Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

VÌ SAO TA KHÓC?

VÌ SAO TA KHÓC ?
Sưu tầm

Một câu chuyện có thật xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2008 và đã được đưa lên BBC & CNN… (Ở đâu có kẻ thủ ác thì ở đó có những con người vô cảm!)

Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng.
Lúc ấy, một người đàn ông trung niên nom yếu ớt, tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.
Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…
“Này ông kia, ông xuống xe đi!” cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói:
“Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”
“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại và vài hành khách bình thản cười.
Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe và nói:“Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”
Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”
Điều bất ngờ là hành khách, vốn tảng lờ trước hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói:
“Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công chuyện đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!”
Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe.
Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!”
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe.
Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe:
“Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?”
Cô lái xe không nói gì cả, chiếc xe bus càng lúc càng phóng mau hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.
Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn” (Tiger Taming Hill): "Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng".
Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc! Mọi người chết cả, chỉ một mình ông thoát chết. Tại sao ông khóc?
Đặc điểm nhận dạng của con người là sống liên đới. Sống là sống với, sống vì, sống cho. Không ai là một hòn đảo. Con người không còn là con người nữa khi đánh mất đi tình liên đới. Và tiếng khóc là một nét chấm phá đặc trưng của con người. Mỗi tiếng khóc đều phát xuất từ đáy sâu tâm hồn con người, có khi là niềm vui nhưng thường khi là để diễn tả một sự mất mát, nhất là khi sự mất mát đau đớn không thể nói nên lời.
Tiếng khóc của người đàn ông này là tiếng khóc trước sự mất mát tính người nơi con người.
Đó là tiếng khóc cho sự bất nhân của ba tên du côn đã tước đoạt nhân phẩm của cô lái xe chỉ để thỏa mãn những khoái lạc hạ đẳng.
Đó là tiếng khóc cho sự im lặng của những hành khách vì hèn nhát mà không dám đứng lên làm người (kiến nghĩa bất vi phi dũng giã). Những người đó trước thì run sợ im lặng làm lơ khi có người bị xúc phạm và cam chịu ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, sau lại nhao nhao lên đòi hỏi và tống cổ một người ra khỏi xe chỉ vì một chút tiện lợi cho mình.
Đó là tiếng khóc cho những giọt nước mắt của cô lái xe, khóc cho một tâm hồn đã bị giết chết.
Và cuối cùng đó là tiếng ông khóc cho phận làm người của mình: Làm người là sống liên đới, ông đã sống liên đới nhưng nhìn chung quanh ông chỉ thấy toàn là những tâm hồn đã chết, những thi hài biết đi! Cuộc sống có còn là cuộc sống không nếu nó chỉ toàn là liên đới với người đã chết. Ông thấy như đó là cái chết của chính mình. Ông khóc cho mình, cho cái chết của mình.

Không có nhận xét nào: