Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

MÙA THU ƠI, ĐẸP QUÁ!

MÙA THU ƠI, ĐẸP QUÁ!
Tạp ghi: Lê Trúc Chi


Mấy hôm nay trời Chicago trở lạnh! Cái gai lạnh của buổi chớm thu cũng vừa đủ để các bà các cô khoác vội chiếc áo ngự hàn, muôn màu muôn vẻ. Những người đẹp như những cánh bướm muôn hồng ngàn tía, sặc sỡ, yêu kiều… nhởn nhơ trên phố xá đông vui. 
Mùa thu nơi đây thật tuyệt diệu, ngần nầy tuổi trời tôi chưa thấy nơi nào đẹp hơn; lá cây thì đỏ có, vàng có, tim tím có, màu cánh gián cũng có và còn có biết bao nhiêu màu khác nữa mà mắt tôi nhận được nhưng không biết người đời đã có tên gọi hay chưa, tôi nào hay biết!! Ôi mùa thu của tôi! Tôi muốn thét lên như Đoàn Chuẩn- Từ Linh “Mùa thu quyến rũ tôi rồi!”. Mùa thu nơi đây với mây trời lãng đãng và cây lá ngả muôn màu đã làm ngất ngây lòng tôi; tôi đắm say cây lá, đất trời và mỗi lần thu đến lòng tôi lại rộn rã niềm vui. Ông bạn già có hổn danh “ Say Thu” của tôi cho rằng trên đất nước mênh mông này, các tiểu bang như New England, Main,Vermont, New Hampshire, Connecticut, Massachusetts, Rhodes Island…, vùng Trung Tây từ Minnesota, Wisconsin xuống đến Kentucky, Mississippi, Tennessi, North Carolina…hằng trăm hằng trăm dặm dài dọc các xa lộ xuyên bang thì mùa thu thật tuyệt diệu! Qua vùng cực tây thì Washington, Oregon xuống Idaho, Wyoming…Ôi! Thật không thể nào tả xiết nét đẹp của cây lá mỗi độ thu về. Hèn gì, mùa thu đã là cảm để bất tận của văn nhân thi, nhạc, hoạ sĩ từ đông sang tây, tự cổ chí kim, muôn thì và muôn thuở. Khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, chúng ta đã từng làm quen với ba bài ngợi ca mùa thu của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú: Thu ẩm, Thu điếu và Thu vịnh. Đến giai đoạn sau 1932, chúng ta lại may mắn có thi bá Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông là kẻ khai phá, đã là một gạch nối quan trọng rất to lớn, một trạm trung chuyển sắc nét và đa dạng… đã kế thừa và phát huy đến cao độ những thành quả nhen nhúm từ lúc ban đầu với các cụ Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Ông đã giữ vị trí của một cổ thụ, toả bóng râm mát trong buổi hồng hoang của lịch sử thơ mới nước nhà. Xin mời bạn hãy cùng tôi lắng lòng nghe cụ Tản Đà vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Việt- Nôm một cách hài hoà để diễn đạt những rung động của tâm tư mình. Thơ của ông đã đóng trọn vẹn vai trò mở đường cho sự hình thành thơ mới. Ông đã tạo được sự kính nể trong lòng những người tôn sùng thơ cũ; làm nức lòng, gây được niềm tin và sự phấn khởi ở những thế hệ kế thừa. Mời bạn, chúng ta cùng nhau đọc lại bài thơ Cảm Thu, Tiễn Thu của cụ để cùng nhau thương xác độ đậm đặc tài hoa đó:Từ độ vào thu đến nay. 
Gió thu hiu hắt.
Sương thu lạnh.
Trăng thu bạch.
Khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghềnh,
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.
Nhạn về én lại bay đi.
Đêm thu vượn hót, ngày thì ve ngâm.
Lá sen tàn tạ trong đầm.
Nặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa.
Sắc đâu nhuộm ố quan hà.
Cỏ vàng, cây đỏ- bóng tà tà dương.
…………………………………..
Thu tự trời.
Cảm tự người.
Người đời ai cảm ta không biết.
Ta cảm thay ai viết mấy lời.
Tản Đà


Một bức tranh thu được vẽ lại bằng ngòi bút Tản Đà điêu luyện, tuyệt diệu đến như vậy. Trước đó, chúng ta chưa thấy và ngay cả những câu lục bát mượt mà cận đại – có nghĩa là khi phong trào thơ mới đã trưởng thành – cũng khó lòng mà vượt qua được. Hồn thu man mác, lãng đãng rươì rượi buồn trong thơ Tản Đà mang âm hưởng của thi ca Nguyễn Du – Sắc đâu nhuộm ố quan hà – khi đọc lên gợi cho ta nỗi buồn như từ muôn kiếp trước đang nhè nhẹ, len lén trở về … và làm cho người thưởng ngoạn thi ca cho dù khó tính đến đâu cũng phải buồn lây và gật đầu tán thưởng. Chúng ta cùng nhắm mắt lại… hình tưởng một bức tranh thu, có gió hiu hắt nhè nhẹ đưa, có sương thu gai lạnh, có trăng thu màu giải lụa, có khói thu xây thành, lá xanh đã bắt đầu đổi màu và lã chã rơi, đó đây vài cánh nhạn lạc lõng kêu sương não nuột… Ôi, một bức tranh thu hoành tráng đến như vậy, thì e chẳng có họa sĩ tài ba nào có thể dùng sắc màu để diển đạt trọn vẹn lên giấy và liệu có nhà nhiếp ảnh tài danh nào trong cùng một lúc tóm thu được sắc trời.
Và khi nói về thơ ca ngợi mùa thu thì chúng ta cũng không thể nào quên Tiếng thu của Lưu Trọng Lưu:
Em không nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức,
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu,
Trong lòng người cô phụ.
….
Em nghe không rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô.
Trong lãnh vực âm nhạc, thì mùa thu được nhạc sĩ khai thác khá nhiều. Thu quyến rũ của Đoàn Chuẩn và Từ Linh; Thu vàng của Cung Tiến với những câu nhẹ như tơ trời: “… hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn hương. Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng. Có mùa thu về, tơ vàng vương vương”, rồi Mùa thu không trở lại của Phạm Trọng Cầu với nét nhạc tài hoa và lời ca bay bướm “em ra đi mùa thu… mùa thu không trở lại… Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề, qua vườn Luxembourg, sương rơi che phố mờ, buồn này ai có hay. Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine, mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên… Hôm em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…”.
Còn về văn xuôi, chúng tôi xin mời các bạn thưởng ngoạn đoản văn của một tác giả mà từ lâu nay tôi những tưởng trời đất sinh ra ông chỉ để làm thơ mà thôi! Cố thi sĩ Đinh Hùng với đoản văn Cảm thu. Xin ngỏ nơi đây lời chân thành cảm ơn người bạn tâm giao ở thành phố Lousville, Kentucky đã cất công tìm kiếm giúp cho. Việc làm của bạn đã cho tôi những ngỡ ngàng lý thú.
“”Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ.
Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh tím buồn như những nàng cung nữ thời xưa và trong vườn nhà ai thấp thoáng hoa phù dung buổi sáng nỡ trắng như một linh hồn còn trẻ.
Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngỡ như không có sự đổi thay và lại thấy mình đi trên đường này; thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và cũng thấy thu nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ.
Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tim ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng chia nhiều dĩ vãng”.
Thu ơi ai nhuộm lá thu vàng? – Tác nhân nào đã làm cho mùa thu lá chết?! – Không mơ mộng như các nhà văn nhà thơ, nhà khoa học trả lời dứt khoát, họ cho rằng trong lá cây có hàm chứa ba loại sắc tố chính:
1) Chlorophyll: người mình thường gọi là diệp lục tố. Chất này tạo ra màu xanh của lá, một chất rất cần thiết cho sự quang hợp nghĩa là phản ứng hóa học phối hợp năng lượng ánh sáng mặt trời với nước, khí carbonic và những hóa chất khác để thành nhựa luyện nuôi sống cây. Các loại cây sống ở miền ôn đới, tích trử nhựa này để sống qua mùa đông khi lá cây đã rụng hết. Chúng tự hủy và tái sinh trong quá trình cây lớn lên ở mùa xuân và mùa hạ.
2) Carotenoids: cho màu cam, nâu, vàng trong cây trái và củ.
3) Anthocyanins: cho cây trái màu hồng, đỏ như chúng ta thường thấy.
Khi cây đang tăng trưởng, các chất chlorophyll và carotenoids có trong các tế bào của lá. Còn chất Anthocyanins chỉ bắt đầu được sản xuất khi các tế bào của lá đã dư thừa chất đường và lúc mà ánh sáng mặt trời vẫn còn nhiều, sắc tố này hòa tan trong nước của nhựa luyện. Khi mùa thu đến, sau ngày 21 tháng 9, ngày ngắn và đêm dài dần ra, ánh sáng mặt trời không đủ do đó chất diệp lục tố (chlorophyll) dần dần ít đi và cuối cùng thì hết hẳn. Lúc đó trên lá cây chỉ còn thấy các màu xanh của carotenoids và anthocyanins, nhựa luyện không còn được sản xuất và lá cây bắt đầu chết. Lá sồi (oak) đổi ra màu đỏ, nâu hay nâu đỏ nhạt; hồ đào (hickory) màu vàng hồng; bạch dương (aspen và poplar) có màu vàng tươi; dogwood cho màu đỏ hồng; sourwood và lack tuplo cho màu đỏ thẩm. Các loại cây phong (maple) là loại cây chúng cho ta màu sắc phong phú nhất: đỏ tươi, hồng, cam, vàng.. làm cho rừng thu kỳ diệu.
Thời tiết và ẩm độ hàng năm đã là những yếu tố khiến cho cây lá đổi màu mỗi năm mỗi khác. Nếu ở đầu mùa thu mà có nắng liên tục và đêm đến có lạnh nhưng không có sương giá thì năm đó màu lá cây sẽ rất đẹp, với hiện tượng này các nhà khoa học giải thích như sau: ban ngày lá cây sản xuất ra rất nhiều chất đường nhưng ban đêm các ống dẫn nhựa đã co thắt theo chu kỳ thiên nhiên khiến cho các chất đường không thể di chuyển và còn tồn đọng ở lá. Chất anthocyanins được sản xuất ra nhiều và sắc tố này làm cho lá tăng thêm cường độ, cây lá sậm màu đẹp hơn. Các loại cây evergreens như thông, trắc… thiên phú cho một loại sáp che chở khiến nhựa không bị đóng băng ở ống dẫn và từ đó là không bị đổi màu và rụng chết.
Nếu bạn muốn ngoạn cảnh mùa thu, xem rừng thu thay lá, biết rõ nơi nào và lúc nào đẹp nhất xin bạn gọi cho cơ quan lâm sản, đặc biệt chỉ dẫn về mùa thu “Forest Service’s Fall Color hotline”: 1-800-354-4595 begin_of_the_skype_highlighting 1-800-354-4595 end_of_the_skype_highlighting. Cơ quan này sẽ cho bạn nhưng thông tin đầy đủ về rừng thu từng địa phương để bạn khỏi nhở tàu. Thông thường thì mùa thu bắt đầu vào ngày 21 tháng 9 nhưng phải vài tuần lễ sau rừng thu mới thật sự đổi màu thay lá.
Và cuối cùng của bài tạp ghi, xin được tự hoạ chân dung, thân phận của người viết qua trích đoạn trong bài thơ “Tôi và mùa thu xứ người”:
“Trăng ngà sương lạnh vai gầy.
Quốc kêu khắc khoải thương vay phận mình”.
Cầu chúc các bạn có một dịp rong chơi mùa thu như ý.

Không có nhận xét nào: