Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

NGƯỜI BẠN VONG NIÊN (Kỳ 2)

NGƯỜI BẠN VONG NIÊN (Kỳ 2)
Thái Quốc Mưu


Có lần, tôi thấy một thửa ruộng cỏ năng mọc bạt ngàn, tứ bề chạy tít chân trời.  Tôi lấy làm tiếc vì nếu thay vào đó là lúa thì người dân ở đây được no ấm biết bao nhiêu. Tôi nói lên ý nghĩ của mình thì được ông Ba đáp:
- Chú nói đúng đó! Hồi tui còn nhỏ, ở đó là lúa chứ đâu phải năng. Lúa ơi là lúa, bốn bề nhìn mút mắt! Chú thấy hông, bên nầy là kinh Chủ Chí, bên kia là kinh Thầy Cai... đủ hết, họ đào ngang xẻ dọc ngó như màn nhện. Hồi đó, đất của chủ điền nào thì người đó cho đào kinh nên người ta lấy tên của họ đặt cho con kênh họ đào, miết rồi thành địa danh luôn.
Mấy ông chủ điền họ cho đào kinh để rỏ phèn mà cũng để chở lúa cho tiện chứ quân ngũ nào cộ (3) cho xuể? Lúc chở về, phơi khô cho vào “lẫm” (4). Chà! chà! chắc chú chưa biết “lẫm” là cái gì nên nghe lạ tai lắm phải hông? Lẫm lúa là những dãy nhà cất để vựa lúa, nó cũng giống như nhà mình ở vầy nè nhưng vách được mần kiên cố hơn để chứa lúa không bị sạt. Người ta chứa lúa vào đó chứ hổng mần bồ (5) mần biết gì cả. 
Ở miệt Gành Hào còn có “lẫm chiếc” và “lẫm đôi” nữa. Lẫm chiếc, chỉ chứa chừng mười mấy ngàn giạ lúa. Lẫm đôi thì chứa bằng hai hoặc ba lần lẫm chiếc. Bây giờ người đông, đồng ruộng bị chia năm xẻ bảy. Mỗi mùa người nào nhiều lắm cũng chỉ có khoảng vài ngàn giạ là quá mức rồi nên họ xây bồ chứa lúa chứ hổng còn cất lẫm như trước nữa.
- Như vậy, đời sống người dân lúc đó chắc khỏe lắm, hả anh? 
Tôi hỏi xong chợt thấy mình ngớ ngẩn nhưng câu trả lời của ông Ba đã đánh tan ý nghĩ ấy.  Ông Ba cười dễ dãi: 
- Khỏe sao được mà khỏe! Cái thứ mần tôi mọi thì đời nào cũng như đời nấy. Ruộng lúa nhiều nhưng là ruộng lúa của chủ điền chớ nào phải của tá điền đâu! Thời nào cũng vậy, chỉ có “dân ngu cu đen” là phải cảnh “trên răng dưới dái” đó chú! Họ mần quần quật suốt năm chỉ tổ mần công không cho chủ. Người nào gặp vị điền chủ nhân đức thì đỡ khổ, hổng may gặp bọn cường hào ác bá thì nó bóc lột tận xương tủy chẳng khác gì bọn thực dân bóc lột người bản xứ. Vậy mà mỗi lần Tết đến, tá điền còn phải “Tết” cho chủ điền nữa đó chú. Lễ vật Tết ít nhất cũng là cặp gà hay cặp vịt. Một lão chủ điền có chừng trăm tá điền trở lên, chú thử làm con tính coi mỗi kỳ Tết đến, họ được bao nhiêu gà vịt. Ăn cả năm không hết!
À! chắc chú đã nghe nói về công tử Bạc Liêu chớ gì? Đó là cậu ba Trần Trinh Huy, con của ông Hội Đồng Trần Trinh Trạch đó chú. Ở Vĩnh Châu còn hai con kinh mang tên hai ông nầy. Mấy ngôi nhà đồ sộ nằm dọc theo bờ sông, gần cầu Quây đều là của họ Trần hết đó chú! Đời sống của dòng tộc nầy chẳng khác gì vua chúa hết. Tá điền của họ Trần may hơn tá điền của các địa chủ khác vì họ Trần không đến nỗi bạo ngược. 
Ở vùng nầy, chỉ có lão điền chủ họ Hoành thì đáng ghi vào sách “tang thương ngẫu lục” lắm! 
Tôi hỏi: 
- Chuyện đó như thế nào vậy anh Ba? 
Ông kể:
- Khoảng năm 1924, ông địa chủ họ Hoành có mấy trăm mẫu ruộng, dưới tay có cả trăm tá điền. Ngoài lệ đóng lúa ruộng hàng năm, họ còn phải đóng vai “lính” mà ông “quan Hoành” muốn kêu gọi bất cứ lúc nào lão ta nổi hứng. Lão ta tự đặt cho mình cái tục lệ rất kỳ cục là những tá điền trong tay lão ta cai quản phải tuân hành tuyệt đối mệnh lệnh của lão ta. Lão Hoành coi điền thổ của y như là lãnh địa của một sứ quân (6). Nhà lão có hai mươi nam nữ gia nhân phục dịch trong ngoài. Ngoài ra, còn có mười tên lực điền vừa mần “lính gác” vừa mần bảo vệ khi lão ta ra ngoài. Đứng đầu những tên lực điền là một võ sư gốc người Xiêm La (7).
Chủ Hoành có hai đời vợ rồi, hổng hiểu sao hai bà vợ của lão đều chết sớm. Người vợ cả hổng có con nối tự. Bà thứ hai thì có hai người con. Thằng con trai lớn là Hai Thọ, cô con gái kế là Ba Hưởng. Thằng Thọ giống cha nó như hai cái bánh đúc cùng khuôn. Vì là con trai một nên từ cái mánh khóe gian ác nhỏ nhặt nhất, lão Hoành cũng hổng quên truyền lại cho thằng con trai cưng của lão nhưng Hai Thọ còn trội hơn lão về tính láu cá và cách vung vãi tiền. Cũng may, trong cọng rau sâu vẫn còn một lá nguyên vẹn. Đó là cô Ba Hưởng, một bông hoa ngọt ngào nhân ái trong một gia đình nực mùi gian ác.
Nhấp xong miếng rượu, ông tiếp:
- Út Tiên là vợ thứ ba của lão Hoành nhưng kẻ trên người dưới đều kêu Út Tiên bằng “bà Tư” chớ hổng kêu bằng “bà Ba” như cách kêu bình thường để chỉ ngôi thứ những bà vợ lẻ của các điền chủ thời đó. Tiền thân của Út Tiên là gái hạng sang ở tỉnh, tính nết bà Tư trước kia như thế nào chẳng ai biết song từ khi về mần vợ nhỏ lão Hoành thì Út Tiên ít nói, bàng quan trước mọi sự nên khó ai hiểu được lòng bà. Có điều, mọi người biết chắc chắn là bà Tư rất ngán cô Ba Hưởng vì phẩm hạnh của cô. Ngán Hai Thọ vì tánh ẩu tả và ba trợn và ngán lão Hoành vì ông ta có quá nhiều... tiền! Bà Tư cùng lứa tuổi với cô Ba và có lẽ vì ngại cách xưng hô nên người ta ít khi thấy bà Tư nói chuyện với hai đứa con chồng.
Trong nhà lão Hoành, còn có một nhân vật đáng nhắc tới nữa đó là Năm Văn, trạc tuổi Hai Thọ. Năm Văn là quản gia và mà cũng là “con cưng” của lão Hoành. Lão ta tự hào về người giúp việc đảm đang, cần mẫn của mình. Ban đầu, chủ Hoành hổng biết Năm Văn “tài giỏi” như vậy, đến một bữa có quan Tây đến nhà, khi quan Tây xổ ào ào tiếng Phú Lang Sa (8) mần cho lão Hoành cứ đờ mặt ra chịu trận. May sao Năm Văn bèn bật tiếng Tây rôm rốp rồi còn dịch tiếng Tây ra tiếng ta cho lão Hoành nghe khiến lão ta muốn… chóng mặt.
Hôm ấy, trong khi chờ dự tiệc thì thầy thông ngôn xin vắng mặt để “đi ngoài” (9). Quan Tây chẳng chịu nín, cứ tuôn tiếng phú Lang Sa ì xèo khiến lão Hoành há miệng ra… nghe.
Sau đó, lão ta mạnh dạn tuyên bố rất hách xì xằng: “trong triều” có văn võ song toàn, bên ngoài thì có xã, huyện, bạn bè vây cánh thì lo gì “vương quốc” ta không cường thịnh đời đời.”
Lão Hoành vì quá chủ quan mà tuyên bố như vậy nhưng hổng biết rằng với cái “vương quốc” được xây dựng trên mồ hôi nước mắt của người khác thì chú nghĩ coi với “nhân tài” lão ta đang có liệu có thể gìn giữ được bao lâu?
Tôi khẽ gật đầu tán đồng nhận định của ông Ba trong khi ông tiếp:
- Trong đời sống, nếu không gieo cái đức thì cái họa tất nhiên sẽ tới gần. Chú còn nhớ câu “Hành thiện chi nhân như xuân viên chi thảo, Hành ác chi nhân như ma đao chi thạch” hông?
Tôi gật đầu, nói:
- Làm điều thiện, điều lành như cây cỏ mùa xuân (không thấy tốt mà tốt lúc nào không hay). Làm điều dữ, điều ác cho người giống như cục đá mài dao (không thấy mòn mà nó mòn, hết lúc nào không biết).
Ông Ba vỗ vế cái bốp, cười đắc ý:
- Giải nghĩa như chú mới thật đúng là “người thông thái chữ nghĩa”. Tui biết tui kết nghĩa với chú là trúng phóc mà...
Nhấp một hớp rượu, khà một tiếng to, ông tiếp:
- Cái họa của lão Hoành chính là Hai Thọ, thằng con cưng của lão ta. Tui nghĩ, trời cao có mắt đó chú! Mần cha mẹ mà ác đức, bóc lột của người, lấy công sức của người để mần giàu, cậy thế quyền, dựa vào của cải chèn ép, trấn áp người thì trời nào để yên phải hông chú? Nói nôm na, gieo thứ nào thì gặt thứ đó, có ai cấy lúa mà hái đậu bao giờ đâu chú! Lão Hoành mần quá nhiều điều ác thành thử trời cho Hai Thọ đầu thai mần con lão để phá banh cái sản nghiệp ấy đó chú. Chú biết hông, Hai Thọ có cái tính thật là ác ôn, khi đi đâu thì nó hay kêu tá điền cõng nó đi.
Rồi như không kềm chế được sự nóng giận, ông Ba hằn học tiếp:
- Nó bắt người ta mần ngựa cho nó cỡi (cưỡi). Chú thấy khốn nạn chưa? Chỉ trừ khi nào nó lên tỉnh đánh bài hay chơi đĩ thì tá điền mới thoát khỏi cảnh mọi rợ ấy thôi!
Ngừng một chút, ông Ba vừa lấy mấy đọt xoài cuốn với mấy cọng rau thơm, vừa tiếp:
- Đến mùa thu lúa ruộng thì y như rằng phải có nhiều điều xảy tới tá điền. Mỗi khi có người đem lúa đến, Hai Thọ bèn hốt một nắm lúa bỏ vào chậu nước, nếu chìm hết thì thôi, nếu còn hột nào nổi lên thì nó nói với tá điền ấy rằng “mầy nộp trấu hả mậy? Mầy ăn trấu được không mà đem nộp cho tao?”
Cứ mỗi mùa đong lúa ruộng như vậy, ít nhất có hàng chục người “nộp trấu” bị cha con lão Hoành giải quyết “tạm trời tha tụi bây. Để chuộc tội, mỗi đứa lau cột nhà mười lần.”
Chuyện hỏng mới lạ gì nên sau khi nghe lệnh truyền ra, mỗi tá điền bèn lấy một bao bố, vào nhà chánh, leo lên mấy cây cột nhà to như cột đình làng rồi ôm bao tuột xuống. Mới nghe coi bộ chẳng ăn thua gì. Thiệt ra,  khi tuột xuống thì khỏe lắm chớ khi leo lên thì phải biết vì cột nhà lau như vậy đã hàng mấy chục năm rồi, nó bóng láng và trơn như thoa mỡ, leo lên tuột xuống mấy lần là thở hổng ra hơi. Nhưng họ cứ phải “vui vẻ” mần vì thà mần như vậy còn hơn đem lúa về mần lại. Mà mần lại có yên đâu vì mần lại tức là chọc giận cậu Hai rồi, mà khi cậu Hai giận thì hậu quả sao mà lường trước được chú?
Hai Thọ ngoài thú cỡi ngựa người, có cái thú khác ác nghiệt hơn là nó không thèm lấy vợ mà lại thích chim vợ tá điền. Vô phúc tá điền nào có vợ coi được, bị nó để ý thì sớm muộn gì nó cũng cuỗm vợ người ta.
Để tui nhớ lại coi... À! À... có lần nó thấy vợ của Tư Cung là con gái của ông Ba Hóa. Vốn là một võ sĩ, từng mãi võ Sơn Đông bán thuốc khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sau đợt tranh tài với hai anh em võ sĩ Huỳnh Phi Long, Huỳnh Phi Hổ, ông Ba Hóa bị thua, bèn về ẩn dật ở xóm trên đây. Thằng Thọ nó thấy mát mắt, bèn thả dê. Dụ dỗ không được, nó dọa dẫm nhưng cũng không được. Nó bèn cùng lũ bộ hạ đến nhà làm càn, ôm đại vợ người ta. Vợ Tư Cung đang chống trả dữ dội thì Tư Cung về tới. Nóng lòng, máu giận trào lên, Tư Cung sinh liều, bất kể trời đất nữa chớ Hai Thọ thì nhầm nhè gì phải hông chú? Tư Cung vung tay đấm vào mặt Hai Thọ một cú như trời giáng. Hai Thọ sặc máu mũi. Máu me chảy tùm lum. Trong khi Tư Cung định bồi thêm mấy cú nữa thì y bị đám thủ hạ đầu trâu mặt ngựa của Hai Thọ ập vào bắt trói rồi đánh nhừ tử.
Nhấp thêm hớp rượu cho thấm giọng, ông Ba tiếp:
- Vài ngày sau, tai họa đổ xuống đầu gia đình Tư Cung, hắn bị bắt vì tội trộm với tang vật còn giấu dưới gầm giường trong buồng của vợ chồng y. Chuyện xảy ra, đứa con nít cũng biết đó là âm mưu thâm độc của cha con lão Hoành nhưng vì sợ tai bay họa gởi, chẳng ai dám nói lời nào. Chú coi, ăn ở thất nhân ác đức như vậy thì trời đất nào dung tha! Phải hông chú?
Tôi phụ họa:
- Bày mưu lập chước hại người như vậy là quá vụng về, trân tráo chẳng khác gì chuyện Thạch Sanh ăn cắp vàng trong truyện cổ tích.
- Nhưng đời đâu có như tôi với chú tưởng. Hiệu quả của nó làm cho Hai Thọ rất hài lòng. Sau đó, Tư Cung bị đày đi biệt xứ bỏ lại con vợ trẻ măng mà Hai Thọ đang thèm muốn.
Nhà giàu mà thèm ăn thì hổng bao giờ để chảy nước miếng. Lòng dâm trong thằng Hai Thọ cũng vậy, nó hổng bỏ bất cứ cơ hội nào! Thế là nó kéo bọn ma vương đến túp lều của vợ Tư Cung. Lần đó, Hai Thọ bị vợ Tư Cung phản đối quyết liệt. Phần quyết giữ gìn trinh tiết, phần quyết trả thù chồng. Trong cơn nguy ngặt, vợ Tư Cung vớ ngay cái phảng (10), vốn là con gái của võ sĩ, đã từng theo cha đi tám phương tứ xứ, cô nàng vung tay múa phảng vù vù. Hai Thọ ỷ có đám thuộc hạ, lại khinh thường đường (11) bà, hắn định nhào vô cướp phảng rồi ôm đại, ai dè bị vợ Tư Cung cho một phảng vô ngay ống quyển, làm nó sụm bà chè (12). Bọn tay sai của Hai Thọ thấy “chủ tướng” lâm nguy bèn gậy gộc hè nhau nhào vô. Vợ Tư Cung chống trả dữ dội nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ” mà chú! Với lại, vợ Tư Cung là thân phận đường bà sức yếu nên bị đám lâu la của Hai Thọ bắt trói lại. Hai Thọ lấy phảng giết chết vợ Tư Cung rồi phóng lửa đốt nhà. Vậy là vợ Tư Cung chết vì hỏa hoạn.
Ông Ba đăm chiêu một lát, rồi mơ hồ:
- Luật pháp thời đó là như vậy. Chắc chú cũng nhớ câu của thánh hiền: “Kiến nghĩa bất di vô dõng giả.” Vậy mà tui biết tất cả tội lỗi của Hai Thọ nhưng tui lại làm thinh. Tui tự thấy mình quá nhu nhược, yếu hèn phải hông chú?
Tôi đáp:
- Anh nghĩ chí phải nhưng cũng có câu, “Mãnh hổ nan địch quần hồ.” Lại có câu, “Đa kim ngân phá luật lệ.” Thời đó, anh im lặng là phải. Vả lại, anh không phải là mãnh hổ mà chỉ có lương tâm thì anh làm gì được? Lúc đó, anh im lặng là anh “biết sống” chứ chẳng phải hèn. Anh chứng tỏ sự hiểu biết của anh trong hoàn cảnh đó tức là anh vào bậc “trí giả” rồi! Nếu ai mà biết chuyện đó như anh thì họ cũng đành im lặng thôi!        
Ông Ba ngậm ngùi:
- Hổng phải đâu chú! Tui biết chú thương tui mà nói như vậy, an ủi tui như vậy để tui cảm thấy lương tâm mình hổng bị cắn gứt (13) dày vò. Chú biết hông, trong lòng dạ tui, lúc nào tui cũng tự thấy mình thiếu trách nhiệm mần người! Đã vậy mà còn dung túng cho kẻ thất nhân ác đức sống ngoài vòng pháp luật. Tui thấy tui không xứng đáng làm một CON NGƯỜI đó chú!
Tôi cảm thông nỗi lòng của ông Ba, có lẽ vì anh ngại thân phận tôi đòi của mình mà không dám nói ra! Và tôi xua đuổi nó, bằng cách:
- Chuyện cũ đã qua rồi, anh không nên băn khoăn. Bây giờ “dzô” một cái rồi kể tiếp chuyện bà Tư đi anh!
Sau khi nhấp ngụm rượu, ông Ba chiều ý tôi:
- Một điều hết sức bất ngờ với mọi người là ông Chủ Hoành đột nhiên ngã ra chết bất thình lình. Cái chết dù là của một tên bất nhân mà lại là chủ một cơ ngơi đồ sộ, có nhiều tiếng tăm ở đây, lại còn là cái chết bất ngờ nữa nên ai nấy cũng bàn tán xôn xao. Giới tá điền thì có người mừng, người lo. Họ mừng vì một tên ôn dịch đã chết. Họ lo vì sợ thằng Hai Thọ có toàn quyền, nó còn ác độc hơn thằng cha của nó. Lão Hoành chết chưa được bao lâu thì gia đình lão ta xảy ra nhiều biến cố. Đầu tiên là Hai Thọ ở với... Bà Tư.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao loạn luân vậy?
- Loạn luân? Nhưng vẫn có thể giải thích được mà chú! Út Tiên là dân chơi có tiếng tăm. Biết đâu trước lão Hoành, Hai Thọ đã từng ăn nằm với cô ta rồi. Điều nầy có lý lắm chú vì Hai Thọ là tay ăn chơi bạt mạng chẳng những ở tỉnh thôi mà luôn ở Sègòn nữa đó… Chỗ nào có động, có hang ổ là nó biết hết ráo! Nó biết những chỗ ăn chơi như mình biết hai bàn tay của mình có mấy ngón vậy đó chú! Bây giờ hai người ở chung nhà, cái gai trước mắt hổng còn nữa mà hổng chừng cái gai đó do chính Hai Thọ nhổ nữa đó nghen chú! Chú nghĩ coi, một bên là thằng đường ông háo sắc, một bên là con mẹ đường bà từng là gái giang hồ thì tụi nó ngại gì loạn luân với hổng loạn luân chú?
Tôi hỏi để câu chuyện thêm phần hấp dẫn:
- Sau đó rồi như thế nào anh?
Ông Ba ra dấu như bảo tôi đừng nôn nóng vì câu chuyện còn dài:
- Lại một điều lạ nữa là từ khi chánh thức ăn ở với Út Tiên, Hai Thọ trở nên đứng đắn với mọi người. Hắn không còn lăng nhăng với vợ tá điền cũng không còn ăn chơi trác táng như trước. Người ta bảo nhau rằng Hai Thọ “cúi đầu chịu phép” Út Tiên như con dê con trước bầy sói dữ.
                                                                                        (còn tiếp kỳ 3)

Không có nhận xét nào: