Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ MẸ

NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ MẸ
Lượm lặt

MẸ TÔI 
Đối với những người còn mẹ, có lẽ từ tấm bé cho đến lúc trưởng thành, chẳng có một từ ngữ nào được dùng nhiều hơn chữ mẹ. Nếu còn sống chung với mẹ, chắc chắn mỗi ngày chúng ta gọi mẹ ít nhất một lần, nếu không nói là hơn. Có một cái gì đó thật nhiệm mầu trong chữ mẹ, thật thần thánh nhưng cũng thật ấm cúng. Thật êm đềm nhưng cũng thật mạnh mẽ, nó thôi thúc chúng ta tìm về từ cội nguồn của mình, nó khơi dậy trong ta những kỷ niệm thật êm, thật đẹp, thật ngọt ngào nhưng cũng thật thanh thoát, thật dễ thương, thật khó quên của thời thơ ấu. 
Tôi nhớ khi còn bé tí, thích nhất là mỗi lần mẹ đi chợ về. Mẹ đi bao giờ thì chả biết nhưng cứ hễ trưa trưa, xế xế một chút là đã bắt đầu vọng trông ra cửa để chờ mẹ về, thấy xa xa, có bóng chiếc xe thồ là biết ngay bóc: mẹ đã về với mấy bọc chè đậu ván. Cái thứ mà bây giờ, dầu đã hai lớp tóc trên đầu nhưng hễ cứ nghĩ đến nó là tôi thấy thèm và lại thấy thương mẹ thật nhiều. Nói cho vui, hồi ấy chẳng biết gì thành ra thương mẹ thì ít nhưng nhớ chè thì nhiều hơn. 
Bây giờ thì khác, vẫn nhớ chè nhưng chắc là thương mẹ nhiều hơn. Cái chất dẻo của chè đậu ván có lẽ đã ăn sâu trong tiềm thức của tôi cho đến nỗi cứ nghĩ đến nó là tôi có thể hình dung ra được bàn tay sần sùi, dãi nắng dầm mưa của mẹ, tảo tần lo cho chồng, cho con mà quên cả thân mình. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh ấy. Dẫu cho trời có nắng nồng hay mưa tầm tã thì bao giờ mẹ cũng về với mấy bọc chè đậu ván… Bao giờ mẹ cũng vẫn là mẹ, bao giờ mẹ cũng sợ con đói, con lạnh, con đau, con buồn, con thất bại… Thà là những điều ấy xảy đến cho chính mẹ. Bao giờ mẹ cũng mong muốn điều tốt nhất cho con. 
Tôi được diễm phúc còn mẹ và mỗi ngày qua tôi lại được kinh nghiệm nhiều hơn cái tình mẫu tử thiêng liêng. 

LÒNG MẸ 
Có lẽ với ai đó khi nghĩ về mẹ, về những món ăn mẹ nấu sẽ nhớ nhiều đến thứ ngon vật lạ, còn tôi đơn giản chỉ là món canh rau mồng tơi thuở ấy. 
Ngày đó bố mất, mẹ một mình nuôi ba anh em ăn học, bữa cơm của mấy mẹ con chẳng bao giờ có đủ thịt cá. Cơm dọn ra chỉ bát nước mắm, vài quả cà với nồi canh rau mồng tơi, gần như là ngày nào cũng vậy. Rau mẹ hái ở ngoài vườn rửa sạch, nước đổ vào nồi nổi lửa, đợi sôi lên thì thả rau, thêm ít muối trắng, bắc xuống thế là thành canh. 
Bữa nào mẹ đi chợ mua ít thịt bỏ vào nồi canh trở nên ngọt lạ, hôm đó tôi ăn nhiều hơn, đưa bát liên tục. Mẹ bảo: “Nấu canh có thịt dễ ăn hơn phải không con?”. Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Thế là từ bữa đó nồi canh rau mồng tơi thay vì chỉ có nước lã đã có thêm thịt. Tôi lớn dần bên mẹ cùng với món sở trường là canh rau mồng tơi, ăn hoài thành nghiền. Mà lạ một nỗi vườn nhà tôi trồng rau gì cũng không thể phát triển được trừ rau này. 
Ngày tôi vào đại học mẹ cũng ăn mừng bằng nồi canh rau mồng tơi, nhưng lần này là nấu bằng nước luộc gà. Trước hôm tôi đi mẹ dặn đủ điều sợ con điều gì cũng không biết. Lúc mẹ tiễn ra xe, tôi chẳng dám ngoái lại nhìn nhưng qua gương chiếu hậu tôi thấy mẹ khóc. Hình ảnh mẹ gầy ốm, đứng lẻ loi cuối con đường cứ bám riết lấy tôi suốt chặng đường dài... 
Vào Sài Gòn chỉ có một mình, lạ lẫm và cô đơn tôi nhớ mẹ vô cùng. Bữa cơm đầu ăn ở quán theo thói quen gọi canh rau mồng tơi, nhưng người ta không bán, thế là tôi nhịn đói luôn. Lúc ấy tôi ước gì mình có đôi cánh bay về với mẹ để lại được ăn với mẹ bữa cơm chiều, được húp bát canh rau mồng tơi, được ngủ chung với mẹ và để lại được rúc mặt vào bộ ngực không còn căng đầy của mẹ mà say nồng tới sáng. 
Thời gian trôi nhanh quá! Giờ ngồi nhớ lại tất cả tôi không nghĩ gia đình mình đã trải qua những tháng ngày vất vả như thế. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi lúc này là hằng ngày đi làm về nhìn thấy mẹ, cất tiếng gọi "mẹ ơi" và để tôi có thời gian bù đắp vào khoảng thời gian trước đó - khoảng thời gian mà tôi biết mẹ đã thắt lưng buộc bụng nuôi các con thành người. 

MẸ MONG CON VỀ 
Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con, cho con vượt biên. Lúc đứa con gái ở tuổi thiếu niên, bà gom góp vàng, gởi gắm cho con vượt biên với người bà con. Cô thiếu niên thành danh ở Mỹ, tháng nào cô cũng gởi cho bà $200. 
Hết xuân này đến xuân kia, thấm thoát 10 năm trôi qua, cô luôn viện hết cớ này đến cớ kia không về VN thăm bà. Một ngày kia, khi hay tin người mẹ của cô mất, cô vội vã bay về làm đám tang thật to cho mẹ nhưng tuyệt nhiên cô không hề rơi một giọt lệ. Có lẽ cô nghĩ gánh nặng trả hiếu, gởi tiền nuôi mẹ hằng tháng đến nay cũng đã đủ lắm rồi. Tối trước ngày đem chôn mẹ cô, người ta trao cho cô một cái rương nhỏ của mẹ cô. Khi cô mở chiếc rương mà bà luôn để đầu giường thì cô chạy tới ôm quan tài mẹ gào thét lên như điên dại "Mẹ, mẹ...mẹ ơi, mẹ tha tội bất hiếu cho con. Con là đứa con vô tâm." 
Thì ra trước mắt cô là những tờ 100 đô-la mới toanh, tất cả khoảng $20.000 (90% số tiền cô gởi về suốt 10 năm qua) được gói kỹ cùng với những tờ giấy đã úa vàng có dán tấm hình cô con gái lớn mới lọt lòng của bà. Một mảnh giấy nhỏ xấu xí với nét chữ ngoằn ngoèo của bà "Mẹ cám ơn con, tiền nhiều quá mẹ xài không hết con à! Số tiền này mẹ để lại cho con để dành phòng khi con ốm đau có nó mà dùng nha con. Mẹ nhớ con lắm, mỗi lần nghe tiếng xe Honda là mẹ chạy ra ngoài sân nhìn cho đến khi mất khỏi nhưng lần nào cũng không phải là con. Con ơi, khi nào con về, mẹ mong con về.......... " 
Trong đêm tối, oằn oại trong đau thương, người ta chỉ còn nghe tiếng khóc. Cô đã có tất cả. Cô là một người phụ nữ "thành đạt, giàu có, danh vọng, chồng đẹp, con ngoan" nhưng cô đã mất đi một điều vô cùng thiêng liêng: Mẹ! 




Không có nhận xét nào: