Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

NHÂN VẬT QUAN TRỌNG SINH VÀO NĂM MÙI

NHÂN VẬT QUAN TRỌNG SINH VÀO NĂM MÙI
Phạm đình Lân

1. Mikhail S. Gorbachev (1931- ) là người lãnh đạo trẻ tuổi nhất ở Liên Sô (54 tuổi). Gorbachev có tư tưởng cởi mở hơn tất cả các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Liên Sô từ thời Stalin đến Chernenko. Người ta cho rằng ông chịu ảnh hưởng của vợ ông, Raisa, người từng dạy ông ở đại học. Thực tế ông Gorbachev ghê sợ chế độ Cộng Sản. Gia đình của ông là nạn nhân của chế độ và trải qua những phút kinh hoàng dưới thời Đại Thanh Trừng do Stalin phát động. Đường danh vọng của ông mở rộng nhờ khả năng và sự nhẫn nhục của ông nhất là sự giúp đỡ tận tình của ông Andropov, người đồng hương với ông. Andropov (1914- 1984) là trùm KGB và lãnh đạo của Liên Sô từ năm 1982 đến 1984 sau khi Brezhnev chết. Gorbachev lên cầm quyền với tư cách chủ tịch nhà nước và tổng bí thơ đảng năm 1985 sau khi Chernenko chết đột ngột. Ông thực thi perestroika nhằm cải cách kinh tế và xã hội và glasnost tức đường lối cởi mở, lành mạnh hóa xã hội chống tham nhũng và tệ đoan xã hội. Đối với các nước Tây Phương ông chủ trương tài giảm binh bị. Năm 1988 Liên Sô rút quân khỏi Afghanistan. Năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở các nước Đông Âu. Đông và Tây Đức thống nhất. Năm 1989 là năm Gorbachev ban hành luật bầu cử bắt buộc đảng viên Cộng Sản phải ra tranh cử đương đầu với ứng cử viên không Cộng Sản. Năm 1990 ông được bầu làm tổng thống đầu tiên của Liên Sô. Cũng năm này ông lãnh giải thưởng Nobel Hòa Bình. Năm 1991 Gorbachev bị đảo chánh. Chế độ Cộng Sản cáo chung ở Liên Sô. 
2. Boris Yeltsin (1931- 2007) là tổng thống Nga đầu tiên sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Liên Sô. Yeltsin xuất thân từ một gia đình nông dân khá giả trước cách mạng tháng 10. Vì lẽ đó cha ông bị xem là thành phần chống chế độ Cộng Sản và bị đưa vào trại cải tạo tập trung lao động. Khác với Gorbachev, Yeltsin không phải là một người học giỏi mà một người hiếu động, thích thể thao, đánh vật. Vì trộm một trái lựu đạn và vì không biết sử dụng lựu đạn nên lựu đạn nổ làm có một bàn tay của ông bị mất gần hết các ngón. Yeltsin được sự nâng đỡ của Gorbachev. Ông là người mạnh dạn xé thẻ đảng Cộng Sản và công khai chỉ trích Gorbachev cải cách quá chậm. Khi xe tăng đảo chánh Gorbachev xuất hiện ở Moscow ông đứng trên xe tăng lên án các quân nhân chủ trương đảo chánh. Cá nhân ông Gorbachev được an toàn nhưng ông phải từ chức. Liên Sô giải thể. Yeltsin được bầu làm tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga (1991). Dưới thời cai trị của ông nước Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn, vô trật tự do tệ nạn du đãng, tứ đổ tường, sự suy lụn kinh tế gây ra. Yeltsin là người nghiện rượu. Trong cuộc khủng hoảng giữa hành pháp và lập pháp ông giải tán quốc hội và cho nã đạn bắn vào quốc hội. Năm 1996 ông tái đắc cử. Nhưng sự lãnh đạo của ông càng ngày càng kém cỏi hơn. Năm 1999 ông từ chức và chọn Putin xử lý quyền tổng thống cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử khác. Ông mất năm 2007.
3. John Maynard Keynes (1883- 1946) là nhà kinh tế lỗi lạc của Anh giữa hai thế chiến và giáo sư đại học Cambridge nơi cha ông giảng dạy và bản thân ông từng tốt nghiệp đại học nổi tiếng này. Ngay từ lúc mới vào lớp mẫu giáo Keynes đã nổi tiếng về khả năng toán học. Ông đậu cử nhân toán với điểm số cao nhất vào năm 1904. Giáo sư và là nhà kinh tế nổi tiếng Alfred Marshall khuyến khích Keynes theo học kinh tế học. Năm 1909 bài viết kinh tế đầu tiên của Keynes được phát hành. Năm 1911 ông là chủ bút tờ Economic Journal. Ông Keynes có tham dự hội nghị Versailles năm 1919. Ông khó chịu trước những đòi hỏi bồi thường quá nặng của Pháp đối với Đức. Ông viết The Economic Consequences of Peace (Những Hậu Quả Kinh Tế Thời Bình) để tiên liệu những khó khăn kinh tế mà Đức phải đương đầu sau hiệp ước Versailles. Ông Keynes chỉ trích Anh duy trì kim bảng vị. Đồng bảng Anh có giá trị cao nhưng gây trở ngại cho việc xuất cảng hàng hóa Anh, nạn thất nghiệp tăng vọt thời hậu đệ nhất thế chiến. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới Hoa Kỳ và Anh bị ảnh hưởng nặng nề. Kinh tế gia Keynes chủ trương chống tăng thuế, chống chánh sách khắc khổ, chống việc sụt giảm chi tiêu của chánh phủ. Ông chủ trương chánh phủ phải can thiệp để chấm dứt khủng hoảng kinh tế, gia tăng vay mượn nợ và chi xài để tạo công ăn việc làm cho một số tài nguyên nhân lực thất nghiệp ngồi nhà chịu đói khổ vì không có công ăn việc làm. Năm 1942 John Maynard Keynes được phong tước quí tộc. Ông tham dự hội nghị Bretton Woods với Hoa Kỳ và có vai trò quan trọng trong dự án thành lập World Bank (Ngân Hàng thế giới) và International Monetary Fund (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế). John Maynard Keynes mất năm 1946.
4. Benito Mussolini (1883- 1945) là nhà độc tài phát xít Ý gốc là một giáo viên, một hạ sĩ trong đệ nhất thế chiến. Ông đả kích những sắp xếp của hội nghị Versailles và thành lập đảng cực hữu cấp tiến gọi là đảng Phát Xít (fascio: bó, chùm tượng trưng cho sự liên kết, liên minh). Mussolini thành công trong việc cướp chánh quyền bằng bạo lực năm 1922. Ông có tham vọng biến nước Ý thành một đế quốc như đế quốc La Mã ngày xưa. Năm 1936 Ý sáp nhập Ethiopia. Trong ba quốc gia trong phe Trục, Nhật ở Á Châu; Đức và Ý ở Âu Châu, Ý là quốc gia yếu nhất trong phe Trục. Từ tham vọng đế quốc Mussolini phải nhờ sự giúp đỡ và bảo vệ của Đức Quốc Xã. Quân Đồng Minh đổ bộ vào miền Nam nước Ý năm 1943. Mussolini lẩn trốn ở Salo ở miền Bắc. Năm 1945 ông bị Cộng Sản Ý bắt cùng với tinh nhân là Clara Petacci. Cả hai bị xử bắn ở làng Giulino di Mezzegra. Thầy của Mussolini bị treo ngược đầu ở thành phố Milan.
5. Juan Domingo Peron (1895- 1974) là nhà độc tài quân nhân ở Argentina. Ông làm tổng thống ba lần: 1. từ 1946- 1951, 2. từ 1951- 1955 (bị đảo chánh), 3. 1973- 1974. Ông có ba đời vợ. Bà vợ thứ nhất là Aurelia Tizon chết năm 1938. Bà vợ thứ hai là Eva Duarte là người đã giúp ông trên đường danh vọng. Người vợ thứ ba là Isabel Martinez. Ông cưới bà Isabel năm 1961 sau khi mất chánh quyền 06 năm. Năm 1955 Peron bị lật đổ. Ông bỏ chạy sang Panama rồi sống lưu vong ở Tây Ban Nha dưới sự che chở của nhà độc tài Franco. Năm 1973 Peron về nước và được đắc cử tổng thống. Vợ ông, bà Isabel, là phó tổng thống. Năm 1974 ông mất. Bà Isabel trở thành nữ tổng thống đầu tiên ở Tây Bán Cầu. Bà vợ thứ hai và thứ ba của Juan Peron đều sinh vào năm Mùi và có tên tuổi lớn trên chánh trường Argentina.
Bà Eva Duarte Peron được biết dưới tên Evita (1919- 1952) là một ngôi sao điện ảnh. Bà trở thành một huyền thoại ở Argentina. Chính những công tác xã hội và tôn giáo của bà giúp cho tướng Peron thành công lớn trong sự nghiệp chánh trị. Bà luôn luôn đấu tranh cho nữ quyền, cho người lao động, cho những người mình trần không áo che thân (Descamisados). Bà giữ chức tổng trưởng Y Tế và Lao Động dưới thời tổng thống Peron. Năm 1951 bà được Peron đưa lên làm phó tổng thống. Năm sau bà mất vì bịnh nan y trước sự thương tiếc của giới lao động, các nhà hoạt động từ thiện Thiên Chúa Giáo. Hàng trăm ngàn người tiễn đưa bà đến nơi an giấc ngàn thu. Giới quân phiệt và thượng lưu giàu có ở Argentina không có thiện cảm với bà. Evita (Tiểu Eva) là tựa đề của một cuốn phim nói về cuộc đời và những hoạt động xã hội, cứu tế và nhân quyền của bà. Bài hát Don’t Cry For Me, Argentina (Argentina, Xin Đừng Khóc Cho Tôi) nổi tiếng là bài hát tán tụng công đức của bà đối với quê hương Argentina của bà.
Bà Isabel Peron (1931- ) là vợ thứ ba của Peron. Bà là một nữ ca sĩ gặp ông Peron năm 1955 ở Panama sau khi Peron bị lật đổ. Năm 1961 Peron cưới bà làm vợ và đưa bà về Tây Ban Nha. Năm 1965 bà Isabel về Argentina móc nối với các ủng hộ viên của tổng thống Peron. Năm 1973 Peron từ Tây Ban Nha về nước tham dự cuộc bầu cử tổng thống và được đắc cử. Bà Isabel trở thành phó tổng thống. Năm 1974 Peron mất. Bà Isabel trở thành tổng thống xứ Argentina. Khác với bà Evita, bà Isabel là người thất nhân tâm, không được sự mến chuộng của dân chúng Argentina. Bà không có đường lối hay chính sách gì rõ rệt mà mải mê bói toán. Bà áp lực tổng thống Peron trọng dụng thầy bói José Lopez Raga trong chánh phủ. Ông này điều khiển tổ chức 3A (AAA) tức Liên Minh Argentina Chống Cộng (Argentina Anti- Communist Alliance) gây khủng khiếp cho các đảng viên Cộng Sản, những người tả khuynh thân Cộng và những người đối lập với bà Isabel, chỉ nhắm mục đích củng cố địa vị cho nữ tổng thống. Năm 1976 quân đội đảo chánh. Bà Isabel Peron bị cầm tù đến năm 1981 mới được thả và sống lưu vong ở Tây Ban Nha. Chánh phủ Argentina đòi dẫn độ bà về xứ để làm nhân chứng về những hoạt động đẫm máu của tổ chức 3A nhưng chính phủ Tây Ban Nha từ chối viện lẽ bà đã già yếu (2008).

Không có nhận xét nào: