Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

CHUYỆN CƯỜI ANH-VIỆT



CHUYỆN CƯỜI ANH-VIỆT

Nguồn: English Jokes Book
Hồng Nguyễn sưu tầm

Image result for cùng vỗ tay cười 
1. LÀM GÌ MÀ HÓT CHẲNG HAY !
Một bà vợ thủ thỉ với chồng :
- Này, anh ơi, nghe kìa ! Con chim họa mi nó hót có hay không ?
- Ôi chao ! Nó không có vợ con, không nợ nần ai, không bù đầu vào công việc, lại chẳng phải lo mua sắm quần áo theo mốt cho vợ thì làm gì nó hót chẳng hay!
WHY DOESN'T IT SING BEAUTIFULLY !
A woman whispered to her husband :
- Hey, my dear, listen ! Doesn't the bird sing beautifully !
- Oh ! It doesn't have a partner or chicks, isn't tied up with work, doesn't have to buy fashionable clothes for its partner, then why doesn't it sing beautifully !

2. ĐIỀU BẤT NGỜ
Một nhà vi trùng học nói với vợ :
- Em thân yêu, anh muốn dành cho em một sự bất ngờ nhất trong ngày sinh nhật của em.
- Anh thật chu đáo quá ! Điều bất ngờ gì thế anh ?
- Anh đã đặt tên em cho một loại vi trùng mà anh mới tìm ra !
A SURPRISE
A bacteriologist said to his wife :
- Honey! I want to give you a surprise on your birthday.
- How thoughtful of you ! What is it ?
- I have given your name to a bacterium I've just found !

3. SỰ KHÁC NHAU
Vợ hỏi chồng làm nghể duyệt phim :
- Giữa em và điện ảnh khác nhau như thế nào ?
- Khác nhau ở chỗ: nếu phim nào anh không thích thì anh bỏ nó đi, còn với em thì không thể.
THE DIFFERENCE
A woman asked her husband who is a film previewer
- What is the difference between me and the movies ?
- The difference is if I don't like the film, I may cut it off, but not with you !

4. YÊU TRÍ TƯỞNG TƯỢNG
Vợ : "Anh yêu em ở điểm nào hơn cả ? Khuôn mặt kiều diễm hay thân hình tuyệt mỹ của em ?"
Chồng : ".... Ồ, trí tưởng tượng của em là đáng yêu nhất !"
IMAGINATION
Wife : "What in me do you love most ? My beautiful face or the perfect body ?"
Husband :"...Oh, it is your imagination that I love most of all !"

5. KHÔNG ĐƯỢC ĐÂU
- Em làm nghề gì vậy ?
- Em là bác sĩ.
- Ôi tuyệt quá ! Anh xin làm bệnh nhân của em suốt đời !
- Ồ, không được đâu!
- Sao vậy em ?
- Chuyên ngành của em là ...thú y.
IT'S IMPOSSIBLE
- What's your job ?
- I am a doctor.
- It sounds wonderful ! I do hope to be your patient for life !
- Oh, it's impossible.
- Why ?
- My specialty is...veterinary !

6. THẤY YÊU VỢ HƠN
Hai ông hàng xóm nói chuyện với nhau :
- Này, ông phải bớt uống rượu đi chứ. Hại người lắm đó !
- Nhầm rồi, ông biết không, khi uống rượu say nhìn vợ,
tôi lại tưởng là người yêu cũ nên càng thấy yêu vợ hơn !
I LOVE HER MORE
Two neighbors were talking each other :
- You should drink less. Alcohol can be harmful for your health.
- You're wrong, You see, looking at my
wife when I get drunk, I think she is my
old flame so I love her more.
 
7. TẠI SAO ?
Vợ : -Tại sao anh lại nói không khi ngủ ?
Chồng :-Vì đó là lúc duy nhất em yên lặng
WHY ?
Wife :-Why do you talk in your sleep ?
Husband :-Because you are only quiet at that time.

8. LỠ MỘT DỊP MAY
Đang ngủ, bà vợ bỗng rú lên, tay quờ quạng khắp giường. Ông chồng thấy vậy ôm chặt lấy vợ và hỏi:
- Có chuyện gì vậy em ?
- Trời ơi, khiếp quá ! Em mơ bị rớt xuống địa ngục, may được anh giữ chặt đúng lúc, nếu không thì...
Ông chồng thở dài thầm nghĩ : "Mình thật ngốc, có dịp may như thế mà để lỡ !
MISSING A GOOD CHANCE
As the couple were sleeping soundly, suddenly the wife shouted loudly and groped everywhere
in the bed. Seeing that, the husband held her hands and asked:
- What's the matter, my honey ?
- My God, it was terrible, I dreamt of
 falling down to the hell. Fortunately, you pulled me back. If not, I would have...
The husband sighed and thought to
himself: "What a silly man I am. I have just
missed a good chance !

9. NHẦM LẪN
"Làm thế nào để chứng minh rằng trong đời ta cũng có lần nhầm lẫn ?"
- Dễ ợt, đó là lần vào phòng...đăng ký kết hôn !
A MISTAKE
"How can I demonstrate that I once make a mistake in my life ?"
- Easy, it was the time when you took your girl friend to the Marriage Registry Office.

10. CON SƯ TỬ BÉ NHỎ
Một cô nàng lắm điều một hôm hỏi chồng :
- Tại sao người ta thường gọi vợ hoặc người yêu với những từ rất lãng mạn như : con mèo bé nhỏ của anh, con bồ câu dễ thương của anh...thế mà anh chả bao giờ gọi em như thế cả ?
- Được, anh sẽ gọi em là ..."con sư tử bé nhỏ của anh."
SMALL LIONESS
One day a verbose woman asked her husband:
- Why do men often call their wives or girlfriends with emotional words such
as : my kitty, my lovely pigeon ...but you've never called me like that?
- Well, from now on, I'll call you..."my small lioness"






Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

GIỌT MƯA

GIỌT MƯA
Nhạc và lời: Minh Nhã Nguyễn Thanh Dũng
Tiếng hát: Ca sĩ Tâm Thư
Hòa âm: Nhạc sĩ Đặng Vương Quân

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2017

HÍT THỞ CHỮA BỆNH

HÍT THỞ CHỮA BỆNH
Phan Lục sưu tầm


Câu hỏi thường gặp:
§ Làm thế nào để giảm cân?
§ Làm thế nào để khỏe mạnh hơn?

Câu trả lời thường gặp:

§ Ăn kiêng đi : ăn nhiều rau, trái cây, uống nhiều nước…
§ Tập thể dục đi: chạy bộ, bơi, tập tạ, aerobic, nhảy…

Những lời khuyên trên có thể đúng, có thể sai nhưng chúng rõ ràng là không hiệu quả với 90% người. Lần cuối cùng bạn đọc một bài báo về sức khỏe rồi đứng dậy tập thể dục ngay là khi nào?
Bởi chúng là bài dịch và không trả lời những điều bạn quan tâm: Cách này có hiệu quả không? Khi nào thì hiệu quả? Tốn kém bao nhiêu? Đa số thời gian các bài viết dịch ra từ một nguồn dễ kiếm trên mạng này không đưa được hướng dẫn rõ ràng và hiệu quả cụ thể cũng như nguyên lý khoa học để bạn hiểu và có cảm hứng hành động.
Có một cách để khỏe mạnh hơn: Ngay lập tức - Miễn phí. Bạn không cần bắt đầu ăn trái cây thay cơm hoặc đi sắm giày chạy bộ để thực hiện cách này. Cách bạn sắp đọc sau đây đơn giản đến mức 90% người thường bỏ qua trong khi chỉ cần 10 phút học kỹ năng này cũng đủ để họ tạo sự khác biệt trong chất lượng sức khỏe của mình cả đời.

Bí quyết đơn giản: Hít thở.
Trong khi bạn trẻ vì nhiều lý do chưa thể kiểm soát chế độ dinh dưỡng nhưng bạn có thể kiểm soát được hơi thở của mình. Ai cũng có thể làm được. Chúng ta đều hít 4-20 lần một phút mỗi ngày. Bạn có thể học điều gì về hít thở để cải thiện sức khỏe của mình?
Hít Thở: Khỏe Mạnh 101
Ai thở sâu thì sống lâu. - Elizabeth Barrett Browning
Hít thở là sự sống. Bạn có thể nhịn ăn trong vài ngày nhưng không thể nhịn thở trong vài phút. Chỉ nhịn thở trong vài phút thôi cũng sẽ giết chết bạn. Đức Phật trong chuỗi hành xác để đạt đến sự minh triết đã… chơi dại nhịn thở. Đạt kỷ lục là 3 phút. Sau 5 phút thì là cả một địa ngục: Mắt hoa, Tai gào rú, Đầu đau thắt như bị kim cô siết, Bụng quặn lên từng đợt, Toàn thân bỏng rát.
Có lẽ bạn không cần phải thử nhịn thở đâu. Ngay cả ảo thuật gia cũng chỉ chơi trò này khi có người sẵn sàng chi tiền triệu và có ống kính quay phim…
1- Điều khoa học đã chứng minh:
Đủ lượng oxy trong cơ thể sẽ giết TẤT CẢ vi trùng, vi khuẩn và vi-rút. Tiến sĩ Otto Warburg đoạt giải Nobel năm 1931 nhờ chứng minh được ung thư sẽ không phát triển trong môi trường giàu oxy. Hiện nay, giới y khoa đều biết hầu hết bệnh đau tim đều do thiếu oxy. Giới kinh doanh như tôi thì còn biết bệnh tim hôm nay hiếm khi nào do thất tình mà do thiếu vitamin Tiền, bị phát hiện có vợ bé hay ăn hối lộ bị lộ.
Các bạn nữ nên chú ý về hít thở nếu muốn trẻ lâu. Lão hóa là do cơ thể bị nhiễm độc do hấp thu phải chất độc và sự hư hỏng các tế bào. Những người trẻ lâu nhờ vận động nhiều và tống chất độc ra hiệu quả. Và điều đầu tiên cơ thể bạn làm để tống chất độc là kết hợp chúng với oxy.
2- Chức năng của hít thở:
§ Cung cấp oxy vào máu cho máu tuần hoàn đến não
§ Kiểm soát năng lượng sống, từ đó kiểm soát tâm trí của bạn
3- Kiểu hít thở:
§ Nông
§ Trung
§ Sâu
4- Công dụng của hít thở:
§ Tăng năng suất
§ Tăng sinh lực
§ Tăng sáng tạo
§ Vui vẻ hơn
§ Nhận biết bản thân
§ Hoạt động thể dục thể thao
§ Nhiều nhiệt huyết
§ Thoải mái với chính mình
§ Ra quyết định tốt hơn
§ Bình yên tâm hồn
§ Tập trung
§ Phát triển tâm linh
§ Ngăn chặn lão hóa
5- Cách Hít Thở Tốt Nhất:
Hầu hết vùng phổi của bạn nằm ở lưng. Ngạc nhiên chưa?
Đây là cách 90% người hít thở. Họ hít thở nông bằng miệng, ít sử dụng cơ hoành. Cách hít thở này khiến cơ thể chỉ sử dụng phần trên cùng của phổi nên hấp thu được một lượng nhỏ oxygen dẫn đến bạn thiếu năng lượng sống và dễ có nguy cơ bệnh tật. Chưa kể thở bằng miệng dễ khiến hơi thở có mùi. Hơi thở hôi ngăn cản chúng ta “tự tin đến gần nhau hơn”.
6- Đây là cách hít thở đúng:
Một nhịp thở bao gồm ba phần: Hít – Giữ – Thở. Bạn hít thở bằng mũi, Miệng đóng lại, Hít theo nhịp 1-4-2: Hít vào 1 - Giữ trong 4 - Thở ra 2.
Khi hít vào, phần bụng phồng ra để cơ hoành di chuyển xuống dưới mát xa các cơ quan nội tạng -Tưởng tượng một quả bong bóng căng phình ra.
Khi thở ra, phần bụng thóp vào để cơ hoành di chuyển lên trên mát xa trái tim nhỏ bé của bạn - Tưởng tượng bụng như máy hút bụi co rút lại.
7- Bài tập:
Hít vào trong 5 giây - Giữ trong vòng 20 giây - Thở ra trong 10 giây.
Hít: 1…2…3…4…5
Giữ:1…2…3…4…5…6….7…8…9…10…11…12…13…14…15
16…17…18…19…20
Thở: 1…2…3…4…5…6…7…8…9…10
Bạn có thể nâng số lần lên dần dần để đạt được đến nhịp 10-40-20 là bạn đã đặt chân vào thế giới hít thở của các thiền sư thông tuệ Ấn Độ. Đừng cố gắng quá sức mà ngạt thở chết luôn không tăng cho bạn thêm 1 điểm IQ nào đâu! Thử mỗi ngày hít thở như vậy 3 lần, mỗi lần tập trung 10 phút rồi bạn sẽ cảm thấy nguồn năng lượng của mình cuộn chảy và tâm hồn bình an.
Tôi thường tập vào buổi sáng tinh mơ khi mới thức dậy, buổi trưa khi lặng lẽ nghỉ ngơi, buổi tối sau khi thực hiện các nhu cầu tất yếu và trước khi bắt đầu hoạt động giải trí hoặc làm đêm. Chỉ 10 phút mỗi lần. Sau 7 ngày, đây là một trong những khoảng đầu tư thời gian đáng giá nhất. Lần đầu tiên tập hít thở, tôi cảm thấy năng lượng tràn dậy, muốn động tay động chân dọn dẹp nhà cửa ngay.
Những bạn đã tập cách hít thở này thường bảo tôi: Họ cảm thấy như có một nguồn suối lạch chảy thông khắp cơ thể, sắc diện hồng hào, phong độ dịu dàng. Một số bỗng trở nên sexy lạ kỳ. Không đùa đâu, hít thở đúng cách là sexy!
8- Hơi Thở và Tâm Trí
Bạn có để ý khi mình sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi thì hơi thở của bạn gấp gáp và rất nông không? Bạn có để ý khi mình thư giãn, bình tâm thì bạn thở chậm và sâu hơn không? Hít thở ảnh hưởng đến tâm trí của bạn.
9- Đây là những điều về hít thở tôi học được từ Leo Baubata:
Thở đi! Thở có thể thay đổi cuộc sống của bạn.
- Nếu bạn cảm thấy căng thẳng: thở. Thở sẽ làm bạn bình tâm và làm dịu những nỗi đau.
- Nếu bạn lo lắng về điều gì sắp xảy ra hoặc vướng vào một điều đã qua: thở. Thở sẽ mang bạn trở lại hiện tại.
- Nếu bạn thiếu dũng cảm và quên đi mục đích sống của mình: thở. Thở sẽ nhắc bạn cuộc đời đáng giá biết bao và mỗi hơi thở trong đời này là một món quà bạn nên biết ơn. Hãy sử dụng món quà hết cỡ.
- Nếu bạn có quá nhiều việc phải làm hoặc bị xao lãng trong ngày làm việc: thở. Thở sẽ giúp bạn tập trung vào điều quan trọng nhất bạn cần làm ngay bây giờ.
- Nếu bạn đang dành thời gian với một người bạn yêu thương: thở. Thở sẽ giúp bạn cảm nhận giây phút hiện tại với người ấy thay vì nghĩ lan man về những việc khác bạn cần làm.
- Nếu bạn đang tập thể dục: thở. Thở sẽ giúp bạn tận hưởng bài tập và nhờ vậy, bạn sẽ tập được lâu hơn.
- Nếu bạn đang di chuyển quá nhanh: thở. Thở sẽ nhắc nhở bạn đi chậm lại và thưởng thức đời nhiều hơn.
Vậy hãy thở đi và tận hưởng từng giây phút của đời này!
10- Thở
Bạn vẫn thở đều chứ? 90% năng lượng của bạn nên đến từ hít thở. Thở là cách quản lý căng thẳng tốt nhất, tốt hơn cả đi nghỉ dưỡng theo phong cách Robinson trên đảo hoang. Trên thế giới có những chuyên gia dạy về cách hít thở. Yoga cũng là một cách tập hít thở rấy có hiệu quả. Cách hít thở trong bài viết nầy là cách đơn giản nhất cho mọi người để mau chóng cải thiện sức khỏe.


Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

NOUMÉA: ĐẤT LẠ VÀ NÉT QUEN

NOUMÉA: ĐẤT LẠ VÀ NÉT QUEN
Bùi Văn Phú

 

Cuối tháng 12 ở Nouméa có hoa phượng rực nở (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Cuối năm ngoái, vợ chồng tôi đi Úc dự đám cưới cô cháu cùng thăm bạn. Chuyến đi, bay thẳng từ San Francisco đến Sydney, dài 15 giờ đồng hồ. Trên đường về, ghé chơi vài đảo ở nam Thái Bình Dương cho biết đời sống ở đó và cũng để không phải ngồi trên chuyến bay quá dài.
Ở phi trường Sydney, khi làm thủ tục gửi hành lý và lấy ghế trên máy bay của hãng Aircalin để đi Nouvelle Calédonie, cô tiếp viên không rõ việc nhập cảnh vào đảo này cho người mang hộ chiếu Mỹ nên phải hỏi cấp trên. Tôi đã biết trước là không cần visa nhưng cô ấy nói cần xem lại cho chắc. Có lẽ vì ít người mang hộ chiếu Mỹ đến đảo nên cô cần hỏi lại.
Sau khi xác nhận không cần visa, cô hỏi chúng tôi dự định ở đó bao lâu. Tôi trả lời 4 ngày. Cô nói đây là đảo đẹp nhưng ở lâu sẽ chán, vài ngày là vừa đủ. Tôi nghĩ đời sống hải đảo ở đâu chắc cũng thế, như Hawaii nổi tiếng là “hải đảo thần tiên” của Mỹ nhưng ở chừng một tuần là thấy chẳng còn gì vui chơi ngoài biển và cát.
Vào phòng đợi lên máy bay, hầu hết hơn một trăm hành khách là da trắng, vài người da đen. Mọi người nói tiếng Pháp. Có một anh đang nói chuyện qua điện thoại bằng tiếng Việt.
Sau gần ba giờ bay, phi cơ hạ cao độ. Nắng chiều chiếu lên đảo với núi xanh mầu cây lá giữa biển nước cũng trong xanh.
Phi trường Tontouta rất nhỏ, kiến trúc bằng kính và sắt i-nốc, trông còn mới và rất sạch. Không có chuyến bay khác đến nên lấy hành lý và qua kiểm soát di trú rất nhanh.
Nhiều người cùng lên xe buýt để vào Nouméa, thủ đô của Nouvelle Calédonie. Vừa ra khỏi phi trường, tôi thấy những cây phượng còn đỏ rực vì đang là mùa hè ở nam bán cầu.
Vào đến thành phố mất hơn một giờ đồng hồ, xe ghé qua vài khách sạn ở trung tâm, trước khi chạy về khu Anse Vata, nơi có Hilton và nhiều khách sạn khác dọc bờ biển.
Đêm về khu này nhộn nhịp người qua lại. Đi tìm nơi ăn tối, gặp quán Hanoi Plage nên chúng tôi ghé ăn thử.
Tôi gọi miến gà. Nhà tôi ăn phở gà. Thêm gỏi gà và một lon nước ngọt. Phở và miến có chả lụa. Gỏi bắp cải có húng bạc hà và nước mắm. Hỏi thăm chủ quán là người Việt và biết bà làm chủ nhiều nhà hàng. Khi biết chúng tôi từ California đến, bà nói thức ăn ở đây không thể ngon bằng bên Mỹ được. Nhà tôi nói phở có chả là lạ. Bà giải thích đúng ra là bò viên nhưng tối nay hết nên thay bằng chả.
Bữa ăn tối đơn giản, phở và miến tô nhỏ, mỗi tô giá 1550 XPF, gỏi gà 1920, lon nước ngọt 650; tổng cộng 5670 XPF, gồm cả 5% thuế T.S.S. (1 USD = 105 XPF tiền địa phương), tính ra là 54 đô.
Buổi sáng đầu tiên ở Nouméa, từ tầng cao của khách sạn nhìn ra xa là biển, bên dưới có thông xanh và những cây phượng đang rộ nở hoa làm tôi nhớ Nha Trang trong một lần ghé thăm. Trời nắng nóng và có gió thoảng. Cuối tháng 12 mà như mùa hè ở quê cũ.
Là thuộc địa Pháp nên ăn sáng có croissant, paté chaud, cà-phê và sô-cô-la nóng như ở Sài Gòn ngày xưa. Mỗi thứ chừng 3 đô.
Ăn sáng xong, chúng tôi xuống trung tâm thành phố. Hỏi lễ tân tìm cách đi xe buýt, cô nói đang là “big holiday”, xe không chạy thường xuyên. Hôm đó là một ngày thường trong tuần nên tôi tò mò muốn biết dịp lễ gì mà là “big holiday”, cô nói là “summer”. Thì ra thế! Tiếng Anh ở đây và ở Mỹ có những khác biệt. Tôi nhớ lại bên Úc cũng gọi kỳ nghỉ hè là “big holiday”, không nghe dùng từ “vacation”.

Ra trạm xe buýt gặp vài người dân địa phương cùng cặp vợ chồng trẻ người Nhật đang đứng chờ. Có lẽ du khách Nhật đến đây nhiều, vì ở phi trường các bảng hướng dẫn có ba thứ tiếng là Pháp, Anh và Nhật. Các tài liệu du lịch cũng thế.  
Trạm xe buýt (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Vé một chuyến là 210 XPF. Xe chạy dọc theo bờ biển, có khi leo đồi thấp. Bên đường thỉnh thoảng có phượng đỏ và ít phượng vàng. Đa số nhà cửa không sang đẹp nhưng cũng không thấy những khu tồi tàn. Hệ thống chuyên chở công cộng ở đây rất thuận lợi cho việc di chuyển. Với gần chục tuyến đường đến được nhiều nơi trong thành phố và ngoại thành. Chừng 30 phút, tài xế báo đã đến trung tâm thành phố. Vừa xuống xe, thấy một cửa tiệm với bảng hiệu “Mai Linh” bán tạp hóa và thức ăn.
Đi vài chục bước thì thật ngạc nhiên khi thấy một tượng đài ba người với một phụ nữ đội khăn mỏ quạ là hình ảnh quen thuộc của đàn bà miền bắc Việt Nam.  
Tượng Chân Đăng (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Bức tượng mang tên Chân Đăng được dựng vào ngày 17/10/2013. Dưới chân tượng có khóm tre và hàng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp: “Ghi nhớ công ơn những người Chân Đăng Việt Nam đã góp phần phát triển nền kinh tế tại Nouvelle Calédonie và Nouvelle-Hébrides từ cuối thế kỷ mười chín.”
Thấy một phụ nữ gốc Á đang dắt chó đi dạo, tôi hỏi bằng tiếng mẹ đẻ: “Xin lỗi. Chị là người Việt?” và nghe đáp lại: “Dạ.”
Hỏi Chân Đăng nghĩa là gì thì chị cũng không biết. Chị ấy gốc Hà Nội, qua đây định cư đã 25 năm. Mẹ chị trước sống ở đây, đã hồi hương vào những năm 1960 và sau này được tái định cư. Chị đã có dịp qua California chơi, ghé Los Angeles, San Francisco. Chị nói ở Nouméa người Việt đông hơn người Hoa.
Gần tượng đài có một tiệm ăn đặt bảng bên lề đường với các món ăn châu Á trong đó có “nem”.
Hình ảnh này bỗng làm tôi nhớ đến thành phố Abidjan của Côte d’Ivoire ở châu Phi, nơi đầu tiên tôi thấy nem bán bên lề đường vào đầu thập niên 1980 mà theo kể lại thì có hai giả thuyết về hành trình đem nem đến châu Phi. Có thể món ăn này đã theo chân lính viễn chinh Pháp đem về vào những năm 1950 hoặc do một người gốc Việt qua đây định cư sau năm 1975 đem đến.
Nem trên đảo Nouvelle Calédonie không biết có từ bao giờ nhưng chắc là do người Bắc Kỳ đem qua vì nem là cách người bắc gọi chả giò. Mà người bắc đã có mặt trên hải đảo này cả thế kỷ trước, khi Pháp đưa người Tonkinoise qua đây làm phu mỏ.
Chúng tôi vào quán ăn thử. Sáu cái nem rán với chút rau sà-lát và nước mắm, giá 890 XPF. Không ngon vì nhân bên trong toàn củ cải hay củ sắn, chỉ chút thịt heo.
Đây là khu Á đông – Quartier Asiatique. Chung quanh thấy nhiều cửa hàng tạp hóa và thức ăn có bán nem và phở. Một cửa tiệm còn bày hàng chữ “Chúc Mừng Năm Mới” trong tủ kính phía trước.
Khát nước, chúng tôi vào tiệm tạp hóa tìm mua nước. Thấy người Á đông tính tiền, tôi hỏi tiếng Việt là đúng ngay gặp được người mình. Anh lại nói lúc đầu tưởng tôi là người Nhật. Chai nước giá 110 XPF, anh tính bớt còn 105 thôi.
Place des Cocotiers là quảng trường chính của thành phố, không rộng lắm, là nơi tập trung sinh hoạt dịp lễ lớn. Dịp Giáng sinh buổi tối ở đây có hòa nhạc và trình diễn đèn mầu.
Dưới bóng dừa, bóng phượng có người ngồi chơi, vui đùa. Mấy đứa trẻ nô đùa đá bóng. Nơi đây có wifi miễn phí nhưng ít người dùng, có thể vì iPhone chưa được dùng nhiều ở đây.
Chúng tôi ăn trưa tại quán ở giữa quảng trường. Bánh mì jambon với phô-mai, giòn và rất ngon.
Nhìn ra công viên, thấy một người da rất đen ăn bánh mì. Ông mở chai coca-cola, đổ xuống đất một chút rồi mới đưa lên miệng uống. Tôi đoán ông đến từ miền tây châu Phi vì đó là phong tục ở Togo, nơi tôi đã có một thời sống qua và hiểu được đó là cách tỏ lòng nhớ đến tổ tiên.
Từ quán ăn nhìn qua bên kia đường là một tòa nhà có hàng chữ BUI DUYET thật to. Hỏi chuyện những người quanh đây, được biết ông Duyệt gốc Sài Gòn, có cơ sở buôn bán nhiều mặt hàng rất thành công. Đi quanh Nouméa tôi thấy hai bin-đinh mang tên ông.
Lịch sử của người Việt ở Nouvelle Calédonie bắt đầu vào những năm cuối thế kỷ 19, khi chính phủ Pháp đưa người Việt gồm tù Côn Đảo và nhiều người Tonkinoise (Bắc Kỳ) qua đây làm phu mỏ. Ở tỉnh bắc của Nouvelle Calédonie như Thio, Tiébaghi ngày nay còn di tích và dấu vết của người Việt trong các viện bảo tàng.
Tác giả Jean VanMai, một người con của Chân Đăng nhưng không hồi hương vào năm 1960, trong tác phẩm Fils de Chan Dang, ông đã ghi lại lịch sử của người Việt trên đảo và những khó khăn, tranh đấu của phu mỏ Việt cũng như những yếu tố tác động đến việc chính phủ Pháp đưa họ hồi hương.
Những người trở về đã chịu nhiều áp lực vì biến động và hoàn cảnh chính trị thế giới vào giai đoạn đó. Cũng có luận điểm cho rằng cộng sản đã ảnh hưởng nhiều đến công nhân phu mỏ người Việt ở đây nên họ đã đòi hồi hương.
Nouvelle Calédonie là nơi Pháp giam giữ tù nhân vào cuối thế kỷ 19 với nhiều tù chính trị từ Pháp và từ thuộc địa như Algerie, Đông Dương.
Từ cuối thể kỷ 19, Pháp đã đưa người Việt qua đảo. Chuyến tàu đầu tiên có 700 người, đa số là tù Côn Đảo.
Từ năm 1891 đến 1939 có tất cả 21.000 người Việt sang đây làm phu mỏ theo hợp đồng 5 năm.
Đến đầu thập niên 1960, có chính sách đưa phu mỏ Việt trở lại Việt Nam, hầu hết là trở lại miền bắc vì khi được đưa qua đây làm phu, họ là dân xứ Bắc Kỳ (Tonkin).
Khi ở Úc, biết tôi sẽ đi chơi Tân Thế Giới, một bác gốc Quảng Ninh đã kể rằng một số người khi hồi hương về Bắc có đem theo của, rồi dần cũng bị nhà nước lấy hết, kể cả những chiếc đồng hồ đeo tay.
Đến giữa thập niên 1980, Pháp và Việt Nam có thỏa thuận cho tái định cư ở Nouvelle Calédonie những ai có thân nhân còn ở đây. Nhiều người hồi hương trước đây, nay có cơ hội trở lại đảo để sinh sống và được nhập tịch Pháp. Trong những ngày đi chơi Nouméa, tôi đã thấy các cửa hàng tạp hóa, thức ăn với tên Việt như Mai Linh, Man Duong, Hanoi Plage, Along Beach, Như Ý và gặp được người Việt gốc Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Tuyên Quang.
Chợ chính của thành phố ở gần bến cảng cũng có nhiều sạp hàng của người Việt bán rau muống, mít, mãng cầu dai.
Trung tâm du khách gần tòa thị chính có quảng cáo hướng dẫn du lịch của anh Francois Trần.
Một buổi tối ở khách sạn, xem cuốn niên giám điện thoại thấy ở Nouméa họ Nguyễn có đến hơn trăm danh mục, chiếm hết gần một trang. Họ Trần 50, Phạm 30, Bùi 22, Hoàng 20, Ngô 4. Những khu vực quanh thủ đô như Dumbéa cũng có vài chục họ Việt. Xem kỹ từng tên, đa số có tên Pháp, nhưng vẫn còn những tên thuần Việt như Nguyen Ngoc Duc, Nguyen Minh Hoang, Hoang Thu Anh, Hoang Trong Thanh v.v…
Vì là thuộc địa nên ở đây có nếp sống Pháp. Nhiều nơi bán bánh mì jambon và các loại bánh ngọt. Một chiều ở bến cảng nghe ca sĩ Patricia Ségui hát nhạc Pháp rất dễ thương.
Một ngày có du thuyền cập bến, du khách tràn ngập khu này tìm mua đồ kỉ niệm là những chiếc áo mầu sặc sỡ hay đồ thủ công là những chiếc xe xích lô, xe vespa bằng gỗ mà tôi ngờ đó là hàng sản xuất từ Việt Nam. Nét văn hóa châu Á còn được biểu hiện qua những bộ tem thư mười hai con giáp do bưu điện phát hành vào dịp tết âm lịch.
Gần bến cảng có siêu thị Casino như siêu thị ở Mỹ và trong đó có bán thức ăn Việt như nem làm sẵn, phở gói, bánh tráng, nước mắm, mắm nêm.
Một buổi chiều, chúng tôi ghé mua thịt bò, khoai, đậu và bơ, bánh mì về làm bíp-tếch ăn tối. Khi đến quầy rượu, định mua một chai vang thì nơi đây rào lại. Hỏi ra mới biết sau 12 giờ trưa không cho bán rượu, muốn mua phải chờ sáng hôm sau.
Về khách sạn, hỏi lễ tân và anh chỉ cho một nơi được phép bán rượu trong giờ cấm ở cách khách sạn chừng 30 phút đi bộ. Theo chỉ đường, chúng tôi đến đó nhưng mới chỉ vài phút sau, khi rời khách sạn, thấy bên đường có một cửa hàng mang tên Việt, ghé vào xem có gì lạ. Chỗ để bia rượu có vải che nhưng còn một kệ với rượu vang để mở. Tôi chọn rượu thì được chủ cửa hàng giải thích là giờ này không được bán rượu.
Khi biết chúng tôi là người Việt, bác nói sẽ bán cho nhưng phải giấu vào giỏ đeo. Tôi mua một chai, cái mở nút, một lon bia Number 1 là bia nội địa, tất cả chừng 15 đô.
Chị chủ tiệm, người Tuyên Quang, theo bố mẹ qua đây định cư từ năm 1992, còn chồng gốc Nam Định. Nghe kể vào những năm 1960, Pháp đưa người hồi hương mà con cháu không muốn về cũng bị bắt buộc phải về.
Đến cuối thập niên 1980, chính phủ Pháp lại có chính sách cho trở lại Nouvelle Calédonie định cư nên gia đình chị được người bác bảo trợ qua đây. Chị kể, lúc trước còn dễ, cho con cái đã có gia đình cũng được đi, bây giờ chỉ con dưới 18 tuổi mới được đi theo.
Người Việt qua đây chịu khó làm ăn, mở cửa hàng buôn bán nên đời sống cũng khá. Anh chị trước đây có mấy cửa tiệm, nay đã sang lại, chỉ còn giữ tiệm này. Một người con gái của anh chị đang học thạc sĩ luật bên Pháp.
Hỏi thăm đời sống, anh cho biết lương giáo viên ở đây từ 5 đến 7 nghìn đôla một tháng, được coi là cao. Mua nhà có thể trả góp, mỗi tháng bằng 30% lương và phải chứng minh được thu nhập vì cơ quan chức năng sợ có việc rửa tiển của những thành phần làm ăn bất chính.
Người Việt ở Nouméa có đến vài nghìn trong số chừng 100.000 cư dân. Ở đây có nhà thờ với cha người Việt từ địa phương. Cũng có chùa nhưng nhà sư từ trong nước qua lo giúp, nay đã về lại nên giờ đang xin một thầy khác qua.
Cửa hàng bán đồ điện tử của người Việt (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sinh hoạt tập trung tại Hội Ái hữu Việt Nam và chính phủ Việt Nam mới cử một người làm tổng lãnh sự danh dự ở Nouméa. Người Việt ở đây có liên hệ thân thiết nhất là với hội đồng hương Tân Đảo ở Nam Định.
Trước khi chia tay, chúng tôi cám ơn anh chị đã cho cơ hội được biết về người Việt ở hải đảo này và được có rượu để uống tối nay. Trong những ngày rong chơi ở Nouméa, chúng tôi vào thăm Bảo tàng Nouvelle Calédonie để thấy nét văn hóa truyền thống của dân bản địa Kanak trải qua nhiều thế kỷ. Từ cách đan rổ rá, rọ bắt cá, cung tên bằng tre, nhà lá vách đất cho đến cách làm thuyền buồm để vượt đại dương, đến những ảnh tượng mỹ thuật bằng gỗ, kim loại.
Nouvelle Calédonie trong những năm Thế chiến Thứ Hai được Pháp cho Hoa Kỳ dùng làm căn cứ quân sự. Anse Vata đã từng là khu bệnh viện chữa trị cho binh lính bị thương ở mặt trận Thái Bình Dương.
Lính Mỹ đã đổ bộ lên đây vào ngày 12 tháng 3/1942 và lúc cao điểm đã có 130.000 lính Mỹ đồn trú trên đảo. Trong thời gian chiến tranh, hơn một triệu lính Mỹ đã dừng chân tại đây.
Ngày nay ở Nouméa có Đài Tưởng niệm người Mỹ (American Memorial), có Bảo tàng Thế chiến Thứ Hai trên đường Paul Doumer, trong đó ghi lại hoạt động của Hoa Kỳ và đồng minh khi tham chiến cho đến năm 1946 sau khi Nhật đã đầu hàng.
Nouvelle Calédonie chính thức là thuộc địa của Pháp từ năm 1853. Rộng 18.000 kilô-mét vuông, với 270.000 dân, đến nay đảo này tuy được tự trị nhưng vẫn nằm trong sự kiểm soát của Pháp.
Tuy đã có những phong trào đòi độc lập nhưng qua nhiều lần trưng cầu dân ý, đa số cư dân Nouvelle Calédonie vẫn không muốn tách rời khỏi nước Pháp.

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

SÀI GÒN ĐÂU CẦN NHẬP TỊCH



SÀI GÒN ĐÂU CẦN NHẬP TỊCH
Vũ Thế Thành

Hay quá! Phải rồi, Sài Gòn đâu cần nhập tịch! Nhưng mà Sài Gòn là Sài Gòn, không phải HCM. Tôi cũng "nhớ Sài Gòn quá", dù không sanh đẻ ở Sài Gòn mà chỉ lon ton cắp sách đi học ở Sài Gòn thôi, vậy mà cũng NHỚ QUÁ! --HY

Tôi giống ông bạn HY nhưng lại có thêm cô vợ sinh đẻ tại Sài Gòn, nàng sanh cho tôi 4 cô công chúa, ứng với câu “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” nhưng nếu còn ở Việt Nam thì làm sao “bất bần” được, không chừng tôi đã có sui gia là người Đại Hàn, Đài Loan... Từ ngày Nàng Sài Gòn này về làm dâu nhà tôi, cả dòng họ “rau muống” của tôi được ăn “giá sống” mệt nghỉ.
Anh bạn Vũ Thế Thành chắc nhớ sai: Sài Gòn không có quận 9, tôi nhớ có một tuồng cải lương xã hội: “Ông Cò Quận Chín...” rất nổi tiếng. Tôi có hỏi thằng bạn thân “Nam Cờ” của tôi, câu này: “Hai đứa đánh nhau, trúng mặt mũi sưng vù, bầm tím mà người Sài Gòn nói là “CHÚNG NÓ ĐÁNH LỘN”, rõ ràng hai thằng bé đánh trúng, đứa nào cũng mang thương tích, đánh thằng A, trúng thằng B mới là đánh lộn chứ, thằng bạn không giải thích được, chịu thua.
Sài Gòn LÀ NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN đối với tôi.
Đã nhiều lần tôi ước mình sinh ra đâu đó ở miền quê, có sông suối, núi đồi, vườn cây hoa lá, để lâu lâu về quê lại có những “đêm buồn tỉnh lẻ”, về Sài Gòn kể chuyện làm quà ra cái điều lãng mạn.
Sinh ra, lớn lên và sống gần hết đời ở cái đất Sài Gòn này mới thấy nó chán phèo. Hồi nhỏ thì chơi tạc lon, đánh đáo, giựt cô hồn... Thả diều không được vì ông già Mười, nhà có xe hơi xách baton rượt, sợ vướng dây điện. Tụi tui lấy kẹo cao su gắn dính vô chuông cổng nhà ổng rồi bỏ chạy. Lớn hơn chút nữa thì chơi bầu cua, cát-tê, xập xám...
Mỗi tối mẹ sai tôi xách thùng rác ra gốc me ngoài đường đổ. Tối cúp điện, tôi vừa xách thùng rác vừa nghêu ngao: “... Đường về hôm nay tối thui, gập ghềnh em không thấy tui, em đụng tui, em nói tui đui...”. Tội nghiệp bản “Kiếp nghèo” của Lam Phương, tôi chỉ cám cảnh a dua hát theo chứ đâu biết sửa lời. Trời nóng, để tạm thùng rác ở gốc me, chạy ra phông-tên nước gần đó, năn nỉ mấy chị ma-ri-sến gánh nước thuê, cho em thò cái đầu vô vòi nước một chút. Mát đầu có sức quậy tiếp.
Xóm nhỏ đôi khi lầy lội. Thỉnh thoảng mấy bà trong xóm cũng cãi nhau ầm ĩ. Hôm sau hai ông chồng lại ngồi khề khà nhậu với nhau, còn mấy bả đon đả tiếp mồi. Cãi nhau là chuyện nhỏ, chuyện hôm qua cho nó qua luôn. Đời sống nghèo ở Sài Gòn là vậy, có gì thơ mộng đâu?
Mà nói thiệt, tôi là dân Bắc kỳ... chín nút. Nhưng đó là chuyện của ba má tôi, dù sau này có về thăm quê nội ngoại tôi vẫn thấy hụt hẫng và hờ hững thế nào ấy. Tôi lớn lên ở Sài Gòn, không khí Sài Gòn, cơm gạo Sài Gòn, đầu Sài Gòn, tim Sài Gòn... bao nhiêu thứ buồn vui với nó. Trong tôi cứ bám riết cái Sài Gòn chán phèo này, dù đôi lúc mặc cảm mình không phải là dân Sài Gòn.
Hồi 54, cả trăm ngàn dân di cư mang theo đủ loại kiểu sống bó trong lũy tre làng đem nhét hết vô mảnh đất nhỏ xíu này, cũng gây xáo trộn cho người ta chứ. Phong tục, tập quán, ở đất người ta mà cứ như là ở đất mình nhưng người Sài Gòn chỉ hiếu kỳ một chút, khó chịu một chút rồi cũng xuề xòa đón nhận.
Lúc đầu tụi bạn ghẹo tôi là “thằng Bắc kỳ rau muống”. Con nít đổi giọng nhanh mà, trong nhà giọng Bắc, ra ngoài giọng Nam. Thế là huề hết. Rủ nhau đi oánh lộn phe nhóm là chuyện thường. Khỏi cần biết đúng sai, mày đánh bạn tao thì tao đánh lại, oánh lộn tưng bừng. Vài ngày sau lại rủ nhau đi xem xi nê cọp. Dễ giận dễ quên.
Hè, tụi bạn về quê, Bến Lức, Vĩnh Long, Kiến Hòa... cũng chia tay hứa hẹn, tình cảm ra rít: “Tao về quê sẽ mang lên cho mày ổi xá lỵ, xoài tượng...”. Tôi ngóng cổ chờ bạn, chờ quà. Thực ra, tôi thèm có quê để về.
Tết đến, thầy cô, bạn bè về quê, nhiều người Sài Gòn xôn xao về quê. Tôi ở lại Sài Gòn mà thấy hình như mình vẫn không phải là dân Sài Gòn. Vây ai là dân Sài Gòn chính hiệu đây? Chẳng lẽ phải tính từ thời mấy ông Pétrus Ký hay Paulus Của?
Sài Gòn trẻ măng, mới chừng hơn 300 tuổi tính từ thời Chúa Nguyễn xác lập chủ quyền ở đây. Sài Gòn khi cắt ra, khi nhập vào, to nhỏ tùy lúc. To nhất có lẽ khi nó là huyện Tân Bình, kéo dài đến tận vùng Biên Hòa. Nhỏ nhất là vào thời Pháp mang tên Sài Gòn. Ngay trước 1975, Sài Gòn rộng chừng 70 km2, có 11 quận từ số 1 đến 11. Hồi đó Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức... còn được xem là nhà quê (tỉnh Gia Định). Bây giờ Sài Gòn rộng tới 2000 km2.
Image result for saigon nay
Sài Gòn đắc địa, có cảng nối biển, là đầu mối giao thương quốc tế, tiếp cận với văn minh Tây phương sớm. Đất lành chim đậu. Người miền Nam đổ về nhiều. Dân Sài Gòn không có địa giới rõ rệt. Nói tới họ có vẻ như là nói tới phong cách của dân miền Nam. Họ là những lưu dân, khai phá, hành trang không có bờ rào lũy tre nên tính tình phóng khoáng, trọng nghĩa khinh tài, nói năng bộc trực... Ai thành đại gia thì cứ là đại gia, ai bán hàng rong thì cứ bán.
Sài Gòn không tự hào mình là người thanh lịch, không khách sáo, không mời lơi. Họ lấy bụng thiệt mà đãi nhau. Sài Gòn có mua bán chém chặt? Có, đúng hơn là nói thách. Cứ vô chợ Bến Thành xem mấy bà bán mỹ phẩm, hột xoàn hét giá mát trời ông Địa luôn. Đối tượng nói thách của họ là khách hàng, chứ không cứ gặp khách tỉnh mới nói thách. Dân Sài Gòn lơ mơ cũng mua hớ như thường. Thuận mua vừa bán mà!
Ít nơi nào có nhiều hội ái hữu, hội tương tế, hội đồng hương như ở Sài Gòn. Dân tứ xứ về đây lập nghiệp nhiều. Có máu lưu dân trong người, dân Sài Gòn thông cảm đón nhận hết, không ganh tị, không thắc mắc, không kỳ thị. Người ta kỳ thị Sài Gòn chứ Sài Gòn chẳng kỳ thị ai. Nhiều gia đình người Bắc, người Trung ngại dâu ngại rể Sài Gòn chứ dân Sài Gòn chấp hết, miễn sao ăn ở biết phải quấy là được.
Dân Sài Gòn làm giàu bằng năng lực hơn là quyền lực. Người ta nói “dân chơi Sài Gòn”. Trời đất! Sài Gòn mà “tay chơi” cái nỗi gì. Tay chơi dành cho những đại gia mới giàu lên đột xuất từ đâu đó đến. Đổi đời, Sài Gòn biết sợ. Sài Gòn a dua thì có nhưng a dua biết chọn lọc. Coi vậy chứ dân Sài Gòn đâu đó còn chút máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”. Cứ xem dân Sài Gòn làm công tác xã hội thì biết, cứu trợ lũ lụt thấy người ta lạnh quá, cởi áo len đang mặc trên người tặng luôn. Họ làm vì cái bụng nó thế chứ không phải vì PR, đánh bóng bộ mặt.
Biết bao văn nghệ sĩ miền Bắc, miền Trung vào đất Sài Gòn này “quậy” tưng bừng, tạo ra cái gọi là văn học miền Nam hậu 54 coi cũng được quá chứ? Nhạc sĩ Lam Phương, quê Rạch Giá, 10 tuổi đã lưu lạc lên Sài Gòn kiếm sống. Năm 17 tuổi nổi danh với bản “Kiếp nghèo” và khá giả từ đó.
Tiếp cận văn minh phương Tây sớm nên dân Sài Gòn có thói quen ngả mũ chào khi gặp đám ma, xe hơi không ép xe máy, xe máy không ép người đi bộ, chạy xe lỡ va quẹt vào nhau, giơ tay chào ngỏ ý xin lỗi là huề. Những thói quen này giờ đây đang mất dần, nhưng dân Sài Gòn không đổ thừa cho dân nhập cư. Họ cố gắng duy trì (dù hơi tuyệt vọng) để người mới đến bắt chước vì lợi ích chung. Chợ hoa là một chút văn hóa của Sài Gòn, có cả nửa thế kỷ nay rồi, có dân nhập cư nào “yêu” hoa mà ra đó cướp giựt hoa đâu!
Sài Gòn nhỏ tuổi nhiều tên nhưng dù thế nào Sài Gòn vẫn là Sài Gòn. Nhiều người thành danh từ mảnh đất Sài Gòn này. Sài Gòn nhớ không hết nhưng mấy ai nhớ đến chút tình của Sài Gòn? May ra những người xa Sài Gòn còn chút gì nhức nhối. Tôi có người bạn Bắc kỳ chín nút, xa Việt Nam cũng gần 40 năm. Tên này một đi không trở lại, vừa rồi phone về nói chuyện lăn tăn rồi chợt hỏi: “Sài Gòn còn mưa không?”. “Đang mưa”. Đầu phone bên kia thở dài: “Tao nhớ Sài Gòn chết... mẹ!”. Sài Gòn nay buồn mai quên nhưng cũng có nỗi buồn chẳng dễ gì quên.
Mới đây đi trong con hẻm lầy lội ở Khánh Hội, chợt nghe bài hát “Kiếp nghèo” vọng ra từ quán cà phê cóc ven đường. Tôi ghé vào gọi ly cà phê. Giọng Thanh Thúy sao da diết quá: “Thương cho kiếp sống tha hương, thân gầy gò gởi theo gió sương...”. Chủ quán, ngoài 60, cầm chồng báo cũ thẩy nhẹ lên bàn “Thầy hai đọc báo...”. Hai tiếng “thầy hai” nghe quen quen... Tự nhiên tôi thấy lòng ấm lại. Sài Gòn từ tâm, Sài Gòn bao dung. Tôi chợt hiểu ra, mình đã là người Sài Gòn từ thưở bào thai rồi, cần gì xin nhập tịch.