Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

TẾT VIỆT NAM

TẾT VIỆT NAM
Thanh Vân

Có những dân tộc trên thế giới dựa ngày tháng của quốc qia mình theo hệ thống mặt trời như dân Âu Châu và những dân tộc khác dựa vào sự vận hành của mặt trăng như dân Trung Hoa, dân Á Rập.
Riêng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Tàu nên ngày Tết của chúng ta cũng là ngày đầu năm Âm Lịch của đất nước Khổng Mạnh. Thật vậy, vì VN có lãnh thổ kế cận một quốc gia Trung Hoa to lớn nên họ lúc nào cũng nuôi ước mộng xâm chiếm nước ta. Trong quá khứ, Trung Hoa đã thường « thăm viếng » VN và không hề muốn trở về cố quốc. Chúng ta đã nhiều lần đẩy họ ra khỏi biên thùy nhưng Trung Quốc vẫn tìm cách trở lại. Mỗi lần họ chiếm đóng VN hàng chục năm, giai đoạn dài nhất kéo dài 5 thế kỹ (*). Điều đó giải thích tại sao văn hóa VN có nhiều điểm tương đồng ở nhiều phương diện với văn hóa Tàu. Bằng chứng là bộ lịch của hai quốc gia có cùng ngày tháng, Tết Nguyên Đán VN cũng là ngày đầu năm Trung Quốc.
Chúng ta xem ngày Tết là một dịp lễ quan trọng nhất. Ngày 30 Tết, trong gia đình các bà mẹ đã chuẩn bị các món ăn đặc biệt để dâng cúng Phật Trời cùng ông bà tổ tiên. Các bà nội trợ này cũng lo lắng sao cho mọi thứ đều đầy ắp trong gia đình, từ hủ gạo đến hồ chứa nước, đến hủ nước mắm, keo đường… như vậy trong năm gia đình không thiếu thốn !
Trong 3 ngày Tết, người ta cử không quét nhà vì lo sợ vật dụng sẽ ra đi. Mọi người đều lễ phép, nhã nhặn, vui vẽ để trọn năm đưọc an lành, yên ấm.
Ngày đầu năm, cha mẹ phát tiền li xì trong những bao thư đỏ sau khi nhận được lời mừng tuổi và chúc thọ, chúc sức khỏe cùng thịnh vượng của con cái, cháu chắt. Trước cửa nhà, vào đúng giao thừa và sáng mùng một Tết, những tràng pháo nỗ dòn để đánh dấu sự vui tươi và cũng để xua đuổi tà ma. Ngoài đường phố, đoàn trẻ con tung tăng, reo hò chạy theo các nhóm múa lân trong tiếng trống nhịp nhàng, rộn rã.
Ở thành phố Paris, Tết được tổ chức trong khu Á Đông y như ở quê nhà với không khí vui tươi, nhộn nhịp làm cho dân bản xứ cũng tò mò theo dõi. Năm nay, Tết Nguyên Đán là ngày 19 tháng hai, cầm tinh con Dê, Ất Mùi.
Theo lịch Trung Hoa và VN, mỗi năm một con vật trong số 12 con sẽ đại diện cho trọn năm. Mười hai con vật có mặt trong bộ lịch là : Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo. Theo truyền thuyết, Đức Phật vào thời tạo thiên lập địa đã rao gọi các thú vật đến diện kiến Ngài để lập 12 con giáp cho bộ lịch. Tất cả các con thú đều muốn có tên trong bộ lịch, nên cùng chạy đến. Chú chuột (Tí) với bản chất khôn lanh, biết mình không chạy nhanh hơn ai, nên đeo theo đuôi con Trâu. Khi đến nơi, chú chuột nhảy vọt qua thân hình anh Trâu vạm vỡ và rơi hạng nhất trước mặt Đức Phật và sau đó là theo thứ tự các con vật khác.
Mới nhìn qua, bộ lịch Tàu chỉ có 12 năm với 12 con giáp nhưng năm con Dê, Ất Mùi, của năm nay không hoàn toàn giống với con Dê của 12 năm tới. Người Trung Hoa phân biệt thêm 5 cung can khác nhau cùa mỗi con vật, do đó muốn tìm lại năm Ất Mùi chúng ta phải chờ 60 năm nữa bởi vì bộ lịch theo vận hành của mặt trăng có một chu kỳ là 60 năm. Mỗi người Trung Hoa hay Việt Nam khi đến tuổi 60 đều phải ăn mừng vì khó mà thấy hạn tuổi của mình trở lại lần thứ nhì. Nhưng biết đâu con người càng lúc càng sống lâu, ta sẽ đạt đến 120 tuổi để thấy hạn tuổi của mình xuất hiện lần nữa như một bà lão người Pháp Jeanne Calment đã thọ đến 122 tuổi.
Và càng phức tập hơn, trong 12 con giáp đó có con hợp nhau, có những con lại xung khắc. Ngày xưa các bậc cha mẹ khi chọn vợ gả chồng cho con thì luôn nhờ các nhà bói toán cân nhắc tuổi tác và chọn ngày lành tháng tốt để cử hành hôn lễ. Các cô dâu chú rễ không hề quen biết nhau trước mà đều do cha mẹ chọn lựa qua sự mai mối của những người trung gian. Nếu tuồi của cô dâu chú rễ xung khắc thì hôn nhân không thể tiến hành.
Phải chăng vì nhờ các ông bói toán chọn tuổi cho hợp nhau mà ngày xưa các ộng bà ta đều ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long? Hiện tượng ly dị không hề có trong xã hội vào thời đó và dù không hề quen biết nhau trước, các cụ cũng đã sống hạnh phúc cùng nhau chia xẻ cay đắng ngọt bùi đến cuối cuộc đời bên cạnh ríu rít đàn con đàn cháu. Truyền thống đôi khi xem vậy mà cũng hay đấy, bạn nhỉ ?
(Paris, 18 tháng 2 năm 2015)
Ghi chú:
(*) Lần đầu Trung Quốc xâm chiếm VN từ năm 207 đến 111 trước Công Nguyên, 96 năm. Lần thứ nhì từ năm 111 đến 39 trước CN, 72 năm. Lần thứ ba từ năm 43 đến năm 544. Lần thứ tư từ năm 603 đến năm 939. ( Theo “Cây Lịch Sữ VN”, Nguyễn Tấn Vinh, Vượt Sóng và “Việt Sữ Toàn Thư“ Phạm văn Sơn ).

Không có nhận xét nào: