NGUYỄN MẠNH TƯỜNG - NGƯỜI LẬP KỶ LỤC TRÊN ĐẤT PHÁP
Dương Trung Quốc
Hiệu trưởng Trường Đại học Paris VII danh tiếng từng nói về Nguyễn Mạnh Tường: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này, chưa có một sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22”.
☆
Đó là lời chào ấn tượng của vị hiệu trưởng dành cho người cựu học sinh quốc tịch Việt Nam, năm 1989, khi Nguyễn Mạnh Tường có dịp trở lại mảnh đất nơi ông đã thành tài.
1/. Luận văn là một kiệt tác.
Ngày 29.5.1932, nhật báo Le petit Meridional xuất bản ở thành phố Montpellier đăng bài diễn văn của Chủ tịch Hội đồng giám khảo trường Đại học của thành phố, nhận xét về luận án của một nghiên cứu sinh Việt Nam. Vị Chủ tịch phải thốt lên những lời mang tính ngoại lệ: “Luận văn của Ngài quả là một tác phẩm pháp lý, hơn nữa còn là một tác phẩm pháp lý và văn học. Nền tảng của tác phẩm thật là vững vàng và không hề có một lời chỉ trích nào. Cả hình thức cũng thật xán lạn… Công trình nghiên cứu của Ngài thực sự là một tác phẩm văn học hoàn chỉnh.
Đại học Montpellier rất hân hạnh được chứng kiến Ngài đã thành công huy hoàng trong cả hai khoa khác nhau. Cử nhân Luật khoa vào năm 22 tuổi, Ngài đã sẵn sàng để trở thành Tiến sĩ Văn chương. Điều đó thực sự lập nên một kỷ lục và trên đất Pháp này, người ta chưa từng thấy bao giờ một vị tiến sĩ văn chương 22 tuổi…
Còn đối với tác phẩm pháp lý của Ngài, chúng tôi chỉ có thể nói lên một lời duy nhất thật tốt đẹp và cũng thật đầy đủ rằng luận văn này thật mạnh mẽ, nó là một kiệt tác với đầy đủ ý nghĩa của từ này, nó làm chúng tôi phải suy nghĩ. Tác phẩm này thật xứng đáng với Ngài và nó làm vẻ vang cho tất cả Khoa Luật của trường đại học. Hội đồng giám khảo xin dành cho Ngài số điểm cao nhất và với lời phê: “Xuất sắc với lời khen ngợi của cả Hội đồng”.
Tên gọi của luận văn ấy là “Cá thể trong thành phố An Nam cổ xưa – tiểu luận tổng hợp về Bộ Luật của nhà Lê (thế kỷ XV)”. Và tác giả được Hội đồng trân trọng gọi bằng “Ngài” ấy là chàng trai Việt Nam 22 tuổi Nguyễn Mạnh Tường.
2/. Dư luận cảm phục – Thực dân e ngại.
Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16.9.1909 tại phố Hàng Đào, vốn gốc ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong một gia đình rất coi trọng việc học. Ở tuổi 16, Nguyễn Mạnh Tường đã hoàn thành tấm bằng tú tài triết học loại ưu tại một trong những Trường trung học danh giá nhất Đông Dương, mang tên viên Toàn quyền Albert Sarraut. Cũng nhờ học lực xuất sắc mà mới 16 tuổi, cậu học trò Việt Nam ấy đã lên đường sang du học ở Pháp.
Chỉ ba tháng sau khi nhập học vào Trường Đại học Montpellier, ở tuổi 17, Nguyễn Mạnh Tường đã có trong tay Chứng chỉ Văn chương Pháp (Certificat de la Littérature Francaise) trước sự kinh ngạc của các thày trò người Pháp đối với tài học của một chàng trai bản xứ. Năm 19 tuổi, cậu lại đoạt bằng cử nhân văn chương hàng ưu đẳng khiến cho các thày dạy kính nể và tạo điều kiện cho Nguyễn Mạnh Tường lấy luôn mảnh bằng danh giá Tiến sĩ Văn chương Nhà nước Pháp.
Và đến năm 1932, bước qua tuổi 23, Nguyễn Mạnh Tường đã làm nên một kỳ tích như các thầy đã đánh giá: cùng một lúc đạt cả hai bằng Tiến sĩ Nhà nước Pháp trên cả hai bộ môn văn chương và luật học. Sự kiện liên quan đến một trí thức trẻ người thuộc địa gây sự cảm phục của dư luận bao nhiêu thì chính quyền thực dân cũng e ngại bấy nhiêu như lời doạ dẫm của một phần tử thực dân tên là Clémenti Vautel trên tờ “Nhật báo” (Journal): “Người Pháp nên cẩn thận. Để người Việt Nam được học và học giỏi như vậy, liệu về nước họ có chịu ngồi yên không?”.
3/. Một ấn tượng không bao giờ phai.
Quả y như rằng, Nguyễn Mạnh Tường về nước với những thành tích vang dội, dân chúng ngưỡng mộ, giới trí thức đón tiếp ông nồng nhiệt, nhưng học lực của ông vấp phải sự thờ ơ của chính quyền.
Lúc này, trong nước bắt đầu khủng hoảng kinh tế, phong trào cách mạng bị đàn áp đang lắng xuống. Không có ai trọng dụng, Nguyễn Mạnh Tường lại qua châu Âu thực hiện một chuyến đi khảo sát và tiếp tục học hỏi ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Bỉ, Đức, Áo-Hung… Đó cũng là thời kỳ ông sáng tác được nhiều cuốn sách viết bằng Pháp ngữ chất chứa trong đó khát khao hiểu biết và cống hiến của một người trẻ tuổi đang khắc khoải vì đất nước mình còn là thuộc địa của một quốc gia được coi là văn minh mà ông rất ngưỡng mộ.
Sau này, Nguyễn Mạnh Tường từng kể rằng, khi mới 23 tuổi, còn trẻ măng vừa về nước với hào quang danh dự mang từ chính quốc về, ông gặp một người luống tuổi ngang bậc cha chú của mình quỳ xuống vái ông và khẩn cầu ông đừng lấy cái tài của mình làm việc cho Tây. Sự việc đó đã để lại một ấn tượng không bao giờ phai trong ông.
Vì thế, năm 1936, khi ở chính quốc và Việt Nam dấy lên Phong trào Mặt trận Bình dân, Nguyễn Mạnh Tường đã về nước và tham gia giảng dạy tại một trường trung học danh giá nhất dành cho người Việt Nam và sau này cung cấp nhiều nhà cách mạng: Trường Bưởi (mà ngày nay mang tên Chu Văn An).
Ông dạy các bộ môn kinh điển của nền văn hoá phương Tây liên quan đến văn chương và luật pháp. Đồng thời ông cũng mở văn phòng luật sư được nhiều người biết đến ở đường Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo), Hà Nội. Nguyễn Mạnh Tường có một số bài giảng tại Đại học Đông Dương như một ngoại lệ dành cho một tri thức thuộc địa.
4/. Góp phần quảng bá Việt Nam kiên cường, trí tuệ.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ mở ra cho Nguyễn Mạnh Tường cơ hội cống hiến cho Tổ quốc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp cùng nhiều trí thức yêu nước khác như Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền… và cả những nhà hoạt động chính trị theo nhiều khuynh hướng như Nguyễn Tường Tam (trưởng đoàn) và Võ Nguyên Giáp (phó đoàn). Trong bối cảnh ấy, cái mẫu số chung là tinh thần ái quốc đã gắn kết họ lại trong một mục tiêu chung là bảo vệ nền độc lập.
Chiến tranh bùng nổ, Nguyễn Mạnh Tường cũng như số đông trí thức Việt Nam khác chấp nhận cuộc sống và chiến đấu gian khổ ngoài chiến khu.
Với tầm kiến thức rộng lớn, ông tham gia vào các Đoàn Đại biểu của nhà nước kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hoà bình ở Bắc Kinh (1952), Đại hội Hoà bình Thế giới ở Vienna (1953), rồi làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles. Lập luận và hiểu biết của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ…
5/. Những tháng năm sóng gió.
Kháng chiến thành công, vị giáo sư được nhà nước cách mạng phong bước lên bục giảng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những tưởng cơ hội để Nguyễn Mạnh Tường có thể đóng góp nhiều nhất cho nền giáo dục và học thuật của nước nhà nhưng cuộc đời trớ trêu lại đẩy ông đến một bi kịch lớn.
Vị giáo sư đầy trí tuệ nhưng lại không đủ khả năng vượt qua những thử thách trên con đường phát triển của đất nước giữa lúc vừa lo xây dựng đất nước theo một mô hình chưa rõ ràng, đầy những khúc quanh và cạm bẫy của những sai lầm tả khuynh, lại vừa phải đi tiếp cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vô cùng gian khổ. Đó là thời kỳ mà những lời nói thẳng luôn bị va đập vào bức tường của những giáo điều.
Nguyễn Mạnh Tường không những không phát huy được những điều ông học hỏi và tích lũy được cho đến độ mà ông đã nhiệt tâm phụng sự mà còn rơi vào những khủng hoảng về tư tưởng và gánh chịu nhiều thử thách mà chỉ có những người trí thức thực tâm yêu nước như ông mới vượt qua nổi.
Chính trong thời gian đầy sóng gió này, ông đã dồn tâm lực vào những công trình như một sự hồi cố về một thời nhớ nhung (nostalgie) rực rỡ hào quang: “Lý luận giáo dục châu Âu từ Erasme đến Rousseau thế kỷ XVI” (NXB KHXH, 1994), “Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp” (NXB Giáo dục, 1996), “Virgille, nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại” (NXB KHXH, 1996).
6/. Một tên tuổi đáng kính trọng nhưng không dễ noi theo.
Năm 1989, Nguyễn Mạnh Tường có dịp trở lại mảnh đất nơi ông đã thành tài. Hiệu trưởng Trường Đại học Paris VII danh tiếng đã chào cựu học sinh của nhà trường bằng một lời văn đầy ấn tượng: “Đã 60 năm qua, trên đất nước Pháp này chưa có một sinh viên Pháp hay một sinh viên quốc tế nào phá được kỷ lục của Giáo sư kính mến: hai bằng Tiến sĩ nhà nước ở tuổi 22” và mời Nguyễn Mạnh Tường nói trọn một ngày cho sinh viên nhà trường về cách học của mình.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã qua đời, tấm gương trí tuệ cũng là kỷ lục ông đã giành được khi trai trẻ và ngay cả cái bi kịch mà ông đã trải qua ở một thời kỳ đầy thử thách cũng mãi mãi là một bài học sâu sắc về số phận người trí thức trước những thăng trầm của đất nước mà chỉ có lòng yêu nước cùng lòng tự trọng của người có học mới vượt qua nổi, để nguyên vẹn cho đời sau một tên tuổi đáng kính trọng nhưng không dễ noi theo.
(*) Ảnh - Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 – 1997) là một luật sư, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Ông sinh ngày 16.9.1909 và mất ngày 13.6.1997 tại Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét