Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

TÀ ÁO DÀI

TÀ ÁO DÀI
Nguyễn Thanh Dũng
 

Thoạt vào làm ở văn phòng này, Miện hết sức bỡ ngỡ. Tất cả tia nhìn xoi mói của những người khác chủng tộc cứ quăm quắm, không bỏ sót cử chỉ nào của Miện. Họ ganh! Da vàng mũi tẹt tóc đen! Đến nơi nào hưởng được tí quyền lợi cao hơn da trắng là thế. Nhất là “cái đám người hay sinh sự kia !”. Họ quan niệm dân châu Á nghèo khổ, kiến thức nông cạn, tiếng Mỹ lõm bõm, không đủ khả năng và tư cách ngồi chung phòng với họ. Chớm bước chân vào đời, Miện vấp ngay phải sự thách thức và bực bội nghề nghiệp.
Tuần lễ đầu tiên, Miện định bỏ cuộc. Nghe anh cạn tỏ, bố anh gạt phăng đi. Ông phùng cổ, trợn trừng mắt nhấn mạnh với Miện là gia tộc ông không có kẻ hèn. Không cho phép bất cứ thành viên nam nữ nào nhụt chí trước khó khăn, hiểm nguy. Ông cố và ông nội anh là những người ái quốc. Các ông đã tham gia phong trào diệt Tây lẫn chống Việt Minh. Bố Miện cũng anh dũng đánh Việt Cộng cho đến ngày cuối của cuộc chiến mới buông súng đầu hàng. Tám năm tù ! Gần ba nghìn ngày dài làm sao ! Đầu óc quay cuồng làm sao ! Tấm thân càng lúc càng bệ rạc, còm cõi. Tóc càng ngày càng trắng phếu. Từ nam ra bắc. Từ bắc vào nam. Trại tù sau cùng giam lăn giam lóc bố Miện ở Hàm Tân. Ông cắn răng, can cường vượt qua những cơn đau thể xác, những ray rứt tinh thần. Ông vẫy vùng với từng chặp đói lả, với những ngày nhục hình đau đớn để sống sót. Trong giây phút hằn đau, hình ảnh những người thân, nhất là đứa con còn ngây thơ bé nhỏ hiện lên. Được ôm con vào lòng, được thấy những bước chân trưởng thành của con là ước mơ và là giấc mộng thực sự của các người tù cộng sản. Thế mà ngày nay Miện lại lùi bước trước “cái đám người hay sinh sự kia!” – trong hoàn cảnh không có gì đáng để cuống cuồng.
Ông kể tiếp. Ngụm nước trà nóng đã thông cổ ông. Giai đoạn vượt biển năm 84 vô cùng gian khổ. Móc nối chủ ghe, chung vàng, chuẩn bị gia đình cho tới ngày len lén rời căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Ra đi mà lòng ngổn ngang trăm mối. Khi thoát nguy trên đất liền, ghe đào tị phải tránh công an biên phòng, phải đối phó với hải tặc, với tai trời ách nước, phong ba bão táp. Tính mạng con người phó mặc thiên nhiên, may nhờ rủi chịu. Lúc ấy, Miện chín tuổi. Miện vui thích ra đi. Miện chưa quan niệm thế nào là dã tâm, sắt máu của cộng sản. Trời biển bao la, mây nước xanh biếc, có gì đâu mà sợ hãi. Trên thuyền vượt biển, đói – bố lo, khát – mẹ cho uống. Miện là con một. Mới sinh còn đỏ hon hỏn, bố khăn gói trình diện vào tù. Giữa lòng Saigon dẫy dụa trong cơn bức tử, mẹ Miện phải quần quật nuôi thân, nuôi con. Đồ đạc, nữ trang dành dụm theo thời gian chạy biến ra khỏi nhà. Bà con nội ngoại không còn ai để nhờ vả. Miện bú mẹ đến cạn kiệt. Mẹ Miện gầy tọp. Lên năm tuổi, Miện vẫn còn đòi bú hơn là ăn mặc dù còn gì đâu mà bú. Nguồn sữa nuôi Miện đã khô cằn, lúc Miện chưa đầy thôi nôi.
Hơn mười ngày lênh đênh trên biển. Nắng mưa, đói khát khiến mẹ Miện lăn đùng ra. Sau này, Miện mới rõ bao nhiêu thức ăn, bao nhiêu nước uống, bố mẹ đều nhịn để dành cho con. Cũng may, ghe vượt biển không bị hải tặc cướp bóc. Máy móc hư hỏng. Nhóm người đi tìm tự do thừa chết thiếu sống, vật vã đầu sóng ngọn gió. Đói! Khát! Tuyệt vọng! Trên hải trình bấp bênh, giành giật từng phút với thần chết, một chiếc tàu Mỹ xuất hiện như huyền thoại trong mơ, đã vớt họ kịp thời và gửi những người sống sót lên đảo Galang.
Miện lớn nhanh trên đất Mỹ. Cơ thể hồi sinh và phát triển sau những cơn hạn hán. Bố Miện cầy cật lực. Tại Chicago, lười là chết cóng với mùa đông giá rét. Lắm mùa lạnh dưới hai mươi độ C. Lười, không đủ trả tiền nhà, điện, sưởi, xe, cái ăn cái mặc và nhiều thứ tiền linh tinh khác. Ở Mỹ, chẳng ai nhặt lá mùa thu đổi được nhu cầu hàng ngày. Phải có đô la. Đô la giải quyết đủ mọi thứ. Mẹ Miện cũng xông pha nắng mưa, tuyết đổ tuyết tan, đi bộ, xe lửa, xe buýt, làm hãng xưởng xa nhà hàng tiếng đồng hồ. Bố mẹ Miện vắt cạn sức để chuẩn bị cho Miện vào đời.
Tuyết Chicago ngập ngụa. Gió rét rít liên hồi như cắt thịt cắt da. Hai vành tai tê cóng không còn cảm giác. Lúc mới định cư tại đây, mẹ Miện co ro đi bộ đến xưởng may gần nhà may mướn. Thời tiết ác nghiệt khác hẳn Saigon mưa nắng hai mùa. Mẹ Miện tâm sự với chị phụ tá xưởng may, người qua đây trước, ngõ hầu chị giúp ý kiến mua một chiếc xe cũ đi làm, tránh mưa gió tuyết bão.
Chị phụ tá nói sau lưng mẹ Miện: “Mới qua cũng bày đặt mua xe”. Lòng dạ con người bẩn thỉu làm sao! Đến bây giờ chị phụ tá vẫn chả ra gì với tâm tính độc ác, với đôi mắt rắn và với cái mồm rụng răng gần hết. Còn chị chủ trẻ, can đảm mở xưởng may khi chưa biết tí ti gì về may mặc. Nghĩ mình có tiền, mướn người phụ tá, mướn nhân công, chị chỉ tay năm ngón lượm bạc. Trong những buổi họp, chị chủ mở đầu: “Tôi chửi từ trên xuống dưới. Già tôi cũng chửi mà trẻ tôi cũng chửi. Ai làm không đúng ý tôi, làm hại cho xưởng là tôi chửi”. Những người công nhân già đáng chú đáng bác chị chủ chỉ biết cúi đầu. Đồng đô la vạn năng nó chua xót, cay đắng làm sao. Thời gian ngắn sau, xưởng may bị tan rã.
Cũng thời gian này, Bố Miện nhờ hai vợ chồng người bạn sáng sáng đến rước đi làm. Có hôm chỉ ra trễ chưa đầy một phút, hai vợ chồng người bạn nhăn nhó, cằn nhằn: “Lần sau, yêu cầu ra đúng giờ nghe. Nếu không, tôi không chở nữa đâu”.
Mẹ Miện đổi sở làm. Trong hãng có hai người đàn bà Việt Nam. Người đàn bà kia không hề nói chuyện với mẹ Miện, chỉ chơi và nói tiếng Anh với Xì, Liên Xô và Mỹ đen. Trong công việc hàng ngày, bà ta tìm cách dìm mẹ Miện xuống. Bà ta muốn ngoi đầu lên. Hai người ở chung khu phố. Đôi hôm mưa gió rét căm căm, bà ta lái xe về, cho Xì, Liên Xô và Mỹ đen đi nhờ. Bà ta đã phớt lờ mẹ Miện. Tình đồng hương là thế đấy. Đời là thế đấy. Nhiều người Việt với người Việt, đối xử lẫn nhau thật thậm tệ. Danh lợi, tiền tài khiến họ lừa thầy phản bạn, coi nhau như quân hằn quân thù. Lúc đầu lợi dụng được, thăm nom, điện thoại hàng ngày. Đến khi trái chanh vắt hết nước, cả năm chưa hề thấy mặt mũi mập ốm ra sao.
Ban ngày ai lo việc nấy, chỉ buổi tối gia đình mới quây quần bên mâm cơm kể cho nhau nghe sự việc hàng ngày. Bố mẹ Miện dạy Miện từng ly từng tí. Tuổi càng lớn, Miện càng hiểu thấu cuộc sống không đơn giản như Miện nghĩ.
Miện không phụ lòng bố mẹ. Khi sắp tốt nghiệp, nhiều hãng xưởng đến phỏng vấn và chấp nhận anh vào làm việc với số lương cao mà anh không bao giờ ngờ. Ở Mỹ sướng chỗ đó. Chưa ra trường đã có nơi đặt cọc, nhất là các trường đại học danh tiếng. Miện tốt nghiệp với mảnh bằng Master of Science in Computer Science. Anh về làm việc ở văn phòng này theo hợp đồng.
Một hôm, Miện lấy thức ăn trưa ra hâm ở Microwave. Trong gian phòng rộng có ngót bốn mươi người từ các phòng ban khác của Ban Chỉ Huy đang ngồi ăn. Các bàn đầy ắp người. Tìm mãi, Miện thấy còn một chỗ trống, anh mang thức ăn lại. Liếc mắt, Miện chạm phải những khuôn mặt khó chịu của nhân viên cùng phòng – “cái đám người hay sinh sự kia” – ngồi bàn bên cạnh. Đúng là ghét của nào trời trao của ấy. Mụ Lona, người đàn bà già nhất đám. Ngoài bốn mươi, mụ vẫn chưa chồng, cũng không tình nhân. Người đàn bà luống tuổi chưa chồng hay bị gán là “bà cô”. Người đàn ông già chưa vợ thường được gọi là “ông mãnh”. Bà cô, ông mãnh thiếu thốn tâm sinh lý nên hay khó tính, cáu gắt, cay nghiệt và dở dở ương ương. Mụ hỉnh hỉnh chiếc mũi nhọn hoắc như đỉnh núi và nói:
– Ê, Scott. Có mùi gì mà tởm quá vậy ?
Scott và Patrick đang cười nói văng cả thức ăn. Chúng thấy mụ Lona nhìn Miện chằm chằm. Mùi cá kho từ hộp cơm Miện bốc lên. Tuy không hôi hám nhưng mùi vị lạ loang sang bàn bên cạnh. Hiểu ý, Patrick la toáng:
– Các bạn có ngửi mùi chuột chết ở đâu đó không ?
Scott phụ họa:
– Ừ nhỉ, mấy ngày nay, bữa cơm trưa nào tao cũng không chịu được cái mùi thum thủm này.
Miện dằn tính nóng, cúi đầu ngồi ăn. Anh biết càng nhịn, “cái đám người hay sinh sự kia” càng làm tới. Ma cũ bắt nạt ma mới, đó là điều hiển nhiên nhưng tụi này quá quắt không chịu nổi.
Mụ Lona thấy Miện cúi gằm mặt ăn thì đứng dậy chỉ thẳng Miện:
– Ê, cái thằng kia. Lần sau, tao không muốn ngửi tiếp cái mùi châu Á của mày nữa. Nhớ đó!
Máu trên mặt Miện căng lên. Tim Miện đập mạnh. Anh chộp hộp cơm toan ném thẳng vào bàn mụ Lona và đồng bọn. Một bàn tay mềm mại nhưng cương quyết giữ tay anh lại. Giọng nói nhè nhẹ vang bên tai anh:
– Hãy bình tĩnh, ông bạn.
Miện trừng đôi mắt tóe lửa vào mặt mụ Lona và lũ bạn. Người bên cạnh kéo anh ngồi xuống. Miện quay sang. Một cô gái tóc vàng cột đuôi ngựa nhìn anh. Miện bắt gặp đôi mắt xanh màu ngọc bích với hai hàng mi dài và cong vút. Đôi môi đầy đặn. Hai gò má phinh phính. Chính cô đã ngăn không cho Miện ném hộp cơm vào “cái đám người hay sinh sự kia.”
Miện cảm thấy no ngang, không thiết gì ăn uống. Anh đậy nắp hộp cơm và dùng khăn giấy lau miệng.
Cô gái nghiêm trang nói:
– Chuyện ban nãy sẽ được giải quyết. Ông bạn không nên giận dữ.
Miện đứng dậy tỏ lời cám ơn. Cô gái tóc vàng tự giới thiệu tên là Sharon. Miện cũng lịch sự nói tên mình và phòng làm việc.
Buổi chiều Miện ra về, trời lất phất mưa. Mưa Chicago ít khi kéo dài, cũng ít khi to. Họa hoằn lắm, các cơn bão rớt từ miền Nam như Florida, Alabama, Oklahoma hoặc Mississippi thổi lên, mới thấy khung trời u ám cả ngày. Người Chicago cũng như dân các tiểu bang khác quần quật làm việc, không thì giờ ngắm trời mây non nước.
Miện ra xe. Khởi động mãi, xe không nổ. Anh mở nắp đậy máy, dựng cây chống. Quan sát và tìm tòi, Miện kiểm hệ thống xăng, hệ thống điện. “Đề” vài lần nữa, bình hết điện. Miện lắc đầu, thở dài. Anh đậy nắp máy, khóa cửa xe, theo lối nhỏ ra đường cái đón taxi. Áo và tóc ướt đẫm nước mưa.
– Ông Miện.
Nghe có người gọi tên, Miện nhìn quanh tìm. Một mái tóc vàng thò đầu qua cửa chiếc xe. Cô gái tóc vàng – Sharon – nói bằng tiếng Anh:
– Xe ông có vấn đề hả ?
Miện nhún vai:
– Bình điện hỏng rồi.
– Trời mưa, chốc nữa có thể to. Tôi đưa ông về.
Thấy Miện do dự, Sharon giục:
– Ông đã ướt hết. Khéo bị cảm, mai không đi làm được đâu.
Miện ở Chicago. Sharon ở thành phố Evanston – phía bắc. Hai nhà cách khoảng 7 dặm.
Trên xe, Sharon tiết lộ: Nàng đã báo cáo ông chủ câu chuyện hồi trưa trong phòng ăn. Ông chủ hỏi thật cặn kẽ và cho gọi “cái đám người hay sinh sự kia” ở lại sau giờ làm việc để kiểm điểm. Mối thiện cảm với Miện khiến Sharon trình bày có lợi cho anh. Nàng lấy lý lịch Miện, nêu cao thành tích của một người vượt biển tỵ nạn, cố gắng không ngừng để học hỏi, thâu thập kinh nghiệm làm việc, phấn đấu cho tương lai nên đã xuất sắc ra trường với số điểm cao. Chính ông Supervisor và trưởng ban nhân viên đã đến trường đại học phỏng vấn Miện, thâu nhận anh vào hãng làm việc. Nghe Sharon trình bày, ông quyết định khiển trách, phân tán đám người gây sự qua nhiều phòng ban khác nhau.
Sharon làm phòng nhân viên. Nàng đã đọc kỹ lý lịch Miện. Biết anh sinh tại Saigon, Việt Nam, Sharon rất có thiện cảm. Nàng cho biết ba nàng là cựu chiến binh Mỹ, tham chiến tại Việt Nam từ năm 1967 đến 1969.
Ban trưa ngồi gần Miện, thấy anh ăn cơm với cá kho, Sharon đã bồi hồi nhớ lại ngày sinh nhật vừa qua của nàng. Hôm đó cũng kỷ niệm 27 năm ngày ba Sharon trở về Mỹ, mãn hạn phục vụ ở Việt Nam. Để thay đổi thức ăn, ba Sharon đã dẫn cả gia đình xuống chợ Việt Nam ăn cơm. Má Sharon và các anh chị nàng rất thích món chả giò, gỏi cuốn. Còn Sharon lại khoái khẩu với cơm trắng canh chua, cá hồng chiên, cá catfish kho. Dưa giá hẹ chấm nước cá kho khiến nàng thấy tuyệt hảo. Trong bữa ăn, ba Sharon kể cho gia đình nghe những kỷ niệm lúc ông ở Việt Nam. Thời gian nghỉ phép, ông thường đến các quán cơm ở Saigon ăn những món đặc sản. Nhiều bạn ông khó chịu với mùi nước mắm, mắm lóc, mắm ruốc nhưng sau khi nếm nước chấm được chế biến, họ đâm ra thích. Má Sharon ăn chả giò chấm nước mắm, bà cũng xuýt xoa khen ngợi. Các anh chị lớn của nàng gọi thêm món gỏi tôm thịt ngó sen chan nước mắm tỏi ớt chanh đường. Họ đã có gia đình, ở riêng, thỉnh thoảng về tề tựu ăn uống hoặc đi picnic vào mùa hè. Sinh nhật vừa rồi, các anh chị nàng về đầy đủ vì nàng là cô em gái út. Sharon không giống các bạn. Thiếu niên nam nữ Mỹ vừa đủ lông đủ cánh, bay ra khỏi nhà sống tự lập hoặc đi bụi. Sharon tìm thấy gia đình nàng phảng phất nền đạo lý, phong tục tập quán Đông phương. Lúc còn ở đại học chưa nhập ngũ, ba nàng – ông Henry – nghiên cứu văn học Trung Hoa. Khi tham chiến ở Việt Nam, ông tìm đọc sách viết về đạo Phật, Lão, Khổng và nền văn hóa, phong tục tập quán của nước mà tại đó, ông đang chiến đấu. Ông thấu triệt, thấm đậm nền văn hóa cổ truyền một cách tự nhiên. Càng nghiên cứu càng mênh mang, càng thích thú. Mặc dù là một nước đang có chiến tranh, miền Nam Việt Nam vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Biến cố Mậu Thân hằn sâu tiềm thức ông. Ông cảm nhận hệ lụy chiến tranh đã xói mòn tâm hồn và thể xác con người, một dân tộc không ngớt đau khổ, tang thương vì các cuộc chiến kéo dài. Sharon được ba của nàng giáo huấn khác với phần đông người bản xứ. Ông dạy nàng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, công dung ngôn hạnh. Cũng may, tâm hồn nàng không thác loạn như trang lứa đồng tuổi. Nàng ảnh hưởng phần lớn người cha trầm lặng.
Tính đốt ngón tay, Sharon và Miện làm bạn đã hơn hai năm. Đi sâu vào tình bạn, Miện biết Sharon vẫn còn quá ngây thơ so với tuổi trưởng thành. Trí óc không vướng bận ô uế. Tâm tư không vẩn đục tệ đoan. Sắc diện Sharon cứ vẫn mơn mởn, trẻ hơn những mùa xuân nàng phải vác trên cơ thể. Miện cũng đã tiếp chuyện với ba má Sharon tại nhà nàng. Ông bà Henry than phiền đạo đức Mỹ đang tụt dốc. Ông bà rất thương con cái, lo cho con cái đầy đủ vật chất lẫn tinh thần. Ông bà thường tâm sự, giúp đỡ những khó khăn, giải quyết những gút mắc các con vướng vấp. Đối lại, con cái rất kính trọng và tòng phục ông bà.
Ông bà và Sharon thường xem truyền hình qua các kênh History, 20/ 20, Discovery hoặc TLC. Chương trình chiếu những trận đánh đẫm máu giữa quân đội đồng minh, VNCH, chống lại cuộc xâm lăng của Việt Cộng. Nhiều chiến sĩ VNCH cõng đồng đội bị thương vượt qua lưới đạn địch, không ngại hiểm nguy và chết chóc, thể hiện tình huynh đệ chi binh sống chết bên nhau. Ống kính phóng viên quân đội đưa đến người xem những pha tự nhiên nhưng đầy tính con người, đầy tính đồng đội. Dân chết thê thảm. Nhà cửa tan nát. Ruộng vườn điêu tàn. Khi miền Nam Việt Nam bị tràn ngập, Sharon thấy người gồng kẻ gánh, chạy người chạy của. Nhiều bà mẹ tay bồng tay dắt trẻ thơ, hớt hơ hớt hãi rời vùng địch mới chiếm. Con cõng cha già, cháu dắt bà, tủa trên con đường đầy xác chết vì pháo chặn của Việt Cộng. Những gương mặt đau khổ, không còn nước mắt, được chiếu thật rõ. Một bà già ôm xác chồng, quần áo rách bươm, mếu không ra mếu, khóc không ra khóc. Quá thương tâm, quá xúc động, Sharon rấm rứt rơi lệ. Nàng thương một dân tộc nghèo khó, bất hạnh. Khi tâm sự với các bạn gái cùng phòng làm việc, họ cười ồ lên. Các bạn đó cho rằng Sharon lẩm cẩm, lo chuyện bao đồng. Sự việc xảy ra không liên quan gì đến cuộc sống an lành của nhân dân Mỹ. Chuyện đã xa xưa mà Sharon cứ ôm vào lòng làm chi cho thêm khổ tâm. Nghe vậy, Sharon lẳng lặng. Mỗi người một quan điểm. Mỗi người một ý niệm. Từ đó, nàng chỉ chia sẻ tâm tư với gia đình. Ông Henry phân tích cho Sharon biết Việt Cộng đã vi phạm Hiệp Định Genève, vi phạm lệnh ngưng bắn Tết Mậu Thân. Chúng âm mưu thôn tính miền Nam, thôn tính Lào và Cam-bốt... Khung cảnh Nam Việt Nam khốn khổ, tang tóc cứ ám ảnh Sharon mãi...
Bố mẹ Miện thấy đứa con trai duy nhất lúc này hơi khang khác. Anh thường ngồi một chỗ suy tư và ít nói. Bố gặng hỏi. Miện ấp a ấp úng. Mẹ săn đón. Miện thở dài. Cả mươi ngày sau, Miện mới đánh bạo mở miệng xin phép cho Sharon đến nhà thăm ba má anh.
Bố Miện bảo:
– Tưởng gì. Sao con không nói sớm. Bạn bè lại chơi có gì mà phải ké né.
Miện nhìn mẹ:
– Con sợ mẹ...
Mẹ Miện nghiêm mặt nhìn con:
– Tao làm sao ?
– Con sợ mẹ không có cảm tình với Sharon.
– Ối, sà-rông với sà-riếc. Bộ nó đui què mẻ sứt, cụt chân thọt cẳng sao mà con sợ mẹ không đồng ý.
Miện phân trần:
– Sharon là con gái Mỹ, mẹ ạ.
Mẹ Miện khựng lại. Nét mặt suy tư. Bố Miện nói:
– Thời buổi bây giờ, bạn bè đủ màu da. Hơi đâu mà con đắn đo.
– Ở Đại Học, con cũng có nhiều bạn khác sắc tộc nhưng đó là bạn thường. Còn Sharon...
Mẹ Miện hỏi:
– Con sà-rông...
Miện ngắt ngang:
– Cô ấy tên Sharon chứ không phải sà-rông. Mẹ nói con có cảm tưởng cái váy, cái sà-rông của người Kam-pu-chia mặc hằng ngày ấy.
Bố Miện phì cười:
– Con không nghe người Việt ta hay bỏ dấu sao. Xe Camry thành Cam-rỳ, Toyota thành Tô-yô-tà, Supra thành Su-prà, Missouri thành Mis-sou-rì, Chicago thành Si-ca-gồ... Thôi được, bạn gái con ra sao?
Miện gãi đầu:
– Sharon là bạn thân cùng sở của con hai năm nay. Con muốn dẫn cô ấy đến chào bố mẹ. Con sợ mẹ có thành kiến với con gái Mỹ.
Mẹ Miện nhìn Miện:
– Thế con không có bạn gái Việt Nam sao ?
– Nhưng con thích cô này...
Mẹ Miện thở dài. Ông bà đã lớn tuổi, cũng rất mong Miện lập gia đình để ông bà có cháu bồng. Căn nhà rộng thênh thang, tiếng trẻ nói bi bô, tiếng trẻ cười hồn nhiên sẽ là niềm hạnh phúc đối với những người già lão. Sao lại trái khoáy thế này ? Chicago rộng lớn, thiếu gì con gái Việt Nam. Miện làm bà thất vọng. Bố Miện im lặng rút thuốc hút. Ông thông cảm với đứa con trai độc nhất. Tuy vậy, ông nhường bà quyết định trước. Bầu không khí có vẻ căng, Miện trở về phòng riêng. Hình ảnh Sharon luôn luôn quyện tâm trí Miện. Tuy rất thân nhau, tuy chưa hề hôn nhau nhưng cả hai đều ẩn tàng một mối tình tha thiết. Miện suy nghĩ, phân tích tình cảm mình. Anh biết yêu và lập gia đình với Sharon dễ dàng ít, khó khăn dẫy đầy. Tại sao Sharon cũng yêu anh ? Đàn bà Việt Nam lấy chồng Mỹ rất nhiều. Đàn ông Việt Nam lấy vợ Mỹ đếm đầu ngón tay. Miện yêu Sharon vì tính tình nàng dịu dàng, nhỏ nhẻ, trầm tư. Lời nói của nàng chắc chắn như đinh đóng cột. Trước khi nói, nàng suy nghĩ kỹ. Nàng không bao giờ nói bông nói đùa dù với những bạn gái Mỹ rất thân cùng sở. Nhiều lần Miện ngồi quan sát Sharon nói chuyện với các bạn trai gái trong phòng ăn. Chính những lúc đó, Miện mới nhận được thực chất và tính tình nàng. Các bạn nàng quơ chân múa tay, cười ngặt nghẽo khi nói, rũ rượi khi nô đùa, ôm vai bá cổ bất kể bạn nam hay nữ. Trái lại, dù vui tột độ, Sharon cũng điềm đạm nhếch đôi môi tươi mọng, lộ hai hàm răng trắng đều, cười vui.
Phần Sharon, nàng tâm sự với Miện, anh là thần tượng của nàng. Những buổi liên hoan trong sở, Miện không hút thuốc, không uống rượu mạnh. Anh cầm một lon bia từ buổi khai mạc đến lúc tiệc tàn. Những điệu nhạc du dương cũng như thác loạn không sao kéo được anh ra sàn nhảy, dù anh nhảy rất giỏi. Sharon biết anh đoạt chức vô địch nam trong cuộc thi khiêu vũ tại trường Đại học. Khi chỉ có hai người bên nhau, Miện nói cho Sharon biết nhịp bước không xuất sắc lúc Sharon cùng các bạn quay cuồng trong điệu luân vũ. Miện dẫn giải và biểu diễn cho Sharon xem những bước Tango bay bướm, những nét tuyệt kỷ của Valse quý phái, nhịp nhàng và lả lướt, điệu Boléro thanh thoát mà đầy cuồng nhiệt... Nhiều lần Sharon vặn hỏi tại sao Miện không nhảy, anh chỉ cười, không trả lời. Có bận ngồi nói chuyện trong giờ nghỉ giải lao, Sharon cho rằng tâm trí nàng rất yếu đuối trước Miện. Dù thân thể nàng cao to nhưng nàng cảm thấy mình nhỏ bé khi đối diện trước Miện, luôn luôn cần Miện che chở. Lòng nàng lúc nào cũng nể nang, kính trọng Miện. Kiến thức Miện rộng. Tầm nhìn Miện bao quát. Phán đoán Miện nhạy bén. Và, quyết định Miện hợp lý. Nhìn Miện, đôi lúc Sharon mường tượng đến ba nàng, một người mà nàng hết sức khâm phục. Ba nàng và Miện nói chuyện cả buổi với nhau chưa hết ý. Họ tâm đắc mọi lĩnh vực. Có thể vì vậy, Sharon quyến luyến Miện không rời.
Tết Việt Nam vừa qua, Miện mời Sharon đến tham dự buổi văn nghệ và trình diễn áo dài thời trang tại Hí Viện Aragon, đường Lawrence, Chicago. Suốt buổi diễn, Sharon không ngớt ca ngợi các điệu múa nón, các màn trình diễn áo dài ba miền. Những tà áo dài đặc trưng truyền thống dân tộc đã vẽ lên một bức tranh đầy màu sắc mà đối với Sharon, là cả một thế giới huyền bí. Dù không hiểu lời hát câu hò, (nhưng) Sharon đã say mê những vạt áo tươi mát, những thân hình dịu dàng, tha thướt theo nhịp nhạc.
Miện nhớ Sharon thầm thì bên tai anh:
– Các cô gái Việt Nam xinh quá. Thân hình thon nhỏ, đẹp vô cùng.
Miện đùa:
– Muốn mặc áo dài phải ít ăn và nhịn ăn, thân hình mới thích hợp. Mập phì, mặc áo vào chật ních như đòn bánh. Xấu lắm.
– Miện thích các cô gái đó không?
– Tôi chỉ thích các tà áo dài.
– Tại sao anh không thích họ ?
– Vì tôi chỉ thích một mình Sharon...
Sharon nhoẻn miệng cười...
Phần trình diễn chấm dứt. Miện mời Sharon đến quán cà phê trên đường Broadway giải lao.
Sharon tò mò muốn biết ý nghĩa, nội dung buổi văn nghệ. Nàng cho rằng âm điệu lời ca giọng hát líu lo như chim hót, lên bổng xuống trầm. Ngay khi chuyện vãn với nhau, người Việt Nam nói như hát. Miện cắt nghĩa cho Sharon nghe. Tiếng Việt Nam có âm hưởng sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng. Tự nó cũng là nhạc rồi. Nếu phát âm chuẩn xác, mỗi câu nói là một điệu du dương, nhẹ nhàng. Nhiều nhạc sĩ chỉ cần một đoạn thơ, đã phổ thành đoản khúc bất hủ. Thơ là nhạc và nhạc là thơ. Miện tỏ ra rất hãnh diện tiếng nước mình. Nó hết sức phong phú. Miện hứa nếu có thì giờ sẽ trình bày cặn kẽ cho nàng rõ. Bàn tay Sharon đỡ cằm Miện. Nàng mở to mắt nhìn Miện như cô học trò bé bỏng ngồi nghe thầy giảng bài.
Sharon ngỏ ý may áo dài. Miện nói ít nhất nàng phải tụt cả chục cân, mặc mới đẹp. Nàng không mập lắm nhưng hơi đẫy đà. Sharon hứa sẽ giảm cân. Miện cao 5' 9" (1m 79). Lúc Sharon đứng thẳng, mắt nàng ngang miệng anh. Cũng vì muốn mặc áo dài, nàng không ngần ngại kiêng ăn, tập thể dục và bơi lội. Ba tháng sau, nàng yêu cầu Miện dẫn chọn mua vải và đi may áo dài. Nhất định khi đến thăm gia đình Miện, nàng sẽ mặc áo đó...
Thế mà giờ đây, Miện chưa thuyết phục được bố mẹ.
Buổi cơm chiều, Miện lặng lẽ ngồi ăn. Lòng anh cứ nghĩ vẩn vơ. Miện sẽ nói làm sao với Sharon ? Không lẽ bảo bố mẹ anh không đồng ý cho anh kết bạn với một cô gái người Mỹ ?
Tưởng đến đôi mắt to đẹp, màu xanh ngọc bích long lanh lệ buồn, Miện bùi ngùi. Sharon dù sao cũng còn là một cô gái trẻ. Trẻ người lẫn trẻ tâm tính. Đôi khi Sharon không tránh khỏi cử chỉ làm nũng. Một thứ làm nũng ngây thơ mà mỗi lần nghĩ đến, lòng Miện lâng lâng, dạt dào khó tả.
Thấy Miện lặng lẽ ăn, bố Miện nghiêm khắc:
– Con đừng bao giờ suy nghĩ nông cạn. Bố mẹ chỉ có một mình con. Nay con đã khôn lớn, công ăn việc làm vững chắc, bố mẹ rất hài lòng. Đó là điều quan trọng của cuộc đời, của tương lai. Con đã đạt được kết quả. Còn những chuyện khác từ từ hượm tính.
Miện thở dài:
– Nhưng con đã hứa mời Sharon đến thăm gia đình mình. Con không muốn thất hứa. Chắc bố mẹ biết tính con. Bố đã dạy con thất hứa là điều thô bỉ.
Mẹ Miện chen vào:
– Sao con không hỏi ý bố mẹ trước... Nếu là con gái Việt Nam, bố mẹ còn khuyến khích con thêm. Đàng này... mẹ rất sợ các cô gái Mỹ con ạ.
Miện biện bạch:
– Tuy là người Mỹ nhưng Sharon rất thuần đạo lý Việt Nam.
Bố Miện hỏi:
– Sao con biết ?
– Đôi lần con đến thăm gia đình Sharon. Ba Sharon trước đây tham chiến ở Việt Nam. Ông rất khâm phục sự cần cù, thông minh và nhẫn nhục của dân ta. Ông dạy Sharon nghiêm khắc không thua bất cứ gia đình Việt Nam nào. Ngoài giờ làm việc ở sở, cô ấy phụ giúp má cô dọn dẹp, hút bụi nhà cửa, lo cơm nước, đem quần áo đi giặt. Cô ấy luôn luôn quấn quít bố mẹ. Không bao giờ đi ra phố mà không có bố hoặc mẹ theo. Cô ấy đâu thua gì các cô gái Việt Nam hở mẹ ?
Mẹ Miện dịu giọng:
– Mẹ rất sợ các cô dâu người Mỹ. Tụi nó không động móng tay. Không bao giờ tụi nó vào bếp phụ nấu ăn. Ăn cơm xong, mặc kệ mẹ chồng dọn dẹp, rửa chén bát. Tụi nó không tròn bổn phận dâu thảo mẹ hiền, không biết chiều ý mẹ chồng, không dễ dàng nghe mẹ chồng sai bảo như con dâu Việt Nam. Khi sanh con đẻ cái, tụi nó không ấp ủ, nâng niu con cái mà vứt con cái vào phòng riêng. Con cái khóc la cứ mặc kệ, khóc mệt lả thì ngủ. Mẹ làm sao chịu nổi cháu nội mình khóc khản cả tiếng. Tụi nó chỉ hậu đậu [?], đánh trống bỏ dùi. Nếu không thì cũng “nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư”...
Miện dứt khoát:
– Con đoan chắc với mẹ cô ấy không trây lười, không hỗn láo, không...
Mẹ Miện ngắt:
– Thôi được, mẹ cho phép cuối tuần này nó đến đây thăm. Còn sau đó, bố mẹ hẵng tính.
Miện ngỏn nghẻn cười và rời bàn ăn. Anh chỉ mới ăn lưng bát cơm.
Trời cuối tuần đẹp như lòng Miện đẹp. Anh thấp tha thấp thỏm nhìn đồng hồ, lại nhìn ra cổng.
Ánh nắng vàng sậm. Tiết thu se lạnh. Bầu trời cao trong vắt. Miện đi ra hàng hiên rồi lại đi vào. Đi vào rồi lại đi ra. Anh ngửng nhìn trời, cười một mình.
Điện thoại reo. Miện vội vàng chạy vào nghe. Người bạn thân từ Cali gọi sang. Miện cuống quít vì bạn nói cà kê dê ngỗng.
Mẹ Miện tiến ra ngõ khi có người nhấn chuông. Bà ngỡ ngàng thấy một cô gái mặc áo dài màu thiên thanh. Bà quan sát cô từ đầu đến chân. Tóc dài màu vàng mượt mà phủ đôi vai thon tròn. Môi đỏ tự nhiên lồng lộng trên khuôn mặt trắng hồng. Bà đã quen mắt với những mái tóc huyền ôm phủ bờ vai. Bà đã thầm hài lòng với những suối tóc thề đen nhánh buông lơi trong gió. Trước mắt bà giờ đây cũng mái tóc thề nhưng lại là màu vàng tươi. Những sợi tóc óng ả, mềm mại tô màu hài hòa trên nền áo xanh da trời, trông rất thanh thoát và rất duyên dáng. Một cảm giác mạnh tràn ngập lòng bà. Bà ngước mắt nhìn tận mặt cô gái. Bà thấy làn lông măng tơ thật mịn phủ gò má hây hây hồng vì tiết trời lành lạnh. Đôi mắt như có ma lực lôi cuốn bà.
Sharon cười. Hàm răng thật đẹp, thật trắng, thật bóng:
– Chau ba à.
Mẹ Miện đứng phỗng. Bà không hiểu cô gái nói gì. Miện chạy ào ra. Cô gái lập lại một lần nữa. Miện nhanh nhẩu giải thích:
– Cô ấy nói: “Chào bà ạ”.
Miện giới thiệu Sharon với mẹ. Anh hấp ta hấp tấp mời nàng vào nhà. Nhìn thái độ mất bình tĩnh của con, mẹ Miện cười thầm. Bà công nhận Miện có cặp mắt rất tinh khi chọn Sharon. Chính bà cũng không chê nàng điểm nào. Nhưng chỉ mới bề ngoài. Tính tình sâu kín làm sao ai biết được. Cái nết đánh chết cái đẹp. Đẹp đâu mài ra ăn được. Bà cần đứa con dâu ngoan, hiền, biết vâng lời bố mẹ chồng, chăm sóc chồng con chu đáo.
Sharon lại là người khác chủng tộc, khác phong tục tập quán, khác ngôn ngữ. Con bà đang yêu. Xấu xa nó cũng cho là tốt. Tồi tệ nó cũng khen hay. Lát nữa đây nói chuyện xong bà mới quyết định.
Tại phòng khách, bố Miện ngồi chỉnh tề ở sofa.
Sharon nghiêng mình, cúi đầu chào ông theo phong cách Á Đông. Thông thường khi gặp nhau, người Mỹ bắt tay và nói lời chào chứ không cúi đầu. Ngay dù con trẻ Việt Nam lớn lên tại Mỹ cũng như được sinh tại Mỹ, ít khi chúng khoanh tay cúi đầu chào người lớn tuổi. Nhiều đứa còn tỏ ra lấc cấc là khác. Bố Miện kín đáo đưa mắt nhìn mẹ Miện. Ông bà quan sát từng cử chỉ, lời nói của Sharon, xem phát xuất tự đáy lòng hay nàng màu mè, đóng kịch.
Bầu không khí tẻ nhạt. Mẹ Miện phải nhờ anh thông dịch mới hiểu hết ý câu chuyện. Lời nói của Sharon rõ ràng, thanh tao, không liếng thoắng. Cử chỉ Sharon khoan thai, tự nhiên mà lễ độ.
Mẹ Miện nói:
– Cô bé này mặc áo đẹp lắm. Mẹ cứ ngỡ một cô với tấm thân bồ tượng, sẽ làm mất vẻ trang nhã chiếc áo dài. Đâu ngờ cô ta cũng có nét thanh tú và sang trọng.
Sharon nhìn Miện. Anh dịch lại. Nàng tỏ lời cám ơn câu khen.
Sharon mặc loại áo dài chân phương, cổ cao vừa phải. Tà úp, eo thon, ngực nở. Quần “xoa” trắng vừa vặn, gọn gàng.
Sau khi hỏi han cặn kẽ thân thế, đời sống thường ngày, bố Miện cáo từ vào nhà trong. Đã lâu lắm, mẹ Miện mới được nhìn một người ngoại quốc mặc áo dài Việt Nam. Năm 1973 nhân ngày Quân Lực, bà theo ông dự buổi tiếp tân được tổ chức tại một Câu Lạc Bộ Sĩ Quan. Tại đây, bà từng trầm trồ nét duyên dáng của các phu nhân người ngoại quốc trong chiếc áo dài đắt tiền. Nhưng so với Sharon hiện giờ, sự trầm trồ đó tưởng chừng vô nghĩa, phí lời. Quả thật thân hình Sharon tuyệt hảo. Những đường cong hấp dẫn tạo chiếc áo thêm dáng đẹp. Chính bà, bà cũng thấy xao xuyến huống chi Miện. Chiếc áo dài đã từng gây cho bà nhiều ấn tượng. Bất cứ nơi nào trên thế giới, trông thấy áo dài nón lá, người ta hình dung ra ngay một thiếu nữ Việt Nam duyên dáng. Nói đến thời trang Việt Nam, không sao không nhắc đến nón lá áo dài. Biểu tượng nón lá áo dài với phái nữ Việt Nam đã gần gũi, gắn liền và kết chặt như hình với bóng.
Bà nhớ lại thuở còn con gái đi học, bà chuộng áo dài cổ cao. Cũng có loại cổ thấp, cổ hở kiểu bà Ngô Đình Nhu. Tiếp đến phong trào áo dài tay Raglan. Rồi giai đoạn áo dài Mini mà một thời các cô tuổi trẻ mê thích. Quan niệm bà cho rằng những biến cách vát tà, xẻ vạt, tay phùng, tay ráp khiến chiếc áo dài cổ truyền đâm ra cầu kỳ, mất giá trị truyền thống.
Áo dài gợi bà nhiều kỷ niệm êm đềm bên ông. Lần đầu tiên gặp ông tại trường Trường Sơn, đường Lê Văn Duyệt Chợ Đũi Saigon, bà thi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp, học hè thêm. Ông luyện thi Tú Tài II. Bà vừa xuống xe đạp vào cổng trường, vạt áo dài bị gió bay, cuốn vào “giây sên và ru-líp” xe đạp. Ông đi bộ trờ tới, gỡ giùm bà. Tay ông dính đầy mỡ đen.
Tình yêu học trò đến với hai người như những trang thơ tuyệt diệu ướp đầy cánh phượng. Sau ngày đính hôn, ông bà được cha mẹ đôi bên cho phép ra phố. Bà luôn mặc áo dài vì ông thích thế. Ông bà vào khu chợ vải Bến Thành, vào các tiệm vải người Ấn Độ ở đường Ngô Đức Kế quận I. Ông mua cho bà những xấp vải màu sắc tươi mát, chuẩn bị cho ngày thành hôn.
Biết bao nhiêu ngày, vợ chồng sống tràn trề hạnh phúc và giây phút hân hoan khi Miện ra đời...
Kỷ niệm ăm ắp tràn về. Bà hồi tưởng hạnh phúc của mình rồi nghĩ đến hạnh phúc của con. Mặc cảm dần dần biến mất. Bà không còn thấy khó chịu chờ đợi Miện dịch buổi nói chuyện. Giác quan một bà mẹ nhiều kinh nghiệm đời khiến bà xiêu lòng trước niềm vui của con, trước hạnh phúc của con mà cũng của chính bà.
Sharon đứng dậy cáo từ ra về. Mẹ Miện vào nhà trong mời chồng ra. Miện nhìn bố mẹ thăm dò. Suy nghĩ thật lâu, mẹ Miện gật đầu:
– Ban nãy mẹ hỏi ý bố. Bố nhận xét cũng như mẹ. Sharon mặc áo dài đến thăm chứng tỏ nó quý mến con, tôn trọng gia đình và dân tộc Việt Nam. Mẹ rất tự hào, hả hê và thỏa mãn tự ái. Vẫn còn có người quí trọng mình chứ không khinh khi một dân tộc mất nước. Mẹ cảm động lắm. Con là con trai, con không cảm nhận được sự tế nhị, sâu sắc của nó. Trời rét như vầy, thế mà nó không e ngại mặc áo dài mỏng manh để tỏ lòng ngưỡng mộ những người nó đến thăm. Bây giờ bố mẹ để con trọn vẹn toan tính cuộc hôn nhân này.
Về tính tình của nó, bố mẹ nghe con nói vậy thì biết vậy. Một ngày, một buổi không thể nào xác định được lòng người – nhất là người con gái. Thương con, bố mẹ chiều con, tất cả vì con. Mai sau cháo khê cơm nhão, kho nhạt canh mặn, con không trách bố mẹ được. Chính con chọn lựa và chính con quyết định.
Lòng Miện sung sướng lẫn rưng rưng. Anh thương bố mẹ vô cùng...
Miện tiễn Sharon. Sharon vô tư nhìn Miện:
– Trông anh có vẻ vui quá.
Miện thở phào nhẹ nhõm:
– Bố mẹ anh okay em rồi.
– Nghĩa là sao ?
Miện nắm tay Sharon:
– Ông bà đồng ý cho chúng ta tìm hiểu thêm để tiến đến hôn nhân. Gia đình anh không khắt khe, không phong kiến nhưng anh luôn luôn tôn trọng ý kiến bố mẹ anh và bố mẹ em trong việc lập gia đình.
Miện giải thích cho Sharon biết phong tục tập quán Việt Nam. Đời người chỉ có một lần vui trọng đại. Việc kết hôn tốt hơn hết nên có sự ưng thuận của cha mẹ đôi bên. Sau đó là lễ hỏi rồi lễ cưới, hai người mới sống hợp pháp. Sharon và Miện muốn lập gia đình với nhau cũng phải qua các giai đoạn đó. Cha mẹ hai bên sẽ gặp nhau để bàn bạc, tổ chức ngày vui nhất cho các con.
Quan niệm người Mỹ chấp thuận “single mother”, người đàn bà có con mà không cần có chồng. Phong tục, nền luân lý Việt Nam không chấp nhận điều này. Giữa thập niên sáu mươi, quân đội Hoa Kỳ và đồng minh ào ạt vào Việt Nam tham chiến, đã mang theo mầm mống thác loạn. Xã hội đảo lộn. Đạo đức suy đồi. Tôn ty trật tự quay cuồng. Tuy vậy, trong làn sóng văn minh ngả nghiêng đó, phần lớn gia đình Việt Nam vẫn giữ trọn lễ giáo, đạo đức và luân thường.
Sharon tán đồng quan điểm của Miện. Nàng cũng muốn Miện và nàng đi trên đoạn đường sáng sủa đầy hương vị hoa thơm cỏ sắc nhưng thực sự trong khuôn phép. Thâm tâm nàng không thích tình yêu hai người hoen ố bởi những sai lầm nông nổi của tuổi trẻ. Nàng đã giữ tấm thân băng trinh đến ngày nay. Nàng sẽ không vì đam mê mà đi sai chệch tâm nguyện của ba má nàng. Nhất định nàng không giống đa số bạn bè gái sống buông thả trong tình trường.
Sharon vô tình không biết Miện vừa trải qua cơn thử thách cam go của gia đình. Thấy Miện vui, nàng cũng vui lây.
Hai người tiến về chiếc xe Sharon đậu bên lề đường .
Gió thu nhè nhẹ. Lá vàng bay lả tả như rải thảm đón mừng đôi lứa.
Miện không ngờ mình có diễm phúc được một cô gái trong trắng, mỹ miều và dịu dàng, dễ thương. Sự phấn đấu trong cuộc sống, sự cố gắng trong nghề nghiệp của một thuyền nhân, của công dân một nước nghèo đói, chậm tiến đã khiến người ngoại quốc khâm phục. Phần thưởng đó là gia đình Sharon và quan trọng hơn hết chính là nàng. Sharon thích Miện như nhà thơ thích mùa thu, với nắng hanh vàng nhuộm lối nhỏ đường về, như họa sĩ yêu màu sắc hài hòa trước bức tranh quê bảng lảng ráng chiều, như nhà văn trầm lặng trước người đẹp phô diễn đường nét kiêu sa trong điệu múa uyển chuyển. Các văn nghệ sĩ yêu thiên nhiên với tâm hồn lãng mạn, Sharon cũng yêu Miện nhưng với mối tình chân chất, hồn nhiên và trong trắng.
Miện ngất ngây trước vẻ đẹp tự nhiên không son phấn của nàng. Mùi thơm từ tóc Sharon toát ra chẳng phải do nước hoa hảo hạng. Mùi thơm từ da thịt Sharon thoang thoảng không vì mỹ phẩm đắt tiền. Tất cả là mùi thơm của người con gái trinh nguyên. Miện nhớ một lần đọc quyển “Chuyện Lạ Đàn Bà Thế Giới”, sách mô tả mùi thơm đặc biệt này. Hàng ngàn người nữ mới có một người có tuyến mồ hôi tiết ra mùi thơm ngan ngát thay vì mùi mồ hôi dầu, mồ hôi muối...
Miện thầm nghĩ giá thi hoa hậu áo dài, Sharon sẽ đoạt vương miện. Nếu thi hoa hậu Illinois, chắc chắn Sharon của Miện được vào vòng chung kết. Anh nói ý nghĩ mình cho Sharon nghe. Sharon ngước nhìn Miện. Cái nhìn đắm đuối, chan chứa thương yêu.
Nhìn quanh không thấy bóng dáng ai, Miện đánh bạo ôm Sharon. Sharon dừng bước. Đôi mắt nàng mở to, ngạc nhiên nhìn Miện. Miện hôn Sharon, nàng run nhè nhẹ. Đôi môi tươi mọng bất thần tận hưởng giây phút đê mê đầu đời. Chân nàng bủn rủn, đứng không vững. Nàng níu chặt Miện tựa hồ trao gửi tâm hồn giao động, cơ thể đắm say lúc ấy cũng như cuộc đời chứa chan hạnh phúc mai sau.
Một cơn gió thoảng qua. Vài lọn tóc dài quàng cổ Miện. Vạt áo mềm mại cài chân Miện. Vật vô tri như muốn hai người mãi mãi bên nhau.
Gió vẫn thổi nhè nhẹ... Lá thu vẫn rơi rơi... Sharon vẫn run run trong vòng tay người tình…■

Không có nhận xét nào: