Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

MỘT HỌ LỚN KHÔNG THAY ĐỔI

Đoàn Như Tùng Tony



Trong lịch sử nước ta có một dòng họ lớn từ thời Ngô Quyền lập quốc (năm 939) cho đến nay không thay đổi mà càng ngày càng phát triển. Đó là họ Nguyễn Phúc (阮福) ở Gia Miêu ngoại trang, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Theo Thế Phả (bộ Gia phả của họ Nguyễn Phúc) Định Quốc Công Nguyễn Bặc là Thuỷ Tổ của dòng họ Nguyễn Phúc (chữ “Phúc” còn được đọc là “Phước”).
Nguyễn Bặc (924-979) là bạn chí thân từ thuở hàn vi và là cận thần của Đinh Tiên Hoàng (trị vì 968-979). Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, Nguyễn Bặc được phong Định Quốc Công đứng đầu các công thần.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Nguyễn Bặc bắt giết ngay kẻ thích khách Đỗ Thích và tôn phò con của Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Tuệ. Lê Hoàn có ý làm phản nhà Đinh, Nguyễn Bặc cầm quân chống đối Lê Hoàn nhưng vì yếu thế nên bị Lê Hoàn bắt giết.
Theo sách Thế Phả, từ thời Nguyễn Bặc cho đến ngày nay, thời nào họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang cũng đều có người giữ những điạ vị cao trong các triều đại và thường được phong tước Công.
Đến thế kỷ thứ 16, một thay đổi nhỏ so với lúc ban đầu là họ này lót thêm chữ “Phúc”.
Tương truyền rằng khi sắp sinh, vợ của Nguyễn Hoàng nằm mộng thấy thần nhân cho một tờ giấy viết đầy chữ “Phúc”. Có người đề nghị bà lấy chữ “Phúc” đặt tên cho con, thì bà trả lời rằng: “Nếu đặt tên cho con thì chỉ một người được hưởng phúc, chi bằng lấy chữ “Phúc” đặt làm chữ lót thì mọi người đều được hưởng phúc”. Bà liền đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên (tức chúa Sãi sau này). Từ đó, từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên trở về sau đến các vua triều Nguyễn đổi thành họ Nguyễn Phúc.
Ngoài ra, có một ngộ nhận cần được cải chính về thân thế Nguyễn Kim, người mở đầu công cuộc trung hưng nhà Lê và là phụ thân của Nguyễn Hoàng, người đã đẩy mạnh cuộc Nam tiến vào đầu thế kỷ 17.
Sự nhầm lẫn này có thể bắt nguồn từ bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920. Trong sách này, Ông viết: “Thủa ấy có người con của ông Nguyễn Hoằng Dụ tên là Nguyễn Kim…” và Ông chú thích thêm: “Nguyễn Kim là con ông Nguyễn Hoằng Dụ, cháu ông Nguyễn Văn Lang đều là quan nhà Lê cả”.
Từ đó, các nhà chép sử về sau đều theo hướng Nguyễn Kim là con của Nguyễn Hoằng Dụ như Phạm Văn Sơn với bộ Việt Sử Tân Biên (1960), Phan Khoang trong Việt Sử Xứ Đàng Trong (1964) viết về thân thế của Nguyễn Kim rất chi tiết:
“Tiên tổ họ Nguyễn là Nguyễn Công Duẫn làm quan thời Lê Thái Tổ được phong tước là Thái Bảo Hoàng Quốc Công, sinh ra Nguyễn Đức Trung làm quan thời vua Lê Nhân Tông tước Thái Úy Trinh Quốc Công. Nguyễn Đức Trung sinh ra 2 người con: người con gái là vợ của vua Lê Thánh Tông, sau này tức là Trường Lạc Thái Hậu bị cháu nội là Quỷ vương Lê Uy Mục đầu độc; người con trai là Thái Úy Nghĩa Huân Vương Nguyễn Văn Lang, người giết Lê Uy Mục và tôn vua Lê Tương Dực. Nguyễn Văn Lang sinh ra An Hoà Hầu Nguyễn Hoằng Dụ, một tướng lãnh nổi tiếng trước khi Mạc Đăng Dung đảo chánh lật đổ nhà Lê. Nguyễn Hoằng Dụ sinh ra An Thành Hầu Nguyễn Kim.”
Theo bộ Việt Sử Thông Giám Cương Mục do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn soạn dưới thời Tự Đức năm 1881, khi viết về Nguyễn Hoằng Dụ và Nguyễn Kim không thấy một chi tiết nào về sự liên hệ nào giữa 2 người .
Trong khi đó, Thế Phả do Hội Đồng Nguyễn Phước Tộc soạn, cho biết Nguyễn Kim là con đầu của Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lựu. Nguyễn Văn Lựu là con của Nguyễn Như Trác. Cha con Nguyễn Như Trác-Nguyễn Văn Lựu không nổi tiếng bằng cha con Nguyễn Văn Lang-Nguyễn Hoằng Dụ nhưng vì tôn trọng sự thật trong gia đình Nguyễn Phúc, các tác giả bộ Thế Phả đã không “thấy họ sang bắt quàng làm họ”.
Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc Nguyễn Phúc Ánh thống nhất đất nước vào năm 1802 tức vua Gia Long (1802-1819) đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
(Từ đầu thập niên 1960, Sử gia Nguyễn Phương đã đăng những bài nghiên cứu về nhà Tây Sơn trên các báo Bách Khoa ở SG và Đại Học Huế. Tuy đã hết lời ca tụng những chiến công hiển hách của nhà Tây Sơn nhưng Nguyễn Phương cho rằng cuối cùng Nguyễn Ánh mới là người đã thực sự thống nhất đất nước. Những bài nghiên cứu này đã bị một số sử gia phản bác, thậm chí bôi xấu cá nhân ông do bất đồng quan điểm? Cuối cùng vẫn không bác bỏ được những luận cứ của ông:
“Nếu quan niệm một quốc gia thống nhất là một nước có một lãnh thổ, một dân tộc và một chính quyền thống nhất thì thành thật mà nói Nguyễn Nhạc hay Nguyễn Huệ đều chưa làm được việc này vì trong thời gian họ nắm quyền, đất nước vẫn còn bị phân ly thành nhiều khu vực của nhiều thế lực chính trị khác nhau. Chỉ có Nguyễn Ánh (Đức Thế Tổ Hoàng Đế) là người đã thống nhất đất nước dưới một chính quyền duy nhất, trong một lãnh thổ duy nhất từ Lạng Sơn tới Cà Mau.”
- Sử gia Linh Mục Nguyễn Phương (1921-1993) một thời đã dạy ĐHVK Huế. Sau 1975, định cư tại Virginia USA (mất năm 1993) đã viết:
Thời vua Minh Mạng (1820-1840) đã hệ thống hóa lại dòng tộc.
Vua xếp hậu duệ thuộc 9 đời chúa vào Tiền Hệ (tức là Hệ của những người mang họ Tôn Thất) và xếp con cháu vua Gia Long vào Chánh Hệ. Trong Chánh Hệ phân ra:
- Đế Hệ là con cháu vua Minh Mạng
- Phiên Hệ là dòng anh em của vua Minh Mạng
Vua Gia Long có 13 Hoàng tử. Ba người đầu mất sớm là Hoàng tử Cảnh, Hoàng tử Hy và Hoàng tử Tuấn (Hoàng tử Cảnh dù mất sớm nhưng đã lập gia đình có con).
Hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm được nối ngôi tức vua Minh Mạng.
Năm 1822 vua Minh Mạng làm ra một bài Đế Hệ Thi (gồm 20 chữ) và 10 bài Phiên Hệ Thi (20 chữ mỗi bài) làm chữ lót để phân định thứ bậc các hệ phái từ con cháu Minh Mạng trở xuống.
Đế Hệ thi :
Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Cứ sử dụng theo thứ tự như thế cho đến chữ lót cuối cùng là “Xương” thì trở lại từ đầu “Miên”.
Từ 1802 đến 1945 gần 150 năm mà mới chỉ đến chữ lót thứ 5 là Vĩnh? Tham vọng của vua Minh Mạng cho con cháu trị vì đất nước rất là lớn?
Năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị tại Huế, chấm dứt chế độ quân chủ tại nước ta nhưng họ Nhuyễn Phúc vẫn cứ phát triển vững vàng, càng ngày càng hưng thịnh và có nhiều nhân vật nổi tiếng trong khắp các lãnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, học thuật, kinh tế, khoa hoc…chẳng những ở trong nước mà cả trên thế giới.

******
Tổng hợp từ các nguồn:
- Bài viết này theo dàn ý của Gs Trần Gia Phụng trong sách Những câu chuyện Việt Sử -Tập 2
- Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim
- Tự Điển Nhà Nguyễn – Gs Võ Hương An
- Việt Sử Tân Biên – Phạm Văn Sơn
- Việt Sử Xứ Đàng Trong – Phan Khoang.

Ảnh trên trang thông tin Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam 

Không có nhận xét nào: