Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

NGƯỜI BẠN VONG NIÊN (Kỳ 3)

NGƯỜI BẠN VONG NIÊN (Kỳ 3)
Thái Quốc Mưu

Sau năm 1930, phong trào “nông dân nổi dậy” đã đánh dấu ngày tàn của Hai Thọ. Không phải vì điền sản bị phân chia mà vì cả hai vợ chồng đều thấy có triệu chứng bệnh cùi (14). Vừa đau đớn, vừa xấu hổ nên họ vào ẩn cư ở một xóm nhỏ trên bờ sông Trèm Trẹm. 
- Sao họ phát cùi vậy anh? 
- Hai Thọ nghĩ rằng người tá điền nào đó hận thù gia đình nó nên “thuốc” để trả thù hành vi ác độc của ông già nó đối với họ nhưng mà theo tui nghĩ, có lẽ đó là do hậu quả của một thời trác táng của Hai Thọ. Song hết thảy đều là đoán mò, trật lất. Sự thật là Út Tiên có sẵn dòng máu cùi trong người. Chú biết mà, hầu hết người con gái nào mang dòng máu cùi trong người thì dung nhan rất đẹp đẽ, đôi má luôn luôn hồng hồng khêu gợi. Đặc biệt là máu dâm kèm theo. Bà Tư của lão Hoành bước vào làng chơi là do dòng máu đó nhưng Út Tiên là người khôn ngoan, có học nên biết nghĩ đến tương lai u ám của mình. Nếu cô ta cứ sống kiếp giang hồ thì khi cuộc đời về chiều mà nhất là khi bệnh cùi bộc phát thì đời cô sẽ “tiêu tùng xíu quách” (15), chỉ có nước đi xin ăn. Vì vậy, cô ta mới bằng lòng nhận lão Hoành, một lão già lớn hơn cô ta tới ba con giáp, mần chồng trong khi cô ta còn xuân sắc biết bao kẻ thèm thuồng.
Tôi lại hỏi:
- Em nhớ hình như xóm Trèm Trẹm trước kia ở...
Ông Ba cướp lời tôi:
- Đúng rồi! Nằm cách đây (cách ấp 3), khoảng hơn một giờ chèo xuồng. Nói là xóm là hồi trước kia kìa chứ bây giờ là rừng tràm nước ngập lúp xúp. Chiến tranh liên miên, người dân ở đó, họ đi tứ tán hết. Bây giờ, giả sử họ đứng trên nền nhà cũ của họ, họ cũng hổng biết đó chú! “Thương hải biến vi tang điền” là vậy phải hông chú? Ở đó chỉ có hai vợ chồng Hai Thọ, đầu bạc răng long, tay chân lở loét. Họ sống trong ngôi nhà nhỏ như hai cái bóng ma!
Ông Ba chép miệng:
- Cái kiếp nhân sinh nghĩ cũng thảm thương!
Đoạn ông thở dài, nét mặt dàu dàu. Tôi cũng cảm thấy cái buồn len vào lòng khi nghĩ đến cuộc đời tạm bợ nầy!
Tôi hỏi:
- Ở như vậy, họ sống bằng cách nào? Anh!
- Việc đó chú khỏi lo. Như đã nói, Út Tiên đã tính được nước cờ của mình. Họ sống mấy đời cũng không hết.
- Thế còn cô Ba Hưởng thì sao?
Ông Ba trầm ngâm một lát mới trả lời:
- Ba Hưởng là một phụ nữ tiến bộ, giàu lòng nhân ái. Một buổi sáng, cô mời Năm Văn vào phòng cô, rồi nói:
"- Việc đại sự mà sao anh hớ hênh vậy?
Trong khi Năm Văn tròn xoe đôi mắt thì cổ (16) tiếp:
- May mà tôi gặp, nếu chẳng may ai thấy thì tính mạng anh không còn. Khuya hôm qua, anh mần gì trong phòng?
Cô Ba Hưởng càng nói thì mặt Năm Văn càng tái mét. Sau đó, ba Hưởng xuống giọng:
- Tôi hỏi thiệt mà anh cũng phải nói thiệt cho tui nghe… hông! Anh làm quốc sự (17) bao lâu rồi?
Năm Văn cúi mặt đáp:
- Dạ! Mấy năm nay rồi cô Ba.
Cô Ba Hưởng cười duyên dáng:
- Ngoài việc để tâm trí vào chuyện quốc sự, anh còn nghĩ gì khác nữa không?”
- Dạ! Tôi nghĩ đến cô Ba. Tôi nghĩ về con người nhân ái của cô Ba.
- Có vậy thôi sao...?
- Dà! Dà!...
Cô Ba Hương thở dài:
- Tôi biết anh nói dối. Tôi cũng biết anh thương tôi mà không dám nói. Có lẽ vì anh ngại thân phận tôi đòi của mình nhưng lòng tôi không khi nào nghĩ về người chồng tương lai của mình phải có thật nhiều tiền bạc hay giàu có. Điều đó đối với tôi không quan trọng. Không phải vì tôi đang sống trên nhung lụa hay trên đống vàng. Tôi nghĩ con người cần phải có đức tính cao quý đối với con người, nhất là trong hôn nhân, tình yêu phải trên hết, những thứ khác chỉ là thứ yếu. Khi yêu nhau, người ta chấp nhận tất cả, đôi khi còn phải chấp nhận đối phó với hoàn cảnh cay nghiệt nhất để được gần nhau, sống bên nhau cho hai con tim cùng hòa nhịp thở.
Bỗng cô đổi giọng:
- Anh làm quốc sự mà tính khí hèn yếu như vậy thì không thể mần nên đại sự.
Năm Văn thấy tự ái bị va chạm nhưng giọng không khỏi ấp úng:
- Thưa cô Ba, làm quốc sự thì khác, còn chuyện tình cảm thì khác. Hai thứ đó không thể sánh nhau đâu! Với thực dân Pháp - kẻ thù của dân tộc mình, những người làm quốc sự như chúng tôi không bao giờ khiếp sợ. Nhưng với cô Ba, không hiểu sao cứ mỗi lần gặp cô, muốn nói với cô điều gì thì tim tôi đập loạn xạ lên. Thiệt tình tôi rất quý trọng cô Ba, thương yêu cô Ba nhưng bảo nói với cô Ba những điều đó thì tôi không dám.
Cô Ba Hưởng cười dễ dãi:
- Tôi biết! Tôi nói ra điều nầy không khéo người ngoài nghe được sẽ bảo “trâu tìm cột, chớ thuở đời nào cột lại tìm trâu.” Từ lâu, tôi biết anh có nhiều tình cảm đặc biệt với tôi. Dầu anh không nói ra nhưng qua ánh mắt, cử chỉ của anh, tôi đều biết. Chẳng dấu gì anh, cứ mỗi lần thấy anh nhìn tôi như vậy, lòng tôi cũng xao xuyến rung động. Lâu dần, tôi thấy thèm ánh mắt ấy của anh và tôi biết mình đã thương anh. Tôi nói bằng sự thật lòng mình. Anh có khinh tôi không?
Năm Văn hoảng hốt:
- Dà! Dà…! Không bao giờ tôi dám khinh cô Ba đâu! Cám ơn cô Ba đã nghĩ tới thân phận thấp hèn nầy.
Cô Ba Hưởng mời gọi:
- Anh lại học tính khách sáo ở đâu đó rồi! Anh Năm Văn, tại sao anh không dám chứng tỏ tình yêu của anh trước người con gái đã nói tiếng thương anh? Anh ngại gì?
Bị Ba Hưởng tấn công bất ngờ khiến Năm Văn cuống quýt:
- Không! Thưa cô Ba, tôi không ngại gì cả. Tôi còn trách nhiệm với tổ quốc.
Cô Ba Hưởng tiếp:
- “Tổ quốc là của cả dân tộc, chẳng phải riêng của một cá nhân hay của một tổ chức, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo nào.” Trong đó, (rồi bỗng nhiên cô đổi cách xưng hô) em cũng có phần trách nhiệm, chớ chẳng riêng gì anh. Trong tình yêu, khi chúng ta cùng chung nhìn về một hướng, cùng có một lý tưởng với nhau thì tình yêu càng gắn bó, càng dâng cao.
Anh đừng tưởng chỉ có bọn mày râu như các anh mới làm được việc lớn lao. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn những tấm gương oanh liệt của các bà Trưng, Triệu anh không biết sao?
Năm Văn mừng rỡ, hắn tiến gần sát người cô Ba Hưởng, để hai tay lên đôi vai mềm mại của cô:
- Anh để ý thương em vì lòng phúc hậu chứ không vì nhan sắc của em mặc dầu em rất đẹp, đẹp từ trong ra ngoài. Việc em lén lút cho người cung cấp tiền bạc nuôi dưỡng cha mẹ hai vợ chồng Tư Cung làm anh rất xúc động và càng quý trọng em nhiều hơn. Em là một trái ngọt trên cây đắng.
Những người thân của em là những con ác quỷ trong xã hội loài người. Anh xin lỗi em vì đã nói những lời ấy. Anh đã tính kỹ rồi, nếu được em đáp lại tình yêu của anh, chúng mình sẽ cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới. Một cuộc sống trong đại gia đình xóm làng biết thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau để chúng ta chuộc lại phần nào lỗi lầm do cha, anh chúng ta đã gieo rắc từ bấy lâu nay.
Cô Ba Hưởng thổn thức vì cảm động:
- Anh nói đúng. Chúng ta phải làm điều đó. Nếu chúng ta không làm được chuyện ấy thì chúng ta không thể làm được việc lớn lao hơn. Chúng ta bắt tay vào việc ấy ngay từ giờ phút nầy, không cần phải chờ đến sau ngày cưới nhau.
Năm Văn vui sướng vô cùng, hắn ôm chặt vòng lưng thon nhỏ của cô Ba Hưởng để tỏ lòng yêu thương lẫn tôn phục.”
Đặt ly rượu xuống, ông Ba nhìn tôi tiếp:
- Từ đó, những người tá điền cùng cực ở ấp 3 nầy được vợ chồng Năm Văn chiếu cố đặc biệt, họ tự chia cắt phần ruộng đất của mình cho những gia đình nghèo khổ nhất. Những tá điền khá hơn một chút, họ chỉ lấy phần nhỏ lúa ruộng tượng trưng. Những ai khá giả thì được cô Ba Hưởng bán đất cho trả dần. Đời sống người dân ở đây thay đổi hẳn. Sau “Ngày nông dân nổi dậy”, biết bao điền chủ độc ác bị tán gia bại sản, có kẻ còn bị giết chết. Chỉ có vợ chồng Năm Văn vẫn bình an vô sự. Họ sống an nhàn trong ngôi nhà ba gian hai chái với đâu hơn mươi mẫu ruộng làm kế sinh nhai. 
Kể một hơi dài đến đây, chợt ông Ba ngập ngừng, giọng trở nên xúc động:
- Nhưng trời già cay nghiệt, nỡ phụ lòng nhân từ của người có đức. Cô Ba Hưởng mất vì bị làm băng (18) sau khi sanh đứa con thứ tư. Bệnh không ngặt nghèo lắm, không đến nỗi vong mạng, nếu thuốc thang đầy đủ. Nhưng chú biết mà, thời đó, vùng nầy xa xôi hẻo lánh...
Tôi nín lặng, cảm thông với nỗi buồn của ông. Người quá cố chắc đã cho ông nhiều ân nghĩa.
Ông Ba tiếp giọng nghẹn ngào:
-  Đám tang cô Ba, tá điền ở đây và các nơi khác quy tụ về cả ngàn người. Họ tự động để tang cô. Họ thành tâm tưởng nhớ người đã cứu vớt họ thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Tôi liếc sang, thấy trên má của ông Ba long lanh hai dòng lệ. Tôi tìm lời an ủi:
- Có thể giờ đây, hương hôn cô Ba Hưởng đang ở một nơi nào đó, chắc sẽ thanh nhàn hơn cõi trần tục nầy. Và chắc cô cũng mỉm cười sung sướng vì biết còn có những tấm lòng nghĩ đến cô.
Ông Ba lau nước mắt, lại than thở sau tiếng thở dài:
- Lão trời già thật cay nghiệt, không buông tha cho người nhân hậu, khi cô Ba Hưởng chết rồi thì Năm Văn cũng chết theo.
Tôi sững sờ, hỏi:
- Ông Năm Văn sao chết vậy anh?
Ông Ba nghẹn lời:
- Trong một chuyến sang sông thăm một người tá điền cũ bị bệnh nặng, Năm Văn bị xuồng chìm trong vùng nước xoáy...

***
Hai mươi năm sau.
Hai mươi năm trôi giạt xứ người. Mái tóc tôi đã pha màu sương tuyết. Một hôm, tôi trở về thăm quê hương, nhớ lại người bạn vong niên, tôi quyến định tìm về ấp 3 để thăm viếng ông Ba. Mặc dầu với tuổi đời, tôi tin rằng ông Ba khó thể còn sống được. Nếu quả vậy, ít ra tôi cũng viếng được mộ phần của người bạn già đáng kính đó.
Hai mươi qua, cuộc đời biết bao thay đổi thăng trầm nhưng ở vùng quê nầy, tôi cũng không khó khăn tìm lại ngôi nhà của người bạn cũ.
Tôi đứng tần ngần trước ngôi nhà, lòng bồi hồi ray rức, ngôi nhà vẫn như xưa, tuy nét rêu phong đã phủ mờ màu khói đỏ. Vài bụi cỏ dại mọc trên mái ngói. Đầu hiên và trước sân nhà, từ trong lỗ ngói vài tổ chim se sẻ lòng thòng những cọng cỏ khô. Những con chim sẻ ríu rít bay là đà, khi chui vào tổ, lúc liệng trên không rồi đậu trên mái ngói.
Một người đàn bà xấp xỉ tuổi tôi, từ đâu bước tới, nhìn tôi trân trân rồi mừng rỡ kêu lên:
- Chú! Có phải chú là chú Út Toàn hông?
Tôi ngỡ ngàng:
- Tôi đây! Xin lỗi...
Người đàn bà đon đả:
- Chèn ơi! Chú về hồi nào? Con (19) là con Thiếu Phương nè. Chú quên con rồi sao chú?
- Trời đất! Chú không thể nào nhìn ra cháu!
Nói xong, nhìn đứa bé chừng bốn năm tuổi đang sợ sệt nắm tay Thiếu Phương, tôi hỏi:
- Con của cháu phải không? Đứa thứ mấy rồi?
Thiếu Phương cười, đáp:
- Thằng nhỏ nầy là cháu nội của con. Nó là con đầu lòng của thằng thứ ba đó chú. Mời chú vô nhà mình!
Một cảm giác đi vào lòng tôi. Ở quê, đời sống, tính tình con người rất bình dị. Họ thật thà chất phác và răm rắp tuân theo lễ giáo của ông bà, cha mẹ. Tôi còn nhớ, Thiếu Phương là người con thứ ba (20) của ông Ba. “Nó” bằng hoặc nhỏ hơn tôi một tuổi là quá mức. Vậy mà khi nói chuyện với tôi, một điều chú, hai điều con. Thật ra, cách xưng hô như vậy, lâu rồi đã không còn làm tôi ngượng ngùng. Điều làm cho tôi nghĩ là trên dải đất thân yêu của chúng ta ngày nay còn được mấy nơi giữ gìn được nền phong hóa tốt đẹp ấy?
Tôi nhìn gian giữa của ngôi nhà, trên bàn thờ, tấm ảnh bán thân của ông Ba đang nhìn tôi mỉm cười. Có lẽ ông hài lòng vì còn có thằng em biết nghĩa tình đến thăm ông. Cũng như khi xưa, khi kể chuyện về lão Hoành cho tôi nghe mà ông nhỏ lệ khóc vợ chồng cô Ba Hưởng.
Tôi hỏi Thiếu Phương:
- Ba cháu mất bao lâu rồi? Ảnh (21) đau sao vậy cháu?
Thiếu Phương buồn bã:
- Sau khi chú giã từ gia đình con ra đi. Ba con vẫn thường hay nhắc chú. Mỗi lần nhậu, ba con đều biểu tụi con phải dọn thêm phần chén đũa và ly rượu cho chú. Ba con nói, “làm như vậy để lúc nào tao cũng nhớ chú Út tụi bây!”
Tôi thấy mắt mình cay xè. Tôi thật không ngờ người anh kết nghĩa với tôi lại trọng nghĩa tình và thương tôi đến mức đó. Thiếu Phương cũng rơi nước mắt. Nó tiếp:
- Khi ba con lâm bệnh nặng, lúc nào ba con cũng nhắc đến chú, còn dặn tụi con sau nầy gặp chú phải kính trọng như lúc ba con còn sống. Trước khi nhắm mắt, ba con cũng gọi tên chú rồi hỏi một mình, “Út Toàn, chừng nào em về?”
Nghe Thiếu Phương kể xong, nước mắt tôi nhòa mặt, tôi bước đến bàn thờ thắp nhang quỳ lạy, chịu lỗi với người anh quá cố. Thấy vậy, Thiếu Phương òa lên khóc. Nó nghẹn ngào:
- Bây giờ chắc ở nơi chín suối, ba con cũng mãn nguyện rồi phải hông chú?
“Phải hông chú?” Từ miệng Thiếu Phương buông ra làm tôi thêm nhớ hình ảnh ông ba. Mỗi lần nói hoặc kể chuyện với tôi, ông Ba thường hỏi ba tiếng “phải hông chú?”
Tôi lại chợt nhớ câu chuyện giữa tôi và ông. Chúng tôi cùng luận về hai chữ “Tri kỷ”. Kẻ tri kỷ, khi chưa trả lời được câu hỏi của bạn mình cũng lấy làm khó chịu trong lòng:
Khi xưa, có hai người bạn sắp chia tay, người ở lại làm lươn để đãi người ra đi. Người ra đi hỏi:
- “Thịt lươn làm món gì ngon?”
Người ở lại chưa kịp trả lời thì tiếng người đưa thuyền thôi thúc. Người ra đi vội vã từ biệt. Người ở lại chưa kịp trả lời bạn, ấm ức trong lòng. Từ đó, ra vào buồn bã. Hai mươi năm sau - cũng hai mươi năm - hai mái đầu đã bạc, thoắt gặp nhau trên đất khách, người ở lại vội nói liền:
- “Thịt lươn nướng ngon lắm!”
Người ra đi ôm chầm lấy bạn, ngậm ngùi...
- Anh ba ơi! Ngày em ra đi, anh hỏi, “chừng nào chú trở lại?” Em chưa biết trả lời sao thì vội vàng từ biệt. Em thật có lỗi với anh. Hai mươi năm trôi giạt xứ người, trở về thăm quê hương, em về đây với anh thì anh đã thành người quá cố. Nay trước vong hồn anh, em xin bắt chước người xưa trả lời, “nay em đã về với anh.”

***
Ngồi trên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Krorea Airline trở lại Hoa Kỳ. Trong chuyến bay nửa vòng trái đất, tôi không tài nào ngủ được. Hình ảnh quê hương, tình cảm con người ở nơi chôn nhau cắt rốn đã làm cho tôi nghĩ tới cuộc sống, tình cảm của những đứa con xa lìa tổ quốc.
Ở đây, vật chất, tiện nghi, giờ giấc đã gậm nhấm lần mòn tất cả những gì cao đẹp của nền văn hóa quê hương để rồi đến một ngày nào đó, chính những con người có cội rễ nguồn gốc bây giờ sẽ chẳng còn biết quê hương mình ở phương trời nào, chẳng khác gì những người nô lệ da màu đến từ xứ Phi châu nghèo khó. Còn chăng, chỉ là mái tóc màu da...
Càng nghĩ, tôi thấy lòng mình càng se lại.
Tổ quốc ơi! Quê hương tôi ơi! Xin hãy nới rộng vòng tay thương xót chúng con. Hãy tha thứ chúng con, những đứa con trót xa lìa nơi chôn nhau cắt rốn, trót xa lìa đồng ruộng quê hương để trở thành những kẻ lang thang nơi xứ người và đang tiến dần trên con đường vong bổn.
________

Ghi chú:

1. Giạ: Đơn vị đo lường, dùng để đong các loại hạt. Làm bằng tole hoặc đan bằng tre. Dung tích từ 35 đến 41 lít, tùy địa phương. Miền Nam thường dùng giạ 41 lít, đôi khi có vùng dùng giạ đến 41.5 lít hoặc 42 lít (litre = 1dm3). (Xin nói thêm, dùng giạ giống như dùng “Chục”. Mỗi “chục” thông thường có 10 hoặc 12 đơn vị . Ở miền Nam, vài địa phương mỗi một chục đến 14 hoặc 16 đơn vị).
2 + 13: Cắn “gứt”: cắn rứt, đa số người miền Nam (ở các tỉnh miền Tây thì nhiều hơn) khi phát âm không phân biệt được chữ “R” với chữ “G” hoặc chữ “V” với chữ “D”. Họ dùng “G” thay cho “R”, dùng “D” hoặc “Dz” thay cho “V”. Chẳng hạn đi “guộng”, đi “gừng”, “con cá gô bỏ trong gỗ kêu gồ gồ”, hay  “Và với Dà” hoặc “Vậy với Dzậy”. Nhưng khi viết thì viết đúng những mẫu tự. Chẳng hạn, có người nói “cái biếp” nhưng khi viết, họ viết “cái bếp”. Giống như người miền Bắc chữ “L” với chữ “N” hoặc chữ “D” với chữ “R”. Ví dụ: “Xe nam neo nề (xe lam leo lề), mặc rầu (mặc dầu), trong khi vài địa phương miền Trung không phát âm đúng chữ “Ă”, súng bắn pằng pằng, họ nói súng bắn pèng pèng hoặc tét đèn = tắt đèn.
3. Cộ: Một dụng cụ chuyên chở nông sản, một loại “xe không bánh”. Có hai cây gọng dài, máng trên cổ trâu nhờ cái ách, chạy dài từ đó ra sau. Thành cộ được đóng thẳng ngay tên hai chiếc gọng. Khi trâu bò kéo đi, phần sau hai đầu gọng kéo lê trên mặt đất.
4. Lẫm: Như nhà bình thường nhưng vách làm chắc chắn, không để ở mà để đổ lúa vào chứa.
5. Bồ: Dụng cụ chứa lúa nhà nông, đan bằng tre, nứa. Rộng khoảng 1 mét trở lên, dài tùy ý muốn đường kính của bồ lớn hay nhỏ. Khi chứa lúa người ta dựng đứng chiều ngang lên, chiều dài cuốn thành vòng tròn rồi đóng nhiều cây cọc chung quanh phía ngoài làm sườn cho chắc chắn.
6. Sứ quân: Tướng lãnh hay quý tộc ngày xưa chiếm cứ một vùng đất tương đối làm lãnh địa riêng để tự cai trị mà không chịu ảnh hưởng bởi triều đình vua chúa.
7. Xiêm La: tên gọi cũ của Thái Lan ngày nay.
8. Phú Lang Sa: Thời đó gọi nước Pháp bằng Phú Lang Sa do chữ français.
9. “Đi ngoài” hay “đi đồng”: đi vệ sinh. Thuở ấy, người nông dân miền Nam thường đi bài tiết ở đồng ruộng.
10. Phảng: Dụng cụ phát cỏ, lát, lưỡi bằng thép, to bản. Lưỡi và cán phảng không nằm thẳng như gươm đao. Cán phảng cúp lại thành góc vuông.
11. Đường bà, đường ông: Đàn bà, đàn ông, lối nói thông dụng của người dân miền Nam thời đó.
12. Bà chè: Xương bánh chè, khớp xương có hình tròn dẹt ở đầu gối người.
13 + 2. Cắn gứt (xin xem 2 + 13 ở trên)
14. Cùi: Bệnh hủi =Một trong bốn chứng nan y trong ngành Đông y.
15. Tiêu tùng = chẳng còn gì. Xíu quách = xương có thịt của động vật được nấu rục lấy nước nấu phở, hủ tiếu.
16 + 21. Cổ, ảnh, chỉ, dĩ, dưỡng: Đại từ ngôi thứ ba, cách nói đơn giản của người miền Nam để chỉ cô ấy, anh ấy. chị ấy, dì ấy, dượng ấy…
17. Quốc sự: Làm chính trị. Ngôn ngữ miền Nam thời đó.
18. Làm băng: Sau khi sanh xuất huyết nhiều, không cầm lại được.
19: Con: Ở đây = Cháu, trong bài, từ dùng tự xưng, đại từ ngôi thứ nhất. Khi xưng hô trước những người có ngôi bậc ông bà, cha mẹ chú bác, cô dì, người miền Nam không xưng cháu mà xưng con.
20. Đây là đứa con sinh lần thứ hai. Miền Nam, đứa con sinh lần thứ nhất gọi thứ Hai.

Không có nhận xét nào: