Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

NĂM MÙI TẢN MẠN CHUYỆN "ÔNG THẦY"

NĂM MÙI TẢN MẠN CHUYỆN “ÔNG THẦY”
Lê Chí Thạnh
Năm nay - Ất Mùi - tản mạn chuyện “ông thầy” mà không be he một tiếng cho vui cửa vui nhà thì cũng hơi vô duyên nhưng tuần qua, vợ đã chỉ thị “viết vừa vừa thôi nghe, già rồi, viết d…quá người đọc lại rủa cho là đồ già dê, già dịch, già mất nết… cho dù mình chẳng có nết quỷ chi mà sợ mất! Ôi cái phận thằng tôi - trên đe dưới búa - mà không nghe lời thì “a lê hấp, ôm mền ra sofa ngủ một mình”. Xin quý độc giả thông cảm, ở cái xứ Chicago nầy, mùa đông tứ bề tuyết phủ, nằm chéo queo một mình trên chiếc sofa ọp ẹp - no body heat - thì cơ khổ biết là dường nào, đêm sẽ dài như “ba thu dọn lại”. 
Xin nói nói sơ qua về thân thế sự nghiệp của “ổng” một tí xíu cho phải đạo. Thế gian nầy có lắm loại ông thầy nhưng tôi hoàn toàn không dám đụng tới giới thầy tu, thầy dòng…tuy rằng hai giới nầy cũng có nhiều vị d…quá cở! Trước năm 1954, thuở hai sòng bạc Kim Chung và Đại thế Giới còn ngự ở Saigòn thì trong một trò chơi quay cò, con dê được mã số 35; từ đó số 35 là con số chết cho con vật nầy (?). Nhìn chung, dê là một con vật rất hiền lành, thân hình nhỏ thó, lông có màu xám, đen… cằm có túm lông cho nên người nào có hàm râu quặp thì gọi là râu dê. Con dê (dương … ) tính bẩm hiền lành, dễ thương…Vì thế (không rõ có phải vì thế ) mà hữu ý hay vô tình trong Hán văn những từ ngữ nào có mang tính hiền lành, tốt đẹp đều có mang bộ dương (羊) như mỹ: đẹp (美), tường: điều tốt lành (幸), thiện: hiền lành (善). Sự hiền lành của loài dê còn thể hiện ở cặp sừng cong về phía sau (không hàm ý tấn công). Dê thích ăn lá cây sầu đông (miền bắc gọi là soan, miền trung gọi là thầu đâu), lá cây so đũa, cây dâu tằm… Dê ăn lá cây chứ không phải là ăn chay như lời châm biếm hơi rẻ tiền của anh Nguyễn Ngọc Ngạn trong một cuốn Paris By Night nào đó trước đây vài ba năm. Dê rất hiền lành, thích đứng chơi ở những thế đất cao. Dê thì quả thật hơi dê !!! Điều nầy, sau 30-4-1975 khi được “người anh em bên kia Bến Hải” cho làm tư lệnh một bầy dê tại Trại tù Bình Điền - Thừa Thiên một thời gian dài, tôi đã thực chứng được điều đó. Chúng tôi được lao động 365 ngày/một năm vì phải cho dê đi ăn. Khi loáng thấy hai anh em chúng tôi thì con dê cụ (con dê đực lớn nhất trong bầy) liền giành chỗ đứng sát cửa chuồng và như ai cũng thừa biết là cụ giành ưu thế nhảy lên lưng chị dê cái để làm tình. Hành động của dê cụ mang tính chàng ràng, ôm đồm - tham công tiếc việc thái quá! Đang ở trên lưng em nầy chưa đi tới đâu đã vội vàng nhảy xuống trèo lên lưng em khác! Việc làm tình của dê có tính liên tục, đạn dược xem chừng sung mãn lắm (?!) trong khi con người thì phải sâm, nhung, quế, phụ, viagra, hải cẩu bổ thận hoàn… mà cũng chẳng tới đâu! Vì vậy, ở lãnh vực nầy, tôn dê làm “ông thầy” quả thực không hổ danh! 
Trong tác phẩm Lục Súc Tranh Công gồm 453 câu, được tác giả viết theo lối tuồng với nhiều câu đối nhau thành cặp theo thể biền ngẫu khiến khi đọc người ta có cảm giác như đang nghe diễn viên hát tuồng trên sân khấu, đã nói về dê từ câu 248 đến câu 259 trong phần Mã. Phần nầy tác giả vô danh đã giới thiệu vóc dáng, tính tình, công năng của dê dưới dạng bị ngựa chê bai như sau:
… “Dê với ngựa cũng là giống thú. 
Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi.
Dê, người cho ăn nhảy chơi bời.
Ngựa, người bắt kỵ biều, luân tế.
Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ.
Hình con con, bụng lớn chang bang.
Cáng náng như đứa có hạ nang.
Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp.
Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc.
Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn.
Hễ thấy người thấp thoáng đôi bên.
Liền hả miệng kêu la: bé hé!”.
(Kỵ biều: cưỡi ngựa đua. Luân tế: tế là chạy mau mà đều bốn chân, luân tế là chạy theo lối tế đều đều. Chang bang: cái bụng lớn phình ra. Cáng náng: đi rãi hai chân ra nên khó bước. Hạ mang: chứng sưng ngoại thận làm chân phải đi hai hàng. Hữu đầu vô vĩ: có cái đầu, không có cái đuôi, ý nói đuôi dê quá nhỏ không cân xứng với thân xác. Tế kiệu: tế là chạy mau và đều bốn chân , kiệu là chạy nước nhỏ).
Rồi ở phần VII: Dương, tác giả cho dê phản pháo:
“ Dê nghe ngựa nói dê quá tệ. 
Bèn chạy ra , vác mặt, vênh râu.
…..
Việc dê thì dê biết.
Việc ngựa chạy thì ngựa hay.
Bừa cày có thú bừa cày.
Kiệu tế, có muông kiệu tế.
Dê vốn thật thuộc về việc tế lễ.
Để hòng khi về dạng tư văn
Để khi tế thánh, tế thần.
Lại có thuở kỳ yên kỳ phước.
Hễ có việc, lấy dê là trước.
Dê dâng rồi, người mới lạy sau.
Ngựa tuy rằng hình tướng lớn cao.
Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa?
Dầu đến việc làm đình làm chợ
Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ.
Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư
Cũng lấy dê khấn đầu tổ đạo.
Lễ cốc sóc, thánh nhân còn bảo:
Tử Cống sao dê sống bỏ đi.
…………
Hèn như dê ai mà dám đọ.
Tiện như dê, quí bất khả ngôn.”
(Muông: thú vật. Tư văn: nho sĩ. Kỳ yên: lễ cầu cho làng xóm được bình an. Kỳ phước: lễ cầu cho được phước. Tam sanh: là ba con vật hy sinh, mà hy sinh nghĩa nguyên thủy là con vật dùng để cúng tế, nghĩa là vì công việc chung mà chịu thiệt thòi, chịu mất tài sản hay cả đến tính mạng mình. Ba con vật đó là bò, heo và dê. Mạng tướng xuất sư: việc ra lệnh cho tướng mang quân đi giết giặc. Tổ đạo: lệ xưa ghi rằng khi tướng mang quân đi thì có lễ giết một con dê tế cờ. Cốc sóc: cổ lễ ghi rằng mỗi mồng một hằng tháng phải giết một con dê để cúng ở Thái Miếu). Sách Luận Ngữ còn chép rằng: thầy Tử Cống - đại đệ tử của thầy Khồng Tử - muốn bỏ lễ cúng dê nầy nhưng Thầy Khổng không đồng ý…
Tuy thế, khi người đời bảo ai đó là con dê tế thần thì lại hàm ý vì thấp cổ bé họng mà phải chịu hình phạt thay cho kẻ khác, nó chỉ là bung sung cho sự việc. Hồi còn mồ ma cái gọi là “chính phủ của dân nghèo”của tướng râu kẽm NCK - dân thì lúc nào chẳng nghèo, chỉ có mấy viên tướng tham nhũng, buôn lậu…mới giàu (quế tướng công, còi hụ Long An… mới giàu!) - tướng ta hô hào chống gian thương, tham nhũng… Hắn ta đem một tử tội vô danh tiểu tốt ra pháp trường cát trước chợ Bến Thành bắn một cái đùng: gian thương Tạ Vinh đền tội! Trong khi đó thì Tạ Vinh thật đang ngồi phòng lạnh trong một khách sạn 5 sao, uống Hennessy bên xứ sở đảo quốc sư tử Singapore! Không biết Vinh đã đánh đổi bao nhiêu kim cương hột xoàn cho trò diễn ma chê quỷ hờn đó? Còn ở miền bắc “xã hội chủ nghĩa ưu việt dân chủ tự do gấp trăm lần nhà nước phương tây” theo như lời bà phó Đoan nói thì chúng ta bắt gặp nhà nhà thơ cung đình, phó thủ tướng kinh tế Tố Hữu, tác giả sách quốc sách “sự quân bình giữa giá, lương và tiền” được đảng và nhà nước đem ra thi hành dưới cái gọi là Nghị Quyết 9. Nhưng quả là “trời không dung, đất không tha, cỏ cây ta thán, nhân dân oán hờn”, nền kinh tế lúc đó “ăn cao lương của ngựa” đi đong! Đảng phán “diễn tiến hòa bình” cho nhà thơ mang thân phận con dê tế thần về đuổi gà giúp vợ. 
Trở lại thân phận dê, nghiệp chết của nó rất bi thảm. Người ta cho rằng muốn cho thịt dê ngon, không có mùi hôi thì phải hành hạ cho dê toát hết mồ hôi ra. Người ta cột dê vào một cái cọc và đánh cho dê chạy vòng quanh. Mồ hôi dê toát ra, lấy giẻ lau khô mình nó rồi mới thọc tiết. Huyết dê hòa với rượu uống nóng tại chỗ, phía đông y cho là rất bổ dương. Dái dê đem ngâm rượu thì cường dương, bổ thận, tráng tinh, dân ham vui rất chuộng. Thịt dê làm được rất nhiều món ăn ngon miệng: dê bọc mỡ chài, dê nướng, dê hầm hạt sen, dê nấu cà ri, dê nấu rượu mận, dê xào lăn, dê nướng tay cầm, dê nướng chả ba lớp... Đặc biệt ngọc hành dê hầm thuốc bắc hiện đang là món ăn rất đắt tiền tại các quán nhậu bên nhà vì dân chơi cho là “ăn cái gì bổ cái đó”; họ cho đó là một dạng Viagra sinh động, khoái khẩu… nhất cử lưỡng tiện. Bởi thế, khi về thăm quê nhà, chắc các bạn không ngạc nhiên khi thấy rất đông quý vị già dê ngồi vắt vẻo nhâm nhi nhậu ngọc dương bò đực, uống rượu huyết dê… hầu tránh cảnh sụt sùi khóc ngoài quan ải. Còn có cà dái dê vì nó rất giống bộ phận sinh tinh của dê cụ. Loại cà nầy đem nướng, bóc vỏ, chấm nước nắm giằm ớt ăn rất bắt cơm. Loại cà nầy đối với tù nhân trại tù Bình Điền/Thừa Thiên như chúng tôi lại là mối “tử thù” vì cà có vị chát mà được nấu với muối ròng thì eo ôi…rất khó nuốt! 
Đàn ông, con trai để hàm râu quặp thì gọi là hàm râu dê, cầm tinh sợ vợ. Tôi chỉ nói sợ vợ chứ không sợ đàn bà con gái. Ở quê nhà, sau cuộc chỉnh lý 30-01-63 do ông tướng râu dê cầm chịch, khi báo chí hỏi “ông nghĩ thế nào về bà Ngô Đình Nhu”, tướng ta đã trả lời lời một câu dê dễ sợ luôn: bà ấy đáng bị đánh đòn!
Người miền nam vốn chơn chất, để chỉ việc thanh niên đi chim gái, tán gái thì họ bảo đi dê một tiếng cho tiện sổ sách hành chánh. Mở miệng tán gái thì họ gọi là thả dê. Kẻ đi dê bừa bãi, già không bỏ nhỏ không tha thì được gọi là dê đạo lộ... Đi dê liên tu bất tận, ham dê, dê thái quá thì họ phán là dê một trăm mấy, gọi thế có thể là vì 100% đã là ý niệm tràn đầy, là quá cỡ! Nay lưu lạc xứ người đã có kẻ sử dụng ngôn ngữ Việt Mỹ đề huề gọi đó là dê overtime. 
Giờ tôi xin trở lại chuyện d…trong văn chương chữ nghĩa để gọi là làm vừa lòng bà xã cho có chỗ ăn yên ngủ yên. Chuyện kể rằng ngày xưa - lại là ở bên Tàu - người mình có cái tật vọng ngoại, cái gì của Tây của Tàu mới thiêng. Học trường làng, quỳ xơ mít chảy máu đầu gối mà mở miệng thì lại nói hồi xưa “moi” học trường Tây, con cưng ông nghè, cháu ông ký!! 
Trong bộ Hồng Lâu Mộng - một trong ngũ đại tài tử thư của văn chương Trung Hoa, tác giả Tào Tuyết Cần - truyện có em Phan Kim Liên thơm như múi mít.Tả cảnh danh gia vọng tộc khi gặp ngày Trung Thu còn gọi là thực tiết (lễ ăn uống): Sau lễ tế trăng tiến hành lúc trăng lên, Giả Mẫu đưa mọi người lên Đột Bích Sơn Trang để ăn bánh, ngắm trăng, uống trà, họ quay quần bên chiếc bàn tròn hàm ý đoàn viên được treo đèn kết hoa thật đẹp và dĩ nhiên không thể thiếu đèn sừng dê để cầu mong mọi sự an lành. 
Cũng chuyện kể từ bên Tàu đã cho người đời chữ tin nhạn, được hiểu là thư tín qua chuyện Tô Vũ chăn dê. Chuyện kể rằng vào thời Hán Nguyên Đế (48-43 trước Tây Lịch), Tô Vũ tự Tử Lăng làm Trung Lương Tướng Quân được vua sai đi sứ Hung Nô, vì không chịu khuất phục nên bị chúa Thuyền Vu bắt giam trong một cái hang lớn. Sau đó lại bị đày lên Bắc Hải và bị buộc phải chăn dê. Suốt 19 năm dài ròng rã, đói rét kham khổ, ông vẫn không hề đổi chí. Đến đời Thành Đế ( 32-7 trước Tây Lịch), hai nước lại thân thiện, vua Hán sai sứ sang xin cho Tô Vũ về. Cháu Thuyền Vu nói dối là Tô quân đã chết. Vua Hán lại không tin, cho người sang đòi thêm lần nữa. Lần này, Thường Huệ dặn sứ giả nói với Thuyền Vu rằng: vua Hán đi săn, bắn được một con nhạn ở vườn Thượng Lâm, chân nhạn buộc một lá thư lụa nói rằng ông còn sống. Chúa Thuyền Vu tưởng thật bèn tạ lỗi và đưa Tô Vũ về Hán. Thời Nghi Đế (7-1 trước Tây Lịch), ông được phong tước quan Nội Hầu và khi chết được vẽ hình lên gác Kỳ Lân.
Trong truyện Cung Oán Ngâm Khúc của ta, cụ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều khi viết về nỗi buồn của người cung nữ trong cung cấm, mơ bóng quân vương đoái hoài mà vua thì đêm đêm ngự trên xe dê (羊車 dương xa) khảm vàng mạ ngọc đi tìm người đẹp qua đêm. Các bà bèn rải lá dâu để dụ dê, hễ dê vào nơi nào thì vua nghỉ lại nơi đó. Các nàng thường than thân trách phận hẩm hiu rồi an ủi nếu phải duyên hương lửa cùng nhau thì cần gì phải rắc lá dâu:
“Trên chín bệ mặt trời gang tấc.
Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu.
Phải duyên hương lửa cùng nhau.
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

Thâm khuê vắng ngắt như tờ.
Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ.
Dấu dương xa lối cũ quanh co.
Lầu Tần chiều nhạt vẻ thu.
Gối loan tuyết đóng, chăn gù giá đông.”
( Cung Oán Ngâm Khúc). 
Và cuối cùng bài viết, chúng tôi xin kể hầu quý vị một chuyện liên quan đến bà dê chúa Võ Tắc Thiên cho có vẻ nam nữ bình quyền (!). Trong cuốn Tình Sử Võ Tắc Thiên của một tác giả người Tàu, bản dịch bày bán ở Sàigòn thập niên 70 của thế kỷ trước có viết: vào triều đại Võ hậu, những vị quan vai u thịt bắp, sung sức…đều được bà mời vào cung cấm để ân ái. Khi đã “liễu chán hoa chê” bà đưa họ lên mạn ngược, sơn lam chướng khí sẽ giết chết họ về sau. Cũng trong sách đó có một chuyện thuộc loại thâm cung bí sử là Võ hậu có một sợi lông dài “quá cỡ thợ mộc”, bà đứng ở trên long sàng mà sợi lông còn đụng mặt đất, tác giả kết luận: bà đó có sợi lông d…tướng.
Cảm ơn quý độc giả đã cất công đọc bài viết tào lao dẫn thượng, không đâu vào đâu cả, xin kính chúc quý vị “năm mới thân tâm thường an lạc”.

Không có nhận xét nào: