Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

TỤC LỆ NGÀY TẾT

TỤC LỆ NGÀY TẾT
Phan Lục
Từ ngàn xưa, những tục lệ ngày Tết làm cho cái Tết trở nên có ý nghĩa và làm tăng thêm niềm vui lúc Xuân về. Đối với người Việt chúng ta, ngày Tết Nguyên Đán là ngày trọng đại và cũng là một nét văn hóa độc đáo. Tết Nguyên Đán là một tục lệ cổ truyền cao quý nhất của dân tộc ta. Ai cũng tha thiết với Tết, nhất là ở nông thôn, vì sau một năm dài làm việc cực nhọc thì đây là dịp để nghỉ ngơi. Năm mới đến, những sự may mắn mới cũng đến và bao nhiêu những điều xui xẻo, không may của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết. Bao nhiêu lo nghĩ được gác lại một bên để đón Tết một cách trịnh trọng, vui Tết một cách nồng nhiệt. Những người đi làm ăn xa, dù thu nhập thấp kém, cũng ráng dành dụm để về quê ăn Tết. Vì thế, hiện nay ở nước ta, trước ngày Tết, các phương tiện giao thông công cộng đều được tăng cường mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Các chuyến tàu xe Nam-Bắc đều không còn chỗ cho những người mua vé trễ. 
Tuy ngày nay, lễ tục ngày Tết đã có phần đơn giản, ở nhiều nơi vẫn còn giữ lề thói cũ theo những lễ nghi truyền thống. Ngày mồng một tháng giêng âm lịch mới bắt đầu Tết Nguyên Đán nhưng người ta đã sửa soạn Tết từ một tháng trước. Nhà nhà đều lo mua gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, lá dong hay lá chuối để nấu bánh chưng hay bánh tét. Người ta còn lo làm dưa hành củ kiệu, làm các loại bánh mứt, mua sẵn gà vịt thả nuôi trong vườn, cả xóm rủ nhau mua heo xẻ thịt v.v… Bây giờ ở thành thị thì các loại bánh trái và các loại thịt đều có bán sẵn nên khỏi phải lo mua sắm sớm như ngày xưa. Người ta còn phải đi lo mua sắm những bộ áo quần, giày dép mới, đặc biệt cho trẻ em. Người ta còn phải mua sắm quà biếu Tết cho những bậc trên, cho người ban ơn, cho thầy học, cho bà con, bạn bè v.v… Ngày nay, có người còn mua thiệp chúc Tết để gởi cho mọi người thân thích. Trong thời đại vi tính hiện nay, nhiều người đã dùng điện thư chúc mừng nhau thay vì gởi thiệp Tết. Cũng trong thời gian này, các nhà buôn, các nhà hàng, các hãng xưởng v.v… thường kết toán sổ sách, tặng thưởng nhân viên và mở tiệc tất niên thết đãi khách hàng và bạn bè, người làm công. Nợ nần cũng lo thanh toán trước cuối năm vì con nợ sợ xui nếu để nợ qua 2 năm và chủ nợ lại không dám đòi vì sợ con nợ kiêng cử. Các trường học, các hội đoàn, các công tư sở cũng tổ chức tiệc tất niên để họp mặt chúc Tết và chia tay nhau trước khi nghỉ Tết. Những gian hàng Tết tại các chợ từ thành thị đến thôn quê đều bắt đầu trang hoàng và bày bán đủ các loại thực phẩm, hoa quả, đồ chơi, y phục…. cho ngày Tết. Ngày 23 tháng chạp lại có lệ sắm áo mão bằng giấy và lễ vật để cúng đưa ông Táo vì người ta tin rằng ngày đó, ông Táo sẽ lên chầu Trời tâu trình những điều thiện ác ở trần gian. Người ta cũng bắt đầu họp chợ hoa trong những ngày trước Tết với mọi thứ hoa đẹp của các nhà vườn đã có công trồng trỉa và chăm bón từ nhiều tháng trước.
Gần đến ngày Tết, nhà nhà đều lau chùi, quét vôi, sơn phết và trang trí nhà cửa cho có một khung cảnh sáng sủa, sạch sẽ và đẹp đẽ. Con cháu phải lo lau các vật cúng trên bàn thờ tổ tiên, đánh bóng các loại đồ đồng, các câu liễn đối v.v… Bàn thờ tổ tiên được cắm hoa mới và chưng các loại trái cây. Các con cháu, những người đã ra ở riêng hoặc thuộc các chi tộc thì mua lễ vật mang đến nhà trưởng tộc hoặc nhà thờ tộc để dâng cúng tổ tiên.. Chiều ngày 30 tháng chạp hoặc 29 (nếu tháng thiếu), sau khi đi viếng mộ về, mọi nhà đều sắm sửa mâm cỗ cúng gia tiên gọi là lễ rước ông bà và sau đó, giữ nhang đèn sáng trong suốt 3 ngày Tết vì người ta tin rằng trong mấy ngày này, trên bàn thờ luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Suốt trong ba ngày Tết, mỗi ngày đều dâng mâm cỗ dâng cúng tổ tiên đủ 3 bữa (ngày nay có nhà tinh giảm chỉ còn một bữa).
Giữa khuya ngày 30 tháng chạp là lễ cúng giao thừa. Giao thừa nghĩa là “cũ giao lại, mới thừa tiếp lấy”. Lễ giao thừa có ý nghĩa “tống cựu nghinh tân” nên lễ được cử hành rất long trọng từ tư gia đến đình chùa. Cúng tế cốt ở tâm thành và cúng lễ vào lúc nửa đêm nên có vẻ thần bí và trang nghiêm. Ngày xưa, vào giờ này, chuông trống đánh vang, pháo nổ liên hồi truyền từ nhà này đến nhà khác. Tại các tư gia, chủ nhà thường lập bàn thờ giữa sân hoặc trước cửa nhà với một mâm lễ vật thật đơn giản có thể là một con gà, bánh chưng, hoa quả, trầu cau, trà rượu… và nhang đèn. Trong đêm giao thừa, người ta cúng Trời Đất và thần thánh chứ không cúng tổ tiên nữa vì đã cúng từ lúc chiều rồi. Một năm chấm dứt vào lúc giao thừa và cũng bắt đầu từ lúc giao thừa. Có người đi dự lễ cúng giao thừa tại các chùa chiền hoặc nhà thờ. Sau lễ giao thừa, người ta rước nhang từ các chùa và hái lộc rồi chọn giờ tốt và hướng tốt để xuất hành. Ra đi theo hướng tốt bằng một lối và trở về bằng một lối khác chứ không ai đi ngược lại vì sợ gặp điều không may trong năm. Trên đường xuất hành, người ta gặp nhau, nói cười vui vẻ và chúc tụng lẫn nhau.
Bước sang năm mới, người ta vui mừng vì có thêm được một tuổi: người già thì thêm tuổi thọ, người trẻ thì thêm tuổi để thêm lớn. Bởi lẽ đó, người ta có lệ mừng tuổi trong dịp Tết. Sáng mồng một Tết, sau khi làm lễ cúng gia tiên, các cụ thường ngồi nhà chờ con cháu nội ngoại đến, trước là để dâng hương cúng lạy tổ tiên, sau là để chúc Tết và gởi quà biếu Tết các cụ và các cụ cũng chúc lại con cháu những điều tốt đẹp nhất. Sau đó, trong những ngày Tết, người ta ăn mặc chỉnh tề rồi lần lượt đi chúc Tết ở từng nhà các họ hàng thân tộc gần xa, các thầy học, các bậc trưởng thượng, các láng giềng, các bạn bè v.v… nên mới có câu “mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Đến mỗi nhà, phải thắp hương lễ bái bàn thờ trước đã rồi mới chúc tụng nhau và ăn uống, chuyện trò. Vì vậy, Tết đến thật là vui mà cũng thật là mệt! Ngày nay, ở thành thị, người ta chúc Tết nhau vì xã giao nhiều hơn chứ không cố chấp như ngày xưa. Trong dịp này, những người lớn thường mừng tuổi các cháu nhỏ bằng những bao tiền “lì xì”.
Trước kia, từ lúc giao thừa đến hết những ngày Tết thì pháo nổ vang khắp nơi, các nhà thi nhau đốt pháo nên bọn trẻ nhỏ rất thích và kéo nhau lượm pháo tịt ngòi về đốt đì đùng hoặc làm pháo chuột chỉ xịt khói thôi. Trong xóm làng, người ta tổ chức những lễ hội tại đình làng, những đoàn múa lân khắp phố phường hoặc những đêm văn nghệ ngoài trời để giúp vui và rải rác đó đây là những sòng bài bầu cua cá cọp, tứ sắc, xì dách, tam cúc v.v.. Đến chiều ngày mồng ba hoặc sang ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch, tùy mỗi nhà, sẽ làm một mâm cỗ thịnh soạn để cúng tiễn đưa ông bà.
Trong ngày Tết, còn có lệ xông nhà. Người ta tin rằng vào đầu năm mới, người nào bước vào nhà mình trước nhất mà người đó nhanh nhẹn, vui vẻ, dễ dãi thì năm đó, mình sẽ làm ăn phát đạt và gặp nhiều may mắn; còn ngược lại thì sẽ gặp toàn chuyện xui xẻo. Bởi vậy, sáng mồng một Tết, người ta không đến nhà ai vội vì sợ trong năm đó, rủi họ gặp xui xẻo thì lại đổ lỗi cho mình. Những người đang thọ tang thường kiêng cử không đi chúc Tết ai cả vì sợ đem điều tang tóc đến cho họ.
Ngày nay, ở trong nước, việc tổ chức Tết vẫn còn rầm rộ nhưng so với trước cũng đã đơn giản rất nhiều. Cũng còn có những người quá nghèo không có đủ miếng ăn hàng ngày thì lấy gì mà vui Tết nên gần như họ không biết Tết là gì! Đặc biệt ở hải ngoại, Tết đến với chúng ta vào những ngày làm việc và lạnh lẽo nhưng trong công đồng vẫn còn cố giữ tục lệ Tết bằng các lễ hội ngắn ngủi để chung vui với nhau, gặp nhau chúc tụng những lời tốt đẹp và cùng hướng về đất tổ để tưởng nhớ tổ tiên và mong có một ngày thanh bình cho quê hương xứ sở cũng như tự do, no ấm và hạnh phúc cho toàn dân.
Mọi người ở mọi nơi đều vui vẻ đón Xuân mới, xóa bỏ mọi tị hiềm, lòng chứa chan hy vọng ở những sự may mắn mới. Ai ai cũng hân hoan nên không ai bảo ai mà hễ cứ gặp nhau là “chúc mừng năm mới” hoặc cầu cho nhau những điều tốt đẹp: PHƯỚC, LỘC, THỌ, KHANG, NINH.

Không có nhận xét nào: