Đào Tiến Thi
Bất cứ ai chỉ cần qua ghế nhà trường cấp 2 cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào sạm đen khói súng, tiến vào Thăng Long kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
Nhưng có lẽ ít ai biết về số phận của ông vua phản bội Tổ quốc Lê Chiêu Thống và đoàn tòng vong của ông ta sau cuộc thua tan tác này. Chúng tôi xin lược qua 15 năm sống (và chết) nhục nhã (và phần nào đáng thương) trên đất Trung Quốc của họ.
Bài viết dưới đây tổng hợp từ Hoàng Lê nhất thống chí [i] (HLNTC), Bắc hành tùng ký (BHTK) có tham khảo thêm các giáo trình lịch sử Việt nam và từ điển mở Wikipedia. Trong số này đặc biệt chú ý là Bắc hành tùng ký bởi nó là cuốn nhật ký của Lê Quýnh, nhân vật quan trọng nhất trong đoàn tùy tùng của Lê Chiêu Thống, ghi lại những ngày ông bị giam cầm trên đất Trung Quốc.
Cầu cứu nhà Thanh
Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại
Bắc Hà cho vua Lê (1786) rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển
Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị, hiệu là Chiêu Thống,
năm ấy 21 tuổi nhưng Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất
nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến
thế lực khác từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Chỉnh bị Võ Văn Nhậm
diệt, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc, cầu cứu nhà Thanh.
Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng đốc lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay
khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hằng
ngày vào chầu chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê
đã được phong Vương nhưng giấy tờ đưa đi các nơi đều dùng niên hiệu Càn Long. Ngày
ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân,
việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ
chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua hoặc có người biết thì họ nói riêng với nhau rằng: “Nước Nam
ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn
như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng
do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?”. Lại có hôm, vua tới yết
kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: “Hôm
nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ!” (HLNTC). Đối với
quân lính và bọn người Hoa ở Việt Nam thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm
điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy nhưng đã trót mời quân Thanh sang,
chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng nên không dám nói gì.
Chạy theo tàn quân Thanh
Sau khi quân Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung
thành lại chạy theo sang Trung Quốc để hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa nhưng lúc này, tình hình đã khác. Quân Thanh mà thực chất là
quân 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những
trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa…, đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây
Sơn. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi quân ta đuổi chúng đến Lạng Sơn, đã nói
phao lên rằng: “Sẽ giết hết rợ Hung Nô”. Do đó, ở đất Trung Quốc, “dân chúng lại
càng nhốn nháo, từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt
díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người” (HLNTC).
Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An là một người thuộc đội
“cờ viền vàng” được vua rất tin dùng làm tổng đốc lưỡng Quảng,
thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao
cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhũng nhưng lại được vua
Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc
đánh Việt Nam.
Mặt khác, sau đại thắng, Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo
thư gửi Phúc Khang An nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về
Tôn Sỹ Nghị. An bày cho ta đưa vàng bạc đút lót cho Hoà Khôn. Khôn liền tâu với
vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung. Khôn nói: “Từ xưa đến
nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà
Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành”. (HLNTC)
Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang
Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người
Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối
mà không ai dám nói. Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất
chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và
như vậy, số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.
Bị ép gọt đầu gióc tóc
Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống: “Ngày xuất quân không
còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước.
Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc
để khi về Nam, quân giặc không thể phân biệt được thì công lớn mới có thể
thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. Việc binh
không ngại dùng cách xảo trá. Vương nên nghĩ tới chỗ đó.” Lê Chiêu
Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói: “Chúng tôi không giữ được nước
nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc,
cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (HLNTC)
Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam
không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại
yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp
phương Nam. Lừa được Chiêu Thống rồi, Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua
lưu vong bằng cách bố trí cho Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang
Trung làm cho Chiêu Thống rất tức tối. Sau đó, Khang An lại
tìm cách ly gián Lê Chiêu Thống với các bề tôi còn chút tinh thần dân tộc.
Trong số bề tôi này, đáng chú ý nhất là Lê Quýnh. Nguyên Quýnh đã từng theo Lê Chiêu Thống sang cầu
cứu nhà Thanh năm 1788. Lúc quân Thanh kéo vào nước ta, Quýnh được dịp thả sức
say mê tửu sắc, “ân oán riêng dù bằng cái tơ, sợi tóc cũng đều đền báo không hề
sót” (HLNTC). Khi vua chạy theo tàn quân Tôn Sỹ Nghị, Quýnh được giao ở lại
để chiêu mộ lực lượng trong nước. Tháng 5-1789, Khang An cho trát đòi bọn Quýnh
sang “bàn việc nước”. An cho giải Quýnh loanh quanh, mãi tháng 9 mới cho gặp
nhưng rồi “việc nước” chỉ là ép Quýnh gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc như người
Thanh mà thôi. Quýnh cùng hiệp trấn Nguyễn Mậu Nễ, tri phủ Nguyễn Đồng, Trịnh
Hiến, chỉ huy Lê (Doãn) Trị, hàn lâm viện cung phụng Lý Bỉnh Đạo, cả bọn thà chết
chứ không chịu gọt đầu gióc tóc. Quýnh và nhiều đồng chí của mình bị đi đày.
Trong số này, Nguyễn Đồng bị bệnh chết ở châu Nam Ninh, Nguyễn Mẫu Nễ chết ở Liễu
Châu.
Tuyệt vọng
Lại nói về Lê Chiêu Thống, trong thời gian ở Yên Kinh, vẫn tiếp tục
dâng biểu xin nhà Thanh cho viện binh về nước khôi phục nhà Lê. Nếu không được
thì cũng cho mượn 2 châu Tuyên Quang, Hưng Hóa để xây dựng lực lượng hoặc lẻn
vào Gia Định cầu viện Nguyễn Ánh. Bọn quan nhà Thanh thì luôn tìm cách dối
quanh để khất lần. Có lúc chúng bảo cho mượn đất Khâm Châu (Quảng Đông), có lúc
bảo cho về Tuyên Quang. Có lần bực quá, một tên dắt ngựa của vua Lê là Nguyễn
Văn Quyên phải chửi: “Bọn chó Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta” rồi lấy gạch ở
sân ném bừa vào bọn chúng. Đám quân lính giữ vườn nổi giận, xúm lại đánh Văn
Quyên gần chết, đoạn bắt giam một tháng, Văn Quyên nhân thế bị bệnh mà chết.
Một người con của Càn Long biết sự tình của vua tôi Lê Chiêu Thống, có ý thương
xót, liền khuyên Hòa Khôn lời lẽ phải chăng. Khôn tâu lại với vua, anh này liền
bị đánh đòn, sau sinh bệnh chết. Từ đấy, vua Lê không còn dám nói đến việc xin
quân cứu viện nữa nhưng trong lòng uất ức khôn nguôi.
Mùa hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của Lê Chiêu Thống lên đậu rồi mất. Vua lo
buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh nhà vua càng
nguy kịch rồi mất (Càn Long thứ 58, 1792), thọ 28 tuổi. Ngày 11-10,
niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), Thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở
“Tây An Nam doanh”. Vua Thanh cho chôn cạnh lăng Lê Chiêu Thống.
Ngày mồng 4-4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân, 1800), bọn Quýnh được thả ra khỏi
ngục, dời đi ở cách phía tây kinh thành mười hai dặm tại Lam Xưởng, an trí ở
doanh Hoả Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ được phép
thăm viếng. Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt trở lại.
Trở về cố quốc
Năm Giáp Tý (1804), lúc này triều Tây Sơn đã mất, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Nhà
Thanh cho Lê Quýnh cùng các quan tòng vong được đưa di hài Chiêu Thống về táng ở
quê nhà và cho tất cả các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Các bề tôi mở
quan tài vua Lê Chiêu Thống (đã quàn 12 năm) thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ
có trái tim không nát mà sắc máu hầu như vẫn còn đỏ tươi! (chi tiết này ghi
trong HLNTC, không rõ thực hư thế nào). Khi di hài vua Lê đưa về đến cửa ải, có
bà hoàng phi của vua là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để
đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, hằng ngày vật vã bên linh cữu
mà khóc lóc. Ngày 23-8-1804, di hài đưa về đến Thăng Long, các quan thay hài cốt
vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên (?). Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết
rồi sau đó, uống thuốc độc tự tử. Người khắp nước ta và người Trung Quốc đều
khen là bậc “tiết nghĩa”.
Các bề tôi trốn theo vua Lê, về sau, vào năm Tự Đức thứ 14 (1860), được nhà vua
cho lập đền thờ ở phía tây thành Thăng Long tại phường Thuỵ Chương thuộc huyện
Vĩnh Thuận (Có tài liệu cho là ngõ 124, đường Thụy Khê, Hà Nội ngày nay). Chính
giữa thờ Lê Quýnh (thuỵ là Trung Nghị), bên tả thờ 11 vị, bên trái thờ 11 vị,
phía đông thờ 5 vị, phía tây thờ 5 vị. Như vậy, tất cả gồm 33 người đều được gọi là “Cố Lê tiết
nghĩa thần” (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê) và ngôi đền cũng đề là “Cố Lê tiết
nghĩa từ” (đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê).
Theo chúng tôi, Lê Quýnh và một số “tiết nghĩa” nói trên chỉ đáng khen mỗi việc
kiên quyết không gọt đầu gióc tóc như người Thanh dù bị tù đày, đe dọa, mua chuộc
thế nào chứ hành động bán nước là không thể tha thứ. Mặt khác, tình cảnh của họ
cũng như vua Lê những ngày sống lưu vong và bị giam cầm trên đất Trung Quốc
cũng có phần đáng thương. Nhận định về Bắc hành tùng ký, nhà nghiên cứu Nguyễn
Đăng Na viết: “Tác giả đã ghi lại tâm trạng đau khổ, uất ức, tủi nhục của mình
nói riêng, của vua tôi nhà Lê nói chung trong những ngày sống trên đất Trung
Hoa. Tác phẩm như một tấm gương phản tỉnh những ai có ảo tưởng “phục quốc” bằng
con đường dựa vào người nước ngoài”.
Buồn thay, lịch sử đang tái diễn!!!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét