Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CƠN GIÓ THOẢNG

CƠN GIÓ THOẢNG
Nguyễn Thanh Dũng



Hai cha con Chấn bước ra khỏi phòng Quan thuế, sau khi làm thủ tục nhập cảnh và khám xét hành lý tại phi trường Charles De Gaule, Pháp. Chấn kéo hai vali lớn, để một túi xách nhỏ cho ông Kiện – ba của anh – cầm trên tay.
Ông Kiện lần mò theo mũi tên hướng dẫn ra phòng chờ đợi. Hành khách phần lớn là người Pháp, họ im lặng nhưng vội vã tiến nhanh về phía trước. 
– Anh Kiện...
Nghe tiếng gọi, ông Kiện nhìn dáo dác, đoạn tiến về người đàn ông đang vẫy vẫy tay. Đôi bạn già ôm chầm lấy nhau.
– Anh Chỉnh và gia đình khỏe chứ ?
Buông bạn già ra, ông Chỉnh nói:
– Tất cả đều mạnh. Ngồi máy bay sáu bảy tiếng, hai cha con anh mệt dữ hén ?
Quay sang Chấn, ông Chỉnh vỗ vai:
– Chấn đây hả ? Chà, lớn đại rồi. Mày cao hơn chú à nghen... Vợ con gì chưa ?
Chấn lí nhí trong miệng:
– Dạ chưa...
Ông Chỉnh phụ Chấn mang vali ra chỗ đậu xe, chất hành lý vào “cốp” sau.
Chiếc Renault Megane đời 2004 chạy ra xa lộ 104 và hướng về phía tây. Chấn mặc kệ hai ông già hàn huyên phía trước, anh ngả đầu vào băng sau nhắm mắt lại. Lần đầu tiên qua Pháp nhưng lòng anh vẫn thấy dửng dưng. 
Ông Chỉnh và ông Kiện, trước năm 1975, là sĩ quan Tiếp Vận, làm chung với nhau tại Phòng Tư Quân Đoàn 4 đóng ở Cần Thơ. Khi tướng Nguyễn Khoa Nam tuẫn tiết, Ông Chỉnh tìm đường thoát ra đảo Phú Quốc và sau đó định cư tại Nantes, bên bờ sông Loire đổ ra biển Đại Tây Dương. Ông Kiện loay hoay trở về Saigon, khi quy tụ cha mẹ, anh chị em và vợ mới cưới để xuống tàu thì quá trễ. Saigon đã bị xóa tên. Một chuỗi dài những ngày xáo trộn phủ lên cuộc đời nhân dân miền Nam. Sau gần 6 năm đi tù, ông được trả tự do. Quãng thời gian này, người vợ trẻ của ông đã bươn chãi, lo toan mọi việc, vừa chăm sóc cha mẹ chồng vừa lo thuốc thang cho người mẹ ruột bệnh hoạn. Năm 1990, hai vợ chồng ông, bé Chấn sanh năm 1985, và một gái tên Quyên sanh năm 1988 qua Mỹ theo diện H.O. Ông bà Kiện đành gạt nước mắt xa người thân(,) để hướng về chân trời mới. Cách nay 5 năm, trong một lần giao dịch công tác thương mại cho hãng xe hơi Citroen, ông Chỉnh ghé thăm gia đình ông Kiện tại Chicago. 
Dĩ vãng dù sao cũng còn tiềm tàng trong lòng. Hai ông nhắc lại chuyện thời còn độc thân, công tác thanh tra các binh đoàn trực thuộc, nhậu nhẹt tại các quán nhậu đặc sản tỉnh Miền Tây Việt Nam và cười ầm ĩ. 
Từ máy cassette trong xe, Chấn nghe bản nhạc dịch ra lời Việt:
Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu
Hoa đang khát khao xuân nồng tình yêu
Vườn xuân thơm ngát hương xuân sắc hoa hàm tiếu
Cánh hoa mỹ miều...
(Cerisier rose et pommier blanc, của nhạc sĩ Ý Louis Guglielmi, lời Pháp: Jacques Larue)
Điệu nhạc tươi vui, dồn dập, phù hợp cảnh quang chợt ẩn chợt hiện trong tầm nhìn của Chấn. Anh he hé cửa kính sau. Gió mùa Xuân lùa vào mát rười rượi. Thỉnh thoảng các làng mạc vút qua, Chấn chỉ kịp nhận thấy gác chuông nhà thờ cao vòi vọi và chung quanh bao bọc bởi những ngôi nhà của con chiên. Anh nghiệm thấy làng mạc vùng quê, không rải rác, rời rạc mà nhóm tại một khối, gần giáo đường. Nhìn tổng thể, các cột điện, các cây antenne cao vút chứng minh cuộc sống sung túc và thanh bình dù đó là vùng quê xa hẳn các thị trấn và tỉnh thành. Lại qua những cánh đồng lúa mạch, đậu phọng, đậu nành xanh ngút ngàn và mượt mà. Màu sắc thay đổi nói lên vùng đất trồng trọt các loại cây khác nhau. Phần lớn các cánh đồng rộng bao la, dân nhà nông dùng máy cày cũng như máy gieo hạt để làm vụ mùa. Thỉnh thoảng xuất hiện những ngọn đồi thoai thoải, các cây trụ trồng nho trơ xương. Những giây nho khô cằn của vụ mùa trước vẫn bám quanh trụ mà dân trong vùng chưa kịp nhổ hết để chuẩn bị mùa kế tiếp.
Xe vẫn hướng về phía tây trên xa lộ La Francilienne. Cánh đồng xanh trước mặt trổ màu cam khi mặt trời đỏ ối từ từ dịu lại, phóng những tia nắng xuyên qua các cụm mây phất phơ vắt ngang cuối trời. Hoàng hôn trên mảnh đất xa lạ khiến Chấn cảm thấy vui vui. Khi xe qua một chiếc cầu bắc ngang thượng nguồn sông l’Oise vào thành phố Tây Cergy, trời sụp tối. Thị trấn đã lên đèn. 
Chấn không nhìn rõ được phố xá cho đến khi xe đến con đường nhỏ xíu và đậu lại. Anh vừa khuân các vali vừa liếc thấy tên đường: Rue du Chemin de Fer. Chấn ngạc nhiên nhìn chung quanh. Nguyên dãy phố hai tầng lầu tuy xây cất theo thời đại mới nhưng vẫn không giấu được vẻ cổ xưa ẩn dật trên cánh cổng, trên các cửa sổ gác xép. Cuối phố, một căn nhà biệt lập, mái thật dốc, lờ mờ trong ánh điện nhạt nhòa.
Ông Chỉnh bấm chuông. Cửa mở. Một bà đầm tóc nâu trạc ngoài bốn mươi cười tươi:
– Bonsoir !
Ông Chỉnh giới thiệu:
– Bà xã của tôi.
Chấn lúng túng chào và xách vali vào phòng khách.
Ông Chỉnh nói một tràng tiếng Pháp với vợ, đoạn hướng dẫn hai cha con ông Kiện khệ nệ mang vali lên phòng riêng trên lầu. Lầu có 3 phòng ngủ. Một của vợ chồng ông Chỉnh, một cho cô con gái tên Thérèse và một phòng dành cho khách mà trước đây khi con trai ông bà Chỉnh chưa lập gia đình ra riêng thì cậu ta ở đó. 
Bữa cơm tối thân tình đầu tiên tại một thị trấn nhỏ. Chấn nhấp ngụm rượu chát “Château de Fieuzal” mà ông Chỉnh khoe sản xuất năm 1950 tại Bordeaux. Thông thường, người Pháp dùng cơm tối kéo dài nhiều giờ. Thời gian này là cơ hội duy nhất sum họp gia đình, vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những sự việc xảy ra trong ngày và những giải quyết ngắn hạn của tương lai. 
Ông Chỉnh tâm sự với ông Kiện: sau khi đến Pháp, ông chuyển công việc như chong chóng vì dù là công nhân tại Pháp nhàn hạ, quyền lợi cao nhưng do nền kinh tế không phát triển như các nước tư bản khác nên đồng lương thấp kém. Mua nhà, mua xe không dễ dàng như tại Mỹ. Ông sống tại Pháp từ năm 1975 mà mãi đến năm 1984 mới lập gia đình. Bà Monique – vợ ông - là giáo viên trường Tiểu học tại Puiseux-Pontoise (Cergy). Hai người quen nhau khi bà thăm viếng Viện Bảo Tàng d’Orsay trong trung tâm Paris. Lúc bấy giờ tiếng Pháp của ông Chỉnh đã đủ để chiếm trọn trái tim cô giáo làng. Sau đám cưới, ông chọn Cergy làm quê hương tạm dung cho đến ngày nay. 
Jeannot, đứa con trai lớn của ông bà sanh năm 1986, đã có gia đình, hiện cư ngụ và làm việc tại thành phố Rennes, hướng Tây Bắc, gần Normandie, nơi quân Đồng Minh đổ bộ cuối Thế Chiến thứ hai. Đứa con gái kế là Thérèse, sanh năm 1989, đang học Đại Học Thương Mại tại Paris. 
Khi nghe bố nói đến tên mình, Thérèse mỉm cười. Trong men rượu ngà ngà, Chấn thấy Thérèse chỉ phảng phất nét Việt Nam qua gương mặt trái soan và dáng dấp khoan thai, không cao lớn và mập mạp như các cô gái học chung với anh tại Chicago. Tóc Thérèse màu vàng nâu, mắt nâu, da trắng hồng, mũi thanh tú, mười ngón tay thuôn nõn nà... Phái nữ Tây Âu, ông trời ưu ái phú cho những điều kiện xinh đẹp mà thiếu nữ các nước châu Á mơ ước: Họ ít khi đi mỹ viện để nâng cao mũi, cắt mắt hai mí, xâm chân mày... Trước mắt Chấn, Thérèse không những trời nắn khuôn mặt diễm lệ mà thân hình cũng hết sức cân đối...
Thấy Chấn nhìn mình không chớp mắt, Thérèse lau miệng, nói tiếng Pháp với cha mẹ, xin lỗi khách và rời bàn ăn.
Ông Chỉnh và ông Kiện lâu ngày không gặp nên lôi hết chuyện đời ra kể. Ông Chỉnh quan niệm tuy sống tại Pháp, gần kinh đô Paris ngập ánh sáng văn minh lâu đời nhưng ông cương quyết sống và mai sau khi về hưu, ông sẽ tiếp tục lưu ngụ nơi cảnh quê chân chất này. Chính nơi đây, hai con của ông bà đã giữ được nề nếp đạo đức mà tại các thành phố lớn, trẻ em dễ dàng tiêm nhiễm thói hư tật xấu.
Ông Kiện nói:
– Mẹ cháu Chấn rất muốn nó về Việt Nam cưới vợ nhưng tôi chưa đồng ý. Theo báo chí, hiện giờ con gái trong nước sống loạn cả lên. Muốn tìm một đứa con dâu vừa ý mình, có hiếu với cha mẹ chồng, khó tìm quá. Nếu không có bà con ruột thịt ở Việt Nam giới thiệu, rước con dâu từ Việt Nam qua Mỹ, mình phó mặc may nhờ rủi chịu. Không phải con gái bây giờ hư hỏng hết nhưng lấy vợ chọn tông, lấy chồng kén giống như ông bà mình ngày xưa, thật là thiên nan vạn nan...
Ông Chỉnh thêm vào:
– Nước nào càng văn minh, càng xô bồ. Mình là người Việt Nam, muốn giữ bản sắc dân tộc nhưng con cái thời nay rất hiếm đứa biết vâng lời và hiếu đễ như anh em mình thuở trước...
Chấn để ba người lớn ngồi tiếp tục câu chuyện, dù bà Monique chỉ nghe chứ không nói, anh cáo từ về phòng ngủ. Từ dẫy hành lang về phòng, mùi thơm thoang thoảng song vì mệt và có hơi men, đêm đó Chấn ngủ một giấc tới sáng, không mảy may suy nghĩ.
Khi Chấn xuống tới phòng ăn, thức ăn sáng bày biện la liệt. Bánh mì baguette nóng hổi, bánh mì croissant tươm dầu bóng loáng, Paté Chaud, bơ, phó-mát... Đặc biệt những gói Nestcafé hòa tan, nhỏ bằng ngón tay trỏ, pha trong một chung cỡ chung trà, mùi cà phê thơm lừng. Chấn thầm nghĩ chỉ một hớp là uống trọn nhưng ông Chỉnh và vợ ông uống từng ngụm nhỏ để chất cà phê đậm đà từ từ thấm vào cuống họng. Riêng Thérèse, hôm nay nàng mặc áo pull xanh đọt chuối và chiếc quần Jean thun. Tóc dài được quấn gọn gàng bằng một giải ru-băng hồng nhạt. Nàng cầm dao gọt vài trái táo để vào dĩa. Bữa ăn sáng của Thérèse chỉ một trái táo và ly nước cam vắt. Uống xong, nàng xin phép ông bà Chỉnh và chào khách, bước ra khỏi nhà. Nàng cao khoảng 1m 67, thân người gọn và săn chắc. Ông Chỉnh cho biết sáng nào Thérèse cũng chạy bộ khoảng một giờ chung quanh hồ và công viên Saint- Christophe. Thời gian này các trường đang nghỉ mùa xuân nên có thể nàng đi bơi đến trưa mới về nhà ăn cơm. Hai ông rủ nhau, chút nữa thả bộ ra chợ mua thịt dê để bà xào lăn. Tại chợ có cửa hàng thịt dê được mổ mỗi ngày nên rất tươi. Sở dĩ ông Chỉnh biết món “thịt thầy” do giao du với gia đình ông Cao Hữu Tài – trước năm 1975 là sĩ quan Quân Cụ – hiện ở đường Chemin des Pipeaux gần nhà ông. Bà Tài thỉnh thoảng tổ chức họp mặt bạn bè Việt Nam tại nhà và bà đã trổ tài nấu món đặc biệt này.


Không khí mát lạnh vùng thôn quê khiến Chấn cảm thấy tinh thần thoải mái. Dù Cergy Saint-Christophe lớn rộng, đầy đủ tiện nghi của một nước văn minh nhưng vì cách Paris hơn một tiếng lái xe và chung quanh thị trấn bao bọc bằng những cánh đồng dài bất tận, có giòng sông l’Oise lặng lờ chảy qua, có hồ nước “Cergy–Neuville” rộng mênh mông nên không khí luân chuyển và trong lành. Dọc theo sông và hồ, công viên kéo dài với những cây đào, cây táo đang trổ hoa trái dưới ánh nắng xuân dìu dịu. Hàng đàn bướm màu sặc sỡ, lượn quanh các nụ hoa vừa hé nhuỵ, cùng đàn ong nhởn nhơ bay trong tiết trời dìu dịu. Vùng này còn sót lại những căn nhà bé nhỏ, cổ kính, có tuổi cả trăm năm, biệt lập trong khu vườn cây cổ thụ, chấm phá trên khung cảnh miền quê những nét độc đáo và hài hoà. 
Chấn thả bộ theo con đường đất, đến một công viên đầy hoa anh đào. Hương từ các nhụy hoa ngạt ngào, theo gió sông lan tỏa từng đợt. Đột nhiên một mùi khác lạ với cây cỏ thiên nhiên thoảng qua. Anh nhớ mình đã ngửi đâu đó... Quay phắt lại, anh nhác thấy một bóng người vừa xuất hiện từ ngã ba, chạy về hướng anh... Chính Thérèse... Chấn lùi nép vào lề đường đất, nhường chỗ cho Thérèse. Không may chân anh vướng vào bụi cây và ngã ngửa.
Thérèse vừa chạy tới, nhận ra Chấn, nàng vội vàng cúi xuống nắm hai tay Chấn kéo dậy. Mùi tóc Thérèse phả vào mũi khiến Chấn buột miệng:
– Thơm quá...
Thérèse thấy Chấn ngẩn người và lẩm bẩm, nàng nheo mắt mỉm cười.
Được nhìn sát thân hình vệ nữ của nàng, Chấn xuýt xoa:
– Tuyệt !
Thérèse mở to mắt nhìn, hai hàng lông mi cong vút. Nàng nói:
– Tuyết. La neige ?
Đến lượt Chấn lắp bắp:
– La neige ? What ?
Thérèse lập lại:
– Tuyết... La neige... The snow...
Chấn phì cười:
– Tuyệt, không phải tuyết.
Thérèse nói bập bẹ bằng tiếng Việt Nam:
– Tuyệt là cái gì ?
– Thérèse cũng biết nói tiếng Việt Nam ?
Giọng Thérèse cứng đơ:
– Một chút chút thôi...
Thérèse cho biết tiếng Anh là sinh ngữ thứ hai của nàng, Chấn và Thérèse có thể nói chuyện với nhau dễ dàng. Chấn cắt nghĩa cho nàng biết nàng có một thân hình rất đẹp và tuyệt vời. Nàng có một khuôn mặt khả ái, dễ thu hút người đối diện. Mặc dù mới quen nhưng Chấn có rất nhiều thiện cảm với nàng.
Tự nhiên hai gò má của Thérèse ửng đỏ. 
Chấn khuyên Thérèse nên tập nói tiếng Việt Nam vì đó là tiếng nói của bên nội. Dù sao Thérèse cũng mang giòng máu của ba cô trong người. Tiếng Việt Nam rất phong phú, giàu từ ngữ nên diễn đạt ý nghĩ ngắn gọn song hết sức đầy đủ. Hơn nữa, một ngày nào đó cô sẽ về Việt Nam thăm quê hương và quê nội để biết gốc tích của mình.
Chuyện trò một lúc, Chấn ngỏ ý nàng đưa anh đi dạo cho biết thêm sự sinh hoạt trong vùng. Thấy Thérèse chần chừ, Chấn nói:
– Cô ngại bạn trai của cô không bằng lòng khi cô đi với người con trai khác ?
Thérèse lắc đầu:
– Tôi chỉ có bạn học chứ chưa có bạn trai.
Chấn tỏ vẻ không tin. Thérèse giải thích:
– Papa tôi rất nghiêm khắc. Ông răn dạy tôi phải chọn bạn thật kỹ. “Măng” tôi cũng vậy, bà luôn luôn hướng dẫn tôi, khuyên nhủ tôi và cắt nghĩa cho tôi biết mọi thắc mắc. Bà khuyên tôi nên học hỏi, bắt chước hạnh phúc của cha mẹ mà tìm hạnh phúc cho chính mình. Bà chỉ trích các bạn gái của tôi tuổi chưa trưởng thành mà đã có con hoặc phải đến bệnh viện phá thai. Hoàn cảnh “single mom”, các bạn chưa đủ kinh nghiệm chăm sóc em bé và tự chuốc khổ sở của chính họ. Cha mẹ họ buồn rầu và khó ăn khó nói với người chung quanh khiến tôi phải suy nghĩ. Nhờ sự chăm chút, bao bọc của gia đình, tình thương yêu của tôi quá đầy đủ nên tôi chưa nghĩ đến bạn trai mà chỉ biết cố gắng học hành.
Chấn tự hỏi, ở tuổi mười chín của Thérèse có thực sự ngây thơ như nàng nói không ? Mặc dù anh không có kinh nghiệm nhiều về trai gái nhưng tại trường Trung học và Đại học anh đã trải qua, anh thấy các cô gái không thật thà và ngây thơ như Thérèse. Họ yêu cuồng sống vội, sợ tuổi xanh vút qua mà không được hưởng thụ. Ngay như ở Việt Nam ngày nay, biết bao cô gái đua đòi đã đánh mất cái trong trắng ngàn vàng và tuổi ngây thơ quí báu. Xã hội cũng có người này người khác, nếu quả thật Thérèse không nói dối, đúng là điều quí hiếm và đáng trân trọng.
Chiều tà miền thôn dã hòa mình trong tiếng ngân vang của chuông nhà thờ. Càng ra xa Puiseux-Pontois, nơi trước đây “măng” của Thérèse dạy học, chỉ còn trời mây và những cánh đồng. Thérèse đậu chiếc xe mui trần 2 cửa trên con đường làng ngập hương cỏ đồng nội.
Hơn hai mươi ngày, Chấn được Thérèse hướng dẫn thăm thị trấn, nơi có chiếc đồng hồ đường bán kính khoảng 2 mét tại ga xe lửa. Thérèse và anh theo xe lửa vào trung tâm Paris, thăm thú những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô hoa lệ. 
Hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt và Metro tại Paris chằng chịt như mạng nhện, phục vụ dân chúng rất hữu hiệu. Nhất là Metro, nối liền các quận nội thành và vùng ngoại ô rộng lớn. Xe lửa tại Chicago với Red Line, Blue Line... đôi lúc chạy sâu một tầng hầm, còn hệ thống Metro tại Paris, chạy ngầm ba bốn tầng dưới mặt đất. Nếu không có người hướng dẫn, lạc đường, lạc tuyến xe là điều đương nhiên.
Thérèse và Chấn đến đại lộ Champs Élysées – Quận 8, vào cửa hàng bán nước hoa với hàng ngàn loại nổi tiếng của các nước. Chấn mua tặng Thérèse một lọ hiệu Trésor (Lancôme-Paris), mùi Thérèse ưa thích và nàng xức hàng ngày. Cũng mùi này, Chấn đã ngất ngây khi anh ngã ngửa trong công viên và nàng cúi xuống kéo anh dậy để hai người bắt đầu nói chuyện với nhau. Cả hai cũng đã ngồi nhâm nhi ly cà-phê đen đặc quánh tại vỉa hè đông người qua lại (L’Absinthe Café - Quận 3). Khi uống xong, tim Chấn đập nhanh liên hồi, tâm hồn chao đảo, không hiểu vì tác dụng mạnh của chất “caféine” hay sự thu hút của người trinh nữ duyên dáng bên cạnh. Dạo quanh các phố, đôi lúc Chấn tự hào sóng bước cùng người đẹp mà các chàng thanh niên Pháp tỏ vẻ chiêm ngưỡng Thérèse thực sự. Phần lớn thiếu nữ Pháp có dáng người vừa phải, không quá cao lớn và không quá mập mạp.
Một hôm, vừa bước qua khỏi ngã tư Rue Pierre Charron, tiếng tu-huýt cảnh sát thổi liên tục. Đám đông trước mặt Chấn vẹt ra, một người đàn ông cao khoảng trên một mét tám hùng hục chạy đến, trên tay cầm một túi xách. Trong tích tắc, người đó còn cách Chấn tầm tay. Chấn vội đẩy Thèrèse qua bên phải thì anh cảm giác đau nhói trên trán và té ngửa ra sau. Chấn bình tĩnh, đưa chân ngáng chân kẻ vừa đấm vào mặt anh. Thân hình hộ pháp của hắn ngã rạp dưới đất vì chân này vấp chân kia. Cùng lúc, cảnh sát ập tới, bẻ ngoặc tay hắn ra sau và còng lại. Một bà đầm vừa cao vừa gầy thở hào hễn, mặt xanh như tàu lá chuối, cám ơn cảnh sát khi anh này trao túi xách cho bà.
Chung quanh, dân chúng hiếu kỳ quây thành vòng tròn. Người cảnh sát nói một tràng tiếng Pháp với Chấn. Chấn vừa đưa tay chậm vài giọt máu rỉ ra tại vùng mí mắt, vừa ngớ người ra. Thérèse dùng tiếng Anh dịch lại cho Chấn nghe, cảnh sát muốn mời Chấn về bót cảnh sát gần đó để làm ráp-bo và muốn gọi xe cứu thương chở Chấn vào bệnh viện. Chấn nhờ Thérèse nói lại, anh chỉ là một du khách, không muốn dây dưa vào việc này, coi như tên cắp tự vấp té và cảnh sát bắt được. Để khỏi làm tắc nghẽn khách bộ hành trên lề đường cũng như xe cộ bóp còi inh ỏi vì người lái xe nào cũng dừng lại xem cảnh sát bắt kẻ giật dọc, một anh cảnh sát hỏi địa chỉ và số điện thoại của Chấn và Thèrèse. Sau đó, họ bắt tay Chấn và nhờ Thérèse chuyển lời, thay mặt cảnh sát quận Tám, cám ơn Chấn đã giúp họ thi hành giữ an ninh trật tự đường phố.
Thérèse lấy khăn giấy chặm vết thương trên trán Chấn và ra trạm xe lửa về nhà. 
Tối hôm đó, trong phần tin vắn, đài truyền hình Pháp chiếu cảnh tên giật dọc ngã sấp trên vỉa hè, cảnh sát còng tay hắn. Đài còn chiếu gần khuôn mặt Chấn, Thérèse với lời bình một du khách người Việt Nam giúp cảnh sát bắt cướp, trả tài sản cho người bất hạnh. Thérèse thắc mắc lúc đó không thấy phái viên quay phim mà sao lại có đoạn này. Trong lúc mọi người chưa giải đáp được câu hỏi của Thérèse thì Chấn cười:
- Thời buổi văn minh hiện đại, dân chúng sử dụng cell phone quay tất cả những gì mình muốn. Có thể một người đi đường nào đó, quay xong, anh ta chuyển qua email trên điện thoại di động đoạn video clip cho đài truyền hình. Vì vậy, tất cả những gì nóng bỏng nhất, trong tích tắc, cả thế giới đều biết.
Thérèse nhìn Chấn và khâm phục trí óc nhận xét của anh.
Những ngày được gần Thérèse, Chấn cố gắng giữ một khoảng cách vừa phải. Anh tâm niệm tình cảm phải từ từ, nó thẩm thấu dần dần mới thú vị, giống như chậm rãi thưởng thức ngụm cà phê thơm lừng nổi tiếng. Vả lại, vừa quen nhau, anh chưa biết tánh ý Thérèse, lỡ buông lời sỗ sàng, cử chỉ sàm sở, nàng mét với ông bà Chỉnh hoặc trực tiếp sỉ nhục anh thì còn gì xấu hổ hơn. Anh nghĩ muốn Thérèse trọng anh, anh phải tôn trọng nàng trước. Tư cách thanh niên trước người đẹp thể hiện rõ ràng trong bản chất căn bản mà người khác phái đánh giá một cách chính xác và tinh vi.
Chấn nghe văng vẳng bài “Bonjour Vietnam” do Phạm Quỳnh Anh hát. Bài ca kéo anh về thực tế. Ngồi sau tay lái, Thérèse hát nho nhỏ theo bằng tiếng Pháp:
“... Un jour, j’irai là bas, un jour dire bonjour mon âme. Un jour, j’irai là bas [pour] te dire bonjour, Vietnam”. 
Chấn nghiêng đầu nhìn Thérèse. Giọng Thérèse trong và ấm. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo cánh đơn sơ, tóc buông dài. Trông nàng giản dị như cánh đồng xanh lá non mới nhú nhưng đầy màu sắc và hương vị.
Chợt Thérèse ngưng hát. Nàng nhìn Chấn, mỉm cười ngượng ngập.
Chấn khen:
– Thérèse hát không thua gì ca sĩ này.
– Chấn chế nhạo tôi phải không ? Chấn biết cô ta không? Cũng là người Việt Nam đó.
– Quỳnh Anh sanh ngày 16-01-1987 tại Liège (Bỉ); cha mẹ cô là người Việt Nam. Cô ta có thể nói và hiểu tiếng Việt. Tôi chỉ được xem ảnh và nghe Quỳnh Anh hát trên Internet. 
– Chắc đẹp lắm phải không ?
– Cô ấy đẹp, cao cao như Thérèse vậy.
Chấn nhìn sâu vào đôi mắt hai mí của Thérèse:
– Công bằng mà nói, Thérèse mang hai giòng máu trong người, nét đẹp châu Âu trộn lẫn Việt Nam toát lên một vẻ đẹp hết sức quyến rũ mà theo ý của tôi, không ai đẹp bằng Thérèse hết. Từ lúc học Trung Học và Đại Học, tôi quen bạn gái cùng lớp rất nhiều. Đẹp có, xấu có, hiền dữ đủ loại. Chẳng hiểu sao tôi không cảm nhận được mảy may tình cảm từ trái tim mà chỉ chào hỏi xã giao. Thân lắm cũng chỉ mời nhau xuống căng tin ăn trưa hoặc uống ly sinh tố. Không biết phải hợp nhãn hay vì lý do nào khác, tôi không thể giải thích được, tôi có cảm nghĩ Therèse rất đẹp. Hình ảnh Thérèse cứ quanh quẩn trong đầu óc tôi, nhiều lúc muốn bôi xóa nhưng tôi không xóa được...
Thérèse cúi gằm mặt, không nói lời nào. Hai bàn tay nàng xoắn lấy nhau, hai gò má như rực hồng. Chấn và Thérèse yên lặng nhưng trong thâm tâm cả hai như nói lên nghìn lời. Chiều chầm chậm rơi.
Sau bữa cơm tối, tất cả lên sân thượng chờ trăng lên. Sáng mai, cha con Chấn trở về Chicago. Anh bồi hồi nhớ lại bốn tuần lễ trôi qua quá mau. Mọi sự việc thoáng hiện lên rồi mờ nhạt trong tâm trí Chấn như cơn gió nhẹ lướt qua những ngọn lá non mơn mởn ngoài cánh đồng chiều. 
Lần này, ông Kiện qua Pháp thăm bạn già, ông nghĩ vài năm nữa chưa chắc còn đủ sức khỏe đi du lịch. Riêng Chấn, thừa dịp thăm thú Paris, thăm các di tích lịch sử mà anh chỉ đọc và xem hình ảnh qua sách vở. Không ngờ chuyến đi này khắc ghi vào tâm hồn anh nhiều ấn tượng. Qua gần ba mươi ngày, xét đoán của anh về phái nữ có phần không chính xác. Quan niệm ông bà xưa cho rằng phái nữ Âu Mỹ quá hiếu động, không tế nhị. Nhưng bàn tay có ngón dài, ngón ngắn. Đất nước nào cũng vậy, tính tình người dân có người thế này, kẻ thế nọ, không phải cá mè một lứa. Bốn năm Đại Học UIC, cũng có rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp, ngoan hiền nhưng tâm hồn Chấn không mảy may rung động. Qua Pháp, mới nhìn thấy Thérèse, anh đã xao xuyến lòng. Làm sao định nghĩa được tình cảm trai gái ? Làm sao cắt nghĩa được chữ “yêu” ? Chẳng lẽ anh đang bị “Tiếng sét ái tình” ? Nguời ta thường nói, tình yêu cần phải có thời gian tìm hiểu cặn kẽ. Nếu không, khi thành thân, hai người sẽ vô cùng hối tiếc vì những tánh xấu lộ ra. Chẳng hiểu sao lý lẽ con tim đã khiến Chấn quả quyết cuộc đời anh không thể nào thiếu vắng Thérèse.
Chấn tỳ tay lên thành lan can, nhìn ánh trăng vành vạnh vừa nhú khỏi chân trời Đông. Vầng sáng rõ dần. Chấn thấy lòng háo hức, muốn thời gian ngưng hẳn để tâm tư tràn ngập một loại men nồng cháy. Một mùi thơm ngọt ngào thoáng qua mũi... Thérèse đứng cạnh Chấn tự bao giờ. Tim anh tự dưng đập nhanh. 
Giọng Chấn như tiếc nuối:
– Mai tôi về rồi.
Thérèse im lặng. Chấn không tiên đoán được tâm trạng nàng. Một thoáng buồn lướt qua đôi mắt đẹp. Đột nhiên nàng buột miệng, đọc hai câu thơ bằng tiếng Anh:
– Cam đành giã biệt ngây thơ,
Từ nay vào ngẩn ra ngơ một mình.
Adieu !
Chấn hiểu. Suốt thời gian qua, hai tâm hồn đã giao lưu và truyền đạt cho nhau về nghệ thuật, triết lý cuộc sống và nhiều quan niệm thực tế xã hội. Qua cung cách ứng xử, Chấn cảm nhận Thérèse rất thông minh, nhu mì và điềm đạm. Chấn không ngờ giữa Thérèse và anh có cùng chung những giòng suy nghĩ và tánh tình rất hợp nhau. Đôi khi trước một vấn đề thảo luận, cả hai thốt lời cùng lúc ý nghĩ trong thâm tâm và cùng nhìn nhau cười ngặt nghẽo...
Tận đáy lòng Thérèse đang có nhiều đợt sóng ngầm chuyển động như ngọn núi lửa âm ỉ ngàn năm, bây giờ là thời điểm bộc phá. Chấn nhẹ nhàng nắm hai tay Thérèse. Nàng để yên bàn tay mình trong tay Chấn. Làn hơi ấm từ bốn bàn tay quyện vào nhau. Hơi thở Thérèse dồn dập, ngực phập phồng. Nàng cũng hồi hộp như anh. Cả hai đứng yên sát vào nhau, muốn thời gian ngừng trôi, muốn không gian bất biến và muốn vũ trụ ngừng quay... 
Liếc mắt thấy góc xa sân thượng, ba Chấn cùng ông bà Chỉnh chuyện trò say sưa. Liều lĩnh, Chấn hôn phớt nhanh trên gò má thơm của Thérèse. Chấn cảm thấy bàn tay Thérèse run run trong bàn tay anh. Ánh trăng long lanh tràn đầy sâu đôi mắt nàng... Đối với người Âu Mỹ, hôn gò má khi gặp nhau là điều xã giao, lịch sự nhưng cả hai, Thérèse và Chấn tự nhiên rùng mình. Cảm giác lạ khiến cả hai ngượng ngập. 
Những tiếng vỗ tay phát ra từ ông Kiện và ông bà Chỉnh. Họ đã nhìn thấy đôi trẻ âu yếm bên nhau. Nhất là bà Monique, với kinh nghiệm và cảm tính của người vợ, người mẹ, bà rất quan tâm đến tình cảm con gái mình, không bao giờ bà muốn Thérèse gặp phải niềm bất hạnh và đau khổ như những cô gái mới lớn khác, thiếu sự lưu tâm của cha mẹ về mặt tình cảm, để rồi phải ân hận suốt đời. Ông bà Chỉnh đã ngầm chấp nhận tư cách khiêm nhường, kiến thức có chiều sâu và thiết thực cùng dáng dấp chững chạc của Chấn, khả dĩ đem lại cuộc đời thoải mái và hạnh phúc cho Thérèse... 
Ngồi trên phi cơ Air France trở về Chicago, Chấn lim dim đôi mắt nhưng miệng luôn mỉm cười. Ông Kiện quay nhìn Chấn:
– Con nhớ Thérèse phải không ?
Chấn không trả lời, kéo mền đắp tận ngực. Ông Kiện nói tiếp:
– Về nhà ba sẽ bàn với má con, thay vì con về Việt Nam tìm vợ, ba má sẽ qua Pháp thưa chuyện cùng ông bà Chỉnh để dạm hỏi Thérèse cho con. Vài năm nữa, Thérèse tốt nghiệp Đại Học, các con sẽ thành hôn với nhau. Con đồng ý chứ ?
Ông Kiện chờ câu trả lời của Chấn nhưng Chấn đã thả hồn chìm sâu vào giấc mộng bồng bềnh mà cách nay một tháng, cũng trên chuyến bay từ O’Hare sang Pháp, không hề có hiện tượng này... ■

Không có nhận xét nào: