Bùi Viện và giấc mộng cường quốc Đại Nam dang dở (P.3)
Phần 3: Tận nhân lực tri thiên mệnh, đừng đem thành bại luận anh hùng
Chỉ cần làm được điều này, không những chúng ta không bị đô hộ mà còn có thể giải quyết tất cả những tranh chấp trên biển Đông một cách triệt để từ thời xa xưa. Sẽ không thể có chuyện “tàu lạ” hay “giàn khoan nước ngoài” diễu võ giương oai như bấy lâu nay.
Tuần Dương Quân do Bùi Viện thành lập “đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đang hoành hành ở biển Đông Hải” (Trích bản điều trần của Bùi Viện đệ lên vua Tự Đức). Để biến Tuần Dương Quân thành một hạm đội tinh nhuệ trong thời gian ngắn, Bùi Viện đã áp dụng những cải tổ sâu rộng như:
Tăng tính cơ động và thành lập chuỗi căn cứ và hậu cần
Trong tờ biểu tâu lên vua Tự Đức, Bùi Viện viết về cách chống giặc bể hiện tại:
“Việc trị an ở ngoài bể, gần đây nước ta tin cậy vào công cuộc hải phòng của một nước ngoài. Nhưng chống chọi với hàng muôn ngàn chiếc thuyền của giặc Tàu Ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy, vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với một đàn hổ, thế dù mạnh đến đâu cũng không thể che chở cho xiết được. Và những tàu thủy lòng sâu bảy, tám thước mà thuyền giặc thì lòng chỉ ba, bốn thước là cùng. Nếu gặp tàu thủy đi tuần thì giặc đã có một cách đối phó rất giản dị và có hiệu lực vô cùng là chúng tránh thuyền vào những chỗ bể nông, tàu không sao đến được mà bắn cũng không tới”.
Và sự vô tác dụng của các đội quan phòng do nhà nước đặt ra:
“Thực ra từ khi đặt ra đến giờ, những đội quan phòng ở các đồn duyên hà không có ích gì cho nhà nước cả. Vì chức trách của họ là phải phòng ngừa giặc bể, mà giặc bể thì chỉ hoành hành ở ngoài khơi. Dù họ có biết đích là ngoài bể có giặc nữa cũng chỉ đến dương mắt mà nhìn, chứ không có cách gì xoay trở”.
Tính cơ động là đặc điểm phải có của tuần dương quân, vì chống hải tặc là phải chiếm ưu thế ngay trên mặt biển. Một hạm đội hải quân phải có trang bị tốt cùng năng lực phản ứng nhanh, tinh thông thủy chiến mới có thể giành chiến thắng trước hải tặc. Tuần Dương Quân của Bùi Viện là sự kết hợp giữa dân chài người Việt (70%), hải tặc chiêu hồi người Hoa (30%) nên rất tinh thông thủy chiến. Họ còn có địa bàn hoạt động toàn quốc, thống nhất chỉ huy và phối hợp cùng địa phương tiếp ứng, tiến lui công thủ đều nhanh nhạy hiệu quả. Khi cần họ lại có khả năng tập trung lực lượng để hành quân những trận lớn đối phó với giặc mà không để bị rơi vào thế thụ động như trước.
Bùi Viện còn tận dụng các đồn quân địa phương ven biển, cải tiến và chia thành hai loại căn cứ tiếp liệu: các đồn lớn ở hải cảng là căn cứ của đội Tuần Dương, các đồn nhỏ ở những nơi hiểm yếu là nơi quan sát, liên lạc và hỗ trợ.
Chính sách tuyển mộ và thành phần binh lính
Khác với chính sách ngụ binh ư nông bao nhiêu đời nay, Bùi Viện có lẽ là người đầu tiên thực thi chế độ quân nhân chuyên nghiệp có phần giống như cách tổ chức quân đội hiện đại phương Tây. Trước đây, triều đình bắt lính vẫn chỉ cốt tuyển cho đủ số, phân bổ cho mỗi làng nên người được chọn thường là dân quê nghèo khổ, bị bắt đi chẳng khác gì đi đày. Điều này làm cho tố chất binh lính kém cỏi mà tinh thần lại càng không có.
Chính sách tuyển quân của Bùi Viện có thể tóm tắt như sau:
- Thành phần tuyển mộ: chỉ tuyển lính trong các làng chài là những người có kinh nghiệm đi biển, quen với sóng gió. Ngoài ra, chiêu mộ thêm bọn giặc bể cộng tác với triều đình.
- Tiêu chí tuyển dụng: Quan trọng về phẩm chất và tinh thần binh lính, không trọng về số lượng. Quân Thủy Dũng phải hội đủ yếu tố “trí dũng, đức hạnh, bơi lội giỏi, thuộc đường bể, biết trước những lúc có thể xảy ra mưa gió, thông các phép tính”. Binh lính mới tuyển phân thành thượng hạng, trung hạng và hạ hạng và phải hoàn toàn là những người tình nguyện chứ không phải bị cưỡng bách và được trả lương. Binh lính cũng phải có lý lịch tốt, được thân thuộc và lý dịch bảo đảm.
- Quyền lợi: Quân lương chế độ đầy đủ và chu đáo, được thưởng lương tiền và cả chức quan khi lập quân công.
- Thưởng cho tuyển mộ: Nhằm đảm bảo binh lính là người tố chất tốt nên Bùi Viện còn đưa ra cả chính sách thưởng cho những ai tìm được nhiều người tham gia như sau:
- 5 đến 10 thủy binh: phong đội trưởng
- 10 thủy binh trở lên: phong tòng cửu phẩm
- 20 thủy binh trở lên: phong chánh cửu phẩm
- 30 thủy binh: phong tòng bát phẩm
- 40 thủy binh: phong chánh bát phẩm
- 50 thủy binh: phong tòng thất phẩm
- 60 thủy binh: phong chánh thất phẩm
- 70 thủy binh: phong tòng lục phẩm
- 80 thủy binh: phong chánh lục phẩm
- 90 thủy binh: phong tòng ngũ phẩm
- 100 thủy binh: phong chánh ngũ phẩm
- 200 thủy binh: phong tòng tứ phẩm
- 300 thủy binh: phong chánh tứ phẩm
Kỷ luật quân sự và lương bổng tử tuất
Vì “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội” nên Bùi Viện đã tạo ra một bộ kỷ luật thép áp dụng cho đoàn quân của mình. Tuy là quan văn nhưng ông thừa hiểu một đoàn quân gồm cả dân chài và hải tặc nếu không có kỷ luật thì sẽ không thể dùng được, phải dùng lợi dẫn dụ cùng với quân uy mà chấn nhiếp. Quân luật của ông quy định trách nhiệm liên đới giữa binh sĩ và người chiêu mộ, vừa chịu tội, vừa phải bồi thường công quỹ.
Điều thú vị nhất của quân luật Bùi công là những quy định có nguồn gốc từ hải tặc cũng được đưa vào. Thật ra, ý tưởng này không mới mà đã được “vua hải tặc” Nguyễn Huệ áp dụng trước đây để quản hạm đội cướp biển hỗn hợp của mình.
Luật của Bùi công chủ yếu áp dụng những quy luật có sẵn của hải khấu. Nó mang dáng dấp những quy định kiểu giang hồ nghĩa sĩ vì hải khấu ở biển Đông thường là hội viên của một số bang hội, giáo phái (ví dụ như Thiên Địa Hội hay hải tặc nhà Trịnh Thành Công Đài Loan dưới thời Quang Trung). Họ sống theo những tiêu chuẩn nghĩa khí riêng của tổ chức, rất tàn nhẫn với kẻ phản bội hay không hết lòng.
Khi đưa những luật này vào thực thi, ta có cảm giác rằng chủ tướng Bùi Viện đã từng phải lăn lóc sống cùng hải tặc một thời gian dài, nghiên cứu khá sâu rộng về những tổ chức này và nắm vững được những quy luật của họ nên mới làm được như thế. Có lẽ, Bùi Viện trong lúc công tác ở Doanh điền sứ nhận nhiệm vụ đánh dẹp hải tặc ở Ninh Hải đã thực hiện nghiên cứu này chăng? Kết quả là ông đã đưa ra những biện pháp tưởng thưởng và trừng phạt khác thường, hiệu quả hơn cách làm của các tướng quân truyền thống.
Bùi Viện qua luật của mình kêu gọi tính anh hùng hảo hán, lòng trọng lợi cùng kỷ luật nghiêm minh, nhờ đó đám giặc bể với những tay giang hồ cộm cán nhận thức ông là một thủ lĩnh kiệt hiệt gần gũi với họ hơn là một văn quan thư sinh. Trong cách trị quân, ông lại hết lòng với anh em, chia vui sẻ buồn, đụng trận xông ra trước, áp dụng triệt để đạo làm tướng mà cổ nhân thường đề cao. Ông chú ý đến những tiểu tiết quan trọng, ví dụ như “Quân Luật” của ông cũng viết bằng văn vần để cho anh em tướng sĩ dễ hiểu nhất về những quyền lợi của mình khi chiến đấu:
“Giáp tàu giặc, tàu nào tới trước,
Kẻ cắm cờ người lấy hương lô.
Tiền công lệ đã trọng thù,
Đồng đoan giai bạn cũng cho hoa hồng.
Còn hóa hạng công đồng định thưởng,
Trước nhất tàu được thưởng năm thành.
Còn thừa chia cả đoàn binh,
Mấy thành châm chước phân minh cũng đều”.
Ngoài việc tưởng thưởng và phong quan, ông còn quan tâm đến cả chế độ tử tuất cho chiến sĩ trận vong, hỗ trợ gia đình người mất để người chinh chiến an tâm công tác. Vì thế, tinh thần chiến đấu của Tuần Dương Quân rất cao. Cái hay ở đây là sự quan tâm của ông lại thể hiện rất mộc mạc qua văn chương và vô cùng thực tế khi áp dụng. Ta có thể thấy điều này qua bài văn điếu hai người chiến sĩ trận vong của ông:
“Người sống ở đời,
Tiếng thơm là trọng.
Chết mà phải nghĩa,
Chết cũng như sống.
Than ôi hai anh,
Vô tình đạn lửa.
Bắn vào nhâu nhâu,
Há vì ham tước,
Há vì ham lộc.
Tấm thân ngàn vàng,
Bỏ đi một chốc.
Vì chưng trọng nghĩa,
Nên coi rẻ thân”.
Các quốc gia Đông Á phong kiến như Đại Nam thời đó chưa có trường huấn luyện tướng soái chuyên dành cho văn quan chuyển sang nghiệp võ mà mà chỉ bổ nhiệm theo nhận xét riêng của vua quan. Bùi Viện có thể thành công trong vai trò lãnh đạo và xây dựng hạm đội hải quân chỉ bằng cách tự học tự làm thì quả là một tài năng hiếm có! Nếu nói riêng về mặt tổ chức hải quân, chắc cũng không kém Nguyễn Huệ quá nhiều.
Tận nhân lực tri thiên mệnh, đừng đem thành bại luận anh hùng
Tuần Dương Quân non trẻ của Bùi Viện tuy chỉ thành lập thời gian ngắn, nhưng với cơ chế quản lý linh hoạt, chiêu mộ hiện đại hiệu quả và các chính sách trị quân hợp lý đã có những thành quả rất tốt.
“Tháng tư năm 1878, quân ta giao chiến với giặc Tàu Ô ở Hà Tĩnh, dùng hỏa công đốt tàu địch khiến chúng phải chạy trốn, tịch thu một chiến thuyền cùng lương thực đạn dược và bắt được 18 tên cướp. Đến tháng 5 cùng năm, quân ta lại giao tranh với địch ở Thanh Hóa trong khi hải phỉ đang cướp một tàu buôn. Quân ta truy kích địch đến tận đảo Hải Nam (Trung Hoa), tịch thu một chiến thuyền và đạn dược, khí giới. Nhờ hai chiến công đó, dân chúng cảm thấy tự tin hơn nên các thương cảng trở nên sầm uất, tàu thuyền ra vào buôn bán ngày một nhiều. Một thời gian sau, các chi điếm cũng được mở tại Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam. Trên bộ, Bùi Viện cho xây lại những pháo đài, bố trí súng đại bác để canh phòng mặt biển”.
(Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân – Nguyễn Duy Chính)
Dù ông đã tận lực, Tuần Dương Quân cũng đã cố gắng hết sức, nhưng ai biết mệnh Trời khó lường. Có lẽ Thiên mệnh không muốn người dân Nam phú cường, mà phải chịu cái nhục mất nước trăm năm.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 (1878), ông đột ngột từ trần khi mới vừa 39 tuổi, có lẽ là cái tuổi nghiệt ngã của các thiên tài hải quân Đại Việt (Quang Trung và Bùi Viện). Cái chết của ông cũng có nhiều điểm còn mờ ám vì thật bất ngờ và không có dấu hiệu gì báo trước. Có người cho rằng cách làm mạnh mẽ của ông ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, làm nhiều người lo lắng. Thử đặt mình vào vị trí của ông vua hơn tứ tuần, sức khỏe bạc nhược suy nghĩ về một con người dũng mãnh, táo tợn như Bùi Viện? Chưa kể người này lại có tài trị được cả bọn giặc khách, tính tình lại ngông nghênh, trong tay còn chỉ huy một đội thủy binh hùng hậu đóng ngay cạnh kinh thành, thì làm sao mà yên tâm cho được! Cứ cho rằng cái chết của ông chỉ là một sự ngẫu nhiên, thì việc chương trình cải cách của ông ngay sau đó bị gạt sang một bên, không được tiếp nối quả thật rất đáng ngờ.
“Cả ngày mồng một ông vẫn mạnh mẽ như thường nhưng đến chập tối thì ông kêu đau nhức khắp mình mẩy. Đến nửa đêm, Bùi Viện chết”.
(Trần Chúc Phan, Bùi Viện với Chính phủ Mỹ: Lịch sử ngoại giao triều Tự Đức)
Tạm kết:
Năm 1972, nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz đã giới thiệu trước Hiệp hội phát triển khoa học Hoa Kỳ một bài nói chuyện có tựa đề : “Tính dự đoán được: Liệu con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra cơn lốc ở Texas?”. Theo đó, một cái đập cánh của con bướm nhỏ bé có thể gây ra sự thay đổi (dù rất nhỏ) trong điều kiện gốc của hệ vật lý, dẫn đến những thay đổi lớn về thời tiết như cơn lốc tại một địa điểm cách nơi con bướm đập cánh hàng vạn km. Nói cách khác, những thay đổi nhỏ bé có thể dẫn đến những kết quả vĩ đại.
Trong lịch sử cũng không hiếm những con người bình thường và nhỏ bé lại có thể làm nên kỳ tích. Bùi Viện chính là một người như thế. Ông chỉ là một nhân vật không nổi bật lắm trong lịch sử Việt Nam, ngay cả sử nhà Nguyễn cũng chỉ ghi rất vắn tắt về ông. Ngày nay, tên của ông là tên một con “phố Tây” rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Nhưng cũng chỉ có thế, rất ít người biết về ông và sự nghiệp của ông. Có lẽ vì ông không phải Tiến sĩ, cũng chẳng phải Tam Khôi và càng không phải là đại thần phụ chính nên sử quan không lưu tâm chăng?
Ấy vậy mà một con người nhỏ bé của nước Nam như thế, một viên quan nhỏ và trẻ tuổi như thế chỉ cần được cho thêm một ít cơ hội và ít nhiều thời gian thì có lẽ thế giới đã có thay đổi không nhỏ theo như “hiệu ứng cánh bướm” vậy.
Thật vậy, thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 được mệnh danh là “Thời kỳ giong buồm” vĩ đại (The Great Age of Sail). Các quốc gia châu Âu phát triển mạnh về hàng hải và hải quân tranh nhau giành thế thống trị biển cả. Đây là một thời đại vô cùng sôi động và bùng nổ về sự cạnh tranh giữa các quốc gia nằm trên hải lộ quốc tế; tất cả các nước có hải quân hùng mạnh và thương mại phát triển đều trở nên giàu mạnh nhanh chóng vì quá trình tích lũy tư bản và thực dân. Đó chính là chìa khóa của việc canh tân hiệu quả, của phú quốc cường binh.
Việc Đại Việt có một hạm đội hải quân hùng mạnh, kiểm soát hoàn toàn biển Đông và tuyến hải lộ quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới đi qua nó là nhân tố chính của đại kế giúp dân tộc cất cánh trong suốt 400 năm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Chỉ cần làm được điều này, không những chúng ta không bị đô hộ mà còn có thể giải quyết tất cả những tranh chấp trên biển Đông một cách triệt để từ thời xa xưa. Chúng ta cũng có thể khẳng định ưu thế chủ quyền tuyệt đối không thể tranh cãi trên vùng biển huyết mạch này. Vì từ thời Tây Sơn mãi cho đến nhà Nguyễn về sau, lực lượng hải quân Đại Nam vẫn là mạnh nhất khu vực, được công nhận bởi hầu như tất cả quốc gia kể cả Trung Hoa. Sẽ không thể có chuyện “tàu lạ” hay “giàn khoan nước ngoài” diễu võ giương oai như bấy lâu nay.
Dù nước ta may mắn trải qua thế kỷ 16 đến 18 không bị nạn ngoại xâm hay nạn hải tặc nhờ vào lực lượng hải quân khá mạnh của các Sứ quân, nhưng sang đến thời Nguyễn thống nhất thì chính hoàng đế với lòng nghi kỵ khi trải qua nhiều cuộc phiến loạn trong nước đã tự mình chặt bỏ cánh tay quan trọng nhất của mình, cánh tay duy nhất có thể phá tan xiềng xích u ám nô lệ trăm năm của dân tộc: hải quân. Điều này khiến cho quốc gia dù có nhân tài như Bùi Viện, Vũ Duy Thanh (Bảng nhãn Vũ Duy Thanh – người đề xuất nghiên cứu chế tạo tàu ngầm) cũng chỉ có thể làm hết phận sự rồi đành trách số Trời mà thôi.
Xem việc xưa mà ngẫm đời nay, quốc phú cường binh thực chất là trông cậy vào phẩm chất của chính dân tộc, tư chất của lãnh đạo; còn những thứ như vũ khí hay công nghệ nếu thiếu con người thì đều sẽ thành vô dụng cả.
(Hết)