Bùi Viện và giấc mộng cường quốc Đại Nam dang dở (P.2)
Phần 2: “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió, muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”
Từ Hương Cảng, ông phải đi qua Yokohama (Nhật Bản) rồi sau đó mới theo tàu đi thẳng đến San Francisco, hết một năm mới đặt chân lên đất Mỹ. Đối với một nhà Nho không biết tiếng Anh, chỉ biết tiếng Trung, chưa hề làm chính thức một vị trí đối ngoại nào mà lại dám đi đặt quan hệ ngoại giao với một cường quốc phương Tây thì quả là một việc phi thường, trong lịch sử Việt Nam chắc chỉ có Bùi Viện mới dám…
Từ một biến cố nhục nhã:
“Tháng 4 năm 1873, vua Tự Đức được các quan hộ giá ra chơi cửa Thuận An. Trong khi vua đang ngự lãm thì có 9 chiếc tàu buồm vận tải của nha kinh lược Bắc Kỳ chở tiền tài và quân lính vào Huế. Đột nhiên từ ngoài khơi hai chiếc tàu ô tiến đến chĩa súng bắn sang, ta thua chạy, hai chiếc tàu bị giặc cướp mất. Các võ quan ta bắn thần công ra nhưng không trúng được phát nào, bọn giặc bắn giết chán chê rồi lại giong thuyền chạy mất. Bùi Viện đã làm một bài thơ kể rõ việc này, đồng thời chế nhạo sự hèn yếu của thủy binh nước ta. Biến cố đó ít nhiều khiến cho vua ta nhận chân được sự hủ bại của triều đình và có lẽ vì thế đã chuẩn y đề nghị của Bùi Viện xin được xuất dương xem xét tình hình và tìm cách cầu viện”.
(Nguyễn Duy Chính – Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân).
Từ những năm 1873 cho đến khi vua Tự Đức buộc phải ký Hiệp ước Giáp Tuất (15/03/1874), có thể nói là quân đội Đại Nam đã hoàn tất quá trình hủ bại của mình. Ngay cả việc đánh Pháp ở miền Bắc cũng phần lớn nhờ vào quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Triều đình phải nhượng bộ nhiều yêu sách của thực dân Pháp và nguy cơ mất cả nước đã rất rõ ràng, nên chủ trương tìm kiếm những đối trọng khác ở nước ngoài để chấn hưng đất nước và cứu vãn họa xâm lăng. Với tài năng và tư duy cải cách của mình, Bùi Viện trở thành ứng viên hàng đầu cho việc xuất ngoại cầu viện. Tuy nhiên, sự dè dặt của triều đình Huế và chức quan nhỏ của Bùi Viện chỉ đủ để đưa ông đến Hương Cảng (Hong Kong) thăm dò người Anh (vì họ là đối thủ của người Pháp).
Nhưng khi đến Trung Hoa, Bùi Viện nhận ra người Anh và người Pháp cũng đều là thực dân như nhau, cầu viện họ chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”. ‘Thiên triều’ Trung Hoa thì đang trong cảnh kiệt quệ, lo cho thân mình chẳng xong thì càng không phải nói đến.
Trong thời gian lưu lại Hương Cảng, ông gặp được nhà đại diện truyền giáo (commissioner) Hoa Kỳ tại Quảng Đông, vì vào thời gian này có nhiều phái bộ truyền giáo của Mỹ tới đây giảng đạo, tranh giành ảnh hưởng với các phái bộ Thiên Chúa giáo La Mã. Người Mỹ lúc này đóng vai trò trung gian buôn bán giữa người Anh và người Trung Hoa. Qua tìm hiểu, ông biết nước Mỹ là một cường quốc phát triển từ một thuộc địa và có tầm ảnh hưởng đang lên. Ông quyết định lên đường sang Mỹ cầu viện.
Chuyến đi này là do ông quyết đoán mà “tiền trảm hậu tấu”, đi mà không hỏi trước sự cho phép của triều đình. Tương truyền, ông phải làm giả mũ áo giấy tờ của quan viên tam phẩm để có thể đi đến Mỹ và gặp được Tổng thống.
Từ Hương Cảng, Bùi Viện phải đi qua Yokohama (Nhật Bản) rồi sau đó mới theo tàu đi thẳng đến San Francisco, hết một năm mới đặt chân lên đất Mỹ. Đối với một nhà Nho không biết tiếng Anh, chỉ biết tiếng Trung, chưa hề làm chính thức một vị trí đối ngoại nào mà lại dám đi đặt quan hệ ngoại giao với một cường quốc phương Tây thì quả là một việc phi thường, trong lịch sử Việt Nam chắc chỉ có Bùi Viện mới dám.
Ông cảm khái ghi lại việc này qua những vần thơ sau:
“Tháng chín Hoành Tân (Yokohama) nhấp chén chơi,
Trời Nam ngoảnh lại dạ khôn nguôi.
Ba đào hứng mới tan hồn mộng,
Đất nước tình xưa tít dặm khơi.
Lầu các coi chừng nay đổi mới,
Bồng hồ riêng thú đã bao đời.
Vui vầy ngại nỗi khi chia rẽ,
Thuyền đó bao giờ lại thả bơi”.
(Phan Trần Chúc dịch).
Nhờ sự vận động của người bạn, nhà truyền giáo Mỹ ở Hương Cảng, Bùi Viện đã được Tổng thống Ulysses Simpson Grant (1822 – 1885) thân tiếp một cách nồng hậu. Tổng thống Mỹ hứa sẽ giúp đỡ, vì nhận thấy tham vọng của người Pháp ở Á Đông quá rõ ràng và quan hệ ngoại giao Pháp – Mỹ đang ở thế đối lập. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm của Bùi Viện không chính thức vì không có quốc thư (do ông tự ý quyết đoán đi Mỹ chưa thông qua triều đình), vì thế mà Hoa Kỳ không thể tuyên bố ủng hộ được.
Bùi Viện đã quay lại Mỹ lần thứ hai vào khoảng năm 1874 với đầy đủ quốc thư và tư cách viếng thăm chính thức, nhưng lúc này quan hệ ngoại giao Pháp – Mỹ đã nồng ấm nên ông đành thất bại quay về. Vừa về đến nhà lại phải thụ tang mẹ vừa mất. Cảm cho tấm lòng trung quân và sự cống hiến vô tư của ông, vua Tự Đức đã ban khen như sau:
“Trẫm với người tuy chưa có ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ Thần tất cũng biết vậy”.
Tuần Dương Quân – hạm đội hải quân bảo tiêu chuyên nghiệp độc nhất của nước Nam
Sau thất bại ngoại giao với Hoa Kỳ, Bùi Viện nhận ra các cường quốc Âu Mỹ đều có một điểm chung là có nền mậu dịch biển phát đạt và lực lượng hải quân cực kỳ hùng mạnh. Một phần sức mạnh quân sự đó là dùng để xâm chiếm tài nguyên nước khác và quan trọng hơn là bảo vệ sự an toàn cho con đường thương mại biển trước các toán hải tặc vốn cũng phát triển như nấm sau mưa theo sự sôi động của các hải lộ quốc tế.
Bùi Viện nhận ra con đường tự cường của Đại Nam không thể thiếu một lực lượng tương tự, đủ mạnh để khống chế vững chắc hải lộ trên lãnh thổ, đảm bảo an toàn cho giao thương quốc tế. Một khi thương mại phát triển mạnh mẽ, quốc gia sẽ có đủ chi phí để phát triển sức mạnh quân sự nhằm bảo vệ độc lập của chính mình. Tư duy này vô cùng giống với tư duy của Nhật Bản cùng thời Minh Trị Duy Tân (1866 – 1869), đã tạo nên một cường quốc duy nhất ở Châu Á có thể sánh vai với các nước phương Tây thời cuối thế kỷ 19.
Trong suốt lịch sử quân sự Đại Việt, các binh chủng thủy quân lừng danh hầu như chỉ dùng trong chiến tranh vệ quốc hay tấn công hậu phương của quân địch và hoàn toàn sống bằng ngân sách quốc phòng triều đình. Chưa từng có ai nghĩ đến việc tổ chức một hạm đội hải quân có thể tự nuôi sống chính mình và phát triển một cách chính quy hiện đại. Bùi Viện là người đầu tiên nghĩ ra và tổ chức thành công một lực lượng như thế.
Cơ hội đến khi ông được triều đình phong làm Thương chính Tham biện kiêm Tuần tải nha Chánh quản đốc, một chức quan tương tự như Đô đốc hải quân kiêm quản lý Hàng hải và Thương mại ngày nay. Ông đã lập ra Tuần Dương Quân.
Nhiệm vụ của Tuần Dương Quân được miêu tả như sau:
“Đội hải quân này sẽ đi tuần khắp miền duyên hải nước ta, đồng thời họ phải làm cả ba việc: vận tải lương tiền của nhà nước, hộ vệ cho các nhà buôn và trừ diệt những giặc biển hiện đang hoành hành ở biển Đông Hải”.
(Trích bản điều trần của Bùi Viện đệ lên vua Tự Đức)
Về cơ cấu, lực lượng này có thành phần tổ chức như sau:
1. Thanh Đoàn: là toán quân chuyên trị hải tặc Tàu Ô. Thành phần chủ yếu là hải khấu quy phục. Họ gồm toàn người Tàu và do tướng hải khấu Tàu chỉ huy. Họ từng là giặc Tàu Ô nên sẽ biết cách đối phó tốt nhất với hải tặc.
2. Thủy Dũng: là hải đoàn gồm toàn người Việt và do tướng Việt chỉ huy. Thành phần là thủy quân và dân chài được tuyển mộ.
Ngoài hai đoàn này, Bùi Viện còn lập thêm một lực lượng hải quân gồm 200 chiến thuyền đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông.
Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862) và Giáp Tuất (1874) với Pháp, triều đình Huế hầu như đã kiệt quệ với các khoản bồi thường chiến phí. Trông mong vào triều đình chu cấp cho Tuần Dương Quân là điều bất khả khi. Với tầm nhìn quốc tế và trí tuệ siêu phàm của mình, Bùi Viện đã xây dựng thành công Tuần Dương Quân theo con đường tự lập tự cường, tự trang bị.
Theo như cơ cấu và nhiệm vụ ở trên, đoàn quân của ông có thể duy trì và phát triển từ nhiều nguồn thu gồm: chi phí của hải quân, tiền đóng góp mãi lộ của nhà buôn và tiền công vận tải lương tiền cho triều đình. Trong đó, sự đóng góp của các nhà buôn sẽ tăng lũy tiến theo sự phát triển thương mại cũng như tận dụng các cảng biển quân sự để phát triển kinh tế.
Bùi Viện còn thể hiện tài năng quân sự của mình bằng một chương trình cải tổ sâu rộng dành cho Tuần Dương Quân, biến họ thành một hạm đội tinh nhuệ trong thời gian ngắn.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét