CHUYỆN ÔNG LÃNH VÀ 5 BÀ VỢ NỨC TIẾNG SÀI GÒN
Tác giả: Phạm Công Luận
Trung học Hồ Ngọc Cẩn Gia Định
Chợ Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom thân thuộc với người Sài Gòn được cho là tên của 5 người vợ vị tướng Lãnh Binh Thăng.
Chợ cầu Ông Lãnh (quận 1), Bà Hạt (quận 10), Bà Quẹo (quận Tân Bình), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Bà Hom (Bình Tân) và Bà Điểm (huyện Hóc Môn)... là những địa danh nổi tiếng, có lịch sử hàng trăm năm gắn với nhiều thế hệ người Sài Gòn. Tuy ở những vị trí khác nhau, nhiều chợ đã đổi tên nhưng người bản địa ngày nay ai cũng rành rọt các địa danh này.
Lãnh binh Thăng quê ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, từng tham gia các trận đánh ở đồn Cây Mai, đồn Thủ Thiêm và vùng phụ cận khi quân Pháp chiếm thành Gia Định. Ông nổi tiếng với chiến dịch Mù U gây tổn thất nặng cho địch. Về sau ông phối hợp với nghĩa quân Trương Định ở Gò Công tiếp tục chống Pháp.Học giả Trương Vĩnh Ký, một trong 18 nhà bác học thế giới thế kỷ 19 cho rằng, Ông Lãnh là vị lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Đức. Ông thuộc thế hệ tham gia chiến đấu chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ. Còn 5 người phụ nữ được đặt tên chợ ở Sài Gòn vốn là các bà vợ của ông. Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.
Năm 1866, tướng Thăng tử trận ở Gò Công, được đưa về an táng tại quê nhà. Hiện, ông được thờ với vị Thành Hoàng và đức Trần Hưng Đạo ở đình Nhơn Hòa, đường Cô Giang (quận 1). Ngôi đình gần cây cầu và chợ mang tên ông. Ngoài ra, tên Lãnh Binh Thăng cũng được đặt cho một con đường tại quận 11.
Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, nhà bác học Trương Vĩnh Ký khẳng định "chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác". Cây cầu này đầu tiên (nối đại lộ Đông Tây ngày nay) bắc qua một con rạch nhỏ. Khi rạch bị lấp, cây cầu mới nối bến Chương Dương (quận 1) và Bến Vân Đồn (quận 4).
Năm 1874, một ngôi chợ được xây ở khu vực này, mang tên chợ Cầu Ông Lãnh. Nơi đây tàu ghe tấp nập từ miền Tây theo sông Sài Gòn vào kênh Tàu Hủ buôn bán. Chợ được chia làm 3 khu vực: bán trái cây, bán cá và bán tạp hóa.
Năm 1971, chợ bị hỏa hoạn lớn thiêu rụi hoàn toàn, sau đó dần phát triển lại. 28 năm sau, chợ lại bị cháy lớn, thiêu rụi hơn 200 căn nhà. Từ đó, tiểu thương chuyển sang buôn bán nơi khác, chợ Cầu Ông Lãnh dần biến mất. Ngày nay, chợ Cầu Ông Lãnh vẫn còn buôn bán nhưng quy mô rất nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1).
Trong các chợ do vợ của ông Lãnh quản lý, Bà Chiểu là một trong những ngôi chợ lâu đời ở Sài Gòn. Sơ khai là chợ xổm, năm 1942, chợ được xây lên với diện tích gần 8.500 m2, nằm ở trung tâm quận Bình Thạnh. Năm 1987, chợ được nâng cấp, sửa chữa. Đến nay, chợ có khoảng 800 hộ, kinh doanh khoảng 40 mặt hàng.
Cố nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên vùng đất, chỉ mới xuất hiện thời vua Tự Đức. Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên. Bà Chiểu là "nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên".
Chợ nổi tiếng thứ hai đồng thời gắn với nhiều địa danh ở Sài Gòn là Bà Điểm. Chợ thuộc xã Bà Điểm huyện Hóc Môn, nơi có 18 thôn vườn trầu nổi tiếng. Theo Trương Vĩnh Ký, chợ Bà Điểm bán nhiều mặt hàng nhưng nổi tiếng nhất là trầu cau có độ ngon nức tiếng được trồng ngay tại vùng.
Trong năm ngôi chợ, năm 1978, chợ Bà Quẹo được đổi tên thành Võ Thành Trang, nằm trên đường Trường Chinh thuộc phường 14 (quận Tân Bình). Tuy đổi tên nhưng phần lớn người dân vẫn gọi bằng cái tên dân dã "Bà Quẹo". Đây vốn là chợ đầu mối thu mua nông sản từ Củ Chi, Hóc Môn, Long An...
Tuy nhiên trong cuốn "Sài Gòn năm xưa", học giả Vương Hồng Sển lại cho rằng nên thận trọng khi cho "Ông Lãnh" và "Bà Chiểu", Bà Điểm", "Bà Hom", "Bà Hạt", "Bà Quẹo" là vợ chồng.
Bởi theo ông, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.
Lý giải về Bà Hom, có sách chép rằng do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch thành. Còn tên Bà Quẹo cũng đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc quẹo rất rõ. Từ quẹo vốn cũng được đặt cho nhiều địa danh như Cống Quẹo ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) hay lộ Quẹo tại huyện Cần Giờ.
Ở Sài Gòn, còn nhiều tên người được gắn cho địa danh như ở quận Bình Thạnh có cầu, chợ và kênh mang tên Thị Nghè. Người này vốn tên Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí viết rằng, "do có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Thị Nghè. Do bà khai hoang đất ở, bắc cầu để tiện việc đi lại, nên dân gọi là kênh, cầu Thị Nghè".
Ngoài ra, thành phố còn nhiều tên gọi mang tên ông, bà khác như Ông Tố, Ông Bổn, Bà Lài, Bà Tàng, Bà Chiêm...
Sơn Hòa
Về Bà Chiểu
Đất Bà Chiểu, giống như Lái Thiêu hay Trảng Bàng, đều là những vùng dân cư luôn khiến người mang tình hoài cổ thấy lòng mình bâng khuâng mỗi khi vãng lai. Ở những nơi đó, xen giữa những nhà phố, thỉnh thoảng lại ló ra một căn nhà ngói rêu phong, một cây cổ thụ um tùm lá, một góc miếu thờ nhỏ hay mái đình to và cũng ở đó, dân cư thường hiền hòa, bình dị. Đi về Bà Chiểu như đi về một quá khứ không xa lắm dù trường vẽ Gia Định nay đã không còn nơi mặt tiền xưa những cây cột kiểu toscani và các vòm cửa arcade rất đẹp.
Đi ngang nhà ông Vương Hồng Sển, nhìn vào sân sau, thấy cây soài Thanh Ca cuối sân đã chết nhưng nó vẫn cố đứng vững để chịu đựng lũ dây leo quấn quanh chằng chịt. Kệ thờ ở dưới cái mái nhỏ trong sân giữa, có di ảnh của ông và bà Năm Sa Đéc, nhìn ra hòn non bộ buồn thiu. Vài cây chậu nhỏ hoang tàn, và nhà lớn thì cửa đóng im ỉm…
Bà ngoại tôi, con một gia đình hết thời từ phía Vĩnh Hội hồi đầu thế kỷ 20 từng kể với má tôi rằng khi còn trẻ, bà thường có việc đi qua khu Bà Chiểu. Từ Gò Vấp, bà đi xe thổ mộ theo đường làng số 15, bây giờ là đường Lê Quang Định. Xe đi qua xóm Gà, thường thấy hàng cây Sao dài um tùm trong những buổi sương sớm hay vào chiều tối. Lúc đó là năm 1925-1926, khi bà vừa sinh ra má tôi..
Xe thổ mộ lóc cóc đi ngang Tòa Bố Gia Định (Góc Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng) vào ban ngày, khách đi đường thưa thớt và ban đêm thì tối âm u vì đèn đường cách nhau rất xa, đầy tiếng ếch nhái hay ễnh ương kêu inh ỏi. Tới Tòa Bố, xe quẹo vào đường Hàng Bàng ngay góc Lăng Ông. Đường Hàng Bàng là đoạn đường mang tên Đinh Tiên Hoàng từ đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh ngày nay cho tới Cầu Bông. Thời đó, hai bên đường có mọc nhiều cây Bàng dùng để đan đệm, không phải loại bàng lá to thân cứng.
Bà Chiểu khi đó còn có đường Hàng Gòn, Hàng Dừa, Hàng Sanh… được đặt tên tùy theo những cây cối trồng hai bên. Đường Hàng Gòn nay là Hồ Xuân Hương. Đường Hàng Sanh bây giờ là đường Bạch Đằng, xưa rất vắng vẻ và có trồng nhiều cây Sanh mang lắm rễ phụ như cây Đa, cây Si - Vài người già ở Bà Chiểu bây giờ luôn cảm thấy bực mình khi chữ Hàng Sanh bị viết sai thành Hàng Xanh như trước nay.
Khi gả con gái út vào một gia đình ở Ngã năm Bình Hòa, hiểu biết của bà ngoại tôi về vùng Bà Chiểu càng đầy lên qua những câu chuyện với ông bà sui vốn là dân cố cựu. Lúc đó, khoảng đầu thập niên 1950 đã có đông người lao động nghèo về ở, nhưng hồi khoảng thập niên 1920 thì vẫn còn thưa vắng. Từ Cầu Bông về xóm Đình gần đó, người ta còn làm ruộng, thậm chí còn thấy hai bên đường Hàng Bàng, ruộng lúa tươi tốt chín vàng khi đến mùa gặt.
Thú vui của dân xóm Đình gần đó là đi câu ếch và bắt cá lia thia hay bắt còng. Cá lia thia ở đây là cá Xiêm lai, đá rất giỏi nên cá các xóm Cầu Lầu, Thanh Đa hay Hàng Sanh, Thị Nghè gần đó đều chạy mặt. Tuy nhiên, đám trẻ đi bắt cá lia thia ở quanh quẩn đường Hàng Bàng trong ngày nghỉ học thường không dám nán lại lâu vì sợ đến giờ Ngọ là giờ… ma đi. Giờ đó, mấy người thả trâu cũng đã về ăn cơm chứ không còn ai ngoài ruộng. Ai cũng sợ cô Ba Trâm nhát ma!
Nếu đi ngang con đường đó vào ban đêm, thật là mừng nếu thấy có ánh đèn dầu của mấy anh soi ếch hay bắt cóc gần đó. Đi từ cầu Bông, khách bộ hành luôn mong cho nhanh tới Lăng Ông vì phía trước Lăng có một dãy nhà phố và một cái lò đóng móng bò. Cái lò này chính là nơi trú mưa lý tưởng mỗi khi trời khó ở, rồi từ đó đi tiếp về miệt Phú Nhuận, Bình Hòa hay Gò Vấp vì không có nhà cửa nào gần đó.
Đứng tại lò đóng móng bò, có thể nhìn thấu tới xóm Đình, thấy cả một thân cây khô rất cao là chỗ cô Ba Trâm đã treo mình tự tử ở đó. Cây này không ai dám đốn hạ kể từ khi chuyện đó xảy ra vì ai cũng tin, oan hồn cô vương vấn ở đó. Từ lò đóng móng bò ngó qua bên kia đường, có một miếng đất trống và một cái nhà lợp thiếc, với khung sườn bằng sắt. Đó là nơi phú-de (fourrière, nơi chưa đồ vật của công an) dùng nhốt chó, nhốt bò vô chủ đi lang thang.
Sau một thời gian, phú-de ấy dời đi. Trước kia ở đây là trại lính, cũng là nơi tập dượt của lính mã tà. Dân quanh vùng thường thấy từng tốp lính 4-5 người bồng súng có gắn lưỡi lê đứng tập theo khẩu lệnh của của mấy chú cai, thầy đội.
Về cô Ba Trâm, ông bà sui của ngoại tôi kể rằng: Cô còn trẻ, con nhà khá giả. Cô treo cổ tự tử sau khi bị bà mẹ ghẻ tàn độc hành hạ và ép gả không theo ý mình. Nơi cô Ba Trâm tự tử là gốc cây Trâm gần trường vẽ Gia Định. Nơi đó cây cối sầm uất, nhà cửa thưa thớt nên thân xác cô khi được phát giác đã không còn nguyên vẹn do bị thú ăn.
Vì cô chết oan, lại chết thảm nên người dân tin là hồn cô không đầu thai được mà còn vất vưởng trên dương gian và họ đồn, về đêm cô hay hiện về trong dáng vẻ một cô gái bận áo trắng đứng đón xe song mã từ Hàng Sanh, đi dạo một vòng rồi về Gia Định. Xe nào đưa cô đi thì gặp may, từ chối thì gặp xui rủi và giở trò ong bướm sẽ bị vật chết.
Bây giờ, người ta cho rằng xóm Đình chính là đoạn đường Nguyễn Duy hiện nay, một con đường nhỏ còn tồn tại một số nhà kiểu xưa.
Câu chuyện này rộ lên từ cuối thập niên 1910 và mai một dần, hầu như dân cư ở đó không mấy ai biết. Tôi hỏi thì ông Lý Lược Tam, một nhà nghiên cứu cho biết là đến đầu thập niên 1950, không thấy ai còn nhắc đến chuyện cô Ba Trâm nữa ngoài những câu chuyện của ông bà kể cho con cháu nghe. Đến lúc đó, đường Hàng Bàng đã trở thành tên đường mới là Lê Văn Duyệt (Không phải LVD ở khu quận 3 - 10 ngày cũ) và nhà cửa đã đông đúc hơn.
Phía bên trái, từ Lăng Ông đi Cầu Bông thì nhiều nhà hơn, sau này đến thập niên 1960, ở hẻm số 100 thì nhiều người biết trong đó có tiệm bán khăn đóng tên là Khăn đen Suối Đờn, nổi tiếng từ Thủ Dầu Một xuống làm ăn. Gần Cầu Bông có bãi đất trống sau khi chặt bỏ những cây Bàng. Buổi chiều, người dân tụ lại thành khu chợ trời, bán đủ thứ hàng phục vụ cho bữa ăn như nồi đất, bí bầu, gạo và có cả một ông thợ may tên là “anh Năm” đặt bàn ở đó, may quần áo cho khách. Có cả mấy quán cà-phê.
Năm 1952, nghệ sĩ lão thành Năm Châu đến mua một trại cưa trong con đường dốc là nhánh của đường Hàng Bàng đổ xuống khu Miếu Nổi, làm thành chỗ ăn ở cho đoàn Việt kịch Năm Châu. Ở đó, gia đình ông ở trong một cái nhà sàn de ra sông, khoảng giữa dành làm sân khấu để tập tuồng và trong trại chia ra từng gia đình nghệ sĩ, với cái bếp chung, ăn “cơm hội”. Gia đình nghệ sĩ Trần Hữu Trang cũng ở một cái nhà sàn gần đó.
Trước 1975, đến lượt nhà văn Sơn Nam cũng về ngụ trên con đường này, rất tiện cho ông khi cần đến Lăng Ông để tham gia việc Lăng, hoặc đi giao dịch nơi các tòa báo ở quận 1, quận 3. Khi tôi đến thăm ông năm 1999, ông nhắc lại một chuyện: Khi con trai là Nguyễn An Ninh còn măng trẻ muốn sang Pháp du học, cụ Nguyễn An Khương, một nhà nho yêu nước hưởng ứng phong trào Duy Tân và Đông Du, đã đưa con đến Lăng Ông Bà Chiểu để tuyên thệ giữ vững khí tiết, không bị bả vinh hoa xứ người mê hoặc mà phản bội quê hương . Con trai ông không chỉ vượt qua mọi cám dỗ ấy mà còn trở thành một nhà cách mạng lừng lẫy chống chế độ thực dân.
Câu chuyện khiến tôi nghĩ nhiều về vai trò của Lăng Ông trong đời sống người Sài Gòn – Gia Định. Người ta đến Lăng không chỉ để cầu xin buôn may bán đắt, thề thốt đúng sai với nhau mà còn đến để có nơi chứng giám lòng kiên trinh với đất nước. Một nơi như vậy sẽ không bao giờ có cảnh hương tàn khói lạnh, cho dù cuộc sống có biến đổi thế nào đi nữa.
Cơn mưa đầu Hè khiến tôi trú lại khu chợ Bà Chiểu, ăn tô mì hoành thánh nơi cái xe có gắn tranh kính màu đầy tích tuồng xưa cũ. Những mảng màu đã đó đã nhợt nhạt trên tranh. Tô hoành thánh không còn ngon như hồi được bà ngoại cho tôi đi ăn mỗi khi ghé thăm bà bác, tức là sui gia của bà, ở đầu hẻm Ba cây Sao. Mưa đi qua vùng Bà Chiểu, như đã qua trăm năm trước, nhưng cảnh vật đã khác rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét