 cây anh đào mà được suy đoán là để trả đũa việc Nhật ném bom Trân Châu Cảng mặc dù lý do thật sự của việc phá hoại công trình văn hóa này chưa bao giờ được dẫn chứng.
Năm 1948: 50 Công Chúa Hoa Anh Đào được tuyển chọn đại diện cho mỗi Tiểu bang và lãnh thổ tự trị của Hoa kỳ. Một hoàng hậu được chọn trong số những công chúa này để thống trị suốt thời gian lễ hội.
Năm 1965: Chính phủ Nhật Bản gởi một tặng phẩm hào phóng khác là 3.800 cây anh đào Yoshino cho Đệ Nhất phu nhân Bird Johnson như là sự hiến dâng để ban phúc cho Hoa Thịnh Đốn. Lần này, nhiều cây anh đào được trồng trên vùng đất quanh tượng đài Washington. Phu nhân của Tổng Thống Lyndon Johnson và bà Ryuji Taleuchi, phu nhân Đại sứ Nhật, đã diễn lại lễ trồng cây anh đào đầu tiên trong năm 1912.
Năm 1982: Khoảng 800 cành chiết ra từ những cây anh đào Yoshino trên bờ hồ Tidal được các nhà làm vườn Nhật Bản thu gom về để giữ tính chất di truyền của loại cây này và để thay thế những cây bị hư hại do con sông bên Nhật thay đổi dòng chảy. Những sự trao đổi và hiến tặng qua lại đã đem lại lợi ích cho cả 2 thành phố và những cây anh đào trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Nhật-Mỹ.
Năm 1986 đến 1988: 676 cây anh đào được trồng trị giá 101.000 Mỹ kim do các quỹ tư tặng Sở Công viên Quốc gia để phục hồi số lượng cây anh đào ở thời điểm lần đầu tiên Nhật tặng cho Mỹ mà một số cây đã già cỗi.
Năm 1994: Lễ Hội Hoa Anh Đào bắt đầu kéo dài từ một tuần lễ thành hai tuần lễ.
Năm 1999: Ngày 15 tháng 11, người ta trồng trong công viên Tây Potomac 50 cây anh đào được nhân giống từ cây anh đào loại Usuzumi trồng ở Nhật 1500 năm trước.
Năm 2002 đến 2006: Người ta trồng 400 cây được nhân giống từ những cây anh đào do Nhật hiến tặng năm 1912 còn sống sót để bảo tồn dòng di truyền của những cây anh đào đầu tiên.
Việc trồng cây anh đào Nhật Bản tại Washington DC trong các thời gian nói trên đã tạo cho khu vực thủ đô nước Mỹ có một vẻ đẹp đặc biệt thu hút nhiều du khách ở mọi nơi trên thế giới. Cuối mùa đông, những nụ hoa anh đào đâm chồi rồi lớn dần và đến đầu mùa xuân khi khí trời ấm áp thì hoa anh đào nở rộ rất đẹp trong vòng chừng 10 ngày. Sau đó, hoa anh đào lìa cành và bay lả tả trong gió như những hạt tuyết đang rơi. Cả một con đường dài hoặc trong một công viên mà hoa anh đào nở rộ cùng lúc thì vẻ đẹp rực rỡ vô cùng. Đến nay, tổng số cây anh đào hiện hữu trên vùng đất Washington DC là 3.750 gồm 12 loại. Từ năm 1935 đến nay, lễ hội Hoa Anh Đào được chính thức trở thành một sự kiện truyền thống của thủ đô Washington DC . Năm nào, lễ hội cũng quy tụ hàng ngàn du khách từ khắp các tiểu bang nước Mỹ cũng như từ những nước khác. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 26-3-2011 đến ngày 10-4-2011 với nhiều tiết mục văn hóa vui tươi mà thiết nghĩ nếu bỏ qua không tham dự thì rất uổng! 

Không có nhận xét nào: