NHỎ BÉ THÌ MỚI ĐẸP ĐẼ
Đoàn Thanh Liêm
Từ thời xa xưa, cha ông chúng
ta thường sinh sống quy tụ với nhau trong những thôn làng nhỏ bé với lũy tre
bao bọc xung quanh. Lại nữa, vì tất cả mọi gia đình đều cùng làm nghề nông nghiệp
hay tiểu thủ công nghiệp nên mọi người thường dễ dàng quen biết và gắn bó chặt
chẽ thân thương với nhau. Điều này thật khác biệt so với lối sống tại các thành
phố đông đúc mà người dân thường ít có dịp gặp gỡ quen thuộc với nhau đến nỗi
mà người dân thành thị lại trở thành “kẻ xa lạ”, “người vô danh” (anonymous)
ngay đối với bà con cùng cư ngụ trong một khu phố với mình.
Quả thật là môi trường đô thị
hóa tại nhiều nơi trong nước ta ngày nay đã làm
thui chột mất mát đi cái mối dây ràng buộc gắn bó thân tình trong xã hội
truyền thống ngày xưa của cha ông chúng ta (social cohesion).
Đó là cái xu thế thời đại mà
ta khó có thể nào tránh thóat cho khỏi được. Vấn đề là làm sao mỗi người, mỗi
gia đình hay mỗi tập thể nhỏ bé chúng ta phải tìm ra được một phương thức thỏa
đáng để thích nghi được với sự tiến bộ của xã hội hiện đại – đồng thời vẫn bảo
vệ duy trì được cái nếp sống hòa nhã yêu thương thuận thảo với nhau - từ trong
từng tập thể gia tộc cũng như trong các cộng đồng địa phương nơi gia đình chúng
ta cư ngụ sinh sống. Thiết nghĩ đó là trách nhiệm của những bậc tôn trưởng
trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ và trong các cộng đồng địa phương bất kể là ở
nông thôn hay ở thành phố. Nói khác đi, đó chính là cái vai trò cốt yếu của Xã
hội Dân sự (the Civil Society) – đó là một khu vực vốn gồm vô vàn vô số những
nhóm nhỏ (small groups), những tổ chức tự nguyện, vô vị lợi và phi chính phủ tại
khắp các địa phương (voluntary, non-profit, non – governmental organisations).
Và một khi mà người dân đều
cùng tham gia sinh họat chung với nhau trong khuôn khổ của các đơn vị, các tổ
chức thật nhỏ bé khiêm tốn thuộc khu vực Xã hội Dân sự như thế thì họ dễ có cơ
hội sát cánh quen biết và găn bó bền chặt thân thương với nhau hơn mãi.
Nhờ đó mà khắp xã hội mới có
cơ được an vui hòa nhã, trong đó mọi người đều yêu thương, liên đới tương trợ lẫn
nhau – như cha ông ta ngày xưa vẫn thường nhắc nhở qua những câu ca dao điển
hình như : “Lá lành đùm bọc lá rách”, "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong
một nước phải thương nhau cùng” v.v... vậy.
Ghi chú : Nhan đề của bài viết này “Nhỏ
bé thì mới đẹp đẽ” là do tôi mượn từ cuốn sách viết bằng tiếng Anh được xuất bản
năm 1973 của kinh tế gia gốc người Đức là Fritz Schumacher có tiêu đề là :
“Small is Beautiful”. Sách này đã gây được một tiếng vang khắp thế giới và được
giới thức giả khắp nơi hết lòng ca tụng.
Mấy năm trước, tôi đã có dịp
giới thiệu về cuốn sách thời danh này, trong đó đặc biệt có một chương viết về
“Kinh tế học Phật giáo” (The Buddhist Economics”. Và trong một bài điểm sách,
có người đã tóm tắt trong một câu ngắn gọn như thế này : “Small is beautiful,
Simple is beautiful, Non-violent is beautiful too!” (Nhỏ bé thì đẹp đẽ, Đơn sơ
thì đẹp đẽ, Bất bạo động thì cũng đẹp đẽ nữa).
Westminster California, Tháng
Sáu 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét