Tổng hợp từ Internet
Ngày giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là
"Lễ hội Đền Hùng" là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền
thống của dân tộc nhằm mục đích tưởng nhớ đến công ơn các Vua Hùng đã có công dựng
nước.
Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất
quan trọng trong lịch sử dân tộc. Chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng
của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước. Ngày
nay, nhân dân ta lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ Tổ và cùng
nhau về thăm đền Hùng để tưởng nhớ đến cội nguồn, tổ tiên của dân tộc Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam có câu lưu truyền từ xa xưa:
'''Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
Khắp miền truyền mãi câu
ca
Nước non vẫn nước non nhà
ngàn năm”.
Câu ca dao
đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang
thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất
nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiệm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt
Nam.
Ngày
mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người
dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về
đâu, cũng tìm đường về chân núi Nghĩa Lĩnh thuộc tỉnh Phú Thọ để dâng hương hoặc
nếu không về được Đền Hùng thì thiết lập hương án để tưởng nhớ các vua Hùng đã
có công dựng nước.
Thời Hùng
Vương đã trở thành huyền sử, còn sót lại chăng chỉ còn là những tục ngữ ca dao
và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian nhưng ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn ăn
sâu vào tâm linh người Việt Nam. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ
phong kiến Bắc phương, tiếp theo là 1000 năm hưng quốc với bao thăng trầm của lịch
sử, tâm linh của người Việt Nam vẫn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên dựng nước.
Ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba là một trong những ngày lễ hội thiêng liêng và
trọng đại nhất của người Việt Nam vì bao hàm Tổ Quốc và luôn cả Tổ Tiên.
Từ ngày lập quốc bị nhiều phen ngoại
bang đô hộ, sử sách bị đốt, thất lạc muốn tra cứu rất khó nhưng không thể nghi
ngờ được nguồn gốc văn minh Việt tộc. Truyền thuyết Hùng Vương đã ghi lại từ cuối
thế kỷ thứ 14. Sử quan Ngô Sĩ Liên ( ?- 1442) biên soạn Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
hoàn thành năm 1479 chính thức vinh danh các đời vua Hùng Vương trong Quốc sử,
ghi nhận các đời vua Hùng Vương có công dựng nước .
Thành lập nước Văn Lang của các Vua Hùng
trong giai đoạn còn phôi thai đầu tiên nhưng đã cố kết được lòng người, từ tình
cảm cộng đồng dẫn đến ý thức cộng đồng, thể hiện rõ tình đồng bào ruột thịt, bước
đầu hiểu được mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người, thấy được sức mạnh của
cộng đồng trong việc làm thuỷ lợi, trao đổi sản phẩm và đấu tranh giữ gìn bản
làng, đất nước. Xã hội Việt tộc nguyên thủy đã kết hợp với nhau bằng Tâm, cư xử
với nhau bằng Ðức.
Tín ngưỡng thờ Hùng Vương không chỉ tồn
tại trong đời sống nhân dân mà bất kỳ thời nào, chế độ nào cai trị đất nước,
chính quyền và người đứng đầu chính quyền cũng đều chăm lo việc thờ cúng. Các bậc vua chúa có người đến được, có người
không đến được nhưng đều chỉ đạo cho người dưới quyền lên Đền Hùng thực hiện
nghi lễ thờ cúng. Trong bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470- đời vua Lê Thánh
Tông và đời vua Lê Kính Tông - năm 1601 (sao chép đóng dấu kiềm để tại Bảo tảng
Hùng Vương thuộc Khu di tích) có đoạn: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý,
nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói...”.
Ngày Giỗ
tổ Hùng Vương xuất hiện từ khi nào? Theo những tài liệu còn lưu lại, hình thức
sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử cách đây hơn 2000
năm. Dưới thời Thục Phán – An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi
Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường
tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ
giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị vua có tên tuổi của các triều đại
phong kiến Việt Nam ngay từ khi lên ngôi đã từng bước xác lập “ngọc phả” về thời
đại Hùng Vương, khẳng định vai trò to lớn của các Vua Hùng đối với non sông đất
nước.
Tổ tiên những người có công dựng nước
thì gọi là Quốc Tổ Hùng Vương, không phải niên hiệu của một triều đại. Vì thế,
giỗ Tổ là một truyền thống bản sắc của dân tộc Việt Nam, không phải là cuộc
trình diễn, không mang tính chất tôn giáo, mê tín dị đoan nhưng nó phát xuất từ
tận đáy lòng sự thành kính đối với Quốc Tổ Việt Nam, với hồn thiêng sông núi...
Từ đó, thêm khẳng định rằng từ tín ngưỡng gốc này, tín
ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa và ngày càng ăn sâu trong tâm trí của mọi
thế hệ con dân đất Việt.
Giỗ Tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao
niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở chúng ta phải tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân
tộc và chúng ta phải làm gì và có thể làm được những gì ích lợi cho cộng đồng
cho dân tộc, có nếp sống cho gia đình và dòng tộc, quây quần bên nhau, thương
yêu đùm bọc lẫn nhau.
Tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, giữ
truyền thống dân tộc để ngày về nguồn không còn xa nữa! Đừng quên kẻ thù phương
Bắc không bao giờ bỏ mộng bá quyền. Trong thế kỷ 21, Việt Nam không thể nào tái
diễn nạn “bắc thuộc“ để chịu cúi đầu làm nô lệ cho kẻ thù truyền kiếp một lần nữa!
Dù là huyền thọai nhưng
thời đại Hùng Vương bao gồm triết lý sống làm nền tảng từ thời sơ khai trong
tinh thần và tâm linh, luôn là căn bản trong tình đoàn kết và tự hào dân tộc
qua nhiều thế hệ. Tổ tiên ta đã hy sinh xương máu để xây dựng và bảo vệ đất nước tồn tại đến
ngày nay. Ðiạ lý nước Việt nam từ xưa là "biên giới từ ải Nam Quan đến mũi
Cà Mau ". Ngày nay, nếu chúng ta để đất nước lọt vào tay ngoại bang thì chúng ta đã phạm
trọng tội bán nước rất đáng bị trừng trị như lời di chúc của vua Lê Thánh
Tông (1442-1497): “Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ
làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét